Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại sinh năm 1955 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp khoa Văn – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG Hà Nội), là tiến sĩ văn học. Ngoài làm thơ, ông viết phê bình và nghiên cứu văn học.
Ông là tác giả của: “Nơi em về”, “Mùa hạ”, “Trái tim người lính”, “Dưới sắc cờ và trời thu Hà Nội”… (thơ); “Một số đặc trưng của thơ tứ tuyệt đời Đường” (nghiên cứu), “Khoảng trời con gái” (kịch)…
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nguyên là Phó ban Văn hóa – văn nghệ Báo Nhân Dân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (khóa 2011 – 2015).
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
Quán cà phê trên phố Hàng Hành, buổi sáng đầu thu Hà Nội, khá bình yên. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại trễ hẹn. Khi đến, ông thanh minh là vừa từ trường quay Truyền hình Nhân Dân – nơi ông vẫn cộng tác, đi ra. Rồi câu chuyện khiến tôi hiểu vì sao ông hẹn gặp gần phố Hàng Trống, nơi nhiều năm ông làm việc ở báo Nhân Dân, lại cũng hiểu vì sao gần đây ông tham gia làm phim tài liệu về các bậc tiền bối. Mà bộ phim mới nhất là “Thái Duy: Sống và viết” ông vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn.
PV: Vào một buổi sáng đầu thu Hà Nội đẹp như thế này, sắp đến ngày Quốc khánh 2/9, ông nghĩ gì về đất nước mình, dân tộc mình?
Nhà thơ NGUYỄN SĨ ĐẠI: Tôi không thích sống ở nước ngoài. Ẩm thực Việt Nam đối với tôi là nhất thế giới. Ở một số nước chúng ta biết đấy, họ làm việc là chính còn coi việc ăn uống là việc tạm, ăn nhanh, tranh thủ ăn cho xong. Nhưng chúng ta khác. Bất cứ món gì của Hà Nội cũng ngon. Người Việt Nam là nghệ sĩ trong lĩnh vực ẩm thực.
* Thế còn công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta hiện nay thì ông có suy nghĩ gì?
– Từ Cách mạng Tháng Tám, rồi bước vào thời kháng chiến chống Pháp cho đến năm 1975, giai đoạn này tôi cho rằng ý Đảng lòng dân thực sự là một. Tuy là gian khổ và cũng có những nhược điểm trong quản lý kinh tế, trong chủ quan duy ý chí, nhưng về cơ bản Đảng với dân là một. Và nó làm nên sức mạnh dân tộc.
Đến sau này, trải qua 19 năm đất nước bị cấm vận. Mọi nguồn lực viện trợ từ bên ngoài không còn. Đất nước vô cùng khó khăn. Nhu cầu của con người là cần kiếm sống. Ai là người có điều kiện kiếm sống nhất. Một là thương nhân, những người rất linh hoạt với thời cuộc, hai là quan chức những người có thể lợi dụng quyền chức. Lâu dần thành quen. Mà không phải vài trường hợp, đến Đại hội XI, Đảng đã nhận định là “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên” suy thoái. Nói như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là “cả một bầy sâu” thì nhân dân nào chịu được, đất nước nào chịu được. Chúng ta từ một dân tộc vốn rất tôn trọng đạo lý giờ đi học, đi bệnh viện cũng nảy sinh những hành vi “lót tay” phong bì, rồi đến chạy chức chạy quyền.
Nhà báo Hữu Thọ đã từng đặt ra vấn đề mua quan bán tước, vậy thì có người mua thì phải có người bán. Cho nên, chống thì phải chống từ gốc, chống từ người bán. Thứ hai là lý thuyết quét cầu thang, không ai quét cầu thang lại quét từ dưới lên, mà phải quét từ trên xuống. Cho nên công cuộc chống tham nhũng của chúng ta trước đây trong nhiều năm không đạt kết quả như mong muốn là vì nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chúng ta chỉ “tắm từ vai trở xuống”.
Cho nên phải nói rằng từ Đại hội XI trở đi, khi ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Tổng Bí thư, thì công cuộc chống tham nhũng của chúng ta đã khác với giai đoạn trước. Chúng ta phải dũng cảm, như Bác Hồ đã nói, không ai không có khuyết điểm, vấn đề là tiếp nhận và sửa chữa. Tất nhiên, sửa chữa xong thì cũng không bao giờ hết được khuyết điểm. Nhưng đến bước nào thì sửa bước đó, đời này chưa làm hết thì đời sau làm. Đấy mới là lịch sử.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và chúng ta là những người cộng sản chúng ta phải biết rằng nó là một tiến trình lịch sử.
Những người cộng sản, những người lãnh đạo cần phải nhận thức sâu sắc hơn nữa, Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng ta là đảng lãnh đạo. Nhưng quyền ấy là nhân dân trao cho, mà theo tư tưởng của Bác Hồ thì trước khi làm người lãnh đạo, anh phải làm người đầy tớ của nhân dân. Nhiều người lãnh đạo bây giờ không biết làm đầy tớ chỉ muốn làm lãnh đạo, chỉ muốn chỉ tay năm ngón. Tội này cá nhân tôi cho rằng còn to hơn tội tham nhũng. Phải chống được cái này vì phải có nhận thức đúng thì mới dẫn đến hành động đúng được. Sau khi chống tham nhũng, từ những trường hợp tham nhũng điển hình vừa rồi, phải quay lại chú trọng giáo dục phẩm chất con người. Khi một đất nước phát triển mà quên phát triển xã hội nhân văn thì làm sao tốt hơn được.
* Vừa rồi ông có xuất bản cuốn “Nguyễn Bính – hồn dân tộc”. Đây là nhà thơ đã được nhiều người nghiên cứu rồi. Trong cuốn sách này có điều gì mới phát hiện về Nguyễn Bính nữa không?
– Đối thoại với thế giới không phải chỉ là học theo họ mà phải làm cho mình lớn mạnh hơn, đồng thời cũng phải trình ra với thế giới, nói như cách nói của nhiều người là hộ chiếu đi ra thế giới, là bản sắc dân tộc mình. Nói một cách đơn giản thì mỗi dân tộc có một bản sắc riêng. Mỗi một số phận con người hay mỗi một dân tộc dù nhỏ bé bao nhiêu thì nó cũng giống như một hành tinh, nó không tẻ nhạt.
Mà bản sắc của mình trước hết là phải tự tôn dân tộc. Nguyễn Bính là nhà thơ mang hồn dân tộc đậm nét, nên tôi ca ngợi.
Khi nghiên cứu về Nguyễn Bính, nghiên cứu sự lan tỏa của Nguyễn Bính thì tôi chú trọng chính là ở cái hồn dân tộc ấy. Hồn dân tộc trong thơ Nguyễn Bính như thế nào? Có phải ở cây cam, cây bưởi, phiên chợ hay cái gì khác nữa? Thì từ hình ảnh cụ thể mình tìm ra được những gì sâu ở bên trong. Thơ Nguyễn Bính vừa cụ thể giậu mùng tơi, cây cau vừa trừu tượng khái quát hóa thành biểu tượng văn hóa. Vì thế thơ Nguyễn Bính khác thơ Đoàn Văn Cừ, khác thơ Anh Thơ ở chỗ đó. Đồng thời ông cũng rất hiện đại và tôi muốn khám phá cái sự hiện đại, cái sự khái quát, cơ chế sáng tạo nghệ thuật ở Nguyễn Bính là gì mà ông có thể truyền tín hiệu đi xa đến thế.
* Cũng mới rồi, ông ra mắt bộ phim tài liệu về nhà báo Thái Duy. Cái việc nhà thơ, nhà báo Nguyễn Sĩ Đại làm phim là rất mới mẻ, vì trước đó ông làm thơ, làm báo, rồi khi nghỉ hưu tham gia trong ban lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội. Vậy cơ duyên từ đâu vậy?
– Trước bộ phim về nhà báo Thái Duy tôi đã làm một số phim rồi. Khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời thì tôi đang làm cộng tác cho Truyền hình Nhân dân. Tôi đã từng làm phim về Bác Hồ, về Tổng Bí thư Trường Chinh, về nhà ngoại giao Xuân Thủy, về nhà báo Hồng Hà. Tuy đã có một chùm phim đoạt giải B của Giải Búa liềm vàng nhưng tôi tự thấy chưa thành công được bao nhiêu.
* Đến bộ phim “Thái Duy: Sống và viết” thì sao? Tôi nghe chị Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nói là anh rất mong muốn được làm phim này?
– Bộ phim về nhà báo Thái Duy thành công hay không tôi không dám nói, nhưng tôi thấy thỏa mãn. Thỏa mãn cả tình cảm cá nhân của tôi, lẫn mọi yếu tố của bộ phim.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta yêu nghề báo, đồng thời chúng ta kính trọng những nhà báo có đóng góp lớn cho sự phát triển của nghề nghiệp và cho sự phát triển của đất nước. Bác Thái Duy thì thực ra tôi đã đọc rất nhiều. Đặc biệt là về vấn đề khoán mới trong nông nghiệp thì tôi là người được gần gũi những người ủng hộ cho khoán hộ như ông Hữu Thọ, ông Lê Điền, ông Nguyễn Minh Chuyên – nguyên Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng, người từng làm Bí thư Huyện ủy ở Hà Tĩnh khi mới 18 tuổi. Đó là một người gắn bó với đời sống nông dân, gắn bó với thực tiễn cách mạng. Một lớp cán bộ gắn bó với thực tiễn, gắn bó với nhân dân thì họ sẽ phát hiện ra điều gì nhân dân cần, điều gì nhân dân mong muốn.
Khi Bảo tàng Báo chí ra đời trong tôi xuất hiện ý nghĩ xuất phát từ cuộc đời làm báo đã tiếp xúc với nhiều người tầm vóc rất lớn, mình ngưỡng mộ, mình muốn viết về họ nhưng công việc bận rộn khiến mình cứ tặc lưỡi để đấy. Rồi thi thoảng lại đọc tin một cụ ra đi, thì rất tiếc, rất xót xa. Cho nên tôi muốn dành một khoảng thời gian nhất định của mình để viết về những bậc tiền bối. Nếu mà mình cứ để đấy không làm là rất tiếc. Đấy, lý do làm phim đầu tiên là xuất phát từ tình cảm.
Nhà báo Thái Duy là một trường hợp đặc sắc, rất ấn tượng. Như chúng ta đều biết “Sống như Anh” từng là tác phẩm gối đầu giường. Cần phải có cuốn sách, có bộ phim tri ân đặc biệt với tác giả của cuốn sách gối đầu giường ấy, cuốn sách tôi rất thích, như một cách để tôi trả nợ cho nghề báo, trả nợ cho nghề văn.
Thái Duy là người chưa từng giữ một chức vụ gì. Có lẽ đó là lý do để khi làm phim về ông tôi cảm thấy được thỏa mãn. Bởi vì tôi không hề có một áp lực nào khi làm phim. Mà mình cũng không cần phải “khéo” gì cả.
* Ông đã làm bộ phim này trong bao lâu?
– Phim về nhà báo Thái Duy tôi ấp ủ trong nhiều năm. Riêng các hình ảnh được quay là suốt từ năm 2016 tới nay. Và tôi sẽ vẫn còn trau chuốt nữa. Nên sở dĩ sau buổi chiếu ra mắt vừa rồi tôi vẫn chưa phát hành bộ phim là vì thế. Mặc dù có thể chỉnh sửa nữa có thể làm mất đi cái hồn nhiên ban đầu nhưng tôi vẫn cố gắng để làm thế nào cho nó tốt hơn nữa.
* Không hiểu ông nghĩ thế nào, chứ tôi thì vẫn thấy cái sung sướng của người làm báo thế hệ cụ Thái Duy là cứ thế ăn lương Nhà nước và làm báo, không phải quan tâm đến cơ chế thị trường. Thứ nữa là nhà báo có thẩm quyền như cụ Thái Duy là không cần chức vụ gì vẫn trở thành khách của Bác Hồ, của các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Thậm chí cụ từng được cả lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc lẫn Cuba tiếp đón. Ông thấy làm báo thời nay khác trước ra sao?
– Thời buổi bây giờ không cần năng khiếu người ta vẫn làm được báo. Ví dụ sự kiện ra mắt phim về nhà báo Thái Duy vừa rồi. Tôi tìm đọc thì có đến vài chục bản tin đăng trên các báo giống hệt nhau, và giống hệt thông cáo báo chí. Không một phóng viên nào chủ động phỏng vấn thêm một câu nào. Thực sự là thấy rất buồn. Sự khác biệt của báo chí bây giờ dựa vào đâu?
Sự khác biệt của thế hệ đi trước với hôm nay có lẽ là trước đây người ta yêu nghề báo một cách thật sự, để trở thành nhà báo thực sự là một vinh dự, người ta có lý tưởng. Thậm chí sau này mới có lương chứ hồi đầu kháng chiến như ông Thái Duy làm báo đâu có lương. Một trong những thành công của họ là họ có lý tưởng, có tâm thế của lao động, cống hiến. Bây giờ thì làm báo là một nghề, nghề kiếm sống như mọi nghề khác. Điều ấy đúng nhưng khi nó quá thiên lệch, đặt nặng việc kiếm tiền thì nó biến nghề báo trở thành công cụ để kiếm sống mà bản chất báo chí không phải như vậy. Bản chất của báo chí là phụng sự chứ không phải là công cụ của bất cứ một lực lượng nào.
Bây giờ báo chí có xu hướng phục vụ doanh nghiệp thì tức là phục vụ lợi ích cá nhân. Báo chí phục vụ lợi ích cá nhân là một xu hướng được cảnh báo từ Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước. Và nhiều thập niên qua cả báo chí thế giới, báo chí Việt Nam cũng đang có xu hướng như vậy.
Nhiều người làm báo bây giờ thông minh, sử dụng công nghệ rất nhanh nhưng có thể nói bên cạnh những ưu điểm thì tôi thấy những lo ngại. Nhưng chúng ta vẫn tin tưởng thế hệ nào thì cũng có những người tử tế và những màu xanh nhú chồi.
* Ông đã nhắc đến cái màu xanh kỳ diệu trong những câu thơ Nguyễn Sĩ Đại: “Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh”. Không biết ông có theo dõi mạng xã hội không, nhưng tôi thấy độ lan tỏa (viral) của những câu thơ này là rất lớn. Tôi thường xuyên bắt gặp ai đó chụp ảnh với cây với hoa, hoặc ít nhất là mặc váy áo màu xanh rồi dùng câu thơ của ông làm đầu đề (caption).
– Thực ra tôi làm bài thơ, là để tự sự, nó là tâm sự của riêng mình. Từ khả năng của mình, mình làm được gì đúng khả năng của mình và được phân công làm đúng khả năng thì tốt hơn là cứ chạy đua hoặc mong muốn điều mình không làm được. Bài thơ này là chiêm nghiệm trong đau khổ mới viết ra được chứ không phải tự nhiên có thể nghĩ ra được một cái điều tự nhiên, đơn giản như thế.
* Và rồi câu thơ khi được lan tỏa nó đã mang một đời sống khác?
– Về bài thơ ấy hầu như là nhiều năm trước, nhiều người cũng không biết người viết câu thơ ấy là tôi. Có người biết thì bảo khi đọc câu thơ ấy có tính chất an ủi. Đối với tôi, chỉ cần được như thế là cảm thấy rất vui. Tuy là tôi viết ra thật nhưng nhiều khi tôi nghĩ không phải mình là tác giả vì rất nhiều người cũng suy nghĩ như thế. Tôi cũng cho rằng mình chẳng có phát kiến gì lớn mà đó là sự đồng cảm của chúng ta, sự đồng cảm của những người thuộc thế hệ chúng ta. Chứ cũng chả lớn lao gì vì điều ấy thì trẻ con cũng nghĩ được mà.
Câu thơ cũng có số phận và câu thơ là một thực thể độc lập với tôi, độc lập với chúng ta. Và chúng ta giống như nấp dưới bóng cây được một bóng cây che mát. Bình thường mọi sự vật trong cuộc đời đều nương tựa lẫn nhau chứ không chỉ là cái này chỉ nương tựa cái kia mà bao giờ cũng có tác động qua lại. Có những người tìm được sự nương tựa vào câu thơ ấy.
* Trân trọng cảm ơn nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại!
Dẫn nguồn: http://daidoanket.vn/