Nhà văn Đức Ban sinh năm 1949 tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.Hiện sống tại Phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Có 10 năm (1995 - 2005) làm Chủ tịch, Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh - Hội VHNT Hà Tĩnh, 4 năm (2005 - 2009) làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh. Năm 2010, nghỉ hưu. Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu chân dung, truyện ngắn “Mồng 10 tháng 8” của nhà văn Đức Ban và bài viết “Nhà văn và những phận đời” của nhà nghiên cứu lý luận phê bình Hà Quảng.
Nhà văn Đức Ban
Sinh năm 1949 tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Hiện sống tại Phường Nguyễn Du, Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Từng làm nhiều việc: Học sinh Phổ thông, làm ruộng, đóng gạch ngói, đi thuyền vận tải, dạy học, dân công hỏa tuyến, Thanh niên xung phong, học Viết văn, nhân viên Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh.
Có 10 năm (1995 - 2005) làm Chủ tịch, Tổng Biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh - Hội VHNT Hà Tĩnh, 4 năm (2005 - 2009) làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh. Năm 2010, nghỉ hưu.
Đã xuất bản 21 đầu sách gồm: Truyện ngắn, truyện vừa, truyện thiếu nhi, ký chân dung, kịch.
Giải thưởng nhà nước về VHNT năm 2006.
Mồng 10 tháng 8
ĐỨC BAN
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mồng mười tháng Tám chọi trâu thì về
(Ca dao)
Ngoài rìa thị xã, về phía mặt trời lặn có một ngôi nhà nhỏ nằm đơn côi giữa một bãi cây trinh nữ. Những cây trinh nữ mọc từ thuở nảo nào, thân xám mốc, khía lá oằn ẹo và hoa nhỏ tím ngát cả bốn mùa. Bạn tin hay không tin thì tùy, nhưng quả đúng thế, cái thứ trinh nữ hoa tươi bốn mùa ấy. Góc sân, cái sân đất nhăm nhít kẽ nứt có hai cây dâu già, cành lưa thưa lá rụng rơi xuống bậu cửa sổ bay vào tận chân giường.
Sau chiến tranh chống Mỹ cho đến giờ, khi tôi viết câu chuyện này đã hơn hai chục năm, chủ nhân ngôi nhà ấy là hai người đàn bà. Họ cùng tuổi, cùng đi thanh niên xung phong, cùng làm công nhân di tu bảo dưỡng đường và cùng chưa chồng. Kỹ hơn, cái quá khứ của họ ở trong ba tờ báo in thuở chiến tranh đã úa vàng nằm tại thư viện tỉnh và trong ký ức của người cùng thời với họ. Mà những người ấy nay ở thị xã tôi thì ít ỏi lắm. Hai người đàn bà ấy cũng chẳng mấy khi nhắc lại chuyện xưa cũ. Thậm chí họ còn cáu kỉnh cái trí nhớ dai ngoằng của mình. Thảng hoặc, sự trái tính trái nết của con gái quá lứa lỡ thì sinh ra chuyện dỗi hờn cãi cọ, nhưng mọi thứ rối rắm linh tinh ấy von lại trong bốn bức phên nứa không ra đến bãi cây trinh nữ. Rồi qua, tâm thái họ trở lại yên hòa. Ngôi nhà nhỏ chìm vào trong bầu yên tĩnh.
- “Hai người đàn bà sống với nhau tốt quá!” - Dân thị xã nhỏ, rất ít cây xanh của tôi nói thế. Vài gã rỗi rãi kháo chuyện trong quán rượu rằng, những đêm trời động có bốn giọt lửa bay từ trong nhà hai người đàn bà ấy ra, lượn lờ giữa bãi cây trinh nữ rồi vút thẳng vào những khung cửa có bóng đàn ông, mãi canh hai, canh ba mới uể oải bay về. Một sự bịa đặt xem ra có nguồn cơn của nó: Không ít đàn ông khỏe mạnh đã từng thấy rõ ánh lửa lóe lên trong mắt hai người đàn bà. Đến dạo, thay vì ánh lửa ấy là một làn sẫm tối buồn nao lòng. Không nghe lời bàn tán về hai người đàn bà ấy nữa. Cái sự quan tâm của dân thị xã tôi nó đỏng đảnh và thất thường như cái thời tiết bán sơn địa này.
Ngỡ mãi mãi cái buồn nao lòng ấy. Nhưng cũng như mọi thứ trên cõi đời này, sự mãi mãi chỉ là điều bịa đặt. Cuộc sống hai người đàn bà, cả đến bầu yên tĩnh đã nói ở trên, bị phá tung. Mà có phải vì chuyện động trời đục nước đâu. Bắt đầu bằng một người đàn ông, làm nghề bốc vác ở bến xe tỉnh.
Chuyện xảy ra vào một đêm mưa, những hạt mưa bay lang thang nhìn thấy được nhờ ánh sáng của những tia chớp lóe lên phía rừng. Người đàn bà thứ nhất dẫn người đàn ông ấy về nhà. Họ không mở cổng mà giẫm lên bãi cây trinh nữ đi tắt vào sân.
- Ai đấy? - Người đàn bà thứ hai đang ngồi ôm gối trên giường, thõng chân xuống, ngước mặt hỏi.
- Anh Cương, người yêu của tao. - Người đàn bà thứ nhất đáp, mắt long lanh.
Im lặng một lúc lâu. Rồi người đàn bà thứ hai nắm tay người đàn bà thứ nhất kéo vào phòng trong. Chị nói:
- Yêu à? Thế mà không nói với tao một tiếng. Bạn với chả bè.
- Thì mới quen nhau...
- Nhanh gớm!
- Ờ... Tình yêu mà.
Người đàn bà thứ hai bỗng cáu kỉnh:
- Thôi đi!
Người đàn bà thứ nhất giật mình, rồi cúi đầu như kẻ có lỗi.
- Thì tao đã đưa anh ấy về nhà chúng ta.
- Chu đáo đến vậy đấy.
Một làn tối lướt qua khuôn mặt người đàn bà thứ nhất. Chị khép đôi hàng mi có nét chì xanh, bốn mươi sáu năm qua chưa hề có. Chị nói, giọng hiu hắt:
- Mày biết chúng mình bao nhiêu tuổi rồi đấy... Bằng lứa ta, người ta đã có con đàn, cháu đống.
Người đàn bà thứ hai mềm nhũn người, chị bíu vào vai bạn.
- Tao vừa dại dột cái gì vậy?... Không, tao không nói gì cả mà.
Người đàn bà thứ nhất ôm lấy bạn, dỗ dành:
- Không! Tao không lấy chồng đâu. Tao ở lại với mày.
Người đàn bà thứ hai đẩy bạn ra.
- Lảm nhảm những lời dại dột rồi. Thôi, ra với người ta đi!
Người đàn bà thứ nhất đưa ngón tay cái và ngón tay trỏ gỡ vu vơ trên mái tóc bạn một lúc rồi rón chân bước ra phòng ngoài.
Còn một mình, người đàn bà thứ hai uể oải xoài người xuống giường. Mặt chiếu hôi hổi nóng. ánh điện nhập nhọa. Chị nhắm mắt. Bóng tối trùm lên chị, và hình như bò rân rân khắp da thịt chị. “Ngủ” - chị nói với mình. Như ức triệu lần chị từng nói với mình. Nhưng nào có ngủ được! Chị ngồi dậy rồi nằm xuống, rồi lật nghiêng người. Mở mắt, chị nhìn chăm chăm qua khe hở nơi bức phên nứa và dỏng tai cố nhận biết nghĩa thứ âm thanh rì rầm có lúc hổn hển ở phòng ngoài. Lý trí bảo chị không nên làm thế; thậm chí chị còn tự xỉ vả tính tò mò của mình. Vậy nhưng cái mắt chị vẫn nhìn, cái tai chị vẫn nghe. Người đàn ông ngồi trên ghế đẩu, cái thế ngồi thật vững chãi.
Một cái gì đó cựa quậy trong tâm can, nhói đau trong lồng ngực, có cảm giác quá chật chội của chị. Chị ném đầu xuống gối, chưa đủ, chị kéo chăn chiên lạnh lẽo phủ kín mặt mình.
Đêm sau, đêm sau nữa... vẫn thế. Vẫn người đàn bà thứ nhất và người đàn ông bốc vác ngoài bến xe tỉnh ở phòng ngoài, mình chị ở phòng trong với chiếc gối nhồi rêu đá đã hết độ xốp cứng như gỗ.
Đến một hôm chị nán lại mặt đường, ghép nốt khối đá hộc bạn bè bỏ lại, mãi khuya mới về nhà. Đây là đêm thứ bảy kể từ khi người đàn bà thứ nhất dẫn người đàn ông có khuôn ngực vâm váp về nhà. Trời oi. Trăng chảy nhòe trên lá cây, nhỏ từng giọt một xuống mặt đường. Chị vào nhà theo lối cửa sau, rón rén và nhẹ như một coi mèo cái. Phòng ngoài người đàn ông đang đứng, áo hở ngực. Chao ôi, một khuôn ngực khỏe mạnh. Chị không thể không nhìn vào khuôn ngực ấy, cho dù phải cúi gập người ghé mắt vào cái lỗ hổng nơi bức phên, một lỗ hổng vừa vặn cho chú gián con lọt mình. Bất giác những sợi dây thần kinh trên đầu chị giật giật. Cứ như có những tấm màn chăng ngang dọc trong đầu bất đồ bị xé toang, chị nhìn thấy một khuôn ngực khác, một khuôn mặt khác. Một khu rừng có lửa cháy và tiếng nổ chát chúa. Những thứ ấy có từ rất lâu rồi. Hồi đó đang chiến tranh, chị ở trong rừng Trường Sơn. Vào một đêm trăng ướt át, người đàn ông ấy nhỏ bé lọt thỏm trong vòng tay chị... Sáng ra anh bị thương phải chuyển về tuyến sau. Chị không biết gì về anh nữa. Tuồng như anh đã biến mất khỏi mặt đất. “Nhà anh ở cửa rừng, đầu nguồn một dòng sông. Hết chiến tranh anh sẽ đưa em về bằng thuyền buồm. Quê anh người ta dùng thuyền chở gỗ. Rất lạ là gió thổi hướng nào thuyền vẫn cứ đi theo hướng người quê anh muốn” - Anh ta nói thế... Tự nhiên đôi môi chị run rẩy. Đâu đó trong đầu chị vang lên tiếng xào xạc, rền rĩ mơ hồ của rừng. Chị ngã người xuống giường. Khuôn ngực bỗng ngứa ngáy không chịu nỗi. Rồi bất ngờ một cơn run lan khắp cơ thể. Lại một cơn run. Một cơn run nữa. Người nóng mà vẫn run. Chẳng phải thứ cơn run vì sốt rét ngày xưa chị ở rừng thường gặp. Chuyện tình giữa chị và anh cũng bắt đầu từ một cơn run sốt rét. Anh ủ ấm chị bằng da thịt của anh... Mọi thứ dường như không phải trong trí nhớ mà nó đang hiện hữu hình hài, mùi vị. Biết đâu anh ấy còn sống, còn ở một chỗ nào đó trong rừng. Cuộc đời này chẳng là chuyện gì cũng có thể đó sao? Chẳng là đã từng có người lạc rừng ở với người dân tộc Lá vàng, ăn thịt sống, quấn vỏ cây quanh mình đó sao? Nghe kể có người thành người rừng, lông lá như khỉ, như vượn... Anh ấy còn sống, còn lạc chị! - ý nghĩ ấy bám riết tâm trí chị, nóng bỏng, đầy quyền năng. Mọi thứ chung quanh chị trở nên mờ ảo như sương khói. Chị đứng dậy, người liêu xiêu. Chị đẩy cửa sau bước xuống mảnh đất trải đá cuội tròn, trong đêm nom trắng như trứng chim rồi đi vào bãi cây trinh nữ. Đom đóm bay vòng, những đốm sáng xanh to và tròn như nuốm vú. Chị đi như một kẻ mộng du. Chị cứ đi như một kẻ mộng du cho mãi quá chiều, mệt lả chị rẽ vào một ngôi nhà bên đường có vẻ cổ kính và tĩnh mịch như một ngôi chùa.
Trong nhà không khí lờ nhờ lởn vởn những làn khói xanh mỏng tang. Một bà lão tóc cước ngồi trước cái án thư. Trên án thư có một chồng hoa quả và ba nén nhang đang ri rỉ cháy. Bà bảo, hôm nay là ngày mồng mười tháng tám, cái ngày những người phiêu bạt, ly tán, nhưng linh hồn bơ vơ lang thang tìm về với nhau. Rồi bà bộc bạch: Bà ở vùng ngọn sông, cửa rừng này từ thuở cây đa trước sân xòe hai cái lá, rừng thì còn mọc rễ vào tận ngõ. Chị uể oải nhìn gốc đa sần sùi hõm lỗ chỗ, sát bậc thềm. Tấm thân xương xẩu của bà lão cũng có vẻ già cỗi tựa gốc đa. Trong ánh chiều vàng rớt, có khi chị thấy bà như cái bóng mỏng dính, nhẹ tênh. Cả giọng nói của bà cũng nhẹ tênh. Bà nói, chồng bà là du kích thời xưa. Ông chết trong một trận càn của giặc Pháp lên cửa sông Duềnh. Cái chết nào cũng khổ sở, nhưng chồng bà chết khổ hơn bất cứ cái chết nào từng có trên cõi trần. Cao một mét sáu mươi, nặng năm mươi tám cân, ông chỉ còn vài mảnh thịt và máu đỏ dính bết vào đất cát. Hồi ấy bà tròn hai mươi tuổi khỏe mạnh và đẹp nhất vùng. Đàn ông dưới xuôi lên, đàn ông ở trong làng ra vo ve quanh bà. Cứ mỗi lần xáp mặt họ, chẳng hiểu sao bà lại nhớ đến cái chết của chồng, vậy là bà rụt ngay lại. Bà tự bảo, khi nào bà quên được chồng, bà mới lấy người khác. Trời ơi, cái trí nhớ của bà nó mới mãnh liệt, mới dai dẳng làm sao. Ba năm, mười năm, mười lăm năm... Khi hình ảnh những mảnh thịt và máu dính bết đất cát mờ nhạt trong ký ức thì bà đã ngoài bốn chục tuổi. Gầy, da xám xịt. Không còn ai đến với bà nữa. Bà bỏ làng ra đây, nơi chồng bà chết, dựng nhà ở một mình.
- Bà định ở đây đến bao giờ? - Chị hỏi.
- Đến chết. - Bà đáp và chớp chớp đôi mắt không còn ánh xanh.
Chị băn khoăn:
- Lỡ lúc ốm đau?
Bà móm mém cười.
- Với ta, ốm đau còn có nghĩa lý gì? - Rồi như tránh câu chuyện tiếp tục dính đến mình, bà hỏi chị đi đâu, làm gì?
Chị nói dối rằng, chị vào rừng kiếm thuốc chữa bệnh phụ nữ. Hồi chiến tranh chị từng ở rừng sáu năm, thông thuộc hàng trăm thứ lá.
- Đi nửa buổi nữa là đến rừng. - Bà lão nói.
- Ngày xưa rừng khác lắm. - Chị nói, giọng buồn thiu.
- Ờ, bao nhiêu là tháng, là năm rồi...
Bà lão thở dài. Khuôn mặt trắng xanh của bà cứ chập chờn sau làn khói hương khiến chị nổi da gà.
Chị nói như đọc một lời của trí nhớ:
- Đã hai mươi bốn năm rồi.
Bà lão ngước nhìn chị, nói:
- Tuổi tác với đàn bà con gái nó ác độc hơn mọi thứ trên cõi đời này, ta biết là con đâu phải vào rừng kiếm thuốc. Phải vậy không?
Bất giác chị rùng mình. Dáng vẻ bà, ánh mắt bà, giọng nói bà khiến chị không thể nói dối. Chị kể về đời mình, như kể với một người bạn tri âm vậy...
- Con đi tìm anh ấy. - Cuối cùng chị nói.
- Sao bây giờ con mới đi tìm nó? - Bà lão hỏi.
- Sau chiến tranh con chờ anh ấy về, tìm kiếm anh ấy. Sáu năm như thế. Con đã ngu không hỏi quê quán anh ấy. Chỉ biết anh ấy ở đầu sông nơi cửa rừng. Đất nước thì rộng quá, nhiều đầu sông cửa rừng quá, con chẳng lần nổi. Nay thì con đã hơn bốn chục tuổi rồi. Tưởng sống yên ổn được. Nhưng...
- Ta hiểu. Vậy là con chưa già đâu. Cứ đi đi con ạ. Không gặp người này thì sẽ gặp người khác.
- Con mà chưa già ư? - Chị hỏi, mắt mở tròn.
Bà lão không đáp, móm mém cười, rồi nói:
- Đêm nay gần đến mồng mười tháng tám rồi, con ở đây với ta, mà cũng đã đến cái nơi đầu sông, cửa rừng rồi.
Chị hỏi:
- Đêm qua, những ai ngủ trong nhà ta vậy?
- Mấy đứa đi lấy gỗ, thuyền buồm đỗ ngoài sông ấy... - Bà lão có vẻ hờ hững.
- Họ tốt cả chứ ạ?
- Có tốt ta mới mở cửa cho vào nhà. Bộ đội, thanh niên xung phong về cả đấy! Chưa vợ con, cả ba đứa sống như chim, như cá.
Chị mở to mắt nhìn bà lão. Tự nhiên cảm giác nuối tiếc, hụt hẫng dòa lên trong lòng chị.
Bà lão tụt khỏi giường đi về phía bếp lúi húi nhóm lửa. Những thanh củi ba người người đàn ông mang đến cho bà khô nỏ bắt lửa đỏ rực. Đêm qua, chúng đến lúc cô gái đã ngủ. Nó nằm ngửa, đầu nghẹo sang một bên nom thật thương. Còn khuôn ngực nó thì cứ dồi lên, dẹp xuống một cách tội nghiệp. Bà nghĩ, cô ta trạc tuổi bà năm bà bỏ làng ra ở riêng. Nếu không vì chiến tranh nó đã được làm mẹ; mẹ của hai, ba đứa con... Mươi năm nữa nó lại như mình ư? - Bà bỗng lo lắng mơ hồ. Rồi bà kéo một người trong ba người đàn ông ra sân, nói với hắn rằng, cô gái là cháu bà, nết na, lam làm và chưa một lần ăn nằm với đàn ông; rằng hãy thương lấy cô ta... Hắn cười, miệng ự ự câu gì đó bà nghe không rõ. Khi trong làng eo óc tiếng gà gáy, hắn đến với cô gái và được lĩnh hai cái tát.
- Tha lỗi cho ta. Ta không có ý xấu đâu. - Cuối cùng bà nói một cách khó nhọc. - Ta nghĩ, đời người con gái như cây giá đậu xanh, nó mềm lắm, nó ngắn lắm, nó đáng thương lắm. Vậy nên ta mới làm thế.
Chị ôm lấy đôi vai gầy của bà:
- Bà tốt với con quá... Có thể... Đêm qua con ngu ngốc... - Chị nấc lên, giọng run rẩy.
- Đừng khóc! - Bà vuốt tóc chị. - Trời có mắt con ạ!
Chị đi đến bên bếp lửa, ngồi xuống. Ngọn lửa mỏng và nhọn hoắt, có màu gỉ đồng. Căn phòng chỉ còn mỗi mình chị. Bà lão biến đâu mất. Ngoài trời đêm loang loáng những bóng trắng lướt qua khung cửa sổ nho nhỏ. Phía rừng, tiếng gió xào xạc, xào xạc.
Nghe kể, sau cái đêm người đàn bà thứ hai biến khỏi nhà, cả vườn trinh nữ ngã rạp, hoa rũ xuống. Người đàn bà thứ nhất vừa khóc vừa chạy khắp thị xã hỏi han, tìm kiếm bạn. Quá chiều, đột ngột trời đổ mưa bụi lay phay, nỗi lo lắng trong chị mới dịu xuống được chút ít. Chị cùng anh công nhân bốc vác ở bến xe tỉnh, mang một túi bánh mỳ, một bi đông nước, ngược đường về phía rừng. (Về sau khi tôi hỏi, vì sao chị lại đi về phía rừng, chị đáp rằng, chị không biết; rằng, có cái gì đó trong tâm can mách bảo chị). Ngót hai buổi họ gặp nhau.
Người đàn bà thứ hai đang đu người quanh những gốc cây săng lẻ thanh thản, vỏ cây trong bóng râm trở nên trắng óng ánh, chạy nhanh về phía người đàn bà thứ nhất.
Họ ôm chầm lấy nhau, cứ như hàng chục năm mới gặp lại.
- Tao tưởng mày độn thổ hay lên trời rồi. - Người đàn bà thứ nhất hổn hển nói.
- Còn lâu mới độn thổ. - Người đàn bà thứ hai hổn hển nói.
- Sao mày lại lạc vào cái chốn này.
- Chẳng phải lạc đâu! Tao đi chơi cho cái đầu nó thông thoáng, tiện thể kiếm thuốc lá rừng. Mày biết, tao kinh nguyệt không đều.
- Thôi, về! - Người đàn bà thứ nhất nói, kéo tay bạn.
Người đàn bà thứ hai lắc đầu
- Tao chưa về đâu.
- Mày bảo sao?
- Tao ở đây.
- Để làm gì?
- Đấy là việc của tao.
Người đàn bà thứ nhất giẫm chân, giọng chảy qua kẽ răng như khóc.
- Mày điên rồi hả?
Người đàn bà thứ hai cười.
Người đàn bà thứ nhất đưa bàn tay, những ngón tay gầy run rẩy, luống cuống xoa lên đầu bạn, nói:
- Hồi chiến tranh mày có bị thương chỗ nào không?
- Bị thương khắp người ấy.
Người đàn bà thứ nhất van vỉ:
- Mày thương tao, về với tao nào.
- Tao thương mày. Tao thương mày. Tao thương tất tật... Cơ mà, mày cứ về đi.
- Mày đã nói vậy thì...
- Ừ, về đi...
Ngôi nhà nằm ngoài rìa thị xã bây giờ vợ chồng người đàn bà thứ nhất ở. Bãi cây trinh nữ không còn. Họ cuốc xới để trồng hoa. Tuyền hoa hồng bạch. Sau ngày thị xã trở thành thành phố, dân thị xã tôi đâm sính chơi hoa. Giá hoa đắt chưa từng thấy. Bán một bông hoa hồng mua được hai ống sữa bò gạo ngon.
Vợ chồng người đàn bà thứ nhất sắm sửa được nhiều thứ cho sinh hoạt gia đình cả đến vải trắng may tã lót chờ đứa con đầu chào đời.
Người đàn bà thứ hai dự lễ cưới người đàn bà thứ nhất xong, lên ở với bà lão nơi cửa rừng. Vừa qua, tôi nghe mấy gã xích lô ngồi uống rượu dưới cây ngô đồng cạnh ngã tư kháo chuyện rằng, hôm mồng mười tháng tám trời mưa như vãi gạo nếp, người đàn bà thứ hai từ rừng về thị xã mua áo cưới. Cùng đi với chị có một bà lão nom chẳng giống người trần./.
12 - 2000
Đ.B
Nhà văn và những phận đời
HÀ QUẢNG
Dẫu nói một cách khiêm tốn thì nhà văn Đức Ban vẫn có một vị trí đáng nể trong số các nhà văn đương đại Xứ Nghệ. Anh hội tụ được một số phẩm chất của một nghệ sĩ đi đường dài, vững chãi trên lộ trình văn nghiệp đầy thử thách: có một vốn sống phong phú, một khả năng giao lưu cởi mở và một năng lực tiếp nhận cái mới của kỹ thuật nghề nghiệp. Duyên nghiệp văn chương của anh không đơn giản như cách nói của anh “thú chơi” mà là một phận người. Thời chiến tranh lăn lộn trên nhiều cung đường, sau hòa bình tốt nghiệp Đại học viết văn Nguyễn Du vào những khoá đầu tiên, về công tác ở tỉnh lẻ, trải nhiều chặng đường công tác, gắn bó đeo đẳng văn chương cho đến bây giờ. “Nghiệp Văn”đối với anh là con đường không đơn thuần chỉ có sự say mê mà còn là một thử thách, một kinh nghiệm sống.
Quê anh nằm cạnh một con sông không lớn lắm với cái tên ngồ ngộ Sông Nghèn, nhưng cũng khá gắn bó với tên tuổi nhiều nhà văn danh tiếng xưa nay như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ và cũng cách không xa làng quê tác giả Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), chỉ mười lăm phút xe theo con đường liên huyện. Nơi đây từng ra đời những câu ca dao tình yêu đặc trưng Xứ Nghệ, trầm buồn, dữ dội không mơ màng, dịu dàng như những nơi khác: Tay em cầm bốn quả dưa/ Quả ăn quả để quả đưa cho chàng/ Tay em cầm bốn lạng vàng/ Lấy vàng thì lấy bỏ chàng thì không/ Dù rằng bỏ rọ trôi sông/ Đánh em em chịu, đánh chàng em xin… cùng những làn điệu ví dặm mộc mạc, sâu lắng và rất nhiều câu chuyện cười kiểu “trạng”.
Nhà văn Đức Ban (bên trái) trong Lễ trao tặng Huân chương hạng Ba
tại Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh lần thứ VI (1999). Ảnh: Tư liệu
Con người Đức Ban vừa nghiêm cẩn vừa hài hước, công việc thì nghiêm chỉnh nhưng giao lưu thì tếu táo, ưa nói “trạng”, cách nói đùa đặc sệt xứ Nghệ, từ những câu chuyện to tát “biến hải vi tang điền” cho đến những mẫu chuyện nhân thế nhỏ nhặt “trên bộc trong dâu” đều giòn giã trong những trận cười làm người nói và người nghe bỗng trở nên gần gũi không còn xa cách, xã giao hay gò bó. Với bạn bè anh luôn làm sống lại những kỷ niệm một thời gian khó, những tác giả đã đi xa như Quốc Anh, Xuân Hoài, Chính Tâm, Đặng Văn Ký… Cảnh cũ người xưa khiến chúng tôi bùi ngùi nhớ lại một thời kham khổ các gia đình phải làm thêm đủ nghề để sống, nhà thơ sản xuất tăm tre, nhà báo mở cửa hàng cháo lòng, nhà văn quấn thuốc sợi.., thời mà nhuận bút một bài thơ chỉ đủ mua chục cá trích đãi đằng nhau trong bữa cơm đã đùa vui rằng “kẻ nhắm vào đĩa cà mà gắp sang đĩa cá”, nhưng anh em không xa rời con đường văn chương nhọc nhằn để tìm mưu sinh một chốn khác. Anh là một trong số các nhà văn hiếm hoi của xứ này được bầu vào Hội đồng nhân dân Tỉnh, chọn làm giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, với vị trí của mình khi còn tại nhiệm cũng như khi đã về hưu luôn đề xuất với Tỉnh cần lưu ý đến phong trào văn nghệ địa phương, ưu tiên giúp đỡ cho các nhà văn già đã một đời cống hiến cho nền văn nghệ tỉnh nhà. Nhà nghiên cứu văn hoá Thái Kim Đỉnh, những ngày cuối đời đau ốm liên miên chính anh luôn đi lại thăm viếng lo toan bao việc, đặc biệt góp công nhiều cho việc hoàn thành Tuyển tập Thái Kim Đỉnh được Tỉnh tài trợ xuất bản năm 2019. Rồi việc anh giúp nhà giáo Lê Trần Sửu 90 tuổi, sưu tầm biên soạn tập sách nghiên cứu, sưu tầm của mình. Lúc cầm trên tay tập sách đầy đặn công phu, in ấn rất trang trọng, tôi thấy giọng nói rất xúc động về tập sách khi thầy nhắc tới công lao của nhà văn (tập sách sau này được giải Nguyễn Du lần 7 - 2020).
Các nhà văn tỉnh bạn đi ngang Hà Tĩnh thường ghé vào Hội, có khi vào nhà riêng thăm anh, đều cảm thấy thân tình, thoải mái về sự thân mật nhưng trọng thị của ông chủ tịch Hội và còn hứng khởi vì những câu nói trạng vừa tục vừa thanh rặt chất Nghệ của anh. Có lần vui chuyện nhớ lại thời bao cấp khó khăn, anh bảo: Cười thế nhưng lo toát mồ hôi khi có những đoàn khách đông vì… Hội nghèo quá mà!
Việc viết lách anh em thường bảo Đức Ban rất có ý thức về nghề. Viết xong các tác phẩm anh có thói quen gửi bản thảo nhờ các bạn xem góp ý, những góp ý anh đều có phúc đáp về sự tiếp thu của mình và không phải không có lúc tranh luận nhẹ nhàng một vài nhận xét chưa thuận tình. Có truyện anh viết đi viết lại nhiều lần. Với con mắt sắc sảo của một nhà văn từng trải, anh phát hiện nhanh các tác giả có triển vọng, đề nghị Hội VHNT tỉnh có kế hoạch bồi dưỡng và bản thân chỉ bảo tận tình, nhiều tác giả với sự giúp đỡ của anh đã nhanh chóng trưởng thành có người nay đã trở thành những cây bút có uy tín.
Con người cả làm văn, cả làm công tác quản lý khá thành đạt này lại là một kẻ sùng bái tâm linh, hay đi các đền chùa những dịp lễ tết, thích tham quan các thắng cảnh. Anh tâm sự, đi đền chùa không để cầu tài cầu lộc, cũng không phải đi chỉ để nắm bắt đời sống mà đi để còn thanh lọc tâm hồn, đến với những nơi ấy muốn hay không con người cũng vươn đến “tính thiện” thăng bằng được tâm hồn. Văn anh chất tâm linh, chất hư ảo trở thành một thủ pháp nghệ thuật có lẽ cũng được vun đắp từ những chuyến đi này.
Đức Ban có hai sở thích lái xe và rượu. Có lần hỏi đùa, mấy năm làm chủ tịch Hội, rồi Giám đốc Sở về anh được cái gì? Anh nhỏ nhẹ đáp: “Được cái xe và nghề lái xe. Lái xe thuận lợi đi đây đó lại còn rèn luyện được tai mắt, tay chân và cái tính điềm tĩnh, nhường nhịn. Rượu, Đức Ban có cái thích theo kiểu riêng: Chè ngon uống đến nước hai, Rượu ngon uống đến say say vừa vừa…. Anh cho rằng sau nước hai uống mất vị trà. Rượu ngon cũng vậy, một lần say say để hương vị rượu ngà ngà thơm lâu, đó là lúc tâm hồn lâng lâng, quá đi chỉ còn cái say trần tục. Có lần một vị quan chức nửa thật nửa đùa bảo anh là “nhà văn sâu róm” nhằm nói đến những nhân vật cộm cán, những cốt truyện giằng xé trong văn anh như có ý nhắc lại cuộc hành trình khó nhọc có khi cay đắng và những phản ứng sắc sảo của anh trong cuộc sống mà nhân thân anh đã trải qua, từ một cán bộ TNXP với những khó khăn về thành phần xuất thân, đi học Trường viết văn Nguyễn Du trưởng thành nhiều năm đứng vững trên cương vị Chủ tich Hội LHVHNT, rồi Giám đốc Sở văn hoá Tỉnh khá uy tín trong giới văn nghệ, anh bình thản đáp: “không sâu róm thì dễ bị kẻ xấu dẫm đạp lắm!”
*
Bao nhiêu năm làm quản lý, công việc sự vụ rất bận rộn, ngòi bút văn chương của anh vẫn tuôn chảy đều đặn trên nhiều thể loại, đến nay anh đã cho ra đời trên vài chục đầu sách với nhiều thể loại truyện, bút ký, kịch, chân dung văn học..., nhưng thành công nhất có lẽ là truyện ngắn. Với một “thi pháp tự sự” đổi mới có chọn lọc, nhiều tác phẩm đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc trong cũng như ngoài nước. Trong guồng quay của sự tìm tòi một lối viết Đức Ban có những trăn trở về một khuynh hướng trong dòng chảy của văn xuôi đương đại. Với cách nhìn cuộc sống dưới một góc độ mới, tác phẩm Đức Ban đã tiếp cận một lối viết khác trước, không đơn giản hoá đời sống vốn đa chiều, đa phương, nhiều nghịch lý. Nông thôn là mảng đề tài được thể hiện khá đầy đặn trong tác phẩm Đức Ban. Là một thử thách vì đây cũng là mảng đề tài đã được thể hiện khá phong phú, sinh động trong nhiều trang viết của các nhà văn đàn anh trước CM cũng như trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ xây dựng XHCN. Anh chọn một lối đi riêng đề cập đến mảng khuất khó nhìn thấy trong đời sống những người nông dân sau chiến tranh với một bút pháp hiện thực mới. Viết về nông thôn Đức Ban không kể nhiều về chuyện làm ăn kinh tế, chuyện mùa màng được mất, mà anh trình bày miêu tả những thân phận, những kiếp người. Những nhân vật của Đức Ban đa phần tội nghiệp, bé nhỏ, sống với những ước vọng cũng bé nhỏ, nhưng trải nhiều nghịch cảnh như là định mệnh luôn rình rập đẩy họ vào những sự không may. Không may về duyên số, không may về thân phận, luôn chịu những hàm oan. Tuy nhiên cuộc đời khốn khó chỉ làm sáng lên những khát vọng sống, những phấm chất người dẫu có khi lay lắt như một mầm cây trước giông bão. Đó là những ông lão bị vùi dập sống trong tủi hờn: ông Trìu, lão Dụt, lão Đa (Ngôi sao hôm leo lét, Đền thờ Đức Thánh mẫu, Hoa bần), những nạn nhân không tự giác của những định kiến, của thói vụ lợi, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, những ký sinh sống bám vào thành quả Cách mạng, phát triển nhan nhản trong thời kỳ đầu xây dựng khi xã hội chưa định hình được các chuẩn tắc. Là những “hồng nhan phận bạc” như chị Nghĩa, chị Len, chị Thảo, cô gái điên (Đêm thức, Sóng bến Duềnh, Hoa bần, Tiếng đêm), nạn nhân của thói hám danh, sự lừa gạt, phụ bạc cũng như bao tập tục khác còn nặng nề ở nông thôn đọng lại nơi tiếng hát mẹ con người đàn bà điên về “con lươn” cồm cộm trong đêm, hay tiếng than của mẹ con cô Lài nơi bến Duềnh, dư âm khốn khó một kiếp người. Những người phụ nữ yếu đuối không may mắn (chị Nhàn, chị Thảo, em Nợi, cô Tề, người đàn bà điên) nhưng cũng chính ở họ tiềm tàng những mầm sống.
Viết về mặt trái của cơ chế thị trường ở nông thôn, với nhiều nghịch cảnh nhưng tác giả không đem đến cho người đọc những bi quan tuyệt vọng, nó như những “âm án” mà trong đông y các thầy thuốc giàu kinh nghiệm thường nói đến về những bài học thất bại “chết người”, là những liệu pháp tinh thần giúp con nguời cảnh tỉnh, giữ vững ý chí đấu tranh trong những hoàn cảnh cam go. Vì trong bối cảnh tuy nghịch lý, nơi ấy đã có những tiền đề hiện thực mới, nông thôn nơi ấy trong vật vã vẫn loé sáng bởi những con người, những tấm lòng nhân nghĩa. Đó là những chị Nhàn, anh Thắng, cô Tề, những người đã thẳng thắn đấu tranh, dám hy sinh vì người khác không phải vì giàu có, danh lợi mà chỉ với cái nghĩa lý giản đơn là để cho “lương tâm thanh thản”.
Hiện thực trong mắt nhìn Đức Ban phong phú đa dạng, nghệ thuật bởi vậy cũng có nhiều thay đổi. Đó là lối kể chuyện pha màu sắc “cổ tích thời hiện đại” (Khúc hát ngày xưa, Miếu làng, Chuyện cổ tích). Tính chất kỳ ảo, hư tưởng xuất hiện trong tác phẩm như một thành phần không thể thiếu của cấu trúc hình tượng (Đêm thức, Hoa đại). Khi là ánh lửa mờ ảo, khi là tán cây nhập nhoàng, cái lò gạch hoang tàn, khi thì người đàn bà hát ca điên dại, khi là tiếng vọng bên sông... Chi tiết trong truyện Đức Ban gợi nhiều liên tưởng dắt dẫn trí tưởng tượng người đọc vượt không gian, thời gian đến những miền xa xôi của ký ức.
*
Anh khá thành công với những mẫu nhân vật giàu chất “Nghệ”, đa phần có một hoàn cảnh sống không may mắn nhưng lại có một nghị lực sống rất đáng trọng. Những lão Trìu, ông Dụt, con Hệ, con Nợi...ngay cái tên cũng gợi nhiều uẩn khúc. Họ đều là sản phẩm của một nông thôn đang trên đường thay đổi, cái cũ cái mới lẫn lộn. Thành kiến, hủ tục, gia trưởng chi phối bao số phận, đặc biệt là phụ nữ, họ là hiện thân những mẫu người quanh quẩn con sông Nghèn quê anh. Có một cái gì gần gũi giữa họ với Lão Khúng của Nguyễn Minh Châu, những con người Xứ Nghệ nghèo khổ, chân thật gan góc nhưng rất độ lượng và giàu tình thương, luôn vượt lên trên những bất hạnh để sống.
Đức Ban là một nhà văn có nghề, luôn trăn trở với nghề, với những tìm tòi, mạnh dạn, một số tác phẩm của Đức Ban gây được ấn tượng trong độc giả, nhiều yếu tố trở thành phương thức nghệ thuật được phát triển thường xuyên, tạo hiệu ứng thẩm mỹ cao góp phần khẳng định một phong cách riêng của tác giả. /.
H.Q