Sinh ra tại Sơn Hà, Hương Sơn, Hà Tĩnh, nghệ nhân - nghệ sĩ Lê Thị Hoài Thanh (sinh năm 1944) đã dành trọn thời thanh xuân tươi đẹp của mình cho nghệ thuật sân khấu biểu diễn với một tình yêu mãnh liệt. Chuyên mục chân dung văn nghệ sĩ trên Tạp chí Hồng Lĩnh số 214 tháng 6/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Lê Thị Hoài Thanh cháy hết mình vì nghệ thuật” của tác giả Linh Châu
Sinh ra tại Sơn Hà, Hương Sơn, Hà Tĩnh, nghệ nhân - nghệ sĩ Lê Thị Hoài Thanh (sinh năm 1944) đã dành trọn thời thanh xuân tươi đẹp của mình cho nghệ thuật sân khấu biểu diễn với một tình yêu mãnh liệt.
Ngay từ thuở nhỏ, Hoài Thanh đã thể hiện được tài năng nghệ thuật thiên bẩm trong lĩnh vực múa dân gian. Sau khi tốt nghiệp lớp 7 vào năm 1965, bà bắt đầu hành trình nghệ thuật của mình bằng việc gia nhập Đoàn Văn công Nhân dân Hà Tĩnh, đóng vai trò là một diễn viên múa. Sau này, khi đoàn được chia thành Đoàn Kịch nói và Đoàn Ca múa nhạc, Lê Thị Hoài Thanh đã trở thành một diễn viên chính của Đoàn Ca múa nhạc Nghệ Tĩnh. Trong những năm tháng đầy biến động và khó khăn, đặc biệt là trong những năm gian khổ và ác liệt của chiến tranh chống Mỹ, 1967 - 1968, bà cùng với các đồng nghiệp nghệ sĩ đã đi lưu diễn khắp các vùng chiến sự, mang theo những câu ca, điệu múa để động viên tinh thần cho các chiến sĩ và nhân dân. Dù phải đối mặt với nguy hiểm và gian khổ, bất kể nơi đóng quân có nguy cơ bị tấn công, các nghệ sĩ vẫn dồn hết năng lượng và nhiệt huyết vào việc biểu diễn. Thậm chí, trong những tình huống nguy hiểm nhất, khi phải tránh bom đạn bằng cách nằm rạp xuống đất, rồi lại ngửng lên, họ vẫn không ngừng hát để tạo ra một không gian “tiếng hát át tiếng bom”. Đôi khi, còn phải vượt qua những đỉnh núi hiểm trở, mang theo trang phục, trang thiết bị biểu diễn, thậm chí là thức ăn, bằng cách leo dốc cao hoặc đu bám vào gậy trên đường Trường Sơn để vượt qua những khúc cua nguy hiểm…
Trong những năm tháng gian truân của chiến tranh, nghệ sĩ Lê Thị Hoài Thanh đã ghi dấu ấn sâu đậm vào tâm trí của khán giả trên khắp cả nước bằng những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những thông điệp nhân văn sâu sắc, phản ánh cuộc sống và ý chí chiến đấu của quân và dân Hà Tĩnh. Bà đam mê việc thể hiện các vai diễn đa dạng, từ những nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm văn học cổ điển như Hoạn Thư đánh ghen, Tấm Cám, Súy Vân giả dại… đến những vai thể hiện tình yêu quê hương, đất nước qua hình ảnh của những chiến binh trẻ tuổi trong "Lựu đạn gỗ", “Nối lại đường tơ”, “gái Núi Nài”... Dường như không có giới hạn tuổi tác, bất kể già trẻ, bà đều có khả năng khắc họa các nhân vật một cách sống động, phản ánh được sự thiện lương và ấm áp trong cuộc sống hàng ngày, hoặc sự nghiêm túc khi nói đến tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Kể cả những vai phản diện như Thị Mầu, Hoạn Thư, bà Xã Quan… Lê Thị Hoài Thanh cũng thể hiện rất thành công. Bằng ánh mắt sáng rực, nụ cười rạng ngời và đường nét hình thể uyển chuyển, Lê Thị Hoài Thanh đã tái hiện sinh động, tài tình nội tâm nhân vật, từ cảm xúc sâu thẳm bên trong, đến cử chỉ ngoại hình bên ngoài. Dường như bà đã hòa mình vào từng động tác, từng bước đi, từng tư thế, truyền đạt không khí của cuộc sống, của tinh thần sản xuất và chiến đấu đầy sức sống. Mỗi lần khán giả được thưởng thức diễn xuất của bà, họ đều được đắm chìm trong một thế giới nghệ thuật sâu lắng, nơi mà những mệt mỏi và lo âu của cuộc chiến và đời thường dường như tan biến.
Trải qua gần 20 năm gắn bó với Đoàn Văn công Nhân dân Hà Tĩnh và Đoàn Ca múa nhạc Hương Sen (Nghệ Tĩnh), Lê Thị Hoài Thanh đã cùng đồng nghiệp tạo nên những thành công đáng khâm phục trong nhiều hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Những nỗ lực này đã được ghi nhận qua việc giành được các huy chương vàng, bạc cấp Khu vực và Toàn quốc, để lại dấu ấn sâu sắc đối với khán giả trên khắp mọi miền đất nước. Với những đóng góp xuất sắc của mình, Lê Thị Hoài Thanh được kết nạp vào hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật; Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; được Bộ Văn hóa - Thông tin tặng bằng khen, thể hiện sự công nhận và trân trọng đối với những cống hiến của bà trong lĩnh vực nghệ thuật.
Năm 1990, do hoàn cảnh gia đình, Lê Thị Hoài Thanh xin nghỉ hưu trước tuổi. Bà cùng gia đình định cư tại phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh. Tại đây, bà tiếp tục tham gia vào phong trào văn nghệ quần chúng, không ngừng chia sẻ niềm đam mê và tài năng của mình với lớp trẻ và cộng đồng. Chỉ cần có cơ hội, có sân khấu và có khán giả, là bà lại đắm chìm trong những giai điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Bà say mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống này đến mức như nhiều người thường nói “ở đâu có dân ca Ví, Giặm là ở đó có Lê Thị Hoài Thanh”. Nhiều người dân nơi bà sinh sống, không chỉ quen chiêm ngưỡng bà dưới ánh đèn của sân khấu, mà còn được chứng kiến cảnh nhiều lần bà được các phan hâm mộ tại quán cà phê xúm xít vây quanh yêu cầu bà hát đi hát lại đoạn xẩm chế với những lời lẽ hài hước, vui vẻ.
Nghệ nhân Lê Thị Hoài Thanh (ngoài cùng bên phải) cùng CLB Dân ca Dân vũ Thành Sen biểu diễn
Người nghe/ xem thích Lê Thị Hoài Thanh hát không phải vì giọng hát hay, mà vì cái thần thái duyên dáng, trẻ trung, dí dỏm đặc biệt của “người đàn bà không có tuổi” này. Đáng trân trọng là nghệ nhân Lê Thị Hoài Thanh luôn biết gác đi những lo toan đời thường để chăm lo cho nghệ thuật. Phải là người rất gần gũi mới hiểu được rằng: Để có được một đêm diễn “thuận buồm xuôi gió”, thì ít nhất trước đó vài ba giờ đồng hồ, bà phải tất bật chợ búa, lo cơm ngon, canh ngọt cho chồng chị (anh Phạm Gia Kinh - Nguyên PGĐ Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh) đang bị tai biến; rồi đưa đón, tắm giặt và cho các cháu nhỏ, vừa phải tự trang điểm, áo váy… Và khi có những cuộc lưu diễn ngoại tỉnh thì nghệ nhân Lê Thị Hoài Thanh phải tìm cách “dỗ dành” và “gửi” chồng về nhà con trai hoặc con gái… Bà quan niệm: Muốn trải hết lòng mình cho nghệ thuật, thì việc đầu tiên là phải tạo được sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình, phải luôn “trong ấm, ngoài êm” mới yên tâm hát, múa. Những khi có được ít nhiều tiền biểu diễn, bà mang nguyên vẹn khoản tiền ấy về làm quà cho ông, cháu, để như muốn nhân đôi thêm niềm vui của mình. Lê Thị Hoài Thanh khát khao dâng hiến, vừa để bù đắp cho gia đình những năm tháng của người nghệ sĩ “nay đây mai đó”, vừa như muốn lấp đầy những “khoảng trống” mà người dân nơi bà sinh ra, lớn lên và đang sinh sống đang thiếu hụt những món ăn tinh thần từ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Mỗi ngày trôi qua là một ngày bà dành thời gian để miệt mài luyện tập các vũ điệu mới và góp phần phụ họa trong các tiết mục dân ca Ví, Giặm cho các CLB mà bà đang tham gia sinh hoạt.
Năm 2010, nghệ nhân Lê Thị Hoài Thanh đưa ra ý tưởng cùng với nghệ nhân Võ Thị Kiều Thanh và một nhóm diễn viên gạo cội tại thành phố Hà Tĩnh như Bùi Mỹ Lệ, Phạm Như Nguyệt, Nguyễn Đức Đồng, Nguyễn Duy Tám, Võ Hồng Hà, Lê Kim Phú, Nguyễn Kim Liên… thành lập đội Câu lạc bộ Góc phố Dân ca, cốt để có chỗ, có thêm sân chơi để thể hiện niềm đam mê của mình.
Và năm 2015, sau khi Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lê Thị Hoài Thanh đã tham mưu cho lãnh đạo phường Trần Phú (nơi bà đang sinh sống) thành lập CLB DCVG phường Trần Phú. Nhờ sự tận tụy tìm tòi, sáng tạo và dàn dựng các bài hát, điệu múa, hoạt cảnh dân ca… CLB DCVG phường Trần Phú vừa ra đời đã khẳng định được vị thế của mình trong phong trào chung của tỉnh. Năm 2020, sau khi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Lê Thị Hoài Thanh càng lao vào hoạt động trình diễn, quảng bá, truyền dạy Dân ca Ví, Giặm.
Hiện nay, nghệ nhân Lê Thị Hoài Thanh đang đảm nhận một nhiệm vụ khá quan trọng, đó là phó chủ nhiệm phụ trách chuyên môn của CLB Dân ca dân vũ Thành Sen.
Nhờ cách ứng xử tinh tế, linh hoạt và phong thái hồn nhiên, vô tư, trong sáng, khiến cho bất cứ ai được tiếp xúc với Lê Thị Hoài Thanh cũng như được tiếp thêm niềm tin và khát khao chinh phục cuộc đời, theo đuổi ước mơ nghệ thuật. Chính vì vậy, hội viên đăng ký tham gia CLB DCDV Thành Sen ngày càng đông, nhiều hội viên được bà kèm cặp, nâng đỡ từng câu ca, điệu múa nay đã trở thành hạt nhân nòng cốt của CLB như Kim Phú, Đinh Xuân, Lê Huyền, Hồng Hải, Thanh Hiếu…
Nhìn lại quãng đường đã qua, nghệ nhân Hoài Thanh có thể tự hào với những thành công mà mình đã đạt được và với tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật đã giúp bà vượt qua mọi thách thức. Thật ra, đã có lúc bà cũng cảm thấy mình thua thiệt so với bạn bè đồng nghiệp cùng trang lứa. Và bà không thể không chạnh lòng trước những câu hỏi vô tình của những người thân quen: “Hoài Thanh Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ nhân ưu tú? nhưng bà cũng chỉ mỉm cười rồi lảng sang chuyện khác và ngọn lửa đam mê nghệ thuật vẫn tiếp tục ngày đêm cháy bỏng trong con người bà.
Dù nay đã bước sang tuổi 76, nghệ nhân Lê Thị Hoài Thanh vẫn là một hình mẫu sáng ngời của sự nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật. Bà đam mê, nhiệt huyết như con tằm mải miết nhả tơ…
Là hội viên chuyên ngành Sân khấu - Biểu diễn của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút, nhưng nghệ nhân - nghệ sĩ Lê Thị Hoài Thanh vẫn không ngừng lan tỏa sức sống và sự sáng tạo, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân tương lai. Đó là một cuộc hành trình đáng trân trọng và để lại dấu ấn không thể nào phai mờ trong lòng của những người yêu nghệ thuật và văn hóa dân gian.
L.C