Nhạc sĩ Vi Phong, tên khai sinh là Lê Đức Quyền, Sinh ngày 25/11/1940 tại xã Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội NS Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy viên BCH Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh khóa IV, V. Ông là một nghệ sĩ đa tài, thành công nhiều mặt, hoạt động ở nhiều lĩnh vực, từ sáng tác âm nhạc, làm thơ, đến nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian… Tạp chí Hồng Lĩnh số 215 tháng 7 trân trọng giới thiệu chân dung, tác phẩm “Hương cau vườn Bác” của ông và bài viết “Nhạc sĩ Vi Phong với hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc dân ca Nghệ Tĩnh giai đoạn (1975 - 2000)” của Phạm Mai Chiên.
Nhạc sĩ Vi Phong
Nhạc sĩ Vi Phong, tên khai sinh là Lê Đức Quyền, Sinh ngày 25/11/1940 tại xã Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội NS Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy viên BCH Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh khóa IV, V. Ông là một nghệ sĩ đa tài, thành công nhiều mặt, hoạt động ở nhiều lĩnh vực, từ sáng tác âm nhạc, làm thơ, đến nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian… Riêng với hoạt động bảo tồn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 1975 - 2000, ông có nhiều đóng góp rất đáng ghi nhận về nghiên cứu và chuyển thể sân khấu kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh; sáng tác âm nhạc dân ca Nghệ Tĩnh lời mới, sáng tác nhạc trẻ âm hưởng dân ca… Hơn thế, với tư cách nhà quản lý văn hóa ông tham mưu, hoạch định và thực hiện được các chủ trương bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phát huy các giá trị dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh trong tình hình mới, đưa Ví Giặm thành một kịch chủng trong hệ thống các loại kịch hát dân ca Việt Nam, làm cho Ví, Giặm gần gũi với sinh hoạt văn nghệ của đời sống mới. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông đã để lại nhiều tác phẩm, đóng góp quan trọng cho âm nhạc Hà Tĩnh, và đã được trao các giải thưởng lớn - Giải thưởng VHNT nguyễn Du (lần thứ I và lần thứ II), Giải thưởng của Ủy ban liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Vi Phong với hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc dân ca Nghệ Tĩnh giai đoạn (1975 - 2000)
phạm MAI CHIÊN
1. Dân ca Nghệ Tĩnh (DCNT) mà tiêu biểu là dân ca Ví, Giặm (DCVG) có những giá trị bền vững; qua thử thách của thời gian, các đặc trưng và giá trị của DCNT vẫn được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ bằng nhiều cách khác nhau. Cho đến nay dân ca vẫn đang hiện hữu, được yêu mến và đồng hành với cuộc sống, với con người và mảnh đất đã sinh ra nó; nó vẫn song tồn, “sống chung” với các loại hình nghệ thuật hiện đại khác trong một thế giới có nhiều biến đổi.
Quả thật, DCVG trong thời kỳ đương đại đã có vị thế khác: từ chỗ chỉ gắn với lao động cấy cày, chèo thuyền, dệt vải nơi đồng ruộng làng quê, bến sông con đò, bây giờ dân ca là một hình thức sinh hoạt văn nghệ, đã lên sân khấu, đến các điểm du lịch, hội hè, lên các giảng đường, lên sóng phát thanh truyền hình; dân ca cũng đã có tầm hoạt động vượt ra khỏi vùng quê Nghệ An - Hà Tĩnh, vươn đến tầm cả nước và đến cả bạn bè năm châu, được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại...
Những người dân quê tạo ra dân ca cũng chính là những người có công lớn thầm lặng giữ cho mạch nguồn dân ca như giữ ngọn lửa trong nhà mình không tắt. Công lao ấy còn thuộc về quan điểm, tầm nhìn và sự tâm huyết, đầy trách nhiệm của các thế hệ những người làm công tác quản lý, chuyên gia, nghệ sỹ - là những “chiến sỹ trên mặt trận văn hoá” - của hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh; họ đã kiên trì, bền bỉ gìn giữ và trao truyền DCVG trong suốt mấy chục năm qua... Trong số những học giả có công lớn đưa DCVG có vị thế như ngày nay (như: Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Chung Anh, Ninh Viết Giao, Thái Kim Đỉnh, Lê Hàm, Thanh Lưu, Vi Phong, Hồ Hữu Thới, An Thuyên...), có nhạc sĩ Vi Phong, người đã có gần 40 năm tâm huyết gắn bó sâu nặng với âm nhạc địa phương, trong đó có DCVG. Từ những năm tháng tuổi trẻ đến những ngày cuối đời, ông luôn nặng lòng với câu hát lời ca mộc mạc, đằm thắm của quê hương, xứng đáng được ghi nhận và vinh danh.
2. Vi Phong tên thật là Lê Đức Quyền (1940 - 2003) sinh ra ở mảnh đất Hương Sơn, Hà Tĩnh - nơi sơn thuỷ hữu tình và có truyền thống hát dân ca. Là nghệ sĩ trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, ông tham gia sinh hoạt văn nghệ ở nơi công tác khi đang là giáo viên Nông trường Tây Hiếu Nghệ An và cán bộ Xí nghiệp Sứ Hà Tĩnh. Chính môi trường làm việc ở những nơi sản xuất và gần gũi người lao động đã hình thành ở người nghệ sĩ lòng yêu mến, gắn bó DCVG, sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng giai điệu quê hương.
Vi Phong là thế hệ làm quản lý nghệ thuật khá sớm và đảm nhiệm nhiều chức vụ gắn liền với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp như: Trưởng đoàn Văn công Hà Tĩnh, Phó trưởng đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh, Trưởng đoàn Ca kịch Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh. Quá trình này cũng đã làm cho người nghệ sỹ được trải nghiệm nhiều hơn với việc sáng tác âm nhạc, khẳng định bước trưởng thành mới trong phong cách nhạc Vi Phong, hướng tới âm nhạc chuyên nghiệp. Với cương vị là người quản lý, ông có điều kiện tổ chức, thực hiện việc đưa văn nghệ hoạt động bài bản chuyên nghiệp, tổ chức nghiên cứu bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Ông nằm trong số không nhiều nghệ sỹ là hội viên nhiều hội nghệ thuật hàng đầu của Việt Nam (Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt nam (1978), Hội viên Hội nhạc sĩ Việt nam (1980), Hội viên Văn nghệ dân gian Việt nam (1981).
3. Nói đến Vi Phong, người ta ấn tượng về một người xứ Nghệ hoạt động văn hóa nghệ thuật nhiệt thành, hăng say, đầy trách nhiệm; đa tài, đa năng ở nhiều lĩnh vực; lĩnh vực nào ông cũng có đóng góp nổi bật.
Đầu tiên, có thể khẳng định, Vi Phong là một trong những người góp công lớn nổi bật ở lĩnh vực hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 1975 - 2000. Với tư cách là nhà nghiên cứu, một chuyên gia trong lĩnh vực dân ca, ông và những người cùng thời (như Nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao, Nhạc sỹ Lê Hàm, Nhạc sĩ Thanh Lưu và nhiều người khác) đã dày công, tâm huyết lăn lộn với thực tế, sưu tầm các bài hát cổ, tìm hiểu thực tế cuộc sống “tiếng hát át tiếng bom” trong những năm tháng chiến tranh đang diễn ra ác liệt trên vùng đất Nghệ Tĩnh. Trong kho tư liệu quý giá ông để lại, có hàng trăm bài ca dao, dân ca, băng đĩa, bản nhạc chép tay hay in ấn ở dạng thô còn dang dở, chưa được phân loại sắp xếp hệ thống, hiện do gia đình lưu giữ.
Nhạc sĩ Vi Phong - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Hà Tĩnh trước khi nghỉ hưu (1998). Ảnh Tư liệu
Trong hoạt động nghiên cứu, mảng ông tâm đắc, đóng góp nhiều nhất là âm nhạc dân gian xứ Nghệ. Một trong số kết quả sưu tầm, ghi chép của ông đã được chọn lọc, tập hợp xuất bản thành các tập sách có giá trị tư liệu và nghiên cứu lâu dài cho thế hệ sau. Các công trình đã công bố: Dân ca Nghệ Tĩnh (Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh, 1991), Tuyển chọn ca khúc (Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam, 1997), Tập ca khúc (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, 2003), Nghệ nhân Ba Duy: Một đời hát dân ca (vanhoanghean.com.vn). Trong số đó, đáng chú ý nhất của ông là cuốn Dân ca Nghệ Tĩnh. Sách gồm 2 phần, Phần I: Các làn điệu gốc: Ví sông Phố, Ví đò đưa sông La, Ví đò đưa nước ngược, Ví đò đưa sông Lam, Ví đó đưa chuyển phường vải, Ví phường vải (I), Ví phường vải (II), Ví phường cấy, Ví đồng ruộng, Ví trèo non (I), Ví trèo non (II), Dặm cửa quyền, Dặm ru, Dặm xẩm, Dặm nối, Dặm kể, Dặm Đức Sơn, Hò khoan đi đường, Hò đầm đất đắp đê, Hò xeo gỗ, Hò trên sông, Hò bơi thuyền, Hát ru, Ru em, Hát nói mục đồng, Sắc bùa, Hò dô. Phần II: Các làn điệu cải biên: Hát khuyên, Cay đắng tủi sầu, Ai có thương ai, Tứ Hoa, Có một gánh trầu, Giữ lời nguyền, Chim ơi, Đứng thẳng người lên, Một nắng hai sương, Chí vững gan bền, Em ươm dâu xanh, Nghĩa nặng tình sâu, Chớp bể mưa nguồn, Ai cứu chàng cho tôi?, Ngóng trông, Người ra đi, Niềm tin, Bài hát cô gái đông Bằng Sơn, Xoay sở, Kế lập lờ, Ngang ngược, Con cóc, Đi rao, Khen thầy tài, Chồng chềnh, Lòng vả lòng sung, Say gió trăng, Hái bông hoa rừng, Hát nói (I), Hát nói (II), Hát nói (III), Say là hơn, Phụng thỉnh, Xẩm thương, Xẩm chợ, Con ốc, Bài ca công nông binh, Vui hội làng Sen, Đồng năm tấn, Thượng đồng lên tiên, Bạn nghèo vùng lên, Bài ca gọi gió, Hội đông xuân, Hỡi gió, Vì đâu, Giận mà thương.[3]
Về lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn bản sắc và phát huy các giá trị của DCVG, ông đã tham gia tổ chức nghiên cứu, chủ trì nhiều hội thảo bàn về công tác bảo tồn, sân khấu hóa kịch hát dân ca. Mong muốn đưa dân ca vào trong thực tiễn và trong chuyên môn nghề nghiệp lĩnh vực nghệ thuật, ông có những ý kiến đánh giá minh định các giá trị của DCVG: “Các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh có tính chất trữ tĩnh, thiết tha, sâu lắng, mênh mông, nhớ thương, nhắn nhủ, đau xót, kể lể, dí dỏm, khêu gợi, thúc giục, là những ưu thế để thể hiện tâm lý, tính cách của nhân vật trên sân khấu. Song dân ca Nghệ Tĩnh cũng có những hạn chế, khó thể hiện những tình huống bạo liệt, gay cấn, uất hận, căm tức, day dứt, da diết, dọa nạt, ngờ vực, lừa lọc, ghen tuông, đểu cáng, đĩ thỏa, vui nhộn, rạo rực, quyết liệt là những tình huống mà sân khấu đòi hỏi” [2; tr 252]
Tác giả cũng chú ý viết chân dung nghệ nhân DCVG với lòng trân trọng tài năng và đóng góp của nghệ nhân đối với văn hoá địa phương, đặc biệt là nghệ nhân Đức Duy: “Nghệ nhân nghệ sĩ ưu tú Đức Duy không chỉ có giọng hát vàng, dù rằng chỉ thế cũng đáng quý lắm rồi. Ông còn tự soạn những tiết mục, những tổ khúc dân ca để biểu diễn. Ông có tài chắp nối những câu hò, câu ví giặm cổ thành bài gọn gàng cho một tiết mục, khi cần thiết ông cũng có thể lấy nơi này nơi kia, bài này bài kia một vài câu xào xáo thêm thắt cho hợp cảnh hợp tình, theo lối sáng tác rất chi là dân gian mà ông thường gọi quấy quá rằng: “gặp chi hát nấy”, “tiện mô bắt xắp nấy”, miễn là trơn tru, “trơn bọt lọt lạch”! Nhờ giọng hát tuyệt vời người nghe thấy hay, không ai nỡ bắt bẻ ông”.[6]
Ở phương diện âm nhạc, trong di sản để lại,theo tư liệu gia đình cung cấp, riêng về tác phẩm âm nhạc do ông sáng tác, con số ấy đã hơn 200 ca khúc với nhiều âm hưởng và phong cách: âm nhạc dân ca Nghệ Tĩnh, nhạc trẻ âm hưởng dân ca; kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh… Quả là đáng khâm phục. Nhiều ca khúc nổi tiếng, đi cùng năm tháng, tiêu biểu là: Nhìn hoa nhớ Người, Nơi mùa xuân tươi xanh,Về quê Hà Tĩnh, Quê mình, Nhớ Hương Sơn, Ngàn Phố sông ơi, Tình quê, Đêm Tam Soa, Vũ Quang - mùa xuân về, Lưu luyến Lam Kiều, Câu phường vải nên duyên, Cung đàn Tố Như, Bến cảng ước mơ, Con đường đến mỏ Ti - tan, Tình người thợ mỏ, Yêu lắm quê mình thị xã Thành Sen, Biển trăng Thạch Hải, Nơi hẹn hò, Cây xanh và bão lũ, Qua cánh rừng tàn, Đoản khúc Nha Trang, Chiều thu Vũng Tàu, Đêm Khăm - Muộn [5];Lời ru trong đêm,Về phố Châu, Bên núi Thiên Cầm, Đêm Quảng Trị, Chia tay bên bờ sóng, Nghe ca trù trong đêm mưa thu, Cảm xúc Đèo Ngang, Chiều sông Tiêm, Huyền thoại hươu sao, Đưa anh về quê em, Hương cau vườn Bác.[4]
Nói về sự nghiệp của ông, nhạc sĩ Ngọc Thịnh viết: “Đã từng là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, lại là người trải nghiệm trường đời nên có một vốn kiến thức thật uyên thâm, hiểu biết nhiều thể loại học thuật, chịu khó tìm tòi, sưu tầm, viết nhiều sách nghiên cứu, chuyển thể nhiều kịch bản văn học cho nhiều vở diễn dân ca Nghệ Tĩnh, nhưng với ông niềm đam mê lớn nhất là âm nhạc. Trái tim ông nhiều vui buồn, hờn giận, đau thương, tất cả cũng để dành cho âm nhạc. Ông đã viết một số tác phẩm khí nhạc, nhạc múa, âm nhạc cho các vở kịch hát, đặc biệt là một số lượng ca khúc rất lớn, nhiều ca khúc đã đạt các giải thường tầm cỡ quốc gia. Nhắc đến ông người ta nhớ đến “Hương cau vườn Bác”, nhớ đến “Lời ru trong đêm”, nhớ đến “Cảm xúc Đèo Ngang”… Ông là người con nặng tình, nặng nghĩa với quê hương nên âm nhạc trong các tác phẩm luôn lấy nguồn cảm hứng từ âm hưởng Dân ca Xứ Nghệ, từ các điệu Hò, Vè, Ví, Giặm và lời ca cũng bình dị mà sâu lắng tình người. Một tấm gương biết vươn lên lao động không mệt mỏi đã công hiến cho âm nhạc, văn học nghệ thuật, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trái tim đa cảm giàu sức sáng tạo không một phút giây nghỉ ngơi, luôn cuốn hút, thúc giục ông đi khắp mọi nẻo đường quê để tìm hiểu, để viết và mỗi tác phẩm nghệ thuật, cũng là những trang đời của chính mình.” [1].
Ngoài các đóng góp về nghiên cứu và sáng tác âm nhạc, Vi Phong còn là một trong những người tâm huyết, trăn trở với việc đưa DCVG lên sân khấu kịch hát, nhằm sân khấu hóa DCVG như một kịch chủng trong hệ thống các loại kịch hát dân ca Việt Nam. Trong quá trình hơn 30 năm thể nghiệm này (từ những năm 70 đến sau năm 2000), kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh đã có nhiều thành công, được xã hội đón nhận và đánh giá cao. Nhạc sỹ đã chuyển thể và sáng tác âm nhạc hơn 20 vở kịch, trong đó có các vở công diễn đã đạt các giải thưởng cao như: Mai Thúc Loan, Ông vua hóa hổ, Lời thề thứ 9, Linh hồn của đá…Vi Phong cũng sáng tác nhiều tác phẩm âm nhạc dân ca chuyển thể từ làn điệu hò ví giặm lời cổ; viết nhạc mới giàu âm hưởng dân ca sâu lắng trữ tình; và với cương vị là người quản lý các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh lúc bấy giờ, ông cũng là người tích cực thực hiện chủ trương đưa văn nghệ hoạt động bài bản chuyên nghiệp, chú trọng việc đưa DCVG vào sáng tác gắn với biểu diễn quảng bá.
Sự cống hiến và thành tựu nghệ thuật của người nghệ sỹ Vi Phong được ghi nhận thể hiện qua các giải thưởng nghề nghiệp cao quý ở địa phương và Trung ương: Năm 1985, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần I (tác phẩm Hương cau vườn Bác); Năm 1985, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (tập ca khúc Vi Phong); Năm 1995, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần III (tác phẩm Bên núi Thiên Cầm); Năm 1996, Giải thưởng Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (tác phẩm Cảm xúc Đèo Ngang).
4. Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh làm thành bản sắc văn hoá xứ Nghệ, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca Ví, Giặm có được vị thế ấy, công lao ấy thuộc về các thế hệ người dân, những nghệ nhân và rất nhiều chuyên gia, nghệ sỹ đã thầm lặng, kiên trì, bền bỉ và tâm huyết giữ cho mạch nguồn dân ca sống mãi, đồng hành mãi cùng quê hương xứ sở. Quả thật, nhiều chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân đã sống đam mê, gắn bó chung thuỷ với câu hò điệu ví quê hương; dân ca đã làm nên “danh phận” của họ (Nhà Nghệ Tĩnh học, NSUT, NSND, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ nhân) nhưng chính họ cũng là những người có công làm cho hồn cốt của dân ca lưu truyền, nâng cao vị thế của chính nó và của nhân dân hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh... Nhạc sĩ Vi Phong là một trong số những người như vậy. Có thể nói, ông là một trong những người đã góp phần đưa DCVG tiếp tục “sống”, vượt qua được nguy cơ bị mai một do hoàn cảnh chiến tranh những năm 70 hay thời kỳ khó khăn về kinh tế phải lo cái ăn cái mặc hàng ngày của những năm 80 của thế kỷ XX, hơn thế còn đưa DCVG phát huy được vai trò của nó vào trong cuộc sống đương đại, giữ lửa cho Ví, Giặm thấm đượm và lan tỏa.
Một trong các giải pháp để giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị DCVG theo chúng tôi, rất căn bản và bền vững, có lý có tình, thuỷ chung là vinh danh và phát huy vai trò các nghệ nhân và đội ngũ những người đã có công với DCVG. Đó cũng là đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân mà tinh thần DCVG luôn đề cao, truyền dạy cho hậu thế. Bài viết của chúng tôi mới chỉ là những suy nghĩ bước đầu, chưa đầy đủ về người nghệ sỹ đã mất, nhưng những tư liệu, tác phẩm và sự tâm huyết, nhiệt thành đã dành cả sự nghiệp cho âm nhạc, cho câu hát quê hương của ông là rất đáng trân trọng, cần được tìm hiểu, đánh giá đầy đủ hơn nữa.
Vinh, 2017 - 2024
P.M.C
_____________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngọc Thịnh, Thương tiếc Nhạc sĩ Vi Phong (Nhân 10 năm ngày mất nhạc sĩ Vi Phong - 22/4/2003 - 22/4/2013), http://www.hoinhacsi.vn.
2. Nhiều tác giả, Từ Dân ca đến kịch hát, Nxb Nghệ An, 1991.
3. Vi Phong, Dân ca Nghệ Tĩnh, Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh, 1991
4. Vi Phong, Tuyển chọn ca khúc, Nxb Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam, 1997
5. Vi Phong, Tập ca khúc, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh, 2003
6. Vi Phong, Nghệ nhân Ba Duy: Một đời hát dân ca, vanhoanghean.com.vn.