15-10-2024 - 03:27

NHÀ VĂN NHƯ BÌNH: NGHỆ THUẬT LÀ BẦU KHÔNG KHÍ MÀ TÔI LUÔN MUỐN GIỮ NÓ THANH KHIẾT, ĐẸP ĐẼ

Trong nghệ thuật, trong văn chương cần phải trung thực. Nếu mình không trung thực với bản thân thì văn chương, nghệ thuật cũng sẽ không tìm đến mình. Những gì tôi viết, trước hết vì bản thân, cho bản thân, và tôi không phủ nhận đó là cá nhân con người tôi...”. 

Nhân dịp vào giữa cuối tháng 10/2024 chị ra mắt dự án nghệ thuật bao gồm hai cuốn sách: Tập thơ “Sự im lặng biếc xanh”, tập tạp bút “Thương những xa xôi” và trưng bày khoảng 30 bức tranh chị sáng tác trong vòng 3 năm trở lại đây, trang Văn nghệ Hà Tĩnh xin phép được giới thiệu bài phỏng vấn của Báo Nhân Dân với nhà văn Như Bình trước sự kiện của chị.

Nhà văn Như Bình trao đổi với nhà báo Phan Thanh Phong

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Đã hơn 10 năm chị mới lại ra mắt sách, ngừng in một thời gian khá lâu, chắc hai cuốn sách kế tiếp này có một dấu ấn đặc biệt với riêng chị?

- Nhà văn Như Bình: Tôi biết ơn Nhà xuất bản Hội nhà văn đã trân trọng tác phẩm của tôi, in ấn và tổ chức lễ ra mắt sách cho tôi vào giữa cuối tháng 10 tới đây. Đây là hai cuốn sách thứ 12 và 13 của tôi. Thú thực, dù những năm qua tôi vẫn viết đều nhưng tôi không in nhiều sách nữa. Những cuốn trước chủ yếu truyện ngắn, ký, ký chân dung, chuyện khó tin. Còn ở hai tập này là thể loại mới, thơ và tạp bút. Cuốn tạp bút viết về những ký ức buồn thương và đẹp đẽ tôi từng bắt gặp, trải nghiệm, trong đó có gia đình, những người thân, bè bạn… những điều khắc sâu trong lòng, giờ mới có thể viết ra. Nếu như hơn mười cuốn sách trước viết cho người thì hai cuốn sách này đúng nghĩa viết cho mình. Tôi đã nghĩ về nó đủ lâu để viết. Tôi tin, dù viết cho mình, nhưng hy vọng người đọc vẫn bắt gặp được một chút gì đó. 

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Đọc văn chị có cảm giác từ đề tài, nội dung truyện, cho đến hành văn... phảng phất cái chậm buồn, cái vật vã với những con chữ.

- Nhà văn Như Bình: Tôi viết chậm, buồn, có phần thật thà, nhiều cảm xúc, nhưng không thấy vật vã. Với lại chữ cũng chính là những mảnh tâm hồn mình trải ra đấy, mình tỏ bày, chia sẻ với mọi người. Có thể có những cảm xúc không nói ra được, nếu giữ mãi trong lòng thì sẽ thành ẩn ức, mình mượn văn chương để nói hộ, để giải tỏa.

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Có liên quan gì đến cuộc sống hiện thực của chị không? 

- Nhà văn Như Bình: Với thể loại truyện ngắn, mình hoàn toàn sáng tác, có thể nói là dùng trí tưởng tượng gần như 99%. Còn riêng thơ và tạp bút là những thể loại không thể bịa đặt được. Đó phải là những cảm xúc chân thật, ở đó, ngôn ngữ là tiếng nói cất lên từ trái tim, cảm xúc của người viết trước những điều mắt thấy tai nghe.  

Thứ nữa, tôi cho rằng những người viết văn, làm thơ thường có tâm hồn nhạy cảm. Trước một sự vật, hiện tượng, với phần lớn những người làm văn chương, cảm xúc của họ thường bị đẩy lên đến tận cùng, vui cũng vui hơn, đau cũng đau hơn và khi thất vọng thì cũng rớt xuống sâu. Biết làm sao được bởi sinh ra họ đã nhạy cảm, mong manh. 

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Không ít người viết có xu hướng sục sạo vào những đề tài, những hiện thực mà mình chưa cần phải sống, chưa trải qua, xem đó như một sự trải nghiệm, khám phá. Còn chị thì sao?

- Nhà văn Như Bình: Một câu hỏi rất hay. Tôi thì không. Chắc chắn tôi chỉ viết về những gì tôi thân thuộc và hiểu về nó nhất. Đề tài của tôi phải là thứ tôi có thể cầm nắm trong lòng bàn tay. Tôi phải chắc chắn về nó ở tất cả mọi góc độ, chứ tôi không viết về những gì không biết hoặc tưởng tượng viển vông. Tôi nhớ, ngày xưa nhà văn Lê Lựu đã dạy tôi khi tôi đi dự trại viết văn đầu tiên trong đời ở Văn nghệ Quân đội năm 1994, ông nói: “cháu hãy viết về những gì cháu thuộc nhất, biết nhất, hiểu về nó nhất. Nếu như không hiểu về nó, không thuộc nó thì đừng bao giờ viết, vì viết bịa mà không nắm bắt được nó, sẽ rất giả tạo”.

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Tôi muốn nói cái giới hạn sự sáng tạo, ví dụ có rất nhiều người trẻ họ chưa hề trải qua, sống qua cuộc chiến tranh mà họ vẫn viết về đề tài đó thành công, hấp dẫn?

- Nhà văn Như Bình: Người trẻ họ không trải qua cuộc chiến, vì họ sinh sau đẻ muộn khi chiến tranh đã rời xa, nhưng họ có quan sát và sống kỹ lưỡng sâu sắc thời hậu chiến. Họ sống chân thực trọn vẹn với tất cả những cảnh đời, cảnh huống, những trải nghiệm bắt gặp. Bằng sự mẫn cảm của trái tim, sự thông minh của trí tưởng tượng, và lợi thế ngôn ngữ nữa, họ hoàn toàn có thể viết về chiến tranh rất hay, rất thành công mà không cần phải sống trong bom đạn.  

Tôi quan niệm, hãy cứ sống sâu sắc với tất cả. Cái đời sống bộn bề phong phú kia nó ngấm vào mình lúc nào không hay. 

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Việc viết, việc đối diện với con chữ có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chị? 

- Nhà văn Như Bình: Nếu  mình không viết thì vô vị lắm, một thời gian không viết cảm giác bị rỗng không, chai lỳ đi với chính bản thân mình. Mà khi mình vô cảm với cả chính mình nữa, thì đó là điều đáng thất vọng. Viết cũng là cách mình rèn luyện sự tồn tại, và sống.

Tôi thích viết văn, làm thơ hơn viết báo, nhưng vì công việc, vì mưu sinh, sự thôi thúc của cuộc sống, của bao nhiêu bổn phận mà mình không thể đi tận cùng với thứ mình thích. Tôi nhớ nhà thơ Tiến Thanh từng nói “nghề báo giết nghề văn”. Tôi may là làm báo văn nghệ nên không bị giết triệt để (cười).

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Tôi nghĩ làm báo cũng là một nghề tương hỗ cho việc làm văn nhiều chứ. Chất liệu của báo chí cũng là chất liệu để cho mình có vốn sống dầy hơn.

- Nhà văn Như Bình: Đúng rồi, nhưng khi mình có chất liệu ngồn ngộn đấy, nhà văn cần thời gian, sự tĩnh lặng để  “tiêu hóa” nó. Áp lực làm báo lấy đi rất nhiều thời gian, trả lại độ tĩnh ít ỏi, vì báo chí chạy theo sự kiện, thời sự không được chậm trễ. Mình chạy xong, khi quay về có thể cảm xúc văn đã tuột đi rồi, mà báo thì không cho phép mình nghỉ phút nào, cứ lôi mình đi xềnh xệch… may ra tha mình đến lúc nghỉ hưu. Đó là “bi kịch” của một số nhà thơ, nhà văn có nghề nghiệp chính là làm báo. Tôi lại càng không giỏi như các bạn trẻ làm báo siêu mà ra thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết đều đều. 

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Từ cuốn sách đầu tiên đến hai cuốn sách này chị thấy mình có thay đổi gì trong nhìn nhận về văn chương, về nghề viết không?

- Nhà văn Như Bình: Tôi không biết ba thể loại tác phẩm mới của tôi trình làng bạn đọc lần này Thơ, Tạp bút, Tranh có được độc giả đón nhận không. Mỗi một lần ra sách là một lần tràn trề thất vọng với bản thân vì tôi luôn nghĩ mình chưa hết lòng vì văn chương, chưa làm với phong độ tốt nhất. May mà những lần trước tôi đều được độc giả yêu thương, điều đó khích lệ tôi dũng cảm đi tiếp. 

Nhưng tôi của hai mươi bảy năm trước với cuốn sách đầu tiên từng gây chú ý về một cây bút trẻ rõ ràng khác với tôi bây giờ. Tôi không biết bây giờ thành công hơn hay ngày xưa thành công hơn vì sau 3 tập sách đầu tiên, 30 tuổi tôi được các bác các chú ưu ái kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Còn tôi bây giờ, có thể từng trải và liều lĩnh đấy, nhưng với nghệ thuật tôi luôn rón rén và cảm thấy mình nhỏ bé lắm, một hạt cát tự ti giữa bể khơi. 

Càng đi nhiều, sống nhiều, trải nghiệm nhiều, viết nhiều, càng thận trọng và khó tính hơn với bản thân, khắt khe hơn với những gì mình viết. 

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Trong mặt bằng về văn chương chị tự đánh giá cuốn tạp bút lần này của mình thế nào?

- Nhà văn Như Bình: Tôi không phải người viết tản văn chuyên nghiệp. Đây là cuốn tạp bút đầu tiên của tôi, tôi gần như viết nó trong dằng dặc chiều dài của đời sống mình. Tôi viết ít, chắt chiu, và nó phải là những gì khiến tôi xúc động rất lâu thì tôi mới cho phép nó ở cạnh nhau để trở thành một cuốn sách. Tôi có hy vọng  bạn đọc đồng cảm. Tôi vừa mới gửi cho vài người bạn làm phê bình đọc, có người đã gọi cho tôi rưng rưng vì họ tìm thấy số phận gia đình họ, ngôi làng họ, người thân của họ ở ngôi làng ấy trong những trang tôi viết. Họ nói họ đã khóc nhiều khi đọc tạp bút của tôi. 

Một số họa sĩ khi tôi gửi tạp bút để nhờ vẽ minh họa, họ cũng bày tỏ sự cảm động khi đọc những gì tôi viết. Điều đó bạn sẽ thấy rõ trong những minh họa vô cùng đẹp và nhiều rung động của họa sĩ Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ và Đặng Tiến trong cuốn tạp bút. Thực sự tôi rất biết ơn họ, những người anh, người thầy và cũng là bạn đọc đầu tiên của tôi.

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm. Mỗi một bài viết trong cuốn tạp bút lần này đều có số phận của nó, đều chứa đựng những mảnh đời thân thuộc quanh tôi. Mỗi người có một con đường để đi. Với tôi văn chương luôn là bầu không khí tôi trân quý giữ gìn. Nó phải là bầu khí quyển thanh khiết và đẹp đẽ của riêng tôi. Tôi tự hào với mối tình trong trẻo này. Tôi viết như đến duyên, không vọng tưởng. Mà một đứa viết văn ở tỉnh lẻ miền Trung xa Thủ đô như vậy, có mong cầu cũng chả được. Từ trước đến nay, tôi đến với văn chương đều vạn sự tùy duyên. Tôi cũng không mưu cầu bất kỳ điều gì ở nó.

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Nhưng với người viết chuyên nghiệp, đã chọn nghiệp chữ, giống như đi trên đường thì cần có đích, phải không? 

- Nhà văn Như Bình: “Đêm vô thường” là tập truyện ngắn cuối cùng tôi in lúc còn ở Hà Tĩnh (2002). Cuối năm đó, tôi chuyển ra Hà Nội. Cái “vô thường” chính là ở đó mà tôi không biết, tôi tạo ra hay nó vận vào đời tôi, giờ tôi cũng không muốn tìm hiểu nữa. Sau khi vào Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, tôi được mời ra Hà Nội làm báo. Đó cũng là nghiệp của tôi, không đi tiếp con đường văn chương, nhưng tôi biết văn chương âm thầm không bỏ tôi, vẫn ở đó trợ giúp tôi trên con đường làm báo. Điều tôi vừa tự hào vừa an ủi mình chưa từng phụ văn chương khi mấy chục năm làm báo tôi vẫn viết đều những câu chuyện khó tin nhưng có thật thấm đẫm văn chương và được độc giả đón nhận. Cuộc trở lại với Thơ, Tạp bút, Tranh lần này là làm mới mình. Là cách tôi tri ân văn chương, tri ân cuộc sống. Đó cũng chính là cái đích mà số phận vẫn cho  mình đi đường vòng.

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Tôi đọc thơ chị ấn tượng ở ngôn từ , tâm trạng, và khá nhiều dấu ấn cá nhân, thân phận trong đó. Nó mãnh liệt, khao khát, bùng nổ ... Có gì đó khiến người ta liên tưởng về đời sống thực của chị ngoài đời , chị nghĩ sao?

- Nhà văn Như Bình: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, sau khi anh biên tập gần chục bài thơ của tôi in trên Viết và Đọc từng động viên tôi: “Thơ viết cho mình trước rồi mới viết cho người. Em cứ mạnh dạn in tập thơ đi, đừng ngại”. Tôi vô cùng cảm ơn anh, người mấy chục năm trước đã động viên tôi in tập truyện ngắn đầu tay, và đến bây giờ, anh vẫn kiên trì động viên tôi in tập thơ đầu tiên. Chú Hoàng Vũ Thuật, một người cũng từng theo dõi và giúp tôi tin vào sáng tác của mình đã nhắn cho tôi khi tôi băn khoăn về tên của tập thơ biên tập viên đề nghị đổi từ “Sự im lặng biếc xanh” sang “Hoa gạo lạc phố” rằng: “Cháu không phải là hoa gạo lạc giữa phố. Chú nghĩ cháu là sự im lặng, nhưng trong tâm hồn đầy mong muốn đắm say”. Những người anh rất đỗi gắn bó là Nguyễn Đức Hạnh, Đặng Huy Giang đã đọc những bài thơ đầu tiên của tôi với tất cả sự ngạc nhiên và thích thú. Các anh giúp tôi tin vào những gì mình viết. Tôi kể ba ví dụ nhỏ trên để thấy có những ân tình suốt cả cuộc đời này, tôi không bao giờ trả được.  

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Tôi thấy một sự nhất quán trong bút pháp , trong chữ nghĩa của chị, từ văn xuôi cho đến thơ, đó là sự đào bới nội tâm cá nhân. Tuy nhiên ở thể loại thơ, chị thể hiện được một cách dữ dội hơn, nói được nhiều thứ hơn bằng cách nói bộc trực, thật thà và nữ tính. Nếu nói về ngôn ngữ thì ngôn ngữ ở thơ của chị có dấu ấn mạnh mẽ , dứt khoát, quyết liệt hơn trong một giọng thơ khá đương đại, mới lạ.

- Nhà văn Như Bình: Tôi viết bằng những cảm xúc thật nhất, còn lại tùy thuộc vào cảm nhận và đánh giá của người đọc, vì với thể loại này tôi không có kinh nghiệm gì. Tuy nhiên tôi cũng được nhiều đàn anh đàn chú khen thơ tôi hay (cười) nên tôi cứ liều mà in thôi.

Trong nghệ thuật, văn chương càng cần phải trung thực, dũng cảm cất lên tiếng nói chân thật từ trái tim. Nếu mình không trung thực với bản thân mình thì tự nó sẽ không tìm đến mình. Không phủ nhận tôi là người đàn bà luôn khao khát mãnh liệt được sống và yêu, được là chính mình với tất cả những bản năng đàn bà nhất. Nếu đời tôi có gặp sóng gió, hay tổn thương, mất mát thì nhiều khi đó chính là may mắn mà cuộc sống ban tặng cho người đàn bà viết. Cảm ơn mọi nỗi buồn, những thương tổn vì nhờ nó tôi trưởng thành hơn, sâu sắc hơn, và cũng tốt lên, vị tha hơn.

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Sự đấu tranh giữa người đàn bà nghệ sĩ, người đàn bà của văn chương và người đàn bà của bổn phận đời thường với chị có khó khăn không? Chị đã chiến thắng nó bằng cách nào?

- Nhà văn Như Bình: Luôn luôn dày vò và khó khăn. Người đàn bà nghệ sĩ cãi nhau với người đàn bà bổn phận, người đàn bà lãng mạn cãi nhau với người đàn bà thực tế. Người đàn bà khao khát cãi nhau với người đàn bà đạo đức. Trong một con người mình có bao nhiêu con người, gương mặt, tâm hồn. Bản thân mình đến từ đâu, đã mang bao nhiêu kiếp đời sống? Người đàn bà làm nghệ thuật mấy khi được thanh thản. Tôi nhớ tôi đã viết bài “Khúc hát của người đàn bà và khe cửa hẹp” trong một khoảnh khắc tôi đi trực về muộn và tôi tạt xe bên lề đường để viết những câu thơ “Giữa những cơn hổn hển của thời gian/ qua khe hẹp/ em lách mềm bờ vai sống/ Hít thở khí trời và chạy/ chìm trong ánh sáng mảnh như đường kẻ chỉ tay/ em trườn tới đích/ Ôi những chật hẹp khiến em mệt lả/ lê đôi chân không trên con đường bình minh/ em bơi về ngày/ trôi về đêm/ ngược sóng/ em chạm vào vì sao xa/ vừa đi vừa hát/ Khúc hát của người đàn bà và khe cửa hẹp/ thèm bã bời trăng/ khát miên du gió/ uống mưa như uống rượu/ say nắng lả/ Ôi những bức bối ngộp thở/ không đủ lãnh cảm em/ không đủ chôn lấp em/ không đủ giam cầm em/ Giữa những cơn hổn hển của không gian/ em bình tâm/ thở”.

Đọc bài thơ trên chắc chị hiểu rồi. Cốt tủy, tôi là một người sống hồn nhiên, bản năng và lãng mạn. Thơ tôi nhiều khao khát, mà khát vọng ở đây chả phải là cái gì cao siêu cả. Khát vọng của một người đàn bà thèm được sống và được yêu thương đúng nghĩa.

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Nhưng tôi đang thấy cuộc đấu tranh của chị “ toàn thắng ắt về ta” đấy chứ, bằng chứng là chị ghi dấu ở nhiều lĩnh vực, nhiều vai: làm báo, viết văn, làm thơ và gần đây còn ở hội họa nữa?

- Nhà văn Như Bình: Tôi phải cảm ơn số phận đã cho tôi được làm những thứ mình thích. Ví như việc từ bé tôi rất thích vẽ. Nhưng mình ở quê, không có ai dạy vẽ, và vẽ cũng như nhạc, là lớp học quá xa xỉ với những đứa trẻ nghèo quanh năm đói ăn, ở làng quê xa xôi lạc hậu của miền Trung. Rồi bỗng nhiên, một ngày mình được sống ở Hà Nội, ở cái nơi mà khi stress mình có thể tìm đến những thứ hay ho như âm nhạc và hội họa để giải quyết.

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Với cuộc ra mắt hơn 30 bức tranh lần này chị muốn gửi thông điệp gì?

- Nhà văn Như Bình: Cứ xem như đây là bài tập tốt nghiệp của tôi ở môn hội họa, hay một cuộc chơi tôi trót đam mê. Tôi vẽ để tìm mình, hiểu mình hơn. Hội họa là một cách khác, mình bước vào đó để mình thể hiện bày tỏ được cái quan điểm của mình. 

Sau tất cả những trải nghiệm với văn chương tôi nhận ra vẽ tuyệt vời hơn cả. Vẽ giúp tôi tập trung chú ý cao độ, giải phóng được năng lượng, cho tôi một sự tự do đúng nghĩa. Hội họa đúng là bộ môn tuyệt vời nhất mà mình được học. 

Tôi muốn nói rằng, chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Đừng sợ, hãy thử sức khám phá, đừng để ân hận vì sống hết đời vẫn chưa biết mình là ai, cần gì ở cuộc đời này. 

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Chị học vẽ như thế nào hay là tự học?

- Nhà văn Như Bình: Tôi theo học một thời gian ở lớp học cơ bản của họa sĩ Đặng Thảo Ngọc. Được hai năm thì công việc làm báo bận quá không thể thu xếp đến lớp. Tôi đành tự học, tự mày mò và học hỏi các họa sĩ đi trước. May mắn tôi được các đàn anh nhiệt tình như Lê Đình Nguyên, Đào Hải Phong, Đặng Tiến... chỉ bảo, góp ý qua các bức vẽ. Tôi học hỏi được nhiều điều từ họ. Tôi gọi họ là thầy của tôi, và các anh nói rằng tôi vẽ tình cảm. Tôi cho rằng làm gì thuộc về nghệ thuật mà cứ có tình cảm là thành công 50 % rồi. Còn lại thì phải là những yếu tố khác nữa như năng khiếu, tài năng…. Những cái đó không phải muốn mà được, hay học nhiều rèn nhiều mà thành. Mọi thứ không hề dễ dàng đâu. Mình thích thì cứ vẽ thôi, cứ thật thà với cảm xúc chắc chắn mình sẽ gặt hái được thứ gì đó cho riêng mình. Tôi thấy vẽ rất vui, cho tôi hết stress thì đó đã là cái được lớn nhất rồi. Cái được thứ hai nữa là có tranh để treo, và tặng bạn bè. Thế là quá đủ để hạnh phúc. 

- Nhà báo Phan Thanh Phong: Cám ơn sự chia sẻ chân tình, thú vị của chị với NDHT, chúc sự kiện nghệ thuật sắp tới của chị thành công tốt đẹp!

Nhà văn Như Bình sinh ra và lớn lên trưởng thành ở mảnh đất Cẩm Xuyên Hà Tĩnh. Chị kết nạp Hội viên hội Nhà văn Việt Nam năm 30 tuổi, khi còn làm việc ở Đài PTTH Hà Tĩnh. Hầu hết các sáng tác của chị từ những ngày đầu mới chập chững cầm bút đều đăng tải ở tạp chí VHNT Hồng Lĩnh. Có thể nói tạp chí VHNT Hà Tĩnh có công phát hiện Như Bình, bồi dưỡng động viên, khích lệ chị trên con đường văn chương, và là bà đỡ mát tay cho những sáng tác của chị, đặc biệt là truyện ngắn. Từ tạp chí VHNT Hồng Lĩnh, các tác phẩm của chị vươn ra các báo ở trung ương và trở thành cây bút cá tính riêng, sắc sảo, dần chiếm lĩnh và chinh phục được tình cảm của bạn đọc trong cả nước. 
Cũng từ văn chương nâng cánh, chị đã ra Hà Nội sinh sống công tác tại toà soạn báo An ninh thế giới, giờ là Công an nhân dân từ năm 2003 đến nay.
Dù ở đâu, nhà văn Như Bình đều lao động cật lực trên cánh đồng chữ, dành hết tâm huyết với nghề, và với bút lực dồi dào trên nhiều lĩnh vực, chị đã gặt hái được những thành công xứng đáng cả văn chương lẫn báo chí.


 

. . . . .
Loading the player...