Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu bài viết "Nhà thơ Bùi Quang Thanh người đã đi và đến" của Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
Nhà thơ Bùi Quang Thanh
Có người sinh ra, lớn lên rồi chết đi mà chưa hề ra khỏi một tầm làng. Có người khi bắt đầu biết đi, đã đi mãi, đi như một ham cuồng, như một điều không thể khác, không chịu nhốt mình trong khung cảnh cũ, người xưa. Nhà thơ Bùi Quang Thanh là một người như vậy.
Nhà thơ Bùi Quang Thanh sinh năm 1950 tại Cẩm Tiến, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Cẩm Xuyên, trên thì đồi sỏi, dưới cát nung, mà từ cổ đại, trung đại có tên chữ thật hay: Sông Gấm (Cẩm Xuyên), Sông Hoa (Hoa Xuyên). Quê anh có Giếng Vàng (Kim Tỉnh) “Nước giếng Vàng vừa trong vừa mát/ Nâu chợ Chùa nhuộm áo lâu phai/ Cá Cẩm Nhượng, khoai Mục Bài/ Khuyên ai về huyện Cẩm kẻo một mai tiếc thầm”. Cũng là đặc sản thật, văn hóa thật, nhưng cái chính vẫn là một vùng quê nghèo đói, đến nỗi người trai khi khoe sản vật giàu có của quê mình phải lấy củ khoai lang, lấy củ nâu nhuộm áo, lấy nước lã Giếng Vàng để rủ rê bạn tình thay cho gạo trắng cá tươi, thay cho ruộng sâu trâu nái. Dù Cẩm Xuyên hay Thạch Hà, dù biển cửa hay biển ngang thì vẫn một cảnh: Mẹ vẫn mang tơi,chân trần lên chợ tỉnh/Cát tháng tư cháy đen màu thính/Rổ khoai lang nắng sém hai đầu …
Ông nội Thanh là cụ Bùi Quang Thị (tức Bùi Thị, bí danh Phấn Đấu). Năm 1928, cụ tham gia Đảng Tân Việt, một tổ chức yêu nước ở Trung Kỳ. Năm 1929, Đảng Tân Việt phân ly, một nhánh theo chủ nghĩa cộng sản lấy tên là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đảng Cộng sản Việt Nam hợp nhất ba tổ chức cộng sản trong nước: Đông Dương Cộng sản đảng (miền Bắc), An Nam Cộng sản đảng (miền Nam) Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (miền Trung), cụ trở thành đảng viên của Đảng. Cụ là người đảng viên đầu tiên, là Bí thư Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở huyện Kỳ Anh gồm Bùi Thị, Nguyễn Tiến Liên và Nguyễn Trọng Bình. Năm 1930, cụ Bùi Thị bị thực dân Pháp bắt vì tham gia lãnh đạo Xô Viết Nghệ Tĩnh ở nam Hà Tĩnh, bị kết án khổ sai chung thân và bị đày ở các nhà tù Vinh, Lao Bảo, Quảng Trị, Đăk Min, Buôn Mê Thuột. Dù bị giặc tra tấn dã man đến tàn phế nhưng cụ vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với lý tưởng cách mạng. Đầu năm 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, cụ được ra tù và trở về tiếp tục hoạt động trong các cơ quan kháng chiến. Cụ được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba.
Bố Bùi Quang Thanh là Chính trị viên Đại đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng đội, đồng hương của ông là Phan Đình Giót.
Đến lượt Thanh, lại đi bộ đội. Chuyện Thanh đi bộ đội khá li kỳ. Sau khi chuyển ngành, bố Thanh về công tác ở Trường Trung cấp Giao thông Thủy – Bộ Hà Nội, cán bộ cấp Phòng. Đang học lớp 8, Thanh ra Hà Nội học trường này. Học một hồi, anh thấy chán. Vì nguyện vọng của anh là được học ĐH Tổng hợp Văn, ngôi trường mơ ước của tất cả những học sinh giỏi văn thời đó. Hồi cấp 2, những bài Tập làm văn của Thanh thường được điểm 4+, điểm 5 (thang điểm Liên Xô, bằng điểm 9, điểm 10). Thầy chủ nhiệm lớp 7 của Thanh là thầy Phan Văn Mạnh, quê xã Song Lộc, Can Lộc (nay là xã Song Kim Trường) dòng dõi của Thám hoa Phan Kính từng tiên đoán "Thanh Trần, Thanh Nguyễn, Thanh Quang/ Ba Thanh triển vọng nhà văn nước nhà"... Thanh Quang (Bùi Quang Thanh) xếp thứ ba vì vần câu lục bát nhưng cũng là một thứ tự học lực. Trong một hồi ký của mình, Bùi Quang Thanh kể rằng, hai bạn nữ Trần Thị Thanh và Nguyễn Thị Thanh luôn học nhỉnh hơn mình, đã thế lại còn xinh đẹp, dễ thương, ấy vậy nhưng sau này trở thành nhà văn chỉ có Thanh Quang! Anh đã chọn cái nghề mình yêu, không cần biết đến cái khổ của nghề văn, cái lợi của nghề khác.
Vì yêu nghề văn mà anh “giãy” khỏi Trường Trung cấp Giao thông. Giãy được, chỉ có cách đị bộ đội. Khổ nỗi, Thanh lúc ấy chỉ có 42kg. Phải nhét thêm cục đá vào túi. Vẫn không đủ và bị phát hiện, nhưng cô Vân, người trực tiếp cân đo, cảm phục trước lá đơn bằng máu xung phong nhập ngũ của Thanh, đã “tặng” thêm năm lạng, thành 42,5 kg, đủ sức khỏe B1, có thể nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, đọc lý lịch thấy đang học khoa Cơ khí sữa chữa ô tô, Thanh được học tiếp về kỹ thuật xe máy trong quân đội ở trường Trung cấp Xe Xăng rồi được phiên vào một tiểu đoàn ô tô vận tải. Tháng 12/1971 anh cùng đơn vị theo Tây Trường Sơn vào chiến trường B3 (Tây Nguyên). Đời lính trận bắt đầu. Đồng thời, đời văn cũng từ đó.
Thoạt đầu, thơ Bùi Quang Thanh chỉ ghi lại nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ trường lớp, thầy cô, bè bạn một cách đơn sơ, mộc mạc. Chẳng hạn, anh nhớ về người thầy chủ nhiệm lớp 7 của mình: Em không thành sinh viên khoa văn/ Bỏ bút ra em là người chiến sĩ/ Trăm vạn nẻo trên con đường đánh Mỹ/ Nhớ bóng thầy khi qua mỗi dòng sông... Hay kể chuyện hành quân: Bom địch gào tìm phà Xuân Sơn/Pháo sáng chập chờn đèo Pu La Nhích/Ngầm Ta Lê áo trắng em làm đích/Cua chữ A vô lăng trẹo tay vần... Hay một thứ mơ yêu của tuổi thiếu niên chưa mùi vị, yêu cũng như thơ, giống một sự nói liều: Ai dám bảo rằng tôi chưa yêu/Đồng đội tôi ơi! Chỉ nói liều/Chưa yêu mà đã... sao vương vấn/Mà đã mơ màng hơn cả yêu!. Nhưng rồi theo thời gian, thơ anh đã có những bước tiến vượt bậc.
Tôi gặp Bùi Quang Thanh lần đầu tại thị xã Hà Tĩnh vào năm 1997, khi anh đang là Chánh Văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh tại nhà anh Đức Ban, Chủ tịch Hội. Trong cuộc rượu, có cả anh Lê Văn Thơn, Trưởng TTXVN và mấy anh em trẻ ở báo Hà Tĩnh. Anh đọc chúng tôi nghe bài thơ Hà ơi, viết về chị Võ Thị Hà, nữ TNXP hy sinh năm 17 tuổi ở Ngã ba Đồng Lộc. Bài thơ anh mới viết, đã làm tất cả mọi người vô cùng xúc động: Chén rượu trắng chắc em không biết uống/Khói hương thơm bay hết cả lên trời/Giọt lệ anh rơi vào lòng đất/Có ấm chỗ em nằm, Hà ơi?. Thơ Bùi Quang Thanh nặng một chữ Tình. Con người anh cũng ăm ắp và dào dạt, sâu xa một chữ Tình. Hồi đó, tôi có nói với anh, đại ý: Người làm thơ, dựa trên tình thật, tình sâu của mình, nếu có thêm chút ít kỹ thuật sẽ đi rất xa; nếu người làm thơ bắt đầu từ kỹ thuật, coi trọng kỹ thuật, sớm muộn cũng cạn vốn, bế tắc... Hồi đó, thơ ca có vị trí đặc biệt, thậm chí thiêng liêng trong mỗi cuộc vui bè bạn. Người ta đọc thơ, bình thơ, học thơ trong mọi lúc. Viết được câu thơ hay, được bạn sửa thơ là một niềm hạnh phúc. Rồi bẵng đi một thời gian dài. Thanh bỏ Hội Văn nghệ đi làm báo, Trưởng đại diện báo Bảo vệ Pháp luật của Viện Kiểm sát Tối cao ở Đà Nẵng. Đà Nẵng là mảnh đất thân quen của anh từ ngày còn công tác ở Ty Giao thông Hà Tĩnh, thường vào đó nhận vật tư, thiết bị. Làm báo, phụ trách cả 18 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nhưng vốn đa năng về viết, về chụp ảnh nên anh được cơ quan ưu ái điều đi khắp đất nước để phục vụ tuyên truyền cho ngành Kiểm sát, anh có dịp đi và đến nhiều nơi. Nghỉ hưu, anh lại càng đi khỏe. Thoắt Cần Thơ. Thoắt Tây Bắc... Thậm chí còn sang cả Nga xem bóng đá để thăm dò Messi và viết báo, làm thơ, chụp ảnh về Worlcup.. Người anh chứa đầy ba cuộc chiến tranh, (kể cả vết thương trái mùa còn nhức nhối), mắt anh chứa đầy sông núi quê hương. Và cả những đôi mắt đen, đôi mắt nâu, đôi mắt da trời xanh ngăn ngắt …
Những cuộc đi dài như vậy còn làm nên một nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Quang Thanh. Anh tâm sự: “Ở một nơi chán lắm. Có đi thì mới thấy cuộc đời này thật đẹp, cảnh sắc nơi nào cũng mê hồn. Không được thấy, không ghi lại được, không hưởng thụ được, phí lắm. Có thể nói, cuộc đời tôi là một cuộc săn tìm cái đẹp”.
Dấn thân vào đời sống, nguyện làm người chiến sĩ, khi nước có giặc thì làm người lính bảo vệ Tổ quốc, khi đất nước kiến thiết, anh là người lao động quên mình và trong cuộc kiếm tìm nghệ thuật, Thanh xếp mình vào đội ngũ nhà báo, nhà văn - chiến sĩ. Thơ Thanh bừng sôi ngọn lửa lý tưởng, sục sôi tinh thần chiến đấu: Nếu có kẻ đang tâm bán nước/ Tôi dẫu già vẫn quyết không tha/ Nếu có kẻ phản dân cõng rắn/ Lại là tôi: ôm súng giữ sơn hà (Nếu, 2018).Và nồng nhiệt tình yêu: Xuân thì còn được bao nhiêu/Mà trong huyết quản, tình yêu vẫn nồng (Lời tri âm). Bùi Quang Thanh đã có một bút pháp thơ khá cao diệu. Anh viết về mẹ mình, từ một trường hợp cụ thể mà khái quát cho tất cả những người mẹ Việt Nam, thậm chí cả lịch sử dân tộc, vừa tự hào, vừa xa xót, lay thức tâm trạng: Nón lá áo tơi treo chùng vách nhớ (Lời hương khói), Khoảng yếm là nơi phập phồng của nghìn đêm thao thức/Chồng ngoài chiến trận/Con đói bờ nôi/Lo bão tốc nhà/Lo lụt trôi khoai/Phập phồng nắng mưa/Phập phồng đạn bom/Phập phồng ...im lặng...(Đò dọc sông đêm. Anh có những suy nghĩ gieo vào lòng người những suy nghĩ trách nhiệm: Thuyền chật biển, súng ken bờ/Nghìn năm dựng nước mấy giờ dân yên?.Phù Đổng Thiên Vương là bài thơ hay trong nhiều bài thơ hay của Bùi Quang Thanh. Khi viết về Thánh Gióng, người ta thường ca ngợi ông như một người anh hùng kiệt xuất, một vị thánh, một sức thần của dân tộc. Bùi Quang Thanh nhìn Thánh Gióng như một con người, một cậu bé, ca ngợi, mong muốn ông có sự ngọt ngào, hạnh phúc của cuộc sống của làng quê Việt: Con giờ hóa Thánh, hóa Tiên/Hay hồn tử sĩ gió thiêng cuốn rồi/Nếp đồng đợi thổi thành xôi/Mía ngon thành mật, nụ rồi thành hoa/Gạo cơm, khoai sắn, dưa cà/Gom nồi bảy, góp nồi ba đợi chờ/Cô Đào, cô Mận, cô Mơ/Nhớ mong tráng sĩ, đến giờ còn mong...
Tôi không thể nói gì hơn về thơ Bùi Quang Thanh. Như vậy là Đổi mới. Như vậy là anh đã đi và đã đến./.
Hà Nội, cuối Đông 2021
N.S.Đ