Nhà nghiên cứu Văn hóa Võ Hồng Huy sinh ngày 02 tháng 5 năm 1925 tại làng Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà) tỉnh Hà Tĩnh. Tạp chí Hồng Lĩnh số 218 tháng 10/2024 trân trọng giới thiệu chân dung, tác phẩm “Núi Hồng, một biểu tượng quê hương” của nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy và bài viết “Võ Hồng Huy với non nước Hồng Lam” của nhà văn Đức Ban
Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy
Nhà nghiên cứu Văn hóa Võ Hồng Huy sinh ngày 02 tháng 5 năm 1925 tại làng Yên Điềm, xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc (nay là huyện Lộc Hà) tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước. Lớn lên trong cao trào kháng Nhật cứu nước, sự ra đời của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh,Võ Hồng Huy vừa dạy học kiếm sống vừa tham gia Việt Minh bí mật ở xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tổng khởi nghĩa năm 1945, hai mươi tuổi, Võ Hồng Huy làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, Bí thư Chi bộ xã Tiên Bằng. Từ ấy, ông bước vào con đường hoạt động cách mạng đầy vẻ vang nhưng cũng không ít đận gian nan. Ông làm Thư ký UBKC huyện Can Lộc, cán bộ Khu ủy Khu Bốn, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Đảng ủy viên Đảng ủy Cơ quan Dân Chính Đảng. Tiếp đó là hai chục năm, làm Phó Trưởng ban, rồi Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh. Hiếm có những người như ông vừa làm nhiệm vụ của một đảng viên, một cán bộ chủ chốt của Đảng vừa cần mẫn, kiên trì học thêm và thu nhặt, tích góp tri thức trong dân gian, trong sách vở, ở bạn bè.” Tôi đã tự đặt mình phải khổ học, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào cũng phải tự rèn học, cần gì học nấy, dốt gì học nấy, xông vào mà học, vừa học vừa làm”…(Võ Hồng Huy - Tự thuật).
Liên tục 40 năm làm chính trị, đến năm 1984, được nghỉ hưu, Võ Hồng Huy dấn thân vào con đường nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Lại hàng chục năm, học, đọc, điền dã, khảo cứu, viết, ông đã xuất bản 20 đầu sách (in riêng và in chung) và hàng trăm trang bản thảo chưa xuất bản.
Theo Lời mở đầu sách: Võ Hồng Huy - Tác phẩm; Tập I: Non nước Hồng Lam thì tác phẩm của ông có thể phân thành bốn mảng chủ yếu:1. Khảo cứu, giới thiệu về núi, sông, danh thắng, phong thổ, lễ hội , làng xã, dòng họ, danh nhân, sự kiện tiêu biểu Xứ Nghệ; 2.Địa chí, lịch sử các địa phương; 3. Tác phẩm Hán Nôm (Viết bằng văn xuôi, thơ, phú, câu đối) về địa chí, phong thổ núi sông (Sưu tầm, biên dịch, khảo cứu); 4. Thơ, câu đối, trướng mừng chữ Hán, Nôm và Quốc ngữ.”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, người bạn tâm giao của Võ Hồng Huy, trong “Võ Hồng Huy và hành trình thầm lặng” có viết: “Trong 70 năm làm việc thì 40 năm anh là cán bộ chính trị. Tôi không rõ lắm công việc của anh và không biết tổ chức đánh giá về anh thế nào. Nhưng theo tôi cứ lấy tiêu chí của người xưa thì anh là một ông quan có đủ bốn đức: Thanh, Cần, Thận, Trực.
Trong số bạn cùng lứa tác của tôi, có người hay nói đến “cống hiến suốt đời”, “ làm việc đến hơi thở cuối cùng”. Nhưng chỉ có anh thực hiện được như vậy, mặc dù anh không hề nói câu ấy.”
Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy rời cõi tạm, lặng lẽ về với miền mây trắng núi Hồng vào ngày 25 tháng 3 năm 2016, hưởng thọ 91 tuổi.
Núi Hồng, một biểu tượng quê hương
VÕ HỒNG HUY
Núi Hồng, một trong bảy tên gọi của dãy Hồng Lĩnh. Địa danh ấy vừa nôm na, vừa chữ nghĩa, gọn nhẹ trong phát âm, đang là tên gọi thông dụng hiện nay. Nhiều tên gọi, nhưng dường như chỉ có chung một nghĩa: Núi Lớn
Núi Lớn - Núi Hồng, tương ứng với Sông Cả - Sông Lam.
Về kiến tạo địa lý, nó sinh sau đẻ muộn hơn Giăng Màn, Đèo Ngang. Tuy là đồ sộ, nguy nga, nó vẫn thuộc loại núi lẻ đồng bằng ven biển. Mặt bằng của nó khoảng 30km2, trải dài trong phạm vi địa phận 34 xã thuộc 3 huyện Can Lộc, Nghi xuân và Đức Thọ. Phần đất Đức Thọ nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh. Ngoài diện tích hoàn chỉnh nó còn có phóng ra các đồng bằng bao quanh nhiều quả núi nhỏ lẻ, riêng biệt, tạo nên một quần thể núi đẹp: núi Cơm - gói cơm ông Đùng, nơi lá cờ búa liềm được cắm trên đỉnh đầu tiên ở huyện Nghi Xuân trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh; núi Ngọc Sơn - nơi làng quê của hai trạng nguyên, vừa là hai cha con họ Sử, thời Trần - những vị mở đầu đại khôi nguyên vùng đất Nghệ Tĩnh…
“99 ngọn” chỉ là số ước lệ , chỉ một ‘đại lượng” không thể đếm. Thực tế ngọn núi trong dãy này, nếu chưa vội ghi ở hàng số nghìn thì cũng phải ở hàng số mấy trăm, đâu chỉ dừng lại ở hàng số chục; ngọn núi Ông - ngọn Tháp Cờ, đỉnh cao nhất của dãy núi này cũng chỉ 676m. Do tính riêng khoảnh của nó, vẫn gây cho ta cảm giác là nó rất cao.
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
(Nguyễn Du)
Các nhà địa chí xưa, chia dãy núi thành 3 nhóm núi (Tam Điều - Nghi Xuân địa chí), chúng được phân cách bởi hai đường truông: Truông Cộng Khánh làm ranh giới giữa nhóm Thiên Tượng và nhóm núi Đụn; Truông Eo Bầu, ranh giới giữa nhóm Đụn với nhóm Hương Tích. Tên một ngọn núi tiêu biểu trong nhóm được chọn làm tên chung cho cả nhóm núi.
Núi Hồng mấy cụp, mấy khe?
Tháp cao mấy trượng, đi về mấy truông?
Câu ví ân tình vừa là câu hỏi địa lý. Không còn là núi nếu không có đá, khe, hang động, cây cối, chim muông, những yếu tố cấu thành ra nó. Chúng vừa là tài nguyên, của cải vật chất, vừa là tài nguyên, của cải văn hóa. Ở đây, vật thể cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo, sản phẩm kinh tế và văn hóa có sự hòa nhập, đan xen; vật tư lâm sản, khoáng sản, vừa là di tích văn hóa.
Trước hết, nói về đá. Có thể công bố, dãy núi này là “Kho dự trữ” khá dồi dào đá hoa cương. Nó còn có một số trữ lượng khoáng sản, sa và đá quý khác. Ấy là vì đại bộ phận nham thạch núi này là đá mác-ma xâm nhập. Xa xưa núi được phủ kín nhiều lớp thảm xanh cây cối. Cả một quá trình bị chặt phá tai hại, núi đã bị bóc trần, trơ ra những khối đá, cụm đá, thậm chí cả những mái núi đá, chồng chất ngổn ngang. Tùy địa hình và hướng núi khác nhau, chúng đã tạo nên những hố lèn hang động, “Đá một”, “Đá đôi”, hình dáng khác nhau, kỳ vĩ, huyền ảo...
Trong dãy núi có 2 ngọn “mồng gà”, 3 ngọn “yên ngựa”, 4 ngọn “đầu” và “tai voi”. Và bao nhiêu những lèn đá, khối đá khác nhau như động “12 cửa”, động “chẻ hai”, đá lưỡi cày, đá mũi thuyền, đá cồng, đá nón... Động đá Hang ở ngọn Đụn, chứa hàng trăm người ngồi thoải mái, đã trở thành cung điện của “cố đô Ngàn Hống” trong truyền thuyết. Cặp đá Hàm Rồng bên cạnh chùa Hương Tích đã được tín ngưỡng tạo thành động “Hóa thân”của Phật bà Quan Âm. Đỉnh núi Ông còn có tên đỉnh Tháp Cờ. Tương truyền chúa Hai, con Mai Thúc Loan đã cắm cờ hiệu tại đó.
Từ cơn vạng đến Bằng Vai
Cụp cờ còn đó nhớ ai cắm cờ?
Cơn Vạng, Bằng Vai là tên những dốc động trên lối đi trên đỉnh. Câu ví vùng này gợi ta suy nghĩ: Nó có liên quan gì đến trang lịch sử một thời oanh liệt đó chăng? Ngọn núi Lầu, sách Nghệ An cổ lục chép: Lý Thánh Tôn đã dựng hành cung tại đó.
Ai đã từng đến vùng dốc Chợ Hang, Khe Rãy, đều bị cuốn hút bởi những cảnh trí kỳ ảo, lạ lùng: những triền dài chọ đá hiểm hóc chất chồng. Vào được những động ấy, phải chui qua các kẽ hở của chạn đá chất chồng trong lòng núi, bằng nhiều động tác luồn lách, cúi, bò, trườn, trượt khác nhau mới có thể vượt qua. Qua từng chặng phải làm dấu để nhớ lối ra khi trở lại. Đó là căn cứ địa nuôi giấu lực lượng vũ trang bạo động của Thần Sơn Ngô Quang trong thời hoạt động Duy Tân - Quang Phục (1905 - 1911); đó là căn cứ đầu tiên cuộc nổi dậy của nông dân Hà Tĩnh chống triều đình nhà Nguyễn do Phan Bô (Cố Bu) cầm đầu (1834 - 1837).
Mỏm núi Mũi Rồng có khu đất khá bằng phẳng, đó là ngôi mộ vị tổ phát tích của dòng họ Đặng Tất - Đặng Dung.
Dù trong, cũng chỉ nước đồng
Dù đục, vẫn nước Mũi Rồng chảy ra.
(Ca dao Nghệ Tĩnh)
Kia là đá Chân Tiên, in rõ dấu chân đang bước. Nọ là đá Ông - Bà, hai người ngồi đối diện, như đang tâm sự hàn huyên.
Khe suối nhiều cũng là một đặc điểm của núi này.
Núi trọc, mái dốc, khe suối bị thoát nước nhanh. Mặt khác, vẫn không ít suối khe, nước ầm ào hoặc róc rách bốn mùa không bao giờ cạn. Bởi lẽ, trên nhiều ngọn núi, trong lòng nó, ngậm sẵn những khối nước ngầm khá lớn. Chúng tạo ra ngay trên đỉnh núi, lưng núi, những vũng trũng, đầm lầy có thể trồng lúa. Động khe Rãy, khởi đầu là trại khai hoang cố Bu, sau đó đã trở thành căn cứ cuộc nổi dậy.
Một số khe, nguồn nước khá lớn, người ta đã đắp thành đập loại tiểu, loại trung để giữ nước tưới ruộng như đập Cù Lây, Trường Lão, đập cồn Tranh, Khe Hao... Đó là loại khe suối dòng nước chảy thông thường. Nhưng có những loại khe dòng chảy khá đặc biệt. Đó là loại khe nước chảy vọt ngang từ kẻ hở hốc đá đứng thành như suối Hương Tích, nước cực kỳ tinh kiết, trong mát và phảng phất thơm - “Suối ngọc một gầu vơi tục lụy” (thơ Trần Công Soạn). Có loại khe, nước trút từ đỉnh xuống theo chiều thẳng đứng của thanh đá, cao hàng chục mét như khe Vằn Khăn ở dốc núi Sư Tử, khe nước nhỏ ở mỏm núi Thung Ao. Lại có khe Mưa Dông, ở ngọn Hàm Rồng, “mưa” trong lòng núi. Nước của khe này phát ra từ vòm trần của một cái hang. Hang rộng bằng cái thùng chứa hàng có mui của một xe tải loại lớn. Hang xuyên ngang vào sườn núi, không gian của cái hang chỉ có thế mà đã tạo ra trong hang một “thế giới” riêng biệt. Ngoài trời, khi mưa khi nắng. Trong hang, đêm ngày, năm tháng liên tục mưa. Từ vòm trần của hang, nước từng giọt rỉ đều đều có hàng nghìn giọt rả rích, lách tách rơi xuống. Qua nhiều tầng lóng lọc, nước khe trong mát cực kỳ. Giọt nước từ trần hang rơi xuống đáy hang có sẵn chứa nước, phát ra âm thanh lộp độp, như tiếng mưa dông. Tên khe ấy từ âm thanh ấy. Nguời ta đã đắp thành một con đập lưỡi liềm, bao quanh dưới chân hang để trữ nước tưới đồng ruộng, đó là đập khe Mưa Dông.
Nước ngầm còn tạo ra một số ao vực ngay trên đỉnh núi, lưng núi. Đó là vực Nguyệt ở ngọn núi Đụn. Sách xưa chép, vực ấy sâu không đáy. Có thể là vết tích tàn dư của cái miệng phểu phun trào trong nguyên đại trung sinh chăng? Đó là ao núi Lần, có hang xuyên ngang dưới núi, thông nước ra sông Lách dưới lòng truông, dù chân bước nhè nhẹ, vẫn nghe tiếng thình thình trong lòng núi.
Dưới chân dãy núi, một hệ thống hồ đầm hình thành. Bàu Mỹ Dương như dải lụa, uốn lượn vòng vèo dài trên 10km, vây quanh chân núi phía đông. Hồ Tiên trước chân núi Vân Am, sách Đại Nam nhất thống chí chép, nó còn có tên là Đầm Hồ Lô, rộng vài chục mẫu. Nằm cân đối giữa một bên bờ hồ là phiến đá thạch bàn, nhô ra giữa hồ nước, nước mấp mé lấp xấp chân đá. Ngày xưa bên bờ đá, một cây đa cổ thụ khom khom tỏa tán xum xuê. Rất tiếc cây đa này không còn nữa! Cảnh quan chung quanh chân núi đã bị thời gian tàn phá đi nhiều, nhưng thạch bàn vẫn còn đó. Phiến đá khá rộng và bằng phẳng, bồng bềnh kê trên mặt nước, như muốn tạo ra ở đây một không gian non nước, trời mây đơn sơ nho nhỏ, dành riêng cho du khách ngồi hóng mát, bơi tắm, buông câu…
Nước hồ yên lặng
Ta ngồi xem cá tôm bơi lặn
Nước hồ trong xanh
Khiến ta hứng khởi tâm tình...
(Thơ Dương Thúc Hạp - “An Tĩnh sơn thủy vịnh”- dịch)
Núi có 8 dải truông, dài ngắn, ngang dọc khác nhau. Truông Cộng Khánh nguyên xưa là một lối mòn. Sau những đợt công binh, quan gia hành quân có voi, đường được phát dọn, dùng cho voi đi để tránh cầu. Từ đó, đường dần được mở rộng thành dải truông hoàn chỉnh, nay là đường 18 Da Lách - Kẻ Treo.
Truông Vắn xưa cũng là một lối mòn, luồn lách trong gai góc rừng rậm. Từ năm Ất Tỵ (1425), một cánh nghĩa quân Lam Sơn chốt ở động Ngự Tiền, thuộc đất huyện Phi Lộc, vượt sang giải phóng vùng đất Nha Nghi, đã sử dụng đường truông này là lối đi nhanh nhất. Sau đó, nhiều thế hệ tiếp tục sửa sang mở rộng, trở thành đường truông duy nhất trong dãy núi này được ghép 1.645 bậc đá chiều dài, một công trình lát ghép đường thời xưa bằng đá hiếm thấy trong tỉnh ta. Tên người đứng ra tổ chức việc lát ghép đường được dân gian gắn với tên đường: Từ truông Vắn thành truông cố Ghép.
Là dãy núi đồng bằng ven biển, dễ có điều kiện phát triển cây cối, chim muông.
Một quá trình dài núi bị chặt phá, các loại gỗ quý, voi, hổ đã mất hẳn. Phần “của nổi” hầu như đã cạn kiệt.
Về cây cối, thông là loại cây trồng ở núi này thích hợp. Hiện còn 3 khu rừng thông, tuy đang non tơ nhưng phát triển khá nhanh: một ở đồi núi Chân Tiên, một ở núi Bãi Vọt và một ở núi Lách.Trước chân mỏm đá Lưỡi Cày, mái núi rất dốc, rừng thông vẫn bám trụ cheo leo trên mái đá dốc xanh tươi, ngạo nghễ, thách thức, gợi nhớ mấy câu vịnh cây thông của nhà thơ Nôm cổ lỗi lạc, ngang tàng quê ở vùng này.
Hương Tích một góc nhìn. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Tại núi Hương Tích, vùng chùa Hương và động Trang Vương, xưa có rừng thông xanh tốt bạt ngàn. Nay chỉ còn lại đơn độc, hiếm hoi hai cây thông cổ thụ!
Núi mái đông uốn cong vành nôi, như để đón chim trời về nghỉ. Hồ đầm nhiều, thức ăn cho chim phong phú. Hàng năm, cứ đến hai mùa Bạch lộ, Sương giáng, các đàn chim trên đường vượt đại dương đi về tránh nóng, tránh rét, thường phải nghỉ tại đây. Vào những tháng ấy, trên vùng đất có mái núi sát biển này, nhất là vùng đất Song Nam, điểm hội tụ các loại chim trời, có mật độ chim khá dày đặc. Người ta cũng tập trung đến vùng này, dùng mọi cách đánh bắt, bẫy bắn thẳng tay, không hề một chút nhẫn tâm! Cứ như thế, mỗi năm, hàng triệu chim bị tiêu diệt, trong đó có khá nhiều loại chim quý như Bạch lộ (cò trắng), Thiên nga (vịt trời), Phí chim (chim Sả), Hải yến, Hoàng anh... Quạ (chim Ô) và Xắc (chim Thước) là loại chim rất quen thuộc trong đời thường, rất đẹp trong thơ ca, trước đây ba bốn chục năm, chúng sinh sống tại vùng đông đúc là thế, nay không còn một bóng con nào! Tiêu diệt môi sinh, một thảm họa khôn lường, chưa hề được ngăn cấm.
Cùng với sông Lam, núi Hồng có một kho tàng đầy ắp truyền thuyết, huyền thoại, di tích thắng cảnh. Với vị thế xứng đáng văn hóa - lịch sử, kinh tế - quốc phòng của mình, từ lâu nó đã trở thành một biểu tượng quê hương xứ Nghệ. Nó cũng là biểu tượng văn hóa - văn học khi người ta muốn nói những gì về con người, phong thổ vùng này: Hồng Sơn thế phổ, Hồng Sơn văn phái, vùng đất Hồng Lam, con người Hồng Lam, khí phách Hồng Lam...
Không chỉ trong nước, từ lâu người Trung Quốc đã rất ngưỡng mộ đối với dãy núi này. Họ xếp núi Hồng vào trong số 21 danh sơn nước Nam; có những họa sĩ tầm cỡ người Minh, đã vẽ nhiều cảnh đẹp núi này thành những bức tranh “ngự lãm” đem dâng Minh Thái tổ. Dưới tầm nhìn tinh tế của các nhà địa lý - lịch sử người Pháp, Hồng Lĩnh được trân trọng gọi “Khối quần sơn kỳ vĩ” (H.Le.Breton).
Mới sưu tầm bước đầu, đã có gần trăm bài thơ viết về núi Hồng trước cách mạng tháng 8 (Thơ Núi Hồng - Võ Hồng Huy sưu tập, giới thiệu - chưa xuất bản). Thơ đủ các thể loại: Hán, Nôm, Cổ phong, đường luật, tứ tuyệt, trường thiên... Không ít nhà thơ danh tiếng trong nước, qua nhiều thế hệ đều đã có bài trong phạm vi được biết cho đến hôm nay, người viết bài đầu tiên Phạm Sư Mạnh, nhà thơ nổi tiếng thời Trần, người viết nhiều bài nhất là Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, thời cuối Lê đầu Nguyễn và, người viết bài kết thúc thời kỳ thơ viết về núi Hồng trước cách mạng tháng 8 là Võ Liêm Sơn, nhà thơ, nhà chí sĩ, nhà ông sát ở núi, “nhỏn cao thứ nhất trước nhà”.
Đó là di sản văn hóa dân tộc quê hương vô cùng quý giá.
Tất cả điều đó đã nói với ta rất nhiều./.
Tháng 3 - 1992
V.H.H
_________________
Tài liệu tham khảo:
Hoàng Việt dư địa chí (bản chữ Hán), Đại Nam nhất thống chí (bản dịch), Nghệ An cổ tích lục (dịch), Hoan Châu phong thổ thoại (dịch), Nghệ An ký, An Tĩnh cổ lục của H.Le Breton, Tĩnh Hà Tĩnh của R. Bulateau, ca dao Nghệ Tĩnh, Truyện kể Nghệ Tĩnh, Núi Hồng 99 ngọn (truyện kể). Lịch sử Nghệ Tĩnh (tập I). Thiên Lộc huyện phong thổ chí (dịch), Nghi Xuân địa chí (bản chữ Hán).
Võ Hồng Huy với non nước Hồng Lam
ĐỨC BAN
Đã nhiều lần tôi ngồi chuyện trò với Võ Hồng Huy trong một căn phòng ấm áp và yên tĩnh ngập tràn sách: sách chữ ta, sách chữ Pháp, sách chữ Nôm, sách chữ Hán. Ồn ào phố sá, ngổn ngang nhân thế ở đâu còn nơi đây tâm hồn con người bỗng trở nên bình lặng. Tôi nghĩ thế và nói thành lời ý nghĩ ấy. Võ Hồng Huy cười hồn hậu. Và im lặng. Tôi rất ít nghe ông bàn luân về văn hóa, văn chương. Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, người bạn thân thiết của ông, nói với tôi rằng, ký ức về cuộc đời hoạt động chính trị của Võ Hồng Huy phong phú lắm, sâu sắc lắm, nhưng là những gợn sóng trên mặt nước nhiều màu. Dưới những lớp sóng gợn kia, đằng sau thứ màu sắc kia là những hiểu biết thâm hậu về các giá trị văn hóa truyền thống, hiện đại của quê hương - dòng chảy làm nên Võ Hồng Huy. Dòng chảy mà Thái Kim Đỉnh văn hoa lên ấy, khởi nguồn từ làng Yên Điềm ven biển, dưới chân Ngàn Hống từ thời Võ Hồng Huy mới lên mười tuổi, thời ông rũ tóc ngồi bên ngọn đèn dầu lạc gom nhặt tri thức của người cha, của bác ruột, chú ruột uyên thâm Nho học và Tây học.
Lớn lên trong cao trào kháng Nhật cứu nước, sự ra đời của Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh,Võ Hồng Huy vừa dạy học kiếm sống vừa tham gia Việt Minh bí mật ở xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tổng khởi nghĩa năm 1945, hai mươi tuổi, Võ Hồng Huy làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, Bí thư Chi bộ xã Tiên Bằng. Từ ấy, ông bước vào con đường hoạt động cách mạng đầy vẻ vang nhưng cũng không ít đận gian nan. Ông làm Thư ký UBKC huyện Can Lộc, cán bộ Khu ủy Khu Bốn, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Đảng ủy viên Đảng ủy Cơ quan Dân Chính Đảng. Tiếp đó là hai chục năm, làm Phó Trưởng ban, rồi Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh. Công việc chuyên môn của một cán bộ chủ chốt của Đảng chiếm hết thời gian vật chất của ông. Sau này đọc những tác phẩm nghiên cứu văn hóa của ông, tôi cứ nghĩ chắc những năm tháng ông ở cơ quan Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh làm cái công việc không, hoặc ít dính dáng gì đến văn chương, nghệ thuật, đến di sản văn hóa, ông đã phải khát khao, phải nồng nàn yêu quý non nước quê hương, phải tha thiết với cuộc sống lắm mới giữ cho dòng chảy chìm sâu như Thái Kim Đỉnh nói ấy không một lúc ngưng nghỉ. Mà sự thực nó không ngưng nghỉ. Năm 1984 ông nghỉ hưu thì năm 1995, cuốn khảo cứu: “Non nước Hồng Lam” (Tập 1) của ông ra đời. Một cuốn khảo cứu văn hóa ông cầm bút trong mười năm trời; và viết bằng 60 năm gắn bó mật thiết với quê hương, xứ sở. Non nước Hồng Lam (Tập 1) lập tức nhận giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Tôi nghĩ, tôi có lý khi nói rằng, sau L.Breton với An Tĩnh cổ lục, Nguyễn Đổng Chi với Địa chí Dân gian Nghệ Tĩnh, Thái Kim Đỉnh với Đất văn vật Hồng - Lam, núi sông Hà Tĩnh từ thuở khai thiên tịch trải bao thăng trầm dâu bể, với sống, chết, với ảo, thực, tụ về và lên tiếng trong Non nước Hồng Lam của Võ Hồng Huy. Rồi tập 2 Non nước Hồng Lam ra đời. Bấy giờ là năm 2010, năm Võ Hồng Huy vào tuổi 85. Bấy giờ người ta mới nhìn thấy ông ở phía nghệ thuật ngôn từ. Dẫu viết về cái gì, thể loại, loại hình nào, dẫu tác phẩm dịch từ tiếng Pháp hay tiếng Hán, ông đều kỹ lưỡng từng câu, từng chữ. Ngôn từ giản dị, trong sáng tạo nên một văn phong khoa học mà thấm đẫm chất trữ tình của ông đã xác lập tiểu sử, hình dạng, màu sắc, hồn vía của mỗi ngọn núi, con sông, của đền, chùa, miếu mạo, lăng tẩm, của danh nhân, chí sỹ… trên đất Hà Tĩnh... Ông viết về Núi Hồng - Hoan Châu đệ nhất danh sơn: “Cái tên Núi Hồng làm cầu nối giữa một bên Ngàn Hống - tên Nôm và một bên, Hồng Lĩnh, tên Hán - Việt. Cụm tên ấy vừa nôm na vừa chữ nghĩa, vừa gọn nhẹ trong phát âm, nó đã và đang trở thành một tên gọi thông dụng”. Ông viết về Sông La: “Có một dòng sông không nguồn cũng không cửa, từ xưa, vẫn được sử sách ghi nhận là con sông lớn, nổi tiếng một châu... La đồng nghĩa với là - dải lụa, dải là - hình ảnh mềm mại mượt mà của dòng sông ấy. Từ tên Nôm được chuyển dịch thành La Giang. Vì có vị thế tiêu biểu cho vùng đất trù phú, đặc sắc, tên sông được tuyển chọn làm địa danh huyện sở tại: huyện La Giang thời Lê - Trịnh, vì kiêng húy đổi thành La Sơn (tên cũ huyện Đức Thọ ngày nay.”...Ông khắc họa chân dung danh nhân Bùi Cầm Hổ: “Hồng Lam chung tú/ Bùi tướng công thiên cổ vĩ nhân (*) Sở dĩ trở thành một nhân vật nghìn đời sống mãi, bởi từ tài năng, đức độ và phong tiết của ông. Đối với chính sự ông là bậc sỹ phu tận tâm, quyết đoán, công minh, cương trực, không hề tránh né, xu phụ một ai...”. Viết đến đây tôi chợt nhớ đôi câu đối của vị Bác sỹ từng chữa bệnh cho ông viết tặng ông:
“Bút hạc Núi Hồng mở trang dư địa chí
Nghiên loan Sông Phượng khơi dòng sử dân gian”
...Không chỉ tôi mà nhiều người khác năng lui tới nhà ông, “quấy rầy” ông. “Quấy rầy” và quây quần và đầm ấm. Người nhờ ông dịch sắc phong, kẻ nhờ ông dịch bản gia phả của tổ tiên để lại, lại có người chở ông trên xe máy đi phục hồi những con chữ Hán bị mờ nhòe, mất nét ở đền chùa, lũy thành, lăng tẩm… Tôi thấy ông chẳng từ chối, giấu diếm điều gì với các thế hệ sau ông. Ông chối từ những chuyện phù phiếm, háo danh cần mẫn đi cùng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quê hương, đất nước. Ông đã yêu những gì tạo hóa sinh thành, cha ông sáng tạo, xây đắp nên bằng một thứ tình yêu nồng nàn: Từ người anh em quanh ông, cỏ cây quanh ông, sông, núi quanh ông, lễ hội quanh ông, đền chùa, miếu mạo quanh ông… Tôi thầm nghĩ, những người như ông đi qua thế gian này để thế gian này đẹp hơn, có ý nghĩa hơn, để con người sống nhân hậu hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn.
Tháng chạp năm Ất Mùi 2015, tôi đến thăm ông. Chiều ấy mưa lay phay và gió se lạnh. Thấy loáng thoáng hoa đào trong những khu vườn sâm sẫm bên đường và thoảng mùi hương trầm nôn nao. Chợt nhớ bữa nào đó, Thái Kim Đỉnh cười buồn, rồi nói rằng, tết này mình và ông Huy ra ngoài cửu thập; mình chín mốt, ông Huy chín hai. Hai cây cổ thụ trong làng văn hóa đã bắt rễ vào đất quê hương, tỏa bóng xuống đất quê hương sống tươi tốt, mập mạp đã sắp trọn một thế kỷ!. Hôm ấy, theo thói quen tôi đi thẳng lên cầu thang bước vào phòng làm việc của ông. Ngọn đèn bàn đang tỏa một vùng ánh sáng tròn trên những trang giấy trắng. Trước mặt ông lúc ấy là những trang giấy trắng. Suốt cuộc đời bao nhiêu lần ông đối diện với trang giấy trắng? Những trang giấy trắng với ông là cô đơn, là dằn vặt, là khát vọng, là sức mạnh, là niềm vui thanh khiết nhất. Trước trang giấy trắng ông hoàn toàn đủ quyền năng thức dậy những gì ông thấy cần phải thức dậy. Ông ngồi bên bàn, tấm lưng gầy khom xuống, những đường răn trên gương mặt phúc hậu, dưới ánh sáng nom rõ hơn, và có chút gì đó bí ẩn tôi không đủ sức đọc ra… Ông lại viết. Viết với tất cả sự đam mê, tất cả tình yêu và tất cả trách nhiệm với con người, với cuộc đời, với thời đại mình đang sống.
Bốn tháng sau bữa mưa lạnh ấy, ngày 25 tháng 3 năm 2016, ông đột ngột về cõi vĩnh hằng, để lại cho quê hương một tài sản văn hóa quý báu vô cùng: Hàng ngàn trang sách khảo cứu, giới thiệu về núi sông, danh thắng, phong thổ, lễ hội, làng xã, dòng họ, danh nhân, sự kiện tiêu biểu của xứ Nghệ; hàng ngàn trang địa chí, lịch sử các địa phương với nhiều tác phẩm Hán - Nôm, thơ, câu đối, trướng mừng... để lại thế gian một khoảng trống vắng không biết đến bao giờ mới bù đắp nổi; một nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng mọi người không biết bao giờ thì nguôi ngoai được...
2016
Đ.B