28-05-2021 - 09:08

Nghệ thuật và công chúng những điều trăn trở

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5/2021 trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Lưu An: "Nghệ thuật và công chúng những điều trăn trở"

nghệ thuật và công chúng  những điều trăn trở

                                                                                                 

       Tác giả - tác phẩm - công chúng, đó là cái tam vị tạo nên sự nhất thể cho đời sống của nghệ thuật. Ba yếu tố này ràng buộc lẫn nhau, chế định lẫn nhau, đặt điều kiện cho nhau trong suốt chiều dài lịch sử của bất cứ một nền nghệ thuật nào. Nói cách khác, chúng ngang bằng nhau về vai trò thực tiễn trong sự tạo lập đời sống nghệ thuật.

       Tuy nhiên, ở nền văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay, hình như lại đang diễn ra sự khuếch đại một cách quá mức vai trò của yếu tố công chúng. Trong văn chương, khi tỏ ra ngờ vực giá trị thực sự của các giải thưởng “quốc nội” lớn nhỏ, không ít nhà văn đã đề nghị gạt các tác phẩm được giải sang một bên để chọn các tác phẩm có lượng phát hành cao. Như vậy, chuẩn cứ để xác định giá trị của tác phẩm văn chương không phải là giải thưởng, mà là số lượng ấn bản và số lần tái bản - những thông số này cho phép chúng ta hình dung về độ ấm lạnh trong tiếp nhận của công chúng đối với tác phẩm. Trong điện ảnh, đang dấy lên làn sóng thực hiện những bộ phim ăn khách.

       Với tuyên ngôn “Phim là để dành cho khán giả”, người ta dường như tìm thấy giá trị của tác phẩm điện ảnh từ lượng vé bán ra, từ tổng doanh thu, từ lãi sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí - tóm lại là từ con số khán giả đến rạp xem phim. Trong âm nhạc, tình hình cũng tương tự. Thông qua các cuộc bình chọn ý kiến khán giả, thính giả, người ta sẽ biết những ca khúc nào thuộc vào hàng top - hit, những tác giả nào là nhạc sỹ ăn khách, những giọng ca nào đang là ca sỹ thời thượng, là “sao”. Đó là những giá trị, và ngoài những giá trị ấy, tất cả những gì còn lại của âm nhạc dường như đang bị coi là thứ yếu…

       Chỉ lấy ví dụ từ ba ngành nghệ thuật là văn chương, điện ảnh và âm nhạc, có lẽ cũng đủ thấy rằng hiện đang phổ biến một xu hướng coi công chúng như đại lượng duy nhất để đo lường giá trị của tác giả, tác phẩm nghệ thuật. Cần phải nhìn nhận hiện tượng này ra sao? Nên mừng hay nên lo đây?. Trước hết hãy xét vấn đề từ yếu tố tác giả. Vì những lí do gì mà người nghệ sỹ bắt tay vào công việc viết văn, soạn nhạc, vẽ tranh, nặn tượng, làm phim, v.v…? Nếu loại trừ nhu cầu kiếm sống hoặc sự khát khao tìm kiếm tên tuổi, thì chỉ còn lại hai lý do cơ bản.

       Thứ nhất, đó là nhu cầu được giải phóng những trăn trở, những vật lộn tìm tòi của người nghệ sỹ trước các vấn đề của đời sống và của bản thân nghệ thuật. Và sau đó, thứ hai, là nhu cầu được chia sẻ, được khuếch tán và phổ biến những trăn trở, những vật lộn tìm tòi ấy trong cộng đồng - tức là nhu cầu có công chúng nghệ thuật. Hai lý do này có sức mạnh tất yếu ngang nhau trong quá trình sáng tạo. Nếu không xuất phát từ lý do thứ nhất thì dù có là nghệ sỹ thiên tài cũng không thể đẻ ra được tác phẩm nghệ thuật, có chăng chỉ là một loại “á nghệ thuật” mà thôi. Còn nếu không có lý do thứ hai, nếu người nghệ sỹ tin chắc rằng mình sẽ không có lấy nổi một công chúng - bây giờ cũng như mai sau – hoặc anh ta vốn không cần ngó ngàng tới công chúng, thì đơn giản là anh ta sẽ chẳng sáng tạo làm gì!

       Đã rõ, không nghệ thuật nào là nghệ thuật không cần tới công chúng. Nhưng công chúng nào, và cần phải ứng xử với công chúng theo cách nào, thiết nghĩ, đó mới thực là điều quan trọng. Chúng ta thường có thói quen nhận xét về công chúng theo kiểu “túm một mớ”, rằng công chúng thế này rằng công chúng thế kia. Nhưng thực tế là, trong công chúng, anh A khác anh B có khi một trời một vực! Nói cách khác, có những sự phân hóa trong công chúng của nghệ thuật, có thể đó là sự phân hóa về tuổi tác, giới tính, ngành nghề, quan điểm xã hội, quan điểm thẩm mỹ v.v và v.v… Tôi muốn nhấn mạnh đến sự phân hóa về trình độ nhận thức thẩm mỹ.Và theo lằn ranh giới (không phải bao giờ cũng dứt khoát) này, có thể tạm nói đến hai loại công chúng nghệ thuật: công chúng tinh hoa và công chúng phổ thông. Công chúng tinh hoa là những người am hiểu nghệ thuật, họ được (hoặc tự) trang bị đầy đủ kiến thức để có thể tiếp cận tác phẩm nghệ thuật, nắm được nội dung, ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của nó một cách khá chính xác. Họ có khả năng phát hiện cái mới ở nó và cũng có khả năng phê phán nó, họ nhìn thấy quá trình sáng tạo âm thầm của tác giả và có thể đặt yêu cầu với anh ta ở quá trình tiếp theo… Còn công chúng phổ thông, đó là những người yêu nghệ thuật một cách bất tự giác, họ đến với nghệ thuật hầu như theo nhu cầu giải trí thuần túy. Họ có thể cũng có sự phẩm bình đánh giá tác phẩm, tác giả, song cơ bản thì đó là sự phẩm bình đánh giá thiên về cảm tính và theo “lẽ phải thông thường” (chữ của Engels).

       Sau khi đã phân loại để nhận diện hai kiểu công chúng này, phải nói ngay một đặc điểm rất quan trọng: quan hệ giữa công chúng tinh hoa và công chúng phổ thông là quan hệ giữa thiểu số và đa số, hơn nữa, nhận định của hai loại công chúng về nghệ thuật rất thường khi không trùng hợp với nhau, nếu không muốn nói là hay trái ngược nhau!

       Đến đây, đã có thể tạm có câu trả lời cho xu hướng coi công chúng như đại lượng chuẩn để đo lường giá trị của tác giả, tác phẩm nghệ thuật: được số đông công chúng thừa nhận chưa hẳn đã là đủ điều kiện để tấn phong giá trị, nếu như số đông ấy chỉ gói gọn ở công chúng phổ thông. Thế mà, oái oăm thay, sự thực nhãn tiền ở nền văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay là như vậy: Những bộ phim ăn khách, thu lãi suất cực cao là những bộ phim mà giới làm nghề và giới phê bình điện ảnh phải ngán ngẩm lắc đầu. (Nhưng không vì thế mà tất cả những bộ phim thua lỗ lại đều là những tác phẩm điện ảnh ở trình độ nghệ thuật cao.

       Nhiều đạo diễn Việt Nam thường đổ lỗi cho công chúng không đủ tầm để xem phim do mình làm ra - về lý thuyết thì có thể nói như vậy, nhưng với thực tế của phim Việt Nam thì tôi… không tin). Những ngôi sao ca nhạc, những top - hit ca khúc do khán giả bình chọn chẳng mấy khi liên quan đến sự thẩm định của các Hội đồng nghệ thuật gồm toàn những nhạc sỹ thành danh và đầy uy tín. Trong kiến trúc, người dân chỉ thích những kiểu công trình mà giới kiến trúc sư cực lực phản đối. Văn chương có khá hơn, song không phải cuốn sách nào có lượng phát hành cao cũng là cuốn sách được giới phê bình mặn mà… Tóm lại, khi chưa có sự phê chuẩn của công chúng tinh hoa, thì những giá trị có được từ sự thừa nhận của số đông công chúng là những giá trị hết sức bấp bênh và đáng ngờ. Và hiển nhiên, việc lấy số đông công chúng làm chuẩn cứ để định giá nghệ thuật là điều đáng lo hơn đáng mừng, bởi lẽ, nó tiềm tàng khả năng tạo ra sự “lộn sòng” giữa chân giá trị và ngụy giá trị trong nghệ thuật!

       Không nghệ thuật nào là nghệ thuật không cần tới công chúng - đây là nguyên tắc. Nhưng, trong tiến trình dân chủ hóa nghệ thuật, và đặc biệt, trong bối cảnh mà sản phẩm nghệ thuật cũng cần thiết phải trở thành hàng hóa, thì khái niệm “công chúng” trở nên khá chung chung. Có lẽ phải hiểu “công chúng” ở đây nghĩa là “đại chúng” - một đối tượng tiếp nhận nghệ thuật gần như trùng hợp với cái gọi là công chúng phổ thông. “Nghệ thuật phục vụ đại chúng” - có một khẩu hiệu như vậy, và chính là với sự định hướng mang tính quyết định luận như vậy mà nền nghệ thuật Việt Nam đã vận động theo cách riêng của nó kể từ sau năm 1945 tới nay. Tôi muốn bàn kỹ hơn về từ “phục vụ”. Một cách đơn giản, có thể hiểu “phục vụ” là làm thỏa mãn nhu cầu của đối tượng. Phục vụ nghệ thuật là làm thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, ở đây ta đang nói về công chúng phổ thông. Vậy thì, để có thể phục vụ được công chúng phổ thông, người nghệ sỹ cần phải hiểu rõ công chúng muốn gì, cần gì, thích gì, và từ đó làm ra loại tác phẩm nghệ thuật phù hợp với cái muốn, cái cần, cái thích ấy. Có những nghệ sỹ không chút băn khoăn về chuyện này.Nhưng lại có không ít người cảm thấy bức bối: họ muốn có công chúng của mình, càng nhiều càng tốt (tất nhiên!), nhưng những tìm tòi trong lao động nghệ thuật của họ thì lại vượt quá kích cỡ thẩm mỹ của công chúng. Chỉ có hai giải pháp cho nan đề này: thứ nhất, người nghệ sỹ phải “thu bé” mình lại, và thứ hai, anh ta cứ việc chường mình ra để rồi trở thành lạc lõng, thậm chí bị ghẻ lạnh - trường hợp của Nguyễn Đình Thi với sự thể nghiệm thơ không vần trong những năm đầu thời chống Pháp là một ví dụ khá điển hình, và đó cũng là trường hợp của Nguyễn Quang Thiều với lối thơ “như dịch mộc từ thơ Tây” vào đầu những năm 90. (Nhà Mỹ học tiếp nhận người Đức, Hans Robert Jauss, đã cho một lời đáp về hiện tượng này bằng khái niệm “tầm đón đợi” - khái niệm chỉ trình độ nhận thức của công chúng ở một thời điểm cụ thể: những tác phẩm nào vượt quá tầm đón đợi của công chúng khi mà nó xuất hiện thì thường phải chịu số phận như vậy).

       Nhìn nhận vấn đề một cách thật khách quan, có thể mạnh dạn nói rằng: mục đích sáng tạo nghệ thuật để “phục vụ đại chúng” - và chỉ thế thôi - chính là một trong những yếu tố ngăn trở năng lực sáng tạo của người nghệ sỹ, ngăn trở khả năng nảy sinh cái mới trong nghệ thuật và là sức ỳ đối với tiến trình vận động của nghệ thuật. Câu hỏi đặt ra là: Vậy thì rốt cuộc người nghệ sỹ phải ứng xử với công chúng như thế nào? Tất nhiên phải hướng về công chúng, nhưng không phải là để “phục vụ” công chúng theo những quy tắc vàng của kinh tế thị trường mà chúng ta ai nấy đều thuộc lòng: “khách hàng là Thượng đế”, và, “bán cái khách hàng cần chứ không bán cái mà mình có”. Làm như vậy, người nghệ sỹ có thể trở thành một tác giả best-seller trong văn chương, một nhạc sỹ thời thượng, một họa sỹ bán được nhiều tranh, một kiến trúc sư có nhiều đơn đặt hàng, một đạo diễn điện ảnh được nhiều hãng phim săn đón… nhưng trong tiến trình lịch sử của nghệ thuật, ít hy vọng anh ta sẽ để lại một dấu ấn tích cực nào. Bởi lẽ, đó là cách kéo tụt nghệ thuật xuống, thu hẹp nghệ thuật lại cho phù hợp với tầm vóc của số đông công chúng. (Vẫn có những tác phẩm thoả mãn được cả hai kiểu công chúng, do vậy nó vừa có giá trị thực, lại vừa ăn khách. Nhưng đó là số ít, rất ít).

       Thiên chức của người sáng tạo, có lẽ, trước hết là trung thành với những suy nghĩ trăn trở, những vật lộn tìm tòi của mình, và sau đó là dám chấp nhận trả giá vì nó. Nhà văn Pháp Alain Robbe Grillet - chủ soái của “Tiểu thuyết mới” - từng phát biểu: “Nhà văn sẽ là kẻ suy đồi khi mà trong lúc sáng tác anh ta còn nghĩ đến công chúng”. Dĩ nhiên không phải ông không cần đến công chúng - xin nhắc lại: không có nghệ thuật nào lại không cần tới công chúng - mà là ông đặt trọng tâm ở khả năng chiếm lĩnh những đỉnh cao nghệ thuật của người sáng tạo.Chỉ bằng cách liên tục chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, nghệ thuật mới phục vụ công chúng có hiệu quả nhất. Hay nói cách khác, nghệ thuật phải làm được chức năng đào tạo công chúng: thay vì cách thỏa mãn giản đơn cái thị hiếu thẩm mỹ hiện có của công chúng, người sáng tạo nghệ thuật phải bằng tác phẩm của mình mà “nâng cấp” thị hiếu ấy, đưa nó vượt ra khỏi giới hạn của thói quen tiếp nhận đã ổn định. Đây cũng là quan điểm của Mỹ học tiếp nhận: việc liên tục điều chỉnh tầm đón đợi của công chúng chính là yếu tố tác động trực tiếp tới sự phát triển của nghệ thuật, và là bản thân sự phát triển ấy!

Lưu An

. . . . .
Loading the player...