25-10-2017 - 08:33

Người giữ hồn cho dân ca ví giặm - nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh

Dường như bến nước, con đò của quê hương và những lời ru ầu ơ của bà, của mẹ đã neo vào trái tim nghệ nhân Thanh Minh niềm đam mê hát dân ca Nghệ Tĩnh.

       Nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh sinh năm 1944, cư trú tại khối 6, phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, nhưng sinh ra và lớn lên tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê - một vùng đất có sông Ngàn Sâu thơ mộng, hiền hoà, có những làn điệu dân ca mặn mòi ân tình xứ Nghệ. Dường như bến nước, con đò của quê hương và những lời ru ầu ơ của bà, của mẹ đã neo vào trái tim ông niềm đam mê hát dân ca Nghệ Tĩnh, để rồi sau đó dân ca trở thành hành trang theo người nghệ nhân này suốt một đời.

Nghệ nhân ưu tú Thanh Minh ( Ảnh: Quang Toản)

         Mặc dù đã bước qua tuổi 70 nhưng nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh vẫn luôn bồi hồi xúc động nhớ về người mẹ một thời tần tảo sớm hôm chèo đò ngang nuôi con khôn lớn. Cho đến lúc này ngẫm lại, ông thấy mẹ mình (cụ Phan Thị Thân) và nghệ sỹ ưu tú Trần Đức Duy (người cùng thời với mẹ), là hai người thầy đầu tiên dạy cho ông hát những làn điệu Dân ca Ví, Giặm một cách đúng nhất và hay nhất. Để rồi, cách luyến láy mượt mà, chải chuốt trong khi hát của ông mang hồn cốt Xứ Nghệ, khó lòng mấy ai theo được. Từ trong bụng mẹ, khi còn nằm trên nôi, lớn lên - Nguyễn Thanh Minh đã được nghe và thấm đẫm những câu hát dân ca. Sông Ngàn Sâu nặng tình câu ví, giặm, giờ vẫn còn lay động như một ký ức xa xăm không thể phai mờ trong ông.

         Những năm tháng cả dân tộc sục sôi đánh Mỹ, tiếng hát, giọng ngâm thơ của nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh đã góp phần cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược của quân dân ta. Hàng chục năm trôi qua, nhưng dư âm về bài "Mừng chiến thắng trời quê" của nhà thơ Duy Thảo và bài Giặm Vè "Thần sấm ngã" do nghệ nhân Lê Thanh Bình soạn lời, qua sự thể hiện của nghệ nhân Thanh Minh, vẫn ghi dấu ấn sâu sắc trong ký ức của bao người thế hệ người dân Hà Tĩnh. Và khán, thính giả Nghệ An và Hà Tĩnh luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ chất giọng ấm áp, trữ tình và sâu lắng của nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh qua nhiều chương trình ngâm thơ, hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình Hà Tĩnh và tại nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng các cấp.Nghĩ về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh nhớ lạị những tháng ngày gắn bó gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng, mà mình đã từng lăn lộn

         Năm 1964, nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh chính thức gia nhập vào Đội Thông tin Văn hoá tỉnh đội Hà Tĩnh. Từ năm 1970 cho đến lúc về hưu (năm 1990), ông từng tham gia công tác tại Đội Thông tin Văn hoá Đoàn 22B, Đoàn Văn công Quân khu IV, Công ty đường bộ 474.v.v... lúc nào nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trong đó lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật đã tạo cho ông một thế đứng vững vàng, đầy năng lực và uy tín trong mắt đồng đội, đồng chí và đồng bào.

         Nhờ vốn học hỏi từ những bậc cao niên, các cộng sự của mình và với những kinh nghiệm do tìm tòi học hỏi trong suốt quá trình công tác, nghệ nhân đã thông thạo rất nhiều các làn điệu dân ca vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh – Bình – Trị - Thiên nói chung, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nói riêng. Nguyễn Thanh Minh đã từng đi biểu diễn từ miền Bắc vào Nam, đi đâu ông cũng đã gặt hái được nhiều thành công, nhiều giải thưởng xuất sắc khi trình diễn các làn điệu dân ca cổ truyền các vùng miền. Nhiều trải nghiệm trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, đã nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn, nhân cách và đặc biệt là thắp sáng lên trong nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh niềm đam mê cháy bỏng với Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Ngày thơ Việt Nam hàng năm do Hội liên hiệp VHNT tỉnh chủ trì ít khi thiếu vắng giọng ngâm ấm áp, trang trọng của ông, đặc biệt là việc thể hiện bài "Nguyên Tiêu" của Hồ Chủ tịch.

        Tổ khúc  Dân ca Nghệ Tĩnh Duyên phường vải (Biên soạn và biểu diễn NNUT. Nguyễn Thanh Minh cùng các thành viên CLB phường Tân Giang)  Ảnh: Nam Giang

          Khi về nghỉ hưu, nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh lại càng có cơ hội tham gia nhiều hơn trên lĩnh vực sưu tầm, nghiên cứu, truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Ông mở lớp truyền dạy cho con em trong thành phố tại nhà; chỉ đạo CLB phường Tân Giang tham gia thực hiện một số chương trình Dân ca Nghệ Tĩnh trên Đài PTTH, chương trình Ân tình Ví Giặm tại một số tỉnh thành trong nước; trình diễn tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…nhằm quảng bá những giá trị văn hóa phi vật thể nói chung, Dân ca Ví, Giặm nói riêng lan tỏa khắp mọi miền của đất nước. Từ những lớp truyền dạy của ông đã có rất nhiều thế hệ học trò hát dân ca rất thành công và đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ liên hoan cấp tỉnh như: Phương Thảo, Kiều Thanh, Thúy Vân, Đức Trung, Hoàng Hạnh, Ánh Tuyết…

        Từ khi đảm nhận trọng trách Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm (phụ trách về chỉ đạo nghệ thuật) phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh, ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh đã trở thành nơi để các thành viên trong câu lạc bộ đến giao lưu và hát xướng. Với chất giọng ngọt ngào, sâu lắng, truyền cảm và những kinh nghiệm truyền dạy của mình, nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh đã góp phần giúp cho các thành viên câu lạc bộ hiểu hết giá trị đặc sắc của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, hát đúng và hay hơn mỗi ngày. Vài năm gần đây, nghệ nhân Thanh Minh còn dành thời gian đến nhiều trường học để dạy hát dân ca cho các em học sinh các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở ở thành phố Hà Tĩnh, kể cả các lớp Tập huấn tại Trường Cao đẳng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Du. Nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh luôn quan niệm dạy hát dân ca trong trường học là việc làm hết sức cần thiết, bởi hiện nay có nhiều dòng nhạc, nhiều sự lựa chọn cho thế hệ trẻ nên trách nhiệm của mình là làm sao để các giá trị văn hóa dân tộc là hòa nhập chứ không hòa tan. Trong lối hát Dân ca Ví, Giặm, nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh cũng cho rằng sự biến đổi và sức sống của dân ca trong đời sống âm nhạc đương đại là điều tất yếu, bởi xã hội luôn phát triển không ngừng. Vì vậy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cũng phải bắt nhịp, phản ánh hiện thực cuộc sống sôi động hôm nay, trên chất liệu dân ca gốc của cha ông ngày xưa truyền lại một cách năng động và uyển chuyển. Nhờ vậy, bên cạnh việc dày công sưu tầm, truyền dạy nhiều làn điệu Dân ca Ví, Giặm cổ cho các thế hệ trẻ, thì chính sức hút của Dân ca Ví, Giặm và nguồn cảm xúc dồi dào đã giúp ông cho ra đời hàng chục hoạt ca, hoạt cảnh, tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh lời mới có giá trị. Tiêu biểu như: “Khúc hát cội nguồn”; “Hai người mẹ”; “Duyên phường vải”; “Khúc hát Tân Giang”; “Khúc hát nghĩa tình”. v.v…

Nghệ nhân ưu tú Thanh Minh tham gia ra đề thi cho các em học sinh kiến thức về dân ca Nghệ Tĩnh trong hội thi " Rạng rỡ Thành Sen" (Ảnh: Linh Châu)

        Năm 2012, nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian. Năm 2015, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vì đã có những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hoá của dân tộc. Ngoài ra, ông còn được nhiều cấp, ngành trao tặng bằng khen, giấy khen cùng nhiều phần thưởng cao quý trong các kỳ liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Liên hoan đàn và hát dân ca Việt Nam. Nhưng có lẽ thanh danh cao cả nhất với nghệ nhân Nguyễn Thanh Minh là ông được cộng đồng yêu yêu nghệ thuật ở Hà Tĩnh tôn vinh là Người giữ hồn cho Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh..

Tác phẩm dân ca tiêu biểu:

MỘT KHÚC XUÂN

Trống hội Long Vân:

Mừng Xuân sang ta mở hội

Đón Xuân về ta mở hội.

Câu phường vải, đò đưa hòa ca

Neo vào thời gian lời của ông bà

Nghe mà thân thương, nghe càng thiết tha

Khúc ca mừng đắm say lòng ta

Nghe âm vang như lời gọi

Cả đất trời như vẫy gọi

Khắp Hồng Lĩnh, sông La về đây

 Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng nước non này

Ta tri ân, đất linh thiêng

Khúc ca này âm vang mọi miền.

Ví đò đưa:

Từng ngọn cỏ nhành cây đã dâng đầy sức sống

Giữa trời cao lồng lộng chim én gọi Xuân về

Cây mạ vào mùa làm thảm lụa của đồng quê

Bông mai vàng thắm nở, lòng ta nghe rộn ràng.

Giận thương:

Mừng đất nước hối hả vào Xuân

Mừng Đảng quang vinh gần trăm mùa đào nở

Tổ quốc bay lên từ sắc màu rực rỡ

Chín mươi triệu người dân là con cháu Lạc Hồng

Từ hồn cốt của cha ông

Ta hát mãi lời của non sông

Là khúc mừng Xuân, mừng quê hương, mừng Đảng

Neo vào sông La, buộc vào Hồng Lĩnh

Câu dân ca nặng nghĩa nặng tình.

Tứ hoa 1:

Hà Tĩnh ơi! Có phải sông La buông hai bờ Ví Giặm

Ai hát câu đò đưa bên tê bờ Linh Cảm

Để bên ni xao xuyến bến Giang Đình.

Tứ hoa 2:

Trải mấy chục mùa Xuân trên đất nước thanh bình

Con vẫn thay cha đi giữ gìn biển, ddảo

Vợ vẫn thay chồng chắn che từng mùa bão

Cho câu hát mừng Xuân đằm thắm ngọt ngào.

Giặm kể:

Dừ ta được gửi trao

Được giữ gìn, truyền nối

Từ ngàn xưa vọng lại

Câu Ví, Giặm quê mình

Chuyển Ví:

Đất nước chào mừng, nhân loại tôn vinh

Lời ca như Ngọc lung linh...ngời ngời.

Hát khuyên 1:

Ta xóc lại hành trang bước vào mùa Xuân mới

Một mùa Xuân vời vợi đỉnh Non Hồng

Ta khơi dậy những dòng sông cho ta nguồn năng lượng

Từ Cầu Treo, Vũng Áng, từ Kẽ Gỗ, Thiên Cầm

Nghe rầm rập những đoàn quân lên công trình thế kỷ.

Hát khuyên 2:

Đảng hướng cho ta tới chân trời rộng mở

Theo Đảng ta đi xây nước thịnh dân cường

Xây truyền thống quê hương, thắm màu cờ Xô Viết

Gần trăm năm oanh liệt ta làm cuộc trường kỳ

Lịch sử hãy còn ghi những mùa Xuân thắng lợi.

Giặm Đức Sơn 1:

Đã từ lâu mong đợi

Hội đất nước tiên rồng

Nghe tiếng gọi mùa Xuân

Trai gái quê ta một dạ, một lòng

Tổ quốc gọi lên đường, ta sẵn sàng có mặt.

Giặm Đức Sơn 2:

Tình ta, tình đất nước

Nghĩa ta, nghĩa đồng bào

Cứ cuồn cuộn theo mùa Xuân chảy bền lâu

Cờ Tổ quốc trên đầu, trong tim mình cờ Đảng.

Niềm tin:

Như ngàn hoa nở giữa vườn hoa

Từ quê ta đó giao hòa mùa Xuân

Một mùa Xuân cho đất nước thanh bình

Mùa Xuân của Đảng nặng ân tình

Muôn lòng xin gửi tới miền Ví Giặm quê ta

Xuân về chung một lời ca./.

Phan Thư Hiền( Giới thiệu)


 

. . . . .
Loading the player...