27-06-2022 - 07:10

NGƯỜI LƯU GIỮ KÝ ỨC ĐỒNG QUÊ CHO TRẺ

Tạp chí Hồng Lĩnh Số tháng 5+6 trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh về thơ thiếu nhi của Nhà thơ Bảo Ngọc - "Người lưu giữ ký ức đồng quê cho trẻ"

 

                             người lưu giữ ký ức đồng quê cho trẻ                                                                                     

   Nhà thơ Bảo Ngọc – tên thật là Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, quê ở Hưng Yên, hiện đang làm việc tại Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Tôi biết tác giả khi cho ra mắt tập thơ “Gõ cửa nhà trời” (Nxb Kim Đồng, 2019). Tôi yêu mến giọng thơ Bảo Ngọc, nó không bị lẫn vào giọng điệu  một tác giả nào khác viết cho thiếu nhi hiện nay. Thật vui mừng cho tác giả “Gõ cửa nhà trời”, ngay sau khi vừa mới “gõ cửa” bạn đọc, cuốn sách đã được hệ thống các Nhà xuất bản bầu chọn đại diện cho Văn học thiếu nhi, đứng trong tốp 7 sách thiếu nhi nổi bật nhất năm 2019.

Trở lại với những tập sách dành cho thiếu nhi của Bảo Ngọc. Tôi cũng là người sáng tác cho thiếu nhi nên đã đọc khá nhiều thơ văn mảng đề tài này, cũng đọc nhiều đồng dao. Tuy nhiên công bằng mà nói, phải đến khi đọc đến phần “Đồng dao ngày mới” trong tập thơ “Gõ cửa nhà trời” tôi mới thấy thật sự hài lòng, đặc biệt là khúc đồng dao “Dung dăng dung dẻ”. Phải là người nặng lòng với các cháu thiếu nhi, phải yêu và nhớ thương quê hương da diết mới viết được hay đến vậy. “Dung dăng dung dẻ” đậm chất dân gian với hình ảnh sống động cuốn hút người đọc từ câu đầu tiên cho đến khổ cuối cùng.

Bài đồng dao mở đầu bằng những câu thơ miêu tả bước chân của lũ trẻ đầy cuốn hút:“Đầu đội nắng trời/ Chân bơi mặt đất”. Không phải “chân chạy” mà lại là “chân bơi” - như thế mới giống, mới đúng cái say sưa của những bàn chân thơ ấu tíu tít lướt nhanh đuổi nhau trên mặt cỏ. Thành ngữ “đầu đội trời chân đạp đất” được cải biến để gián tiếp nói lên sự tự nhiên thoải mái của đoàn trẻ trong những bước khởi đầu của trò chơi “dung dăng dung dẻ”. Đoàn trẻ cứ “dung dăng dung dẻ” đến đâu thì khung cảnh ồn ào náo nhiệt lại xuất hiện ở đó. Nó làm cho“Gió” cũng “choàng tỉnh giấc/ Đánh thức ngõ quê”. Đến con chuồn chuồn ngủ mê trên cọc rào giữa hồ nước cũng bừng tỉnh bay lên “Giật mình thấp nước”. Chuồn chuồn thấp nước là một hình ảnh thường gặp ở làng quê xưa, nhưng những người thật sự yêu thiên nhiên, hiểu biết tập tính của muôn loài và sống với tâm hồn tò mò háo hức của trẻ nhỏ mới nắm bắt được hình ảnh hiếm hoi này. Với sự quan sát tinh tế, sử dụng ngôn từ hết sức trong trẻo, chuẩn xác nhà thơ Bảo Ngọc đã thổi hồn vào những câu đồng dao cho nó thêm sống động, đáng yêu hơn nhiều. Và con chuồn chuồn thấp nước dưới ao đó lại dẫn dắt chúng ta về một miền đồng quê kì diệu. Ở đó có “Cá cờ bơi trước/ Tôm lướt theo sau”.  

Khi nhìn thấy bóng cây in dưới mặt hồ, bằng con mắt hồn nhiên của trẻ, nhà thơ đã vào trọn vai đưa ra nhận xét: “Ai đào ao sâu/ Cho cây mọc ngược”. Chỉ chừng đó thôi cũng thể hiện rõ tài năng của nhà thơ Bảo Ngọc. Với những hình ảnh được cảm nhận bằng thị giác và sự liên tưởng từ những điều đã in sâu trong tâm trí chị đã viết nên những câu đồng dao tài tình đến vậy. Ở khổ cuối của bài đồng dao, ta có thể hình dung khi mùa vụ gặt hái đi qua nhưng vẫn còn đó những hạt thóc, những cọng rơm còn vương lại trên cây cảnh trước nhà để rồi trong một ngày vui chúng ta chợt nhận ra: “Hương đồng ngủ say/ Trên cành sen cạn”. Trong bài đồng dao hai mươi bốn câu, hai câu thơ xuất thần này đã thể hiện được cảm xúc và kỹ năng thơ vượt trội của tác giả.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gợi lên rất nhiều đồng cảm khi tặng cho tập thơ “Gõ cửa nhà trời” của Bảo Ngọc những lời yêu mến:“Khi ta kiệt sức ngã lòng, cần có một tiếng gọi để trỗi dậy và đi tới.Tôi bỗng tìm thấy tiếng gọi mang sức sống đó trong tập “Gõ cửa nhà trời” của Bảo Ngọc.

Một thanh âm trong trẻo nguyên lành dường như là của hiếm trời thời buổi vật chất đang quay hết tốc lực dưới tấm áo choàng 4.0 như hiện nay.Nhưng kỳ lạ thay, âm thanh đó không hề lạc lõng mà vô cùng ấm áp thân quen, bởi nó làm sống lại phần bản nguyên tinh thần bấy lâu nay ta lơ là nên bị lãng quên, vùi lấp (…). Nhưng Bảo Ngọc có khác biệt, “Gõ cửa nhà trời” vô cùng thuần Việt, đôi mắt trẻ thơ quan sát vạn vật hữu linh, vạn vật có linh hồn đang hòa cùng sự thánh thiện trẻ thơ ở làng quê Việt Nam. Quan trọng hơn hết, tâm hồn thánh thiện đó luôn luôn khát khao được bay lên trời (…). Tôi tin Bảo Ngọc đã gieo những hạt giống tốt lành bằng những hoa cỏ, đám mây, ánh mắt tiếng cười trẻ thơ…”

Sau “Gõ cửa nhà trời”, năm 2021 nhà thơ Bảo Ngọc lại tiếp tục dẫn các bạn nhỏ đến với “Lớp học Thung Mây”. Đây là một tập sách gồm hai phần. Phần đầu, với tựa đề “Giọt sương tập bay” tác giả mời bạn nhỏ đến với các bài thơ và câu chuyện thơ bằng giọng kể vốn trong veo, đặc biệt giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu. Phần sau “Cuộc phiêu lưu của dế nâu” gồm những câu chuyện nhỏ lại được viết theo lối đồng thoại. Qua cánh cửa thơ bước vào khu vườn của những câu chuyện nhỏ, tác giả đã dẫn dụ các em đến với thế giới thiên nhiên đầy ắp sự kỳ bí song cũng vô cùng gần gũi. Thiên nhiên là người bạn rất gần với tâm hồn trẻ thơ. Thiên nhiên cũng là người thầy mà qua đó các bạn nhỏ được trải nghiệm để học cách trở thành người có trái tim nhân hậu, biết trân quý từng điều nhỏ bé quanh mình.

Đến với “Lớp học Thung mây” các bạn nhỏ sẽ thấy “các bạn chữ” của mình không phải chỉ nằm im trong sách giáo khoa mà cũng phải “đi học”. Và rồi bạn sẽ bật cười khi nhận ra những điều thật thú vị: “Mẹ Chữ sinh đàn con/ Chữ O tròn như trứng/ Chữ A làm chiếc thang/ Bắc lên trời mây trắng/… E ấp đôi mắt biếc/ Là chữ E dịu dàng/Tiếng Em như gió thoảng/Dạ, thưa… nghe xốn xang/ Chữ E hay bối rối/ Đỏ mặt chuyện đâu đâu/ Mẹ bèn cho chiếc nón/ Thành chữ Ê… rất ngầu!” (Chữ E mà đội nón).

Tinh tế trong quan sát, thông minh và giàu biểu cảm trong cách thủ thỉ kể chuyện cho các bạn nhỏ, ở “Lớp Học Thung Mây”, mỗi trang sách mở bạn sẽ thấy luôn có một điều bất ngờ đón đợi. Ví dụ như bài học vồ mồi của Mèo con:“Bé miu ơi nhớ nhé/Muốn giỏi phải luyện rèn/ Chộp được đuôi của mẹ/ Là bài học đầu tiên!”  - Miu con học bài. Đó cũng là bài học của anh bạn Ếch Cốm khi bị bông hoa mướp vàng ươm như nắng dụ khị: “Bỗng đâu ngay trước mắt/ Một đốm nắng vàng tươi/ Ếch ta vừa chộp bắt/ Bị câu bổng lên giời”… (Nụ hoa câu Ếch). Nhà thơ Bảo Ngọc vốn yêu thiên nhiên và có tâm hồn đặc biệt gần gũi với các bạn nhỏ. Nên bạn sẽ không khó khăn khi tìm thấy những hình ảnh rất ngộ nghĩnh mà chỉ những “đứa trẻ có tâm hồn rất nhạy cảm” mới phát hiện ra: “Lạ chưa lũ mưa nhỏ/ Đuổi nhau trên cánh đồng/ Trượt vèo qua cầu nắng/ Rồi nhảy ùm xuống sông/ Tiếng mưa cười tanh tách/ Trên đồng nắng chang chang/ Bê cười nhe răng nhú/ Chạy nhởn theo mưa vàng”  (Chạy theo mưa vàng).

 Mang theo tâm hồn của “một đứa trẻ quê nhiều tuổi” ra phố rồi tự nguyện trở thành “người kể chuyện cho trẻ thơ” – đó là những dấu chân trong hành trình “lưu giữ ký ức đồng quê cho trẻ nhỏ” của nhà thơ Bảo Ngọc. Cũng vì thế, Bảo Ngọc rất chú ý đến việc cuốn hút các bạn nhỏ đến với mình qua những tứ thơ hay, những hình ảnh đẹp: “…Mùa vàng phơi gốc rạ/ Cỏ non quàng khăn sương/ Cánh đồng qua mùa gặt/ Thiêm thiếp chiều đang buông…” (Cào cào mắt xanh). Hay:“Trâu mẹ khoan thai bước/ Dưới rặng tre lao xao/ Bình minh ngồi vắt vẻo/ Tít trên vòm mây cao…” (Bạn Nghé ra đồng). Bảo Ngọc hay nói đùa, chị là “đứa trẻ quê nhiều tuổi”. Có vẻ điều ấy hoàn toàn đúng. Bởi vì chỉ có tâm hồn đồng điệu như một đứa trẻ mới có thể giữ được đôi mắt nhìn cả thế giới trong veo đến thế. Và cũng phải có một tâm hồn đồng cảm với những đứa trẻ của đồng quê mới có thể nói về các bài học của mình vừa giản dị, vừa dễ hiểu và hồn nhiên chẳng chút giáo điều nào. Cá nhân tôi thì tôi gọi chị là “Cô Phù Thuỷ nhỏ”. Bởi chị có biệt tài lắng nghe và nói chuyện với cỏ cây hoa lá, thơ của chị vừa nhẹ và trong nên chạm đến được cả cỏ cây và mây trời, chạm đến được tâm hồn của trẻ và những người yêu trẻ. Tôi được nghe kể lại, hơn 20 năm về trước, trong cuộc thi vấn đáp ứng thí vào trường Viết văn Nguyễn Du, khi một giám khảo viên hỏi: “Ước mơ cao nhất của em là gì?”, cô thí sinh Bảo Ngọc đã không do dự trả lời: “Để lại cho đời một số bài thơ”. Nét mặt còn ngây thơ đậm nét học trò mà lại rất trang nghiêm của cô nữ sinh khi ấy đã khiến cả khán phòng ồ lên thích thú.

Thời gian qua đi, có thể nhà thơ Bảo Ngọc không còn nhớ ước mơ rất đẹp và hồn nhiên của cô nữ sinh năm nào. Nhưng đọc thơ chị tôi luôn mường tượng thấy mình vừa chạm phải một cọng rơm rất đỗi bình dị nơi thôn quê còn vương lại hương thơm khi mùa đã qua đi. Cái lạ và đặc biệt cuốn hút là cọng rơm ấy rất dung dị, gần gũi nhưng không thô mộc mà vô cùng thanh tao - Một giọng thơ, một chất liệu hiếm gặp trong thời đại hiện nay. Bởi vậy, tôi tin, chị đã hoàn thành được một phần ước vọng của mình.

Thơ viết cho thiếu nhi của Bảo Ngọc không những cuốn hút bạn đọc nhỏ tuổi mà nó còn rung cảm trái tim những nhạc sỹ tài hoa luôn nặng lòng với Văn học Thiếu nhi nước nhà. Tập thơ “Gõ cửa nhà trời” của chị đã được nhạc sỹ Hoàng Giai lựa chọn 6 bài thơ phổ nhạc (Bầu trời trong xanh,Lễ biết chữ của Bống, Hạt thóc bé nhỏ, Xây nhà trên mây, Gọi dế mèn, Chuồn kim tập múa) và tiếp theo là 2 bài thơ ở “Lớp học Thung Mây”(Giọt sương đang bay, Cô giáo về bản em). Vậy là Thơ viết cho Thiếu nhi của Bảo Ngọc đã làm tròn sứ mệnh cung cấp năng lượng cho nhạc để nhạc cùng thơ bay cao bay xa.

            Nguyễn Văn Thanh

. . . . .
Loading the player...