21-11-2022 - 07:47

NGUYỄN BAN, NGƯỜI ĐI TẬN CÙNG VỚI DÂN CA của Nguyễn Xuân Diệu

Tạp chí Hồng Lĩnh số 195 tháng 11-2022 xin trân trọng giới thiệu bài viết NGUYỄN BAN, NGƯỜI ĐI TẬN CÙNG VỚI DÂN CA của Tác giả Nguyễn Xuân Diệu

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Ban

NGUYỄN XUÂN DIỆU

NGUYỄN BAN, NGƯỜI ĐI TẬN CÙNG VỚI DÂN CA

Nguyễn Ban đã đi vượt qua tuổi bát tuần. Là nhà giáo, nghệ sĩ sân khấu, nghệ nhân ưu tú… ngần ấy danh hiệu chưa nói hết được tài năng và sự cống hiến của ông. Với bút lực đa tài, ông đã trải lòng ra sáng tác, dàn dựng hàng trăm tác phẩm dân ca, phát triển các phong tục, lễ hội… tưởng đã mai một trên đất Nghi Xuân như Ví Dặm, Ca trù Cổ Đạm, Trò Kiều, các Lễ Hội dân gian…vv Và một vinh dự lớn đã đến với ông: Tháng 9 năm 2022 này, ông được Chủ tịch nước phong danh hiệu Nghệ nhân nhân dân!

       Tuổi trẻ Nguyễn Ban cứ như một lữ khách miệt mài đi tìm những câu hát dân ca. Năm 1978, ông đang là giáo viên Trường Nghệ thuật Việt Bắc thì được gọi về Trường VHNT Nghệ Tĩnh. Sáu năm làm cán bộ giảng dạy, rồi Chủ nhiệm lớp đạo diễn sân khấu, rồi Trưởng phòng Giáo vụ của nhà trường. Hoạn lộ lên như diều gặp gió. Tác phẩm dân ca Nghệ Tĩnh đoạt Huy chương vàng năm 1982 “Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng” quá nổi tiếng, đến nay vẫn chưa ai “qua mặt” của ông, được 27 huyện thị lúc bấy giờ, cả Văn công tỉnh Nghệ Tĩnh, Văn công Quân khu dàn dựng; được Đài TNVN phát liên tục trong một thời gian dài. Năm 1984, đích thân ông chủ tịch huyện Nghi Xuân Nguyễn Xuân Linh cùng Sở VHTT sang xin ông về làm Trưởng phòng VHTT huyện. Thật lòng thì ông cũng không muốn về huyện, khi đang được các thầy và trò yêu mến. Nhưng khi nghe nói quê hương Nghi Xuân mất trắng trong các mùa Hội thi, Hội diễn của tỉnh thì làm sao ông chẳng băn khoăn, trước trách nhiệm của mình với quê nhà. Ngày ấy (năm 1984) so với 27 huyện, thị của tỉnh Nghệ Tĩnh, phong trào Văn hóa của Nghi Xuân hết sức bí bét. Nghĩa là ông phải gắng sức làm lại từ đầu. Cần phải nhớ rằng, đầu những năm 1980 của thế kỷ trước ấy, cả nước lên cơn sốt nhạc nhẹ. Thế mà Nguyễn Ban vẫn điềm tĩnh, đi con đường riêng của mình. Có lần tôi hỏi ông:

- Tôi biết, lứa trẻ bây giờ chúng có mặn mà gì với dân ca đâu. Chúng bảo hát Ví thì cứ “ơ ơ” buồn đến mêng mang như nước sông Lam trong mưa bụi mùa đông. Hát Dặm thì chẳng bác học chút nào, cứ giật cục như tiều phu đốn củi. Tại sao anh lại mê dân ca đến vậy?

Ông thật thà: 

- Trước hết phải nói là tôi đắm chìm trong hơi thở dân ca Nghệ Tĩnh, đắm chìm cứ như bị mê hoặc. Những năm làm giáo viên dạy Trường Văn hóa nghệ thuật, tôi đã tập trung nghiên cứu, đã đọc nhiều sách về dân ca Nghệ Tĩnh. Dân ca Nghệ Tĩnh hay lắm, tuyệt lắm! Nó được hình thành trong đời sống lao động của người Xứ Nghệ. Thế nên, người Nghệ Tĩnh hát dân ca để bày tỏ tâm sự của mình. Hầu hết người Nghệ Tĩnh là nông dân, sống trong lũy tre làng. Có ai ở phố thì cũng từ chân ruộng nứt nẻ mà đi ra cả. Bởi thế, thực tế dân ca Xứ Nghệ, Ví Dặm chính là tiếng lòng người Xứ Nghệ. Nó vô cùng sâu lắng, vô cùng dào dạt và phong phú. Cứ như tôi hiểu thì Ví đâu hẳn là buồn, Dặm không bác học thật, nhưng vẫn mềm mại, sâu lắng lắm chứ. Chẳng phải hai bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Minh Huệ và Trần Hữu Thung là “Đêm nay Bác không ngủ” và “Thăm Lúa” là biến thể của Hát Dặm đó sao! Giữa muôn nẻo đường nghệ thuật, ồn ào có, trầm lắng có, sâu sắc có, nông cạn có, tôi đi theo cách riêng của tôi. Tuổi trẻ ham cái mới, nhưng nếu cái mới không có chiều sâu thì sẽ sớm mai một. Cái gì đã mang màu thời gian, ý tôi là đã được thử thách qua nắng mưa, bão tố thời gian, được thời gian thẩm định ắt sẽ lâu bền. Canh cua đồng, cá cháo, dấm lá bứa, bún giá cá ruốc…vv là những món ăn dân dã của quê mình, chẳng phải qua thời gian, đã thành đặc sản? Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tôi thì tôi nghĩ dân ca Nghệ Tĩnh trong lòng người, trong cuộc đời cũng vậy thôi.

Tôi gật gù, hỏi thêm:

- Nghi Xuân quê hương của một vị là “Ông tổ thi ca Việt Nam” - Đại Thi hào Nguyễn Du - , một vị là “Tể tướng thi ca” - Danh nhân Nguyễn Công Trứ. Lứa con cháu thời nay có một Nhà giáo Nguyễn Ban hậu duệ Đại Thi hào, một Nghệ nhân Nguyễn Ban mến mộ, say đắm dân ca thôn quê, đắm chìm trong hơi thở dân ca mang nặng khí chất Xứ Nghệ. Có phải vừa trở về “nhậm chức” Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, ông đã là người đầu tiên đưa dân ca “trở về” với Nghi Xuân?

- Phải! Đó một cuộc hồi sinh dân ca đầy khát vọng và rất kịp thời! Các đội văn nghệ quần chúng của các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, trường học…bắt đầu tập những tác phẩm dân ca Nghệ Tĩnh, đưa lên sân khấu. Bắt đầu từ năm 1985, 1986 huyện Nghi Xuân có Hội diễn Nghệ thuật quần chúng. Trong nội dung, một nửa chương trình là các tiết mục dân ca Nghệ Tĩnh cả cũ và mới. Tôi rất quan tâm đến khối nhà trường. Tôi  biết, để dân ca đi vào lòng người, bám rễ bền chắc trong lòng người, trước hết phải “đi vào” các nhà trường, nên đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện, hết sức quan tâm, chú trọng đầu tư cho lớp trẻ, bắt đầu từ trường học.

Bằng tâm huyết của mình, năm 1995, ông sang bàn bạc và được sự đồng thuận của Phòng Giáo dục huyện Nghi Xuân mạnh dạn đưa dân ca vào trường học. Từ đó, là một nhà giáo giữ chức Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, ông liên tục mở các lớp dân ca Nghệ Tĩnh, bồi dưỡng cho các giáo viên âm nhạc, giáo viên có năng khiếu để nhân rộng phong trào. Năm 1998, theo sáng kiến của ông, huyện Nghi Xuân lần đầu tiên tổ chức “Tiếng hát học đường” hát các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Từ đó, dân ca Nghệ Tĩnh càng được phát huy và phát triển. Từ các em học sinh mầm non, đến các cụ cao tuổi, càng yêu thêm các làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh của mình. Ngoài ông, ở huyện Nghi Xuân đã xuất hiện thêm nhiều tác giả sáng tác dân ca Nghệ Tĩnh, như Trương Thanh Tỵ (xã Cổ Đạm), Trần Xuân Châu (Huyện ủy Nghi Xuân), Thi Ngọc (thôn Lam Thủy)…vv Cùng với việc phát triển Ví Dặm, năm 1995, Nguyễn Ban bắt đầu nghiên cứu Ca trù Cổ Đạm. Ông đi tìm những nghệ nhân Ca trù còn lại, động viên họ “mở lòng” với Ca trù. Các nghệ nhân Phan Thị Mơn, Nguyễn Thị Xuân, Bà Da, Bà Bình, Bà Hợi…tin ông, nghe lời ông, thành lập lại Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm, do ông Nguyễn Phùng làm chủ nhiệm. Ông tiếp tục tham mưu thành lập thêm CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ gồm các ca sĩ, ca nương: Thanh Tuấn, Hồng Vân, Dương Thị Xanh, Dương Thị Nết…Ông cũng là người đi đầu trong việc khôi phục trò “Sĩ - Nông - Công - Thương”, còn gọi là Lễ hội Dẫn Hoa (Xuân Thành). Ông đã tìm gặp quỹ Văn Hóa Việt Nam - Thụy Điển, để xin tài trợ về khôi phục lễ hội. Nên biết rằng trò này đã bị lãng quên hơn 50 năm nay. Đây là lễ hội mang tính nhân văn sâu sắc. Năm 2000, ông tiếp tục tham mưu cho huyện khôi phục Trò Kiều, một tác phẩm có xuất xứ từ Bắc Nghệ An - Nam Thanh Hóa, nhưng từ lâu đã có mặt, đã trở thành một trò diễn quen thuộc, được yêu mến ở hai xã Xuân Liên, Tiên Điền và đã được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp kinh phí luyện tập, biểu diễn và ghi băng hình lưu giữ…

Nghe ông nói, tôi càng tò mò:

- Ông là một Nhà giáo người Tiên Điền, quê hương của sự hiếu học, của khoa bảng, của quan trường. Ông còn là một Trưởng phòng Văn hóa huyện, là hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Ngoài cái chất dân ca mang từ trong bụng mẹ; ngoài truyền thống gia tộc, quê hương, hẳn ông cũng ảnh hưởng nhiều tới cái khí chất ông đồ Nghệ. Ông là tác giả của nhiều tác phẩm dân ca nổi danh. Vậy con người nhà giáo, con người lãnh đạo, chỉ huy giúp cho con người nghệ sĩ của ông hay ngược lại?

- Một câu hỏi khá thú vị! Đúng tôi là một Nhà giáo mang đậm chất ông đồ Nghệ. Nhưng tôi không gàn, không mơ ước hão! Trong cuộc sống, trong giảng dạy học trò tôi lấy tấm lòng để đối với tấm lòng, trong sáng tạo tôi nhặt nhạnh chữ cụ Nguyễn Du làm vốn, học cụ  lấy chữ TÂM làm đầu, với quan điểm rõ ràng Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI. Anh cũng là văn nghệ sĩ, anh thừa biết rằng phẩm chất của người nghệ sĩ là sáng tạo, là phát hiện làm đẹp cho đời... Nói tóm lại, làm nhà giáo, phụ trách lĩnh vực văn hóa hay là một nghệ sĩ, điều cốt tủy là phải hiểu con người, hiểu tài năng của từng người để thu hút họ, tập hợp họ, để cuối cùng, điều này hết sức quan trọng, là để tạo cảm hứng cho họ sáng tác. Hiện nay Chi hội VHNT Nghi Xuân đã trở thành Chi hội mạnh. Nhiều văn nghệ sĩ trong Chi hội đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi văn học, báo chí của tỉnh, của miền Trung, của ngành, của quốc gia...

- Đó là một thành tích chung, Thế còn bản thân ông?

- Mỗi năm tôi viết được khoảng 30-40 tác phẩm gồm các thể loại: Hoạt ca, Hoạt cảnh, Sử thi, các màn chào hỏi trong các Hội diễn, Hội thi. Các tác phẩm tôi viết đều đoạt giải A và B. Tôi chỉ lấy vài ví dụ thôi: Chẳng hạn, Hội thi An toàn giao thông tổ chức ở tỉnh Quảng Bình, ca cảnh Nuông chiều điều bất lợi của tôi đoạt giải A. Ca cảnh Ví Dặm về Nông thôn mới: Nghiệp nghề sáng đẹp tình quê, Trẩy hội chợ Bè đều đoạt giả nhất. Điều đáng mừng nữa là tôi viết lời cho Ca trù đi dự thi năm nào cũng đoạt Huy chương Vàng. Cho tới giờ điều tôi tâm đắc, mong muốn nhất là các phong trào Dân ca, Ví Dặm, Ca trù... trên quê hương Nghi Xuân ngày càng phát triển mạnh, rộng khắp, bền vững ở khắp các thôn, xã, trường học, cơ quan, đơn vị... Điều mà tôi cảm thấy vui và tự hào nhất là từ một miền quê mất trắng phong trào ca hát dân gian lúc mới về nhậm chức. Đến khi tôi về hưu, trên địa bàn của 10 vạn dân Nghi Xuân đã có 16 nghệ nhân dân ca, trong đó có 6 nghệ nhân ưu tú.

*

Tôi lặng lẽ nhìn ông và nghĩ rằng hình như định mệnh đã đưa ông đến, gắn ông vào với dân ca Xứ Nghệ. Một thời tuổi trẻ lăn lội với mái trường, với học trò thân yêu, hơn 80 tuổi, ông đang gồng mình vượt qua tuổi tác, bệnh tật; tranh chấp với thời gian, gắng sức cùng quê hương; dạy dỗ, bồi dưỡng lớp trẻ để cùng mình đổ giọt mồ hôi, sôi giọt nước mắt cho từng câu Ví Dặm, từng dòng Ca trù, từng nét đẹp của Lễ Hội... để những nét đẹp hồn cốt của quê hương đi vào các nhà trường, đi vào tuổi thơ, tuổi trẻ hôm nay. Nhận vinh dự mới là Nghệ nhân nhân dân tôi biết ông càng thêm cảm hứng sáng tạo, bút lực càng dồi dào, thăng hoa sáng tác, biểu diễn. Bởi dân ca Nghệ Tĩnh, mảnh đất nơi ông đã nguyện đi đến tận cùng, mãi mãi là Tình Yêu, là miền trầm tích, là cội nguồn sáng tạo của ông; là cội nguồn sáng tạo của đâu chỉ một thời, đâu chỉ một đời...!

                                                                                                      N.X.D

. . . . .
Loading the player...