22-10-2021 - 13:20

NGUYỄN CÔNG TRỨ VỚI LÝ TƯỞNG “THƯỢNG VỊ QUỐC, HẠ VỊ DÂN”

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 10/2021 trân trọng giới thiệu bài viết "Nguyễn Công Trứ với Lý tưởng "thượng vị quốc, hạ vị dân" của tác giả Phạm Quang Ái

 

nguyễn công trứ với lý tưởng

“thượng vị quốc, hạ vị dân”

 

    Nguyễn Công Trứ (1778 - 1859) là nhân vật kiệt xuất của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX. Lúc sinh thời, danh tiếng của ông đã lẫy lừng cả nước, sử sách nhà Nguyễn đã tôn xưng ông là “con người trác lạc, có tài khí” trên nhiều phương diện, có một sự nghiệp chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa thực sự vẻ vang. Có thể nói, trong lịch sử trung đại Việt Nam, bên cạnh các nhân vật tầm cỡ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du thì Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) là một tên tuổi đã ghi dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa dân tộc. Nếu chỉ tính trong khu vực xứ Nghệ, và không chỉ trong khu vực này, thì Lê Hữu Trác, Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ là ba trụ cột của văn hóa xứ sở, đất nước trong thời đại phong kiến.                

Là một người con của quê hương núi Hồng sông Lam, từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã bẩm thụ linh khí của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, vùng đất có một bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử hàng ngàn năm, sớm tỏ ra thông minh, dĩnh ngộ. Về quê cha đất tổ, Nguyễn Công Trứ sống những năm tháng tuổi trẻ trong cảnh bần hàn nhưng được hòa mình vào không khí của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, đặc biệt là truyền thống hiếu học, ý chí lập thân, lập nghiệp; định hướng tu dưỡng nhân cách, tài năng đã từ những câu ca của các bà mẹ nhà quê ru con thấm sâu vào tâm can ông từ thuở ấu thơ:

Con ơi nhớ lấy câu này,                                              

Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm.                                           

Làm người đói sạch rách thơm,                                            

Công danh là nợ nước non phải đền.

Rồi đây, những ước vọng thiết tha của người dân quê cha đất tổ từ bao đời sẽ được hun đúc trong con người cậu bé Củng để trở thành một Nguyễn Công Trứ mà tầm vóc, bóng dáng sẽ còn trùm lên nhiều thế kỷ sau. Gặp thời loạn, khi trở về quê, gia đình Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn rơi vào cảnh túng thiếu nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn chuyên cần đèn sách. Năm 1802, khi Gia Long vừa mới thống nhất đất nước, trên đường ra Bắc kinh lý, ông đã đón xa giá xin yết kiến và dâng bản Thái bình thập sách, được nhà vua và các quần thần rất khen ngợi. Đến nay, chúng ta chưa tìm thấy bản Thái bình thập sách, không biết nội dung cụ thể các sách lược mà Nguyễn Công Trứ đã đề xuất như thế nào, nhưng chắc chắn những sách lược hưng quốc lợi dân mà ông thi thố sau này đã được nung nấu thời ông còn hàn vi trong những năm tháng đất nước tao loạn.

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn đang tích cực củng cố địa vị thống trị của mình, xã hội có vẻ ổn định, Nguyễn Công Trứ hăm hở dùi mài kinh sử để hiển đạt khoa danh. Mặc dù học giỏi tài cao nhưng con đường khoa cử của ông rất lận đận, mãi đến năm 41 tuổi (1819), ông mới thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan. Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), Nguyễn Công Trứ giữ chức Hành tẩu ở Quốc sử quán. Sau đó ông liên tiếp giữ các chức Tri huyện Đường Hào, Hải Dương (1823), Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1824), Phủ thừa phủ Thừa Thiên (1825), Tham tán quân vụ, rồi thăng Thị lang Bộ hình (năm 1826). Năm 1828, ông được thăng Hữu tham tri Bộ hình, sung chức Dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang. Năm 1832, ông được bổ chức Bố Chánh sứ Hải Dương, cùng năm thăng Tham tri Bộ binh, giữ chức Tổng đốc tỉnh Hải An... Sau nhiều thăng giáng, năm 1845 Nguyễn Công Trứ làm Chủ sự Bộ hình, năm sau làm quyền Án sát Quảng Ngãi, rồi đổi ra làm Phủ thừa Phủ Thừa thiên, rồi năm 1847 ông thăng làm Phủ doãn phủ ấy. Cũng năm này, Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng Thiệu Trị không cho. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, ông mới được về hưu hẳn. Khi đã “hoàn dân”, ông tổng kết cuộc đời mình trong một câu đối rất hào sảng nhưng cũng rất hài hước: “Thời cũng may, công đăng hoả có là bao, theo đòi nhờ phận lại nhờ duyên, quan trong năm bảy thứ, quan ngoài tám chín phen, nào cờ nào quạt, nào mão nào đai, nào hèo hoa gươm bạc, nào võng tía dù xanh, mặt tài tình trong hội kiếm cung, khắp trời Nam bể Bắc cũng tung hoành, mùi thế trải qua ngần ấy đủ/ Thôi quyết hẳn, cuộc phong trần chi nữa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu trai năm bảy cậu, này cờ này kiệu, này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu, tay thao lược ngoài vòng cương toả, lấy gió mát trăng trong làm tri thức, tuổi trời ít nữa ấy là hơn”.                        

Quả thực như ông đã tự đánh giá, cuộc đời ông là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, rất đỗi hào hùng nhưng cũng gặp quá nhiều thăng trầm, gian nan, cay đắng. Hai mươi chín năm làm quan của ông trải qua bốn triều vua, sáu lần thăng giáng, hơn 50 lần đổi bổ, sai phái. Khi thăng, lên đến tổng đốc, thượng thư; khi giáng, đến mức bị cách tuột hết mọi chức tước chỉ làm anh lính thú. Tuy nhiên, với một bản lĩnh phi thường và một tinh thần lạc quan hiếm thấy, ông đã kiên cường vượt qua tất cả mọi khó khăn, hoạn nạn để tỏ rõ tấm lòng trung trinh, nhân cách thanh cao, đem hết tài năng tận lực phục vụ cho quốc gia, dân tộc. Con người ông, dù trên bất cứ phương diện nào của cuộc sống, trong bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào của cuộc đời; khi còn phục vụ cho triều đình hay khi đã về hưu hưởng thụ cuộc vui “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, ông đều sống hết mình, đạt đến cực hạn của bản thân.

Khác với nhiều quan chức thời bấy giờ, Nguyễn Công Trứ là con người đa tài, cuộc đời đa đoan và có một sự nghiệp đa diện. Ông là một nhà chính trị giỏi, một nhà quân sự thao lược, một nhà kinh tế tài năng và là một nhà văn hóa lớn. Trên tất cả các phương diện họat động xã hội của mình, Nguyễn Công Trứ đều lập được những công tích lớn, có những đóng góp sáng giá không chỉ cho đương thời mà còn để lại di sản quý giá cho đời sau.         

Về chính trị, Nguyễn Công Trứ là một ông quan thực sự là “phụ mẫu chi dân” (cha mẹ của dân), hết lòng “bảo quốc an dân”, biết lo cho dân, làm lợi cho dân. Ông đề nghị “đặt nhà học” cho con em nhân dân được học hành... “đặt xã thương” ở các làng để quản lý thóc gạo, “khi nào giá cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thuỷ hạn bất thường, đem thóc chiếu cấp cho từng người, năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp thu lại để chứa trữ”. Ông tố cáo “cái hại cường hào làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không” và đề nghị triều đình “trị tội rất nặng”, v.v...

Về quân sự, Nguyễn Công Trứ là một vị Nho tướng văn võ toàn tài, không chỉ tinh thông thao lược mà còn thấm nhuần cái đạo làm tướng “việc nhân nghĩa cốt ở an dân; quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Quả thật như vậy, ông xông tên đột pháo đánh dẹp từ Bắc chí Nam cũng vì mục đích “bảo quốc an dân”. Ông lập công đầu trong việc dẹp loạn Lê Duy Lương, Phan Bá Vành, Nùng Văn Vân; tích cực tiễu trừ giặc cướp vùng Quảng Yên khi làm Tổng đốc Hải An; dẹp loạn Chân Lạp, đập tan ý đồ xâm lược của Xiêm La. Những võ công hiển hách nói trên của ông không chỉ là “làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ” mà chủ yếu là “thượng vị quốc, hạ vị dân”.

Về kinh tế, Dinh Điền sứ Nguyễn Công Trứ đã chứng tỏ tài năng, tâm huyết của mình trong việc lãnh đạo nhân dân quai đê lấn biển, dẫn thủy nhập điền để khai hoang phục hóa mở ra một vùng đất rộng lớn phía đông nam châu thổ sông Hồng từ Nam Định, Thái Bình cho đến Ninh Bình. Công cuộc dinh điền của ông gắn liền với việc dẹp loạn. Sau khi trực tiếp cầm quân đánh dẹp cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành, ông biết rõ sở dĩ dân bị xúi giục nổi loạn là do “bần cùng sinh đạo tặc” và ông đã dâng sớ tâu rõ với triều đình, xin được ở lại khẩn hoang, chiêu dân lập ấp để ổn định cuộc sống cho loạn dân. Nghĩa là đối với ông, “dinh điền” hay đánh dẹp cũng chỉ vì mục đích yên dân.

Về văn hóa, từ lúc xuất chính cho đến khi đã nghỉ hưu, dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, ông đều quán triệt một cương lĩnh trị nước vốn đã được manh nha từ Thái bình thập sách: Giữ lòng trung ái,/ Chăm đạo dâu con,/ Phát triển nông tang,/ Trừ bỏ dị đoan,/Sửa đổi phong tục,/ Thanh thải tham tàn/ Tiến cử tài đức,/ Giữ nghiêm luật lệ.

Những mục tiêu chính trị nói trên, tự nó đã là những mục tiêu văn hóa xã hội. Hay nói cách khác, chính trị, việc trị nước, trị dân của bộ máy nhà nước, theo Nguyễn Công Trứ là phải mang bản chất văn hóa. Không chỉ bằng các hành vi chính trị mà trong thơ văn của mình, dù là thơ tỏ chí, thơ phê phán thói đời hay thơ hành lạc, trực tiếp hoặc gián tiếp, Nguyễn Công Trứ đều có ý thức giáo hóa người đời, răn dạy mọi người. Về mặt văn chương, bộ phận tinh hoa của văn hóa, Nguyễn Công Trứ có những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của văn học dân tộc. Có thể nói, ông là người sáng tác ca trù nhiều nhất, có nhiều tác phẩm hay nhất và do đó cũng là người có công lớn nhất trong việc hoàn thiện thể thơ Hát nói. Vì vậy, các nhà nghiên cứu sau này đã xưng tụng Nguyễn Công Trứ là “ông hoàng Hát nói”.             

Dù thi thố tài năng ở bất cứ lĩnh vực nào, Nguyễn Công Trứ cũng đều hướng đến một mục đích duy nhất: “Thượng vị quốc, hạ vị dân” (trên vì nước, dưới vì dân”. Cuộc đời, lý tưởng, sự nghiệp cũng như quá trình hành xử của ông đã để lại cho hậu thế một tấm gương sáng về việc rèn luyện ý chí, nghị lực, nhân cách, lý tưởng. Di sản phong phú mà Nguyễn Công Trứ để lại chứa đựng nhiều giá trị to lớn mà các đời sau khai thác, phát huy không bao giờ hết. Kỷ niệm lần thứ 240 năm sinh và 160 năm mất của ông, ngước nhìn lên núi Hồng sừng sững uy nghi như thấy ông đang mỉm cười nhìn chúng ta đầy khích lệ, như nghe trong ngàn thông rì rào lời thơ bất hủ của ông: Đã sinh ra ở trong đời đất/ Phải có danh gì với núi sông.

     Phạm Quang Ái

. . . . .
Loading the player...