29-03-2016 - 09:26

Nhà giáo, tác giả thơ Lê Xuân Dụ

Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà giáo, hội viên chuyên ngành thơ Lê Xuân Dụ ( 13/4/1996- 13/4/2016, tức ngày 26/2 năm Bính Thân), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu trích bài thơ dài " Hoa xoan nở" và bút ký" Chuyện câu mực ở Cửa Nhượng".


Nhà giáo, tác giả thơ Lê Xuân Dụ
( Bút danh: Sơn Hải Du)
Sinh năm 1932 tại Cẩm Nhượng,  Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Hội viên chuyên ngành Thơ, có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh ( 1969). Mất ngày 13/4/1996 tại xóm Hy Di, Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên.
Sách đã xuất bản:
- Bắt đầu từ đó ( in chung với Lê Duy Phương do Hội Văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản 1973)
-  Nhượng Bạn của tôi - tập bút ký, NXB Văn hóa Thông tin
Giải thưởng: - Từng đoạt giải Nhất cuộc thi viết về đề tài thương binh liệt sĩ 1970- 1975 với trường ca " Dòng sông cát"; Giải thưởng Cuộc thi truyện ký của Công đoàn giáo dục Việt Nam;  Giải thưởng cuộc thi của Đài Tiếng nói Việt Nam với bút ký " Chuyện câu mực ở Cửa Nhượng".
Tự bạch khi còn sống:
" Tôi không nhớ yêu biển tự bao giờ
Chỉ biết biển thả neo vào đáy dạ
Trái tim đập hướng theo chiều sóng vỗ
Âm thanh dồn ngọn bút hóa thành thơ"

Hai vợ chồng nhà giáo Lê Xuân Dụ  ( Ảnh tư liệu do gia đình mới cung cấp)
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông ( 13/4/1996- 13/4/2016, tức ngày 26/2 năm Bính Thân), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu trích bài thơ dài " Hoa xoan nở"  và bút ký" Chuyện câu mực ở Cửa Nhượng".
 
Hoa xoan nở
                 ( trích)

Ai xui tháng ba- mùa hoa xoan nở
Cho những chàng trai xưa nức nở nghẹn lời
Tháng ba trong nước, em ơi
Bớt cơm em lại mà nuôi anh cùng
 
Không biết những cô gái miền bể hay ngượng ngùng
Có bớt cho ai bát cơm manh áo
Mà tháng ba về- Khi mái chèo đã ráo
Tìm đâu ra bếp lửa đỏ chiều hôm
Thuyền trơ lưng đứng nấp bên cồn
Xăm thành vũng cho dã tràng đến ẩn
Lưới gác bạc màu, dây câu để ẩm
Cửa nhà giàu vác gậy đuổi người xin
Biết em thèm đứt ruột rổ cá chim
Nhưng sức yếu anh vác chèo không nổi
Thương em lắm: đói nghèo hằn lên tuổi
Em về đốt đuốc mò cua
Hoa xoan rơi theo gió lạnh đầu màu
Biển thăm thẳm một màu đen dễ sợ
Ai xui tháng ba này hoa xoan lại nở
Hương xoan phảng phất hương cau
Tra gái trong làng hớn hở bảo nhau"
" Kìa xoan nở, tháng dọn nghề đã đến
Em đi tìm anh, em ra trước bến
Lưới no câu tắm nắng dậy màu son
Anh cắt lưỡi câu, anh chữa cánh buồm
Thuyền san sát hai hàng chờ rẽ sóng
Xoan viền lấy bến thuyền gió lộng
Hợp tác mình giàu lắm, mắm đầy sân
Dãy thùng này, mấy nắng nữa thì ăn…
Anh đi tìm em, anh ra ngoài bãi
Đất ta rộng tha hồ đêm lưới trải
Chị em cười, hối hả những đường kim
Anh mơ màng thấy ngàn vạn cá chim
Đuôi vàng chóe trên lưới vàng em trải
Gửi vào mũi kim đường ân đường ái
Theo người vượt biển khơi xa
Giữa mùa hoa xoan ngào ngạt một trời hoa…

                                   
                                  4- 1993

 
CHUYỆN CÂU MỰC Ở CỬA NHƯỢNG
                                                           Bút ký của Sơn Hải Du
 
       
 MỰC MẸO – MẸO MỰC…
Thành ngữ này tôi đã được nghe hồi tuổi lên mười xăng xái theo cha xuống thuyền đi tập câu mực. Cha tôi giải nghĩa: con mực khôn ngoan lắm nên con người phải cao mưu mới bắt được chúng…
Nghề câu mực là nghề hấp dẫn nhất, đến nỗi nhiều lúc nhịn ăn, nhịn uống, thậm chí nhịn cả đái nữa để câu, nhưng cũng lại là nghề khó nhất trong các nghề đánh bắt hải sản. Thuyền này câu được nhiều đến nỗi không đủ mên phơi, thuyền bên cạnh chỉ đứng nhịn thèm, úp nón che mắt giả vờ ngủ cho đỡ ngượng. Cũng trong một thuyền mà người này, mực câu được vun thành đống, người kia câu không đủ làm mồi; người này câu cả buổi không mất tý mồi, người kia cá nóc nghiến hết dây đang câu, dây dự trữ, dây câu vay thêm… phải ngồi bó gối thở dài…
Con mực ăn đông hay thưa phụ thuộc nhiều yếu tố: thời tiết, ánh sáng, độ nông sâu, màu mây sắc nước… đặc biệt là kỹ thuật câu, như cách dùng mồi, cách phán đoán nơi và lúc mực rộ… chỉ một việc kéo câu khi mực “vịn” mồi cũng đã cực khó! Mực là loài nhuyễn thể, lao tới bằng cách hút nước vào khoang bụng rồi đẩy nước thành luồng mạnh ra ngoài để phóng thân về phía trước. Lúc ấy mực như quả tên lửa vừa rời bệ phóng. Khi gặp chướng ngại vật, mực thụt lùi… Lợi dụng đặc điểm này, người ta đặt con mồi trước lưỡi câu chừng non hai gang tay (lưỡi câu chụm lại hình các cạnh quả khế, gọi là rường). Khi có dấu hiệu mực đến “vịn” mồi, anh phải “trặc” đều tay và thẳng góc, động tác như bộ đội kéo pháo, sao cho mực thấy động rút lui chạm phải rường.
Mùa nước tới, những lão ngư thiện thủy kể những mẩu chuyện dân gian, âu cũng là cách phổ biến kinh nghiệm vừa vui vừa dễ nhớ cho con cháu…
Chuyện rằng, thời còn đi câu thuê cho chủ thuyền, có hai cha con nhà nọ, ngồi câu sát nhau, mà cha thì tràn rổ, con chỉ được dăm con… Mách cho con thì sợ mọi người biết, ông ta nảy ra “sáng kiến”, dí chân vào lưng con sừng sộ: “mới vào câu mà đã ngủ gật… tao đạp cho ba đạp chừ”. Qua cái nháy mắt của cha, đứa con nhanh trí đoán ra: mực đang ăn dày ở mực nước sâu ba sải tay…
Lại một chuyện khác, chuyện “ông thợ vẽ”. Có một thuyền nọ, ai cũng buông câu đúng răm rắp mực nước của “ông ba đạp”, nhưng quỷ quái thế nào, chỉ độc có một người giật câu lia lịa, còn cả thuyền thì ủ rũ “ngâm” câu… Đêm đã khuya, mọi người bấm nhau giả vờ ngủ cả, chỉ cử một “tình báo” bò đến quan sát. Thì ra, người ấy chọn những con mồi thật tươi, rút đầu, cầm dao lách cạn túi mật tỉa ra hai hạt ngời vàng màu cúc tần điểm màu dâu chín tới, rửa sạch nặn ra vẽ hình mặt trăng, mặt trời lên da thịt con mồi… Và, một lô chuyện tương tự như thế…
 
 
        CÂU CHUYỆN BẰNG MỒI GIẢ - MỘT SÁNG KIẾN ĐỘC ĐÁO, ĐƯA LẠI HIỆU QUẢ CAO.
Tôi đang có mặt trên thuyền câu mực cải tiến của bác Thái – đảng viên 40 năm tuổi Đảng, chủ nhiệm hợp tác xã nhiều năm liền, bám biển giữ làng, được tặng Huân chương chiến công hạng 2. Gặp bác Thái là gặp lại kỷ niệm thời giặc Pháp phong tỏa Cửa Nhượng một tháng ròng (tháng 8 – 1953)… Tháng ấy, dân tản cư hết, dân quân ở lại giữ làng và “đánh cá du kích”. Cơm vắt muối rang lắm cũng chán, bác tổ chức cho một bộ phận đi câu mực lội (lội ra mớn nước ngang ngực đứng câu).
Giờ đây, thuyền bác Thái đang ở làn nước 16 sải, vẫn còn nom rõ nhấp nhô trong hoàng hôn biển hòn Bước – cái đòn gánh – của ông Khổng lồ trong huyền thoại ông gánh núi Thiên Cầm, núi Tượng Lĩnh đặt xuống làm địa giới cho cửa biển này…
Hai bên mạn thuyền, từng dãy câu đính mồi giả bằng chì, bằng nhựa, bằng gỗ, bằng vải… lừ lừ băng xuống biển không chỉ ở mực nước của “ông ba đạp” mà độ sâu nào cũng được . Anh Chế, em ruột bác Thái, (một trong bốn người vùng này, hồi ấy vào Thuận Hải học nghề) nay đang giữ neo dầm cho thuyền trôi lờ đờ để dò tổ mực, ánh điện cũng trôi theo… chót lái, mút mũi đều thẳng hướng nước chảy một góc 90 độ. Ai cũng tay rung câu nhử mồi, tay cầm vợt sẵn sàng. Bác Thái vừa theo dõi câu vừa hát vu vơ:
…Nước không chân sao gọi là nước đứng?
    Biển không người sao gọi biển đông?...
Đoán tôi không hiểu, anh Chế quay sang tôi: - “Nước đứng là nước sắp “nhớm” lên hay “nhớm” rặc, thì nước này, con mực háu ăn lắm…
- “Nước lò rồi!” – Tiếng vọng từ một thuyền bạn nào đó và dăm tích tắc sau mực vớt lên sạp tới tấp, già nửa là mực cơm khụt khụt như người viêm xoang mũi. Biết ý, con trai bác Thái giảm độ sáng của đèn; biển vàng khè như vừa quét váng dầu dút… Bỗng anh đột ngột bơm đèn nhanh, mạnh, độ sáng tăng gấp hai rưỡi, biển trở lại xanh leo lẻo, nõn nà, phập phồng… Lập tức, mực ống to lao đến từng đàn. Tưởng chao tay xuống mớn nước ngang mạn thuyền cũng tóm được.
Mực chẳng những mê ánh sáng mà còn chuộng màu sắc. Mực ăn đông, câu mồi thật vừa mất công lại tốn tiền. Mồi giả kinh tế nhất. Dây chun làm mồi giả phải từ chun Hồng Công thứ thiệt, loại đặt trên tay màu trắng ợt, xuống nước hóa xanh da trời. Dạo mới ở Thuận Hải về, nhiều người phải bươn chạy tận Vinh, tìm mấy phiên cũng không kiếm ra một tấc vải lon Thái – có hôm ra về, sang cầu Bến Thủy, bỗng gặp cô gái bận áo lon Thái, nằn nì mãi, cô ta vào nhà vệ sinh cạnh đường thay áo để vốn cho… Nhập vào chuyện này, bác Đồng Minh, người chuyên nghề câu mực, một cây sáng tác và sưu tập thơ ca dân gian, đọc tôi nghe một bài hát dặm:
…Chờ bữa mô nước đục
Vải làm mồi em ham
Nhất là màu da cam
Xen sắc vàng, xanh, đỏ
Nước trong rồi, anh nhớ
Cho em xơi màu xanh…
Đó là nguyên tắc bố trí màu sắc làm mồi giả mà ngư dân mượn lời “họ hàng nhà mực nhắn các bạn đi câu” ghép thành vần cho dễ nhớ. Hơn thế nữa, giữa trời bể mênh mang này, có thơ ca để ngâm nga thì mắt đỡ buồn ngủ, tay câu đỡ mỏi và cái bụng đỡ nhớ đất liền…
 
KỶ LỤC – NGHE ĐƯỢC VÀ THẤY ĐƯỢC
Ở Canađa, năm 1982, sóng ném lên bờ một con mực dài 21 mét 95, sau đó ba năm, dân bản xứ còn câu được một con nhỏ hơn, nhưng cũng dài đến 16 mét 75, nghĩa là nếu 10 người, trung bình mỗi người cao 1 mét 60 và đứng chồng lên nhau vẫn còn kém chiều dài con mực và nếu 4 người bình quân mỗi người nặng 50 cân thì mới xấp xỉ bằng trọng lượng con mực.
Ở biển Việt Nam, trong đó có Cửa Nhượng, loại mực ống mỗi con thường trên dưới một lạng. Nghe cha tôi kể lại, dưới thời thuộc Pháp, có con mực nặng gần một yến dạt vào bờ, lý tưởng liền mua cho bà đầm Pháp nghỉ mát ở núi Thiên Cầm, trừ một xuất sưu cho người bắt được, đem đi đấu xảo ở Huế. Mới đây, tháng 6 năm 1992, anh Tiến Trường (xóm Hoa Thưởng) câu được một con mực nặng hơn 4 cân 1 và sau đó chị Tuyết xóm Phúc Hải mua được một con nặng trên 7 cân, bán 300 ngàn đồng.
Mực cỡ lớn như vậy gọi là mực chúa. Nghe nói xã hội loài mực ăn ở cũng quy cũ và nề nếp lắm. Mực chúa nằm tận “thâm cung”  rồi đến mực kim, mực cơm nhỉnh hơn ở giữa và mực thước bảo vệ vòng ngoài. Tổ nhỏ bằng cái nong, vừa bằng lò nung vôi, lớn bằng gian nhà – Tổ gồm nhiều ngăn như tổ ong và gắn với nhau bằng chất keo dẻo quẹo. Chúa qua lại các ngăn dễ dàng để kiểm tra, theo dõi… Không mấy khi tổ bị các loài cá to quấy phá, vì sợ họ nhà mực tung hỏa mù vào mắt… Thuyền đậu trúng tổ mực thường câu được từng chùm như trứng ếch. Thuyền anh Tâm, ông Tiến Hóa, anh Đông Thảo… câu được 4, 5 tạ mực trong vài tiếng đồng hồ, cả sạp thuyền tràn đầy mực như phơi ngô luộc. Nhiều người nhờ cơ may mà chỉ sau một đêm câu đã sắm được tivi, máy điện… Có thuyền trúng tổ phải dỡ cả mui thuyền cất lá lấy sườn làm chổ phơi tạm và đốt đuốc ra hiệu cho thuyền bạn đến câu…
 
CON MỰC VỰC CON CÁ – CON MỰC VỰC MỖI NGHỀ.
Đó là câu tục ngữ mới xuất hiện ở đây, thay thế cho câu tục ngữ cũ “con mực làm cực cái thân”. Dưới chế độ cũ, ngư dân làm nghề câu mực cực hơn nghề làm cá. Trước lúc nhổ sào, họ phải đến van nài chủ thuyền mua chịu ngư cụ, thức ăn, thức uống với giá cắt cổ… và thuyền về chậm bến, chủ thuyền chặn mũi thuyền mua với giá tự đặt – loại sinh vật này “ưa miệng mà không ưa mũi”, không ướp làm mắm được như cá, không bán thì ươn thôi , nhất là thuyền về đêm, đành phải trút vào cửa nhà giàu… Bây giờ, thuyền anh cứ cố câu cho “đầy khoang nặng nôốc”, xí nghiệp đông lạnh điện sáng thâu đêm, nước đá ướp tràn bể, thái độ lịch thiệp, giá cả phải chăng. Thuyền nào nhập nhiều mực, xí nghiệp cử nhân viên xuống tận thuyền nổ pháo, chuốc rượu chúc tụng…
Ba năm trở lại đây, vùng Cửa Nhượng, con cá không rộ nếu chưa muốn nói mất mùa, nhưng thiên nhiên đã đền bù bằng cách đưa con mực đến đậm đặc nên ngoài thuyền nhà, ngư trường còn đón tàu, thuyền của các vùng Cửa Lò, Cửa Sót, Cửa Khẩu, Quảng Bình, có lúc cả Quảng Ngãi, Bình Định nữa. Trước đây theo thông lệ, con mực chỉ xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch. Hết tháng 7 “nước chảy đứt đuôi rắn” là cuốn câu. Nay con mực có cả năm, con mực mới đã lớn bằng cái pháo đùng, còn mực cũ dài hơn bánh pháo vẫn còn lai rai…
Trong một cuộc họp Hội đồng nhân dân xã cuối năm 1992, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nêu ra những con số đầy tính thuyết phục: cả năm 1992, Ngân hàng đã cho ngư dân vay trên 1 tỷ 2 để sắm phương tiện đánh bắt (chủ yếu là câu mực), đưa tổng số thuyền máy lên tới 350 chiếc (gấp ba lần thời làm ăn hợp tác xã). Tài sản cố định của 350 thuyền ấy xấp xỷ 3 tỷ đồng (trước tài sản của 6 hợp tác xã cộng lại chưa đến 600 triệu). Chỉ tính riêng quý I năm 1992 (tháng giáp hạt, trong nước) cả xã đánh bắt được trên 110 tấn mực với giá một cân tươi 14 ngàn đồng, một cân khô 55 ngàn đồng, trong lúc đó giá gạo chỉ trên dưới 2.200 đồng 1 cân. Đồng chí phụ trách ngư hội xã so sánh thêm:
- Mỗi thuyền câu mực tài sản rất gọn nhẹ: 1 chiếc thuyền nan tre với cái máy 12 CV Trần Hưng Đạo, vài đèn măng – sông, một ít ngư cụ…nghĩa là chỉ bằng 1/10 của một đội vó nhưng thu hoạch bình quân cả năm lại gấp 10 lần.
Nghề câu mực mở ra quy mô lớn, thu hoạch cao đã đẻ ra một loạt dịch vụ mới: nghề làm câu cải tiến (mồi giả), nghề bán dầu đèn, đan mên phơi, đan lưới cước, gom nang mực làm dược liệu…
Trong một loạt nghề mới ra đời, nghề buôn mực thu hút và hấp dẫn nhất đối với lao động dôi thừa và người mất sức. Buôn có buôn ngồi và buôn chạy. Buôn ngồi là mua mực ở “chợ mực” về mổ, phơi, phơi sấy rồi nhập cho nhà máy đông lạnh hay bán tại nhà. Dân buôn mực phần lớn là cán bộ nghỉ hưu và giáo viên ngoài giờ dạy. Nhờ nó mà nhiều bác, nhiều cô, chi tiêu trong mùa mực không phải sờ đến đồng lương tháng. Làm nghề này vui và bận hơn trông con mọn… Mực gặp nắng mổ ngay sẽ sáng đẹp, ủ trong chum lên mày nghệ là lý tưởng nhất. Gặp mưa, mực rệu rạ như cải úa, ruồi muỗi bám đầy… Đó là chưa nói đến con mực xuất khẩu, công phu lắm, lột hết da, mực trắng như bông, xâu qua dây kẽm phơi nắng, gần khô dùng chai là mực thật phẳng như tờ giấy vẽ.
Nghề buôn chạy là mua mực từ nhà đi lên Đồng Đăng, biên giới Việt Trung - ở đấy, các bạn hàng đã chờ sẵn, ắt giá là đổi tiền và mua trọn gói. Làm nghề này phần lớn là bộ đội phục viên, thương binh nhẹ chưa có việc làm. Có chuyến lỗ to, nhưng nhìn chung phất lên nhanh. Có người, mỗi chuyến đi một tuần lễ, lãi năm triệu và lãi như thế trong ba chuyến liền. Ban đêm, khách từ xa về đây nhìn vào nhà anh Đông, anh Hồng, anh Tiến ở xóm Hoàng Độ (trong phường buôn chạy) có thể nhầm với nhà cửa ở thành phố lớn: cả làng chưa có điện nhưng trong nhà các anh có đủ các loại đèn điện, có xe máy, ti vi, phòng khách với tủ tường, sa lông… loại đắt tiền. Vợ chồng anh Toàn, con một gia đình buôn thúng bán mẹt, nhờ nghề này mà nay mở dịch vụ kinh doanh vàng bạc.
 
THÁNG BA RỘN RÀNG
Bây giờ, đâu đâu cũng rộn ràng hối hả, tất cả cho mùa mực bội thu: vá lưới, đan thúng, đóng thuyền, chữa máy, đan mên… Hàng chục điểm bán dầu, đèn, bán đồ dùng câu mực kéo dài từ đầu làng rẽ vào chợ với những câu mời mọc ngọt ngào cuỷa chủ hàng với “các thượng đế”… Những chú mồi giả hình thù như chiếc tên lửa ngũ sắc, hay loại như cánh bướm mang râu kim tuyến… đang chao mình trước gió khêu gợi vô cùng…
Năm nhuận này mực đã áp nhiều nhưng chưa dày. Cả làng đang nín thở!
- Nghề câu mực cũng như chung kết bóng đá, thi chạy việt dã, kết quả đích thực phải chờ đến phút thứ 89, mà ngôn ngữ riêng của dân biển gọi là “chết ba tháng sống ba ngày”.
Dưới quầng sáng bầu dục của những pha đèn, họ hàng nhà mực “rất mực” khôn ngoan đã đến trình diện: mực ống lao tên lửa mày bắp chuối trổ đến cạnh đèn, mực cơm bụng phệ dò dẫm quanh quầng sáng thăm dò rồi sấn vào ngoạm mồi dai như đỉa đói, mực kim dệt ngang dọc thảm nước rồi vô cớ rút sạch khi gặp tiếng động dù nhỏ - tiếng dập thia lia trên bọt biển của cá chuồn…
Cả thuyền lúc này sôi động hẳn lên: câu đứng, câu ngồi, câu bằng cần, câu bằng tay, câu mồi thật có, câu mồi giả có, câu sau lái, đầu mũi, dạng chân đứng trên mui… dây câu ném vun vút, chì lao đi lóc bóc, chồm chồm như cóc trên mặt nước rồi chìm nghỉm… gần đúng với tư thế một trận đánh gồm nhiều binh chủng…
Người ngư dân mến khách sẽ mời bạn tập câu và đãi bạn món mực tại chỗ.
Bạn hãy chọn một ít mực cơm còn dãy đành đạch cho vào nồi luộc khi thấy mực đã lên màu tím và có vài vết nứt thì vớt ngay. Bạn cầm cả con nhúng xuống nước biển và rồi chấm gia vị và cắn ăn… Lại chọn một ít mực khô phơi quanh mên, loại hình như cái bay nhỏ của thợ nề, vùi vào tro nóng, vò mềm, tước nhỏ thơm phức, bên chén rượu nếp sóng sánh giữa biển trời cũng sóng sánh, giao thoa… Thế là bạn đang minh chứng một lần nữa cái đúng cai hay của một câu ca dao cũ:
                     Ai kêu ngoài ngõ thì vô
Con mực cơm mới vớt, con mực khô đang lùi…
                                                  Biển Nhượng, tháng 4 – 1993
                                                                  S.H.D
Ảnh: Hương Thành
. . . . .
Loading the player...