21-03-2023 - 08:08

NHÀ THỜ HOÀNG GIÁP NGUYỄN CUNG

Chuyên mục "Tìm trong di sản" Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 3 năm 2023 trân trọng giới thiệu bài viết "Nhà thờ Hoàng Giáp Nguyễn Cung" của nhà văn Võ Trí Tâm

 

nhà thờ hoàng giáp nguyễn cung

                                                                                                  

   Vùng đất Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh trong lịch sử nổi tiếng với câu truyền ngôn “Kiệt Thạch tam khoa tam tiến sĩ”. Cụ Nguyễn Cung đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng Giáp) khoa thi năm Quý Sửu niên hiệu Hồng Đức (1493), đứng thứ 3 trong hàng Đệ nhị giáp, làm quan đến chức Thừa chánh sứ ty; cùng với các cụ Hoàng Hiền, đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức (1478), làm quan đến chức Tả Thị lang; và cụ Thái Kính, đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận (1511), làm quan đến chức Hình bộ Tả Thị lang là ba người của câu nói nổi tiếng ấy.

Cụ Nguyễn Cung là người học rộng, tài cao, hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, làm rạng rỡ vùng đất địa linh nhân kiệt “Sạc Sơn tứ diện giai công hầu”. Cha của cụ là cụ Nguyễn Thế Gia làm quan ở xứ Hải Dương, được phong Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Hiến sát sứ ty, Gia nghĩa đại phu. Theo Gia phả dòng họ và tài liệu địa chí huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh thì gia tộc cụ Nguyễn Cung thuộc dòng họ Cương Quốc Công Nguyễn Xí, công thần nhà Lê Sơ, là danh tướng thời vua Lê Thái Tổ, có công dẹp giặc Minh. Khi được nhà vua giao trấn giữ đất Nghệ An, Hà Tĩnh, ông luôn chăm lo cho đời sống của dân, được nhân dân suy tôn là thánh quan Hoàng Mười, con của đức vua cha Bát Hải Động Đình trên trời phái xuống giúp Lê Lợi đánh giặc Minh. Sau khi thi đỗ Hoàng Giáp cụ Nguyễn Cung được Triều đình bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng và làm đến chức Thừa chánh sứ ty (Thừa ty) là một chức quan phụ trách công tác dân sự ở đạo thừa tuyên bên cạnh đô tổng binh sứ ty (Đô ty). Chức Thừa chánh sứ ty do nhà vua bổ nhiệm, và cụ Nguyễn Cung đã làm việc qua nhiều đời vua: Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, trong nửa cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 16. Trong sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, được ấn hành và lưu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào tháng 3 năm Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40 triều vua Lê Hiển Tông, cũng như trong nhiều tư liệu(1),(2),(3),(4) về khoa bảng thời kỳ phong kiến đều ghi danh và nhắc tới cụ.

Bia khoa giáp Kiệt Thạch dựng năm Cảnh Hưng 16 (1755)

Bia khoa bảng Kiệt Thạch dựng năm Ất hợi niên hiệu Cảnh hưng thứ 16 (1775) do tri huyện Hoằng Hóa Nguyễn Đình Hiển ghi lại và Nguyễn Thừa viết chữ Hán đã khẳng định rõ sự nghiệp khoa trường và chính trường của cụ Nguyễn Cung.

Dịch nghĩa lời tựa ghi trên bia khoa giáp:

“Ôi! Khoa mục là con đường thênh thang của kẻ sĩ. Như xưa văn hiến mở mang, tuấn kiệt đông đúc chờ thời, ngóng đợi ánh dương đỉnh Thái sơn, nguồn chảy Kì thủy. Khi ấy văn học phồn đa, nhân tài lớp lớp đỗ bảng vàng, các đời danh hiệu vẻ vang, sáng rạng tông tộc, phù giúp đế vương có công lao. Lại có phúc lành, huân danh sáng tựu sao đẩu, mà nay vẫn tỏa rạng. Vì thế biên chép lại lên đá người trúng khoa mục để lưu truyền mãi mãi.

Hoàng Hiền đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478), quê ở xã Kiệt Thạch, đứng thứ 44 trong Đệ tam giáp, làm quan đến chức Tả Thị Lang.

Nguyễn Cung đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Quý sửu niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493), quê ở xã Kiệt Thạch, đứng thứ 3 trong Đệ nhị giáp, làm quan đến chức Thừa chánh sứ ty.

Thái Kính đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Tân Mùi niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (1511), quê ở xã Kiệt Thạch, đứng thứ 3 trong hàng Đệ tam giáp, làm quan đến chức Hình bộ Tả Thị Lang.

Ngày tốt tháng Canh Thìn, năm Ất Hợi, niên hiệu Cảnh Hưng 16 (1755).

Nguyễn Đình Hiển đương nhậm chức tri huyện Hoằng Hóa kính cẩn ghi lại.

Bản lại Nguyễn Thừa viết chữ”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình (1872-1949), đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm Thành Thái thứ 10 (1898), người cùng xã Thanh Lộc, đã viết câu đối ở nhà thờ Hoàng Giáp Nguyễn Cung như sau:

“Bách niên khoa giáp lân Hoàng Thái

Lương vượng tài đinh ấp Sạc Kỳ”(9)

Dịch: Khoa giáp trăm năm chung xóm Hoàng Hiền, Thái Kính

Tài đinh lương vượng cùng quê núi Sạc, sông Cài”(9).

Năm 1484, Vua Lê Thánh Tôn ban lệ “Bia Đá Đề Danh”, nghĩa là danh tính của các tân khoa tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 về sau này được khắc vào bia đá, dựng ở Văn Miếu tại cố đô Thăng Long. Trong Quốc Tử Giám Hà Nội hiện chỉ còn lưu giữ 82 Văn bia của các khoa thi từ năm 1442 đến khoa thi năm 1787. Số Văn bia tại Quốc Tử Giám còn lại là 82 tấm, mà số khoa thi đã tổ chức trong suốt thời kỳ này lại tới 124 khoa. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì tổng số Văn bia đã được dựng phải nhiều hơn con số 82 này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng số lượng thực có của những tấm Văn bia đề tên Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám Hà Nội là 91 tấm, một số khác thì cho rằng số lượng Văn bia phải có là 117 tấm… Đây là vấn đề cho đến nay các nhà khoa học vẫn còn đang tiếp tục tranh luận. Muốn bổ sung đầy đủ cho Quốc Tử Giám những tấm bia “Nghè” quí giá, khảo cổ học nước nhà cần phải tìm thêm những tấm Văn bia còn thiếu (đang bị vùi lấp trong lòng đất khu vực Quốc Tử Giám, hoặc đang ở một nơi nào đó nếu xưa kia đã bị chuyển đi).

Về khoa thi Quý Sửu năm 1493 đời Hồng Đức (là khoa cụ Nguyễn Cung thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân) trong sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục”có ghi chép như sau: “Quý Sửu, năm thứ 24…Mùa thu, tháng 8, ngày 19, dựng bia đề tên Tiến sĩ khoa Quý Sửu”. Như vậy, Cụ Nguyễn Cung đã được ghi danh trên một tấm bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám, nhưng đã bị mất, không còn nữa. Một sự kiện dưới triều vua Mạc Đăng Doanh (1530-1540) giúp chúng ta có thể khẳng định điều này: vào năm 1536 vua Mạc Đăng Doanh sai Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại Quốc Tử Giám, trong đó có việc lập lại các Văn bia hỏng và lập các Văn bia mới. Trong số 82 tấm Văn bia hiện nay ở Văn Miếu Quốc Tử Giám đúng là có 1 tấm ghi rõ được lập lại vào năm này (Văn bia khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 5). Như vậy, theo lý mà suy thì từ năm này (1536) trở về trước, tất cả mọi khoa thi đều được dựng Văn bia; thế nhưng riêng khoảng thời gian này tính ra đã thiếu mất tới 15 tấm Văn bia. Hy vọng một ngày nào đó tấm bia ghi danh Cụ Nguyễn Cung sẽ tìm lại được.

Nhà thờ Hoàng Giáp Nguyễn Cung là nơi thờ tự cụ Nguyễn Cung và cũng là nhà thờ Đại Tôn của dòng họ Nguyễn xã Thanh Lộc. Các thế hệ con cháu của cụ Nguyễn Cung đã kế thừa truyền thống tổ tiên, không ngừng phấn đấu, góp phần xây dựng quê hương, giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của xã Thanh Lộc, làm rạng danh cho quê hương và dòng họ. Bài viết này nhằm cung cấp một số thông tin về một tấm gương tiêu biểu của dòng họ Nguyễn là cụ Nguyễn Nhuệ (1901-1946), lão thành cách mạng, đã được nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng ba. Cụ Nguyễn Nhuệ, cháu đời thứ 13 của cụ Nguyễn Cung, khi còn sống là Tộc trưởng của dòng họ, cũng được thờ tự tại Nhà thờ Hoàng Giáp Nguyễn Cung.

Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của cụ Nguyễn Nhuệ được ghi nhận và nhắc đến trong nhiều tư liệu (5),(6),(7),(8),(9). Cụ Nguyễn Nhuệ tham gia Tân Việt cách mạng đảng ngay từ những ngày đầu khi đảng này mới thành lập. Năm 1929, do ảnh hưởng của Đông Dương cộng sản đảng, phái cấp tiến trong Đảng Tân Việt ra thông đạt giải tán Đảng này để thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Ngày 1-1-1930 tại bến đò Trai (Đức Thọ, Hà Tĩnh), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được ra đời, đánh dấu sự thắng thế của Xứ uỷ Trung Kỳ hướng tới cách mạng mang tính vô sản. Về sự kiện này GS Trần Văn Giàu đã viết trong tác phẩm “Giai cấp công nhân Việt Nam”(5), như sau: “Đến tháng 6-1929, tin thành lập Đông Dương cộng sản Đảng đã tung ra khắp các nơi… Các tỉnh bộ của Tân Việt tự động tìm hướng mới: ví dụ như Nguyễn Xuân Thanh, Ngô Đức Mậu, Trần Đại Qua, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Tôn, Ngô Đức Đệ,Trần Hữu Chương, Lê Tiềm họp nhau ở bến đò Trai (Hà Tĩnh) để bàn việc chuyển đảng Tân Việt sang cộng sản. Lần trước, một số bị bắt. Lần họp sau, có Nguyễn Nhuệ, Trần Hưng, Lê Thuận, Ngô Hữu Yên, Lê Bá Tuân. Anh em quyết định chuyển Tân Việt thành Cộng sản liên đoàn và sẽ sát nhập vào Đông Dương cộng sản đảng”(5) (trang 391-392).

Như vậy, cụ Nguyễn Nhuệ là một trong số những người đầu tiên đã tham gia thành lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn và quyết định việc sát nhập Đông Dương cộng sản liên đoàn vào Đông Dương cộng sản đảng.

Đầu năm 1930 Đông Dương cộng sản liên đoàn sát nhập vào Đông Dương cộng sản đảng (Đảng cộng sản Việt nam ngày nay). Trong thời kỳ 1930-1931 cụ Nguyễn Nhuệ là phái viên của Xứ ủy Trung kỳ, được phân công chỉ đạo phong trào cách mạng tỉnh Quảng Trị. Trong cuốn hồi ký “NHỮNG NĂM TUỔI TRẺ”(6) (Nxb Thanh niên, 2004) của Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực có đoạn viết về thời kỳ hoạt động này của cụ Nguyễn Nhuệ: “Khoảng trung tuần tháng 10-1930 trong lúc tôi đang tìm cách tiếp xúc với Xứ ủy Trung kỳ, thì Nguyễn Nhuệ - phái viên Xứ ủy phụ trách Quảng Trị - ở Vinh, vào gặp tôi… Tôi tranh thủ thời gian, trình bày và thảo luận với phái viên Xứ về tình hình và dự kiến công việc sắp tới của Tỉnh. Cuối cùng phái viên Xứ và tôi nhất trí:

- Thành lập Tỉnh ủy chính thức…

- Xuất bản tờ báo bí mật của Tỉnh Đảng bộ Quảng Trị, lấy tên là “Bạn cày nghèo”.

- Mở nhà in để in báo…

- Tổ chức liên lạc giao thông chặt chẽ, thông suốt với Xứ ủy Trung kỳ ở Vinh.

- Củng cố phát triển Đảng…

- Phát triển các đoàn thể quần chúng…

Những vấn đề chuẩn bị trên đây của chúng tôi tạo thuận lợi cho hội nghị Tỉnh ủy bàn bạc, trao đổi.

Vào những ngày cuối tháng 10-1930, Tỉnh ủy họp ở làng Tân Tường… Tôi giới thiệu phái viên Xứ với hội nghị… Hội nghị thảo luận sôi nổi… Nói chung hội nghị nhất trí với những vấn đề phái viên Xứ và tôi đã báo cáo”(6) (trang171-172).

Năm 1931 cụ Nguyễn Nhuệ bị Pháp bắt đưa đi đày ở nhà tù Ban Mê Thuột. Sau khi ra tù, bị chính quyền bảo hộ đưa về quê quản thúc, cụ vẫn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Tháng 8-1945 cụ làm trưởng ban khởi nghĩa Tổng Đậu Liêu, được bầu vào Ủy ban huyện Can Lộc, phụ trách Tư pháp. Năm 1946 Cụ bị bệnh qua đời. Trong cuốn sách “Những người con trung hiếu”(7) của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Thanh Lộc về thời kỳ này đã viết: “Nhiều trí thức như các nhà giáo Nguyễn Nhuệ, Nguyễn Kỉ, Nguyễn Cương với tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc hoạt động trong Đảng Tân Việt về sau đã trở thành những đảng viên, những chiến sĩ cách mạng tiền khởi nghĩa trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh… Một lớp đảng viên như Nguyễn Nhuệ, Nguyễn Phiếm, Nguyễn Trị, Trần Hành đã được kết nạp trở thành chi bộ Kiệt Thạch lãnh đạo quần chúng xây dựng chính quyền Xô viết tại địa phương lập nên đội tự vệ đỏ, hội nghĩa thương, trừng trị bọn tay sai mật thám cho giặc… Mùa thu 1945 trong khí thế sục sôi cả nước của những ngày tháng Tám lịch sử, người Kiệt Thạch đón chào cách mạng với tất cả tấm lòng nhiệt thành náo nức đợi chờ những chiến sĩ, những đảng viên từ các nhà tù trở về như: Nguyễn Nhuệ, Nguyễn Phiếm. Những nhà giáo yêu nước như Nguyễn Kỉ, Nguyễn Cương, thủ lĩnh thanh niên Phan Anh như: Nguyễn Hữu Chương đã lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền, giải tán bọn hào lý thu giữ triện lý trưởng. Thành lập đội tự vệ có Nguyễn Tùy, Nguyễn Sủng làm cán bộ trung đội, Nguyễn Nhuệ trực tiếp chỉ huy điều hành, giải quyết các việc trong địa phương… Một lớp cán bộ huyện Can Lộc có Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBKCHC huyện, Nguyễn Am huyện trưởng công an, Nguyễn Nhuệ trưởng ban tư pháp, Nguyễn Đạm huyện đội trưởng, Nguyễn Văn Dương, chánh thư ký Ủy ban đều là con em Kiệt Thạch hăng hái tham gia công tác cách mạng phục vụ vô điều kiện”(7) (trang 117).

Đối với dòng họ, cụ Nguyễn Nhuệ có công lớn là người đầu tiên viết cuốn Gia phả họ Nguyễn bằng chữ quốc ngữ từ đời Tiên Tổ Hoàng Giáp Nguyễn Cung cho đến năm 1945. Trong thời gian bị quản thúc cụ đã tập hợp các bản gia phả bị thất tán của các chi phái, sắp xếp lại, dịch từ Hán Nôm ra quốc ngữ, biên soạn và viết Gia phả của dòng họ. Lúc bấy giờ nhiều người trong họ đã đua nhau sao lại đem về bỏ tráp làm gia bảo (9).

Con gái cụ Nguyễn Nhuệ, bà Nguyễn Thị Chắt lấy ông Võ Trí Hữu người xã Trường Lộc (nay là xã Kim Song Trường), con trai cụ Võ Tĩnh - một sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ 20. Về cụ Võ Tĩnh bạn đọc có thể tìm hiểu ở bài “Một tư liệu quý về người Hà Tĩnh” đăng trên tạp chí Hồng Lĩnh số 194/2022.  Bà Chắt vào Đảng năm 1949, tham gia hoạt động ở địa phương, trước khi nghỉ hưu bà công tác ở Ban tuyên huấn Trung ương, được nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất. Hai ông bà có ba người con đều là tiến sĩ, người con thứ hai TS Võ Trí Thành là một trong số những chuyên gia kinh tế hàng đầu hiện nay. Ông nguyên là Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, hiện là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, với những cống hiến trong quá trình công tác ông đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì.

Nhà thờ Hoàng Giáp Nguyễn Cung là nơi mang đến cho chúng ta cảm nhận sự kết nối giữa quá khứ với hiện tại trong dòng chảy lịch sử của đất nước, là di tích lịch sử văn hóa vô cùng quý báu, xứng đáng được tôn vinh của vùng đất địa linh nhân kiệt nổi tiếng “Sạc Sơn tứ diện giai công hầu” ( Sạc Sơn bốn mặt đều có công hầu), mang đậm truyền thống hiếu học, cách mạng và yêu nước của người dân Hà Tĩnh.

V.T.T

______________

Tài liệu tham khảo:

(1) Xã Thanh Lộc Đón nhận bằng DTLSVH cấp tỉnh nhà thờ Nguyễn Cung (http://hatinh24h.com.vn/xa-thanh-loc-don-nhan-bang-dtlsvh-cap-tinh-nha-tho-nguyen-cung/).

(2) Đại Việt lịch triều đăng khoa lục: Bộ sách gồm 4 quyển ghi lại các khoa thi Hội và danh sách những người đỗ đạt trong các khoa thi đó, bắt đầu từ khoa Ất Mão (1075) đến khoa Kỷ Hợi (1779). Sách được Bộ Quốc Gia Giáo Dục chính quyền Việt Nam Cộng Hòa dịch và xuất bản năm 1963.

(3) Thi cử, học vị, học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, Đinh Văn Niêm, Nxb Lao động, 2014.

(4) Văn bia tỉnh Hà Tĩnh (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008; Tr.40-47), PGS.TS. Đinh Khắc Thuần, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

(5) Tổng tập Trần Văn Giàu, tập 2, Nxb QĐND, Hà nội, 2007.

(6) Những năm tuổi trẻ, Trần Hữu Dực, Nxb Thanh niên, 2004.

(7) Những người con trung hiếu, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Thanh Lộc, huyện Can lộc, Hà Tĩnh, 2008.

(8) Xã Thanh Lộc: lịch sử hình thành và phát triển (Cổng thông tin điện tử xã Thanh Lộc: https://canloc.hatinh.gov.vn/thanhloc/KenhTin/Gioi-thieu-chung.aspx).

(9) Gia phả Họ Nguyễn xã Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

. . . . .
Loading the player...