Tạp chí Hồng Lĩnh số 216 trong chuyên mục 50 năm nền văn học, nghệ thuật Hà Tĩnh sau ngày đất nước thống nhất (1975 - 2025) trân trọng giới chiệu chân dung nhà thơ Xuân Hoài cùng các tác phẩm của ông “Núi Hồng sông Lam”, “Con đường về bến Tam Soa” và bài viết "Người trong cõi nhớ" của nhà văn Đức Ban
Nhà thơ Xuân Hoài
Xuân Hoài, tên khai sinh là Bùi Xuân Huyến. Ông sinh ngày 15 tháng 5 năm 1941 tại thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1962, Xuân Hoài tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh. Sau đó ông về quê hương Đức Thọ dạy học tại Trường cấp 3 Trần Phú. Là một giáo viên dạy toán giỏi của Ngành Giáo dục Hà Tĩnh giai đoạn trước và trong chiến tranh chống Mỹ. 12 năm đứng trên bục giảng, đến năm 1973, ông chuyển sang công tác tại Hội văn nghệ Hà Tĩnh và được bầu làm Hội phó. Bấy giờ Hội trưởng là nhà thơ Thanh Minh và một Hội phó chuyên ngành nghiên cứu văn nghệ Dân gian là ông Thái Kim Đỉnh (Bút danh Vũ Hoàng).
Ngày 27-12-1975, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, tại kỳ họp thứ hai đã quyết định phê chuẩn hợp nhất hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Theo đó, Hội văn nghệ Hà Tĩnh sáp nhập với Hội văn nghệ Nghệ An thành Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh và Xuân Hoài làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.15 năm sau, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ chín Quốc hội khóa VIII về chia tách tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh tách thành Hội văn nghệ Nghệ An và Hội văn nghệ Hà Tĩnh. Xuân Hoài được Ban chấp hành lâm thời Hội văn nghệ Hà Tĩnh bầu làm Chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh. Về mặt Nhà nước, từ năm 1991, Xuân Hoài là Đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh các khóa 11, 12, 13, về mặt Đảng, từ năm 1992, Xuân Hoài là Tỉnh ủy viên các khóa 12, 13, 14. Đến năm 2001, Xuân Hoài là Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin cho đến ngày nghỉ hưu.
Tuy phải thực hiện nhiệm vụ của một Tỉnh ủy viên, một đại biểu HĐND tỉnh, một người đứng đầu ngành văn hóa - văn nghệ Hà Tĩnh, nhưng trước hết Xuân Hoài là một nhà thơ tâm huyết, mê mải với lao động sáng tạo. Và trên con đường của sự sáng tạo không ngưng nghỉ của mình, Xuân Hoài lặng lẽ đi, một mình với người bạn là những bí ẩn của ngôn từ. Trong tận cùng của im lặng, ông thấy những nụ cười và những giọt nước mắt yêu thương trong những “đứa con” ông sinh thành từ năm 1971 đến khi ông rời cõi tạm về miền mây trắng: Hương quê (Thơ, in chung 1971), Tiếng chim vườn (Thơ, 1976), Sau những tháng năm (Thơ, 1983), Dưới trời mấy trăng (Thơ; 1987); Bóng trưa (Thơ, 1991), Gửi người xa xứ (Thơ, 1998); Khói lam chiều (Thơ, 2002), Thơ Xuân Hoài (2002), Người trong cõi nhớ (Thơ, 2024)…
Nhiều thế hệ làm văn chương sau ông, nhớ mãi suy nghĩ về nghề văn của ông:
…“Viết cho một thời vẫn phải nghĩ sâu sa
Viết cho một người phải nhớ bao người đọc
Có câu thơ được viết trong chăm sóc
Nhưng cũng có câu thơ rút ruột nỗi đau đời. (*)
____________
(*) Rút trong Nhà văn Việt Nam hiện đại tỉnh Hà Tĩnh; Nxb Hội Nhà văn; 201;tr 552.
XUÂN HOÀI
Núi Hồng sông Lam
Nếu không có sông Lam
Núi Hồng buồn biết mấy
Núi Hồng không đứng đấy
Sông Lam trong cũng thừa.
Những khúc hát đò đưa
Thả neo vào quá khứ
Bao buồn vui lịch sử
Nghĩa tình ôi chứa chan…
Núi Hồng và sông Lam…
Để muôn đời sừng sững
Núi cao cho dáng đứng
Sông dài cho bước đi
1991
Con đường về bến Tam Soa
Con đường về bến Tam Soa
Như câu thơ đẹp trải ra đón mời
Xanh chi lắm cỏ đê ơi
Để anh muốn chọn chỗ ngồi với em.
Đò ai thả giọng hò quen
Cho người trên bến muốn xen lời vào
Nghìn năm chưa thỏa ước ao
“Người ơi” câu ví vẫn xao xuyến lòng.
Em như dòng nước xanh trong
Bao nhiêu bến hẹn bờ mong trải dài
Anh như đò dọc đi hoài
Bao xuôi ngược cũng không ngoài mặt sông.
Người đi xa mấy năm ròng
Chưa ai quên một khúc vòng con đê
Cỏ xanh như chính lời thề
Hai bờ đê gợi bước về vương vương.
1981
Trên bến Tam Soa. Ảnh: Lưu Tất Thắng
đức ban
Người trong cõi nhớ
1. Sau ngày Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, tôi chuyển từ Tổng đội TNXP 299.P18 về Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Trụ sở Hội là một ngôi nhà gỗ ba gian, lợp tranh tro lọt thỏm giữa lùm cây um tùm ngoài rìa Thị xã. Đón tôi chỉ mỗi một người đàn ông gầy, nhỏ, có đôi mắt sâu, sáng. Ông bảo, ông là Xuân Hoài vừa chuyển từ giáo dục sang văn nghệ. Chúng tôi ngồi trong căn phòng tối sâm sẫm thoảng mùi ẩm mốc, bên bộ bàn ghế gỗ mộc nứt ngang, nứt dọc ngoảnh nhìn ra cái sân đất lồi lõm lỏng bỏng nước. Vừa dứt cơn mưa ràoTiểu mãn, không khi tháng tư trở nên mát mẻ.
Xuân Hoài tự pha trà. Bộ ấm chén trắng bóc, loáng như gương. Ông cho chè ra mảnh giấy báo hình vuông, rồi khum mảnh giấy thành cái phểu cho chè rơi từ từ vào ấm. Chầm chậm, ông nâng phích nước sôi dưới chân bức vách nứa lên, đặt nhẹ xuống bàn, rồi dùng những ngón tay trắng xanh nhẹ nhàng vặn nắp phích…
… Xuân Hoài sinh ngày 15 tháng 5 năm 1941 trong một gia đình nhà Nho thanh bần ở Thị trấn Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh, ông về dạy Toán tại trường cấp 3 Đức Thọ. Hồi ấy Xuân Hoài là nhân vật lý tưởng của nhiều thanh niên. Dạy giỏi, lịch lãm và có thơ in trên báo chí và chép bằng bút mực tím trong sổ tay của các cô gái dọc hai bờ sông La. Bạn bè ông thì toàn nhà thơ, nhà văn; và là những người có tiếng tăm: Vũ Hoàng, Nghiêm Đa Văn, Vũ Duy Thông, Trần Quốc Anh, Lê Duy Phương, Hà Quảng, Lê Xuân Zụ, Trần Hậu Tân, Nguyễn Quốc Anh, Lê Trần Sửu, Chính Tâm, Duy Thảo, Lê Nghi…Cái sự nổi tiếng cùng những nỗi phiền muộn, những khoảnh khắc trống vắng, những se sắt của cô đơn, những khát khao, ước vọng … mà họ chân thật giãi bày bằng con chữ bỗng ra tai họa. “Lãng mạn, tiểu tư sản” - Người ta nói thế. Sau mấy cuộc kiểm điểm, tự phê bình, Xuân Hoài phải chuyển vào dạy ở Trường Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên “để tiếp tục rèn luyên tư tưởng chính trị”. Sau này khi đã thân thiết, ông nói với tôi, đại ý: Hồi ấy, người ta nói công khai rằng là chữ nghĩa mấy ông nhà văn nhà thơ nó tiêu cực, yêu, ghét không rõ ràng, cứ lọt ra chỗ này, chỗ nọ cái ý chống đối ngành Giáo dục, cứ ló lộ ra cái bất mãn chế độ. Rồi ông lắc đầu đọc hai câu thơ của ông, nghe bảo ông làm sau ngày nhận quyết định kỷ luật:“Những ai không biết khóc/ Đừng mong chi họ cười”.
Mỗi khi nhắc chuyện quá khứ, mà những khi ấy với Xuân Hoài không phải hiếm, ông kể về Nguyễn Thị Thước, cô nữ sinh cấp Ba yêu thương ông thầy nhà thơ Xuân Hoài và trở thành người vợ đảm đang, thủy chung, từng bù đắp những thiếu hụt trong ông.
Một giáo viên dạy toán ở một Trường Phổ thông cấp 3, chuyển sang Văn nghệ nhoáng cái làm Phó Chủ tịch Hội. Rồi nhập tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, năm 1976, ông là Phó Hội trưởng kiêm Tổng thư ký Hội văn học, nghệ thuật Nghệ Tĩnh. Trong làng văn nghệ Xứ nghệ, trên ông là hai nhà thơ thời chống Pháp lừng lẫy, Trận Hữu Thung và Minh Huệ, dưới ông có gần ba chục nhà văn nổi danh: Hồng Nhu, Quang Huy, Bá Dũng, Thạch Quỳ, Đặng Văn Ký, Chính Tâm… Mấy năm sau Xuân Hoài trúng Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh. Tách tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ông lại trúng Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trúng thêm Hội đồng nhân dân tỉnh, giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh.. Mấy năm sau nữa làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin. Vậy là viên mãn, thiếu hụt cái nỗi gì? Là sự thiếu hụt trong đam mê, say đắm văn chương? Trong khát vọng sáng tạo ngôn ngữ thi ca? Trong tình cảm riêng tư? Trong đời sống cơm áo, gạo tiền hàng ngày? Chẳng mấy ai quan tâm đi tìm câu trả lời; thói đời vốn vậy. Thế nên, một thời gian khá dài, cái mặc cảm về một khoảng cách xã hội nào đó cứ đẩy Xuân Hoài về một phía: Phía quan chức. Quan chức và Thi ca! Bao thời, cái mối quan hệ này giằng níu suy nghĩ, tình cảm của không ít người cầm bút là có thật. Phẩm tính quan chức trong tâm hồn, trong tư tưởng Xuân Hoài là có thật. Nó từng đã hiển hiện trong ý tưởng, trong ngôn ngữ thơ:
“Ở trường này ai trẻ nhất giáo viên
Thầy hiệu trưởng giới thiệu tôi ra chào Thủ tướng
Ngót ba chục năm rồi cái hôn - phần thưởng
Kỷ niệm nhắc hoài xứng đáng buổi đầu tiên “
(Kính tặng bác Phạm Văn Đồng)
Và nữa:
“Đã bao giờ quê ta hồ hởi thế
Cánh tay lo năm tấn mỗi hét ta…”.
Một lần nào đó, khoảng sau năm 1978, tôi nói với Xuân Hoài, rằng ông có những bài thơ rất hay, sống mãi trong tâm thức bạn đọc như Những ngôi sao, Núi Hồng Sông La, Con đường về bến Tam Soa, Hương Hoa dẻ…và, rằng sao lại viết ra những câu thơ “ hồn nhiên” như thế? Ông vò đầu, thành thật: “Ấy là thơ của một thời, cậu nhớ làm gì”. Rồi ông lặp đi lặp lại hai tiếng: “ Một thời. Một thời…” với sự băn khoăn day dứt nào đó sâu thẳm trong tâm can. Tôi nghĩ, ông đang nói đến một hiện thực nóng bỏng, ngồn ngộn thời hậu chiến, thời kinh tế thị trường. Tôi đã từng ngồi cùng Xuân Hoài trong căn phòng xập xệ chưa đầy 15 mét vuông của khu tập thể Hội văn nghệ chênh vênh bên mép hồ Thành Vinh. Căn phòng mà 10 năm trời dằng dặc, từ năm 1976 đến 1986, vợ chồng ông, ba người con và bà mẹ già đau yếu ở trong đó, no, đói, buồn, vui gói gọn trong đó, những bài thơ thấm đẫm không khi thời đại ông sống ra đời trong đó.
2. Bao năm Xuân Hoài là một quan chức có quyền uy. Không ít kẻ có quyền uy đã gắn quyền uy với quyền lợi để cho cái bản năng tham, sân, si che mờ mắt nhìn, nhuộm màu đen lên tâm hồn. Xuân Hoài không thế. Phẩm chất thi sĩ đã níu giữ ông trước các cám dỗ, chống lại kẻ thù của lòng tử tế, tình thương yêu bằng sự trong sạch của một quan chức và sức mạnh ngôn ngữ thi ca. Bản chất thi sĩ đã khiến Xuân Hoài không ít khi ngơ ngác trước mọi sự nhốn nháo của cuộc đời. Tôi hình dung một Xuân Hoài thổn thức, day dứt, run rẩy trước mỗi con người, mỗi sự việc và một Xuân Hoài nghiêm cẩn, rành mạch trước đám đông nơi hội hè, công sở. Mười năm từ 1961 đến 1971, chỉ dạy học và làm thơ, còn từ năm 1972 đến năm 2001, ba mươi năm ông làm quan và làm thơ. Tâm hồn Xuân Hoài cứ “lộ” ra - một tâm hồn đa cảm với những dày vò, tự vấn, thất vọng và chua chát. Tôi hình dung Xuân Hoài bước ra khỏi chốn công đường, đứng lại, đăm đăm nhìn bốn phía chung quanh:
“Trước bao tỉnh cảnh trên đời
Hư hay thực cũng rụng rời trái tim”
Để rồi trái tim yếu mềm phải nấc nghẹn:
“Rượu hết chai còn lại khổ đau”.
Đêm khuya khoắt, một mình ông ngồi trước màn hình ti vi, lắng nghe tiếng mưa rả rích ngoài trời và tiếng nhắn tin tìm người lạc:
“Nếu bố mẹ còn sống…
Nếu anh chị còn sống…
Nếu các em còn sống…
Biết ai người của máu thịt cắt chia
Nhà cửa giàu sang hay lang thang đói rách
Dẫu là ai cũng phải rơi nước mắt
Người tìm người phiêu bạt giữa thế gian”.
(Tìm người lạc)
Đấy là Xuân Hoài, nhưng chưa phải là tất cả. Còn một Xuân Hoài đằm thắm, thiết tha, một Xuân Hoài run rẩy trước cái lúm đồng tiền của một cô gái:
“Còn không hai lúm đồng tiền
Để thương để nhớ để phiền cho nhau”;
trước hương thơm quấn quýt của chùm hoa dẻ:
“Giấu trong lùm không dễ thấy
Hương thơm bay khó định hướng nơi nào”;
trước nhành cỏ may phơ phất bên bờ đê chiều cuối năm, lây phây mưa bụi đã thành hoài niệm:
“Cỏ may mọc ở bờ đê
Ngoài năm mươi tuổi lối về còn vương”…
trước dòng sông xanh lặng lẽ trôi:
“Đời người như nước chảy đi
Đã ra sông rộng, vấn chi đầu nguồn”
Một Xuân Hoài phảng phất chút trầm ngâm minh triết:
“Nếu không có Sông La
Núi Hồng buồn biết mấy
Núi Hồng không đứng đó
Sông La xanh cũng thừa”
Cái làm nên Xuân Hoài trong tâm trí nhiều người là những con chữ giản dị, tinh tế, run rẩy trước nỗi đời, trước thân phận con người.
Đối với một thi sĩ, không bao giờ nói được là đã thành đạt, đã thỏa mãn với những tác phẩm của mình. Càng nhiều tuổi, thêm sự trải biết, tư duy càng sâu, rộng, anh ta càng thấy cái trách nhiệm dâng hiến của mình nặng nề hơn; thậm chí, bị dằn vặt, đớn đau thường xuyên hơn bởi cảm giác bất lực trước trang giấy. Nỗi khổ ngọt ngào kia của Xuân Hoài cứ lớn dần theo nỗi đau của bệnh tật. Xuân Hoài lâm bệnh lúc chưa tròn 60 tuổi. Ta thấy một Xuân Hoài ốm đau để rồi đồng cảm, sẻ chia và khâm phục ý chí, nghị lực của ông từ một ánh mắt, một nụ cười, một cái bắt tay mà không biết được những suy tưởng của ông tọa ở đâu. Những câu thơ ông viết trên giường bệnh mới cho ta nhận ra một cách chân thực ông đang sống như thế nào. Tôi tin, người từng quen biết Xuân Hoài sẽ rưng rưng khi đọc:
“Viết thư tay không cầm được bút
Điện thoại nói chẳng nên lời
Lối đi quen trở thành mất hút
Lâu rồi, nhớ lắm bạn bè ơi.”
sẽ nhói đau trong lòng khi nghe ông thiết tha:
“Bạn bè từ bao thuở ?
Bỗng dưng thành xa xôi
Thành người trong cõi nhớ
Ai đó đừng quên tôi”.
Ông viết về người vợ tảo tần, thủy chung, người phụ nữ đã bù đắp những thiếu hụt cho ông, mãi từ xưa và cả nay:
“Không nói hết, tuổi già anh lâm bệnh
Em trở thành thầy thuốc chăm nom
Thành thư ký đọc nghe và ghi chép
Cho thơ anh trên báo vẫn còn”.
Và ông an ủi vợ cũng là an ủi chính mình:
“Nhưng không sao một tình yêu lớn
Sẽ đi vào ký ức các con.”
Thế nhưng nỗi đau giằng xé, ngập tràn, se sắt thì cứ nhức nhối từng con chữ:
“Anh bảo em đừng khóc
Nhưng anh nước mắt tràn
Thương em nuôi các con vất vả
Năm năm nuôi mẹ chồng bệnh tật
Giờ chẳng lẽ trời bắt lại nuôi anh
Em nói trong bình thản dịu dàng
Anh yên tâm đấy là bổn phận đàn bà
Anh nghe mà tê tái thịt da”
3. Mười hai tập thơ in trong khoảng thời gian 1971 đến 2006, với mảng thơ viết về quê hương, mảng thơ viết về tình yêu, mảng thơ viết về cuộc sống đổi mới hôm nay… đến tập Ngư?i trong c?i nh? ời trong cõi nhớ Xuân Hoài viết sau ngày nghỉ hưu, khi lâm bệnh thì xuyên suốt, bao trùm, thấm thía những suy ngẫm về kiếp người với một giọng thơ buồn bã, day dứt khôn nguôi…
Tôi đã cùng ông đi qua hơn ba mươi năm trên một con đường văn nghệ tỉnh lẻ quanh co, không ít khúc khủy, gập ghềnh, nóng, lạnh cho đến tận ngày mồng 8 tháng 3 năm 2006, tôi đọc điếu văn tiễn ông về cõi vĩnh hằng. Bấy giờ và mãi sau này trong tâm trí tôi, ông đang ở kề bên mình, ông không đi đâu cả, ông vẫn ở lại với nhiều người và đang kể với các thế hệ về bao nỗi nơi cõi nhân gian...
2006 - 2024
Đ.B