Nhà văn Bùi Hồng là người con của làng quê Phù Việt, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh - người đã dành cả đời mình cho văn học, đặc biệt là văn học thiếu nhi. Ông gắn bó với NXB Kim Đồng trong suốt 30 năm, làm công việc của một biên tập viên cho đến khi giữ chức Tổng biên tập. Nhà văn Bùi Hồng đã “đi hết con đường” của tình yêu và lòng đam mê dành cho văn chương, nhưng tất cả những điều còn lại chính là tình cảm thương mến, trân trọng, ngưỡng mộ của các đồng nghiệp, bạn văn và độc giả nhiều thế hệ. Nhà văn mất vào ngày 22/11/2012 tại nhà riêng, TP HCM. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu vài nét về tác giả và đăng bài viết của ông, rút từ cuốn “Nửa thế kỷ một con đường” (NXB Kim Đồng, 2012).
Tên khai sinh: Bùi Văn Hồng, sinh ngày 5/12/1931. Quê quán: Phù Việt, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Vào Hội nhà văn Việt Nam năm 1984.
Quá trình học tập, công tác, sáng tác: Tham gia công tác Đoàn từ tháng 8/1945; công tác tuyên huấn, tổ chức Đảng ở quê từ 1948. Bắt đầu viết và in các truyện ký, phê bình sách từ 1951. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, năm 1962 đến 1992 làm biên tập rồi Trưởng ban và Tổng biên tập NXB Kim Đồng.
Tác phẩm chính: Trên đất Cẩm Bình (truyện ký, 1968); Cá rô ron không vâng lời mẹ (truyện đồng thoại, 1969); Hoa trái đầu mùa (phê bình tiểu luận, 1987). Mười năm ghi nhận (phê bình tiểu luận,1997); Cô gái bướng bỉnh (truyện ký, 2001); Hương cây – mối tình đầu của tôi (truyện ngắn – 2002); Từ mục đồng đến Kim Đồng (tức Mười năm ghi nhận, có bổ sung, 2002); Mai đây đi hết con đường… (chân dung và hồi ức, 2007)
Giải thưởng văn học: Tặng thưởng của Ủy ban Thiếu niên nhi đồng và Hội Nhà văn Việt Nam cho tập Trên đất Cẩm Bình (truyện ký, 1968).
TỪ MỤC ĐỒNG ĐẾN KIM ĐỒNG
Bùi Hồng
Tôi muốn dành những dòng sau đây để ghi lại hồi ức về Nhà xuất Bản Kim Đồng, một số trang thôi, chứ không phải tất cả. Cuộc sống vốn đa đoan, không phải điều nào cũng nên nói, có thể nói, và cách nhìn, cách đánh giá của mỗi người nào có giống nhau.
Nhưng trước hết cũng nên có đôi dòng lí lịch trích ngang: Tôi là ai? Hạt mưa rào là tôi không rơi xuống giếng, không vào vườn hoa mà rơi xuống một cánh đồng. Trong cuốn Địa dư Hà Tĩnh của Đốc học Trần Kinh - xuất bản trước 1945 - mảnh đất hẹp hình thang đông đúc những danh lam thắng cảnh, nhân kiệt địa linh này, không có tên xã tôi. Vậy mà tôi vẫn lớn lên trong những truyền kì. Chuyện Đức ông Nguyễn Sỹ Quý, người thợ cày có sức khỏe hơn người, gặp vua bị nạn, đã cõng vua lội qua sông, về sau lại giúp vua đánh giặc lập được công to, chết được phong thần. Nhờ công trạng của ông mà xã Trù Vạt được vua đổi tên thành Phù Việt. Chưa thấy sử sách nào nói đến nhưng khi tôi lớn lên di tích vẫn còn đấy. Miếu Ông Phù ẩn dưới những tàng cổ thụ đã ngoài trăm tuổi, nguy nga điện dưới, điện trên, sắc phong tám đạo vàng chói. Ấy là chuyện ngày xửa, ngày xưa, còn ngày nay thì nhiều chuyện lắm, nhưng chỉ rì rầm, nửa kín nửa hở. Đứng ở sân nhà, nhìn ra phía trước, cách mảnh vườn nhỏ là nhà chú Bùi Tập, chệch sang Đông Bắc là chú Bùi Giác, chệch sang Đông Nam là dượng Điềm, người đang ngồi tù, người vừa ra tù. Ngoảnh sang phía Nam là nhà anh Uyên, con một của o tôi, Bí thư xã, đã chết trong nhà lao Hà Tĩnh. Còn nhiều, còn nhiều nữa. Bởi xã Phù Việt năm 1930 đã có một chi bộ Cộng sản hai mươi chín người. Họ đã tổ chức dân thành Hội, thành Đoàn, vũ trang gậy gộc giáo mác, lập chính quyền Xô Viết, giảm tô, giảm tức, tịch thu lúa của địa chủ cường hào chia cho người thiếu đói. Bây giờ thì Phù Việt đã mang danh làng Đỏ có tên trong sử sách. Ngôi nhà cụ Mai Kính, nơi tổ chức hội nghị bầu Tỉnh ủy đầu tiên đã được xếp hạng di tích lịch sử. Các vị: Nguyễn Thiếp - Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đầu tiên: Mai Kính, Bùi Châu - đều là Xứ ủy viên kiêm Bí thư Tỉnh ủy, cùng nhiều bậc tiền bối cách mạng như: Nguyễn Trí Tư, Lê Nghi, Trần Hậu Toàn, Bùi Đoàn (Tức Ba Nghệ, nguyên Bí thư Khu ủy khu 10 hồi chống Mỹ)… đều có chung quê hương Phù Việt.
Tôi sinh khi phong trào đã bị dìm trong máu lửa. Lửa kẻ thù dội xăng và dầu lên những mái nhà lúc nửa đêm. Hơn trăm ngôi nhà ở thôn Bùi bị đốt trụi. Nhà cháy, của cải bị vét sạch, chồng ở tù, anh chồng đang luồn rừng vượt Trường Sơn làm cầu nối giữa Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Ban Viện trợ Đông Dương ở Thái Lan, ấy là hoàn cảnh gia đình khi mẹ mang thai tôi. Mỗi lần bị "ông lính" tra khảo: "Thằng Thắc trốn ở đâu?" mẹ phải dựa vào bàn, che cái bụng, giơ đầu ra cho chúng đánh: máu bầm tím mặt. Tôi bị chứng động kinh từ lúc sơ sinh. Mẹ phải nằm sáu tháng liền bên cạnh con, ăn cơm vắt để tránh cho tôi những cơn co giật. Tôi sống được là nhờ họ ngoại ở Đức Thọ, một nhánh nhỏ của họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu - dòng họ nổi tiếng với các tác giả Hoa Tiên và Mai Đình Mộng Ký… Lấy chồng xa gần trọn ngày đường nên mẹ được cả họ thương. Ông bà ngoại mất sớm, ông chú ruột là danh y Nguyễn Huy Toàn mang tiền, mang sâm, quế… vào cứu cháu! Ấy là những điều tôi nghe kể lại. Ấn tượng trực tiếp chỉ có một lần. Đó là lúc bác Bùi Thắc bị giải từ Thái Lan về giam ở nhà lao Hà Tĩnh, trước khi thụ án tù chung thân đày vào Buôn Ma Thuột. Còn bé lắm, nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh nằm lưng thầy lúc lắc đi trong mưa gió não nề và khi bác xoa đầu, sợi xích tù lạnh buốt kéo rê trên đầu tôi trọc lóc. Những năm 35-36 xã tôi lại nổi phong trào. Lớp tù mới về, lớp trẻ mới lớn. Lại lập phường hội. Sôi nổi nhất là hội khuyến học. Hội tổ chức các giải bóng đá, các buổi biểu diễn kịch. Thanh niên tổng Trung, tổng Canh, có một số ở thị trấn Can Lộc và thị xã Hà Tĩnh nữa tụ hội về vui chơi. Đã có những người quen nhau ở đây mà thành đôi lứa: Anh Lê Tử Lương - Chị Đặng Thị Thường, anh Bùi Đoàn - chị Nguyễn Thị Xơng. Đôi sau là vợ chồng trên sàn diễn và sau đó là trong cuộc đời. Các cuộc vui này trên danh nghĩa là để lạc quyên tiền xây dựng trường học nhưng ngoài mục đích khuyến học theo tôi hiểu cũng là để tập hợp lực lượng và tuyên truyền cách mạng, bởi nội dung kịch toàn chuyện địa chủ cướp ruộng, nông dân đi cao su v.v…Trường tư thục Bùi Nhiếp, con đẻ của phong trào khuyến học ra đời năm 1936. Sơ khởi trường có hai lớp: Đồng Ấu và Dự Bị (như lớp 1 lớp 2). Sau mấy tháng học lớp Đồng Ấu được chuyển lên Dự Bị, ngồi giữa các anh em lớn tồng ngồng ngại quá, tôi trốn về lớp cũ. Thầy Thảo gọi lên đứng cạnh bảng rồi châm đóm. Thầy bảo: sẽ đốt cái chỏm tóc trên đầu tôi cho chừa! Tôi tái mét mặt chờ đợi. Nhưng bất ngờ thầy ghé ngọn lửa vào nõ điếu hút sòng sọc…
Được mấy năm thoải mái lại tiếp đến khủng bố. Mật thám về bắt ông Mai Kính, chú Bùi Hán. Thầy Thảo đang giảng bài, được tin bỏ trốn, từ đó thầy thoát li… Thi yếu lược xong, tôi lại thất học. Cũng có mấy tháng học chữ Hán rồi chữ Pháp nhưng đều dở dang. Phần lớn thời gian là phụ việc nhà: đập đất, nhổ cỏ, chăn trâu… Tôi thích chăn trâu vì vừa có bạn chơi, vừa được đọc sách. Có lần thả trâu xuống đồng rồi leo lên một cây cừa, tựa lưng vào nhánh ba đọc sách. Cầm đến sách tôi như lạc vào một thế giới lạ, mê li. Đến khi sực nhớ thì con trâu tinh quái đã lỉnh lên nương, chén gần hết một sào lúa. Nó bị chủ bắt quả tang, thầy tôi phải chuộc về và nhận lấy những lời đay nghiến. Tôi nằm sấp trên phản, ăn một trận đòn roi mây trừng phạt. Càng từng trải, tôi càng biết ơn tính nghiêm khắc của thầy tôi. Không bao giờ ông bỏ qua cho con cái tệ nói dối và thói lơ là tắc trách. Trận đòn đau cũng báo hiệu thời thơ ấu đã qua. Làm gì bây giờ? Đi cày thì sức yếu. Học lên thì không có tiền trọ. Thầy định đóng khung cửi cho tôi học dệt. Nhưng xem ra thằng con cũng vụng về. Tôi thích nghề bán sách - để đọc sách miễn phí - nhưng vào thời đó, hiệu sách chỉ có ở thị xã - một ước mơ xa vời.
Cách mạng Tháng Tám đến như một luồng gió lành xua tan mọi bế tắc. Trước đó, tôi được các chú cho xem những tờ Kháng Địch, Cứu Quốc bí mật rồi giao bản điều lệ Hội Nhi Đồng Cứu Vong để tổ chức Đội Thiếu nhi… Đến trước ngày khởi nghĩa, bỗng nhiên nhà thơ Xuân Diệu xuất hiện. Ông vốn là bạn của chú Hiến từ trong Mỹ Tho. Ông được mời nói chuyện với thanh niên và hướng dẫn bài hát: Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi! Tôi nhớ mãi câu bình sảng khoái của chú Bùi Tập: Thi sĩ đệ nhất lãng mạn: "Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây" mà làm Việt Minh thì đến Phật trên chùa cũng đi công khai!
Cách mạng thành công, tôi làm tuyên huấn cho thanh thiếu nhi ở xã, dạy bình dân… rồi học trường Kĩ nghệ thực hành chuẩn bị hành trang để làm công nhân. Nhưng cái nghiệp lại kéo tôi về công tác tuyên huấn: Ở trường Kĩ nghệ, ở Liên chi II và sau đó là Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Tháng 12-1958, tôi được cho đi học Bổ túc Công Nông rồi vào trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tháng 10-1962 tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, tôi cùng bảy anh chị em được giữ lại học thêm, với hướng đào tạo cán bộ giảng dạy. Tôi xin ra trường vì sức khỏe yếu và sức học cũng lỗ mỗ. Tôi chưa từng học cấp II, bằng kỹ nghệ chỉ có thể xem như tương đương về phần toán-lý-hóa. Cấp III chỉ học vượt trong 9 tháng. Cái dốt không thể che giấu được là không có ngoại ngữ. Hồi đang học năm thứ hai, dạy lớp ban đêm ở trường Tư pháp trung ương, lớp trưởng bảo nhỏ: "Học viên có hai vị là Tiến sĩ luật ở Pháp về".Thấy tôi tái mặt, ông động viên: "Thầy đừng ngại, các vị chưa biết nhiều về văn học Việt Nam đâu".Về sau chỉ một vị đến lớp. Ông chăm chú nghe tôi nói về Truyện Kiều. Giờ nghỉ ông còn hỏi thêm về gia thế Nguyễn Du và khen đồng chí có "large connaissance". Tôi chẳng hiểu gì cả mà nhẩm cho thuộc để về hỏi chị Hồng Sâm. Từ chối sự ưu đãi, tôi nằm chờ phân công đợt hai. Một hôm anh Lê Cận đến rủ: "Bên Thanh Niên đang cần người, chúng mình cùng đến xem sao".
Bấy giờ, Thanh Niên và Kim Đồng tuy danh nghĩa là hai nhà xuất bản nhưng chung một ban lãnh đạo. Anh Dương Huy, Phó Giám đốc phụ trách tổ chức bảo tôi:
- Hai ban biên tập đều thiếu người. Cậu đã kinh qua công tác Đoàn, công tác Đảng làm bên Thanh Niên thuận hơn, phát huy được sở trường.
- Xin anh cho làm bên Kim Đồng.
- Sao vậy?
- Dạ thưa, mèo nhỏ bắt chuột con, anh ạ.
- Không đơn giản như vậy đâu! - Anh Huy vừa nói vừa cười to. - Chính bọn mình cũng chưa hiểu gì mấy về văn học thiếu nhi.
Buổi tiếp xúc đầu tiên đã hớ. Tôi đỏ mặt cười trừ. Quả thật, tôi cũng chưa từng được nghe hoặc đọc về lí luận văn học thiếu nhi, nhưng Dế Mèn phiêu lưu ký, Con chuột mù… đọc hồi nhỏ mà mãi còn ấn tượng. Gần đây Cái Tết của mèo con, Cuộc phiêu lưu của Văn ngan tướng công cũng thú vị. Còn văn học cho thanh niên? Những Sắp cưới, Mùa hoa dẻ mấy năm trước bị phê phán, mới đây Mở hầm của Nguyễn Dậu đọc thấy được lắm mà cũng bị lên án. Hồi đó, tuổi trẻ, chưa từng trải bao nhiêu, tôi rất ngại những chuyện như vậy. Anh Lê Cận và tôi, cả hai đứa đều về Kim Đồng.
Tôi được phân về phòng I do anh Vũ Ngọc Bình phụ trách. Anh Bình ít nói, tất cả ý tứ của anh là ở tờ "Nhận xét…" được viết súc tích chặt chẽ và có nhiều ý độc đáo bất ngờ. Biên tập viên thường chờ các buổi họp phòng hằng tuần để đọc "Nhận xét" với ít nhiều thích thú. Anh Trần Thanh Địch là phó phòng, anh hướng dẫn tôi tỉ mỉ cách đọc bản thảo,viết nhận xét, đánh dấu các chỗ cần thiết bằng bút chì đen, kị bút mực và bút chì màu, cũng nhẹ tay thôi để có thể "gôm" dễ dàng trước khi trao lại tác giả. Anh Lê Sỹ, Giám đốc chung của hai nhà xuất bản, dành nhiều thời gian để thông báo cho chúng tôi về tình hình cơ quan, nhất là tình hình chi bộ. Khá căng, chi bộ vừa họp liền nửa tháng xung quanh vấn đề "mất đoàn kết"! Anh Sỹ bảo: sẽ giới thiệu chúng tôi là cán bộ tăng cường, theo chủ trương của Ban tuyên huấn Trung ương. Điều anh nói không sai: Ban bí thư vừa có chỉ thị 54 về công tác xuất bản trong đó có câu: "Cần tăng cường Nhà xuất bản Kim Đồng". Nhưng việc chúng tôi đến xin chỗ làm lại là chuyện khác. Buổi họp chi bộ đầu tiên, tôi đã kiên quyết rút ra khỏi danh sách đề cử Chi ủy nhưng sau đó lại nhận làm Tổ trưởng Đảng ở Ban biên tập Kim Đồng. Sự nóng vội, thiếu tế nhị này đã gây cho mình không ít khó khăn…
Bấy giờ người viết cho thiếu nhi còn ít. Ai cũng lo săn đón cộng tác viên. Nếu không tìm ra người cộng tác, đám biên tập chỉ còn ngồi đọc sách đã ra và bản thảo tự do dài dài. Mấy năm trước tôi đã có vài lần tháp tùng bà Bảo - em ruột ông ngoại - đến thăm bác Đặng Thai Mai. Bà Bảo tên thật là Nguyễn Thị Thành, năm hai mươi tuổi, bà đã ra Côn Đảo sống với chồng tám năm, nên có thâm tình với cụ Đặng Nguyên Cẩn; nhân vật này trong hồi kí của bác Mai, cụ Phó bảng thường gọi theo tên chồng là "mự nho Thản". Lần này, đến thăm bác Mai, tôi thưa với bác đã nhận việc bên Kim Đồng và xin bác một hồi ký về thời thơ ấu. Bác cho biết đã có dự định nhưng chưa viết được. Tôi lại hỏi bác về đặc trưng của văn học thiếu nhi. Bác cười: Là văn học mà thiếu nhi thích đọc! Rồi bác kể chuyện thuở nhỏ bác đã ham đọc các loại "ngoại thư" quên ăn, quên ngủ. Kinh truyện thì bắt buộc phải học, nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu còn Tam Quốc, Thủy Hử… thì mê và học được nhiều ở các ngoại thư đó. Bác khuyên Kim Đồng nên dịch nhiều sách hay cho các em đọc. Tôi lại đến bác Nguyễn Tuân. Bác Nguyễn đồng ý viết cho thiếu nhi một tập "Bàn và tán về đất nước". Ký hợp đồng hẳn hoi và cũng nhiều lần săn đón nhưng đến khi Nguyễn đi vào cõi vĩnh hằng thì tập tùy bút đó, theo anh Phạm Hổ cho biết, chỉ mới xong trang đầu! Còn hồi ký Đặng Thai Mai? Súc tích, thâm thúy, uyên bác… biết bao nhiêu. Nhưng cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa nghĩ ra cách để cho "thiếu nhi thích đọc"! Thế mới biết văn học thiếu nhi đâu phải là "Chú chuột con" cho mèo nhỏ” (biên tập) học vồ!
Không có bản thảo mới, tôi đề xuất cho làm tái bản Đất rừng phương Nam. Được chấp nhận, tôi cầm hai tập sách đến 12 Ngô Văn Sở gặp tác giả. Anh Đoàn Giỏi rít xong điếu thuốc lào, nhìn qua giấy giới thiệu rồi đăm đăm ngó tôi:
- Cậu là anh em với Bùi Việt Quang?
Bùi Việt Quang là chú họ tôi, tên thật là Bùi Văn Thi. Chú, cháu nhưng cùng một tuổi, chơi với nhau từ bé nên rất thân. Chú vào Nam đầu 45 đến 1952 thì bị bắt vì hoạt động trong phong trào học sinh Sài Gòn rồi mất tích. Buồn thay, anh Giỏi chỉ biết khi chú 14-15 tuổi, giúp việc văn phòng Ty thông tin - Tuyên truyền Mỹ Tho. Rồi tổ chức điều đi đâu làm gì, anh không rõ. Chú, cháu tôi chung một tổ bốn đời, nét mặt, dáng người cũng chẳng giống vậy mà anh nhận ra quan hệ huyết thống. Trực giác hay linh cảm? Tôi chưa kịp hỏi, anh đã trở lại chuyện Đất rừng…, anh bảo:
- Cảm ơn các anh, tuần sau mình sẽ đưa lại.
Nhưng một tuần, một tháng rồi một năm anh vẫn chưa đưa. Anh bảo:
- Mình viết lại, viết thêm. Có nhiều chuyện hay lắm. Bây giờ, Kim Đồng đã in sách vài trăm trang rồi.
Về sau, chia các bộ phận theo đề tài, tôi không theo dõi Đất rừng phương Nam nữa. Những năm 1964-1965, theo đề nghị của biên tập viên, năm nào kế hoạch cũng có ghi Đất rừng phương Nam, và mỗi lần điểm kế hoạch, người biên tập lại xoa tay cười cười: "Gần xong, đang chép lại!" Đến cuối năm 1965 mới có bản thảo, công việc biên tập và đọc duyệt nhanh chóng. Năm 1966 sách in ra với số trang gấp bốn lần sơ bản. Người lớn và trẻ em đều thích. Anh Đoàn Giỏi viết kĩ, viết chậm và quan trọng nhất là viết thật hay. Ba, bốn năm để có một Đất rừng phương Nam cỡ đó cũng chẳng lạ. Tôi nhắc lại việc này và một lần nữa khẳng định đó là sự thật, không thêm không bớt. Không hề có chuyện Đoàn Giỏi viết lại Đất rừng phương Nam xong năm 61, người phụ trách nhà Kim Đồng chê dông dài không in, bốn năm sau (1965) mới được xem xét lại. Năm 1961, "người phụ trách" bản thảo là ai? Chẳng lẽ các anh Võ Quảng, Vũ Ngọc Bình, những con mắt xanh” trong văn học thiếu nhi lại từ chối in Đất rừng phương Nam để đến thời anh Ngô Bích San mới được chấp nhận? Có người trách tôi: Già rồi còn cãi nhau! Thưa tôi có cãi cho tôi đâu. Tôi chỉ bảo vệ một truyền thống Kim Đồng mà các anh đã xây dựng!*
Tái bản cũng chẳng xong. Tôi rủ Định Hải lên Quảng Bá gặp lớp viết văn trẻ: Nguyễn Quang Thân, Trung Anh, Bút Ngữ… Nguyễn Quang Thân viết Tôi là Phi Trà Vinh, một truyện phiêu lưu rất ngộ. Tôi thích lắm nhưng không được cấp trên duyệt. Trả lại bản thảo cho anh, tôi đùa: "Sau này sẽ dùng… khi tớ làm Tổng biên tập!" Hai mươi năm sau, dưới tên mới Khoảng trống trong rừng, được in ở Hải Phòng, Kim Đồng in lại. Có điều đọc không thích như trước. Không hiểu tại truyện của anh đã sửa đổi nhiều hay tại mình khác trước. Anh Bút Ngữ viết Chiến đấu giữa đêm khuya. Truyện gọn viết kĩ nên khâu biên tập và đọc duyệt đều nhanh. Đấy là cuốn sách biên tập đầu tay của tôi. Biết ơn anh nhiều!*
Năm 1963, anh Võ Quảng được mời sang làm Giám đốc xưởng phim hoạt hình, Nhà xuất bản Kim Đồng tách khỏi Nhà xuất bản Thanh Niên. Mọi việc cũng đơn giản, chỉ có khâu tài vụ. Sách Kim Đồng lỗ, lâu nay vẫn sống dựa vào lãi của sách Thanh Niên, vì vậy hai kế toán không ai chịu sang Kim Đồng, đành phải bắt thăm! Ban Giám đốc có anh Trương Đình Bảng - Giám đốc kiêm Tổng biên tập, và anh Dương Huy - Phó Giám đốc quản lí. Ít lâu sau anh Ngô Bích San rồi anh Lê Vĩnh Tuy được mời về tham gia Ban biên tập. Vừa mới nhận chức, các anh đã phải phản ứng trước một sự kiện. Hai cuốn Con nuôi trung đoàn của Phù Thăng và Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam bị phê phán trên mặt báo. Con nuôi trung đoàn là cuốn sách trung bình, có chỗ hay chỗ dở mà phê phán hơi nặng lời cũng là điều dễ hiểu. Nhưng Văn Ngan… mà cho là sách xấu, tác giả và nhà xuất bản "vơ bèo gạt tép" thì thật không bình thường. Bởi anh chàng Ngan, cái gì cũng biết không đến nơi đến chốn, chim không ra chim, cá không ra cá, mà cứ nghênh ngang tự đắc… đã được tác giả đưa lên thành điển hình cho loại công tử lười biếng, vô công rồi nghề, luôn tự huyễn hoặc mình bằng những ảo tưởng. Giọng điệu châm biếm, chế nhạo, giễu cợt ở độ đậm đặc mà vẫn không nặng nề, đao búa. Nghe nói trong một cuộc họp có người còn hỏi: tác giả nói về con vật mào đỏ có phải để ám chỉ đảng viên! Tôi lạ nhất là một nhà nghiên cứu văn học đã lừng danh từ trước Cách mạng mà cũng phê tác giả không thấm nhuần chính sách tăng gia sản xuất của chính phủ khi anh đả kích loài ngan là vật nuôi cần khuyến khích! Về sau từng trải hơn tôi mới hiểu được cái ý nhị sâu sắc của lối phản ứng lại cái quá khích bằng những lập luận quá khích và phi lí hơn! Quả là thâm nho! Trong "sự cố" này, Kim Đồng hầu như im lặng. Có thể có ý kiến khác nhau, nhưng người mới - người cũ, có một sự tế nhị nào đó chăng? Nhiều người không đồng tình với sự phê phán phũ phàng nhưng cũng không viết bài tranh luận. Có lẽ cũng còn một cái gút chưa gỡ được: trẻ em hay bắt chước, viết cho trẻ em phải viết về cái tốt, cái hay. Từ đó trở đi các tác giả thường né tránh đồng thoại, hoặc viết một cách đơn giản, minh họa… Khoảng cuối năm 1963 có một cuộc tổng kiểm tra sách. Có mấy cuốn sách dịch bị coi là có vấn đề: Ivan - tô đậm mặt bi thảm của chiến tranh; Con mèo sắc hung - khai thác cái buồn, cái cô đơn; Cô bé ở hồ Đen - thấp thoáng gợi tình yêu trai gái. Tôi cho rằng những cuốn sách đó đều là sách hay, có chiều sâu nhân bản. Tôi chỉ băn khoăn Dàn nhạc lớn vì không rõ chủ đề định nói gì. Ít lâu sau có người đến xin dịch tiếp phần thứ hai, thì ra Dàn nhạc lớn đã in chỉ mới là một nửa. Hèn nào. Một số ý kiến trao đi đổi lại vậy, chứ không có kết luận. Chỉ có kết luận về phương hướng: sách dịch nhiều (60%) sáng tác ít; cổ tích đồng thoại, truyền thuyết nhiều, sách viết về sinh hoạt, về phong trào ít; sách giáo dục truyền thống nhiều, sách giáo dục xã hội chủ nghĩa ít. Lại xác định nhà Kim Đồng là xuất bản tổng hợp phục vụ sự nghiệp giáo dục thiếu nhi. Có nghĩa không chỉ là văn nghệ cho trẻ em mà nhiều thể loại và cho người lớn nữa. Phải bằng mọi cách để tăng thêm sách phục vụ phong trào thiếu nhi.
Sách dịch cũng phải chọn theo hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc đó, tôi được phân công làm sách dịch cùng chị Trần Thị Nhâm và chị Ngô Thu Hằng. Sách dịch cứ teo dần. Tôi lại được chuyển sang làm sách về chủ đề xã hội chủ nghĩa, có phần chuyên về "Người thật, việc thật".
Sách "Người thật, việc thật" đã có mặt từ thời "Tủ sách Kim Đồng" trên Việt Bắc. Hà Học Hợi, học sinh gương mẫucủa Nguyễn Huy Tưởng là một trong những cuốn mở đầu. Nhưng chỉ từ 1963 trở đi, thể loại này mới chiếm vị trí mũi nhọn của Nhà xuất bản Kim Đồng. Năm đầu vài ba tập nhưng rồi tăng lên nhanh chóng với nhiều hình thức: truyện tranh, truyện kí, mẩu truyện, viết về người lớn, viết về trẻ em, cho nhi đồng, cho thiếu niên. Phần lớn chỉ có tác dụng nhất thời nhưng cũng có cuốn có tác dụng lâu dài. Ở hội nghị thanh niên tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm (1963) chúng tôi gặp đoàn cháu ngoan Bác Hồ, trong đó có Nguyễn Ngọc Ký, cậu bé liệt cả hai tay mà vẫn học giỏi. Rủ mấy anh em: Cửu Thọ, Hoài Giang, Định Hải… chia nhau viết. Sau hai tháng: Bàn chân kì diệu và Em gái Việt Kiều được phát hành. Bàn chân kì diệu có tiếng vang lớn. Chưa phải vì văn chương mà vì chuyện thật quá hay. Cái bàn chân trời cho để đi mà Ký lại dùng nó để làm mọi việc: rửa mặt, may vá (tự xâu lấy kim), viết chữ… lại còn gọt đẽo các mĩ phẩm, vẽ bản đồ và chân dung Gagarin. Thật điệu nghệ! Bấy giờ chúng tôi thường được nghe các bà mẹ bảo con: Anh Ký viết bằng chân mà còn đẹp thế, con có hai tay thì phải gắng lên chứ! Bẵng đi một thời gian, đến năm 1970, chúng tôi nghe tin Ký đã học Đại học Tổng hợp, khoa Văn. Có thể gợi ý cho Ký viết tự truyện được rồi. Thế là, biên tập viên xông xáo Phan Xê được cử lên Đại Từ. Gặp Ký, bàn đề cương rồi liên hệ với nhà trường nhờ giúp đỡ. Nghỉ hè, Ký được ở lại Mễ Trì để có điều kiện gần gũi hơn mà viết. Khi bản thảo đã đánh máy, Xê lại đưa lên Đại Từ đọc cho sinh viên nghe (Ở đây, Xê đã gặp Xuyến, người bạn gái đồng hương và là bạn đời của anh sau này). Cuốn sách của Ký có cái tên hơi vênh Những năm tháng không thể nào quên (tái bản đã đổi là Tôi đi học, theo gợi ý của anh Phạm Hổ), nhưng nội dung thật giản dị, tự nhiên và cảm động. Người đọc thấy được nghị lực, ý chí đan xen với nỗi buồn và những mặc cảm về thân phận. Lại thấy Ký cố gắng nhiều nhưng cũng ứa nước mắt vì những tấm lòng cha mẹ, bạn bè thân thương. Khi sách xuất bản, Ký đã được mời đi nói chuyện ở nhiều nơi và tới tấp nhận thư bạn đọc gửi về, có nhiều thư của đám lưu học sinh du học. Hơn hai mươi năm sau, một hôm anh Trần Ngọc Thụ ở Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đến chơi.
- Hôm qua, ông có xem VKT(1) không?
- Có Tivi đâu mà xem, có chuyện gì vậy?
- Chuyện một cô gái Nhật bị liệt, dùng chân để làm những việc vặt trong nhà mà họ làm thành một chương trình truyền hình hấp dẫn. Còn chúng ta ngồi trên đống vàng mà không biết xài. Nguyễn Ngọc Ký đấy. Mấy chục năm rồi phấn đấu thành "chiến sĩ thi đua", "giáo viên ưu tú", làm thơ, viết truyện mà có ai nhắc tới.
Tôi kể cho Thụ nghe chuyện Ký yêu, lấy vợ, rồi sinh con… toàn chuyện hay như tiểu thuyết. Nhưng, mấy năm nay sách Kim Đồng ể ẩm, tác phẩm thuộc loại best-seller dịch ra bán cũng không ai mua. Chỉ in những tập truyện tranh mỏng dính và không lớn hơn bàn tay. Anh em sống nhờ vào mấy phần trăm giấy phép của bộ Tôn Ngộ Không… Sau đó, Trần Ngọc Thụ cầm công văn của Nhà xuất bản Kim Đồng về Hải Hậu xin tiền của huyện in cho Ký tập thơ Chú nhện chơi đu, và đang tính chuyện tìm cách in lại Tôi đi học. May quá, cuối năm 1992 nhà Kim Đồng đã hồi sinh nhờ liều thuốc Đôrêmon! Đã có tiền để hỗ trợ cho các hoạt động sáng tác và in lại hàng loạt sách, với giá bù lỗ: Dế Mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam… Tôi đi học cũng được tái bản lần thứ ba. Hè 1993, Ký vào Thành phố Hồ Chí Minh. Báo, đài dồn dập viết về anh. Đài truyền hình đã phát nhiều lần chương trình: Nguyễn Ngọc Ký - Tấm gương kì diệu…*
... Sự chuyển hướng mạnh mẽ những năm 1963-1967 đã từng bước hình thành những bộ sách về Bác Hồ, Bác Tôn, các lãnh tụ cách mạng, các liệt sĩ, các anh hùng và chiến sĩ thi đua, các đảng viên, đoàn viên, đội viên tiêu biểu… nhằm thích ứng với yêu cầu thời chiến, đồng thời cũng tạo đà để Kim Đồng thực hiện ra sách "Người tốt việc tốt" của Hồ Chủ Tịch. (16 tập "Việc nhỏ nghĩa lớn" đã được xuất bản). Tuy nhiên vào khoảng 68-69, chúng tôi đã thấy quá đà. Những chuyện nhặt của rơi, cứu bạn, chăm sóc trâu bò… viết mãi cũng nhàm. Ít loại hư cấu, ít sách dịch đã làm cho sách Kim đồng trở nên khô và nặng. Một lần, vừa ở Hà Tĩnh ra, tôi đến thăm nhà thơ Xuân Diệu, chuyển đến anh lời thăm hỏi của bà con Phù Việt. Anh đang chọn sách đọc cho cháu Vũ, liền quay lại nhìn tôi nói: "Hồng đấy à, thiêng thật. Mình vừa nói với Vũ: Hết Gờ-rim, Ang-dec-xen, đành xem Kim Đồng!". Thế là, sau khi hỏi thăm tình hình trong quê, anh quay lại nói một thôi, một hồi về sách thiếu nhi, về sự cần thiết của truyện phiêu lưu, truyện cổ tích, về yếu tố kì diệu, về câu nói nổi tiếng của Lê Nin: Tưởng tượng không những cần cho nhà thơ, mà còn cần cho các nhà toán học! Anh cho loại sách "Người thật việc thật" là sách xám, in ra lãng phí, bởi trẻ con không đọc. Những điều anh nói chưa hoàn toàn đúng. Tôi có thể kể về những buổi đọc sách "Người tốt việc tốt" ở Tiểu Trà (Kiến An), Mễ Đậu (Hải Hưng) mà mình đã chứng kiến; về phong trào kể chuyện Cháu ngoan Bác Hồ ở các trường học, qua các bài tập làm văn; về tấm gương Tứ-Hồng đã được nhân ra hàng chục đôi bạn cõng nhau giúp nhau học tập… nhưng điều anh nhấn mạnh về óc tưởng tượng, về tâm hồn kì diệu của trẻ con thì quá đúng, nên chỉ nói: Anh thông cảm, Nhà xuất bản Kim Đồng là cơ quan giáo dục của Đoàn thanh niên. Ngoài sách văn học còn phải xuất bản các tài liệu giáo dục… Mà hiện nay, Kim Đồng cũng đang làm kế hoạch dài hạn, coi trọng các thể loại văn nghệ chuẩn bị cho thời bình...
Lại một lần nữa điều chỉnh phương hướng. Tăng sách dịch, tăng các loại đồng thoại, cổ tích, danh nhân, khoa học. Chú trọng đề tài dựng nước từ xưa đến nay. Về cán bộ: bổ sung vào lực lượng điều hành một số cán bộ tương đối trẻ. Anh Nguyễn Thắng Vu phòng Nhi đồng, anh Lê Cận nhóm Truyền thống và tôi nhóm Xã hội chủ nghĩa. Anh Ngô Bích San vẫn là Phó Tổng biên tập phụ trách phòng Thiếu niên. Anh Thái Hoàng Linh biên ủy trưởng phòng Nhi đồng. Nhóm "xã hội chủ nghĩa" chúng tôi có mấy anh chị em mỗi người mỗi vẻ nhưng đều là những biên tập viên có năng lực, hiệu suất công tác khá cao. Anh Viết Linh đã tập hợp được một đội ngũ gồm những cán bộ khoa học ở nhiều ngành nghề, lần lượt ra hàng loạt những truyện kể về các danh nhân, các phát minh lớn của nhân loại. Hai bộ sách: Cuộc sống và sự nghiệp, Từ trong nhà ra ngoài sân, trẻ em và người lớn đều thích. Chị Thu Hằng với vốn tiếng Nga và bạn bè quen biết thời du học đã tạo nên một mảng sách dịch ngày càng phong phú. Chị Trần Thị Nhâm có sở trường về tính chuẩn xác của ngôn ngữ viết. Nhiều năm chị là biên tập viên ngôn ngữ. Về sau chị chuyên về mảng sách nhà trường và các tác giả vốn là học sinh, sinh viên. Đề tài nhà trường đã được khẳng định từ đầu những năm sáu mươi, trong đó nổi lên Mái trường thân yêu của Lê Khắc Hoan, có sự đóng góp của Định Hải với tư cách vừa là biên tập viên vừa là tác giả của nhiều tập truyện kí. Nhưng phải đến những năm bảy mươi mới có nhiều người viết là giáo viên học sinh được tập hợp thành một mảng sách tươi tắn…
Đất nước thống nhất. Lớp cán bộ lão thành lần lượt nghỉ hưu. Anh Bảng kiêm nhiệm sau đó chuyển hẳn sang Ủy ban Thiếu niên nhi đồng. Anh Nguyễn Ân được cử làm giám đốc. Lớp cán bộ mới trở thành lực lượng nòng cốt: Lê Cận, Nguyễn Thắng Vu, Nguyễn Quỳnh, Định Hải, Ngô Thu Hằng, Lê Hồng Phấn, Nguyễn Hữu Thân, Nguyễn Tuyết Minh… Như một bàn cờ, mỗi người đã được xếp vào vị trí thích hợp. Chúng tôi làm việc khá ăn ý. Tôi được thôi công tác chi bộ để chuyên phụ trách phần biên tập. Đó là những năm Kim Đồng có nhiều hoạt động phong phú: Phối hợp với cơ quan hữu quan tố chức các Hội nghị Văn học thiếu nhi, hội thảo về thơ, về tác giả Võ Quảng, tổ chức các cuộc thi, các trại sáng tác. Sau nghị quyết T.Ư 6 (khóa 4) Kim Đồng đã kịp thời mở ra sản xuất phụ: phiếu Cháu ngoan Bác Hồ, cấp hiệu Đội, giấy khen, nhãn vở và loại sách cổ tích thế giới bỏ túi. Đời sống tươi hơn, cán bộ gắn bó với công việc với cơ quan hơn trước. Đấy là những năm làm việc đầy hứng thú nhưng tôi cũng mất dần quan hệ với các tác giả, không còn nữa niềm vui được bàn bạc, bù khú với nhau trên từng trang viết. Sự tham gia của người tổng biên tập đôi khi chỉ là một vài gợi ý thêm bớt hoặc thay đổi một vài chi tiết. Có điều, tôi có thể nói về mình là suốt thời gian làm việc ở Kim Đồng, chưa gạt bỏ oan uổng một bản thảo, hay cho ra đời một cuốn sách có hại. Có người hỏi: Vậy sao bản thảo Miền thơ ấu và Tuổi thơ dữ dội lại "đội nón" ra đi! Vâng, có thế: Miền thơ ấu đến Kim Đồng từ đầu những năm 80. Tôi thích và muốn in nhưng vì có liên quan đến một vài chi tiết lịch sử nên nhờ một đồng chí có trách nhiệm cao hơn đọc. Sau đó một cán bộ có trách nhiệm bảo vệ văn hóa đã công khai phê phán Kim Đồng trước một hội nghị lớn của ngành xuất bản "định ra sách tuyên truyền cho mê tín", mà tôi lại hiểu ý tác giả Miền thơ ấu thì có phần ngược lại! Còn Tuổi thơ dữ dội xin được kể có đầu đuôi. Năm 1983, có người quê ở Thanh Hóa đưa đến Nhà xuất bản Kim Đồng tập bản thảo Đi tìm thuốc cho mẹ. Một câu chuyện đầy kịch tính, ngộ nghĩnh và bi tráng của những cậu thiếu niên thành Huế đánh Tây. Mặc dầu hơi ngờ ngợ vì một số lỗi chính tả thường có ở cuối âm tiết: c và t lẫn lộn của những người xứ Huế, chúng tôi vẫn quyết định dùng. Bản thảo đang biên tập lần cuối thì tôi nhận được tin của một người quen: Đấy là tập đầu của tiểu thuyết bộ ba Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán. Bản thân anh và một số người đã đọc đều khen hay vào loại hiếm có. Muốn rõ thực hư, tôi liền mời Phùng Quán đến chơi. Tưởng còn trẻ lắm, nào ngờ, trong bộ trang phục Nùng màu chàm, dáng người gầy, râu dài lơ thơ, đi đôi guốc gỗ từ tốn không gây tiếng vang, anh như già làng vừa xuống núi. Sau vài lời hỏi han, tôi thả ý thăm dò về Đi tìm thuốc cho mẹ. Quán làm như không biết nhưng anh lại hào hứng kể những kỉ niệm sôi động về đội Thiếu sinh quân Phan Để, về ông Một, trung đoàn trưởng trung đoàn Trần Cao Vân ở Huế những ngày mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ấy là lần đầu tiên tôi gặp anh. Tuy chưa thân mật, nhưng cũng đã cởi mở chân tình. Lúc chia tay, tôi gửi gắm chủ định: Kim Đồng muốn có một cuốn truyện về Đội thiếu niên Phan Để. Phùng Quán cười, không ra ừ mà cũng không ra lắc anh về, để lại cho tôi một ấn tượng khó tả. Anh là ai? Con người ấy có bao nhiêu nỗi niềm và tài hoa? Sau đó, tôi đã gặp một đồng chí có thẩm quyền về văn hóa trình bày những hiểu biết của mình về bộ tiểu thuyết "Tuổi thơ dữ dội" và đề nghị cho Kim Đồng được xuất bản với chính bút danh Phùng Quán, vì sự hấp dẫn của tập sách, sự cần thiết của đề tài và vì cả lí do: Không nên kéo dài quá đáng tình trạng mập mờ như vậy với một nhà văn có tài. Anh đồng tình và hứa sẽ trả lời sau, nhưng rồi chẳng có hồi âm, tôi cũng không muốn nhắc lại. Mấy năm sau, "Tuổi thơ dữ dội" được ra đời ở Thuận Hóa. Bấy giờ, sau Đại hội 6 không khí chung đã thoáng đãng, cởi mở nhưng vì giá giấy công in lên cao, thị hiếu biến động nên đã bế tắc đầu ra. Cuốn sách được in là nhờ nhiệt tình cùa bạn bè và quê hương tác giả. Sách in trên giấy nội vừa đen vừa ráp, khó đọc, nhưng tôi đã đọc liền một mạch cả ba tập. Tiểu thuyết viết theo lối chương hồi cổ điển. Cấu trúc, văn chương còn nhiều điều chưa tinh nhưng hấp dẫn lôi cuốn.Thật tiếc, nếu sách được in vào những năm đầu thập kỉ 80 thì chắc chắn là đẹp hơn. Đẹp về hình thức cuốn sách mà cũng đẹp cho nền văn học thiếu nhi, cho Nhà xuất bản Kim Đồng. Tôi tự trách mình non gan, chứ nào đã có văn bản nào, luật lệ nào cấm in sách Phùng Quán!
Trong quy trình biên tập, tổng biên tập chịu trách nhiệm khâu cuối cùng, chỉ đọc những bản thảo đã được cấp phòng nhất trí dùng hoặc ý kiến còn phân vân. Vậy có bản thảo nào bị nhất trí trả sai? Chắc có. Bởi có lần tôi thấy một cán bộ hành chính đọc một tập bản thảo dày, ra chiều thích thú. Xem qua thì thấy đấy là bản dịch: Ca-dăng. Nhận xét của các biên tập đều khen nhưng lại không dùng vì truyện quá đề cao trí khôn và tình nghĩa của một con chó. Chẳng sao cả, thiên nhiên luôn là bài học cho con người. Cha ông ta từng nói "Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán!". Tôi quyết định dùng Ca-dăng và nghĩ rằng, đó là một trong những cuốn sách hay hiểm hoi!
Biên tập viên hay tổng biên tập cũng đều có thị hiếu, có "gu" riêng. Hướng rèn luyện của tôi là trau dồi thị hiếu theo hướng: vừa rộng vừa tinh, vừa gần gũi với các em. Rộng để đủ dung nạp các phong cách khác nhau. Tinh để lọc lấy những gì tốt đẹp. Kị nhất là thói cực đoan hẹp hòi, áp đặt cái thích riêng của mình cho mọi người.
Giữa năm 1992, tôi đang chuẩn bị bàn giao để nghỉ hưu, báo Văn Nghệ có thực hiện một cuộc phỏng vấn. Xin được in lại nguyên văn:
"Hay tin anh đang bàn giao công việc tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho người khác để nghỉ hưu, nhiều người muốn biết cảm tưởng của anh về tập thể những người cộng sự…
- Đừng nên lí tưởng hóa con người. Tập thể nào cũng vậy - cũng có những chuyện đố kị, bon chen, "nhân vô thập toàn" mà. Nhưng, quả là Nhà xuất bản Kim Đồng ngay từ đầu đã tập hợp được những người gắn bó với nhau vì lòng yêu nghề, yêu trẻ: Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Nguyễn Kiên, Thy Ngọc, Hồ Thiện Ngôn, Võ Quảng… Thế hệ này tiếp thế hệ khác kế tục truyền thống đó. Mặt khác, chúng tôi có chung trình độ văn hóa, nên ngay cả khi nảy sinh những ý kiến khác nhau vẫn có thể bổ sung cho nhau, ít khi đối lập gay gắt. Ở những thời điểm có tính thử thách, như khi Văn Ngan tướng công hoặc Búp sen xanh bị phê phán trên công luận, cả nhà xuất bản gần như có chung một thái độ, không ai "đục nước béo cò". Còn lòng yêu nghề, yêu trẻ thì rõ nhất là những lần Kim Đồng đăng cai các trại viết, các hội nghị Văn học thiếu nhi, các khóa tập huấn… Tôi còn muốn kể ra đây một dẫn chứng. Năm 1972, cuốn Khi mùa xuân đến của Lê Phương Liên in xong, biên tập viên chính là Trần Thị Nhâm phát hiện ba lỗi nhỏ, thông thường thôi, có thể miễn đính chính. Thế mà chị Nhâm kéo cả ba cô con gái (trong đó có nhà toán học tương lai Lê Hồng Vân) đến tận nhà in chữa từng cuốn một. Hơn ba vạn cuốn chứ ít đâu. Hết cả mấy ngày nghỉ lễ cuối năm. Biểu hiện cụ thể của lòng yêu nghề, yêu trẻ là như vậy. Chị Nhâm cùng nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi đã nghỉ hưu. Tôi tin rằng các thế hệ sau sẽ phát huy truyền thống Kim Đồng thông minh hơn nữa.
- Đối với một người làm công việc sáng tạo như anh, thì lúc về hưu mới chỉ có nghĩa làm xong một nửa phận sự của mình - còn bao nhiêu ý đồ khảo cứu, sáng tác… trông vào những năm sắp tới. Nói theo tên một cuốn sách nước ngoài, đến bây giờ "nửa đời nhìn lại", anh có thấy hài lòng?
- Trước tiên là có, ba mươi lăm năm qua, gần 3000 đầu sách đã được ra đời dưới biểu trưng Kim Đồng. Tác phẩm hay bao giờ cũng hiếm hoi, nhưng tôi có thể khẳng định: những Hằng Nga, Bạch Tuyết, Rô-bin-xơn, Guy-li-vơ, Ti-mua, Vi-chi-a Ma-lê-ép… cũng như Tấm Cám, Thạch Sanh cùng nhiều nhân vật của Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi, Võ Quảng… sẽ còn nhiều lần trở đi trở lại với các thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi. Cả những tên sách chỉ xuất hiện một lần cũng có quyền tự hào lắm chứ! Chẳng đã có thời những cuốn sách mi-ni Việc nhỏ nghĩa lớn, Cháu ngoan Bác Hồ trở thành bạn đồng hành của tuổi thơ, giúp các em kể chuyện, tập làm văn và làm ngàn việc tốt đó sao! Hồi chưa giải phóng miền Nam, đài Sài Gòn đã có lần kêu rằng tuổi trẻ miền Bắc bị mê hoặc đến mức trong hành trang một Việt cộng quê Bắc thấy có một cuốn sách Kim Đồng nhan đề Chiếc huy hiệu Bác Hồ. Thiết nghĩ, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng đó chính là niềm say mê lí tưởng. Không thể khác được. (Lắng một lát, giọng bỗng trầm xuống). Nhưng, như người ta thường nói: khuyết điểm là ưu điểm được tô đậm và kéo dài. Chính sự nhấn mạnh quá đáng chức năng giáo dục, tuyên truyền, cổ vũ đã làm cho nhiều cuốn sách Kim Đồng mang tính nhất thời, nghèo chất nhân văn-thẩm mĩ. Mặc khác, thiên về cái các em cần có mà nhẹ về cái các em thích yêu thì vô hình chung sẽ bị hạn chế sức hấp dẫn người đọc. Quan niệm "văn dĩ tải đạo" theo nghĩa hẹp và hoàn cảnh chiến tranh (toàn cục hoặc từng bộ phận) đã o ép những người làm sách cho thiếu nhi trong một thời gian hơi dài.
- Hồi anh là người chịu trách nhiệm bản thảo của Nhà xuất bản Kim Đồng, hình như anh đã lên tiếng nhắc nhở về điều ấy…
- Không chỉ nhiệm kì của tôi, mà còn sớm hơn nữa, hơn hai mươi năm về trước kia. Kim Đồng đã nhiều lần điều chỉnh nhận thức, chủ trương đổi mới bộ mặt sách cho thiếu nhi sao cho bớt khô nặng… Nhưng mà, làm được như ý là việc chẳng dễ dàng. Bởi muốn có sách hay, phải bắt tay được với những tác giả tài năng, mà tài năng bao giờ cũng hiếm.Và, thật nguy hiểm nếu để cho số tài năng hiếm hoi lại phải chịu sức ép của cơ chế thị trường…
Có lần, tôi đã nói: chúng ta phản đối văn hóa thương mại nhưng lại tạo ra một cơ chế thương mại về văn hóa. Bây giờ, các nhà xuất bản tha hồ cạnh tranh, không ít người lớn tuổi đã buông thả mình theo thị hiếu trẻ em, người ta tính đủ giá giấy, công in nhưng lại bỏ quên việc cân đối đề tài , thể loại và mục tiêu giáo dục toàn diện… Đấy là điều đáng băn khoăn lắm.
- Chắc là anh đã bày tỏ nỗi băn khoăn đó với người có trách nhiệm và người kế nhiệm của mình. Mặt khác, kể cũng nên bày tỏ với cả những người sáng tác nữa - từ giờ, anh cũng như họ do đó, dễ nói với nhau hơn.
- Tôi hoàn toàn cảm thông với những nhà văn, nhà thơ tâm đắc với các đề tài của trẻ em mà phải ráng chờ thời cơ để công bố tác phẩm vì hiện chưa có đủ tiền góp vốn in sách. Mặt khác, cũng cần tính đến một sự thực: có những cây bút vượt lên được, sách của họ được xuất bản và được chấp nhận ở thị trường phía Nam. Ở những cuốn sách đó, đề tài thường xoay quanh tình yêu học trò - một điều trước đây thường bị né tránh. Tôi nghĩ, ở lứa tuổi mới lớn, sự đan chen giữa tình bạn, tình yêu là có thật. Điều đó nhiều khi khiến các em nhạy cảm, thông minh, sống đẹp hơn, nhưng cũng không hiếm "ca" dẫn đến những ham muốn, si mê làm bê trễ chuyện học hành, thậm chí - thiệt người hại của. Nếu các tác giả không né tránh mà tìm cách giải tỏa hướng dẫn các em biết kìm giữ, chờ đợi…thì hay quá! Nhưng làm được điều đó không dễ. Tôi chỉ ngại những lời khuyên muôn thuở không còn đủ sức chế ngự những thấp thỏm, thèm muốn… mà hình tượng đã gợi nên. Vả chăng, còn nhiều mảnh đất chưa được khai phá: những cuộc phiêu lưu kì thú, cuộc sống đầy hấp dẫn của các danh nhân, các chân trời của khám phá, phát minh… Mong rằng các cây bút còn sung sức cố gắng vượt lên sự nghiệt ngã của thị trường, và quan trọng hơn - Nhà nước Xã hội chủ nghĩa cần có chính sách cụ thể. Có chế độ quản lí phù hợp để sách cho thiếu nhi không mọc lên từ mảnh đất cạnh tranh tự phát. Chúng ta rất cần có những con người phát triển toàn diện, còn thị hiếu của người đọc - đó là điều vừa phải tôn trọng, vừa phải nâng cao.
- Chúc anh tiếp tục gặt hái thành công trong việc khẳng định những điều tâm niệm đó của mình.
ĐĂNG BẨY thực hiện."
Đầu năm 1993 tôi nhận quyết định nghỉ hưu. Lòng thanh thản, định đi một vòng thăm thú bạn bè và những người ruột thịt. Nhưng rồi lại phải lên đường sớm vào Nam theo nguyện vọng của các con, muốn "cậu mẹ vào trước Tết". Bấy giờ là lúc Kim Đồng đã có trong tay phép lạ Đôrêmon. Đã có mấy trăm bài bình về Đôrêmon, riêng tôi thấy thú vị, tâm đắc với ý của hai anh Phạm Hổ và Nguyễn Kiên. Đôrêmon là một trò chơi. Vâng, mỗi truyện là một trò chơi về sự giả vờ, về trí tưởng tượng. Tài năng lớn của tác giả là nghĩ ra trăm ngàn cách chơi và nói đến đủ chuyện trên trời - dưới biển, quá khứ - tương lai, trong nhà - ngoài phố, tình bạn - tình yêu… làm giàu thêm kiến thức và nhân cách trẻ thơ. Kim Đồng đã nhạy bén cộng vào, nhân lên thành một trò chơi lớn của trẻ em cả nước. Hãy đọc hàng chục vạn bức thư của các em gửi đến Văn phòng Đôrêmon mà xem. Thư gửi Chaien, Xuka… tâm tình, đòi kết bạn, mời về quê…Cứ làm như chuyện thật!
Ngẫm lại thì từ năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng đã dặn các anh chị phụ trách: "lúc học thì cần vui, lúc vui thì cần học". Trước nữa, năm 1929 Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc khi soạn Nhi Đồng Lạc Viên (vườn vui của nhi đồng) cũng đã nói: "Ta muốn các em vừa chơi vừa học". Bên kia trời Tây, nhà phê bình văn học Biêlinxky cũng nói "Sách cho thiếu nhi phải là cuộc hội hè". Và ba mươi năm trước (1963) khi bác Đặng Thai Mai nói ngẫu hứng: "Là văn học mà thiếu nhi thích đọc" thì đã bao hàm hai ý bao trùm: Trước hết phải là văn học (đủ cả: chân-thiện-mĩ) và sau phải phù hợp với tâm sinh lí thiếu nhi. Đơn giản vậy mà thật khó thực hiện. Khó vì khách quan: Văn học đích thực, sản phẩm của những tài năng thật sự bao giờ cũng hiếm. Khó cũng vì chủ quan người làm sách, bị ràng buộc nhiều bề, trước đây là những quan niệm hời hợt giản đơn và bây giờ có thể là cơ chế thị trường.
Tôi đang viết những dòng cuối của một trích đoạn hồi ức, chỗ đậm, chỗ nhạt, lúc tỉ mỉ, lúc lướt qua. Tôi vẫn tin vào tấm lòng trung thực và trí nhớ còn khá minh mẫn của mình. Dù sao cũng không tránh khỏi những thiên kiến. Mong bạn đọc lượng thứ cho những gì sai sót. Đây chỉ là hồi ức của một người. Một góc nhìn chứ không phải là tất cả. Mong có nhiều hồi ức khác để cho khuôn mặt và truyền thống Kim Đồng toàn vẹn và rõ nét hơn.
1993-1996-2009
B.H