24-11-2023 - 07:40

Nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 11/2023 trân trọng bài viết của tác giả Phạm Quang Ái: "Nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh"

  nhà văn hóa thái kim đỉnh

 

                                                                                          

                                                                               

 

Ngạn ngữ châu Phi có câu, đại ý rằng: một người già mất đi là cộng đồng xã hội mất đi một thư viện lớn. Một nhà nghiên cứu lão thành như Thái Kim Đỉnh (1926-2017) mất đi thì sự mất mát đối với những người quan tâm đến văn hóa xứ Nghệ là không thể đo đếm được. Khi ông còn tại thế, người ta đã viết nhiều về ông trên sách báo. Năm 2001, Sở Vãn hoá - Thông tin Hà Tĩnh ra hẳn một cuốn sách gần 200 trang về ông với tựa đề rất gợi “Người đi bộ ba phần tư thế kỷ”[1] để nói về sự lao khổ của ông trong trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu trường kỳ về văn hóa xứ Nghệ. Trong các bài viết đó, ông được tôn xưng là: nhà địa phương học, nhà Nghệ Tĩnh học, học giả, nhà nghiên cứu văn hoá, bộ óc bách khoa về xứ Nghệ vv. Thiển nghĩ, những danh xưng trên đều rất xứng đáng với ông, nhưng theo tôi, danh hiệu nhà văn hoá là thích hợp với ông nhất. Bởi trong thực tế, có những người nghiên cứu về văn hóa rất sâu, có kiến thức văn hóa uyên bác nhưng vẫn không thể gọi họ là nhà văn hóa. Vì ở họ, ngoài hiểu biết, thì lối sống, cách cư xử xem ra “danh bất cập thực”. Tương tự, có nhiều người học cao, học hàm, học vị đầy mình, họ có thể là chuyên gia, nhà khoa học trong một lĩnh vực nào đấy nhưng chưa chắc họ đã là một trí thức thực thụ. Bởi đã là một trí thức đích thực thì không chỉ học vấn nhiều, bằng cấp cao mà quan trọng hơn còn phải là người có nhân cách lớn, ý chí, lý tưởng sống cao đẹp, có khí phách “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Giàu sang không cám dỗ được; nghèo hèn không thay đổi ý chí, lý tưởng; không khuất phục trước quyền thế). Có thể so sánh hơi khập khiểng, nhưng trường hợp này cũng giống như việc một người hiểu biết rất sâu rộng, thuộc làu kinh kệ của một tôn giáo nào đó, nhưng họ không phải là tín đồ của tôn giáo đó, vì họ không hề có đức tin và cách hành xử của một tín đồ.

Tọa thượng đồ thư mãn.

Năm nay, đã là năm thứ 6 nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh xa chúng ta. Nhớ đến ông, chúng ta nhớ đến một vị trí thức tuy học vấn xuất phát chưa hết bậc Thành Chung (tương đương bậc THCS ngày nay) nhưng đọc rộng, đi điền dã nhiều, biết nhiều, hiểu sâu về văn hóa truyền thống xứ sở và có một sự nghiệp nghiên cứu, trước tác phong phú, đồ sộ. Từ những năm cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, khi ông bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu và trước tác về văn hóa, cho đến lúc tạ thế, ông đã xuất bản 97 đầu sách (bằng số tuổi của ông nếu ông sống đến nay!), trong đó, bao gồm 38 đầu sách in riêng, 25 đầu sách là chủ biên và 34 đầu sách in chung. Ngoài ra, ông còn một số bản thảo bị thất lạc do chiến tranh, thiên tai hoặc chưa kịp hoàn thành. Nếu xuất bản hết, tổng số sách của ông sẽ vượt con số 100. Chưa bàn đến chất lượng, chỉ nói về số lượng đầu sách thì Thái Kim Đỉnh đã xứng danh hiệu “trước tác đẳng thân” (tác phẩm chất cao bằng người).

Nói về những tác giả địa phương có “trước tác đẳng thân” thì ờ Nghệ Tĩnh chỉ có hai người: PGS Ninh Viết Giao và nhà văn hoá Thái Kim Đỉnh. Sự nghiệp sưu tầm, khảo cứu về văn hiến xứ Nghệ của hai ông có sự kế thừa và đóng góp của nhiều người, nhưng công bằng mà nói, cố học giả Ninh Viết Giao có nhiều lợi thế hơn. PGS Ninh Việt Giao do có quá trình nhiều năm dạy học trên đất Nghệ, đặc biệt, những lớp học trò đầu tiên của ông ở Trường Trung học Huỳnh Thúc Kháng đã giúp ông rất nhiều trong công tác sưu tầm và sau đó trên cương vị cao trong hệ thống chính trị - xã hội của địạ phương, họ vẫn tiếp tục hỗ trợ tích cực cho ông về mọi mặt trong việc sưu khảo và xuất bản. Hơn thế, về sau nữa, do nhiều năm làm cán bộ của cơ quan quản lý giáo dục Nghệ An (sau này có 15 năm là Nghệ Tĩnh), Ninh Viết Giao vẫn tiếp tục vận dụng được sự trợ giúp của lực lượng cán bộ, giáo viên và học sinh, giáo sinh trong ngành - một lực lượng trợ thủ đáng tin cậy.

Khác với PGS Ninh Viết Giao, Thái Kim Đình ít được hỗ trợ về công tác sưu tầm cũng như các điều kiện vật chất khác để phục vụ cho việc nghiên cứu và xuất bản công trình. Ngoài sự hỗ trợ của những bậc đàn anh (chủ yếu là ý kiến xác minh tư liệu, đánh giá chất lượng nghiên cứu) và một ít bạn bè có khả năng, một số cộng tác viên của nhóm địa phương học do ông tổ chức và một số thành viên của Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh, còn thì phần lớn là ông tự mình thực hiện công việc trong những điều kiện ngặt nghèo của thời chiến, trong hoàn cảnh cam go về kinh tế sau năm 1975 và trong những gian truân trường kỳ của cuộc sống cá nhân ông. Trong những năm tháng gieo neo ấy, ông vẫn cho ra được không ít tác phẩm có tiếng vang như: Truyện dân gian Nghệ Tĩnh (2 tập - 1981, 1985), Giai thoại và tư liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều (1988, tái bản có bổ sung năm 2002), Thơ Phan Điện (1990, tái bản có bổ sung năm 2011),...Điều cần nói thêm là, sau khi Hà Tĩnh tái lập tỉnh (1991), phần nhiều sách riêng của Thái Kim Đỉnh đều do Nxb Nghệ An tài trợ xuất bản.

Sau khi nghỉ hưu (1987), gia cảnh cũng dần dần đỡ khó khăn hơn, ông có điều kiện dành nhiều tâm lực hơn cho việc sưu tầm, khảo cứu. Đặc biệt, sau khi tái lập tỉnh, công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông xuất hiện liên tục và bề thế. Đúng như người bạn tâm giao, nhà địa phương học Võ Hồng Huy, đã khái quát trong câu đối mừng ông thượng thọ 70 (1996):

“Ba mươi năm vừa nghỉ vừa làm, sáng tác lúc làm thua lúc nghỉ;

Bảy chục tuổi nào văn, nào sử, công trình trang sử rạng trang văn.”

Phải thật sự tri âm sâu sắc, các ông mới có được những lời tâm đắc về nhau như vậy.

Trong nghiên cứu về văn hoá xứ Nghệ, khác với một số người, Thái Kim Đỉnh có thể xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng việc sưu tầm và nghiên cứu văn nghệ dân gian. Nếu PGS Ninh Viêt Giao (1930-2014) thiên về sưu tầm thơ ca dân gian thì ông thiên về truyện cổ. Và các tập truyện cổ dân gian xứ Nghệ do ông sưu tầm và khảo cứu đã được các chuyên gia hàng đầu về văn học dân gian như Nguyễn Đổng Chi, Cao Huy Đỉnh, Hà Châu đánh giá cao. Năm 1974, sau khi đọc xong tập truyện dân gian Cá gáy hoá rồng của ông, Cao Huy Đỉnh đã gửi cho ông những lời khen nồng nhiệt: “...Bài giới thiệu và các truyện đều rất hấp dẫn. Chúng tôi (cả đ/c Hà Châu) đọc ngấu nghiến ngay trong đêm nhận được sách. Rất hoan nghênh công trình của anh và của tập thể văn nghệ dân gian ở Hà Tĩnh chúng ta...”[3] Cũng nói về tập truyện này, GS Nguyễn Đổng Chi, bậc tiền bối, bậc thầy trực tiếp của ông Đỉnh, mặc dù rất thận trọng và nghiêm khắc trong khoa học, nhưng GS đã có những đánh giá cao về nó: “...Quyển sách cảa anh nói chung viết dụng công, tài liệu phong phú, lại in đẹp, rất bổ ích cho chúng tôi, lại có cái để lên tiếng với các tỉnh bạn, như thế là tốt...[4]. Đánh giá tổng quát về công lao của Thái Kim Đỉnh trong việc sưu tập và giới thiệu truyện cổ dân gian xứ Nghệ, PGS Ninh Viết Giao đã phát biểu như sau: “...Có thể nói, trong việc sưu tập và giới thiệu truyện cổ dân gian xứ Nghệ, Thái Kim Đỉnh đã đặt những viên gạch đâu tiên một cách chững chạc. Không ồn ào, không khoa trương, lao động trí tuệ một cách cần cù và khiêm tốn, vượt bao khó khăn về đời sống gia đình, về sức khỏe, về tâm trạng riêng tư, anh đã ghi lại được nhiều chuyện hay và đưa đến cho nhiều người đọc ở quê hương món ăn tinh thần bổ ích...Các thế hệ mai sau sẽ mãi mãi biết ơn anh, vì anh đã sưu tập, giới thiệu, bảo lưu, phổ biến một vốn truyện cổ dân gian mà nếu hững hờ thì chỉ có mất đi, không phương cứu vớt[5]

Từ văn nghệ dân gian, ông mở rộng ra nghiên cứu những vấn đề về văn hoá như phong tục, tập quán, lễ hội, danh nhân lịch sử - văn hoá, di tích, danh thắng,.. Đỉnh cao của mảng nghiên cứu này là các công trình địa chí văn hóa do ông biên soạn, chủ biên hoặc đồng chủ biên như: Núi Thiên Cầm (1976),  Hà Tĩnh - Thành Sen 160 năm  (1991), Bãi Vọt - đổi diện với quá khứ (1991), Địa chí Kỳ Anh (1996), Địa chí Can Lộc (1999), Địa chí Đức Thọ (2004), Làng cổ Hà Tĩnh (2 tập, 2000, 2007), Lễ hội dân gian Hà Tĩnh (2005), Vụ Quang xưa và nay (2005), Hà Tĩnh - đất văn vật Hồng Lam (2013), Địa chí Thạch Hà (2015), Địa chí Hương Sơn (2015), Đức Thọ, đất và người, (2015), Chùa cổ Hà Tĩnh (2017), Làng Tường Xá (2019), Địa chí Cẩm Xuyên (2020),v,v,

Nhận xét về một trong những công trình loại này của ông, Gs.Ts Phạm Đức Dương, một nhà nghiên cứụ văn hoá có uy tín, quê ở Đức Thọ, đã nói về cuốn Địa chí huyện Đức Thọ (khi còn ở dạng bản thảo) như sau: “Tôi coi đây là một gia tài vô giá của huyện nhà mà các tác giả đã bỏ bao công sức và tâm huyết để biên soạn,...Tôi xin tỏ lòng khâm phục 4 tác giả, trong đó có anh Thái Kim Đình là một trí thức huyện nhà mà tôi rất kính trọng.... Cuốn địa chí Đức Thọ, theo tôi là một công trình khoa học có giá trị...” (Trích “Bản góp ý cuốn sách Địa chí huyện Đức Thọ...” của Gs.Ts Phạm Đức Dương).

Nghiên cứu văn hiến Hán - Nôm là mảng đề tài thứ ba mà Thái Kim Đỉnh có nhiều đóng góp nổi trội. Trong một lần trà dư tửu hậu, chúng tôi đã đề nghị ông tự đánh giá về những đóng góp của mình trong quá trình nghiên cứu về xứ Nghệ, ông đã không ngần ngại nói rằng: Hán - Nôm là mảng ông có đóng góp nhiều nhất và cũng là mảng ông có nhiều hứng thú nhất. Trong mảng này, đáng kể nhất là Giai thoại và tư liệu về Nguyễn Du và Truyện Kiều (1988, 2002), Thơ văn quanh Truyện Kiều (1996, tái bản có bổ sung 2019), Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ (2 tập, 1995, tái bản có bổ sung: tập 1, 2011;  tập 2, 2013), Tác gia Hán - Nôm Nghệ Tĩnh (1996). Đánh giá về đóng góp cùa ông ở mảng Hán - Nôm, thiết tưởng không gì bằng dẫn ý kiến của cố PGS Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, về vựng tập Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ  “...Thái Kim Đỉnh đã tập hợp được một khối lượng tư liệu khá dồi dào, sắp xếp hợp lý, chú thích cặn kẽ những áng văn thơ tiêu biểu của hơn 60 tác giả hữu danh và khuyết danh, làm thành phần Tác phẩm, đặt sau một bài khảo luận công phu, giàu suy nghĩ và cảm xúc. Cuối sách, phần Tồn nghi và Phụ lục cho thấy thêm thái độ khoa học và thận trọng cùa tác giả[6]

Thái Kim Đỉnh còn là một dịch giả Hán Nôm có uy tín. Ông dịch và phiên âm nhiều tác phẩm văn chương Hán Nôm trung đại Việt Nam như thơ của Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), Phạm Sư Mạnh (1300- 1384), Đinh Nho Hoàn (1671-1715), Tân thanh quảng tập (bản Kiều Nôm chép tay sưu tầm ở Nghi Xuân), Bách thần sự tích (khuyết danh), Hoa trình tiêu khiển tiền hậu tập của Nguyễn Nễ (dịch chung với Võ Hồng Huy)… Ngoài ra, Thái Kim Đinh còn dịch rất nhiều gia phả và sắc phong cho nhiều gia đình, dòng họ trong và ngoài tỉnh, viết nhiều bài tiểu khảo về sử, địa, bút ký du khảo về danh thắng,... Đặc biệt, ở mảng Việt ngữ học địa phương, ông và nhà thơ Trần Hữu Thung đã biên soạn cuốn Từ điển tiếng Nghệ (1998) đầu tiên, và xét trên phạm vi cả nước, có lẽ nó cũng là một trong rất ít những cuốn từ điển phương ngữ đầu tiên được xuất bản, được nhiều người tin cậy sử dụng.

Tìm hiểu nguyên nhân thành công trong sự nghiệp nghiên cứu văn hoá của Thái Kim Đỉnh, như nhiều người đã đề cập, ta thấy, trước hết là do ông rất tâm huyết với nghề; có một ý chí, nghị lực vượt khó rất lớn; một trí lực dồi dào và một khả năng tự học đáng khâm phục.

Sinh 1926, ông chào đời trên mảnh đất Tường Xá (nay thuộc xã Đức Châu, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Làng này, xưa vốn là trại nuôi dê (vì thế sau có tên là Dương Xá, rồi sau nữa mới đổi sang là Tường Xá) với khoảng 6, 7 chục hộ, nhưng dưới trong thời Hậu Lê đã có hai Tiến sĩ , 5 Hương cống (như Cử nhân thời nhà Nguyễn). Sang thời Nguyễn tuy không có người đậu đạt cao nhưng tú tài, hiệu sinh cũng không ít. Vì thế, ở làng Tường Xá, con nhà nghèo cũng phải biết chữ, phải đi học. Cha mẹ ông tuy chẳng lấy gì làm khá giả, nhưng cũng cố gắng cho con theo đòi bút nghiên. Lúc nhỏ, ông học chữ Nho với bác ruột, sau lớn lên đi học quốc ngữ trường làng, trường tổng rồi trường huyện. Nhưng nạn đói khủng khiếp đầu năm 1945 đang đến gần, ông cũng chẳng còn sức lực, tâm trí để theo học. Bởi thế, ông phải nghỉ học lúc đang học năm thứ 3 bậc Cao đẳng tiểu học (tương đương lớp 8 của chương trình phổ thông hiện hành) để theo cha ngược bè kiếm sống. Trong kháng chiến chống Pháp, ông chủ yếu làm công tác thông tin, tuyên truyền ở Liên khu 4, một trong những trung tâm văn hoá - chính trị mạnh nhất nước ta lúc bấy giờ. Ở đây, ông được gần gũi các trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi như nhà văn Trịnh Xuân An, nhà thơ Vĩnh Mai... Và ông đã tích cực học hỏi ở họ những gì có thể học được để bù đắp những lỗ hổng tri thức do học hành dang dở trước đây.

Sau này, khi hoà bình lập lại, công tác trong ngành văn hoá, văn nghệ tỉnh nhà, ông có những người thầy, người bạn chân tình và uyên bác để tiếp tục học hỏi. Gần gũi, có nhà nghiên cứu Thanh Minh (Nguyễn Hưu), nhà thơ Trần Hữu Thung, xa thì có Nguyễn Đổng Chi, Xuân Diệu, Huy Cận,... Ông học ở họ từ tri thức văn hoá, cách thức ứng xử đến phương pháp học tập, nghiên cứu. Ngoài những bậc trí thức lớn đó, ông còn học ở tất cả mọi người, học mọi nơi, mọi lúc; học qua giao tiếp, qua sách vở và có ghi chép cẩn thận; học bằng sự suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc của chính bản thân, theo lời khuyên của Đức Khổng Tử: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.” (Học mà không suy tư tất sẽ sai lầm, suy tư mà không học tất sẽ bế tắc). Bên cạnh tri thức thực tiễn trong dân gian, ông cũng sớm xây dựng cho mình một thư viện phong phú đủ để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. Tiền đề quan trọng nhất để Thái Kim Đỉnh có điều kiện nâng cao tri thức và khả năng nghiên cứu là việc ông có một vốn Hán Nôm và Pháp văn (chủ yếu là do tự học) tương đối vững vàng.

Xét rộng ra, thì những điều nói trên là những nguyên nhân, điều kiện gián  tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến thành công trong sự nghiệp nghiên cứu văn hoá xứ Nghệ của ông. Nhưng suy xét sâu hơn, dường như ở ông có một phẩm chất đặc biệt của một nhà khoa học, một nhà khoa học xã hội và nhân văn đích thực. Ông không phải là người được trang bị cơ bản về lý thuyết và công cụ nghiên cứu chuyên môn sâu, nhưng những trừu xuất, khái quát của ông trong các nghiên cứu lại mang tầm chuyên gia, nhiều lúc có giá trị độc sáng. Ví như, vốn không được tiếp cận với lý thuyết nghiên cứu liên ngành, nhưng từ rất sớm, ông đã biết vận dụng tri thức tổng hợp để giải quyết sâu sắc các vấn đề mà mình nghiên cứu trong tính tích hợp biện chứng của nó. Ở ông, hình như có một cảm thức văn hoá cực kỳ nhạy bén mà cơ tầng của nó vốn là đạo lý hồn nhiên dân gian sớm được hình thành từ tuổi ấu thơ, qua hàng trăm câu chuyện cổ, hàng ngàn lời ca, câu hát thấm vào  ông từ những người thân, những người dân quê trong cộng đồng thôn dã. Chính những tri thức, những đạo lý hồn nhiên dân gian đó đã giúp ông nhìn ra được cái chất “xanh tươi” của “cây đời”, không bị các sắc xám “lý thuyết” che khuất.

Nhiều người, khi viết về ông, hay đối lập con người thơ và con người nghiên cứu khoa học trong ông. Trong cách diễn đạt của họ, dường như phải có việc chấm dứt con người thơ Vũ Hoàng thì mới có sự xuất hiện lỗi lạc của con người khoa học Thái Kim Đỉnh. Chúng tôi riêng nghĩ, nếu không có người thơ Vũ Hoàng thì chưa chắc đã có nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh như ta đã biết. Nói cách khác, trên cái nền tri thức và đạo lý hồn nhiên dân gian đó, đã hình thành cái chất thi sĩ của tác giả Vũ Hoàng và sau này sẽ chuyển hoá thành cái chất nghệ sĩ đầy nhạy cảm của học giả Thái Kim Đỉnh. Cái chất nghệ sĩ dồi dào đó, vừa tạo cho ông những thức nhận sâu sắc, nhạy bén các vấn đề khoa học của đối tượng nghiên cứu vừa tạo cảm hứng, động lực trong quá trình nghiên cứu cũng như tạo nên một thi chất độc đáo của lời văn. Thành tựu ấy, phần nào được quy định bởi đối tượng biên khảo của ông vốn đã giàu chất nhân văn.

Quả vậy, văn sưu khảo của Thái Kim Đỉnh rất dễ “bén” và lắm lúc, “bén” rất sâu trong tâm trí bạn đọc các lứa tuổi. Đó là một thứ văn ngắn gọn, súc tích, giàu hình ảnh, nhạc điệu nhưng vẫn mang dáng dấp tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày của người nông dân.

Hung trung phong vũ tàng

Trên con đường học tập và nghiên cứu, Thái Kim Đỉnh không phải là người độc hành. Mặc dù, ông luôn khẳng định khi trò chuyện với chúng tôi, là công việc nghiên cứu khoa học chi có thể tiến hành được, và sẽ có thành tựu thực sự, ở từng cá thể với những khả năng và ý thức riêng của cá nhân. Không có cái gọi là nghiên cứu tập thể. Nói cụ thể hơn, chỉ có sự hợp tác với nhau, theo những nhóm tự nguyện và có mức độ nhất định.

Trong những lúc đề cập đến công việc nghiên cứu, Thái Kim Đỉnh hay nhắc đến sự ra đời của nhóm địa phương học gắn với hoạt động kỷ niệm 160 năm Hà Tĩnh - Thành Sen (1991). Lúc bấy giờ, để chuẩn bị lễ kỷ niệm long trọng này, một công việc đựợc lãnh đạo của tỉnh và thị xã lưu tâm và ráo riết chỉ đạo là viết lịch sử Thành Sen. Được mời làm chủ biên, ông đã mời các ông Nguyễn Bân, Võ Hồng Huy cùng cộng tác. Sau thành công của công trình Tĩnh - Thành Sen, bộ tam này phát triển thêm 2 thành viên nữa là ông Hồ Hữu Phước và ông Lê Trần Sửu, chính thức ra đời một nhóm địa phương học 5 người. Cũng chẳng một tổ chức, cơ quan nào đứng ra thành lập, đặt tên, lúc bấy giờ, sau bài viết của ông Nguyễn Bân gọi nhóm làm sách Hà Tĩnh - Thành Sen là “nhóm địa phương học”, thế là thông tin trên địa bàn xuất hiện định danh “nhóm địa phương học”, “nhà địa phương học”. Định danh này ngày càng được nhiều người biết đến khi công trình của nhóm liên tục xuất hiện. Đến nay, tuy tất cả các thành viên của nhóm đã ra đi, khiến cho những người quan tâm đến văn hóa nói chung và văn hóa xứ Nghệ nói riêng rất hụt hẫng, nhưng ánh hồi quang của nhóm và các thành viên ưu tú của nhóm cùng các thành tựu của họ, sẽ còn rọi sáng tới mai sau.

Điều mà nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh lấy làm tâm đắc nhất chính là hình thức hoạt động nhóm này. Ông nói với chúng tôi rằng, cả một sự nghiệp đổi mới văn chương, văn hoá nước nhà nửa đầu thế kỷ XX, cũng chi do những nhóm như thế này đảm nhiệm. Tự lực văn đoàn chỉ có 7, 8 người; phong trào Thơ Mới tuy rầm rộ như thế nhưng trọng trách mở đầu và hoàn thiện cũng chi do 3, 4 người gánh vác.

Ông cho rằng sự nghiệp học tập, đào tạo và nghiên cứu phải được thực hiện bằng hình thức nhóm như thế thì mới có hiệu quả. Nhóm phải được hình thành từ nhũng người có một căn bản học vấn nhất định, và quan trọng nhất, là phải có tâm huyết với nghề, với công việc. Điều kiện để nhóm hoạt động là phải có một công việc, một đề tài cụ thể và việc cộng tác, hỗ trợ, học hỏi lẫn nhau, nhất là đào tạo thế hệ tiếp nối, đều qua việc thực hiện những công trình cụ thể đó.

Bình sinh, vấn đề làm ông Đỉnh lo lắng nhất, đau đáu nhất là sự nghiệp của các ông sẽ không có người “nối dõi”. Quả tình, hiện nay, điều đó dường như đã là một sự thật nhãn tiền. Bởi người có căn bản học vấn không ít nhưng người có tâm huyết với công việc sưu tầm, khảo cứu như các ông thì hầụ như không có. Mặt khác, trong câu chuyện trao đổi với nhau lúc bấy giờ, nhiều khi, tôi thấy “gợn” lên trong ông một nỗi băn khoăn, day dứt: ông chưa thấy có sự quan tâm rõ rệt của cấp uỷ, chính quyền và các cơ qụan chức năng địa phương về việc đào tạo thế hệ nghiên cứu, biên khảo kế cận.

Ngoài những trăn trở về thế sự, cuộc sổng đời thường thì vấn đề không có người kế tục sự nghiệp khảo cứu đời sống văn hóa địa phương vẫn là điều khiến ông lo buồn nhất. Ông thường nói với chúng tôi, giá như mình còn trẻ khỏe như xưa, các cậu lại có tâm huyết như thời chúng mình thì may ra việc nghiên cứu di sản của cha ông mới không bị đứt đoạn. Tâm sự của ông khiến tôi nghĩ đến câu thơ của Nguyễn Du: “Nhật mộ, trường đồ, tân du thiểu" (Trời chiều, đường dài, bạn bè ít) với một cảm xúc vừa bi ai vừa hổ thẹn. Ông lo lắng, trăn trở vì sự nghiệp chung như thế, chúng tôi lắng nghe, chia sẻ nhưng nào có được cái nghị lực, nội lực như thế hệ ông, lại không thể tránh được những tác động tiêu cực của ngoại cảnh ngày nay nên không thể có được tâm huyết, bản lĩnh để tiếp bước vẻ vang của người đi trựớc.        

Hơn thế, nhìn vào những gì thế hệ ông đạt được, chúng tôi vừa ngợp vừa buồn. Ngợp vì thành tựu quá lớn, nhưng buồn vì thành tựu của các ông vẫn chưa được xã hội quan tâm một cách thích đáng. Còn nhớ, lúc PGS Ninh Viết Giao được Tỉnh ủy và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức mừng thọ 80 tuổi một cách trọng thị (2010), tôi có hỏi ông Đỉnh rằng: những năm ông thượng thọ 70, 80, ngoài ngựời nhà và bạn bè ra, có cơ quan, tổ chức nào đến chúc thọ ông không? Ông mỉm cười độ lượng: Có, Hội Văn nghệ tỉnh và bạn bè trong giới có đến chúc mừng. Với mình như thế là đủ.

Cũng sưu tầm, biên khảo, nghiên cứu về văn hóa xứ Nghệ như Thái Kim Đỉnh, hai ông cũng từng hợp tác với nhau trong không ít công trình, số lượng đầu sách của ông Giao thì nhiều hơn ông Đỉnh vì ông Giao có rất nhiều cộng sự, nhưng xét về chất lượng biên khảo thì ông Đỉnh lại được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá cao. Thế nhưng, ông Ninh Viết Giao được cấp ủy và chính quyền Nghệ An rất quan tâm, động viên, tạo điều kiện về mọi mặt trong công tác và hoạt động nghiên cứu biên khảo, nên đã đạt được những thành tích, danh hiệu cá nhân vượt trội. Là một giáo viên trung học phổ thông, không có học vị Tiến sĩ, không dạy đại học, nhưng ông Giao được phong PGS từ đợt 3 vào năm 1984, (đợt 1 là năm 1976, đợt 2 là năm 1980), được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (năm 2001), truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (năm 2017). Đúng như thiên hạ ca tụng, cố PGS Ninh Viết Giao là “Người xứ Thanh thành danh nhân xứ Nghệ”. Còn nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh đến nay chưa được gì hơn ngoài vài ba cái Giải thưởng VHNT của tỉnh nhà hay một vài giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam!

Tìm hiểu về ông, càng cảm phục ông bao nhiêu, chúng tôi lại càng lòng tự thẹn lòng bấy nhiêu. Lúc ở tuổi của chúng tôi bây giờ, ông đã “ăn nên làm ra” với bao nhiêu đầu sách, công trình, còn chúng tôi hôm nay, thì xem như vẫn còn tay trắng. Nhưng dẫu có nặng lòng bởi tâm tư của hai thế hệ về tương lai khảo cứu văn hoá quê nhà, thì chúng tôi, và tất nhiên, nhiều thế hệ tiếp theo sẽ mãi mãi biết ơn nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh vì ông đã trút tinh lực cả cuộc đời, để lại cho hậu thế một gia tài văn hiến giàu có.

Nói về cuộc đời và sự nghiệp của Thái Kim Đỉnh, thiết nghĩ không có lời nào cô đúc, chí tình, chí nghĩa bằng câu đối của nhà nghiên cứu Thanh Minh, bậc tiền bối và là bạn vọng niên đương thời của ông, mừng nhà văn hóa lúc ông lên lão (60 tuổi):

Cựu thức tân tri, tọa thượng đồ thư mãn;

Âu văn Á kiến, hung trung phong vũ tàng.

(Hiểu xưa biết nay, sách vở đầy trên giá/ Nghe Âu thấy Á, mưa gió cuộn trong lòng)[7]

         Phạm Quang Ái

__________________

[1]. Người đi bộ ba phần tư thế kỷ, Sở VHTT Hà Tĩnh, 2001;

[2] TLĐD, tr.99;

[3], [4] TLDD. tr. 120-121;

[5] Ninh Viết Giao (Chủ biên), Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ, tập 1, NXB Nghệ An, 1993, tr. 34).

[6] Thái Kim Đỉnh, Năm thế kỳ văn Nôm người Nghệ, NXB Nghệ An, 1994, tr.10;

[7] Sở VH-TT Hà Tĩnh, Người đi bộ ba phần tư thế kỷ, XB 2001, bìa 4 (chúng tôi xin mạn phép sửa lại một vài chỗ trong lời dịch - PQA).

. . . . .
Loading the player...