20-09-2012 - 08:31

Nhà viết kịch Phan Lương Hảo

Nhân dịp tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ vinh danh, đón nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012 cho" Tập ca kịch chọn lọc" của Nhà viết kịch Phan Lương Hảo tại Trung tâm văn hoá- điện ảnh vào tối ngày 26/9/2012, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu chân dung cố nghệ sĩ đã vinh dự được nhận giải thưởng cao quý này.

hà viết kịch  PHAN LƯƠNG HẢO
Bút danh: Lão Hương
(1928 – 2003)
 
Quê quán: Bùi Xá – Đức Thọ - Hà Tĩnh
Vào Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Sân khấu năm 1969
Hội viên Hội nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam
Nguyên cán bộ ngành văn hoá thông tin Hà Tĩnh; UV BCH, Trưởng ban sân khấu Hội VHNT tỉnh từ khoá I đến khoá IV.
Huân chương Chiến thắng hạng Ba
Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất
 
* Tác phẩm đã xuất bản:
Hơn 30 vở kịch, hoạt cảnh, tổ khúc dân ca đã được in ấn, dàn dựng ở TW và địa phương.  Đã in: Tập ca kịch chọn lọc giới thiệu một số vở kịch tiêu biểu: “Cô Tám” , “Mai Thúc Loan” “Xôn xao rừng quế”.
 
* Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí:
- Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1985, 1990)
- Tặng thưởng tác giả cao tuổi của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1999.
- Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (lần 1 và lần 2)
- Huy chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam; Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa Việt Nam
- Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 3, năm 2012 với “ Tập ca kịch chọn lọc”
 
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh gặp gỡ tác giả kịch bản và diễn viên chính
sau khi xem xong vở kịch hát dân ca” Mai Thúc Loan”

 
 
 (Trích đoạn vở kịch hát dân ca MAI THÚC LOAN )
 
CẢNH BẢY
 
        (Tại ngôi mộ mẹ Loan trong rừng vải. Ánh trăng thượng tuần tháng sáu như dát vàng, dát bạc trên những chùm vải đang vào kỳ chín bói. Cô Hồng đang lặng lẽ xách bình tưới nước cho gốc mẫu đơn và gốc vải nhỏ quanh mộ. Chợt nghe tiếng bước chân người bèn lẩn về phía sau. Mai Thúc Loan thắp hương cắm vào mộ rồi vái lạy.Tiếng vạc gọi bạn trên từng không. Loan ngẩng nhìn bầu trời lòng đầy xúc động.)
 
Loan:       Mẹ ơi!
   Con tu hú đã gọi bạn chốn rừng xa
   Con trai mẹ ra tù giữa mùa vải chín
   Bước lưu ly tấm lòng con bịn rịn
   Mẹ nghỉ chưa yên nơi dốc núi lưng truông
  Tình nhà nợ nước vấn vương
   Đêm nghe tiếng hạc kêu sương não nùng!
 
Cô Hồng:     (Xách bình ra)           - Có phải anh Loan đó không?
Loan:           (Giơ bó đuốc  nhìn)    - Phải! Cô Hồng!
Cô Hồng:   - Sao anh về muộn vậy?
Loan:         - Hồng đã chăm phần mộ mẹ tôi thay Vải
                     Chút ơn này tôi nhớ mãi suốt đời
                      Vừa được tin cô Vải đã có chốn, có nơi
Bị hãm tù nên không được ăn trầu cưới
Lúc nào Hồng vào dinh quan thăm cô Vải?
(Lấy khăn tay ra) Nhớ trao giùm cô ấy mảnh khăn tang
Gọi là lỡ chuyến đò ngang
Khăn này hôm sớm thở than với người !
Cô Hồng:      (Nghẹn ngào) – Anh Thúc Loan,
Chị Vải chết rồi còn đâu gặp lại!
Loan:                         (Giật mình) – Sao? Sao lại thế?
Cô Hồng:      - Chị gặp cuộc tình duyên ngang trái
                        Đám cưới sang sông chị đã rũ sạch bụi trần gian
                        Mượn dòng nước sông Lam
                        Tìm về nơi cực lạc!
                        Chị có nhờ em ngày đêm săn sóc
                        Chốn mộ phần tưới gốc mẫu đơn
                        (Hát) Gọi là nghĩa mẹ tình con
                        Tình đầu cách trở nghĩa còn dài lâu
                        Trăng thề dù đã xa nhau
                        Chị còn gửi lại túi trầu làm tin !
(Trao lại túi trầu của cô Vải cho Thúc Loan rồi ra)
Loan:                         (Một mình nhìn túi trầu đau xót)- Vải ơi !
                        Buổi chia ly mắt chưa ráo lệ
Tưởng ngày về chia sẻ buồn vui
Ngờ đâu duyên số ngậm ngùi
Gió lay khóm trúc, sương vùi cành mai !
(Tiếng hát của Vải vang lên, Loan ôm túi vào ngực)
(Hát vọng):     Ôi ! Cuộc đời sao lắm chông gai
Thương anh em khó nói lên lời
Dòng sông Lam lúc đầy lúc vơi
Lòng đau xé đêm ngày khôn nguôi
Em ra đi để mình anh ở lại
Túi trầu còn ấm mãi
Ấm mãi tình em, tình của quê hương
Làng xóm yêu thương
Đang nhắc nhủ khuyên anh nuôi chí căm hờn !
Loan:                         - Thương Vải ruột thắt từng cơn
                        Thảm sầu gió tối- oán hờn mưa mai !
(Hát)               Mặn nồng là nước mắt ai
                        Chảy ngang thành suối chảy dài thành sông
                        Nước non chẳng thiếu anh hùng
                        Há đành cá chậu chim lồng hay sao?
(Chính và Ba Hầu đẩy một người còn bị bịt mắt vào)
Ba Hầu:         - Đây rồi ! Hãy bước vào !
                        Chào anh Loan ! Thầy khen anh xứng bậc tài chí !
                        Vừa qua có đôi lời thất lễ
                        Vì hiểu nhầm mà thứ lỗi cho em
                        Nay phường săn bắt được tên phản phúc đớn hèn
                        Lưỡi kiếm của nó đây xin anh nghiêm trị !
                        (Chỉ người kia) Quỳ xuống mà chịu chết !
                        Kiếm của giặc vừa trao nó đây (Dâng kiếm cho Loan)
Loan:                         - Y phạm tội gì nói cho tôi biết !
Chính:           - Tội nó là tên hèn nhát
                        Để giặc lấy vía cướp hồn
                        Đồng tiền xanh làm mất trí khôn
                        Nhường giải vật cho con trai giặc
                        Giờ anh phải ra tay rửa nhục
                        Thắng cuộc mà phải chịu xiềng gông
                        Để chị Vải tử tiết giữa dòng sông
                        Buộc cha phải lâm vòng tù tội !
Loan:                         (Đau xót nhớ chuyện đã qua)
- Thì ra là Triệu Hối
Vậy nên ghép tội gì đây?
Tất cả:           - Dạ ! Xin anh nghiêm trị thẳng tay
                        Làm nhục nước, nhục dân là tội chết
Loan:             - Mọi người lui ra cứ để tôi phán xét!
(Họ cúi chào rồi đi ra ngoài, Loan lột khăn bịt mắt rồi ném trả cho Hối)
                        - Ông Công tào còn trăng trối gì nữa không?
                       
Triệu Hối:     (Vẫn dâng kiếm cho Loan)
                        Em tự trói tay đến xin tội chết
                        Kiếm giặc trao nhưng chưa dính máu dân lành
                        Nói sai lời đã có đấng cao xanh
                        Nỗi nhục này dày vò em khủng khiếp!
                        Một: Xin anh hãy vung gươm hóa kiếp
                        Hai: Cho em được lột xác đổi đời
                        Lầm lỗi vừa qua bởi gia cảnh rối bời
                        Có chú họ ép nhường giải thiêng cho giặc
                        Chúng ép em từ sông vào lạch.
                        Tưởng kiếm tiền nuôi chị nuôi cha
                        Đã bao đêm nghe tiếng rên giữa mảnh vườn nhà
                        Nghe tiếng cú kêu sầu nơi rừng vải?
                        Xen lẫn tiếng chị, tiếng cha khóc than quằn quại!
                        (Thơ vào nhịp) Em xin ra đây chịu tội hình
                        Nếu được anh thương tình
                        Em xin nguyền chẳng quản tử sinh
                        Sát cánh bên nhau diệt loài Đường tặc
                        Mong cho trời quê mây mù tan sạch
                        Dòng sông Lam hôm sớm ngọt lành
                        Cho rừng vải thêm xanh
                        Thêm ấm tình thôn xã
                        Mong anh ban lượng cả
                        Cho em được cậy nhờ
                        Gió đưa thuyền đã kháp bờ
                        Cho đành ngày đợi tháng chờ khát khao !(sụt sùi)
 
Loan:             (Đỡ Hối dậy rồi ôm nhau xoay một vòng tỏ vẻ vui mừng)
                        Hối ơi! Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ
                        Đi đường gặp đêm giông ta quý từng tia chớp nhỏ
                        Giữa đảo hoang phải biết nhen đóm lửa tàn!
                        Noi gương cha quyết trả ấn từ quan
                        Tìm đến Loan xin cải tà quy chính!
                        Vậy trở về dinh chờ lệnh!
                       
Hối:                - Anh ơi! Em từng theo lũ chuột loài dơi
                        So cánh nằm im chờ lúc tối trời
                        Bay đi kiếm mồi những khi chập choạng
                        Từ bóng đen đã tìm ra ánh sáng
                        Qua đôi mắt anh, em thấy rõ thân mình.
                        Đã bừng tỉnh sau giấc mộng hư vinh.
                        Nỗi nhục nhã dày vò hôm sớm!
 
Loan:             - Đã qua rồi cơn ác mộng
                        Bả vinh hoa đầy tanh tao nôn lợm
                        Hẳn phúc nhà đánh thức tâm linh?
                        Lớn lên từng uống và tắm nước sông Lam
                        Hạt gạo, hạt muối quê hương mặn mòi xứ sở.
                        Đó là nguồn sống đời ta còn nặng nợ
                        Thôi ! Chú cứ tạm theo kế mã hồi !
                        Hãy dò xét địch tình giúp tôi !
Hối:                Dạ !
Bé Linh:        (Vào) – Anh Loan ơi, bọn giặc lại đến ! (Thấy Hối lên bèn bưng miệng lại)
Loan:             (Vui vẻ) Bé Linh ơi cái gì cứ nói. Chú Hối đã tỉnh ngộ rồi!
Bé Linh:        - Vậy cháu sẽ về thưa cùng ông cho rõ nhé !
Loan:             - Ừ ta cùng đi tìm một thể! (Ra)
  Xã quan: (tay cầm chiếc bùi nhùi còn lửa đi dẫn đường cho Sở Khách và Tổng quản vào rừng gặp Thúc Loan)
                        - Dạ bẩm Ngài
Sở Khách:    - Sao?
Xã Quan:      - Thúc Loan vừa về thăm một mẹ
                        Hương nhang còn nghi ngút khói bay
                        Nhất định còn lẩn khuất đâu đây
                        Dạ ! Để tôi đi lùng xem thử!
Sở Khách:    (Ngoắt  tay nói nhỏ) – Cứ thế ! Cứ thế!
                        Diệu kế này nếu Thúc Loan sa lưới
                        Chức Công tào sẽ tới tay ngươi!
Xã Quan:      - Đa tạ ngài! Kìa Thúc Loan đã tới
Thắp hương cho ta kiến vái! (mụ Xã đem hương cho Khách cắm vào mồ rồi vờ vái lạy để cho Loan thấy. Loan vào thấy vậy liền quỳ xuống vái trả đáp lễ. Sở Khách ôn tồn)
- Ồ ! Ông tổng đầu phu đứng dậy đi thôi!
Loan:             - Văn hiến nước tôi là lễ nghĩa rạch ròi
                        Ai vái cha mẹ mình thì vái trả
Sở Khách:    (Đứng dậy) – Hảo ! Còn ai đem lời lăng mạ thì sao?
Loan:             (Cũng đứng dậy chỉ vào gốc tre)
                        - Dân tôi xưa đã có câu
                        “Thù này oán hãy còn lâu
                        Trồng tre lên gậy gặp đâu đánh què!
Sở Khách:    - Hảo ! Còn với đất nước làng quê?
Loan:                         - Ông cha xưa dạy cháu con:
                        “Người biết nhục không thờ vua hàng xóm!
Tổng quản: - Á ! Nói năng thật quá hỗn!
Sở Khách:    Không ! Đó là lời lẽ của hàng lương tướng
                        Là khí phách của bậc trảo nha
                        Hãy xây ngay cái mộ lão bà
                        Đến cái công cha sinh mẹ dưỡng
                        Để xuân thu nhị kỳ dân làng chiêm ngưỡng!
Loan:                         - Tạ ơn ngài thiên tướng
Sở Khách:    - Còn việc thúc dân cống vải đã làm được đến đâu?
Loan:                         - Dạ ! Đã truyền đàn bồ sọt từ lâu
                        Chờ vải chín sẽ hái đi triều cống
Sở Khách:    - Hảo ! (Với Tổng quản) hãy ban áo mũ và cờ trống!
                        Lấy vàng bạc để thưởng công
                        Đúng đến mười tư sáng rằm
                        Tôi và ông sẽ đốc phu lên đường cống vải !
Tất cả:           (Dạ bên trong)
 
Đèn tắt chuyển cảnh
 
 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho nhà văn Phan Trung Hiếu
- con trai cố tác giả Phan Lương Hảo tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, năm 2012  

 


 Phạm Trung Dũng


XEM KỊCH HÁT DÂN CA NGHỆ TĨNH

 

Sân khấu mở ra rồi
Không phải cảnh màn nhung khép mở,
Mà thân em bốc lửa
Bao cuộc đời cứ thế hiện dần ra…
 
Lần đầu tiên xem kịch dân ca
Trên đất mẹ Thành Vinh nắng lửa
Ôi điệu ví, răng mà da diết rứa,
Tôi ngỡ ngàng sống lại tuổi thơ.
 
Dòng sông xưa xanh thắm đôi bờ,
In bóng núi, chiều hiu hiu gió,
Bao điệu hát trên dòng sông đó,
Bao câu ca trên những luống cày.
 
Quê hương nghèo, chai sạn những ngón tay
Em không khóc, sao lòng anh nghẹn lại,
Câu chuyện xưa, nay vẫn còn đọng mãi,
Dẫu cuộc đời đã ngọt trái, thơm hoa.
 
“Mai Thúc Loan” sống mãi với dân ca
Xin biết ơn những con người sáng tạo
Trên sân khấu em làm cơn giông bão
Nhưng bây giờ em như một bông hoa.
                       
 
          


Nguyễn Thiện
 
           
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ MỘT CON NGƯỜI

 
            Nhà viết kịch Phan Lương Hảo, Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên cán bộ ngành Văn hóa thông tin đã ra đi nhưng để lại trong lòng mọi người không chỉ là sự tiếc thương mà còn bao điều cảm nhận tốt đẹp.
Tôi từng được đọc và xem những tác phẩm của ông như: “Cô Tám”, “Xôn xao rừng quế”, “Mai Thúc Loan”. Đặc biệt khi ông nghỉ hưu tại thị xã Hồng Lĩnh, có dịp tiếp xúc trực tiếp với ông: có khi là ghé thăm, có khi là làm việc, tôi mới thấy rõ hơn ở ông sự đam mê văn học nghệ thuật, luôn hết mình cho sự sáng tạo những tác phẩm mới, cùng ý thức trách nhiệm cao với quê hương. Khi thị xã Hồng Lĩnh ra đời, ông cùng một số người tâm huyết đã tổ chức, tập hợp, tham mưu cho UBND thị xã Hồng Lĩnh thành lập Câu lạc bộ văn nghệ Ngàn Hống, nhằm động viên cổ vũ sức sáng tạo của những người yêu văn học nghệ thuật, đồng thời làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của vùng đất Hồng Lĩnh. Có lẽ không có nơi nào như Hồng Lĩnh, Câu lạc bộ văn học nghệ thuật có hầu hết ở các phường xã, thu hút khá nhiều đối tượng tham gia. Câu lạc bộ Ngàn Hống do ông làm Chủ nhiệm đã xuất bản nhiều tập “Trăng Ngàn Hống” khá chững chạc. Dù tuổi cao, nhưng lúc nào ông cũng nghĩ về quê hương, luôn trăn trở trước một vùng đất với bao huyền thoại, giàu truyền thống, với những danh nhân lịch sử- văn hóa như Bùi Cầm Hổ, Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy. Mấy lần gặp trao đổi ý tưởng viết về quê hương (khi đó tôi đang làm Chủ tịch UBND Hồng Lĩnh), ông không yêu cầu, đòi hỏi gì mà chỉ đề nghị tôi giới thiệu ông để các đơn vị phường, xã, dòng họ… tạo điều kiện giúp ông có thêm tư liệu để viết. Và sau đó vở kịch thơ: “Huyền thoại núi Hồng” và “Trăng soi nỗi oán” lần lượt ra đời. Thật cảm phục và trân trọng.
Mấy lần bác Nguyễn Đức Bình- nguyên ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng về làm việc với thị xã Hồng Lĩnh và về thăm quê, đều dành thời gian đến thăm gia đình ông. Thời gian tuy không nhiều nhưng thật ấm áp, đầy tình nghĩa.
Ở con người Phan Lương Hảo bao giờ cung thấy toát lên sự lạc quan, yêu đời, vươn lên để chiến thắng bệnh tật. Mấy lần nằm viện với 4 lần mổ, lần cuối ở bệnh viện Việt- Đức, thể trạng không lấy gì yên tâm lắm, thế mà lúc nào ông cũng nghĩ đến việc chăm sóc các con, những người nối nghiệp ông làm văn học nghệ thuật, nghĩ đến “đứa con tinh thần”- những tác phẩm của mình.
Ông đã từ biệt mọi người về với cõi vĩnh hằng, nhưng tôi nghĩ những phẩm chất, đức tính của ông là những tấm gương cho mọi người học tập, trước hết là đội ngũ văn nghệ sĩ. Đó là đức tính khiêm nhường, là sự lao động say sưa, miệt mài, quên mình, vượt lên những bon chen của đời thường để cống hiến cho đời những kịch bản sân khấu có giá trị. Sở Văn hóa- Thông tin, Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, những người làm sân khấu cần có chương trình phổ biến những tác phẩm tốt của ông phục vụ đông đảo nhân dân- hẳn đó là trách nhiệm và cũng là tấm lòng đối với người đã khuất.
 
                                                     Hà Tĩnh, ngày 23 tháng 7 năm 2003
                                       N.T
 

Ông Nguyễn Đức Bình- Uỷ viên Bộ chính trị và Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh Nguyễn Thiện
đến thăm Nhà viết kịch Phan Lương Hảo tại nhà riêng

 
 
Đức Ban

NHÀ VIẾT KỊCH PHAN LƯƠNG HẢO
 
          Tôi gặp Nhà viết kịch Phan Lương Hảo lần đầu vào một đêm mùa thu năm 1973. Bấy giờ tôi tròn 25 tuổi, đầy máu say mê văn chương, cuốc bộ gần hai chục cây số từ đơn vị TNXP ở trên rừng về Nhà hát thị xã để xem vở kịch Cô Tám của ông. Ông mặc áo măng tô san, đứng đợi ai đấy nơi bậc tam cấp cổng chính. Mãi sau này khi tôi chuyển về Hội văn nghệ tỉnh, gặp gỡ ông hàng ngày, tôi vẫn nhớ cái đêm ấy như nhớ tới một ấn tượng ban đầu cho nghề viết văn của mình. Một lần, tôi nói với ông: “Hồi ấy, trong con mắt tôi, ông oai biết bao”. Ông cười hỏi lại: “Còn bây giờ?”. Tôi đáp: “Vẫn oai”. Ông lắc lắc đầu: “Nhầm. Như mọi người thôi”.
Phan Lương Hảo tuổi Mậu Thìn, sinh năm 1928 tháng giêng ngày 18 tại xã Đức Xá, Đức Thọ- Hà Tĩnh- vùng đất sản sinh nhiều văn nhân chí sĩ. 18 tuổi, ông vào bộ đội. Và đời binh nghiệp của ông dài trọn chín năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Xuất ngũ, ông về công tác ở Bộ văn hóa. Đến năm 1962 trở về quê, làm cán bộ nghiệp vụ Sở Văn hóa Hà Tĩnh. Tính đến nay ông trọn 42 năm hoạt động văn hóa văn nghệ. Chức vụ cao nhất của ông là Hội viên Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh liên tục từ khóa I đến khóa IV. Ông đã nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hoá, vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có ai đó bảo, nếu ông có cái Phó Giám đốc, Giám đốc Sở văn hóa hay Phó Chủ tịch, Chủ tịch Hội văn nghệ thì sẽ không có bao nhiêu là vở kịch dài, ngắn. Cũng có thể như vậy, cũng có thể không như vậy. Chỉ biết, người đời nhớ ông, trọng ông ở những tác phẩm ông đã viết, đã được dàn dựng, trình diễn: Nối lại đường tơ(1960), Cô thủ kho (1966), Bóng đa đầu làng (1967), Bên công sự (1975), Gói quà (1979), Chuông đồng hồ báo thức (1984), Mai Thúc Loan (1985), Khúc hát rừng thông (1986), Xôn xao rừng quế (1990), Huyền thoại núi Hồng. Ông là người chung thủy với thể loại kịch, và gặt hái nhiều thành công. Giải thưởng kịch bản văn học miền Bắc (vở Nối lại đường tơ); Huy chương Vàng và giải thưởng VHNT Nguyễn Du (vở Mai Thúc Loan và vở Khúc hát rừng thông); Loại A Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (vở Xôn xao rừng quế). Phải miệt mài kiên nhẫn và giàu nghị lực lắm, Phan Lương Hảo mới đi được một cách liên tục và khá vững vàng từ năm 1960 đến giờ trên con đường sân khấu đầy gập ghềnh, khúc khuỷu và không ít mưa bão, nóng lạnh của tính khí người đọc, khán giả và cả đạo diễn, diễn viên.
Nói đến tác giả kịch bản Hà Tĩnh đầu tiên phải nói đến Phan Lương Hảo. Ông là tác giả viết kịch dài duy nhất ở Hà Tĩnh suốt từ năm 1976 đến nay. “Cô Tám”, “Mai Thúc Loan”, “Xôn xao rừng quế” là ba tác phẩm tiêu biểu đã đưa ông lên vị trí tác giả kịch bản chững chạc của cả nước. Phần nhiều tác phẩm của ông phản ánh sự kiện lịch sử và khắc họa hình ảnh nhân vật lịch sử. Cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng với nữ tướng Cô Tám; Cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường năm 722 của Mai Hắc Đế. Tính chân thực lịch sử và hình tượng nhân vật lịch sử được ông quan tâm tích cực và khá dày công trong thể hiện tác phẩm của ông “có sự hòa trộn giữa chất hoành tráng bi hùng của sử thi và chất trữ tình ngọt ngào, đằm thắm”.
Phan Lương Hảo cùng với một vài tác giả khác đã khai sinh cho một loại hình kịch hát dân ca có sức hấp dẫn mới mẻ. “Mai Thúc Loan” của ông có thể nói là sự khởi đầu của một công trình sân khấu hóa dân ca của một vùng đất được gìn giữ phát triển” (Nguyễn Đức Lộc).
Nửa thế kỷ cầm bút, Phan Lương Hảo cần cù, kiên nhẫn, say mê lao động sáng tạo. Cái độ say mê của ông, những ai ở gần ông, quen biết ông đều biết về nể phục. Ông thành công trong sự nghiệp sáng tác, ngoài những tư chất quý hóa ông có, còn sự tác động tích cực của môi trường. Ông bảo: “Quê hương và gia đình là cội nguồn”. Gia đình ông hiện có bốn người con thì ba làm văn hóa, văn nghệ- cái nghề thiêng liêng biết mấy và cũng bạc bẽo biết mấy. Chị Kim, vợ ông làm nghề Y, gầy yếu trước tuổi. Ông bảo, vì ông mải chơi với kịch, không giúp được gì cho vợ; thậm chí còn đè lên cái gánh gia đình vốn đã nặng trên vai bà. Gia đình mà ông bảo là cội nguồn sáng tạo là thế. Ngẫm thấy thật có lý.
Hôm chúng tôi tiễn ông về hưu, ông ngửa hai lòng bàn tay ra hất nhẹ trong không khí, cười hóm hỉnh. Ông cười mà chúng tôi rưng rưng. Chúng tôi thương ông, thương những người suốt đời cầm bút vất vả và thương cho chính mình. Ôi ngửa hai bàn tay ra là ngửa vậy thôi chứ trong cái hòm gỗ ông mang theo, trong cái túi sách ông mang theo có bao nhiêu trang viết chi chít chữ. Thế là sang, là giàu nhất nhì thiên hạ rồi.
Năm trước, ông mổ sỏi bàng quang. Chúng tôi ra thăm, ông bảo: “Tiếc cái vở “Huyền thoại núi Hồng” chưa xong. Tôi nói: “Mai kia về viết tiếp”. Ông nói; “Nếu đừng chết”. Ông lại cầm bút, cả khi vết mổ còn rò rỉ để viết xong và in được tập diễn ca “Huyền thoại núi Hồng”. Sách chưa khô mực thì lại được lên bàn mổ. Lần ấy mổ ruột thừa. Chúng tôi lại ra thăm ông. Ông ngồi tựa lưng vào tường, nói: “Chẳng sao cả. Cắt ruột thừa như chúng ta cắt những từ thừa, câu văn thừa, đoạn văn thừa trong tác phẩm. Đau ít chút nhưng sẽ đẹp hơn. Chúng tôi đỡ ông nằm xuống, nhưng ông không chịu, ông bảo “Nằm nó quen đi, lười đi”.
Sau cơn mổ lần thứ ba, ông ngồi vào bàn và làm xong “Trăng soi nỗi oán” dày gần trăm trang chữ vi tính cỡ 12 trên giấy A4. Ông gửi tôi đọc, đọc xong tôi đến gặp ông định nói nhiều chuyện: Làm sao để vở kịch lịch sử về Bùi Cầm Hổ- Trăng soi nỗi oán lên sàn diễn để công chúng được thưởng thức, chứ in ra giấy thì người đọc nó tính đầu ngón tay, phí lắm, tiếc lắm, xót lắm. Nhưng thật không ngờ, ông lại lên bàn mổ, cú mổ thứ tư. Lần mổ này, khiến sức lực ông cạn kiệt. Tất cả trong con người ông như ngọn đèn dầu lạc, mà dầu trong đĩa thì không còn bao nhiêu nữa. Những ngày ông sắp đi xa, bạn bè văn nghệ xúm xít quanh ông, nhìn con người một thời bươn bả, “viết rách giấy” đang thiêm thiếp, hơi thở khẽ khàng dứt quãng thoát ra khỏi khuôn ngực gầy gò đến mức không nỡ nghĩ đó là khuôn ngực mà trong đó có trái tim nhiệt huyết của nhà viết kịch Phan Lương Hảo. Ông nhìn chúng tôi, mắt nhòe nước, nói:
- Tưởng sống thêm thời gian nữa để được xem vở kịch “Trăng soi nỗi oán”. Lạ là, khi viết xong Trăng soi nỗi oán, tôi chợt nghĩ, đây là vở kịch cuối cùng của mình. Hóa ra cái chợt nghĩ lại thành sự thật. Người ta chống được nhiều thứ nhưng không chống được mệnh.
Ngày hôm sau, ông mất. Ấy là lúc 6 giờ 40 phút ngày 21- 7- 2003. Ngày 22- 3- 2003 lễ tang ông, trời mưa và gió lớn. Người đến tiễn ông rất đông. Khuôn mặt ai cũng đầm đìa nước.
Cầu ông ở suối vàng thanh thản. Cõi trần rộng lớn, xô bồ và cả ngổn ngang nữa, có nhiều người, rất nhiều người nhớ ông, nhớ những tác phẩm của ông. Xin vĩnh biệt!
 
                                                                                                                                             22- 7- 2003
                                                                                  Đ.B


 
 
 
                    Trần Nhật Tiến
   (  Nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ Tĩnh)
 
NHÀ VIẾT KỊCH PHAN LƯƠNG HẢO VỚI NIỀM ĐAM MÊ
CHÁY BỎNG TRONG LAO ĐỘNG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT
                                                

                               

 
        
Những năm đầu thập kỷ 80, trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu tỉnh Nghệ Tĩnh có một tín hiệu vui làm náo nức lòng đông đảo khán giả, những người sáng tác, đạo diễn, diễn viên… và công chúng yêu bộ môn kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Đó là việc ra đời kịch bản Mai Thúc Loan của nhà viết kịch Phan Lương Hảo viết dành riêng cho loại hình kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Phan Lương Hảo là tác giả đã viết rất nhiều kịch bản cho sân khấu quần chúng, cho đoàn kịch thơ Hà Tĩnh và nhiều đoàn kịch khác ở Nghệ Tĩnh nhưng vở Mai Thúc Loan thực sự là tác phẩm gây ấn tượng nhất và đã đi cùng năm tháng cùng với sự trường tồn của ngành kịch hát Nghệ Tĩnh.
 
        Kịch bản “Mai Thúc Loan” ra đời đúng vào dịp toàn dân chuẩn bị kỷ niệm các ngày lễ lớn và kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Bác Hồ năm 1985. Vở kịch hát Mai Thúc Loan được Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh dàn dựng công phu và đem đi dự hội diễn sân khấu toàn quốc được tổ chức tại thành phố Vinh. Vở diễn đã được công chúng Nghệ Tĩnh đón nhận nồng nhiệt qua nhiều cuộc biểu diễn thí nghiệm của Đoàn và tại Hội diễn toàn quốc và thực sự đã chinh phục được khán giả. Ban giám khảo và đông đảo các nhà khoa học, các nhà lý luận phê bình, tác giả kịch bản, đạo diễn, các nhà nhà quản lý, nghiên cứu âm nhạc, mỹ thuật… có tiếng tăm của toàn quốc và của Nghệ Tĩnh sau khi xem đã đánh giá rất cao vở diễn, ghi nhận những thành tựu thể nghiệm và chính thức công nhận kịch hát Nghệ Tĩnh là một kịch chủng, là một thành viên trong đại gia đình kịch hát dân tộc Việt Nam. Cũng từ đây, Đoàn kịch dân ca Nghệ Tĩnh (tiền thân là đoàn kịch thơ Hà Tĩnh và Đoàn thể nghiệm dân ca Nghệ An) đã được mang tên mới là Đoàn kịch hát Nghệ Tĩnh.
 
       Trong quá trình hoàn thành kịch bản sân khấu Mai Thúc Loan, tôi đã chứng kiến, rất tự hào và nể phục tác giả Phan Lương Hảo – một nghệ sỹ tài năng đã cống hiến cả cuộc đời cho sân khấu với một niềm đam mê đến cháy bỏng, một tấm gương lao động nghệ thuật, cần cù sáng tạo, một tâm hồn trong sáng không hề vụ lợi háo danh. Tôi biết anh đã ấp ủ từ lâu về việc viết một tác phẩm dài hơi cho kịch hát quê nhà vì trước đó, anh đã từng gặt hái ít nhiều thành công rồi. Trong hoàn cảnh một thời “gạo châu củi quế”, điều kiện để tập trung cho sáng tác còn có nhiều khó khăn, thế mà anh đã một mình một ghế, một đèn cặm cụi ngày đêm trong một gian nhà nhỏ ở khu tập thể Tập Phúc để viết, dốc hết tâm hồn, khát vọng và trí tuệ vào tác phẩm. Với một vốn kiến thức phong phú về văn học dân gian, sân khấu, về văn hóa, anh đã sưu tầm, góp nhặt, tích tụ rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa của quê hương, dân tộc… và đã xử lý rất tinh tế, nhạy bén trong tác phẩm của mình. Là một người bạn thân tình của anh, tôi đã có dịp đồng hành với anh và nhiều lần chứng kiến quá trình lao động sáng tạo của anh. Trên những trang giấy, bản thảo dày cộm của anh chi chít những gạch đỏ gạch xanh, những thêm, những bớt để có được tác phẩm để đời mà vì thế tên tuổi của anh cũng từ đó sẽ đi cùng năm tháng.
       Thời điểm ấy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Văn hóa và Văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh là phải tổng kết một bước quá trình thử nghiệm và xây dựng từng bước mô hình kịch hát Nghệ Tĩnh. Cái phúc, cái duyên lớn đến với Phan Lương Hảo là khi “mằn mò” giải quyết các vấn đề trên để dàn dựng vở Mai Thúc Loan lại là một dịp tập hợp các tài năng, các gương mặt sáng giá của Trung ương và địa phương sắn sàng toàn tâm toàn ý, dốc sức dốc lòng cho vở diễn như giáo sư Hà Văn Cầu, Nghệ sỹ Ngọc Phương – Nhà đạo diễn tài năng, rất “mát tay” với việc dàn dựng các tác phẩm kịch truyền thống, nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, nhạc sĩ Thanh Lưu cố nhạc sỹ Vi Phong, Hoạ sĩ Doãn Châu Doãn Thị Tình … Vở diễn lại được thể hiện bởi một đội ngũ diễn viên tài năng, tâm huyết như Danh Cách (Vai Mai Thúc Loan), Linh Quảng (vai mẹ của Thúc Loan), Duy Bảy (trong vai Quang Sở Khách), Ngọc Minh trong vai cô Vải, Văn Tý trong vai Tổng quản... Nhiều nghệ sỹ khác ở Trung ương và địa phương tuy không trực tiếp tham gia nhưng đã có mặt động viên khích lệ và chỉ đạo như GSTS, NSND Đình Quang – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao, Đạo diễn - tác gia Dương Ngọc Đức, cố tác giả Xuân Trình, chị Thanh Hương, NSND Xuân Huyền, Phạm Thị Thành, Xuân Đàm, các nhà quản lý văn hóa như Nông Quốc Chấn, Tô Hải, Hoàng Chương, nhà thơ Minh Huệ, Trần Hữu Thung, nhà văn hóa Ninh Viết Giao, nhà viết kịch Thế Kỷ và nhiều tên tuổi khác đã cùng với công lao mở đầu của tác giả kịch bản góp phần xây dựng nền kịch hát Nghệ Tĩnh.
      Cố tác giả Phan Lương Hảo được vinh dự nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật  là niềm vinh dự tự hào lớn đói với gia đình và toàn thể các bạn trong giới văn hóa văn nghệ của tỉnh nhà. Niềm đam mê khát vọng và thái độ lao động cần cù, nghiêm túc và khoa học, tâm hồn trong sáng của cố tác giả Phan Lương Hảo luôn luôn là bài học của mọi người, của mọi thế hệ văn nghệ sĩ chúng ta.
 

 
Hà Tĩnh ngày 26/9/2012
                                                                            T.N.T
. . . . .