01-08-2012 - 14:20

Nhạc trưởng, NSND LÊ ĐÓA

Sinh năm 1922, thế hệ cùng ông đi làm cách mạng, giờ đây đã thưa vắng dần. Lớp trẻ hiện nay ở quê rất ít người biết Lê Đoá từng sinh ra và lớn lên tại làng Tả Ao, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vùng quê sông Lam, núi Hồng có thầy địa lý Tả Ao huyền thoại, nổi danh khắp trong nước. Hơn nữa, đây còn là quê hương của Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ.

        Ngay từ hồi còn nhỏ, Lê Đoá đã say mê âm nhạc. Ông chăm chú nghe cha hoà nhạc dân tộc gồm sáo, nhị, đàn cò, đàn kìm với bạn bè. Lê Đoá cũng đánh được đàn kìm, chơi viôlông và học lý thuyết âm nhạc.
Đầu năm 1950, có phong trào tòng quân, mặc dù học hết chương trình chuyên khoa nhưng chưa dự thi tú tài, Lê Đoá tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau mấy tháng tham gia vận chuyển vũ khí, ông trở về Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn học tập.Sau khi tốt nghiệp khoá VI, Lê Đoá được điều sang Đội Văn công của trường, cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Đinh Ngọc Liên, xây đựng đội ngũ nòng cốt cho Đoàn Văn công quân đội sau này. Cuối năm 1953, trở về nước, ông được cử làm nhạc trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, được gặp Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc và dự Đại hội Văn công toàn quân.

Thực hiện lời Bác dạy, Lê Đoá cùng với Đoàn, tích cực xây dựng và chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng, đội hợp xướng quân đội. Đây cũng là Dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng đầu tiên của cả nước. Từ năm 1957 đến năm 1960, ông dàn dựng, chỉ huy, biểu diễn thành công nhiều bản hợp xướng như: Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ (Tô Hải); Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận); Sóng Cửa Tùng (Doãn Nho); Trường Chinh ca (Lương Ngọc Trác); Lửa rực cháy (Hồng Đăng); Thành đồng Tổ quốc (Hoàng Vân) và một số bản nhạc nước ngoài khác.

Năng lực của Lê Đoá không phải tự nhiên mà có được. Trong giới nhạc sĩ cả nước, ai nấy đều khâm phục ý chí và nghị lực tự học của ông. Lê Đoá chưa từng nhập môn ở các nhạc viện chính quy, đồng thời, không có điều kiện đi tu nghiệp ở nước ngoài. Nhưng với học vấn và vốn tiếng Pháp khá vững vàng, ông tự học tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nga để tìm sách âm nhạc nghiên cứu. Lê Đoá tâm niệm: “Trong những cái sợ, tôi sợ nhất là lạc hậu”. Ông học từ các chuyên gia, những nhạc sĩ đàn anh, những chuyến đi công tác ở trong và ngoài nước. Mỗi lần xuất ngoại trở về, trong các thùng hành lý của Lê Đoá chứa đầy sách. Ông nhờ Trần Quý, Trọng Bằng đang du học ở nước ngoài mua thêm sách âm nhạc để học hỏi. Lê Đoá còn nhờ Trần Quý chép lại toàn bộ đầu mục chương trình hệ 7 năm của Nhạc viện Traicốpxki, theo đó, tìm tài liệu tự học. Với tư chất thông minh, với đức tính vượt mọi khó khăn, trở ngại của người lính và với tâm hồn nghệ sĩ, ông đã thành công.

Năm 1964, ông tham gia viết nhạc cho hai màn kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, chỉ huy dàn nhạc cho ba màn và đóng vai “Tổng đốc” trong tác phẩm. Kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, đưa đi biểu diễn tại Trung Quốc; được bạn giúp đỡ quay thành phim nhựa màu, dài hơn một giờ đồng hồ. Khi xem, Bác Hồ khen Ngọn lửa Nghệ Tĩnh thể hiện tốt và “xoa đầu” Lê Đoá, nói: “Chú vào vai Tổng đốc được đấy, nhưng nếu quen Tổng đốc thật thì đóng sẽ tốt hơn”. Năm 2001, tác phẩm kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh được giải thưởng Hồ Chí Minh. Cuối năm 1964, Lê Đoá được Tổng cục Chính trị điều sang Đoàn Văn công Công an vũ trang, nay là Đoàn Nghệ thuật Bộ đội Biên phòng, làm đoàn phó rồi đoàn trưởng kiêm nhạc trưởng dàn nhạc. Ông cùng anh chị em diễn viên đi khắp mọi miền đất nước, từ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để phục vụ bộ đội và đồng bào các dân tộc. Từ một người chỉ huy dàn nhạc và dàn hợp xướng với hàng trăm diễn viên nhiều lần biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, ông đến với một tốp nhạc công chỉ có mười hai người, hầu hết mới qua lớp trung cấp. Ông đã dày công huấn luyện, tổ chức dàn nhạc, hòa âm phối khí, đảm bảo vai trò chỉ đạo nghệ thuật, ngoài ra còn tham gia viết nhạc múa. Năm 1981, Đoàn trưởng Lê Đóa dẫn Đoàn nghệ thuật BĐBP tham gia cuộc thi độc tấu, đơn ca và múa ít người toàn quốc. Kết quả, toàn đoàn giành giải nhất, tất cả các tiết mục tham gia đều được tặng thưởng huy chương vàng, huy chương bạc. Từ một đơn vị còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp, Đoàn đã trở thành đội quân xung kích, được đồng đội và nhân dân yêu mến.
. Cuối năm 1982, nhạc sĩ Lê Đoá tròn 60 tuổi, đến tuổi nghỉ hưu. Song theo yêu cầu, ông vẫn tiếp tục được điều vào xây dựng Đoàn nghệ thuật Quân khu IX, phục vụ địa bàn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và chiến trường Campuchia. Với cương vị là đoàn phó chỉ đạo nghệ thuật và phụ trách dàn nhạc, nhạc sĩ để tâm nghiên cứu đặc điểm văn hoá của địa phương.

Những năm tháng còn lại của cuộc đời, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Đoá luôn luôn trăn trở và tâm sự với đồng đội: “Công việc lớn nhất của tôi hiện nay là đang sáng tác bản giao hưởng về Bác Hồ kính yêu. Tôi đã từng gặp Người nhiều lần và lần nào, Bác cũng cho cảm xúc lớn. Cuộc đời Hồ Chủ tịch là một bản giao hưởng hùng tráng. Tuy tài năng có hạn, chưa xứng đáng được thể hiện chủ đề vĩ đại ấy, song với tấm lòng của một chiến sĩ văn nghệ, tôi nguyện làm hết sức mình. Dự tính, bản giao hưởng phải vài ba năm nữa mới viết xong. Nhưng tôi tự thấy mình sẽ thực hiện được vì trí nhớ còn tốt để sáng tạo từng nốt nhạc; đôi tai vẫn thính để thẩm âm, xử lý tình cảm thành kính và biết ơn đối với Bác Hồ kính yêu”.Với những đóng góp cho nền nghệ thuật, ông được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt 1, năm1983.
                                                                

  (Nguồn: Báo Văn nghệ)

. . . . .
Loading the player...