18-02-2022 - 02:00

Nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu bài viết “Nhà văn hóa Thái Kim Đỉnh” của Nhà lý luận phê bình Hà Quảng

Ông thường đi bộ và không dùng điện thoại, mãi sau này nhà mới lắp điện thoại nhưng ông thường nhờ bác gái nghe và trả lời hộ. Dịp còn chiến tranh ở nơi sơ tán, tôi ghé nhà thấy ông ngồi viết trên một chiếc đôn tre, các tệp giấy xếp ngổn ngang trên mặt chõng tre cùng một chồng sách nghiêng ngả. Một ông đồ Nghệ chính cống từ cách ăn mặc, đi đứng đến nói năng. Ấy thế nhưng vợ trước của ông lại là một thiếu phụ rất quí phái mà hồi còn sinh thời họa sĩ Phạm Lê Khang rất hay mời ngồi làm mẫu để ông vẽ chân dung. Hồi ấy chúng tôi hay đến chỗ ông chơi, chính ông là người dắt dẫn chúng tôi vào con đường văn chương, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo trong chúng tôi. Ông chân thật và độ lượng, thường “khoe” những tư liệu mà bạn bè và cơ sở gửi giúp để soạn vài cuốn sách (Bốn nhà thơ mới Hà Tĩnh, Cá gáy hóa rồng, Hồng Lĩnh 99 ngọn…). Tôi may mắn quen biết cả ông và cả nhà nghiên cứu Văn học dân gian Ninh Viết Giao. Trong công việc hai ông đều là những kho tự  điển sống về văn hoá địa phương, nhưng GS. Ninh Viết Giao thường nhanh chóng viết ra, nhiều ý bột phát tươi mát mà không kém chiều sâu, ông bảo: đừng nghĩ mình là người nói đúng cuối cùng, sau ta còn có những bổ sung sâu sắc hơn. Thái Kim Đỉnh thường đắn đo cân nhắc các suy luận của mình, ông viết chậm.

Ông  giao lưu rộng nhưng không nhiều bạn theo cái nghĩa tri âm, tri kỷ. Ngoài những bạn viết, những biên tập viên ở các NXB, những cộng sự ở các địa phương, có thể kể thêm Nhóm địa phương học mà ông là trụ cột, có nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy, các tác giả Hồ Hữu Phước, Lê văn Tùng, Trần Hồng Dần… Ông thường thư từ qua lại với các nhà văn Trần Hữu Thung, Ninh Viết Giao, GS. Tô Ngọc Thanh, thân thiết nhất là người bạn vong niên Phan Văn Thắng. Anh kề cận ông bao nhiêu năm tháng, hiểu rõ và giúp đỡ ông nhiều mặt, nhưng đáng kể là một cộng sự giúp ông sắp xếp, soạn thảo in ấn và phát hành các công trình, mà cái việc giao lưu này ông rất vụng. Cho đến những ngày trước khi ra đi người bạn vong niên ấy vẫn là người ấp ủ, an ủi ông, lo toan sắp xếp những tồn đọng cho ông. Cho đến cuối đời với gần 50 công trình văn hoá  địa phương mà có lần cựu Bí thư Đặng Duy Báu nói ông là “tài sản đáng quí của Hà Tĩnh”. Chúng tôi cho đó là lời đánh giá đầy am hiểu và quí giá đối với nhà địa phương học. Đến cuối đời có trải vài ba công việc quản lý nhưng ông vẫn nghèo. Những ngày bệnh tật cái nghèo lộ rõ nhất. Cái nghèo niềm an ủi chân thật dành cho nhà văn xứ này.

Trong di cảo đồ sộ của nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, số bài viết mà ông cho là những  bài thuộc thể loại “sáng tác, tìm hiểu và giới thiệu văn chương” chiếm một số lượng khá dồi dào, bao gồm đủ thể tài từ phê bình văn học, truyện ngắn, bút ký, chân dung, thơ và câu đối, ngoài ra ông còn để lại một thư tịch đầy đặn về đất nước, con người, về văn học dân gian, văn học dịch…

Trong  khuôn khổ  bài viết này chúng tôi chỉ lưu ý về các bài viết tiêu biểu về văn chương của ông. Với hàng ngàn trang sách phần nào đã thể hiện được sự phong phú cuả tác giả về sức đọc, sức viết cũng như sự cảm thụ đa dạng tinh tế của nhà nghiên cứu về văn chương cũng như cuộc sống của quê hương trong nhiều thăng trầm biến đổi mà ông cho rằng “phong hóa xứ này khá tiêu biểu và có nhiều đặc sắc”.

Tác giả là một người có vốn hiểu biết rộng về văn học cổ, cận, đồng thời cũng là người sưu tập được khá nhiều tác phẩm của các tác giả địa phương, trên cơ sở đó những bài viết của ông về văn chương cũng như con người Xứ Nghệ khá phong phú và sâu sắc. Đó là những bài về các tác giả Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Huy Vịnh, Nguyễn Khản, Nguyễn Huy Tự, Bùi Dương Lịch…; về các tác phẩm Truyện Kiều, Truyện Hoa Tiên, Ốc lậu thoại,  Bần nữ thán …, về lịch sử thành Vinh, cảnh đẹp Nghi Xuân cũng như  phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh…, với tấm lòng trân trọng di sản cha ông và tình yêu quê hương đất nước rất mực. Qua các bài viết, tác giả nêu bật đời sống nội tâm, tâm sự của các văn nhân xứ này “bao hàm một ý vị trữ tình, lạc quan và có phần tích cực ”, phẩm chất con người xứ Hồng Lam: Xát mãi mài hoài vàng vẫn thắm/ Rèn đi, tôi lại sắt không mòn (Khuyết danh). Điều làm rung động người đọc sâu xa là niềm tin vào con người quê hương với sự đổi thay tất yếu “Ký lai giả chi hữu tác hề, Dữ thử sơn nhi trường tiêu”, dịch: Mong rằng rồi đây có người đứng dậy (thì tên tuổi) sẽ được nêu cao mãi mãi với núi sông này…( Đặng Nguyên Cẩn)

 Là nhà nghiên cứu văn hóa nhưng đồng thời ông cũng là một nhà thơ tiêu biểu của xứ này. Làm thơ ông lấy bút danh Vũ Hoàng, có lần vui chuyện chúng tôi hỏi ông về nghĩa thực của bút danh đó.  là mưa, còn Hoàng, nó có nghĩa thật như các cặp từ hoàng điểu, hoàng hoa, hoàng diệp, hay hoàng thôn? Ông mỉm cười không đáp hình như nó gợi ông về một kỷ niệm xa xôi nào thuở ấu thơ ở cái miền quê heo hút dọc triền sông Lam. Tác giả luôn khiêm nhường cho rằng mình chỉ là người “yêu thơ và thích học làm thơ” nhưng những sáng tác về thơ đã làm nổi rõ hơn cá tính sáng tạo của tác giả. Với các tập “Cỏ mật - nhịp cầu” (1974) “Ký họa năm tháng” và “Độc thoại” (chưa xuất bản) đã cho bạn đọc thấy một đời sống nội tâm phong phú, sự gắn bó sâu sắc với quê hương của ông. Viết văn, nhà văn hóa Thanh Minh có câu nói về sự khiêm tốn, hay được nhắc lại khi còn làm Chủ tịch Hội: Thua được cái nào hay cái nấy. Làm thơ, Vũ Hoàng có câu thơ như một lời đề từ khá ấn tượng về sự vượt bao khó khăn của đời sống… Sông Lam nước chảy tháng ba/ Bọt bèo thì nổi, phù sa thì chìm (Cỏ mật - nhịp cầu) .

Ông cũng thích làm thơ theo lối cổ, những bài Đường luật được viết theo lối riêng, trung thành với những nguyên tắc của niêm, luật, nhưng đặc biệt xen lẫn lối “tự trào” - tự cười mình, mà người xưa hay dùng khiến chữ nghĩa, vần điệu tuy xưa mà gần gũi, dễ đồng cảm.Về mảng thơ dịch, nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh vừa uyên thâm Hán học, vừa giỏi Pháp văn, những phần thơ dịch chữ Hán, đặc biệt thơ Đường luật mà ông để lại khá nổi trội. Đa phần là những bài thơ của các tác giả trung đại như Phan Huy Vịnh, Nguyễn Khản, Nguyễn Huy Tự, Bùi Dương Lịch…; ca ngợi cảnh đẹp quê hương và nét kiên trung quả cảm của con nguời Xứ Nghệ, thi thoảng có một vài bài thơ về thế sự  nói về sự bất công, nỗi khổ người dân trong xã hội cũ. Thơ dịch của ông lấy việc sát nghĩa làm trọng nhưng khá uyển chuyển, người đọc dễ hiểu, dễ cảm thông. Nhìn chung thơ cũng như phần nghiên cưú phê bình của Thái Kim Đỉnh thể hiện khá rõ tính cách của ông, giản dị mà sâu sắc, điềm đạm mà thâm trầm, mang cái cốt tính riêng của con người xứ Nghệ.

Nhà văn hoá Thái Kim Đỉnh là người rất có ý thức, có tôn chỉ rõ ràng về việc sưu tầm văn hoá địa phương. Ngay từ những năm giữa thế kỷ trước, khi còn công tác ở Ty Văn hoá  Hà Tĩnh, ông đã có công sưu tầm cất giữ những tư liệu văn hoá địa phương mà thời gian đã phủ lớp bụi mờ. Theo tháng ngày với những lần đi điền dã, qua sách báo cổ kim, qua tư liệu trao đổi bạn bè đến nay kho tư liệu văn hoá của ông đã có hàng trăm tập ghi chép đầy đặn.

Với nhà thơ lớn Nguyễn Du, ông có sách “Truyện Kiều và thơ văn quanh Truyện Kiều” - quyển sách khá thông dụng cho các độc giả từ thầy giáo, học sinh, nhà nghiên cứu đến khách du lịch, sách gồm những bài viết, tư liệu liên quan đến đại thi hào, đặc biệt tác phẩm nổi tiếng Truyện Kiều mà ông nhiều năm khảo cứu, sưu tầm, biên soạn. Như ta biết Truyện Kiều bất tử, là do sức lan toả ảnh hưởng của nó vào quảng đại công chúng. Nhà văn Đặng Thai Mai từng xem Kiều là một trong số ít ỏi các phẩm có sức tác động sâu xa vào cộng đồng như Đônkihôtê, Hămlet, nên sau khi ra đời nhiều tác giả lấy cảm hứng từ nó mà sáng tác. Ngoài các bài có tính khảo cứu tập sách còn có phần sưu tập khá phong phú các tác phẩm phỏng tác theo Truyện Kiều như Vịnh Kiều, Tập Kiều, Phỏng Kiều, Nhại Kiều, Đố Kiều…, những giai thoại về Nguyễn Du và tác phẩm.

Những bài viết về Văn học dân gian, về thiên nhiên và con người đất Hồng Lam là những áng văn xuất sắc về quê hương Hà Tĩnh. Ông đã có những lý giải sâu sắc về mảnh đất và con người Hà Tĩnh về cả lịch sử và văn hoá, ta vừa thấy được trục thời gian của các sự kiện lịch sử, vừa thấy được không gian văn hóa của từng vùng đất cụ thể. Con người Hà Tĩnh được phác họa trên hai trục đồng đại và lịch đại nên hiển hiện khá rõ nét về cả những mặt tương đồng và tương dị với cộng đồng các vùng đất khác. Hầu hết Văn học dân gian địa phương được cộng đồng truyền tụng cũng như học tập trong nhà trường đều dựa vào các công trình sưu tầm và nghiên cứu của ông. Ông giỏi Hán học, thông thạo chữ Nôm, chữ Pháp cũng khá am tường nhưng văn ông rất khúc chiết và giản dị.

Ông đi xa, bạn hữu băn khoăn, rất tiếc cái “thư viện” nhỏ mà ông gom góp bao năm biết ai kế thừa? Cái kho tư liệu đồ sộ ông để lại biết sử dụng ra sao? UBND Tỉnh đã có một việc làm rất  ý nghĩa: Thành lập Hội đồng biên tập và xuất bản “Tuyển tập Thái Kim Đỉnh” gồm 6 tập, một công trình hữu ích cho cộng đồng, học sinh, các nhà nghiên cứu, khách du lịch muốn tìm hiếu nền văn hóa Hà Tĩnh.

May mắn nhiều năm được làm việc cùng các  lãnh đạo các Hội VHNT Hà Tĩnh cũng như Nghệ An, được gần gũi những nhà văn chân chính như Thanh Minh, Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh, những tâm hồn cao thượng vượt lên tầm thường vật chất giữ một nhiệt tình sáng tạo bảo tồn văn hóa quê hương, đào tạo một thế hệ văn, thi sĩ  được yêu mến cho đến bây giờ. Trong bức tranh đó, nhà nghiên cứu văn  hoá Thái Kim Đỉnh là một ảnh hình gần gũi, một tấm gương sáng tạo bền bĩ vượt qua thời gian luôn sáng rỡ trong tâm hồn anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Bài viết này là một nén tâm nhang tưởng nhớ người anh, người thầy quý mến./..

 H.Q

. . . . .
Loading the player...