27-10-2021 - 00:47

Chầm chậm Chính Tâm

Kỷ niệm 30 năm tái lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu chân dung một nhà văn của thuở ban đầu ấy: Nhà văn Chính Tâm - người đã lặng lẽ rời cõi tạm với thật nhiều nỗi niềm nhân thế… qua bài viết của nhà văn Đức Ban

LTS: Đầu năm 1976, nhập tỉnh Hà Tĩnh với Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh gồm: Thái Kim Đỉnh, Xuân Hoài, Quốc Anh, Tùng Bách, Chính Tâm, Hữu Lợi, Đức Ban chuyển ra Văn phòng Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. 

Năm 1991, tái lập hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Xuân Hoài, Chính Tâm, Đức Ban, Phan Trung Hiếu, Nguyễn Thị Tâm ở Văn phòng Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, với hai chục anh chị em hội viên ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, quản lý Nhà nước cấp tỉnh, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị sự nghiệp… trở về Hà Tĩnh, cùng ba chục hội viên ở lại Hà Tĩnh từ ngày hợp nhất hai tỉnh, thực hiện nhiệm vụ  tái lập Hội văn nghệ Hà Tĩnh…         

Tháng 10 năm 2021 này là tròn 30 năm, chắc chưa ai quên được những gian nan, cơ cực, những vui buồn, nóng lạnh của  anh em văn nghệ ngày xưa ấy. Nhiều hội viên của Hội đã về cõi vĩnh hằng để lại những khoảng trống trong văn chương Hà Tĩnh và nỗi nhớ thương không nguôi trong lòng bạn đọc xa, gần.  

Tạp chí Hồng Lĩnh xin giới thiệu chân dung một nhà văn của thuở ban đầu ấy: Nhà văn Chính Tâm - người đã lặng lẽ rời cõi tạm với thật nhiều nỗi niềm nhân thế…

 

CHẦM CHẬM CHÍNH TÂM

                                                                         

Nhà văn Chính Tâm        

1. Chính Tâm sinh năm 1941 ở làng Hói xã Thuận Lộc, huyện Can Lộc, trong một gia đình nhà nho nghèo, mấy đời gắn bó với cây lúa, củ khoai. Bản lý lịch của Chính Tâm thật đơn giản: Nghề nghiệp: Viết văn. Quá trình công tác: Học sinh, cán bộ Ngân hàng, cán bộ Phòng văn hóa, cán bộ Hội Văn nghệ. Và, không đảng viên, không chức vụ. Ít ngao du, tránh né thù tạc, hội hè. 

Lúc chúng tôi gặp nhau, ông đã gần bốn chục tuổi sống độc thân trong một gian nhà lợp lá cọ thưng phên nứa mượn của một gia đình nông dân ở xã Khánh Lộc, nơi Ủy ban hành chính huyện Can Lộc sơ tán. Thuở ấy, người ta đi qua bom đạn, lửa khói để đến với nhau. Bạn bè ông là các thầy giáo dạy văn ở Trường cấp III Can Lộc. Họ đọc thơ, đọc văn, nói chuyện dạy học, chuyện văn chương và cả âm nhạc. Ông có giọng bass trầm ấm và chơi viôlông thì thật diệu nghệ. Thời nay ít thấy có các mối quan hệ gắn bó giữa thầy giáo và văn nghệ sỹ và cũng hiếm hoi những đêm trăng thanh, gió mát có những nhóm người uống nước chè xanh thăng hoa mình lên bằng âm thanh ấm lành và trong trẻo.

Nhà tôi cách Phòng văn hóa huyện, nơi ông làm việc một con sông. Tôi đi qua ba nhịp cầu tre để đến chơi với ông. Một năm như thế, rồi đến ngày bom Mỹ đánh tan cái cầu tre mảnh khảnh ấy, tôi phải qua sông trên cái bè kết bằng những cây chuối vườn nhà để đến ngồi với ông trong căn phòng lờ nhờ ánh sáng ngọn đèn dầu hỏa đặt trong hộp gỗ hình lập phương được gọi là đèn phòng không tránh máy bay Mỹ.

Bấy giờ ông đang viết tập I cuốn tiểu thuyết “Rừng xanh bao la”, theo đề cương thì đến những ba tập. Bản thảo tập 1 đã dày hơn 200 trang, mực bút tre màu tím trên giấy Việt Trì sâm sẫm. Đấy là những trang viết về những người công nhân Lâm nghiệp trong rừng Trường Sơn.

Năm 1968, tôi đi dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu tại chiến trường B5 Vĩnh Linh, sau đó gia nhập TNXP. Tôi và ông bặt tin nhau. Năm 1973, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, các cơ quan nhà nước từ nơi sơ tán trở về Thị trấn, Thị xã. Tôi đạp xe lên phố huyện tìm gặp ông, nhưng ông đã chuyển vào công tác ở Hội Văn nghệ Hà Tĩnh. Gần một năm sau chính ông đã đến đơn vị TNXP xin cho tôi về cơ quan của ông. Suốt mấy năm đã nhiều lúc tôi quên ông còn ông thì không quên tôi. Điều ấy thỉnh thoảng lại nhói lên trong tôi một cái gì đó như một ám ảnh lầm lỗi.

Những người thầy năm xưa vẫn chung thủy với ông, với anh em làm văn chương. Ồn ào hơn, đông đảo hơn và cả đắm say nữa. Những bài thơ viết về chiến tranh, những bài hát về chiến thắng... Chính Tâm trở thành nhân vật trung tâm; giống như MC thời nay.

Nhà văn Chính Tâm (hàng đầu bên trái) tại Hội nghị Hội đồng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh những ngày đầu chia tỉnh

2. Sau chiến tranh, những năm bao cấp đầy gian nan, Chính Tâm lặng lẽ chịu đựng sự giằng néo khắc nghiệt của đời sống vật chất để tồn tại. Ông còng lưng bóc lạc, ông xếp hàng mua mùn cưa, củi vụn, ông nhồi mì bột làm bánh, ông bặn người trên thành giếng chắt nước... Và gục đầu xuống bàn, viết. Một con người cao mảnh khảnh, gương mặt khả ái, hồn hậu, lặng lẽ như một cái bóng trong ngôi nhà lợp tranh cọ, thưng phên nứa, lắng tai nghe ra tiếng bút mải miết trên giấy, tiếng chân bước chậm trên nền nhà đất nện, và cả tiếng mọt nghiến nơi ngạch cửa.

Tôi thường rẽ dãy chè mạn hảo sang nhà ông. Mười lần thì bảy lần bắt gặp ông ngồi, thu hai chân lên ghế, hai đầu gối kẹp cái điều thuốc lào làm bằng  ống tre màu mận chín, những ngón tay run run giật giật đám tóc lưa thưa trên đầu, còn giữa  bàn là những tờ giấy chi chít chữ. Ông nói, ông đang làm cho xong mấy cái truyện ngắn về chiến tranh. Mấy cái truyện ngắn ông nói ấy về sau in trong tập Đêm thu yên tĩnh cùng với Lê Hoài Nam. Đêm thu yên tĩnh, Phố nhỏ... có mùi vị bom đạn nhưng nó xinh xắn như những bài ca ngợi ca vẻ đẹp giản dị, thuần khiết của làng quê, của con người. Sau Đêm thu yên tĩnh, ông bắt tay vào sắp xếp lại cái tiểu thuyết Rừng xanh bao la viết trong vòng 9 năm, dày trên 400 trang đã bị ông tháo tung ra và lấy tên: Nước mắt đoàn viên. Nước mắt đoàn viên viết về những xung đột giữa lợi ích cá nhân và tập thể của những người nông dân thời Hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp ở một vùng quê miền Trung. Đấy là cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Hà Tĩnh, dày dặn về nông thôn và nông dân. Ông am hiểu nông thôn, trải biết suy nghĩ, tình cảm, quan hệ ứng xử của người nông dân và diễn đạt mọi thứ bằng thứ ngôn ngữ giản dị, tinh tế thấm đẫm phong vị dân gian. Tôi từng đọc nhiều lần:” Một vệt sáng mù mờ nhẹ như khói, khác hẳn với ánh trăng kéo một vệt thẳng từ đòn dông le lói một vài đốm sáng nhấp nháy. Những vì sao tơ trẻ trung và vô tư lự. Nóc nhà bị giột rồi, chắc bị tụt mất một hàng gianh. Đằng sau giại liếp con châu chấu ma cứ đánh tanh tách, mỗi lúc càng gần mái nhà. Có một điều gì đó cứ lởn vởn, lẩn khuất trong đầu...”   

Cái số của Nước mắt đoàn viên thật lận đận, chuyển qua 3 nhà xuất bản, mãi năm 1995 hai người bạn của ông là nhà thơ Tùng Bách và nhà thơ Lê Huy Mậu đưa tới Nhà xuất bản Đồng Nai xuất bản. Mấy năm liền  nó cứ nằm ngoài các cuộc hội thảo, tọa đàm, các giải thưởng văn học. Ông nói với tôi, đại ý là thời buổi này, khách quan chỉ còn là cụm từ trong sách triết học. 

2. Rồi ông đột ngột xin nghỉ hưu, dù là chưa đến tuổi. Ông bảo phải chăm cái nhà cửa cho vợ đi làm nuôi hai đứa con học lấy cái chữ. Và cười. Ông cười để giấu tâm trạng chán nản của mình? Nhớ một đêm trăng nhạt, ngồi uống nước chè xanh với ông dưới gốc cây ngô đồng bên con đường phố thông thống gió lạnh thổi từ phương Bắc về, với thứ giọng bass trầm ấm, một thời tôi đã từng nghe, ông đọc câu thơ của cụ Nguyễn Du: “Ngã hữu thốn tâm...”, nhưng dừng lại nửa chừng. Chắc với tôi, ông không nỡ đọc tiếp “vô ngữ dữ”. Xưa, ông Ngụy Hy, một trong ba nhà văn lớn hàng đầu của Triều đại nhà Thanh khi được hỏi thế nào là quân tử, thì trả lời, ta không biết thế nào được gọi là quân tử, nhưng nhìn vào khả năng chịu phần thiệt trong mỗi việc của người ấy sẽ biết. Tôi không có ý đưa ông vào hàng quân tử, nhưng khả năng chịu thiệt thòi thì ông đã xứng đáng. Ông rời cơ quan với một tờ giấy chuyển hộ khẩu, một tờ giấy chuyển lương 56 đồng/ tháng; và chỉ thế. Ngoảnh  nhìn chung quanh thấy ra nẻo nào ông cũng bị thiệt thòi: Nẻo văn chương, nẻo chức tước, nẻo của cải...

Tôi chợt nhớ lời nói của nhân vật Nhuần trong Nước mắt đoàn viên: “Đời người thế đấy chị ạ. Cái sướng, cái khổ, cái vui cái buồn, cái được cái mất, nhiều khi cũng chẳng hiểu ra thế nào. Tôi cũng có ngờ đâu đời tôi lại đến bước này. Dù thế nào tôi cũng nhớ câu nói của chị: Tôi bây giờ chỉ sống vì con, không giúp ích gì được cho ai thì ít nhất cũng đừng làm hại ai...” 

Ông có giúp ích gì được cho ai không? Chí ít là một số người thuộc thế hệ cầm bút xuất hiện sau chiến tranh chịu ơn sự dìu dắt của ông. Còn làm hại người khác thì không. Trong ông có tính cách của một nhà nho với phẩm chất một nghệ sỹ. Cõi nhân thế ồn ào nhiều cám dỗ tiền tài, danh vọng trượt  ngoài cuộc đời ông. Cuối cùng như một lập trình của số phận, ông trở về ngôi nhà xưa cũ. Hai người con đã ra thủ đô học đại học. Hàng  ngày người vợ đi làm, ông ngồi trên cái ghế gỗ thị ông từng ngồi hơn một phần tư thế kỷ, trước mắt, trên bàn và chung quanh là những trang sách. Ông đọc hết cuốn sách này sang cuốn khác, hết cổ điển sang hiện đại, hết phương Đông sang phương Tây... Tôi có cảm giác ông đang đối chiếu thực tại nhốn nháo chung quanh ông với cõi nhân sinh trong trang sách, ông đang bị giằng xé giữa một bên là quá khứ tươi đẹp, một bên là thực tại đầy bóng tối mờ ảo. Những đêm trăng vàng lộng lẫy trên lũy tre, dòng sông dài biền biệt với những cánh buồm nâu lúc sáng sớm, với mái tóc cô thôn nữ xõa tròn trên sóng nước trong veo buổi hoàng hôn... Ông đã tận hưởng, đã đi qua vẻ đẹp của làng quê ông để đến với một hiện thực ngổn ngang mà trong đó ngập ngụa màu vôi trắng chảy giữa các mối quan hệ con người. Và không viết. Ông nhận ra, mọi thứ ở đời đang bất chấp tất cả, chuyển động với một tốc độ ghê gớm và đầy tham vọng mà chúng cũng không hiểu chúng sẽ về đâu. Ông lo cho sự chuyển động kia? Ông lo cho cuộc đời và cả nỗi sợ thêm một lần nữa bị bỏ rơi?

  Ông bảo, ông sẽ tìm kiếm vẻ đẹp bình dị và thuần khiết của con người trong thứ chuyển động kia và nâng niu nó. Tôi đọc được thật nhiều điều trong đôi mắt ông. Nhưng rồi mãi vẫn không thấy ông viết. Tôi vẫn thấy ông im lặng, ngón tay gầy giật giật những sợi tóc trên đầu. Đấy là thói quen của ông lúc đang nghĩ suy. Ông đang nghĩ gì? Tôi không biết. Im lặng vậy cho đến ngày ông vĩnh biệt vợ con,  bè bạn, bỏ Đêm thu yên tĩnhNước mắt đoàn viên về cõi vĩnh hằng.

Hai đứa con ông đều thành Tiến sỹ, người nổi danh trong làng khoa học tự nhiên, người nổi danh trong làng khoa học xã hội. Người nghiên cứu sinh ở Pháp, người dạy học ở Thủ đô Hà Nội.

Ngôi nhà lợp tranh tro, thưng phên nứa vẫn như xưa cũ, vẫn nghe tiếng lật giở những trang sách, tiếng bước chân êm nhẹ trong bầu yên tĩnh và thấy cái bóng người mảnh khảnh chầm chậm đi giữa những kệ sách.../.

 Đ.B    

. . . . .
Loading the player...