04-02-2022 - 07:15

Đôi nét Đức Ban

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Nhâm Dần 2022 trân trọng giới thiệu bài viết "Đôi nét Đức Ban" của Nhà thơ Lê Thành Nghị

Nhà văn Đức Ban

Dải đất bên ni sông Lam, từ Ngã ba Cây Da Lách trở vào, dù đã đi xa mấy chục năm, vậy mà mỗi lần trở về, tôi cứ như đứa trẻ lòng dạ chộn rộn không yên. Màu nắng trên những mái nhà hai bên đường, đám sương mù còn vương sau những rặng cây, rồi xóm làng dưới chân núi Hồng Lĩnh, làng Trảo Nha bên cạnh sông Nghèn, rú Nghèn xinh đẹp… tôi mang theo từ thuở đầu xanh tuổi trẻ, ngủ im lìm đâu đó trong mịt mùng tiềm thức, chợt như những đốm lửa bập bùng trước mặt, thấp thoáng bóng người, cả những tháng năm xa ngái.

Ngày ấy, trường cấp 3 Can Lộc, Hà Tĩnh đứng chân mạn phía Nam rú Nghèn, gồm ba dãy nhà lợp nứa bạc phếch. Tôi từ cấp 3 Phan Đình Phùng về đây nhập học lớp 9. Trong lớp có Đức Ban. Như mọi nam sinh khác,  Đức Ban sống lặng lẽ. Anh có vẻ khó giao tiếp với các bạn, với các bạn nữ thì nhát chẳng khác gì thằn lằn mồng 5. Nhưng Đức Ban học đều các môn, học giỏi môn văn.

Năm 1966, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng cả nước. Trường chúng tôi đi sơ tán tận Kẻ Cài cách Nghèn hơn chục cây số. Một mùa hè chiến tranh cực nhọc nhưng mà vui. Đêm đêm thầy trò kìn kìn khuân vác bàn ghế, tre nứa từ trường cũ lên khu sơ tán, rôi đào hầm, đào giao thông hào, dựng lán làm lớp học. Những buổi học trong những cái lán nửa chìm nửa nổi, nghe vọng đến tiếng bom xa. Nghe rào rào đất đá đổ xuống mỗi khi bom nổ gần.

Thầy chủ nhiệm lớp chúng tôi dạy môn chính trị. Dáng bệ vệ, tóc húi cua, hai má chảy xệ như quan phụ mẫu. Vì dạy môn chính trị, chuyên giảng giải về “hai phe”, trong đó có “phe tư bản giãy chết” nên thầy khá nguyên tắc, và là nỗi ám ảnh của chúng tôi, những đứa trẻ không may dính líu với “thành phần”. Gia đình Đức Ban hồi cải cách ruộng đất bị quy sai địa chủ. Tôi thì ông nội, ông ngoại cũng đều là địa chủ kháng chiến. Dù cải cách ruộng đất đã diễn ra hơn mười năm trước đó nhưng ảnh hưởng của nó còn nặng nề. Lứa trẻ chúng tôi lúc đó (lúc CCRĐ) tuổi chín, tuổi mười tuy nhận thức chưa thật đầy đủ nhưng trí nhớ thì chắc chắn không bỏ qua dù một chi tiết nhỏ nào. Chúng tôi cùng với một số bạn khác trong lớp có “dính” tí thành phần như vậy nên ít được thầy tin tưởng, động viên. Ngay cả việc đi đào hầm trú ẩn giúp gia đình thầy, thầy cũng lựa chọn những bạn gia đình bần cố nông. Chúng khỏe hơn và theo thầy nghĩ có lẽ đáng tin cậy hơn. Tôi và Đức Ban không được lựa chọn.

Tuy không ai nói ra nhưng tôi linh cảm được những đứa bị dính líu với “thành phần” đều phải âm thầm cố gắng hơn các bạn khác, để tự vượt lên chính mình. Có lẽ cùng “cảnh ngộ” nên trong lớp học tôi cảm thấy thân thiết với Đức Ban hơn. Tôi để ý Đức Ban cũng đang âm thầm cố gắng như tôi. Từ bộ quần áo mặc trên người “dân dã” hơn. Từ cách nói năng vui đùa trong giờ nghỉ giữa hai tiết học hình như cũng e dè, ý tứ hơn. Nhưng Đức Ban nghịch ngầm. Cứ nhìn vào đôi mắt thì biết. Và không chỉ nghịch ngầm, tôi còn nhận ra nghị lực có thừa trong đôi mắt ấy.

Đầu tháng ba năm 1966, chúng tôi học lớp 10. Qua mấy kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, tôi và Đức Ban được Ty Giáo dục mời tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi văn cấp Quốc gia. Đội tuyển gồm 7 học sinh từ các trường cấp 3 trong tỉnh tập trung về trường cấp 3 Hương Sơn do thầy Lê Đức Định (Giáo viên cấp 3 Hương Sơn) và thầy Trần Văn Kính (Giáo viên cấp 3 Đức Thọ) giảng dạy. Để đến được “lò” luyện thi ngày đó, chúng tôi phải đi đêm vì ban ngày giặc Mỹ ném bom dữ dội. Quãng đường hơn năm chục cây số, đêm tối lờ mờ, tiếng máy bay ì ầm. Tiếng bom nổ lúc gần, lúc xa. Pháo sáng chốc chốc lại bung lóe xanh lét, lơ lửng trước mặt, sau lưng. Máy bay Mỹ đang tập trung bắn phá từ Ngã ba Đồng Lộc lên Linh Cảm nên chúng tôi không theo đường số 8 mà phải tìm cách đi tắt qua những ruộng mía, những vạt ngô, có lúc lạc cả vào nhà dân. Đêm tháng 3 trăng sao bơ thờ, gió từ sông Ngàn Phố thổi lên khá lạnh nhưng mồ hôi ướt đẫm sau lưng. Để tránh Cầu Nầm, nơi thường bị Mỹ ném bom tọa độ, chúng tôi phải qua Đò Choi sang Sơn Hòa rồi từ Sơn Hòa sang Sơn Ninh để đến nơi tập trung Sơn Bằng. Tôi và Đức Ban được ở trọ cùng nhà. Một tháng “lên núi” tầm sư học đạo rồi “lều chõng thi cử” để lại cho tôi nhiều cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của văn chương. Chắc chắn Đức Ban cũng vậy.

Rồi năm học lớp 10 cũng kết thúc. Đức Ban học giỏi nhưng không được đi học Đại học vì lý lịch dính líu “thành phần”, trong khi hầu như tất cả học sinh lớp 10 khóa 1965-1966 ấy, đều vào Đại học hoặc đi nước ngoài. (Hồi này học sinh tốt nghiệp lớp 10 được tuyển thẳng vào Đại học). Một “sang chấn tinh thần” đáng kể đối với tuổi mới lớn, tuổi chuẩn bị “vào đời” nếu gặp phải tình cảnh tương tự. Đức Ban chịu đựng điều này khá tốt. Qua mùa hè buồn bã đó, trải 5 năm anh làm đủ nghề từ cày cấy, gặt hái đến đóng gạch, chữa xe đạp, chèo thuyền, đi xe đạp chở hàng thuê cho Cửa hàng Công nghệ phẩm, đến làm Kế toán Hợp tác xã Thủ công nghiệp, dạy Bổ túc văn hóa…ở quê, nhất quyết không cho số phận an bài. Anh làm đơn gia nhập Thanh niên xung phong. Có lẽ Đức Ban nung nấu viết văn từ lúc ấy.

Rồi những bút ký, những truyện ngắn đầu tiên Đức Ban viết về TNXP in trên báo, tạp chí địa phương và Trung ương minh chứng cho điều tôi nói trên kia: nghị lực trong đôi mắt của một người không may mắn. Từ TNXP Đức Ban chuyển về Hội Văn nghệ Hà Tĩnh viết văn và biên tập văn chương. Sáu năm sau, anh được cử đi thi vào Khóa 2, Khoa Viết văn trường Nguyễn Du. Ngày nhập học Đức Ban mang theo con trai đầu lòng đến lớp (Cháu Phạm Đức Sơn sau này là phóng viên của báo Pháp luật). Bố con “cơm niêu nước lọ” vừa dành dụm từng xu dầu, từng cọng dưa, quả cà…, những thứ “hiện thực sát đất” tối cần thiết nhưng cũng cực kỳ khó kiếm những ngày bao cấp, vừa lên lớp nghe những lời cao siêu mây gió của triết học, mỹ học. Mấy ai trải qua cảnh ngộ ấy mà không khỏi tâm trạng lẫn lộn khấp khởi, hy vọng và lao lung, lo lắng?

Ngày ấy tôi đang công tác tại Tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Cơ quan kết nghĩa với một cơ sở nuôi tằm, làm đậu phụ tận Đan Phượng, Hà Tây. Hàng tuần anh em trị sự lại mua rẻ được một ít nhộng tằm, một ít đậu phụ chia cho cán bộ công nhân viên cơ quan. Trên đường đi làm về, thỉnh thoảng tôi lại mang cho bố con Đức Ban khi thì dăm bìa đậu, khi thì vài lạng nhộng tằm. Khu tập thể nơi học viên Khoa Viết văn Nguyễn Du ở trọ là dãy nhà lá dột nát, nhếch nhác. Ngay sát trước nhà là ao bèo tây nước bẩn duyềnh lên quanh năm suốt tháng. Chuột trèo lên, trèo xuống sục sạo cả ban ngày. Muỗi bay rù rì như ong. Học viên hai người một căn phòng tuyềnh toàng, phòng nọ nhìn thấu tận phòng kia. Nồi niêu, chai lọ, bếp dầu, mớ rau, giày dép…tất tần tật đủn xuống gậm giường. Đúng là “Lôi thôi tử sỹ vai đeo lọ” (TX). Nhưng anh nào anh ấy mắt sáng như sao, thơ phú đầy mình, có điều mặt mày xanh xao, hốc hác vì cái đận đói tám mốt, tám hai chưa kịp hoàn hồn. Năm ấy, câu cửa miệng của mọi người là: “Năm tám mốt (1981) gạo lên tám mốt (tám mốt đồng một kí lô)/ Dân xứ Nghệ mặt vàng như nghệ”. Đức Ban là “dân xứ Nghệ” thứ thiệt. Vậy mà anh qua được 3 năm đèn sách của Khoa Viết văn trường Nguyễn Du ngon lành, lại còn được kết nạp Đảng ngay trong thời gian học. Đến đây thì bạn đọc có thể bớt đi sự nghi ngờ khi trên kia tôi đã viết: Cứ nhìn vào đôi mắt ấy, tôi thấy thừa nghị lực!

Nhớ ngày nhà tôi trên tầng 4 trong một khu tập thể cũ kỹ ở Hà Nội, thường xuyên thiếu nước dùng. Mỗi lần máy bơm tập thể hoạt động, nhà nào nhà nấy vội vã chuẩn bị các thứ nồi niêu, soong chậu xủng xoảng nhất loạt hứng nước…Dè xẻn cũng chỉ dùng đủ nửa ngày. Con còn bé, giặt giũ, tắm táp nhiều, cơ cực vô cùng. Đức Ban đến chơi, bảo “đi xin gạch về tôi xây hộ ông cái bể nước”. Tôi không nghĩ cái rẻo hành lang bé tí bên cạnh nhà vệ sinh kia lại có thể xây được bể nước. “Xây được”, nói rồi Đức Ban và tôi đạp xe ra công trường xây dựng ở Láng Hạ, chỗ ông anh của Đức Ban đang phụ trách thi công xin gạch, xi măng, mượn luôn cả bay, bàn xát… Cái bể nước ấy được xây bằng gạch nghiêng, cao gần đến ngực, bề ngang chừng 40 phân. Mỗi lần chất đầy nước tôi cứ lo sẽ đổ sập. Vậy mà không sập. Thì ra Đức Ban từng có 4 năm “luyện chưởng” xây cất thời ở quê nên thừa kinh nghiệm. Khoản này Đức Ban hơn đứt tôi.

Nhớ ngày chị Bình, người bạn đời của Đức Ban ra điều trị tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trưa nào tôi và Đức Ban cũng đi ăn cơm bụi rồi mua thêm một suất đưa vào bệnh viện cho chị. Có người nhìn thấy tôi xách phích nước, cặp lồng cơm theo Đức Ban vào tận giường bệnh của chị Bình, nghĩ rằng tôi có “phòng nhì” nên đánh tiếng để nhà tôi dè chừng. Tôi bị bí mật theo dõi cho đến khi mọi sự sáng tỏ. Ở đời đôi khi có thể bị oan một chút, nhưng oan mà vui!

Đức Ban là người trọng tình. Quê mình từ bờ Nam sông Lam đến Đèo Ngang nghèo gì thì nghèo nhưng không nghèo nghĩa khí, không nghèo tình cảm, không nghèo lãng mạn. Cứ ngẫm từ thời các Cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ rồi gần hơn các thi sỹ Xuân Diệu, Huy Cận…thì biết: càng nghèo thì càng bao la tình thương, càng tình tứ, lãng mạn. Cứ nghe những làn điệu dân ca cổ truyền, những ca khúc viết về con người và đất đai Hà Tĩnh thì biết: càng nghèo càng vương vấn, càng thương cảm “đi mô rồi cũng nhớ về”. Những năm tháng ấy, Tạp chí Hồng Lĩnh, nơi Đức Ban công tác thường là địa chỉ để kẻ đi xa nhớ về, người đi qua ghé lại. Đức Ban được bạn bè văn nghệ trong Nam, ngoài Bắc kéo đi mút mùa bia rượu. Tôi ít về nhưng mỗi lần về, sau đôi ba câu chuyện là đưa nhau ra quán lòng lợn trong chợ Tỉnh. Bệnh “gút” mà tôi và Đức Ban cùng mang trong người hôm nay có lẽ một phần bắt nguồn từ thói quen “khoái khẩu” ngày ấy.

Sau hơn năm chục năm làm báo, viết văn, rồi quan chức… Đức Ban để lại hơn hai chục đầu sách, đa phần là văn xuôi: Sương mù chưa tan (Truyện vừa), Nơi có chuyện cổ tích (Tập truyện ngắn), Trăng vỡ (Tiểu thuyết), Đêm thức (Tập truyện ngắn), Cây cải lên trời (Tập truyện ngắn), Mạng nhện bạc (Truyện vừa), Khúc hát ngày xưa (Tập truyện ngắn), Chuyện vẫn còn (Tập truyện ngắn), văn xuôi cho thiếu nhi: Hoa cúc vàng, Con Mèo mun và kịch bản văn học: Những người nghĩa khí … Trong đó chùm tác phẩm Trăng vỡĐêm thức được giải thưởng Nhà nước năm 2016. Văn xuôi của Đức Ban giàu tính thế sự, giàu tính biểu tượng (Trăng vỡ, Giọt nước mắt màu đất, Mạng nhện bạc), cập nhật những vấn đề nhức nhối của xã hội như nạn tham nhũng, xâm chiếm đất đai, thói hám chức quyền của một số cán bộ, lý giải những thân phận bé mọn của con người… Con sông Nhe qua làng anh lấp loáng trong văn xuôi Đức Ban, hình như thường mang chở tâm trạng buồn vui của tác giả. Tôi đã từng đứng trên cây cầu qua con sông ấy, gần nhà anh. Dưới chân cầu nước đang trôi mải miết. Chao ôi, biết mấy năm tháng đã biền biệt trôi qua. Gần một đời người cũng theo đó mà một đi không trở lại. Ở đời ai biết được thế nào là hơn là thua, là mất là được. Được một cũng là được, được trăm nghìn cũng là được. Và có con đường nào có sẵn trên mặt đất đâu. Lỗ Tấn nói: “Đi mãi thì thành đường”. Văn chương càng không có con đường có sẵn. Chỉ có điều nếu đã dấn thân vào văn chương, không “đi mãi” như vậy thì coi như bỏ cuộc. May thay, với nghị lực có thừa, Đức Ban vẫn mải miết trên con đường đã chọn và nhiều phen cán đích. Mừng cho anh.

Hà Nội tháng 12 năm 2021

L.T.N         

. . . . .
Loading the player...