24-02-2022 - 10:42

NHÀ VĂN XUÂN ĐÀI ĐÃ VỀ CÕI VĨNH HẰNG

Nhà văn Xuân Đài, sinh năm 1936, tên đầy đủ là Lê Xuân Đài, quê người làng Xa Lang (Nay là Sơn Tân), Hương Sơn, Hà Tĩnh, là Hội viên Hội Nhà văn TPHCM đã từ trần vào ngày 16/02/2022 tại quê nhà. Ông được biết đến qua các tác phẩm: Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ (truyện dài), Tạ tội (thơ), Tuổi thơ kiếm sống, Chuyện cà kê (Chuyện kể), Ba người trong hẻm đuôi voi, Hai người đàn ông và người đàn bà ở phố Hàng Đào (Tập truyện ngắn). Trong các tác phẩm xuất bản, Xuân Đài được người đọc chú ý nhiều hơn cả là tập "Cà kê kể chuyện Phùng Quán & tôi".  Ban Chấp hành Hội VHNT Hà Tĩnh xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến với người thân và gia đình nhà văn Xuân Đài và xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê về ông như một lời tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng.

 

 

NHÀ VĂN XUÂN ĐÀI ĐÃ VỀ CÕI VĨNH HẰNG

 

Nhà văn Xuân Đài đã “đi theo” nhà văn Phùng  Quán

Nhà văn Xuân Đài vừa lặng lẽ giã biệt cuộc đời vào ngày 16-2, thoát khỏi “Tuổi già phiền muộn” như tên một tiểu thuyết chưa in của ông.

Bạn đọc đã biết chuyện tình bạn giữa nhà văn Xuân Đài và nhà văn Phùng Quán qua cuốn sách Phùng Quán & Tôi (NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2020) – tác phẩm cuối cùng của Xuân Đài.

Phùng Quán đã rời “cõi tạm” năm 1995 rồi về yên nghỉ trên ngọn đồi quê hương mình (xã Thùy Dương, TP Huế); còn Xuân Đài, đến nay mới “đi theo” bạn.

Xuân Đài qua đời trong một hoàn cảnh khá buồn tại quê nhà (làng Xa Lang, xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Làng quê tôi và quê Xuân Đài ở hai bên dòng sông Phố, nhưng mãi nhiều năm về sau, khi anh gửi in một số truyện ngắn trên tạp chí Sông Hương, tôi mới có nhiều dịp gặp anh, mới biết anh từng viết truyện dài Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ – NXB Kim Đồng in năm 1967 và đã tái bản nhiều lần.

Tôi viết Xuân Đài “đi theo” Phùng Quán là do từ thời trẻ, nhờ kết bạn với Phùng Quán khi Phùng Quán nổi danh với tác phẩm Vượt Côn Đảo, Xuân Đài mới vượt qua những năm gian khó thuở “vào đời”, quyết theo nghiệp văn chương và báo chí, rồi có tác phẩm đầu tay về nhà cách mạng tiền bối Hoàng Văn Thụ.

Phùng Quán là nhà văn được nhiều người mến mộ, nên khi đưa di hài Phùng Quán về quê, theo lời kêu gọi của nhà thơ Ngô Minh, bạn đọc khắp nơi đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây nên khu mộ hoành tráng cho cả chị Bội Trâm ở ngọn đồi bên con đường nay mang tên Phùng Quán.

Còn Xuân Đài, cuối năm 2021, về quê lặng lẽ, khi biết mình “sức cùng lực tận”, không muốn làm người “cháu họ” mang gánh nặng, nếu ông qua đời tại nhà trọ ở Đồng Nai. Và đêm 16-2, Xuân Đài đã đột ngột chia tay tất cả trong căn nhà nhỏ vừa xây ở quê nhà mấy tháng trước, không có vợ con, người thân bên cạnh!

Một ngày sau đó, bà con làng xóm xã Sơn Tân đã tiễn nhà văn ra chân dãy Thiên Nhẫn. Kể ra, gần chạm tuổi cửu tuần và ốm yếu như Xuân Đài, dễ có mấy ai chọn được cách rời bỏ “Tuổi già phiền muộn” một cách có thể nói là nhẹ nhàng tại quê nhà như vậy.

Tôi nhắc Tuổi già phiền muộn vì trên trang bìa 4 cuốn tự truyện Tuổi thơ kiếm sống của Xuân Đài (NXB Kim Đồng in năm 2013 với số lượng trên 20.000 cuốn do Nhà nước đặt hàng cho thiếu nhi vùng sâu vùng xa cả nước), có công bố hai tiểu thuyết “đang in” và “sắp in” (Tuổi già phiền muộn và Ngõ nhỏ tình người).

Trong lần trò chuyện với Xuân Đài khi ông còn ở trong một chung cư quận 5 (TP.HCM), Xuân Đài “bình luận” về cuốn tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường của tôi vừa in và nói đại ý: “Mình cũng đang viết dở một cuốn… Không biết có nơi nào chịu in không…”.

Tôi đã liên hệ được với người cháu đang giữ “di sản” của Xuân Đài và nhờ cô tìm hộ… Và biết đâu, khi trang viết này lên báo, sẽ có một nhà xuất bản thông báo là đang giữ bản thảo chưa in của ông!

Tôi cũng vừa chuyển thông tin về Xuân Đài cho Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Hy vọng nơi yên nghỉ của nhà văn ở chân dãy Thiên Nhẫn sẽ được sưởi ấm trong tình quê hương và tình đồng nghiệp của bạn bè gần xa…

Về năm sinh của Xuân Đài, trang trieuxuan.info ghi là năm 1936. Nhà văn Triệu Xuân từng là người biên tập cuốn truyện Hai người đàn ông và người đàn bà ở phố Hàng Đào của Xuân Đài khi ông còn công tác ở NXB Văn Học. Nhưng trên cuốn Tự truyện in năm 2013 và cuốn Phùng Quán & Tôi ghi năm sinh Xuân Đài là 1934… Theo tôi, năm sinh 1934 là đúng.

Theo tác giả Huy Thắng (trong bài viết năm 2005 tại trang “Hội ngộ văn chương”), Xuân Đài là sinh viên lớp báo chí khóa đầu tiên ở miền Bắc với Trần Hoài Dương, Hoàng Quốc Hải, Bùi Bình Thi, Phan Thị Thanh Nhàn… – những cây bút trẻ về sau đều nổi tiếng.

 

Nguyễn Khắc Phê

. . . . .
Loading the player...