10-01-2024 - 01:17

Nhận diện, phê phán những biểu hiện lệch lạc trong sáng tác văn học ngày nay

Tạp chí Hồng Lĩnh số 208 tháng 12/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Nhận diện, phê phán những biểu hiện lệch lạc trong sáng tác văn học ngày nay” của Phan Ngọc Khuê

Đời sống văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới chứng kiến nhiều thành tựu, cách tân quan trọng cả trên phương diện tác gia, tác phẩm, trào lưu, thể loại và tư duy nghệ thuật. Nền văn học nước nhà trong hơn 30 năm vừa qua chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt từ góc độ nội dung, lẫn thi pháp biểu hiện và tư tưởng nghệ thuật. Có thể nói, mỗi giai đoạn của lịch sử văn học Việt Nam có một thành tựu riêng, gắn với bối cảnh xã hội và tinh thần thời đại, song cũng có thể nhận định không một chút cường điệu rằng, chưa có giai đoạn nào mà hơi thở đương đại của thế giới, quá trình toàn cầu hóa văn học lại diễn ra mạnh mẽ như giai đoạn hiện nay. Chính điều này đã giúp cho văn học Việt Nam đương đại không còn là kẻ đi sau thời đại, mà đã từng bước bắt kịp với những quan điểm, trào lưu, xu hướng sáng tạo mới nhất. Tuy vậy, mỗi sự phát triển luôn bao hàm mặt trái của nó. Dưới quan điểm biện chứng, mỗi giai đoạn văn học đều có những giới hạn tất yếu cần thẳng thắn chỉ ra nhằm khắc phục, từ đó hạn chế tối đa những tác hại có thể gây ra cho bạn đọc nói riêng và đời sống tinh thần xã hội nói chung. Trong khuôn khổ một tiểu luận ngắn, tôi tạm chỉ ra năm vấn đề lệch lạc trong đời sống văn học hiện nay từ quan điểm của cá nhân mình.

1. Một trong những vấn đề tiêu cực trong đời sống sáng tác văn học vừa qua cần chỉ ra, đó là vấn đề đạo văn, ăn cắp ý tưởng trong sáng tạo. Đạo văn là vấn đề không mới trong lịch sử văn học. Đạo văn còn được xem như một thủ pháp đặc thù trong thuyết liên văn bản. Nhiều nhà văn hậu hiện đại trên thế giới còn công khai trích dẫn, cắt dán hay “đạo văn” đồng nghiệp. Song đó là khi đạo văn được ý thức như một thủ pháp văn học, nó được công khai thừa nhận trên bề mặt của tác phấm. Còn đạo văn trong đời sống văn học nước ta hiện nay lại biểu hiện cho thói háo danh, sự lười biếng trong tư duy sáng tạo. Nói cách khác, nó là một thói tật ăn cắp trong tư duy sáng tạo. Điều làm cho bạn đọc cảm thấy thất vọng và cá nhân tôi cảm thấy nghiêm trọng trong những vụ việc đạo văn gần đây, đó là nhà văn đi đạo văn vốn dĩ là những người có thực tài, hoàn toàn có khả năng tự sáng tạo nên đứa con tinh thần cho mình, thậm chí có nhiều người còn sớm khẳng định tên tuổi trên văn đàn, được bạn đọc yêu mến. Có tác phẩm đạo văn còn nhận được giải thưởng văn học danh giá. Điều này khiến tôi cảm thấy khó hiểu và nghi ngờ về chất lượng những giải thưởng văn học của nước ta trong thời gian gần đây. Bởi gần như các tác phẩm được giải, rồi thu hồi giải, hay rút khỏi giải, hoặc “tạm thu hồi” giải vì những sự cố liên quan đến đạo văn nhưng các vị giám khảo đáng kính khi chấm đều không thể phát hiện ra. Những vụ việc này phát giác đều nhờ công luận, hoặc do nạn nhân bị đạo văn chỉ ra/ tố cáo sau khi giải thưởng đã được trao. Không rõ quí vị giám khảo giải thưởng văn học ấy có đọc (kỹ) hay không, hay họ chỉ dựa vào những bản tóm tắt, lời khen tặng, hay lời giới thiệu sách hoặc chỉ đạo (miệng) của một ai đó để trao giải. Nếu quả thực có đọc kỹ tác phẩm rồi mà vẫn không nhận ra những lỗi đạo văn, chúng ta - những bạn đọc có quyền nghi ngờ về vốn tri thức, kiến văn và tầm văn hóa, cũng như khả năng theo dõi đời sống văn học của những giám khảo ấy.

Hẳn tôi không cần nêu ra những vụ việc đạo văn gây xôn xao dư luận gần đây một cách chi tiết nữa, vì bạn đọc văn học chân chính đã có quá nhiều thông tin về những scandal văn học này, chúng ta hoàn toàn dễ dàng có thể tìm thông tin trên mạng internet. Tiêu biểu có thể kể đến truyện ngắn Biến mất của Kai Hoàng đạo lại truyện ngắn Những biển của Nguyễn Ngọc Tư; bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư đạo thơ bài Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan; vụ truyện ngắn Buổi sáng biến mất của Ngô Phan Lưu bị tác giả Hữu Thịnh xào lại; truyện ngắn Máu của lá của Phạm Minh Phong đạo gần như trọn vẹn truyện ngắn Người sót lại của rừng cười của Võ Thị Hảo; một loạt những nhà văn Việt Nam đương đại có tiếng tăm như Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Phan Quế Mai… đều là nạn nhân của nạn đạo văn. Đạo văn vốn là vấn nạn  kinh niên chưa có lời giải trong nghiên cứu văn học trường quy, trong những công trình lý luận phê bình văn học, đặc biệt là những luận án thạc sĩ, tiến sĩ, nay lại có xu hướng trở nên phổ biến trong giới sáng tác văn học. Từ chỗ đôi ba bài thơ lẻ tẻ “ý tưởng lớn gặp nhau” hoặc “cầm nhầm ý tưởng”, nay đạo văn có xu hướng “lấn sân” sang cả văn xuôi bao gồm truyện ngắn và cả tiểu thuyết. Với văn xuôi, việc đạo văn rõ ràng là một quá trình “dụng điển” có ý thức, được thực hiện với chiến lược ăn cắp tinh vi trong sáng tạo, chứ không thể là “vô thức nhớ nhầm” (có thể có) như trong sáng tạo thơ ca vốn dựa nhiều vào cảm xúc.

2. Vấn đề nổi cộm, lệch lạc trong đời sống văn học thời gian qua cũng cần chỉ ra đó là việc hư cấu lịch sử vượt ra khỏi logic của sự thật và bối cảnh xã hội thực tiễn của lịch sử. Xin nói ngay rằng tôi là người chủ trương và cổ xúy cho những sáng tạo văn học với tư cách là những hư cấu, ngay cả trong địa hạt những tác phẩm “viết về” hay “có yếu tố lịch sử”. Tôi từng có những tiểu luận chuyên sâu về hư cấu lịch sử, trong đó đồng ý rằng (một số) nhà văn chỉ sử dụng lịch sử như một phông màn, một cái móc áo để trình bày quan điểm thời cuộc của mình, hay lịch sử chẳng qua cũng chỉ là một “hư cấu” như chính bản thân diễn ngôn văn học. Nói như vậy, song viết về lịch sử không thể viết tùy tiện, sáng tạo hư cấu như thế nào cũng được. Nhà văn viết về lịch sử có thể sáng tạo ra tâm lý, ngôn ngữ, tư tưởng, tình cảm cho những nhân vật lịch sử nổi tiếng có thật, thậm chí có thể hoàn toàn sáng tạo ra thêm một vài nhân vật hư cấu để làm rõ hơn dụng ý nghệ thuật của mình, như Nguyễn Xuân Khánh đã làm trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly. Nhưng nhà văn viết về lịch sử buộc phải nghiên cứu kĩ bối cảnh xã hội của thời điểm lịch sử mà tác phẩm đề cập đến. Đặt một loài cây, một đồ vật, một chi tiết, một sự kiện chưa/không thể có ở thời điểm lịch sử mà tác phẩm miêu tả, thì đó nhất định là một lỗi sáng tạo, một nhầm lẫn kém cỏi, chứ không thể ngụy biện dưới cái ô “sáng tạo không giới hạn về lịch sử”, hay thậm chí là cả thủ pháp “hư cấu siêu sử ký” (Historical Fiction) của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong văn học hậu hiện đại, những nhà văn như Issac Bashevis Singer, Donald Barthelme có chủ ý và công khai ngay từ đầu những hư cấu lịch sử phi lý, cố tình trộn lẫn các sự kiện, nhân vật vào những bối cảnh xã hội khác nhau. Còn ở ta, đơn giản là những nhà văn có sự “nhầm lẫn”, sai sót về thời điểm và văn hóa lịch sử trong sáng tạo.

Đơn cử trong tác phẩm tiểu thuyết lịch sử Hội thề của Nguyễn Quang Thân (Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2010), ngay mở đầu tác phẩm đã có cảnh hai người Việt Nam phi ngựa giữa rừng ngô/bắp (Zea mays L. ssp. Mays) thì đó là nhầm lẫn. Vì cây ngô là cây bản địa Nam Mỹ, nó chỉ được người châu Âu mang về Cựu thế giới sau mốc 1492 (thời điểm C.Columbus tìm ra châu Mỹ). Chắc chắn thời Lê Lợi ở Việt Nam không thể có cây ngô được, vì nó không phải là cây bản địa của dân tộc chúng ta. Hoặc gần đây, cuốn tiểu thuyết Gió bụi đầy trời (Giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam) của nhà văn Thiên Sơn viết về thời điểm lịch sử 1945 với những nhân vật lịch sử chính như đại tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch Hồ Chí Minh… đã bị/ được nhà báo Kiều Mai Sơn chỉ ra với vô vàn lỗi nhầm lẫn lịch sử. Một ví dụ tiêu biểu, theo Kiều Mai Sơn, nhà văn Thiên Sơn cho Boudarel đi máy bay gặp Phạm Quỳnh là phi lịch sử. Trên thực tế, năm 1947 thì Boudarel mới đến Việt Nam, vào thời điểm ấy thì Phạm Quỳnh đã trở thành người thiên cổ thì làm sao có thể gặp gỡ. “Ở đây cho thấy, dù anh có hư cấu thì cũng không thể tùy tiện cho các nhân vật lịch sử khác thời gian gặp nhau được”.

3. Trên một phương diện khác, hiện tượng nhiều nhà văn thường chủ trương sử dụng các chi tiết sex, kinh dị, những chất liệu ngôn từ suồng sã, dung tục quá nhiều trong tác phẩm đã tạo ra nhiều hệ lụy, tác hại đối với đời sống tinh thần bạn đọc. Việc xuất hiện yếu tố sex, kinh dị hay từ tục trên văn đàn thế giới, trong sáng tác của các bậc thầy văn học là không hiếm. Đơn cử trường hợp của François Rabelais, Gabriel García Márquez, Michel Houellebecq, Vladimir Nabokov, Elfriede Jelinek, Marguerite Duras, Haruki Murakami… Nhưng yếu tố sex, từ tục hay kinh dị, huyền ảo xuất hiện trong tác phẩm của những bậc thầy văn học không phải để câu khách, để đánh vào bản năng tầm thường của bạn đọc nhằm bán sách hay mua danh, mà là những thủ pháp nghệ thuật có tính tư tưởng, có quan niệm thẩm mỹ nhất định. Ngược lại, rất nhiều tác phẩm văn học đương đại của Việt Nam hiện nay chủ yếu chỉ tập trung và sex, kinh dị, hay sử dụng từ tục nhằm gây scandal nhằm nổi tiếng và bán sách. Tiểu thuyết Sợi xích của diễn viên Lê Kiều Như có thể là ví dụ tiêu biểu. Một loạt tự truyện của những người đồng tính, với những cảnh làm tình trần trụi cũng cổ xúy cho xu hướng tiêu cực này. Sau đó là những tự truyện ít chất văn học mà nhiều chất giật gân, đi vào những đời tư tính dục, những cuộc tình chóng vánh như Một đời giông bão (Thương Tín), Yêu và sống (Lê Vân), Lột xác (Lâm Khánh Chi)…

Ngay cả một nhà văn thành danh và có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nguyễn Quang Lập cũng cho thấy sự nghèo nàn trong sáng tạo vào giai đoạn cuối của sự nghiệp, bằng cách hướng ngôn ngữ văn xuôi của mình theo hướng khẩu ngữ, suồng sã và lắm chỗ tục tĩu quá trớn. Chuyện nhà quê có thể là ví dụ tiêu biểu cho sự xuống cấp về ngôn ngữ mà chúng tôi muốn nói đến. Ranh giới giữa thanh và tục, giữa thủ pháp nghệ thuật với sự non kém nghệ thuật, vấn đề đạo đức trong sáng tạo văn học luôn rất khó để minh/ nhận định. Cùng một từ, một bối cảnh, một hành vi, nhưng ở nhà văn có tài, có tâm, thì nó có thể là một sáng tạo, ngược lại, với những nhà văn kém tài, hoặc có tài song tâm không sáng, thì nó chỉ đơn thuần là một chiêu trò để thu hút độc giả.

4. Vấn đề lệch lạc thứ tư trong sáng tác văn học chúng tôi muốn đề cập và nhấn mạnh đến, đó là kiểu sáng tạo theo bản năng, viết văn “cứ hay là được”, “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Rất nhiều nhà văn hiện nay, cả thế hệ già lẫn thế hệ trẻ cố chấp tin rằng tài năng thiên bẩm của họ sẽ là tấm hộ chiếu thông hành suốt đời trên con đường văn chương. Họ chẳng cần bất kỳ một visa nào để đi vào những thế giới khác của nghệ thuật đương đại thế giới. Có nghĩa là, nhà văn cứ viết theo cảm xúc, nhận thức cá nhân là được, không cần đọc nhiều các tác giả đồng nghiệp, đọc văn học thế giới lại càng viển vông xa vời, tất nhiên không cần đọc các tri thức xã hội nhân văn hay khoa học tự nhiên làm gì cho mất thời gian. Những lý thuyết văn học, những trào lưu, trường phái văn học thế giới lại càng xa xỉ đối với nhà văn Việt Nam. Điều này dẫn đến hiện trạng những sáng tác văn học Việt Nam thiên về miêu tả vấn đề địa phương, về suy tư cá nhân, thời gian bị tù đọng. Những nhà văn dẫu tài năng nhất cũng sớm tàn lụi, hoặc mất đi sức sáng tạo, sự cương mãnh trong tư duy nghệ thuật sau khi những tác phẩm đầu tay đã gây xôn xao văn đàn, hứa hẹn một sự nghiệp tươi sáng. Họ đã không thể đi xa và đi lâu dài trong thế giới nghệ thuật khi tác phẩm thiếu đi tính tư tưởng, tính thời đại, những kiến thức đương đại về lý thuyết văn học và những quan điểm mỹ học, triết học mới.

Những trường hợp như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Đặng Thân, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Văn Cầm Hải hay Vi Thùy Linh ngày nay có thể vẫn có những tác phẩm đáng chú ý, hoặc tác phẩm bán chạy trên thị trường sách, song họ đã không còn là người tiên phong, người dẫn đầu cho một thời đại văn học mới. Đơn giản hơn, họ đã không vượt qua được cái bóng của chính mình trong quá khứ. Chính vì ít đọc, nhất là ít đọc những kiệt tác văn học thế giới đương đại cùng những lý thuyết văn học, trào lưu và trường phái văn học mới thế giới, nên rất nhiều nhà văn ngộ nhận trong sáng tạo. Nhiều điều tưởng chừng mới mẻ trong sáng tạo của họ thì thật ra trên thế giới đã có từ lâu. Nhiều nhà văn trẻ tin rằng cứ chửi tục, chửi thề, giải thiêng, viết tùy tiện và báng bổ thần tượng, cứ suồng sã thì đó là đang sáng tạo theo trào lưu chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism). Trong khi họ không hiểu nền tảng xã hội, cơ sở triết học cùng những thủ pháp, thi pháp đặc thù của văn học hậu hiện đại. Thơ Tân hình thức cũng không hề mới đối với văn học Anh, Mỹ, song ở nước ta rất nhiều người tung hê như đó là một khám phá thể loại, một chủ trương cách tân thi pháp thơ mang tính tiên phong.

5. Điều làm tôi lo lắng đối với đời sống văn học Việt Nam hiện nay, tạo ra những hạn chế và lệch lạc không nhỏ, đó là bộ phận văn học mạng. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, “thế giới phẳng” theo cách nói của Th. Friedman, nơi chứng kiến thân phận của tri thức bị biến thành hàng hóa và được chu chuyển, buôn bán trên mạng internet. Trong cuộc cách mạng hậu công nghiệp, cách mạng 4.0 này, internet, computer đang trở thành động lực phát triển và công cụ sản xuất chính. Nhà văn viết bằng bàn phím và 10 đầu ngón tay chứ không dung bút giấy truyền thống nữa. Mạng xã hội trở thành cộng đồng diễn giải chính, là không gian khả thể để nhà văn tồn tại, thay vì thế giới của thực tại. Thế giới ảo đang dần lấn át thế giới thực, từ đó những tác gia và tác phẩm văn học mạng bước ra văn đàn, lấn át những nhà văn truyền thống. Hàng loạt những nhà văn được đông đảo bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ/nhỏ tuổi hiện nay yêu mến cuồng nhiệt là nhà văn mạng. Họ chiếm lĩnh thị trường sách một cách áp đảo so với văn học viết truyền thống. Đa phần họ đều trẻ tuổi, thông minh, có tài năng. Đơn cử có thể kể đến Hamlet Trương, Iris Cao, Hà Kinh, Gào, Keng,  Anh Khang, Trang Hạ… ngay cả nhiều nhà văn có tên tuổi từ trước hiện nay cũng hoạt động mạnh trên nền tảng mạng như  Nguyễn Phong Việt, Đặng Thân, Nguyễn Quang Lập, Văn Công Hùng…

Tuy nhiên, mặt trái của văn học mạng, xuất phát từ đặc trưng trong tiếp nhận và bản chất của ngôn ngữ, đó là nặng về tính giải trí, tính truyền thông đa phương tiện mà yếu về tính tư tưởng, thiếu chiều sâu về nghệ thuật. Chúng ta không phủ nhận những đóng góp của văn học mạng. Sự phát triển của nó trong xu thế văn hóa, văn minh hiện nay là tất yếu, song cũng cần nhận ra văn học mạng chỉ chủ yếu là văn học giải trí, văn học thị trường hoặc là cận văn học. Một nền văn học mà tác phẩm và nhà văn hàn lâm, chuyên nghiệp bị lấn át bởi văn học mạng, bạn đọc chỉ yêu mến và mua sách văn học mạng thì cũng giống như một nền âm nhạc chỉ có nhạc sến, nhạc trẻ mà hoàn toàn không biết đến nhạc giao hưởng; chỉ thích nghe nhạc Đàm Vĩnh Hưng mà không quen tai âm nhạc của Mozart hay Beethoven. Văn học mạng nói riêng và văn học giải trí nói chung ở châu Âu, Hoa Kỳ hay Nhật, Trung Hoa cũng rất phát triển, bạn đọc rất yêu mến. Song bên cạnh Quỳnh Dao, Rowling, S.Meyer, Dan Brown, Higashino Keigo… độc giả văn học của các nước trên vẫn rất hâm mộ và luôn dõi theo những xuất bản mới của những nhà văn lớn, những tác gia Nobel. Ở nước ta thì gần như những tác phẩm lớn, những nhà văn thực tài lại ít được bạn đọc quan tâm đúng mức, họ gần như chỉ được giới lý luận phê bình tinh hoa quan tâm.

Trên đây là 5 vấn đề lệch lạc giới hạn của đời sống văn học Việt Nam đương đại từ góc nhìn của cá nhân tôi. Từ nhận định nói trên, chúng ta có thể thực hiện một số giải pháp sau nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn học nói chung, cũng như thực tiễn sáng tạo văn học nói riêng. Dĩ nhiên, những giải pháp này phần nhiều có tính tình thế, nhằm khắc phục 5 giới hạn đã trình bày ở trước, còn khát vọng thực sự có một nền văn chương khai phóng, hiện đại, nhân bản với trình độ tư tưởng và kỹ thuật viết ngang tầm thế giới thì lại liên quan đến những câu chuyện ngoài văn chương, được quy định bởi tổng thể đời sống xã hội (mà cơ bản là những yếu tố như chính trị, văn hóa, đối ngoại, kinh tế, tôn giáo, triết học, pháp quyền…). Nói cách khác, một cường quốc văn học bao giờ cũng đồng thời là một cường quốc về văn hóa, chính trị và kinh tế.

1. Giải pháp đầu tiên mà tôi nhấn mạnh đó là cần đổi mới trong tư duy quản lý văn nghệ. Những cơ quan quản lý văn học hiện nay đa phần nặng về tính hành chính và tư tưởng, mà thiếu đi những nhà chuyên môn đích thực, được đào tạo bài bản. Những Hội văn nghệ cả ở trung ương và địa phương ngày càng mở rộng quy mô hội viên, song lại hoạt động thiếu hiệu quả, nặng về tính quan liêu, cơ chế xin cho và bị ảnh mối quan hệ cá nhân chi phối. Hệ thống giải thưởng văn học của ta hiện nay rất đáng lo ngại. Những tác phẩm đoạt giải nếu như không có tiếng tăm gì, thì lại thường bị nổi danh “bất đắc dĩ” qua các vụ việc scandal như đạo văn, hư cấu phi lịch sử… Chính thực trạng này dẫn đến những nhận định, kiểm duyệt văn chương yếu kém, những giải thưởng văn học phản tác dụng, những kì nết nạp hội viên đầy xôn xao văn đàn, người thì bị tố đạo văn trong sự nghiệp, người thì bị tố làm thơ dung tục dẫn đến kiện tụng. Do đó, giải pháp đầu tiên theo tôi là cải tổ toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước về văn học, cũng như cải tổ các hội nghề nghiệp liên quan đến văn chương, nâng cao chất lượng các giải thưởng văn học.

2. Giải pháp thứ hai đó là chú ý đến đời sống nhà văn, nhất là các nhà văn trẻ, làm sao cho họ có thể sống được với đam mê và nghề nghiệp. Muốn đạt được điều này, cần quảng bá, khuyến khích cho văn hóa đọc. Vị thế của môn văn trong nhà trường cũng cần được cải thiện, thông qua đổi mới cách giảng dạy văn chương, đổi mới cách lựa chọn tác phẩm văn học. Người học văn phải được tự do sáng tạo trong cảm thụ và nghị luận, từ đó mới yêu văn chương một cách thuần khiết. Nhà nước, các nhà xuất bản và các đoàn thể, doanh nghiệp cần thành lập những quỹ bồi dưỡng tài năng trẻ, những giải thưởng văn học danh giá, có giá trị kinh tế cao. Tôi chưa từng thấy một giải thưởng văn học danh giá nào ở Việt Nam mà mức thưởng từ 100 triệu trở lên, trong khi các cuộc thi nhan sắc, thi hát, các gameshows nhan nhản trên tivi thì chỉ trong một đêm người chơi có thể thắng từ vài chục đến vài trăm triệu, thậm chí là cả tỷ bạc.

3. Giải pháp thứ ba đó là cần chú trọng đến vai trò của bộ môn lý luận văn học nói riêng và ngành Ngữ văn nói chung trong hệ thống giáo dục đại học. Chính họ sẽ là những nhà lý luận, phê bình văn học tương lai – bà đỡ cho những tác phẩm lớn ra đời. Chỉ có thể có một nền văn chương lớn chừng nào có một nền lý luận phê bình văn học vững mạnh, khai phóng và hiện đại. Các hội văn học, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương cần tổ chức thường xuyên hơn các diễn đàn, hội nghị trao đổi, hội thảo khoa học và các khóa học ngắn hạn về lý luận, phê bình văn học cho các nhà báo, nhà văn và giáo viên, giảng viên của ngành văn học.

4. Giải pháp thứ tư để nâng cao trình độ sáng tác văn học đó là làm trong sạch và nâng cao chất lượng đời sống xuất bản, văn hóa đọc. Cần kiên quyết loại bỏ những tác phẩm tiêu cực, có nội dung độc hại, rẻ tiền, chủ yếu đánh vào tâm lý tò mò, những động cơ thấp hèn, bản năng của bạn đọc. Hệ thống kiểm duyệt văn học của ta theo tôi còn nhiều bất cập. Có chỗ thu hồi phản cảm, thiếu trình độ lý luận văn học trong đánh giá, những chỗ khác thì lại thả nổi cho những đầu nậu sách, những nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận để in sách. Hệ thống sách dịch, văn học mạng, văn học giải trí cần được chú ý quan tâm và kiểm soát.

5. Giải pháp cuối cùng, theo tôi, đó là cần cho nhà văn không gian để sáng tạo, để họ được phép cô đơn, được phép buồn, được phép đau đớn hay bi quan, được phép nói về cái tôi cá nhân của mình trong cõi nhân sinh đương đại. Một tác phẩm văn học lớn thường viết về những bi kịch tộc loại, những vết thương thời đại, những dòng họ cô đơn, những nỗi đau tiền kiếp. Cái trống thiếc, Trăm năm cô đơn, Tội ác và hình phạt, Truyện Kiều, Linh sơn, Nỗi buồn chiến tranh… chẳng phải là những ví dụ tiêu biểu hay sao. Nhà văn cần được là chính mình trong khi viết, chứ không phải là những công cụ tuyên truyền, hay bị sức mạnh đồng tiền chi phối. Muốn vậy, cần có những chính sách đãi ngộ tốt cho những nhà văn thực tài. Các tạp chí văn học cần nâng cao mức nhuận bút, các nhà xuất bản cần mạnh dạn đầu tư cho những bản thảo văn học tốt (chứ không phải chỉ bán giấy phép để lấy tiền), các hội văn nghệ cần có quỹ sáng tạo văn học lớn để đầu tư cho sáng tác. Nguồn tiền đầu tư cho sáng tác văn học cần đa dạng hóa, ngân sách nhà nước, doanh nghiệp ủng hộ, gây quỹ bạn đọc… Nhà văn cần sống được với nghề nghiệp, là một con người chân chính, đàng hoàng, thì mới có thể an tâm đầu tư cho sáng tạo.

Trên đây là một vài mảnh nghĩ rời, song nó làm tôi trăn trở và mất ngủ trong một thời gian dài. Vì chính mình cũng đang dự phần vào đó theo nhiều nghĩa. Những giới hạn ấy có một phần lỗi của chính tôi, cũng như, những nỗi buồn sáng tạo của mình một phần cũng vì những bất cập mà tôi từng nói đến. Cứ mỗi khi cảm thấy buồn và bất lực, tôi lại nghĩ, mai là một ngày mới, và mặt trời thể nào, dù có thể muộn, lại mọc lên ở đằng phía Đông kia…

P.N.K   

_______________

1 Về vấn đề này, bạn đọc có thể đọc cụ thể bài viết https://thoidai.com.vn/nhung-vu-dao-van-gay-xon-xao-du-luan-tai-viet-nam-78891.html của tác giả Lam Anh. Hoặc có thể xem thêm bài viết https://vnexpress.net/dao-van-noi-buon-lap-lai-trong-lang-viet-viet-nam-3299404.html của tác giả Thoại Hà. Cũng có thể xem thêm bài http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/sach/936952/ban-chuyen-dao-van của tác giả Lê Phong…

2 Về vấn đề này, có thể xem thêm bài của Trần Mạnh Hảo tại http://minhduc7.blogspot.com/2011/02/binh-luan-hoi-tieu-thuyet-lich-su-hay.html.

3 Xin xem thêm chuỗi bài của Kiều Mai Sơn phê phán tiểu thuyết Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn tại https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2021/12/nuot-dao-phay-viet-truyen-lich-su-tac.html

. . . . .
Loading the player...