11-10-2022 - 14:24

NHIỀU HY VỌNG VỀ VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT DÀNH CHO TRẺ EM

Tạp chí Hống Lĩnh số Tháng 10-2022 trân trọng giới thiệu bài viết "Nhiều hy vọng về văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em" của nhà thơ Phạm Đình Ân

 

nhiều hy vọng về văn học, nghệ thuật

dành cho trẻ em

                                         

1- Lâu nay, có một bộ phận tác giả hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật không thật sự coi trọng - thậm chí còn coi thường - đối tượng hướng đến là trẻ em. Họ cho rằng sáng tác cho trẻ em thì dễ nhưng khó nổi tiếng.

Thật ra, hoàn toàn không phải vậy, mà ngược lại. Khu vực văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em có tính đặc thù cao. Đặc thù trước tiên là yếu tố lứa tuổi (nhỏ bé) của nhân vật mà nghệ sĩ hướng đến để sáng tạo, đồng thời cũng là đối tượng thứ nhất (nhỏ bé) hưởng thụ tác phẩm. Sáng tác cho trẻ em không dễ. Làm cho hay, cho đẹp, thuyết phục được trẻ em, lại càng khó. Không ít tác giả đã làm thử rồi phải “chào thua”! Muốn trở thành tác giả có tên tuổi là niềm hy vọng chính đáng của nhiều người viết, khổ một nỗi tiếng vang đâu phải phụ thuộc vào việc sáng tác cho ai, sáng tác về cái gì, mà do tài năng và lao động sáng tạo quyết định.

Muốn sáng tác cho trẻ em, về tất cả các loại hình như: văn học, sân khấu, điện ảnh, hội họa, âm nhạc, múa... trước tiên phải có tình yêu và sự hiểu biết, hòa đồng đối với trẻ em. Nhưng yêu đến mức nào, hiểu biết và hòa đồng ra sao lại là điều cần nói đến nhất. (Ai cũng yêu trẻ em; vô cùng hiếm hoi người thờ ơ hoặc ghét bỏ trẻ em. Tuy nhiên, xin đừng ngộ nhận rằng ai đó yêu con cháu mình thì họ cũng yêu tất cả thế giới trẻ thơ). Đã là người làm công việc chăm sóc trẻ em, sáng tác cho trẻ em thì dứt khoát phải có tình yêu chân thành nhất, sâu nặng nhất; cần dày công tìm hiểu, học hỏi về trẻ em/ ở trẻ em. Nhà văn viết cho trẻ em cần yêu thương, hiểu biết trẻ em về tâm lý lứa tuổi, cảm xúc, tâm hồn… ở mức độ cao nhất, hơn hẳn người bình thường. Đó là điều kiện trước tiên, không thể bỏ qua. Không những cần tránh thái độ coi thường trẻ em mà cần kính trọng trẻ em nữa. Nhưng có điều này băn khoăn. Người ta có thể rất yêu quý, tôn trọng trẻ em, hiểu rất nhiều về trẻ em nhưng vẫn coi thường văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em thì sao, và họ có làm tốt được không ? Câu trả lời là: tác phẩm có chất lượng chỉ sinh ra từ tài năng và lao động sáng tạo. Khi không có tình yêu, và ý thức trân trọng cái mình làm, thì tài năng và lao động sáng tạo chắc chắn sẽ bị kìm hãm. Văn nghệ sĩ được trao giải cao về tác phẩm dành cho người lớn mà vẫn có thể không viết nổi một bài thơ, một đoạn văn, một bản nhạc, một bức tranh ngộ nghĩnh, có sắc màu lôi cuốn trẻ thơ, một màn kịch nho nhỏ... đạt chất lượng trung bình dành cho trẻ em, mặc dù họ rất thông thạo về các loại hình nghệ thuật nào đó, là điều rất dễ hiểu.

Như một thói quen, lâu nay, nói đến sáng tác văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em, người ta hay để tâm nhiều đến lĩnh vực văn học mà ít chú ý đến lĩnh vực nghệ thuật. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Đại hội các Hội văn học, nghệ thuật toàn quốc, đã phát biểu chỉ đạo: “Hội phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi, đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hóa dân tộc để cùng xã hội tạo ra những sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là CON NGƯỜI VIỆT NAM. Đó là triển vọng, là tương lai của đất nước mà nhà văn cần hướng tới”(Báo Văn nghệ, số 49 (28-11-2020). Như vậy, đồng chí Võ Văn Thưởng đã nhắc đến cả hoạt động sáng tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật dành cho trẻ em. Nhưng trên thực tế, văn học vẫn đi đầu. Chứng cớ là tại Hội nghị lần thứ hai, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X cũng nêu chủ trương quan tâm sâu sắc đến văn học cho trẻ em, cụ thể là sẽ tổ chức trao giải thưởng hằng năm. Mới đây Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc trao Giải thưởng Văn học Trẻ và chính thức phát động cuộc vận động sáng tác cho trẻ em.

2- Văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em đã có nhiều tác phẩm vươn tới giá trị cổ điển. Những tác phẩm đứng được cũng không ít. Chẳng hạn ngành âm nhạc đã chọn được 100 hoặc 50 bài hát hay nhất dành cho trẻ thơ. Tuy nhiên, nhìn rộng ra các ngành thì vẫn còn những sáng tác phạm nhiều nhược điểm, chúng không phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi, dễ thấy là: nhạt, sơ sài, khô cứng, trùng lặp cách nói, nội dung hướng nhiều đến tuổi lớn, hơn là trẻ nhỏ đúng nghĩa.

Người viết bài này xin tạm nêu lên 9 yếu tố cần thiết giúp tác phẩm dành cho trẻ em đạt được chất lượng. Có yếu tố phù hợp với lĩnh vực văn học, có yếu tố đắc dụng đối với lĩnh vực nghệ thuật.

Một là: Ngây thơ, ngộ nghĩnh, trong trẻo, giản dị, dễ hiểu là yếu tố đầu tiên giúp tác phẩm đến với trẻ thơ dễ dàng, nhất là ở trẻ chưa đi học hoặc ở vài lớp đầu tiểu học. Người sáng tác cần chú ý ngay đến lứa tuổi độc giả theo từng nấc. Từ tuổi lên năm đến mười lăm là một khoảng cách dài, cần phân biệt làm mấy nấc. Hai là: Vui nhộn, hài hước. Kiểu nói ngược, nói đố, đưa ra cái phi lý tưởng như là ất ơ, dớ dẩn (mà vẫn có nghĩa nào đó) lại giúp trẻ nhỏ tăng thêm niềm hứng thú, như được dự một trò chơi. Ba là: Tăng động, giảm tĩnh. Nhiều hình ảnh, âm thanh, sắc màu. Đưa người thưởng thức vào các mối  quan hệ. Tăng đối thoại, gợi đối thoại đối với người tiếp nhận. Bốn là: Mới mẻ, lạ kỳ. Biến hóa. Giúp các em nảy sinh và nuôi dưỡng trí tưởng tượng. Năm là: Chất truyện tạo hấp dẫn (như cổ tích, thần thoại, chuyện lạ từng mê hoặc trẻ thơ). Nếu là thơ thì dạng truyện kể có ưu thế hơn dạng trữ tình nội tâm. Tránh dài dòng và nghèo hình ảnh. Nên giảm nghĩ ngợi triền miên, nặng nề. Sáu là: Chất dân gian thắm đượm. Đồng dao chẳng phải là vốn văn học dân gian đáng quí của trẻ em đó sao ? Đương nhiên, tránh sao chép dân gian mà cần sáng tạo dân gian một cách linh hoạt. Khi phong vị dân gian thấm nhuyễn vào tác phẩm thì các em sẽ dễ bị thuyết phục. Bảy là: Tính dân tộc truyền thống cần luôn luôn hòa quyện vào tính hiện đại quốc tế cả ở nội dung và cách diễn đạt (với một mức độ, sắc thái có thể). Tránh lai căng xa lạ. Nâng cao ý thức bồi dưỡng tâm hồn người Việt, dẫn trẻ em trở về với cánh đồng, con cò, sân đình, cây đa, bến nước…Tuy nhiên, nên nhớ rằng điệu nhịp thơ văn cùng đời sống tâm hồn đều đều như sông chảy, mây trôi, hình ảnh quê nhà mòn lặp, hoặc tranh vẽ, vở diễn, lời ca... cũ kỹ, khô cứng, ít sáng tạo có thể không còn tương thích với tâm lý và nhu cầu của trẻ em hôm nay. Tám là: Sử dụng hợp lý hai biện pháp hiện thực trực tiếp và hiện thực đồng thoại. Hiện nay, đồng thoại chỉ còn phù hợp với lứa tuổi bé nhất. Nhiều tác giả thấy đồng thoại dễ viết mà ít để ý rằng biện pháp nghệ thuật này trùng lặp quá nhiều. Văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em đang cần tính giáo dục cao thì biện pháp hiện thực trực tiếp sẽ tạo thuận lợi cho văn nghệ sĩ hơn. (Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa rất ít sử dụng đồng thoại mà thơ vẫn rất hay). Chín là: Chú ý đến ngôn ngữ văn chương, chăm chút cho vẻ đẹp của tác phẩm sẽ khiến trẻ thơ yêu tiếng Việt, ham mê tìm hiểu, trau dồi lời ăn tiếng nói. Từ đó các em biết thế nào là một bài thơ hay, một cuốn truyện hấp dẫn, rộng cao hơn là cảm thụ được vẻ đẹp linh diệu của văn hóa tinh thần.

Những yếu tố nêu trên thường xuyên xen thấm vào nhau trong tác phẩm. Các yếu tố 1, 2, 3, 4, 5, 9 là thiết thực nhất, chúng ảnh hưởng trực tiếp đối với văn nghệ sĩ khi lao động sáng tạo. Tùy thể loại, loại hình văn học, nghệ thuật, và liều lượng, không nhất thiết tác phẩm nào cũng cần đầy đủ tất cả các yếu tố nêu trên. Cần lưu ý rằng nghệ thuật tuy có những điểm chung với văn học nhưng cũng có những yếu tố rất riêng, ấy là ngôn ngữ thuộc các loại hình riêng, không chỉ là ngôn ngữ văn tự.

3- Mong rằng từ nay trở đi khu vực văn học, nghệ thuật đặc biệt, đặc thù này từ trung ương đến địa phương sẽ được quan tâm ráo riết hơn, thường xuyên hơn, khiết hoạt động sáng tác, bàn luận sẽ bừng thức, sôi nổi. Quốc hội từng bàn nhiều đến học sinh - nhà trường, cũng là nói đến thiếu nhi; mong rằng đã quan tâm thì từ nay toàn xã hội sẽ quan tâm hơn nữa đối với thiếu nhi và văn học nghệ thuật hướng về trẻ em. Trước tiên, ngoài Hội nhà văn, các Hội khác, các Ban - Ngành văn hóa - xã hội từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố nên có các cuộc vận động sáng tác. Rồi tổ chức Hội nghị, Hội thảo, trại viết, đi thực tế, “đặt hàng” đối với tác giả, trao Giải thưởng… Báo và tạp chí văn học, nghệ thuật nên thường xuyên đăng bài phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi, dựng vở diễn, triển lãm tranh..., tránh "xuân thu nhị kỳ" như chỉ có vào dịp Tết, ngày 1-6 và Trung thu. Mức nhuận bút tác phẩm cho trẻ em nên trở lại như trước đây là tăng 30%. Sách viết cho trẻ em (phải đạt chất lượng mới cho giấy phép), cần được miễn lệ phí xuất bản, thậm chí được trả nhuận bút. Những ấn phẩm của Trung ương Đoàn, của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phục vụ thiếu nhi, học sinh cần được Nhà nước chi tiền hoặc bù lỗ. Số bản sách viết cho các em cần được tăng lên. Khi đất nước gần trăm triệu dân, trẻ em đã vài chục triệu người, mà chỉ hạn chế 300, 500 hoặc một nghìn cuốn cho mỗi đầu sách thì coi như gần bằng không. Cần có một “cánh đồng cấy gặt” của văn học cho trẻ em, ấy là tờ báo Văn học nghệ thuật cho trẻ em. Nên tổ chức “Ngày hội sách văn học cho trẻ em” hoặc những đợt triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, dựng và chiếu phim cho trẻ em.

Cần tạo điều kiện, môi trường sáng tạo dành cho thiếu nhi. Đối với nhà văn, chỉ cần trang giấy, cây bút, máy tính. Người vẽ tranh chụp ảnh chỉ cần tấm toan, bút vẽ, máy ảnh. Nhưng đối với những tác giả tham gia hoạt động biểu diễn như người làm điện ảnh, sân khấu... thì điều kiện và môi trường đặt ra khác hẳn. Viết nhạc cũng vậy, phải có thu âm, phối khí, cần ca sĩ, nhạc công cùng hoàn thiện tác phẩm phối hợp dàn dựng. Một tác giả đã viết trên báo Văn nghệ Công an (6/2022) nêu ý kiến của nhạc sĩ Trần Viết Bính (tác giả ca khúc Hạt gạo làng ta nổi tiếng), rằng hiện nay bài hát viết cho thiếu nhi có khá nhiều, nhưng trẻ em và công chúng lại ít được nghe nhiều như ngày xưa bởi cái thiếu hiện nay là cái thiếu nơi tổ chức dàn dựng và phát sóng tác phẩm. Cần phải quan tâm đến yếu tố đầu tiên (tiền đâu) thì công việc mới tiến triển được.

Chúng ta tin giới văn nghệ sĩ sẽ vượt qua mọi trở ngại và hy vọng rằng văn học, nghệ thuật dành cho trẻ em sẽ nhanh chóng khởi sắc.

        Tháng 8-2022

        Phạm Đình Ân

                                                                                 

. . . . .
Loading the player...