14-05-2021 - 15:25

Những ngôi sao dừng lại vẫn ngời ngời       

Nhà thơ Xuân Hoài sinh ngày 15/5/1941, mất ngày 8/3/2006.Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 4/2021 trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ Lê Quốc Hán về thơ Xuân Hoài nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh và 15 năm ngày mất của ông

 

 NHỮNG NGÔI SAO DỪNG LẠI VẪN NGỜI NGỜI                                                                                                                                             

                      Anh như đò dọc đi hoài

              Bao xuôi ngược cũng không ngoài mặt sông 

                                                     Xuân Hoài

       Mười lăm năm thi sĩ Xuân Hoài đã chia tay chúng ta về miền cực lạc. Dẫu vây, hình ảnh Nhà giáo - Nhà thơ Xuân Hoài tận tụy với nghề (dạy học), sống hết mình cho nghiệp (thơ) vẫn luôn khắc sâu trong trái tim của những người yêu thơ, trong tâm hồn nhiều thế hệ thầy giáo và học sinh Hà Tĩnh. Ngỡ như thi sĩ vẫn luôn đồng hành cùng chúng ta trong công cuộc xây dựng nền Văn hóa mới, xứng đáng với tầm vóc một vùng đất có một truyền thống lâu đời: “Văn hóa Hồng Lam” - quê hương của Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.

       Trong bài viết ngắn này, chỉ xin nhắc lại một số kỷ niệm với Ông - người Thầy giáo, người Bạn thơ tôi hằng kính trọng và yêu mến.                                                                                                          

       Nhà thơ Xuân Hoài tên khai sinh Bùi Xuân Huyến, sinh ngày 15 tháng 5 năm 1941 tại Thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh). Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Vinh (ngành Toán) năm 1962. Với 12 năm tuổi trẻ Dạy học, 28 năm tham gia và làm công tác quản lý Văn nghệ Văn hóa. Từng đảm nhiệm Chủ tịch Hội VHNT Nghệ Tĩnh rồi Hà Tĩnh (từ 1991 khi tách tỉnh), sau đó làm Giám đốc Sở VHTT Hà Tĩnh đến ngày nghỉ hưu (2001),  Nhà giáo -  Nhà thơ Xuân Hoài đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển Giáo dục và Văn nghệ - Văn hóa  tỉnh nhà. Ông là Tổng biên tập đầu tiên của hai tạp chí Hồng LĩnhVăn hóa Hà Tĩnh.                                       

       Ông đã trình làng 12 tập thơ (trong đó có hai tập thơ thiếu nhi); sưu tầm và giới thiệu hai tuyển thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du” (1975) và “Thơ viết từ Làng Sen” (1990); nhận được nhiều Giải thưởng Thơ cao quý: Giải KK Báo Văn Nghệ (1969) với bài thơ “Những ngôi sao”, Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT  Việt Nam với các thi tập “Đừng là mưa bóng mây” (1995) và “Gửi người xa xứ” (1998), ba lần liên tiếp nhận Giải thưởng VHNT Nguyễn Du: lần 1, 2, 3 (1990, 1995 & 2000). Ngày 08 tháng 3 năm 2006, tại thành phố Vinh, ông từ giã người thân và bạn bè cưỡi hạc trắng về trời.                                                                       

       Nhà thơ Xuân Hoài sớm nổi tiếng với bài thơ “Những ngôi sao” được tặng Giải khuyến khích trong cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức năm 1969. Những tác giả đoạt giải cao năm ấy đã trở thành những thi sĩ lừng danh sau này: Phạm Tiến Duật với Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niêng xung phong; Phan Thị Thanh Nhàn với Hương Thầm, Bế Kiến Quốc với Bên những dòng sông… Bài thơ “Những ngôi sao” mang âm hưởng anh hùng ca của một thời “một dây ná, một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ” (Tố Hữu): Và như trong tiếng hát bờ dương/ có tiếng hát năm nào các anh ra trận/ những tiếng hát hành quân mỗi bận/…/ thế hiên ngang đứng trong đội ngũ/ soi sáng chúng tôi trong mỗi bước đường. Nhưng đọc kỹ sẽ nhận ra một giọng thơ thấm đẫm tình đời, dạt dào tình yêu quê hương đất nư­ớc: Mà khi hôn những búp tay mẫu giáo/ Tôi thấy hiểu mình hơn trong những chuyến ra đi / Nơi nghĩa trang vôi trắng cỏ xanh rì/ Tên chúng ta dù dừng trên mộ chí/ Nh­ưng tên Tổ quốc ta yêu quý/ Sẽ đẹp đời đời những lứa măng lên. Năm đó tôi tròn hai mươi tuổi. Bài thơ truyền cho tôi một một cảm xúc mạnh mẽ. Đến hôm nay, sau hơn năm mươi năm trải bao thăng trầm lịch sử và biến cố cuộc đời, cảm xúc đó vẫn còn vẹn nguyên như thuở ban đầu.

       Ngày ấy, thi sĩ Xuân Hoài còn là một giáo viên trẻ dạy Toán ở Trường cấp ba Cẩm Xuyên. Thầy Trần Ninh (Hà Quảng), một bạn thơ thân thiết hồi tưởng: “Xuân Hoài từng là một thầy giáo để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong bao lứa học trò xứ Nghệ… Cuộc đời anh không bằng phẳng như thơ anh. Lúc làm thầy giáo anh đã đấu tranh vì quyền lợi các em, nên không ít lần bị gây khó dễ cho con đường phấn đấu” (Hà Quảng - “Thanh thản một hồn thơ”). Sau  12 năm dạy học, Xuân Hoài chuyển sang hoạt động Văn học và Văn hóa chuyên nghiệp, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách. Ở cương vị gì, ông cũng luôn tận tụy hy sinh, lại hết sức nhân văn nên được mọi người nể phục, yêu mến, mặc dù “Lúc làm lãnh đạo, tính cương trực (của Xuân Hoài) không hợp “gu” với nhiều quan chức địa phương. Một dòng đời chảy qua nhiều thác gềnh…” (Hà Quảng - bài đã dẫn). Nhưng có lẽ, niềm đam mê suốt đời và những cống hiến đáng kể nhất của ông vẫn là lĩnh vực thi ca. Thiết nghĩ, đó cũng là điều an ủi lớn nhất đời ông: suốt đời chung thủy với Thơ và Thơ đã dành tặng lại những gì ông từng mơ ước thuở học trò.

       Trong các thi phẩm của ông sau này, “Con đường về bến Tam Soa” là bài thơ được nhiều người yêu thích và nhắc tới khi nói về sự nghiệp thơ khá đồ sộ của ông. Hình như đó là biểu tượng, là hồn cốt thơ ông, một hồn thơ luôn gắn bó với quê hương. Tôi thuộc lòng bài thơ này ngay khi nó mới xuất hiện, và đã bình bài thơ đó bằng những lời có cánh sau đây: “Ai có dịp về Đức Thọ (Hà Tĩnh), đứng trên đồi Linh Cảm ngắm sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp (Huy Cận) của Ngàn Phố, Ngàn Sâu hay phóng tầm mắt xa hơn nhìn sang Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng xuống Tam Soa (Duy Thảo), hẳn sẽ hiểu một phần vì sao mảnh đất này sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt: Phan Đình Phùng, Trần Phú…, lắm văn nhân thi sĩ: La Sơn Phu Tử, Hoàng Xuân Hãn, Huy Cận… như vậy.

       Bài thơ Con đường về bến Tam Soa của nhà thơ Xuân Hoài thiên về cảm hứng khác. Trước phong cảnh đẹp như tranh của quê hương, anh liên tưởng đến tình yêu trong sáng, thuỷ chung của mình và bao bạn bè cùng trang lứa: Người đi xa mấy năm ròng/ Chưa ai quên một khúc vòng con đê/ Cỏ xanh như chính lời thề… Trên con đường từ Vinh về bến Tam Soa - quê anh, hay trên con đường trở về quá khứ - một thời thanh xuân tươi đẹp, anh đã có một phát hiện khá độc đáo: Con đường về bến Tam Soa/ Như câu thơ đẹp trải ra đón mời. Dùng hình ảnh câu thơ ví với con đường hơi cầu kỳ, khập khiễng. Nhưng quả con đường về bến Tam Soa hơi lạ. Nó được đặt trên một con đê dài, phẳng, chạy song song với dòng sông La xanh trong, êm đềm, mơ mộng. Và phía bên kia cũng có một con đường chạy song song như vậy nhưng ngắn hơn, dễ liên tưởng đến câu thơ sáu - tám rất đỗi quen thuộc với tâm hồn người Việt. Hơn nữa cỏ hai bên triền đê luôn xanh mướt, xanh đến nỗi xui  anh muốn chọn chỗ ngồi với em việc gợi nhớ đến sức sống trào dâng của tuổi trẻ với mối tình đẹp như thơ hết sức tự nhiên.

       Tình yêu trong thơ Xuân Hoài nói chung và trong bài thơ Con đường về bến Tam Soa luôn trong sáng, thuỷ chung, trọn vẹn. Đây là một nét riêng, rất riêng trong thơ tình Xuân Hoài. Là một nhà thơ nổi danh xứ Nghệ, từng giữ những trọng trách, Xuân Hoài có điều kiện đến nhiều vùng đất, tiếp xúc với nhiều lớp người, nhưng anh luôn giữ được mực thước trong giao tiếp và cả trong tình yêu: Anh như đò dọc đi hoài/ Bao xuôi ngược cũng không ngoài mặt sông. Phải chăng những phẩm chất tốt đẹp của người thầy giáo in đậm nét trong tâm hồn anh thời thanh xuân vẫn lưu lại trong hồn thơ anh suốt đời?”.                                                                                                                                Thi sĩ Xuân Hoài là một người rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Tôi không là ngoại lệ. Mặc dù không trực tiếp học với Thầy và gặp nhau khá muộn, nhưng Thầy luôn xem tôi là một bạn đọc, một bạn thơ thân tình, không phân biệt tuổi đời, chức tước… Năm 1972, tôi đ­ược Ty Giáo dục Hà Tĩnh mời ra họp mặt giáo viên giỏi Tỉnh tại Thạch Linh. Tôi tranh thủ đến Tòa soạn Tập san văn nghệ Sông La chơi và thầy Xuân Hoài cũng đến đó (Thời điểm ấy Tập san còn trực thuộc Ty văn hóa). Lần đầu tiên gặp Thầy, gây ấn tư­ợng nhất đối với tôi là đôi mắt rất sáng của Thầy. Thầy nhỏ nhẹ giới thiệu tôi với những người cùng phòng, rằng đây là một thầy giáo trẻ giỏi toán nhưng lại là cây bút làm thơ thiếu nhi nhiều triển vọng. Rồi thầy nói nhỏ với tôi, ý chừng như­ một lời thanh minh: Mình nhận đ­ược khá nhiều bài thơ thiếu nhi của Hán như­ng chỉ chọn đ­ược bài Hoa và bé để đư­a vào tuyển tập đang in, Hán thông cảm (!). Tôi nhìn Thầy với cái nhìn biết ơn như­ng không nói gì.

       Năm 1991, Nghệ Tĩnh tách tỉnh. Thầy về làm Chủ tịch Hội VHNT Hà Tĩnh và biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh số đầu tiên. Tôi lên gặp Thầy và nhờ xem hai bài thơ vừa sáng tác có thể chọn đăng đư­ợc không. Đọc xong Thầy bảo rằng thơ rất đư­ợc, nhưng mình Thầy không thể tự quyết định. Sau này, chỉ bài Bí ẩn đ­ược chọn, bài Về thăm trường cũ  không. Thầy băn khoăn mãi, và như để an ủi, Thầy đã chọn bài Về thăm trường cũ vào một tuyển thơ nhà giáo Hà Tĩnh mà Thầy biên tập chính.

       Những năm cuối thế kỷ XX, nhà nghiên cứu & phê bình văn học Thái Doãn Hiểu biên soạn cuốn Thi nhân Việt Nam hiện đại. Trong số 81 tác giả đầu tiên đ­ược chọn có nhà thơ Xuân Hoài. Anh Hiểu đã nắm được cái thần của thơ Xuân Hoài khi đặt tiêu đề bài viết về Thầy: “Người quê lại nói những lời chân quê”. Thầy trông đợi cuốn sách đó ra đời lắm. Vì vậy, sau khi về hưu, chuyển ra Vinh, Thầy th­ường gọi điện hỏi tôi “Sách đã ra ch­ưa?”. Biết Thầy có nhu cầu giao tiếp, tôi cố gắng bố trí mỗi tuần một lần lên trụ sở Hội VHNT Nghệ An và ghé vào tâm tình với Thầy, lần nào Thầy hỏi đến câu ấy tôi cũng chỉ ngậm ngùi lắc đầu. Năm 2006, Thầy qua đời mang theo nhiều khát vọng sáng tác còn ấp ủ. Mùa đông năm 2009, anh Thái Doãn Hiểu ra Vinh và khi nghe tôi kể lại chuyện ấy anh lấy làm áy náy vô cùng. Rồi anh rủ chàng lên thắp hương cho Thầy. Khi anh Hiểu khấn xong, quê hư­ơng trên tay anh bỗng cháy rực lên.

       Giờ đây, hàng năm mỗi lần về Sơn Tân (quê cha mẹ), đi dọc con đê sông La chàng lại không cầm được nước mắt khi nhớ đến những câu thơ tài hoa của Thầy: Con đ­ường về bến Tam Soa/ Nh­ư câu thơ đẹp trải ra đón mời. Hoặc khi về Kỳ Anh (nơi chôn rau cắt rốn của mình) đến Nghĩa trang liệt sĩ đền Chào, bất giác lại thầm thốt lên: Sao trên trời có những lúc lửa tắt/ Những ngôi sao Việt Nam đi đánh giặc/ Vẫn hành quân sáng rực bốn phương trời/ Cả những ngôi sao dừng lại vẫn ngời ngời.                                                                                          

Lê Quốc Hán

 

. . . . .
Loading the player...