09-10-2023 - 05:35

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ Ở THÀNH PHỐ HÀ TĨNH  TỪ NĂM 1831 ĐẾN TRƯỚC NĂM 1975

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tháng 9/2023 trân trọng giới thiệu bài viết "Những thay đổi về không gian đô thị ở Thành phố Hà Tĩnh từ năm 1831 đến trước năm 1975" của tác giả Nguyễn Thị Nga

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ

Ở THÀNH PHỐ HÀ TĨNH

 TỪ NĂM 1831 ĐẾN TRƯỚC NĂM 1975

                                                                                                

 

Cùng với việc thành lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1831, không gian tỉnh lỵ Hà Tĩnh từng bước được hình thành. Trải qua nhiều biến động lịch sử, tỉnh lỵ tỉnh Hà Tĩnh có nhiều thay đổi từ chức năng, không gian địa lý đến cơ sở hạ tầng, quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Bài viết tập trung làm rõ sự biến động không gian đô thị thành phố Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử từ năm 1831 đến năm 1975.

1. Không gian tỉnh lỵ Hà Tĩnh dưới thời quân chủ (từ năm 1831 đến năm 1884)

Thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), nhà vua phê chuẩn cho bỏ trấn, chia đặt các tỉnh, lấy hai phủ Hà Hoa, Đức Thọ gồm sáu huyện Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn lập tỉnh mới đặt tên là Hà Tĩnh. Tỉnh lỵ Hà Tĩnh được hình thành từ đó. Tỉnh đường mới được khởi công xây đắp. “Khi ấy tỉnh lỵ đóng tại xã Đại Nài, phủ Thạch Hà. Đầu tiên đắp bằng đất, về sau mới xây bằng đá, chu vi 267 trượng, sâu 4 thước, có 2 cửa thành” (1). Đến tháng Sáu năm Quý Tỵ (1833), thành Hà Tĩnh xây dựng xong, nhà vua ban thưởng cho những người tham gia, từ quan phụ trách cho đến dân phu. Cùng với việc thành lập tỉnh Hà Tĩnh, thành Hà Tĩnh được xây dựng tại xã Trung Tiết (nay thuộc phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương dưới triều vua Minh Mệnh.

Năm Canh Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850), Tổng đốc Nghệ An là Nguyễn Đăng Giai đã tâu xin và được triều đình chấp thuận đổi tỉnh Hà Tĩnh thành đạo để rút bớt quan lại, thu gọn bộ máy, phù hợp với điều kiện tỉnh nhỏ, việc ít. Tháng Sáu năm Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), triều đình quyết định chuyển phủ Đức Thọ về tỉnh Nghệ An, lấy phủ Hà Thanh lập đạo Hà Tĩnh, trực thuộc tỉnh Nghệ An, kiêm lý hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (bỏ Tri huyện) và thống hạt huyện Kỳ Anh. Đạo thành dời về thôn Nài Thị, xã Đại Nài. Tỉnh thành ở xã Trung Tiết bị bỏ, các đàn miếu đều bị giảm, chỉ dời trường học của đạo và theo lời xin của các thân sĩ, giữ lại Văn Miếu để thờ Nho thánh.

Tháng bảy năm Giáp Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 27 (1874), Trần Quang Cán khởi nghĩa ở Hương Sơn, đưa quân đánh đạo thành Hà Tĩnh. Triều đình Huế sai Hồ Oai đưa 600 quân từ Thanh Hóa vào Nghệ An và sai Lê Bá Thân, Nguyễn Đình Khoa ra đánh dẹp quân Cờ vàng ở Hà Tĩnh. Có thể vì những sự biến này mà ngay năm sau (1875), vua Tự Đức cho tái lập tỉnh Hà Tĩnh như trước. Từ năm 1875, tỉnh thành Hà Tĩnh lại dời về thành cũ ở Trung Tiết. Đến năm Tân Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881), triều đình cho đóng góp gạch đá để xây thành Hà Tĩnh. Vật liệu xây dựng được phân bổ theo dân đinh từng làng, từng xã; ở những nơi xa xôi, để lo đủ vật liệu xây thành, hương chức và dân đinh rất vất vả. Cũng như nhiều địa phương khác, Thành Hà Tĩnh được xây theo kiến trúc Vô - băng, có mặt phẳng và gấp khúc theo hình chữ V, thuận tiện cho việc triển khai tác chiến trong phòng thủ và phản công khi có chiến sự. Thành có quy mô tương đối, “chu vi 366 trượng, 5 thước, 6 tấc, cao 8 thước, xung quanh thành có đào hào rộng 5 trượng, sâu 4 thước và có 4 cửa thành” (2). Đây là kiểu kiến trúc phổ biến của các công trình thành lũy lúc bấy giờ, ít nhiều chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây. Điều đó cho thấy, triều đình Huế và quan lại ở Hà Tĩnh thời bấy giờ đã có ý thức học tập, tiếp thu cách xây dựng, bố phòng thành ốc theo phương Tây, kết hợp với đào hào sâu, xây thành cao như truyền thống, chủ động bố phòng khí giới, sẵn sàng phòng thủ trước những biến động có thể xảy ra ở dải đất Trung Kỳ vốn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nổi loạn của dân chúng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, tỉnh thành Hà Tĩnh không phải là một đơn vị hành chính mà chỉ là nơi đặt trụ sở chính quyền tỉnh. Trên thực tế, cư dân vùng ngoại thành vẫn thuộc quyền quản lý của xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa chứ không phải thuộc thành Hà Tĩnh.

Rõ ràng, tuy thành Hà Tĩnh được xây dựng lại nhưng chính quyền quân chủ vẫn rất thận trọng trong việc trao cho nó quyền hành quản lý dân cư nội ngoại Thành với tư cách là một đơn vị hành chính thực thụ. Điều này hẳn bắt nguồn từ hoàn cảnh lịch sử và vị thế của triều đình lúc bấy giờ. Ở Trung Kỳ nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, tư cách của nhà nước quân chủ đã từng bước thay đổi, bị thu hẹp hơn so với trước, không còn toàn quyền quyết định đối với địa phương, thay vào đó là sự mở rộng kiểm soát của chính quyền thực dân.

2. Không gian tỉnh lỵ Hà Tĩnh từ năm 1885 đến năm 1945

Sau sự biến Kinh thành đêm mồng 4 rạng ngày 5/7/1885, Kinh thành Huế nhuộm máu thất thủ, Tôn Thất Thuyết và phái chủ chiến buộc phải đưa vua Hàm Nghi chạy trốn khỏi kinh thành. Vâng lệnh Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết hai lần xuống Chiếu Cần vương, được sĩ phu và nhân dân khắp nơi, từ bắc chí nam hưởng ứng nhiệt thành, nhất là các địa phương Trung Kỳ, trong đó đặc biệt sôi nổi ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Chính quyền thuộc địa phải huy động toàn bộ binh lực để dập tắt phong trào Cần Vương diễn ra khắp các huyện, phủ từ đồng bằng trung du đến miền núi thuộc hai tỉnh này.

Đến tháng 2/1886, Trung tá Mi - nhô điều lực lượng từ Bắc Kỳ vào Nghệ An, sau đó vào bình định tỉnh thành Hà Tĩnh. Trên thực tế, phải mất nhiều năm sau, người Pháp mới thật sự chiếm đóng được vùng đất này và bắt tay vào xây dựng tỉnh lỵ thành một trung tâm đô thị đủ điều kiện phục vụ chính quyền thực dân. Bộ máy cai trị được tăng cường, các cơ quan chuyên môn được thành lập, các cơ sở phục vụ như nhà thương, trường học… từng bước ra đời. Khoảng năm 1920, chính quyền thực dân chủ trương mở rộng, sáp nhập các xóm Đồng Quế, Xã Tắc, Trung Hậu, Tiền Bạt vào thành Hà Tĩnh nhưng chỉ để thu thêm thuế nhà, thuế vệ sinh, còn về mặt hành chính, những xóm này vẫn thuộc xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa. Do đó, tuy không gian được mở rộng hơn nhưng quyền quản lý hành chính của thành Hà Tĩnh vẫn bị giới hạn và khống chế bởi chính quyền thuộc địa.

Ngày 11/6/1924, vua Khải Định ban hành Đạo dụ thành lập thị xã Hà Tĩnh. Ngày 30/7/1924, Toàn quyền Đông Dương Méc - lanh ra Nghị định chuẩn y Đạo dụ trên. Về mặt hành chính, lúc bấy giờ thị xã Hà Tĩnh được chia thành tám phố: Phố Tiền Môn, trước cửa tiền (một đoạn đường Phan Đình Phùng, từ Thành Đông đến ngã tư Công ty cổ phần Phát hành sách hiện nay); phố Hậu Môn, phía trước cửa hậu (Đồng Vinh - một đoạn đường Hải Thượng Lãn Ông hiện nay); phố Tả Môn, phía trước cửa tả (Thành Đông, đường Nguyễn Trung Thiên hiện nay); phố Hữu Môn, phía trước cửa hữu (một đoạn đường Nguyễn Công Trứ hiện nay); phố Tân Giang bên bờ bắc sông Cụt; phố Nam Ngạn bên bờ nam sông Cụt; phố Hoàn Thị xung quanh chợ tỉnh trước đây; phố Tịnh Trung là một phần đường Phan Đình Phùng, đoạn ngã tư Công ty Cổ phần phát hành sách hiện nay. Như vậy, so với thành Hà Tĩnh, không gian của Thị xã Hà Tĩnh có sự thay đổi mở rộng hơn. Thị xã được chia thành các đơn vị hành chính là phố, phản ánh sự ảnh hưởng của cách tổ chức hiện đại như phương Tây. Tuy nhiên, việc thành lập Thị xã Hà Tĩnh của chính quyền thực dân khá chậm trễ. Nếu so sánh với Nghệ An - một không gian rất gần với Hà Tĩnh, chính quyền thực dân đã thành lập các thị xã từ khá sớm: Thị xã Vinh (1914), thị xã Trường Thi (1917) sau đó hợp nhất thành thành phố Vinh - Bến Thủy (1927) nhưng ở tỉnh Hà Tĩnh, đến năm 1924 mới chỉ có một thị xã duy nhất là thị xã Hà Tĩnh, rồi cũng chỉ dừng lại ở thị xã mà không thể vươn lên thành thành phố ngay trong thời thuộc địa. Điều này bắt nguồn từ điều kiện cũng như tiềm năng khai thác kinh tế của thị xã Hà Tĩnh không thuận lợi như ở Vinh - Bến Thủy.

 Trên thực tế, từ năm 1885 đến năm 1945, tư bản Pháp tập trung khai thác lâm sản, thổ sản ở hai huyện Hương Sơn, Hương Khê, vận chuyển về Vinh - Bến Thủy, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản, sản xuất diêm ngay bên cạnh tả ngạn sông Lam, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu sang Lào. Họ chỉ lập văn phòng đại diện của các công ty tư bản đặt ở Vinh, với tay qua bên kia sông Lam để khai thác sản vật sẵn có, bóc lột nhân dân Hà Tĩnh. Bởi thế, thị xã Hà Tĩnh từ khi thành lập đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn chỉ là một trung tâm hành chính với các cơ quan cai trị của chính quyền thực dân phong kiến, không thể vươn lên trở thành một đơn vị hành chính cao hơn là thành phố như Vinh - Bến Thủy. Mặc dù ở thị xã Hà Tĩnh, chính quyền cho đặt Sở Lục lộ (Sở Công chính) với mấy chục công chức; một số hiệu buôn, hiệu may, hiệu cắt tóc nhưng cũng chỉ nằm trong khuôn khổ phục vụ tại chỗ cho công chức và kiều dân Pháp. Suốt một thời gian dài dưới sự quản lý, khống chế của chính quyền thực dân, thị xã Hà Tĩnh chưa có bất kỳ một cơ sở công nghiệp nào đúng nghĩa, một số cơ sở thủ công nghiệp như thuộc da, nung gạch, làm mộc, dệt vải nhưng cùng tồn tại trong quy mô nhỏ bé với tư cách chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn của người dân. Người dân nông thôn chủ yếu vẫn gắn bó với nghề làm ruộng hoặc đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày. Các hiệu buôn bán ở thị xã Hà Tĩnh cũng không lớn, chủ yếu phục vụ tại chỗ cho một phạm vi cư dân nhỏ hẹp có điều kiện kinh tế. Sở thuế Hà Tĩnh dựa vào nguồn thu quan trọng là thuế chợ tỉnh, còn thuế từ các hiệu buôn nhỏ trên địa bàn thị xã gần như không đáng kể. Năm 1941 - 1942, thuế thu ở chợ lên đến 15.031 đồng Đông Dương, trong tổng số thuế dự kiến cho đến năm 1942 của cả tỉnh là 122.700 đồng Đông Dương và chiếm 1/3 tổng số thuế các chợ trong tỉnh.

Mặt khác, do địa bàn hẹp, số dân nội thị ít. Các thế hệ người dân trong các tuyến phố của thị xã Hà Tĩnh đều quen biết, thân thiết với nhau như đã từng đối xử với nhau khi còn ở làng xóm ở nông thôn. Dường như, việc trở thành thị xã Hà Tĩnh không gây tác động gì nhiều đến lối sống, văn hóa ứng xử của người dân nơi đây. Họ vẫn giữ phong cách của người nông thôn trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là nét đặc trưng, hình thành nên cốt cách của người Thành Sen suốt bao năm nay.

Như vậy, trong thời thuộc địa, chính quyền thực dân từng bước bình định cư dân nội, ngoại thành Hà Tĩnh, tiến tới thành lập thị xã Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh lỵ Hà Tĩnh vào năm 1924. Tuy vậy, từ khi thực dân Pháp bình định đến khi Thị xã Hà Tĩnh ra đời, đơn vị hành chính này chỉ nằm trong khuôn khổ là trung tâm chính trị, phục vụ cai trị dân bản xứ, hỗ trợ cho công cuộc khai thác kinh tế. Do hoàn cảnh lịch sử và tiềm năng của địa phương, bản thân thị xã Hà Tĩnh dưới thời thuộc địa chưa bao giờ được coi là trung tâm kinh tế của chính quyền thực dân, chỉ là đơn vị trung gian, hỗ trợ cho một số hoạt động kinh tế nhỏ bé, không đáng kể. Chính quyền thực dân đôi lúc có quan tâm đến việc mở rộng không gian thị xã bằng cách sáp nhập một số làng vào trung tâm thị xã nhưng chỉ để phục vụ thu thuế, tăng nguồn thu ngân sách hàng tỉnh chứ hoàn toàn không nhằm mục đích mở rộng hoạt động kinh tế, hình thành tầng lớp cư dân đô thị nơi đây. Những cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở địa bàn này cũng vô cùng hạn hẹp, yếu ớt khiến cho thị xã Hà Tĩnh chưa bao giờ được coi là trung tâm kinh tế của người Pháp ở tỉnh Hà Tĩnh cũng như toàn bộ Bắc Trung Kỳ. Điều này hoàn toàn khác với tư cách và vị trí của 3 thị xã trong một không gian nhỏ ở bờ bắc sông Lam là thị xã Vinh, thị xã Trường Thi, thị xã Bến Thủy.

3. Không gian thị xã Hà Tĩnh từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Hà Tĩnh được nâng lên thành đơn vị hành chính ngang huyện, trực thuộc tỉnh. “Diện tích của thị xã thời điểm này khoảng chừng 1,2km2, dân số khoảng gần 5.000 người” (3). Với không gian này, thị xã Hà Tĩnh tồn tại trong tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, trong hai năm 1947 - 1948, các cơ quan, xí nghiệp ở thị xã đều được lệnh sơ tán về vùng nông thôn. Nhân dân thị xã tự tay phá dỡ nhà cửa theo chủ trương của cách mạng, không hề tiếc nuối gia sản đã chắt bóp, tích lũy suốt một đời. Một bộ phận nhỏ người dân Thành Sen ở lại bám trụ, tiếp tục sản xuất, chiến đấu và góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ủy ban phòng thủ, sau đổi thành Ủy ban Kháng chiến thị xã Hà Tĩnh là cơ quan điều hành, quản lý thị xã lúc bấy giờ. Từ năm 1947 đến năm 1957, thị xã Hà Tĩnh không còn trực thuộc tỉnh, mà chỉ là một đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Thạch Hà. Không gian địa lý và thành phần cư dân của thị xã không có gì thay đổi nhiều so với khi mới giành được chính quyền.

Ngày 21/11/1957, Chính phủ ban hành Nghị định số 564-NĐ/CP tái thiết thị xã Hà Tĩnh trên cơ sở địa giới hiện tại. Từ thời điểm này, thị xã Hà Tĩnh là đơn vị hành chính cấp huyện, trực thuộc tỉnh. Lúc bấy giờ, thị xã Hà Tĩnh có 4 đường phố là Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Danh Dương và Cao Thắng; có 3 xóm là Thành Đông (Nam Ngạn, Tân Giang, Tả Môn), Đồng Quế và Xã Tắc. Năm 1960, thị xã Hà Tĩnh thành lập thêm phố Tân Bình; sáp nhập thêm Liên Bình, Thạch Quý; phố Phú Lạc (Thạch Phú). Không gian của thị xã Hà Tĩnh từ sau năm 1957 trở đi có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng hơn trước. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của thị xã trong vai trò là một đơn vị hành chính cấp huyện.

Cùng với mở rộng không gian địa lý, công cuộc khôi phục, kiến thiết lại thị xã Hà Tĩnh cũng khẩn trương được tiến hành. Các cơ quan lãnh đạo như Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể cấp tỉnh ở những nơi sơ tán lần lượt trở về thị xã. Tỉnh ủy chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan cấp tỉnh, thị xã. Chính quyền tỉnh thực hiện việc cấp đất cho nhân dân làm nhà ở hai bên đường phố. Mặc dù hầu hết nhà cửa của nhân dân lúc này còn đơn sơ, chủ yếu làm bằng tre, gỗ, mái lợp tranh, chưa có tên phố, số nhà nhưng với chính sách của tỉnh, số hộ gia đình làm nhà và sinh sống dọc các tuyến phố trên địa bàn thị xã ngày càng đông lên. Trong những năm 1962 - 1964, do yêu cầu xây dựng cơ quan, công sở cũng như cần thêm đất làm nhà ở cho người dân hồi cư, thị xã Hà Tĩnh thành lập thêm hai khối phố mới là phố Trần Thị Hường và phố Lâm Phước Thọ. Đồng bào di cư từ Thái Lan trở về quê hương được sắp xếp sống tập trung ở vùng giữa Trung Quý và Đồng Quế, lấy tên khối phố Trần Đức Vịnh. “Chính quyền tiếp tục mở rộng và sáp nhập thêm địa phận Trung Quý của xã Thạch Yên, Đông Phú của xã Thạch Phú vào thị xã” (4). Nhờ vậy, diện mạo của một đô thị mới, sầm uất hơn trước dần dần được hình thành ở Hà Tĩnh vào nửa đầu những năm 60 của thế kỷ XX.

Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của Mỹ đã làm gián đoạn công cuộc tái thiết thị xã Hà Tĩnh. Trong thời gian diễn ra chiến tranh phá hoại, từ tháng 8/1964 đến tháng 12/1972, do nằm trên địa bàn chiến lược, là điểm trung gian chuyển tiếp từ hậu phương ra tiền tuyến, thị xã Hà Tĩnh phải oằn mình đón nhận hàng trăm tấn bom đạn của kẻ thù, thường xuyên đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách ác liệt. Những thành tựu đạt được bước đầu về cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… trong thời gian thực hiện tái thiết, xây dựng của Đảng bộ, nhân dân thị xã Hà Tĩnh đều bị kẻ thù phá hủy. Tổn thất về vật chất, tiền của và tính mạng của người dân thị xã Hà Tĩnh cũng như toàn miền Bắc phải gánh chịu trong hai đợt chiến tranh phá hoại của Mỹ khủng khiếp chưa từng thấy, không thể nào đo đếm nổi bằng con số cụ thể.

Chiến tranh phá hoại kết thúc, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, miền Bắc tận dụng mọi khả năng có thể, khôi phục kinh tế, tăng cường chi viện cho miền Nam. Thị xã Hà Tĩnh cùng với nhân dân nhiều địa phương khác ở Bắc Trung Bộ bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết quê hương lần thứ hai. Căn cứ pháp lệnh về việc bầu cử HĐND các cấp, thi hành Chỉ thị số 23-TTg ngày 13/2/1974 của Thủ tướng Chính phủ về việc bầu cử HĐND tỉnh năm 1974, ngày 05/5/1974, cuộc bầu cử HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Chính quyền thị xã lãnh đạo nhân dân vừa tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh vừa chuẩn bị nội dung cho cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cùng với các tỉnh miền Bắc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến. Mỗi người dân Thành Sen vốn từng rất dũng cảm đương đầu với bom đạn Mỹ nay lại hăng hái chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Đồng bào Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời gian này, nhân dân thị xã Hà Tĩnh cùng với toàn tỉnh tập trung tăng gia sản xuất nhằm ổn định cuộc sống và hoàn thành trách nhiệm chi viện cho miền Nam. Do vậy, không gian đô thị của Thị xã Hà Tĩnh cơ bản vẫn được giữ nguyên, không có nhiều thay đổi so với trước đây.

Trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không gian thị xã Hà Tĩnh từng bước được gây dựng và tái thiết bước đầu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, nhất là sự tàn phá ác liệt của bom đạn Mỹ trong hai đợt chiến tranh phá hoại khiến cho những cơ sở mới gây dựng lại của Thị xã trở về con số không tròn trĩnh. Thị xã Hà Tĩnh cùng với nhân dân toàn tỉnh cũng như cả miền Bắc thực sự bước vào công cuộc khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại cơ đồ từ sau ngày miền Nam giải phóng, non sông liền một dải.

Không chỉ thay đổi về không gian đô thị mà trong suốt 144 năm hình thành và phát triển (từ năm 1831 - 1975), tên gọi, kiến trúc, dân cư, kinh tế, văn hóa cho đến vai trò, vị thế của thành phố Hà Tĩnh đều lần lượt thay đổi. Có những thay đổi ở thành phố Hà Tĩnh được bắt nguồn từ những nhân tố mang tính đặc thù của địa phương, nhưng cũng không ít thay đổi mang những đặc điểm, tính chất của quá trình đô thị hóa với những hình thái kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau.

                                                                                                      N.T.N

Tài liệu tham khảo:

(1) (2) Trần Kính (Đốc học) (1938), Địa dư tỉnh Hà Tĩnh, NXB Hà Nội, trang 22.

(3) Thái Văn Sinh (2014), Địa danh Hà Tĩnh tập 1: Địa danh hành chính 1945 - 2013, NXB Đại học Vinh, Nghệ An, trang 282.

(4) Thái Văn Sinh (2014), Địa danh Hà Tĩnh tập 1: Địa danh hành chính 1945 - 2013, NXB Đại học Vinh, Nghệ An, trang 20.

 

 

Cùng với việc thành lập tỉnh Hà Tĩnh năm 1831, không gian tỉnh lỵ Hà Tĩnh từng bước được hình thành. Trải qua nhiều biến động lịch sử, tỉnh lỵ tỉnh Hà Tĩnh có nhiều thay đổi từ chức năng, không gian địa lý đến cơ sở hạ tầng, quy mô dân số, tốc độ phát triển kinh tế xã hội. Bài viết tập trung làm rõ sự biến động không gian đô thị thành phố Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử từ năm 1831 đến năm 1975.

1. Không gian tỉnh lỵ Hà Tĩnh dưới thời quân chủ (từ năm 1831 đến năm 1884)

Thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), nhà vua phê chuẩn cho bỏ trấn, chia đặt các tỉnh, lấy hai phủ Hà Hoa, Đức Thọ gồm sáu huyện Thạch Hà, Kỳ Hoa, Hương Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn lập tỉnh mới đặt tên là Hà Tĩnh. Tỉnh lỵ Hà Tĩnh được hình thành từ đó. Tỉnh đường mới được khởi công xây đắp. “Khi ấy tỉnh lỵ đóng tại xã Đại Nài, phủ Thạch Hà. Đầu tiên đắp bằng đất, về sau mới xây bằng đá, chu vi 267 trượng, sâu 4 thước, có 2 cửa thành” (1). Đến tháng Sáu năm Quý Tỵ (1833), thành Hà Tĩnh xây dựng xong, nhà vua ban thưởng cho những người tham gia, từ quan phụ trách cho đến dân phu. Cùng với việc thành lập tỉnh Hà Tĩnh, thành Hà Tĩnh được xây dựng tại xã Trung Tiết (nay thuộc phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh) có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương dưới triều vua Minh Mệnh.

Năm Canh Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1850), Tổng đốc Nghệ An là Nguyễn Đăng Giai đã tâu xin và được triều đình chấp thuận đổi tỉnh Hà Tĩnh thành đạo để rút bớt quan lại, thu gọn bộ máy, phù hợp với điều kiện tỉnh nhỏ, việc ít. Tháng Sáu năm Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), triều đình quyết định chuyển phủ Đức Thọ về tỉnh Nghệ An, lấy phủ Hà Thanh lập đạo Hà Tĩnh, trực thuộc tỉnh Nghệ An, kiêm lý hai huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (bỏ Tri huyện) và thống hạt huyện Kỳ Anh. Đạo thành dời về thôn Nài Thị, xã Đại Nài. Tỉnh thành ở xã Trung Tiết bị bỏ, các đàn miếu đều bị giảm, chỉ dời trường học của đạo và theo lời xin của các thân sĩ, giữ lại Văn Miếu để thờ Nho thánh.

Tháng bảy năm Giáp Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 27 (1874), Trần Quang Cán khởi nghĩa ở Hương Sơn, đưa quân đánh đạo thành Hà Tĩnh. Triều đình Huế sai Hồ Oai đưa 600 quân từ Thanh Hóa vào Nghệ An và sai Lê Bá Thân, Nguyễn Đình Khoa ra đánh dẹp quân Cờ vàng ở Hà Tĩnh. Có thể vì những sự biến này mà ngay năm sau (1875), vua Tự Đức cho tái lập tỉnh Hà Tĩnh như trước. Từ năm 1875, tỉnh thành Hà Tĩnh lại dời về thành cũ ở Trung Tiết. Đến năm Tân Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 34 (1881), triều đình cho đóng góp gạch đá để xây thành Hà Tĩnh. Vật liệu xây dựng được phân bổ theo dân đinh từng làng, từng xã; ở những nơi xa xôi, để lo đủ vật liệu xây thành, hương chức và dân đinh rất vất vả. Cũng như nhiều địa phương khác, Thành Hà Tĩnh được xây theo kiến trúc Vô - băng, có mặt phẳng và gấp khúc theo hình chữ V, thuận tiện cho việc triển khai tác chiến trong phòng thủ và phản công khi có chiến sự. Thành có quy mô tương đối, “chu vi 366 trượng, 5 thước, 6 tấc, cao 8 thước, xung quanh thành có đào hào rộng 5 trượng, sâu 4 thước và có 4 cửa thành” (2). Đây là kiểu kiến trúc phổ biến của các công trình thành lũy lúc bấy giờ, ít nhiều chịu ảnh hưởng của kiến trúc phương Tây. Điều đó cho thấy, triều đình Huế và quan lại ở Hà Tĩnh thời bấy giờ đã có ý thức học tập, tiếp thu cách xây dựng, bố phòng thành ốc theo phương Tây, kết hợp với đào hào sâu, xây thành cao như truyền thống, chủ động bố phòng khí giới, sẵn sàng phòng thủ trước những biến động có thể xảy ra ở dải đất Trung Kỳ vốn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nổi loạn của dân chúng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, tỉnh thành Hà Tĩnh không phải là một đơn vị hành chính mà chỉ là nơi đặt trụ sở chính quyền tỉnh. Trên thực tế, cư dân vùng ngoại thành vẫn thuộc quyền quản lý của xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa chứ không phải thuộc thành Hà Tĩnh.

Rõ ràng, tuy thành Hà Tĩnh được xây dựng lại nhưng chính quyền quân chủ vẫn rất thận trọng trong việc trao cho nó quyền hành quản lý dân cư nội ngoại Thành với tư cách là một đơn vị hành chính thực thụ. Điều này hẳn bắt nguồn từ hoàn cảnh lịch sử và vị thế của triều đình lúc bấy giờ. Ở Trung Kỳ nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, tư cách của nhà nước quân chủ đã từng bước thay đổi, bị thu hẹp hơn so với trước, không còn toàn quyền quyết định đối với địa phương, thay vào đó là sự mở rộng kiểm soát của chính quyền thực dân.

2. Không gian tỉnh lỵ Hà Tĩnh từ năm 1885 đến năm 1945

Sau sự biến Kinh thành đêm mồng 4 rạng ngày 5/7/1885, Kinh thành Huế nhuộm máu thất thủ, Tôn Thất Thuyết và phái chủ chiến buộc phải đưa vua Hàm Nghi chạy trốn khỏi kinh thành. Vâng lệnh Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết hai lần xuống Chiếu Cần vương, được sĩ phu và nhân dân khắp nơi, từ bắc chí nam hưởng ứng nhiệt thành, nhất là các địa phương Trung Kỳ, trong đó đặc biệt sôi nổi ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Chính quyền thuộc địa phải huy động toàn bộ binh lực để dập tắt phong trào Cần Vương diễn ra khắp các huyện, phủ từ đồng bằng trung du đến miền núi thuộc hai tỉnh này.

Đến tháng 2/1886, Trung tá Mi - nhô điều lực lượng từ Bắc Kỳ vào Nghệ An, sau đó vào bình định tỉnh thành Hà Tĩnh. Trên thực tế, phải mất nhiều năm sau, người Pháp mới thật sự chiếm đóng được vùng đất này và bắt tay vào xây dựng tỉnh lỵ thành một trung tâm đô thị đủ điều kiện phục vụ chính quyền thực dân. Bộ máy cai trị được tăng cường, các cơ quan chuyên môn được thành lập, các cơ sở phục vụ như nhà thương, trường học… từng bước ra đời. Khoảng năm 1920, chính quyền thực dân chủ trương mở rộng, sáp nhập các xóm Đồng Quế, Xã Tắc, Trung Hậu, Tiền Bạt vào thành Hà Tĩnh nhưng chỉ để thu thêm thuế nhà, thuế vệ sinh, còn về mặt hành chính, những xóm này vẫn thuộc xã Trung Tiết, tổng Thượng Nhị, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa. Do đó, tuy không gian được mở rộng hơn nhưng quyền quản lý hành chính của thành Hà Tĩnh vẫn bị giới hạn và khống chế bởi chính quyền thuộc địa.

Ngày 11/6/1924, vua Khải Định ban hành Đạo dụ thành lập thị xã Hà Tĩnh. Ngày 30/7/1924, Toàn quyền Đông Dương Méc - lanh ra Nghị định chuẩn y Đạo dụ trên. Về mặt hành chính, lúc bấy giờ thị xã Hà Tĩnh được chia thành tám phố: Phố Tiền Môn, trước cửa tiền (một đoạn đường Phan Đình Phùng, từ Thành Đông đến ngã tư Công ty cổ phần Phát hành sách hiện nay); phố Hậu Môn, phía trước cửa hậu (Đồng Vinh - một đoạn đường Hải Thượng Lãn Ông hiện nay); phố Tả Môn, phía trước cửa tả (Thành Đông, đường Nguyễn Trung Thiên hiện nay); phố Hữu Môn, phía trước cửa hữu (một đoạn đường Nguyễn Công Trứ hiện nay); phố Tân Giang bên bờ bắc sông Cụt; phố Nam Ngạn bên bờ nam sông Cụt; phố Hoàn Thị xung quanh chợ tỉnh trước đây; phố Tịnh Trung là một phần đường Phan Đình Phùng, đoạn ngã tư Công ty Cổ phần phát hành sách hiện nay. Như vậy, so với thành Hà Tĩnh, không gian của Thị xã Hà Tĩnh có sự thay đổi mở rộng hơn. Thị xã được chia thành các đơn vị hành chính là phố, phản ánh sự ảnh hưởng của cách tổ chức hiện đại như phương Tây. Tuy nhiên, việc thành lập Thị xã Hà Tĩnh của chính quyền thực dân khá chậm trễ. Nếu so sánh với Nghệ An - một không gian rất gần với Hà Tĩnh, chính quyền thực dân đã thành lập các thị xã từ khá sớm: Thị xã Vinh (1914), thị xã Trường Thi (1917) sau đó hợp nhất thành thành phố Vinh - Bến Thủy (1927) nhưng ở tỉnh Hà Tĩnh, đến năm 1924 mới chỉ có một thị xã duy nhất là thị xã Hà Tĩnh, rồi cũng chỉ dừng lại ở thị xã mà không thể vươn lên thành thành phố ngay trong thời thuộc địa. Điều này bắt nguồn từ điều kiện cũng như tiềm năng khai thác kinh tế của thị xã Hà Tĩnh không thuận lợi như ở Vinh - Bến Thủy.

 Trên thực tế, từ năm 1885 đến năm 1945, tư bản Pháp tập trung khai thác lâm sản, thổ sản ở hai huyện Hương Sơn, Hương Khê, vận chuyển về Vinh - Bến Thủy, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lâm sản, sản xuất diêm ngay bên cạnh tả ngạn sông Lam, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu sang Lào. Họ chỉ lập văn phòng đại diện của các công ty tư bản đặt ở Vinh, với tay qua bên kia sông Lam để khai thác sản vật sẵn có, bóc lột nhân dân Hà Tĩnh. Bởi thế, thị xã Hà Tĩnh từ khi thành lập đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn chỉ là một trung tâm hành chính với các cơ quan cai trị của chính quyền thực dân phong kiến, không thể vươn lên trở thành một đơn vị hành chính cao hơn là thành phố như Vinh - Bến Thủy. Mặc dù ở thị xã Hà Tĩnh, chính quyền cho đặt Sở Lục lộ (Sở Công chính) với mấy chục công chức; một số hiệu buôn, hiệu may, hiệu cắt tóc nhưng cũng chỉ nằm trong khuôn khổ phục vụ tại chỗ cho công chức và kiều dân Pháp. Suốt một thời gian dài dưới sự quản lý, khống chế của chính quyền thực dân, thị xã Hà Tĩnh chưa có bất kỳ một cơ sở công nghiệp nào đúng nghĩa, một số cơ sở thủ công nghiệp như thuộc da, nung gạch, làm mộc, dệt vải nhưng cùng tồn tại trong quy mô nhỏ bé với tư cách chỉ là nghề phụ lúc nông nhàn của người dân. Người dân nông thôn chủ yếu vẫn gắn bó với nghề làm ruộng hoặc đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày. Các hiệu buôn bán ở thị xã Hà Tĩnh cũng không lớn, chủ yếu phục vụ tại chỗ cho một phạm vi cư dân nhỏ hẹp có điều kiện kinh tế. Sở thuế Hà Tĩnh dựa vào nguồn thu quan trọng là thuế chợ tỉnh, còn thuế từ các hiệu buôn nhỏ trên địa bàn thị xã gần như không đáng kể. Năm 1941 - 1942, thuế thu ở chợ lên đến 15.031 đồng Đông Dương, trong tổng số thuế dự kiến cho đến năm 1942 của cả tỉnh là 122.700 đồng Đông Dương và chiếm 1/3 tổng số thuế các chợ trong tỉnh.

Mặt khác, do địa bàn hẹp, số dân nội thị ít. Các thế hệ người dân trong các tuyến phố của thị xã Hà Tĩnh đều quen biết, thân thiết với nhau như đã từng đối xử với nhau khi còn ở làng xóm ở nông thôn. Dường như, việc trở thành thị xã Hà Tĩnh không gây tác động gì nhiều đến lối sống, văn hóa ứng xử của người dân nơi đây. Họ vẫn giữ phong cách của người nông thôn trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là nét đặc trưng, hình thành nên cốt cách của người Thành Sen suốt bao năm nay.

Như vậy, trong thời thuộc địa, chính quyền thực dân từng bước bình định cư dân nội, ngoại thành Hà Tĩnh, tiến tới thành lập thị xã Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh lỵ Hà Tĩnh vào năm 1924. Tuy vậy, từ khi thực dân Pháp bình định đến khi Thị xã Hà Tĩnh ra đời, đơn vị hành chính này chỉ nằm trong khuôn khổ là trung tâm chính trị, phục vụ cai trị dân bản xứ, hỗ trợ cho công cuộc khai thác kinh tế. Do hoàn cảnh lịch sử và tiềm năng của địa phương, bản thân thị xã Hà Tĩnh dưới thời thuộc địa chưa bao giờ được coi là trung tâm kinh tế của chính quyền thực dân, chỉ là đơn vị trung gian, hỗ trợ cho một số hoạt động kinh tế nhỏ bé, không đáng kể. Chính quyền thực dân đôi lúc có quan tâm đến việc mở rộng không gian thị xã bằng cách sáp nhập một số làng vào trung tâm thị xã nhưng chỉ để phục vụ thu thuế, tăng nguồn thu ngân sách hàng tỉnh chứ hoàn toàn không nhằm mục đích mở rộng hoạt động kinh tế, hình thành tầng lớp cư dân đô thị nơi đây. Những cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở địa bàn này cũng vô cùng hạn hẹp, yếu ớt khiến cho thị xã Hà Tĩnh chưa bao giờ được coi là trung tâm kinh tế của người Pháp ở tỉnh Hà Tĩnh cũng như toàn bộ Bắc Trung Kỳ. Điều này hoàn toàn khác với tư cách và vị trí của 3 thị xã trong một không gian nhỏ ở bờ bắc sông Lam là thị xã Vinh, thị xã Trường Thi, thị xã Bến Thủy.

3. Không gian thị xã Hà Tĩnh từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh, thị xã Hà Tĩnh được nâng lên thành đơn vị hành chính ngang huyện, trực thuộc tỉnh. “Diện tích của thị xã thời điểm này khoảng chừng 1,2km2, dân số khoảng gần 5.000 người” (3). Với không gian này, thị xã Hà Tĩnh tồn tại trong tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, trong hai năm 1947 - 1948, các cơ quan, xí nghiệp ở thị xã đều được lệnh sơ tán về vùng nông thôn. Nhân dân thị xã tự tay phá dỡ nhà cửa theo chủ trương của cách mạng, không hề tiếc nuối gia sản đã chắt bóp, tích lũy suốt một đời. Một bộ phận nhỏ người dân Thành Sen ở lại bám trụ, tiếp tục sản xuất, chiến đấu và góp phần tích cực vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ủy ban phòng thủ, sau đổi thành Ủy ban Kháng chiến thị xã Hà Tĩnh là cơ quan điều hành, quản lý thị xã lúc bấy giờ. Từ năm 1947 đến năm 1957, thị xã Hà Tĩnh không còn trực thuộc tỉnh, mà chỉ là một đơn vị hành chính cấp xã, thuộc huyện Thạch Hà. Không gian địa lý và thành phần cư dân của thị xã không có gì thay đổi nhiều so với khi mới giành được chính quyền.

Ngày 21/11/1957, Chính phủ ban hành Nghị định số 564-NĐ/CP tái thiết thị xã Hà Tĩnh trên cơ sở địa giới hiện tại. Từ thời điểm này, thị xã Hà Tĩnh là đơn vị hành chính cấp huyện, trực thuộc tỉnh. Lúc bấy giờ, thị xã Hà Tĩnh có 4 đường phố là Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Danh Dương và Cao Thắng; có 3 xóm là Thành Đông (Nam Ngạn, Tân Giang, Tả Môn), Đồng Quế và Xã Tắc. Năm 1960, thị xã Hà Tĩnh thành lập thêm phố Tân Bình; sáp nhập thêm Liên Bình, Thạch Quý; phố Phú Lạc (Thạch Phú). Không gian của thị xã Hà Tĩnh từ sau năm 1957 trở đi có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng hơn trước. Điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển của thị xã trong vai trò là một đơn vị hành chính cấp huyện.

Cùng với mở rộng không gian địa lý, công cuộc khôi phục, kiến thiết lại thị xã Hà Tĩnh cũng khẩn trương được tiến hành. Các cơ quan lãnh đạo như Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh, các cơ quan chuyên môn, đoàn thể cấp tỉnh ở những nơi sơ tán lần lượt trở về thị xã. Tỉnh ủy chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan cấp tỉnh, thị xã. Chính quyền tỉnh thực hiện việc cấp đất cho nhân dân làm nhà ở hai bên đường phố. Mặc dù hầu hết nhà cửa của nhân dân lúc này còn đơn sơ, chủ yếu làm bằng tre, gỗ, mái lợp tranh, chưa có tên phố, số nhà nhưng với chính sách của tỉnh, số hộ gia đình làm nhà và sinh sống dọc các tuyến phố trên địa bàn thị xã ngày càng đông lên. Trong những năm 1962 - 1964, do yêu cầu xây dựng cơ quan, công sở cũng như cần thêm đất làm nhà ở cho người dân hồi cư, thị xã Hà Tĩnh thành lập thêm hai khối phố mới là phố Trần Thị Hường và phố Lâm Phước Thọ. Đồng bào di cư từ Thái Lan trở về quê hương được sắp xếp sống tập trung ở vùng giữa Trung Quý và Đồng Quế, lấy tên khối phố Trần Đức Vịnh. “Chính quyền tiếp tục mở rộng và sáp nhập thêm địa phận Trung Quý của xã Thạch Yên, Đông Phú của xã Thạch Phú vào thị xã” (4). Nhờ vậy, diện mạo của một đô thị mới, sầm uất hơn trước dần dần được hình thành ở Hà Tĩnh vào nửa đầu những năm 60 của thế kỷ XX.

Chiến tranh phá hoại lần thứ nhất và lần thứ hai của Mỹ đã làm gián đoạn công cuộc tái thiết thị xã Hà Tĩnh. Trong thời gian diễn ra chiến tranh phá hoại, từ tháng 8/1964 đến tháng 12/1972, do nằm trên địa bàn chiến lược, là điểm trung gian chuyển tiếp từ hậu phương ra tiền tuyến, thị xã Hà Tĩnh phải oằn mình đón nhận hàng trăm tấn bom đạn của kẻ thù, thường xuyên đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách ác liệt. Những thành tựu đạt được bước đầu về cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… trong thời gian thực hiện tái thiết, xây dựng của Đảng bộ, nhân dân thị xã Hà Tĩnh đều bị kẻ thù phá hủy. Tổn thất về vật chất, tiền của và tính mạng của người dân thị xã Hà Tĩnh cũng như toàn miền Bắc phải gánh chịu trong hai đợt chiến tranh phá hoại của Mỹ khủng khiếp chưa từng thấy, không thể nào đo đếm nổi bằng con số cụ thể.

Chiến tranh phá hoại kết thúc, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, miền Bắc tận dụng mọi khả năng có thể, khôi phục kinh tế, tăng cường chi viện cho miền Nam. Thị xã Hà Tĩnh cùng với nhân dân nhiều địa phương khác ở Bắc Trung Bộ bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết quê hương lần thứ hai. Căn cứ pháp lệnh về việc bầu cử HĐND các cấp, thi hành Chỉ thị số 23-TTg ngày 13/2/1974 của Thủ tướng Chính phủ về việc bầu cử HĐND tỉnh năm 1974, ngày 05/5/1974, cuộc bầu cử HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Chính quyền thị xã lãnh đạo nhân dân vừa tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh vừa chuẩn bị nội dung cho cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cùng với các tỉnh miền Bắc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hậu phương đối với tiền tuyến. Mỗi người dân Thành Sen vốn từng rất dũng cảm đương đầu với bom đạn Mỹ nay lại hăng hái chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Đồng bào Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời gian này, nhân dân thị xã Hà Tĩnh cùng với toàn tỉnh tập trung tăng gia sản xuất nhằm ổn định cuộc sống và hoàn thành trách nhiệm chi viện cho miền Nam. Do vậy, không gian đô thị của Thị xã Hà Tĩnh cơ bản vẫn được giữ nguyên, không có nhiều thay đổi so với trước đây.

Trong 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không gian thị xã Hà Tĩnh từng bước được gây dựng và tái thiết bước đầu. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh, nhất là sự tàn phá ác liệt của bom đạn Mỹ trong hai đợt chiến tranh phá hoại khiến cho những cơ sở mới gây dựng lại của Thị xã trở về con số không tròn trĩnh. Thị xã Hà Tĩnh cùng với nhân dân toàn tỉnh cũng như cả miền Bắc thực sự bước vào công cuộc khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng lại cơ đồ từ sau ngày miền Nam giải phóng, non sông liền một dải.

Không chỉ thay đổi về không gian đô thị mà trong suốt 144 năm hình thành và phát triển (từ năm 1831 - 1975), tên gọi, kiến trúc, dân cư, kinh tế, văn hóa cho đến vai trò, vị thế của thành phố Hà Tĩnh đều lần lượt thay đổi. Có những thay đổi ở thành phố Hà Tĩnh được bắt nguồn từ những nhân tố mang tính đặc thù của địa phương, nhưng cũng không ít thay đổi mang những đặc điểm, tính chất của quá trình đô thị hóa với những hình thái kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau.

         Nguyễn Thị Nga

Tài liệu tham khảo:

(1) (2) Trần Kính (Đốc học) (1938), Địa dư tỉnh Hà Tĩnh, NXB Hà Nội, trang 22.

(3) Thái Văn Sinh (2014), Địa danh Hà Tĩnh tập 1: Địa danh hành chính 1945 - 2013, NXB Đại học Vinh, Nghệ An, trang 282.

(4) Thái Văn Sinh (2014), Địa danh Hà Tĩnh tập 1: Địa danh hành chính 1945 - 2013, NXB Đại học Vinh, Nghệ An, trang 20.

 

. . . . .
Loading the player...