02-01-2023 - 08:54

NÚI LẦN

Tạp chí Hồng Lĩnh Số tháng 12 năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Đặng Viết Tường về một địa danh lịch sử văn hóa - Núi Lần ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh .

 

Núi lần

 

 Núi Lần còn gọi núi Cù Sơn, ở thị trấn Xuân An và xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, thuộc nhánh thứ nhất trong dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ chạy ngang ra biển. Người dân Nghi Xuân gọi ngọn núi này là rú Lần. Thời Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua của nhà Lê có ông Bảng nhãn Trần Bảo Tín, người xã Khải Mông (thị trấn Xuân An) đậu khoa Tân Mùi năm 1511, đời vua Tương Dực, làm quan đến chức Đông các Hiệu thư; bỏ quan về chọn rú Lần lánh ẩn và mở trường dạy học, nên núi này cũng có tên là Trần Sơn. Đông Hồ Lê Văn Diễn chép trong Nghi Xuân địa chí: “Vườn quan Bảng trên núi Lần xã Khải Mông. Tên ông là Trần Bảo Tín, người làng đó. Lánh nhà Mạc về ở ẩn tại núi này.” Đại Việt Sử ký toàn thư, bản kỷ tục biên chép núi này là Lận Sơn. Đứng xa xa ngắm núi giống như Kỳ Lân phủ phục, có lẽ vì thế mà núi còn được gọi là Lân Sơn có nghĩa núi Con Sấu.

Núi Lần cách sông Lam khoảng 1 km về phía nam, dòng Lam Giang chảy qua về phía bắc. Tương truyền trên đỉnh núi Lân có đá bàn cờ tiên và những dấu tích thành lũy trong cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Phía nam núi Lần là truông Màn Trường nay thuộc địa phận xã Xuân Lĩnh, đi vào xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh. Phía bắc núi có truông Trâu, (sử ký chép là Lũng Trâu ) từ thị trấn Xuân An đi vào xã Xuân Hồng. Phía nam ngọn Cù Sơn có đầm nước rộng gần 1 mẫu, nước trong xanh biêng biếc, sâu thăm thẳm. Tương truyền khi nào đang hạn hán, thấy dưới đầm sóng nổi ầm ào, ắt sẽ có mưa. Dưới lòng đầm có hang chảy ngầm thông ra sông Lam. Chứng minh điều này, sách Nghi Xuân địa chí có chép: “Ngày xưa có người dùng dây thừng buộc vào một đầu hòn đá và một đầu quả bưởi, đem ném xuống đầm, chốc lát thì chìm mất. Nửa ngày sau người ta lượm được quả bưởi ở sông Lách , dây đã đứt nhưng quả bưởi vẫn nổi. Thường ngày đi qua đường truông Trâu, nện mạnh chân xuống đất, tự nhiên nghe tiếng thình thịch từ lòng đất dội lên. Đó là cái hang rỗng xuyên từ đầm ra sông.” Đất đai đồng bằng vùng hạ huyện Nghi Xuân đều xuất phát từ mạch núi Lần. Ngày xưa người Nghi Xuân cho rằng núi Lần có một huyệt đất quý hiển, mạnh nguồn phát kỳ nhân dị tướng tài năng xuất chúng trong huyện. Văn bia đền hậu thần thờ bà Lê Chiêu Nghi ở Tiên Bào ghi chép: “Núi cao Hồng Lĩnh, biển rộng Song Ngư, phát nguồn từ đỉnh núi Lân mà chảy đến đầm Tiên như một tờ giấy mở ra cho nên có bàu Công Chúa, có nước lượn hoa vây, đó là dấu tích dòng dõi nhà ta.” Sách “Nghi Xuân địa chí cũng chép tương tự : “Ở chổ này khe ngòi bốn mặt đổ về, đất tốt ngưng tụ, thật là một vùng trũng trong huyện. Từng thời kỳ có những người kỳ dị xuất hiện ở đây, tiếng tăm trội hẳn các vùng lân cận”. Thiên nhiên tạo ra đỉnh núi Lần có một cảnh quan kỳ vĩ, trên núi rừng thông bạt ngàn vi vu trong làm gió nồm nam, vách đá dựng đứng án ngự sườn đông như thành lũy thiên tạo. Núi Lần là một danh sơn thắng cảnh nổi tiếng được ghi chép trong Đại Việt sử ký và các thư tịch cổ như Nghệ An ký, Hoan Châu phong thổ ký, Nghi Xuân địa chí.

Trên đỉnh rú Lần đang lưu giữ dấu tích “lũy ông Ninh”: “Luỹ ông Ninh trên chóp núi Lần - Ngày xưa Ninh quận công Trịnh Toàn xây thành luỹ ở đó để đánh lại quân của Chiêu Vũ” (Nghi Xuân địa chí - tr79). Sử sách ghi chép ngày xưa Ninh quận công Trịnh Toàn trong cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh đã xây dựng thành lũy trên chóp núi để đánh lại quân chúa Nguyễn do Chiêu Vũ Nguyễn Hữu Dật chỉ huy. Khi Trịnh Toàn bị triệu về kinh, Chiêu Vũ đánh bại quân Trịnh chiếm đóng thành lũy này. Vì tầm quan trọng của đồn lũy ở Cù Sơn, tỳ tướng Trần Công Bách dưới trướng Phú quận công Trịnh Căn hiến kế nhất thiết phải chiếm lại núi này và xin làm tiên phong đánh lên núi. Bấy giờ Thống soái Trịnh Căn sai Lê Thời Hiến đem quân đổ bộ lên cửa Hội, rồi theo đường Tả Ao tiến quân, đồng thời sai Hoàng Nghĩa Giao kéo quân từ làng Âm Công ở huyện Hưng Nguyên dọc theo sông Lam tiến xuống đánh lên núi Lần. Phú quận công Trịnh Căn tự mình đem đại quân lên núi Dũng Quyết để khoa trương thanh thế. Trần Công Bách đem quân tiến lên trước đã bị quân Nguyễn giết chết dưới chân núi, được triều đình nhà Lê truy tặng Đặng quận công. Trận đánh này quân Trịnh đánh quyết liệt đã chiếm lại núi Cù Sơn và đuổi quân Nguyễn đến xã Hoa Viên. Quân Nguyễn lui về giữ huyện Nghi Xuân.

Quanh đỉnh rú này có nhiều đền miếu thờ thần và di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Phía nam dưới chân rú Lần,  thuộc địa phận xã Xuân Viên có đền Kịn, thờ thần Cao Sơn, Cao Các hiệu thờ là Tự sơn đại vương. Thần tích chép, đại vương tên thật là Cao Biền vốn người Trung Quốc, sang nước ta làm quan, sinh thời đã đặt chân đến rú Lần du ngoạn cảnh đẹp và để lại đền thờ dưới chân núi. Về phía tây bắc đỉnh rú Lần có đền thờ Yên quận công Đặng Đình An mà chúng tôi đã giới thiệu với mọi người. Trong đền có một pho tượng đá điêu khắc truyền thần vị quận công này và một văn bia bằng đá Thanh đồ sộ, có chữ Hán cổ kín 4 mặt. Bia đá dựng cạnh đường làng, cách đền khoảng 300 m về phía tây bắc so với ngôi đền. Nội dung bia ghi chép  kỹ lai lịch và gia thế của Yên quận công Đặng Đình An. Đền thờ Đặng Đình An được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.

Lưng chừng đỉnh rú có dấu tích vườn cũ của quan Bảng nhãn Trần Bảo Tín khi bỏ quan về lánh ẩn nhà Mạc. Sách Nghi Xuân địa chí có chép: “Nay di chỉ đang còn những viên đá tảng để lại dấu vết còn có thể thấy được.” Sau khi Bảng nhãn Trần Bảo Tín mất, dân làng lập đền thờ ngay trong vườn cũ nơi ông mở trường dạy học. Đền thờ quan Bảng ở giữa vùng núi rừng âm u tĩnh mịch, có đủ hạng mục điện thờ, tắc môn, tam quan, ngựa chầu hổ phục và rất nhiều đồ thờ tự. Hàng năm dân làng thường tổ chức lễ hội, trước tiên làm lễ tế cáo tại đền thờ và mộ trên đỉnh núi Lần, sau đó về tế ở trong làng Khải Mông. Mộ lăng của quan Bảng nhãn Trần Bảo Tín ở núi Lần có bia văn chép lời minh rằng: 

Núi Cù Sơn còn một huyệt

Trước lấy sông Lam án ngự

Sau có đỉnh Nga Mi làm tựa

Rồng hổ hữu tình

Núi non bái vọng

(Bản dịch của cụ Phan Sỹ Tiến)

Gần đây đền thờ và mộ quan Bảng ở đỉnh núi Lần đã được nhân dân thị trấn Xuân An từng bước tôn tạo, nhà nước đã công nhận, xếp hạng di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh và được nhân dân trùng tu, tôn tạo khang trang.

Đỉnh rú Lần có địa thế quân sự đặc biệt án ngự phía nam để bảo vệ phà Bến Thủy và thành phố Vinh. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của tàu chiến và máy bay Mỹ, xung quanh đỉnh núi Lần được bộ đội, dân quân xây dựng nhiều trận địa tên lửa, pháo phòng không, pháo binh đánh trả địch để bảo vệ thành phố Vinh, phà Bến Thủy và con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Chân núi được quân ta đào hang đặt pháo binh chống địch đổ bộ và làm kho vũ khí đánh địch. Đỉnh núi Lần trở thành trọng điểm địch đánh phá có tính chất hủy diệt bằng B52 ném bom rải thảm, nhưng núi vẫn sừng sững hiên ngang trong mưa bom bão đạn. 

Đỉnh núi Lần từ xưa đến nay là địa danh lịch sử văn hóa hiếm có, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng giàu tiềm năng phát triển du lịch trên đất Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Con đường quốc lộ tránh thành phố uốn lượn dưới chân núi Lần tôn thêm vẻ đẹp kỳ vĩ thắng cảnh này./.

           Đặng Viết Tường

. . . . .
Loading the player...