05-04-2022 - 12:07

Phóng sự “LÁ CHẮN” DỌC ĐƯỜNG BIÊN của Phan Thế Cải

phAN THẾ CẢI

“LÁ CHẮN” DỌC ĐƯỜNG BIÊN

      Phóng sự

Từ khi đại dịch CoVid-19 bùng phát, những người lính biên phòng ở Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), lại càng hiểu rõ hơn sứ mệnh cao cả của mình trước những nhiệm vụ mới, đầy gian nan thử thách. Các anh thực sự là những “lá chắn thép” dọc đường biên, là người mang ngọn lửa  sưởi ấm yêu thương bản làng, xóm thôn nơi biên giới.

Cánh cửa “thép” từ trạm gác:

Trạm cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, phía bên kia dốc Mụ Trâu là bản Thoong Pẹ, bản đầu tiên của nước bạn Lào. Phía bên này nội biên, là xã Sơn Kim. Cả hai phía rừng núi điệp trùng, thung lũng sâu hun hút. Cả bốn mùa, thời tiết ở đây đều thay đổi thất thường. Có những ngày mưa dầm và sương phủ mù mịt từ sáng tới tối. Địa hình hiểm trở nên các đối tượng buôn lậu và vượt biên trái phép thường tìm mọi mưu kế tinh ma để “cắt rừng” đi qua khu vực này. Chính vì thế, “cánh cửa thép” không chỉ được dựng ở trung tâm đường chính mạch quốc lộ 8A, còn mọc dày ở hai bên cánh gà. Ở đâu, tình nghi có dấu chân kẻ gian đột nhập, ở đấy đều có những người lính biên phòng chốt chặn.

Trong những ngày giáp Tết năm Nhâm Dần vừa qua, chúng tôi đã có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, được chứng kiến không khí làm việc bận rộn của các anh. Khi bên Tây Trường Sơn nắng vàng rực rỡ, thì ở Đông Trường Sơn những dãy núi vẫn còn chìm trong mây mù với cái lạnh buốt xương, cắt thịt. Tuy vậy, hành khách và các xe hàng vẫn kìn kìn nối đuôi nhau, chờ làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu.

Đại úy Võ Anh Tuấn trưởng trạm cho biết: “Càng gần cuối năm, áp lực công việc càng lớn, nhiều anh em trong đơn vị tết này không về thăm nhà được, bởi phải trực gác. Tất cả đồng đội đều chung một quyết tâm giữ vững bình yên nơi biên giới, bằng những hành động thiết thực và cụ thể: Thứ nhất không để lọt tội phạm buôn lậu, đặc biệt là tội phạm buôn lậu ma túy và chất nổ. Thứ hai, không để lọt kẻ vượt biên trái phép. Tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ xe và hành khách qua lại, khi phát hiện có người bị lây nhiễm Covid-19, kịp thời đưa tới khu vực cách ly, để điều trị, tránh lây nhiễm cho cộng đồng”.

Một chiến sĩ biên phòng đưa tôi tới quan sát các hành khách đang chờ làm thủ tục. Tại đây, đủ các hành trang va ly, túi xách, ba lô to nhỏ… ngồi xếp hàng trên các dãy ghế, chờ đợi đến lượt mình. Phía sau lưng họ, những hàng xe công tơ nơ trọng tải lớn, đang xếp hàng chờ được chuyển bánh sớm. Để giảm thiểu thời gian chờ đợi, tránh gây phiền hà cho khách, các bộ phận nghiệp vụ đều khá linh hoạt cho những xe đầy đủ thủ tục sớm vận hành. Nhưng kiểm tra rất kỹ đối với chủ xe và khách hàng có dấu hiệu vi phạm. Chàng lính trẻ ấy không quên nhắc lại cho tôi câu chuyện xẩy ra cách đây vài tháng, khi họ phát hiện được một thanh niên đi lao động làm thuê từ Thái Lan về nước, đã liều trốn dưới gầm xe, ngụy trang bằng hình thức bịt kín vải quanh người. Chưa hết, vào ngày 1/12/2021 các chiến sĩ của trạm biên phòng phối hợp với công an Hà Tĩnh, tổ chức mật phục và bắt được tên tội phạm có lệnh truy nã đặc biệt. Đối tượng là Đinh Văn Tuấn (sinh năm 1992, quê ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Tuấn là một mắt xích trong đường dây buôn bán ma túy “khủng” bị Công an Quảng Ninh khám phá, thu giữ với số lượng 120 bánh hê rô in. Chuyện phát hiện và bắt giữ các đối tượng buôn lậu đi qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đã diễn ra hàng ngày như cơm bữa. Đặc biệt là buôn lậu ma túy, buôn lậu động vật hoang dã. Từ năm 2020 -2022, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nạn buôn lậu ma túy và động vật quý hiếm qua các cửa  khẩu lại càng ráo riết hơn. Những đường dây buôn lậu hai mặt hàng này đều dùng đủ mọi mưu kế ranh ma, ngụy trang dưới nhiều hình thức. Nhưng dù đi đường tiểu mạch, hay chính mạch, rốt cuộc đều bị “sập bẫy”. Từ vụ nhỏ một vài trăm gam hê rô in, đến vụ lớn  hàng trăm bánh hê rô in, hàng trăm cân ma túy đá, hàng chục ngàn viên hồng phiến, hàng chục xe tải chở thú, chim, đều được các chiến sĩ phát hiện, bắt giữ. Ngoài ra các mặt hàng lậu, qua kiểm tra không đủ giấy tờ hợp lệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã được bộ đội biên phòng và hải quan trạm phát hiện và thu giữ, gửi các cơ quan chức năng xử lý.

Giúp bản ngăn ngừa dịch bệnh:  

Bản Thoong Pẹ (huyện Khăm Cợt, tỉnh Blykhămxay- Lào) nằm sát cạnh đường quốc lộ 8A, nơi đây có gần 300 gia đình người Mông sinh sống. Đã từ lâu, bộ đội biên phòng Hà Tĩnh và người dân ở đây gắn bó mặn nồng, thủy chung như cây với đất. Người dân rất biết ơn khi bộ đội biên phòng Hà Tĩnh xây dựng cho bản Trạm y tế và đưa đội ngũ thầy thuốc sang khám sức khỏe và chữa bệnh giúp dân. Trạm y tế này, không chỉ góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu cho người Mông ốm đau mời thầy mo, thầy cúng, nó còn trở thành trung tâm khám và điều trị cho nhân dân huyện Khăm Cợt. Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Minh Đức cho tôi  biết “Chỉ tính riêng năm 2021 chúng tôi đã khám và điều trị cho 6438 lượt dân, đưa lên tuyến trên cấp cứu kịp thời cho 478 trường hợp bệnh nhân nặng”.

Từ khi đại dịch CoVid-19 toàn cầu bùng phát, đội ngũ thầy thuốc đã tiên lượng mầm bệnh vi rút có thể lây lan thành diện rộng và đến cả bản làng xa xôi nữa. Do đó, phải chủ động để đối phó trước “kẻ thù dấu mặt” này. Người lính “quân hàm xanh” phải thể hiện ý chí, bản lĩnh, xung kích trên trận tuyến mới. Được sự hỗ trợ về trang thiết bị y tế và thuốc men của cấp trên, cùng với  sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ huy đồn cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, đội ngũ thầy thuốc Trạm y tế bản Thoong Pẹ đã cùng với già làng Soong Giở, trưởng bản Nang Chá đi “từng ngõ, gõ từng nhà” phát khẩu trang cho mọi người dân trong bản. Bác sĩ Nguyễn Minh Đức  đã tổ chức nhiều buổi họp, phổ biến kịp thời những diễn biến phức tạp của đại dịch CoVid-19 cho dân bản nghe, đồng thời hướng dẫn tỷ mỷ cho mọi người hiểu để có ý thức tự giác  thực hiện “5K”

Già làng Soong Giở thành thật bảo tôi: “Đại đa số người dân trong bản ta đều nghe theo cán bộ. Nhưng một số  ít không nghe cán bộ, đi ra đường không đeo khẩu trang. Cứ ôm nhau bá cổ nói chuyện giữa đám đông, lại còn tụ tập uống rượu và đánh bài thâu đêm. Trưởng bản đến khuyên nhủ, vẫn chẳng chịu nghe. Do không chịu thực hiện lệnh giới nghiêm, nên trong bản Thoong Pẹ đã có hai trường hợp bị nhiễm CoVid-19”. Đúng “con sâu làm rầu nồi canh” cả bản đang đầm ấm, bình yên  bỗng nhiên buồn như nhà có tang. Các gia đình trong bản thời gian này, buộc phải thực hiện phương án “giãn cách xã hội”. Nhà nhà đóng cửa, đường vào bản “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Còn đội ngũ thầy thuốc, lại phải căng mình, ngày cũng như đêm làm nhiệm vụ “tét nhanh” cho từng người trong bản. May mắn, hai trường hợp mắc này, đã được bộ đội biên phòng cấp tốc chuyển nhanh sang Việt Nam, điều trị kịp thời. Một phen hú vía, từ đó không một ai dám chủ quan, đi ra chợ hay lên nương dân bản đều nghiêm túc thực hiện 5K.

Điểm chốt chặn giữa đại ngàn:

Đồn trưởng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Nguyễn Ngọc Cường thông tin cho chúng tôi biết: “Với tinh thần chống dịch như chống giặc, thời điểm có Quyết định Chính phủ yêu cầu tất cả mọi công dân Việt Nam về nước phải cách ly tập trung. Bộ đội biên phòng đã triển khai ngay việc thành lập các điểm chốt chặn, từ những đường mòn lối mở trong nhiều cánh rừng đại ngàn. Lực lượng tuần tra gồm 300 cán bộ và chiến sĩ với 26 đội thay phiên bám địa hình”.

Trung tá Hoàng Xuân Kỳ không quên  nhắc lại cho chúng tôi những nỗi vất vả truân chuyên của anh và đồng đội. Thời điểm đầu năm 2021. Hôm đó, vào dịp cuối tháng ba, trời lại đổ mưa dầm. Anh Kỳ cùng với 18 cán bộ và chiến sĩ, được lệnh chỉ huy điều động lên “điểm chốt”. Anh và đồng đội hăm hở khoác ba lô với dao rựa, cuốc xẻng, lương thực.. vượt suối, trèo đèo để làm nhiệm vụ. Nơi các anh “chốt chặn” là những chiếc lán tranh dã chiến, đủ đặt chiếc giường nằm, với các sinh hoạt cá nhân. Lán dã chiến được dựng trên đỉnh dốc, bốn phía thung sâu, rừng giang, rừng nứa rậm rịch. Đêm đắp chăn bông, đồng đội ôm nhau ngủ mà vẫn rét run người vì gió ngàn thông thống thổi. Sau khi đổi gác, nhiều người vẫn chưa chợp mắt, bởi sợ sên vắt và côn trùng lạ chui vào người. Còn những người lính gác trong đêm lại phải căng mắt cùng với ngọn đèn đứng gác, trước những con đường ngoằn ngèo như  rắn bò, che khuất tìm nhìn. Chỉ cần sơ sểnh một chút, là kẻ buôn lậu hàng cấm hay vượt biên trái phép dễ dàng chui lọt. Theo lịch của chỉ huy phân công, mỗi ca trực điểm chốt là 6 người, thời gian 4 tiếng đồng hồ. Cứ tuần hoàn theo nhịp điệu thời gian, suốt 24 tiếng đồng hồ luôn có người cầm súng và ống nhòm quan sát. Nhằm siết chặt vòng vây, hàng ngày các chiến sĩ biên phòng lại dắt chó nghiệp vụ đi tuần tra theo đường mòn lối mở, trên chặng đường rừng hơn chục cây số.

Dầu phải đối mặt với muôn ngàn gian khổ, sự hy sinh thầm lặng của người lính không thể cân, đong, đo đếm được, nhưng ngôi sao trên mũ của các anh vẫn sáng lên niềm tự hào, kiêu hãnh. Từ các điểm chốt ở đường mòn, lối mở giữa đại ngàn hoang vu này, thời gian qua đã phát hiện được nhiều vụ “cắt rừng” và bắt giữ gần 30 đối tượng vượt biên trái phép. Đại tá Hà Xuân Chiến, chính ủy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh nhận xét:“Nhờ thường xuyên giáo dục và rèn luyện, nên cán bộ và chiến sĩ Bộ đội biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trong môi trường, hoàn cảnh nào, cũng luôn giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ. Họ là những tấm lá chắn thép vững chãi, trường tồn nơi biên giới, được hình thành từ bản lĩnh thép, được nung đỏ trong lò lửa thử thách. Thép càng nung, càng luyện, càng bền. Hơn bao giờ hết, người lính hiểu sứ mệnh cao cả của mình trước Đảng và nhân dân”                                                 

                                                                                                 2- 2022

                                                                                                   P.T.C

. . . . .
Loading the player...