06-04-2022 - 08:09

Phỏng vấn NHÀ THƠ NGUYỄN SĨ ĐẠI NGƯỜI NÔNG DÂN KIÊU HÃNH của Nhà báo Phan Thanh Phong

nhà thơ nguyễn sĩ đại

người nông dân kiêu hãnh

 

“Ông tôi, cha tôi và tôi/ Ba đời làm lính, ba đời nông dân”. Đó có lẽ là lời tự bạch, là “trích ngang” mộc mạc, chân thành pha chút hãnh diện của nhà thơ có trái tim người lính, tâm hồn nhà nông Nguyễn Sĩ Đại.

Nguyễn Sĩ Đại người Can Lộc (Hà Tĩnh), là một trong những gương mặt thi ca đương đại tiêu biểu của vùng đất xứ Nghệ. Ông có nhiều bài thơ ghi dấu, nhắc nhớ trong lòng người đọc, ông còn được xem là “nhà thơ tâm giao” đặc biệt của người nông dân, dù “người nông dân” Nguyễn Sĩ Đại sống, làm việc lâu năm ở phố thị và từng giữ trọng trách trong đời sống văn nghệ Thủ đô với hai nhiệm kỳ là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội.

Ông có cuộc trò chuyện về nghề cùng nhà báo Phan Thanh Phong.

Nhà báo Phan Thanh Phong (PTP): Thưa ông, quá nửa đời người, nhìn lại, hai chữ nhà thơ trong ông gợi những suy ngẫm, trăn trở gì?

Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại (NSĐ): Thú thật, tôi chưa bao giờ tự nghĩ, hay tự nhận mình là nhà thơ. Đôi khi người này, người nọ, báo này, báo nọ gọi tôi là “Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại” tôi vẫn còn cảm giác ngỡ ngàng, ngượng ngùng. “Nhà thơ” đúng nghĩa là một danh hiệu quá xa vời đối với tôi và chắc chắn là tôi không đạt tới. Lịch sử văn học sẽ không nhắc tên tôi cũng như hàng trăm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khác. Tôi làm thơ như một thôi thúc của tình cảm cá nhân, một ý thức dùng thơ ca để thể hiện tư tưởng, bổ sung cho việc làm báo nhằm phát hiện, bảo vệ lẽ phải, chia sẻ những cách nghĩ mới, hướng tới những tình cảm cao đẹp, tính hướng thiện của con người.

Về những suy ngẫm, trăn trở, hay nhìn nhận lại như chị hỏi thì có thể nói như thế này:

Về cá nhân, làm thơ, làm báo thì không làm được việc khác - những việc tạo ra nhiều tiền bạc, của cải và địa vị (Đối với nhiều người, có địa vị cũng để có tiền bạc). Tôi bằng lòng với công việc, với lựa chọn của mình. Một số bài báo, bài thơ, thậm chí một vài câu thơ của tôi được người đời biết đến, làm tôi thấy hạnh phúc và cũng ngỡ ngàng, không ngờ mình - từ một đứa trẻ nhà quê đi ra giờ lại có thể làm được như vậy. Và tôi thấy để có được điều ấy, không hề dễ dàng đối với tôi, mà lúc nào cũng lao động, cũng phấn đấu vượt lên mình ngày hôm qua.

Về xã hội, tôi luôn có những trăn trở. Trăn trở vì sao hiện thực lại không giống như lý tưởng, những điều người ta làm lại khác điều người ta nói, trăn trở vì sao cách mạng thành công đến gần 80 năm rồi mà nhiều mong ước, nhiều mục tiêu giản dị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đặt ra vẫn chưa thực hiện được; nhiều căn bệnh trong Đảng, trong bộ máy nhà nước mà Bác Hồ đã cảnh báo có vẻ phổ biến và nặng nề hơn. Tôi đã không ngừng suy nghĩ, đầu óc bị chất vấn không ngừng bởi những câu hỏi “vì sao”. Có lúc, tôi thấy chậm chân, lạc lõng với xã hội nhưng cũng thấy mình vẫn đứng hoặc đi trên con đường mình đã yêu, đã chọn, không thay đổi như khi tuổi thiếu niên nghĩ mình sẽ cố học tốt để mai sau phục vụ đất nước; như khi xung phong cầm súng biết có thể hy sinh để giải phóng đất nước. Tôi tự hào đã sống, đã viết “Lòng như cờ không một nếp nhăn”; ơn Đảng, tự hào là một đảng viên của Đảng:

Đôi mắt sáng dìu ta trong từng mỗi bước đi

Không để đến cao sang, không thành quan cách mạng

Trên đất mẹ làm người con đứng thẳng

Giữa đồng bào, đồng chí rất thân yêu!

PTP: Ông từng viết những câu thơ được nhiều người nhắc, nhớ và trích dẫn: “Người vá trời lấp bể/ Kẻ đắp lũy xây thành/ Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh...” . Có phải đây cũng chính là quan niệm về bổn phận thi ca và thi nhân mà ông muốn tuyên ngôn?

NSĐ: Cám ơn chị đã nhớ và nhắc đến bài thơ “Lá xanh” (viết năm 1997, sau này đổi thành “Lá”) của tôi. Đây là một bộc bạch, như chị nói, là một tuyên ngôn cũng được, về sống và viết. Người ta nên sống đúng bản chất lương thiện mà trời phú, làm cái gì mình có khả năng, làm tốt việc nhỏ còn hơn nói những điều to tát mà không làm được. Để đi tới nhận thức giản dị ấy, tôi cũng phải qua rất nhiều chiêm nghiệm, quan sát thực tế. Làm thơ không phải tài năng bẩm sinh, không phải vì danh tiếng, mà là từ lo nghĩ cho cuộc sống, có quan sát, tổng kết và đưa ra những ý kiến trách nhiệm. “Khởi thủy là Lời”. Từ Lời dẫn đến Hành động Tạo dựng.

Và có lẽ nhảy múa, âm nhạc, thơ ca là những loại hình nghệ thuật xuất hiện sớm nhất và tồn tại bền bỉ nhất cùng nhân loại, làm con người được thăng hoa nhất. Một cá nhân quan niệm về thơ ca như thế nào không mảy may ảnh hưởng đến vai trò, vị trí của thơ. Nhưng nhân loại đã coi thơ là loại hình nghệ thuật cao quý bậc nhất. Người ta coi thơ ca và nhà thơ là đại diện cho tâm hồn của cả một dân tộc, như là Puskin ở Nga, Nguyễn Du ở Việt Nam... Giả sử có người ngoài hành tinh nghiên cứu về con người ở trái đất, chắc chắn thơ ca cũng là một đối tượng.

Tình trạng thơ, quan niệm về thơ của một số không ít, thậm chí của số đông người hiện nay là: Ông (bà) ấy làm thơ nên cứ hâm hâm và chiều khác là: Ông (bà) ấy còn làm thơ tức còn là người tốt.

Như thể thơ đang chết. Tôi không tin như vậy. Con người ta có phần xác và phần hồn. Xác cần gì là việc của xác. Còn hồn thì còn thơ ca, còn cần thơ ca. Và sự phát triển của nhân loại cho thấy rằng, phần hồn trong con người càng ngày càng có vị trí cao hơn phần xác.

Tôi yêu thơ từ nhỏ. Đến bây giờ vẫn yêu thơ và gắn bó với nó. Đọc được câu thơ hay tôi lấy làm sung sướng như được tặng quà. Làm được câu thơ hay càng sướng hơn (dù chỉ tự mình thấy hay). Cách đây 50 năm, có được một bài thơ đăng báo, tôi tự cho là đã hoàn thành xuất sắc công việc của một năm, làm gì được thêm thì quý, không làm gì nữa cũng được rồi. Bây giờ, vẫn vậy. Làm được câu thơ hay, bài thơ hay tự cho phép mình được xả hơi, lười biếng những việc khác. Nhưng đấy là tâm lý. Khi làm được bài thơ hay lại thấy yêu đời, yêu người, bao dung độ lượng hơn trong cuộc sống, phấn khích làm tốt những công việc khác hơn.

PTP: Ra đi từ vùng quê nghèo xứ Nghệ, sống và làm việc tại thủ đô lâu năm nhưng hình như chất thi sĩ ngang tàng, sự lãng mạn lãng tử, hay cái nhìn nhân hậu, đằm sâu của một người nhà quê xứ Nghệ đa cảm, đa sự trong ông vẫn không phai lạt. Có lúc nào ông thấy mình đang tha hương, lạc lõng giữa hiện đại phố thị?

NSĐ: Câu hỏi này thật hay và thật khó. Có vẻ như nhà báo Phan Thanh Phong cũng đang hỏi chính mình chứ không chỉ dành cho tôi (cười) .

Lạc lõng à? Có! Có thời kỳ tôi cảm thấy lạc lõng, thậm chí “oán hận”, kỳ thị với sự lạnh lùng, xa hoa của đô thị. Ở đời, cái người ta không có, không hiểu, chưa vươn tới được thì người ta lại nhìn nó với sự ác cảm. Nhưng thời kỳ ấy ở tôi qua lâu rồi.

Tôi sống ở Hà Nội từ năm 1966. Trừ mấy năm bộ đội, cũng có thể nói là cả đời sống ở thủ đô. Tôi thuộc từng góc phố. Tôi hiểu đời sống sinh hoạt Hà Nội nhiều thời kỳ. Nhưng tôi không phải người Hà Nội, tôi vẫn là anh nhà quê và không lạc lõng cũng thấy tha hương. Sự tha hương nó lạ lắm. Ta từ đâu ra mà ở quê cũng có cảm giác tha hương? Hồi nhỏ tôi chỉ muốn đi khỏi làng để đến những chân trời mới. Càng về sau, càng nhớ làng “chẳng nhớ phồn hoa, chỉ nhớ làng”. Nhà thơ Mai Nam Thắng nói anh đã chực khóc khi đọc câu thơ ấy. Thôi Hiệu viết: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị” (Hoàng hôn nhìn lặng quê đâu nhỉ?). Ta có miền quê nơi sinh ra và miền quê mơ ước. Miền quê trong thơ Thôi Hiệu là miền mơ ước, miền hạnh phúc, khiến người ta kiếm tìm mãi mãi. Tôi hạnh phúc được sống ở nhiều miền quê, nên có nhiều yêu dấu. Hà Nội trong tôi, dù tôi đang ở Hà Nội đây mà vẫn nhớ quay quắt, như thơ Nguyễn Bính “Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên”. Nói chung, tình cảm con người phức tạp lắm, nói không thể hết.

Chất ngang tàng, lãng tử, lãng mạn, chất nhân hậu nhà quê... vì sao không phai lạt? Tôi không biết người khác nhìn mình thế nào. Tôi không thấy mình ngang. Nhưng tôi không thể xu phụ, không theo cái mình cho là sai. Tôi nghĩ, mình thế nào thì cứ thế ấy mà sống. Người theo cái lợi thì hay thay đổi, phải cơ hội; người có đạo nghĩa, theo đạo nghĩa thì không thay đổi. Sau này, tôi mới biết Khổng Tử nói “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi”, nhưng không thấm thía bằng lời mẹ tôi dạy ngày nhỏ Thật thà là cha quỷ quái. Với người viết, cá tính và cá tính sáng tạo là tự nhiên, cần thiết.

PTP: Thơ ông, cuối cùng thì, những bài thơ đi cùng năm tháng lại là những bài viết về nông thôn, nông dân. Có nhiều người đã viết về nông dân nhưng hình ảnh người nông dân trong thơ ông là hình ảnh đẹp và kiêu hãnh. Bài thơ Nông dân của ông được rất nhiều bạn đọc yêu thích. Tôi có người bạn ở Hội Nông dân Việt Nam, chị ấy nói vui nhưng trong sự trân trọng, cảm động, rằng: Bài thơ Nông dân của Nguyễn Sĩ Đại là một tuyên ngôn đẹp nhất, sâu sắc, tự hào nhất về người nông dân Việt Nam. Phải bằng một sự gắn bó sâu nặng với quê hương, làng quê, một nhãn quan, tâm thế, trách nhiệm, tình cảm sâu sắc đến nhường nào ông mới viết về thân phận, hình ảnh người nông dân lay động, kiêu hãnh đến như vậy?

NSĐ: Chị gọi được một từ mà tôi rất thích: Đó là sự kiêu hãnh. Người nông dân không cần thương cảm, không cần ai ban phát. Tôi thấy người nông dân Việt Nam rất đáng kiêu hãnh: Một là, người lao động lương thiện, hai là sống tình nghĩa, ba là chuộng nghĩa khí, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Người nông dân thầm lặng như đất đai mà sinh đẻ mùa màng, mà thể hiện một tầm văn hóa cao: Đêm con thức ngồi bên trang viết/ Mẹ thêm dầu sợ bấc đèn lu (Chế Lan Viên); khi cần đánh giặc thì “Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình/ Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”(Nguyễn Đình Chiểu). Làng quê đẹp, tâm hồn người nông dân thánh thiện đã cho tôi những câu thơ đẹp, những câu thơ khiến cán bộ phải suy nghĩ: Dẫu năm khó không quên ngày giỗ chạp/ Nhớ người xưa con cháu quây quần/ Vâng, có thể nông dân nhiều hủ tục/ Không yêu nổi họ hàng, yêu chi nổi nhân dân!

PTP: Là ngư?i r?i l?ng qu? ?? kh? l?u, qua n?m th?ng, h?nh ?nh ng??i n?ng d?n v? n?ng th?n trong ?ng c? thay ??i nhi?u kh?ng? N?i v?y th?i ch? v?n h?a l?ng qu? c?ng c? nhi?u h? t?c, ng??i nh? qu? c?ng c? nhi?u th?i x?u, s? h?n ch? c?n kh?c ph?c, th?m ch? ph?i thay ??i. ?ng nh?n nh?n v? ng??i n?ng d?n v? n?ng th?n th? n?o trong b?i c?nh hi?n nay v? trong nời rời làng quê đã khá lâu, qua năm tháng, hình ảnh người nông dân và nông thôn trong ông có thay đổi nhiều không? Nói vậy thôi chứ văn hóa làng quê cũng có nhiều hủ tục, người nhà quê cũng có nhiều thói xấu, sự hạn chế cần khắc phục, thậm chí phải thay đổi. Ông nhìn nhận về người nông dân và nông thôn thế nào trong bối cảnh hiện nay và trong nhu cầu xã hội đặt ra là cần xây dựng nông thôn mới?

NSĐ: Chị nói rất đúng. Nếu người nông dân đã hoàn thiện, thì họ đã không chắt bóp nuôi con để học hành thành đạt hơn. Nếu nông thôn là một khung cảnh lý tưởng thì người ta không mơ ước, không xây dựng và không đổ dồn về đô thị nữa, không cần xây dựng nông thôn mới nữa. Để xây dựng nông thôn thật sự mới, tôi thấy các làng quê, các nhà hoạch định chính sách phải tránh chạy theo phong trào, chạy theo thành tích, cứ thi đua xây dựng, bê tông hóa. Ông Thợ Rèn ở Báo Nhân Dân từng cảm thán: “Mái bằng, mái bằng lại mái bằng/ Tôi đi như cá lạc trong đăng/ 30 năm về thăm quê cũ/ Cả làng là một cục xi măng”. Có tí đất lại xây. Không còn nhiều không gian kết nối họ hàng, xóm giềng tình nghĩa, còn rất ít sự thân thiện với thiên nhiên (mà cũng chẳng còn mấy thiên nhiên để thân thiện). Như thế là đang bỏ cái đẹp, theo cái xấu. Quy hoạch, kiến trúc đô thị của ta hiện nay cũng như vậy, một ngày nào đó cũng phải làm lại. Người ta ở nơi mà không còn trời đất, trăng sao gì nữa, chỉ chạy theo tiện nghi hiện đại thì đúng là không còn thấy trời đất, cũng như sự cao rộng của tâm hồn.

Người nông dân Việt Nam ngàn đời nay vốn sống chật chội, ù lì, nặng nhọc như cái cối xay tre trong văn của Thép Mới. Họ chỉ biết hy sinh, không biết hưởng thụ. Ngày nay, tầm nhìn của họ đã biết mở mang, biết hưởng thụ, biết xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Rõ ràng, nhiều cái ở quê, như không khí trong lành, thực phẩm ngon sạch, đang biến nông thôn thành nơi đáng sống.

Còn về “chất” nông dân, tôi nghĩ cần phải nghiên cứu kỹ người nông dân Việt Nam hơn nữa. Người nông dân Việt Nam, người Việt nói chung có nhiều hạn chế, nhiều điểm yếu và điểm xấu nhưng cũng rất nhiều điểm mạnh. Họ rất năng động, biết thay đổi chứ không bảo thủ, vì họ có một thước đo chuẩn: kết quả thực tế. Một thực tế rất rõ ràng là họ đang không ngừng vươn dậy để thay đổi mình, thay đổi cuộc sống. Ai từng ở nông thôn đều biết, giống gì, việc gì sinh lợi đều được học hỏi, phổ biến rất nhanh.

Tôi không đồng tình với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng tính xấu của người Việt là do căn tính nông dân, do lối sản xuất tiểu nông mà ra. Không đồng tình với việc coi công nhân mới là giai cấp tiến bộ, giai cấp nông dân là bảo thủ.

Ở đất nước ta từ xưa có hai lực lượng chính: Đó là nông dân và tầng lớp trí thức của họ. Những người này đã làm nên lịch sử và đang là lực lượng tạo nên sự Đổi mới của đất nước.

Thế mạnh của người Việt là gì? Người Việt cũng là một tập hợp người đến từ nhiều nơi, do đó có khả năng hội nhập rất cao. Người nông dân Việt vì làm ruộng nước nên có tinh thần hợp tác rất cao, đoàn kết rất cao (phải tưới tiêu qua ruộng của nhau), khả năng làm việc nhóm tốt (Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa...), có kinh nghiệm thực tế, thực dụng (Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; gió chiều nào che chiều nấy) và lao động rất sáng tạo. Họ cũng có kinh nghiệm về sự phát triển bền vững (tích cốc phòng cơ), về tinh thần dân chủ... Nhiều chục năm nay, dưới thời cách mạng, và cho đến hiện nay, người ta vẫn tập trung phê phán người nông dân, tôi cho như vậy là không đúng, không khoa học và cả không có tình nữa.

Cần khai thác những đức tính tốt của người nông dân, thức tỉnh họ, sử dụng trí thức và lực lượng nông dân to lớn để tạo ra sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Nếu công nghiệp hóa, đô thị hóa một cách cực đoan, làm mất hết tư liệu sản xuất, đẩy phần lớn con em nông dân đến tình trạng thất nghiệp sẽ có rất nhiều hậu quả khó gánh. Không chỉ sản xuất công nghiệp mới đem lại giá trị cao mà sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và cả hướng tự nhiên truyền thống cũng đang đem lại giá trị cao về kinh tế.

PTP: Trở lại với thơ, ông có thấy trong suốt hành trình thơ dường như ông luôn trung thành lối viết trữ tình thuần hậu. Ông nghĩ gì về quan niệm đổi mới trong thi ca?

NSĐ: Thơ là người. Như chị nói, tôi làng quê thì thơ tôi làng quê. Mỗi người góp một sắc màu thì bức tranh văn học nước ta thêm đẹp. Mỗi người một hình thức, một cách thể hiện. Tôi chọn lối viết giản dị, dễ hiểu, hiểu ngay, dùng tình cảm để tác động vào người đọc, nhưng cũng có những điều đáng suy ngẫm. Đổi mới thơ ca có nhiều cách. Nhưng cách nào, theo tôi nghĩ cũng phải sáng tạo nên những con người có tâm hồn đẹp; trước hết tâm hồn của nhà thơ phải đẹp. Giản dị, thuần hậu là một cái đẹp, bên cạnh những vẻ đẹp rực rỡ khác. Chạy theo hình thức, danh vọng, thời thượng, nhất định đó không phải là cái mà tôi hướng tới!

PTP: Tôi nhớ trong một diễn đàn bàn về sự phát triển của văn chương trong thời đại toàn cầu hóa, một nhà thơ có tiếng cảnh báo sự toàn cầu hóa là kẻ giết chết cái đẹp độc đáo của văn hóa bản địa, vùng miền, trong đó có văn chương của dân tộc này với dân tộc khác. Ông nghĩ sao về điều này?

NSĐ: Trong sự phát triển sẽ có nhiều thay đổi, nhiều cái sinh ra và nhiều cái mất đi. Hạ tầng như thế nào, thì thượng tầng sẽ như vậy. Không nên lo lắng vì điều gì. Hãy sẵn sàng chấp nhận những cái mới. Tôi tin rằng, thế giới đang chuyển động với một gia tốc rất lớn, sẽ có những thay đổi lớn. Nhiều thực thể, nhiều khái niệm từng tồn tại lâu dài sẽ có những nội dung mới. Cả khái niệm về dân tộc, tổ quốc...

PTP: Trong những năm gần đây địa vị của thơ ca trong lòng công chúng có vẻ giảm sút nhiều. Là một người từng giữ trọng trách trong công tác Hội Nhà văn Thủ đô, ông có kiến giải nào không về thực tế này?

Cái này mỗi nhà thơ phải tự hỏi chính mình. Nhà thơ đã thực thi bổn phận của mình với đời sống xã hội, tác phẩm của mình đã thực thi sứ mệnh với bạn đọc, với cuộc sống chưa. Còn bản chất thi ca sẽ không bao giờ thay đổi. Thơ ca mãi mãi sẽ tồn tại, mãi mãi là ngọc quý, là sự cứu rỗi trong đời sống con người.

PTP: Ông nghĩ gì về những áp lực đời thường mà ông phải đối diện trong cuộc sống và trong sáng tác?

NSĐ: Ai cũng có áp lực. Và dường như áp lực ngày càng lớn. Nhưng đó cũng là do “con người thông thái” (homo sapiens) hay suy nghĩ mà ra. Hãy thuần hậu, hồn nhiên như lũ trẻ sẽ ít bị áp lực hơn. Hoặc suy nghĩ thì suy nghĩ để giảm áp lực. Tôi mong rằng, đời người chỉ sống một lần, ai cũng được sống thoải mái, tươi vui.

Bác Hồ từng nói: Ai làm việc gì cũng muốn có danh, có lợi. Điều đó tự nhiên. Quan trọng là danh lợi cho ai, để làm gì. Nếu danh lợi vì cái chung, thì đó là hạnh phúc. Làm việc, làm thơ, đối với tôi là để hoàn thiện việc làm người của mình trước hết, bảo đảm cho cuộc sống của mình và phần nào là lao động cống hiến. Như thế, làm thơ cũng là hạnh phúc, không có áp lực gì. Làm thơ đâu phải nghĩ để hay hơn người khác, đâu để được giải này, giải nọ. Ông Nguyễn Du có được giải gì đâu, thậm chí, Truyện Kiều còn không dám phổ biến rộng. Tôi tin cái gì hay sẽ sống.

PTP: Trân trọng cám ơn sự chia sẻ của ông!

Phan Thanh Phong (thực hiện)

 

. . . . .
Loading the player...