06-12-2021 - 08:16

PHÚC TRẠCH CÓ THÊM MỘT “ĐẶC SẢN”

Tạp chí Hồng Lĩnh số 183 tháng 11/2021 trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Khắc Phê về cuốn tự truyện của nhà báo Phạm Quốc Toàn, một người con của Hương Khê, Hà Tĩnh

 

PHÚC TRẠCH CÓ THÊM MỘT “ĐẶC SẢN”

(Nhân đọc “Khúc hát sông Ngàn” - Tự truyện của Phạm Quốc Toàn, NXB Văn học, 2021)  

                                                                                                                                

Anh Phạm Quốc Toàn không ghi thể loại cuốn sách dày gần 500 trang vừa xuất bản, có lẽ do Phần II, anh tập hợp gần bốn mươi bài viết của các nhà văn, nhà báo khắp cả nước thể hiện “Tin yêu, sâu lắng từ trái tim bạn bè, đồng nghiệp” trước cuộc đời cầm bút gần nửa thế kỷ của một nhà báo từng mang áo lính, dù đến nhiều chân trời vẫn không nguôi nhớ về những khúc hát bên sông Ngàn Sâu quê hương. Thực ra, từ những kỷ niệm được bạn bè nhắc lại, chúng ta hiểu sâu hơn cuộc đời của anh Phạm Quốc Toàn được thể hiện khá sinh động qua Phần I cuốn sách như là “Tự truyện”, với tiêu đề “Quê hương gia đình - Đấng sinh thành”.

Trong phần này, tác giả đã  dành 3 chương đầu (“Đường vô Xứ Nghệ”, “Vùng đất tâm phúc”, “Vũng Tàu biển hát”) với 60 trang viết không chỉ đầy ắp thông tin kiểu “dư địa chí” mà chứa chan niềm yêu kính và lòng biết ơn đối với quê cha đất tổ và “miền quê thứ hai” – tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi anh đã làm Tổng biên tập báo Đảng hơn hai chục năm và định cư gia đình cho đến nay. Cuộc đời riêng của Phạm Quốc Toàn được thể hiện trong 3 chương cuối Phần I có nhiều trang thật xúc động, khiến độc giả phải rơi nước mắt…

Trong “Lời giới thiệu” tác phẩm, G.S. Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, gọi đây là “Khúc tâm tưởng tự hào”. Nói cho vui, tôi chỉ mới quen biết Phạm Quốc Toàn khi anh “hành phương Nam” làm Tổng biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1991, nhưng do hơn anh tròn chục tuổi nên luôn được anh gọi bằng “bác” một cách trân trọng; thế mà một nhân vật rất nhiều chức vụ cao sang như ông Tạ Ngọc Tấn lại xưng “em” với Phạm Quốc Toàn; vậy nên tôi thêm cớ để … “tự hào” có “cậu em” đồng hương sáng giá, nhưng rất chi là khiêm tốn. Còn ông Tạ Ngọc Tấn thì khiêm tốn với “phận làm em” do ông thua Phạm Quốc Toàn 5 tuổi, vào trường học báo chí sau một khóa và hai người thân thiết nhau từ đó... Vậy nhưng ông đã viết:“…Gần gũi , thân thiết như thế, tưởng đã biết về anh, hiểu về anh. Đọc “Khúc hát Sông Ngàn” mới thấy con người của anh sâu sắc hơn tôi nghĩ nhiều, tính cách của anh khảng khái mà nhân hậu hơn tôi biết nhiều, cuộc đời của anh gian nan, nghiệt ngã hơn tôi tưởng nhiều…”. Tôi dẫn lời ông Tấn vì tôi cũng bất ngờ như ông khi đọc “Khúc hát Sông Ngàn”. Những ai đã gặp Phạm Quốc Toàn, hẳn không thể quên dáng người thấp đậm, luôn nhiệt tình cởi mở với bạn bè, giọng nói, nụ cười đều dịu nhẹ, mặc dù là dân chính gốc Hà Tĩnh từng bị gắn với giai thoại “cá gộ” nổi tiếng, lại ở tận vùng sâu vùng xa. Thì cuộc đời vẫn có sự thống nhất giữa hai mặt tưởng là đối lập như vậy. Cũng như ai ngờ đằng sau khuôn mặt hầu như chưa ai thấy một nếp nhăn và luôn tươi tỉnh lại là một cuộc đời từng chịu những nỗi đau ít người trải qua. Chúng ta thường nghe câu “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính”; nhưng với Phạm Quốc Toàn thì hẳn là nếp sống chịu thương chịu khó của một vùng quê “chảo lửa túi mưa” bên sông Ngàn Sâu, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh, rồi thời bao cấp thiếu thốn đủ bề, đã góp phần rèn đúc nên bản lĩnh của anh.

Có những chuyện thật là riêng tư nhưng đồng thời giúp độc giả hôm nay hiểu thêm đời sống của một vùng quê và có thể là của nhiều làng xóm trong thời đoạn đất nước còn nghèo khổ. Vùng quê gian khó của Phạm Quốc Toàn, khoảng những năm 1962-1967, tôi đã qua lại nhiều lần, khi đang làm anh “giám sát viên” trên đoạn đường từ Tân Ấp lên đèo Mụ Giạ; càng không quên một trưa đạp xe từ Chu Lễ lên, đói quá, may kiếm được quả bưởi cầm hơi - ngày đó, chưa mấy ai biết khai thác “thương hiệu” đặc sản bưởi Phúc Trạch! Vậy nên, đọc những trang của Phạm Quốc Toàn, tôi càng xúc động và cảm phục ý chí của anh từ tuổi học trò. Chúng ta cũng đã từng biết câu “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh”; có thể nói những giọt nước mắt tràn đầy tình nhân ái từ tuổi thơ Phạm Quốc Toàn là “nước lạnh” đã tôi luyện nên nghị lực cậu học trò quê Phúc Trạch liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện và trở thành đảng viên ngay khi mới kết thúc bậc học phổ thông 10 năm! Một “kỳ tích” cũng đáng kể nữa là “8 đồng bố chu cấp hàng tháng, tôi chia sớt quá nửa mua 5 kg muối trắng, đi bộ băng rừng, vượt núi 25 km đến vùng người dân tộc thiểu số sát biên giới Việt-Lào đổi ngô và gạo mang về làm lương thực ăn học… Cuộc trường chinh gian khổ hành quân đổi muối lấy ngô  kéo dài gần 3 năm trung học phổ thông..”.Nói theo ngôn ngữ hiện đại là Phạm Quốc Toàn đã xứng đáng là “4C” (“con cháu các cụ”) với nghĩa tốt đẹp nhất. Suốt cuộc đời, anh tiến bước lên những tầng cao bằng đôi chân và bản lĩnh của chính mình. Ông nội của anh – thường được gọi là “ông Đầu huyện Thịnh (Phạm Văn Thịnh) do ông luôn đậu thủ khoa đầu huyện, đầu Tỉnh, nhưng ông có tư tưởng yêu nước, chống Pháp rất sớm, chỉ ở nhà dạy học, bốc thuốc Nam, thuốc Bắc; thời Xô Viết 1930-1931, tham gia tổ chức trạm bí mật, cắt dây thép đường xe lửa qua Phúc Trạch, bị Pháp bắt giam 18 tháng… Thân phụ của anh sinh năm 1922, tham gia cách mạng từ năm 1943, đảm nhiệm nhiều chức trách từ xã đến huyện. Tuổi thơ của ông khá vất vả, do mẹ mất khi ông mới lên 7 tuổi, nhưng nhờ theo bố đi dạy học, ông hiểu biết nhiều thứ. Phạm Quốc Toàn nhớ lại:“… Bố mê đọc sách, chữ viết bay bướm rất đẹp, cứ như viết thư pháp. Bố biết Pháp ngữ, am tường Hán ngữ - Nho học, thông thạo văn học Trung Hoa. Truyện Kiều, bố thuộc lòng đọc xuôi, đọc ngược đều được. Tháng nào bố cũng mua cho tôi vài ba cuốn sách, ghi tặng con trai thân yêu … Bố nói, muốn giỏi chữ thì chăm đọc sách, học từ sách…”. Thân phụ của anh còn là thông tin viên, thường viết bài cho báo Hà Tĩnh, Cứu Quốc, Chính Nghĩa…, hướng dẫn cho anh cách viết rất sớm nên anh đã có bài đăng báo Thiếu niên tiền phong, Tiền phong từ lúc còn học phổ thông. Năm 1968, Phạm Quốc Toàn nhập ngũ, bố chuẩn bị cho anh“2 hộp nhỏ làm bằng cây trúc, đựng đầy tăm tre; 10 cái “rút dép” cũng do bố tự làm – loại tre già chẻ mỏng làm thành 2 mảnh dùng rút quai dép cao su lúc hành quân đường trường. Bố nói: “…Đây là những vật bất ly thân của bố ngày bố hành quân đi phục vụ chiến dịch Thượng Lào…”. Nhưng cuộc đời nào ai học hết chữ “ngờ”! Phạm Quốc Toàn đã không kịp thấy mặt người bố yêu quý lần cuối, khi ông bất ngờ qua đời ở tuổi 52, tại nơi sơ tán Mặt trận Tổ quốc Huyện, ngay khi đang ngủ. (Sau này, mới nghĩ là ông đã bị nhồi máu cơ tim…) Lúc đó (tháng 5/1974), anh đang là phóng viên báo “Quân đội nhân dân”, miền Bắc đã có hòa bình, nhưng từ Hà Nội, gần 3 ngày sau anh về tới Hương Khê thì chỉ còn cách ra nghĩa trang sát dãy Trường Sơn, giữa trời “nắng chang chang như đổ lửa, gió Tây khô nóng rít liên hồi… mà gào khóc tức tưởi: “Bố ơi, sao bố lại đi nhanh vậy, còn mẹ và các em của con… bố ơi…”. Một con người kiên nghị như Phạm Quốc Toàn mà còn phải rơi nước mắt trong thầm lặng nhiều lần nữa. Con người ta, nào ai muốn nói nhiều đến những tai nạn, nỗi đau trong đời mình; một người vốn khiêm nhường như Phạm Quốc Toàn càng lặng lẽ, nén chặt những bất hạnh vào trong, nhưng cuối đời nhìn lại, làm sao có thể quên những ngày tháng lòng quặn thắt khi phải tiễn biệt những người thân yêu nhất, những “vết thương” dù đã thành sẹo đối với tác giả vẫn khiến chúng ta nghẹn ngào. Chỉ hơn 3 năm sau ngày về quê chịu tang bố, mẹ anh cũng “ra đi” do đau ốm đã mấy năm… Và đâu chỉ có thế! Thật là trớ trêu - đúng cảnh “là vàng còn ở trên cây – Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời!” - một em trai của anh ở độ tuổi phát triển tài năng, đang du học, rồi cô con gái yêu quý của anh, đang làm ăn thành đạt, đã phải từ giã cuộc đời do lâm bệnh bất ngờ. Mấy chục năm qua, gặp Phạm Quốc Toàn không biết bao lần, liên tục cộng tác với anh trong thời gian anh làm Tổng biên tập báo “Bà Rịa-Vũng Tàu”, “Nhà báo & Công luận”, rồi Tạp chí “Thương hiệu Việt”, vậy mà nay đọc sách mới biết những “vết thương lòng” mà anh nén chịu đã bao năm!                    

Nói vậy để thấy bản lĩnh và nghị lực con người được rèn luyện, giáo dục từ một vùng quê gian khổ mà giàu truyền thống yêu nước và cách mạng có thể giúp con người vượt thoát mọi thử thách để tiến lên. Phạm Quốc Toàn cũng không quên ghi nhớ những “tấm lòng cao cả” của bạn bè đồng nghiệp khắp trong Nam ngoài Bắc đã động viên, giúp đỡ anh, nhất là trong buổi đầu khởi nghiệp, có người đã nhường cả nhà khi anh chuyển cả gia đình ra Hà Nội “tạm trú” trước ngày quyết định “Nam tiến” xây dựng cơ nghiệp nơi “Vũng Tàu biển hát” cho đến nay…

Phạm Quốc Toàn được nhiều người biết đến không chỉ do đã đảm nhiệm các chức vị “sang trọng” trong làng báo chí mà anh còn là một tác giả trên chục đầu sách, trong đó có tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (NXB Văn hoá -Văn nghệ, 2019) dày gần 500 trang với nguyên mẫu nhân vật chính là nhà văn-nhà báo-dịch giả lão thành Phan Quang… Mặc dù biết anh là một người “khiêm tốn, kiệm lời” (ý kiến của nhà báo Hữu Thọ - nguyên Ủy viên TW Đảng, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương trong một bài bình luận về tác phẩm của Phạm Quốc Toàn đăng báo “Nhân dân” ngày 14/9/2014), tôi vẫn nghĩ cuộc đời và những trang viết của anh đã giúp bạn đọc hiểu biết thêm nhiều mặt cuộc sống - có thể nói đây là những chi tiết sinh động, những “góc khuất” giàu ý nghĩa của lịch sử quê hương và của cả ngành báo chí … Và cũng có thể nói: Phúc Trạch thêm một “đặc sản” là Phạm Quốc Toàn!

Sinh năm Quý Sửu, đến Tân Sửu này là Phạm Quốc Toàn vừa đi trọn một vòng “lục thập hoa giáp”! Xin được xem những trang viết này như là thêm một bông hoa mừng tác phẩm mới của “cậu em” đồng hương, mặc dù đang lo thuốc Nam thuốc Bắc chống “bệnh nền” của tuổi già giữa mùa Đại dịch, vẫn ấp ủ cuốn sách mới ghi lại những kỷ niệm, những “bài học” trong hơn ba chục năm lăn lộn với nghiệp cầm bút vẻ vang nhưng không thiếu những thử thách cam go mà anh không thể viết hết trong “Khúc hát sông Ngàn”

   Nguyễn Khắc Phê

. . . . .
Loading the player...