15-08-2022 - 07:34

Phương thức bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong nhà trường

Tạp chí Hồng Lĩnh số 191 trân trọng giới thiệu bài viết “Phương thức bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong nhà trường” của tác giả Bùi Đức Ái

Năm 2014, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng quý báu, đặc biệt và độc đáo của người dân Xứ Nghệ được UNESCO chính thức ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với lối hát không nhạc đệm, mộc mạc, giản dị, được sản sinh từ trong lao động sản xuất và đời sống thường nhật hàng ngày, cùng với ca từ có nội dung giáo dục phong phú và đa dạng, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã miêu tả chân thực cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu con người, kính trọng mẹ cha, sự thủy chung… Ví, Giặm như là hơi thở, mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách của cộng đồng người dân Xứ Nghệ, tạo thành nét văn hóa đậm đà bản sắc trong nền văn hóa của dân tộc và nhân loại.

Lịch sử hình thành và phát triển những làn điệu Dân ca Ví, Giặm gắn liền với lịch sử quê hương đất nước. Dẫu rằng có lúc thăng trầm, nhưng  Dân ca Ví, Giặm vẫn mãi trường tồn với thời gian, gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng dân cư nơi đây. Tuy nhiên để di sản quý giá này của cha ông được tiếp nối một cách liên tục và tạo được dấu ấn sâu đậm trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ, việc trao truyền cho thế hệ trẻ là hết sức quan trọng và cấp bách. Một trong những biện pháp bảo tồn và phát huy là Hà Tĩnh và Nghệ An đã chính thức đưa Dân ca Ví, Giặm vào nhà trường giảng dạy. 

Việc đưa Dân ca Ví, Giặm vào nhà trường bước đầu đã mang lại những tín hiệu đáng mừng. Trong các nhà trường, Dân ca Ví, Giặm được tích hợp đưa vào giảng dạy và trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đời sống công nghệ phát triển, thị hiếu âm nhạc thay đổi một cách mạnh mẽ và nhanh chóng, đặc biệt là trong giới trẻ, tác động không nhỏ đến việc phổ biến loại hình âm nhạc dân gian. Bên cạnh đó, việc đưa Dân ca Ví, Giặm vào nhà trường hiện nay đang còn có những bất cập, chưa hệ thống, còn ngắt quãng, chưa đi vào chiều sâu... Các sáng tác dành cho lứa tuổi học sinh còn ít, chưa đủ sức thu hút, khơi dậy lòng đam mê, lôi cuốn các em tham gia, thể hiện loại hình nghệ thuật này. Điều này làm cho các cấp quản lý băn khoăn, trăn trở và cũng là niềm đau đáu của người giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu sự phối hợp vào cuộc nhịp nhàng của đội ngũ nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân… trên địa bàn hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Ước tính Hà Tĩnh và Nghệ An có gần 200 nghệ nhân về loại hình văn hóa dân gian này, trong đó số Nghệ nhân Ưu tú chiếm khoảng 50% và có cả Nghệ nhân Nhân dân... Nhưng trên thực tế việc truyền lửa, truyền cảm hứng và giáo dục văn hóa cội nguồn cho thế hệ trẻ đang còn hết sức khiêm tốn. Có chăng chỉ được số ít nghệ nhân đã làm, nhưng chưa hẳn là vì sự tâm huyết muốn ấp ủ, nung nấu truyền dạy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cho thế hệ tương lai. Vì vậy, theo Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm: “Đã đến lúc chúng ta cũng cần nhìn nhận chữ tình, chữ nhân nghĩa, trách nhiệm công dân đối với đội ngũ nghệ nhân của chúng ta, để những giá trị nghệ thuật được nâng lên, lan tỏa... Cùng nhau hành động gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của cha ông để lại cho hôm nay và mai sau”.

Tiết mục tham gia liên hoan dân ca ví, giặm trên sân khấu của học sinh tiểu học

Với tư cách là một giáo viên dạy nghệ thuật ở trường THCS, tâm huyết với dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, tôi luôn trăn trở cần phải có giải pháp phù hợp để việc đưa Dân ca Ví, Giặm vào nhà trường THCS đúng với tinh thần ý nghĩa đích thực việc dạy của thầy và việc học của trò. Theo tôi, lúc này chúng ta phải có những phương thức thiết thực cụ thể sau:

- Sưu tầm, biên soạn, đặt lời mới, in ấn tài liệu, băng đĩa CD, VCD, Trang Web điện tử, tranh bài, các loại nhạc cụ dân tộc… phục vụ cho việc dạy và học, lựa chọn tuyển tập một số tổ khúc, làn điệu về nội dung và hình thức phù hợp với lứa tuổi học sinh, sử dụng vào việc sinh hoạt truyền dạy tại nhà trường, truyền thanh trên kênh tuyên truyền Đội viên hai đến ba số trên tuần.

- Tiếp tục chú trọng việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên phụ trách CLB Dân ca Ví, Giặm ở nhà trường, bên cạnh đó hàng năm cần tổ chức một lần mời một số nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ những người am hiểu tâm huyết về Dân ca Ví, giặm nói chuyện chuyên đề, giao lưu, truyền dạy tại các đơn vị nhà trường.

- Mở rộng các kênh tuyên truyền, giáo dục Dân ca Nghệ Tĩnh trên những phương tiện thông tin của nhà trường, lồng ghép sinh hoạt dân ca Ví, Giặm vào các hoạt động giáo dục, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo...

- Biên tập xây dựng bộ sách tài liệu giảng dạy có hệ thống, khoa học, chính quy, bài bản phù hợp với giáo viên và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, khi soạn lời mới cho một số làn điệu Dân ca Ví, Giặm chúng ta cần chú ý: Tính chất âm nhạc cung, quảng, giọng, điệu, nội dung, và hình thức... Điều này sẽ giúp người dạy và người học đạt kết quả cao.

- Nhân rộng các mô hình CLB dân ca Ví, giặm ở những đơn vị nhà trường và trong cộng đồng dân cư, cụ thể mỗi trường học nên có  CLB dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh.

- Tổ chức cho học sinh đi tham quan thực tế, trải nghiệm sáng tạo tại một số đơn vị có phong trào hát dân ca Ví, giặm như: Ca trù Cổ Đạm, CLB dân ca Tiên Điền Nghi Xuân, Trường Lưu Can Lộc, Đan Du Kỳ Anh….Tổ chức gặp gỡ, giao lưu nói chuyện với nghệ nhân bên cạnh đó có kế hoạch phối hợp với nghệ nhân để tổ chức truyền dạy Dân ca Ví, Giặm tại nhà trường.

 - Nhạc đệm cho hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không nên sử dụng nhạc điện tử, mà phải sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc như: Tranh, Nhị, Sáo, Bầu... Tùy vào điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị, nên mua sắm một số loại nhạc cụ dân tộc trưng bày ở phòng nghệ thuật như: Đàn bầu, Đàn tranh, Đàn nhị, Đàn nguyệt, Sáo trúc... có thể sử dụng được, điều này sẽ giúp học sinh cảm nhận trực quan tốt hơn trong giờ học.

- Hằng năm tổ chức cuộc thi về dân ca Ví, Giặm cấp trường nhân các ngày lễ lớn theo chủ đề chủ điểm, chế độ động viên khen thưởng kịp đối với cá nhân và CLB đạt thành tích cao, qua đó phát hiện bồi dưỡng những em học sinh có tố chất, năng khiếu về âm nhạc nói chung và Dân ca Ví, Giặm nói riêng tư vấn phân hóa định hướng nghề nghiệp trong tương lai.     

- Lựa chọn trang phục phù hợp với loại hình hát dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, phù hợp thời gian, không gian diễn xướng xưa và tình hình bối cảnh thực tế của đơn vị. Song song với những việc làm trên cần chú trọng việc truyền dạy Dân ca Ví, Giặm theo phương thức tích hợp, phân hóa, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

- Tích hợp truyền dạy Dân ca Ví, Giặm với phương ngữ Nghệ: Trước hết chất liệu của Dân ca là Ca dao, Tục ngữ, Đồng dao… kết tinh từ lời ăn tiếng nói của nhân dân, đây cũng là lý do đầy đủ nhất nó mang trong mình những đặc trưng thổ âm, thổ ngữ nơi đây. Dân ca Ví, Giặm được “chưng cất” loại nguyên liệu đặc biệt đó, tạo nên ấn tượng sâu sắc khó quên Ví, Giặm dễ dàng nhận thấy lớp từ đặc trưng là xưng hô. “Sao, choa, bây, ngài, người”…Truyền dạy Dân ca Ví, Giặm đa số là theo lối truyền khẩu, không quá nặng về học thuật của thanh nhạc.

- Tích hợp truyền dạy Dân ca Ví, Giặm với lịch sử: Người Nghệ vừa là chủ thể vừa là đối tượng của Ví, Giặm được xem như phương tiện để cộng đồng nơi đây khắc ghi những dấu ấn lịch sử, xã hội loài người, từ góc độ lý luận mà nói con người ở thời đại nào thì cũng sản sinh ra phương thức và tư liệu mang dấu ấn thời đại ấy. Bên cạnh đó giáo viên cũng có thể lồng một số câu chuyện lịch sử khi truyền dạy Dân ca Ví, Giặm như: Đại thi hào Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ  đi hát phường, hát hội, chuyện khoa bảng ngày trước ở Trường Lưu (Can Lộc )… Qua đó đánh thức học sinh về lòng tự hào, tự tôn dân tộc ý chí vươn lên trong học tập và biết trân quý, gìn giữ, yêu cái hay cái đẹp. Dựa vào một số câu chuyện lịch sử giáo viên cũng có thể xây dựng các tiểu phẩm, hoạt cảnh…bằng tổ khúc Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh để lồng ghép giáo dục học sinh.

Tuy nhiên dạy truyền dạy Dân ca Ví, Giặm là truyền dạy nghệ thuật chính vì tính đặc thù của bộ môn này nên phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có tố chất năng khiếu bởi vậy chúng ta không nên ép buộc gò bó các em mà có sự phân hóa  khi kiểm tra quan sát lớp học ngay từ những buổi đầu. Ví dụ: Trong một lớp học cụ thể tùy vào thực tế giáo viên sẽ giao nhiệm vụ cho học sinh như sau “Lựa chọn số em hát vào nhóm hát chủ đạo, nhóm múa phụ họa, nhóm đóng hoạt cảnh, nhóm gõ phách nhịp, em làm dẫn chương trình… Những em có năng khiếu hát tốt hoặc kỹ năng viết lách, thuyết trình tốt giáo viên có thể trao đổi, định hướng nghề nghiệp cho các em sau này.

Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp này cần phải thực hiện một cách có hệ thống, khoa học và kiên trì, bền bỉ. Đưa Dân ca Ví, Giặm đi vào cuộc sống, bắt nhịp cùng hơi thở của cuộc sống là cái đích cuối cùng mà chúng ta mong đợi. Làm tốt việc bảo tồn và phát triển Dân ca Ví, Giặm trong các nhà trường cũng là một trong những nhiệm vụ góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu tốt đẹp trên.

B.Đ.A

. . . . .
Loading the player...