Nhân dịp Kỷ niệm 255 ngày sinh và Tưởng niệm 200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du, Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết "Sinh hoạt trò Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du" của Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Phan Thư Hiền.
Thực ra, Trò Kiều không phải được khai sinh ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh - quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, mà loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này có nguồn gốc từ các làn điệu Hát Chèo Bắc, được xác định là sản phẩm nghệ thuật của những cư dân “Đàng ngoài” (Bắc Nghệ An và Nam Thanh Hóa). Cho đến nay vẫn chưa có cứ liệu chính xác để có thể khẳng định Trò Kiều xuất hiện trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du từ bao giờ, chỉ biết từ những năm cuối của thế kỷ XIX cho đến bốn thập kỷ đầu của thế kỷ XX, bên cạnh nhiều làng có “Phường Tuồng”, hay “Phường Bội” (hát Tuồng bộ), hoặc “Phường Trương Viên” (diễn trò Trương Viên), thì ở Nghệ Tĩnh cũng rất nhiều làng có “Phường Kiều” (diễn Trò Kiều) rải rác ở hầu khắp các huyện. Có khá nhiều giả thiết cho rằng Trò Kiều được đưa từ ngoài Bắc vào: Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một số gia thương ở Diễn Châu ra Hà Nội buôn bán, trong những ngày chờ bán hết hàng, họ tìm đến rạp Năm Căn xem hát Chèo Kiều. Xem nhiều lần nên họ đâm mê, liền về cử một nhóm người có năng khiếu ra Bắc học, ghi chép lại bài vở rồi về truyền dạy lại cho nhau. Còn theo lập luận của một số người cao tuổi ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh thì Trò Kiều được đưa vào làng Tiên Điền, bằng 2 con đường: Thứ nhất, Nguyễn Ngũ là cháu ruột của Đại thi hào Nguyễn Du, ông là một người đam mê và hiểu biết về Nghệ thuật sân khấu Chèo. Ông đã chuyển thể tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du thành các tích của Trò Kiều. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa tìm được căn cứ cụ thể nào để chứng minh cho giả thiết này. Thứ hai, Trò Kiều được đưa từ Diễn Châu, Nghệ An, qua con đường giao lưu, buôn bán nón lá của người dân làng Tiên Điền. Theo chúng tôi, giả thiết này có sức thuyết phục hơn, bởi lẽ: Hồi trước, làng Tiền Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh có nghề may nón lá, còn xứ Diễn Châu - Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có nghề làm trống, hai làng thường có mối quan hệ với nhau rất khăng khít thông qua con đường buôn bán. Tương truyền, buổi đầu dân Tiên Điền đi ra vùng Diễn Châu - Nghi Lộc bán nón lá, nghe tiếng trống hay và mới lạ, khác hẳn với tiếng trống của những phường bán trống khác, các chàng trai làng nón tò mò, lân la đến gần tìm hiểu mới biết các nghệ nhân làng trống Diễn Châu đánh trống chèo. Từ đó các phiên chợ hàng tháng, trai làng nón Tiên Điền khi bán hết nón, lại lân la đến trai hàng trống nghe đánh trống chèo và kéo nhau về tận nhà bạn hàng để nghe hát Chèo Kiều. Nghe mãi rồi đâm mê, trai làng nón Tiền Điền bàn nhau đón thầy Chèo Kiều ở Diễn Châu về làng Tiên Điền để tập luyện, biểu diễn.
Theo cố GS. Vũ Ngọc Khánh, cố PGS. Ninh Viết Giao và nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Ban thì Trò Kiều xuất hiện ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vào những năm đầu của thế kỷ XX (1910-1920). Lớp nghệ nhân đầu tiên tham gia trình diễn Trò Kiều nếu còn sống đến nay (2020), chắc họ cũng đều đã trên 120 tuổi. Nói cách khác cụ Nguyễn Du mất khoảng trên 100 năm thì Trò Kiều mới từ Diễn Châu, Nghệ An chuyển về ngay trên cái xóm làng Tiền (nay là thôn Thuận Mĩ, thị trấn Tiên Điền) quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du. Có nghĩa là Trò Kiều có cội nguồn từ Chèo Kiều. Và Chèo Kiều về đến đất Hà Tĩnh, được các nghệ nhân ở làng Tiên Điền sáng tạo, nâng cao chất lượng nghệ thuật và bổ sung thêm một số điệu hát của Tuồng bội, Ngâm thơ, Ca Huế, Ca trù, dân ca Ví Giặm…vào trong các lớp diễn kịch bản Chèo Kiều, tạo thành một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có tên mới là Trò Kiều.
Trò Kiều và Chèo Kiều tuy có nhiều điểm tương đồng, những cũng cần có sự phân biệt sự giống nhau và khác nhau giữa 2 loại hình nghệ thuật này. Trước hết, điểm giống nhau là Chèo và Trò đều lấy điển tích từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du; hầu hết chỉ đóng nhân vật chứ không hóa thân thành nhân vật. Mọi hành động, tâm trạng của nhân vật chỉ làm động tác ước lệ và cách điệu; đều có sử dụng lối nói để trả lời hoặc để hỏi, ca từ có kết hợp nói vần và hát; đều có một số vai hề để gây cười và lồng vào những ý tứ câu phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời. Về nhạc cụ cơ bản giống nhau, gồm: trống bản, trống nhỏ, trống cơm, trống đế, mõ, thanh la, nhị, đàn nguyệt, đàn tam, hồ, sáo trúc. Một số vở trò pha tuồng, pha ca trù thì có trống chầu, người cầm chầu là một khán giả có vai vế và có hiểu biết về hát trò, hát tuồng, bội. Điểm khác nhau là: Trò Kiều là những công trình tập thể hoặc khuyết danh, hoàn toàn mang tính dân gian nhiều hơn tính bác học; lời thoại do người lao động sáng tạo ra nên thô sơ, mộc mạc; làn điệu pha tạp đủ các loại hình dân ca 3 miền, với các làn điệu chính là: Làn ngang, làn dọc, nam bằng, nam ai, nam thương, hát sử, sa lệch, đi đường hát lối... Mỗi nhân vật, mỗi trường đoạn sẽ “ứng” với các làn điệu cụ thể. Múa Trò Kiều đơn giản hơn Chèo, tay dùng quạt, xoè ra khép lại, múa lượn, vì vậy người dân quen ví “lượn như nhà trò”. Tuy nhiên, sự khéo léo ở đôi bàn tay, kết hợp chuyển động toàn thân nhẹ nhàng uyển chuyển theo tiết tấu câu hát, cũng gây nên những cung bậc của cảm xúc. Chiếc quạt là đạo cụ ưu thế để người hát, người diễn hòa nhập với động tác múa. Múa mang tính ước lệ những động tác trong lao động và cuộc sống. Ví dụ: vuốt râu đưa một tay đặt lên trán là ngủ; tay xách một ống quần nhảy chéo chân là qua sông... Mọi hành động của nhân vật phần lớn là dùng roi để miêu tả sự đi lại, chẳng hạn: Dùng tay quất roi ngựa, lượn 1 đến 3 vòng, nghĩa là thay đổi thời gian... Cái quan trọng là hát hay, tự sự giỏi, hình thức thể hiện kết hợp giữa lời ca và và vũ đạo. Trò Kiều mang đúng đặc trưng giọng điệu, ngôn ngữ của người miền Trung, khiến người nghe, người xem cảm nhận và hình dung về các nhân vật truyện Kiều sinh động, gần gũi hơn. Trang phục biểu diễn khá cầu kỳ, trên cơ sở như thật nhưng được tô điểm nâng lên cho đẹp, cho dữ tướng. Thông thường, các vai diễn tướng soái thì ảnh hưởng hóa trang của kinh kịch, mặt nạ, mặt xanh, mặt đỏ...Còn các vai chính diện như Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng…thì mặc cầu kỳ, diêm dúa, sang trọng, mặc dù trước đây, các vai diễn: Thúy Kiều, Tú Bà, Hoạn Thư đều do phái “mày râu” xâu lỗ tai để sắm vai. Diễn xướng Trò Kiều có đầy đủ các nhân vật chính trong Truyện Kiều, ngoài ra còn có thêm nhân vật mang tính dẫn chuyện, vai hề mua vui. Mục đích là để thu hút sự chú ý của khán giả trong một đêm diễn, cũng là để nói lên những thói hư tật xấu, những mặt trái của xã hội, đồng thời để giảm bớt tính bi ai, sầu não, mà tăng thêm tính lạc quan, vui vẻ, dí dỏm trong vở diễn. Ánh sáng sân khấu biểu diễn Trò Kiều: Là những chiếc đèn đất, đèn măng xông cắm/ treo hai bên cánh gà. Ngoài ra, nghệ nhân trình diễn trên sân khấu sử dụng những hốc bằng giấy moi có nhúng sơ dầu vừng, nghệ nhân kẹp nó vào vào hai ngón tay trỏ và giữa tay trái, tay phải cầm quạt. Như vậy ánh sáng đồng thời là đạo cụ được nâng lên, hạ xuống theo điệu múa, lung linh soi mặt và hình thể diễn viên. Về kịch bản, nội dung vở diễn là sự nhớ lại của các nghệ nhân, của các ông trùm chèo các địa phương. Từ khi mang từ vở Chèo Kiều của Bắc trung bộ, đến lúc về đến các địa phương thì dần được cải biên mỗi nơi một khác đi ít nhiều. Do đó ở Nghệ Tĩnh có khá nhiều dị bản khác nhau. Bố cục một kịch bản Trò Kiều thường chia ra làm bốn màn, có người gọi là bốn “Tấn” (theo cách gọi của Tuồng bộ), gồm: Màn I: Du xuân - Gặp Kim Trọng; Màn II: Kiều bán mình chuộc cha; Màn III: Báo ân báo oán; Màn IV: Kim Kiều tái hợp (Hậu Kim Trọng). Riêng Trò Kiều ở Tiên Điền, Nghi Xuân lại sắp xếp thành 3 hồi, mỗi hồi là một đêm diễn: Hồi I: Chữ tài chữ mệnh: Gồm các cảnh: Gia cảnh Viên ngoại; Chị em Kiều du xuân, gặp mả Đạm Tiên; Ba chị em Kiều du xuân về gặp Kim Trọng; Kim Trọng nhặt được kim thoa ở vườn thuý; Kim Trọng từ biệt Kiều về hộ tang thúc phụ; Hàng tơ vu oan, Vương ông mắc nạn; Kiều bán mình chuộc cha, giao Vân cho Kim Trọng. Hồi II: Đoạn trường Kiều 15 năm lưu lạc: Gồm các cảnh: Mã Giám Sinh mua Kiều; Tú Bà ra oai, bắt Kiều làm lễ Tiên sư; Kiều tự tử không chết. Đạm Tiên báo mộng; Kiều gặp Sở Khanh và bị lừa chạy trốn; Tú Bà bắt Kiều tiếp khách làng chơi; Kiều gặp Thúc Sinh; Hoạn Thư ghen – Sai Khuyển Ưng đi bắt Kiều; Hoạn Thư sai Kiều hầu rượu Thúc Sinh. Hồi III: Kiều đến chùa Quan âm: Gồm các cảnh: Thúc sinh lên gặp Kiều, Hoạn Thư bắt được; Kiều bị đưa đến Châu Thai; Kiều gặp Từ Hải; Kiều báo ân báo oán; Từ Hải đánh thắng Hồ Tôn Hiến; Hồ Tôn Hiến mua chuộc Kiều; Từ Hải chết đứng; Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường(1).
Mở đầu một đêm diễn xướng Trò Kiều đều có bài hát Dẹp đám. Người dẹp đám thay mặt đội trò của làng ra khai mạc đêm diễn, giới thiệu phường trò, phong thổ làng, và chào mừng quan viên, chức sắc cùng đồng dân thượng hạ...trước là mừng đất nước, sau là mừng đức vua, mừng quan chức dân xã, mừng nhân dân: Nay nhân tiết Xuân Thiên thư thả/ Anh em tôi ca xướng làm vui/ Việc trò vè là chuyện qua chơi/ Có sơ xuất xin người chuẩn giám...Trên chúc mừng đất nước hai chữ Khang ninh/ Sau ca tụng tứ thời phong cảnh/ Mừng dân xã ta được chữ Tam đa/ Phuc tử kỳ lưu truyền vạn đại/ Địa nhân vi thắng, nhân dị đức vi vinh... Trò Kiều dựa vào nội dung của Truyện Kiều với đầy đủ các nhân vật chính trong tác phẩm, ngoài ra còn có thêm nhân vật Dẫn tích (diễn tích). Thông qua tóm tắt số phận, hoàn cảnh của các nhân vật chính trong tích trò để khái quát nội dung toàn vở. Trong Trò Kiều, các nhân vật xuất hiện lần đầu trên sân khấu, đều phải xưng danh. Chẳng hạn, Viên ngoại, xưng danh: Tôi là Viên ngoại họ Vương/ Gia tư cũng thường thường/ Sân quê hè 3 ngày vui vẻ/ Quan là chữ/ Nghiệp học hành theo dấu thi thư/ Gái đầu lòng 2 ả tố nga/ Nàng Thuý Kiều thông minh sẵn có/ Bậc thi cầm ăn đứt nghề riêng/ Duyên cát đằng đợi khách văn chương/ Chốn cung cấm chưa hề ong bướm…
Từ khi du nhập vào làng Tiên Điền, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, Trò Kiều tồn tại và phát triển trong các dịp hội hè, lễ tết. Thời đó, hễ tiếng trống nổi lên là người dân Tiên Điền, bất kể già trẻ, gái trai, từ tầng lớp bình dân cho đến những gia đình khá giả đều kéo đến xem, đông vui như hội. Họ vây vòng trong vòng ngoài, chen lấn, xô đẩy nhau để cố xem cho được vở diễn của đội trò. Vì thế, nhiều người không tham gia thủ một vai nào, nhưng lại thuộc rất nhiều vai của vở. Có người một chữ bẻ đôi không biết mà lại thuộc làu cả tấn trò. Hễ nghe tiếng trống nổi lên, bất phân ngày đêm, dù trời nắng hay mưa, Trò Kiều tập hay diễn, dân làng đều tụ tập đến xem, với một niềm háo hức say mê. Người dân Tiên Điền hát Trò Kiều cả khi làm đồng lẫn khi ngồi khâu nón, vót nan, may áo, dệt vải, cày, cấy, đi biển… Trò Kiều trước hết giải quyết nhu cầu giải trí của người dân Nghi Xuân, nhất là trong lúc các phương tiện thông tin và văn hóa giải trí chưa phát triển. Nhưng hơn hết, đến với Trò Kiều, người dân Nghi Xuân ngoài việc thưởng thức, còn được tiếp nhận nhiều bài học giá trị để vận dụng vào cuộc sống của mình: đó là bài học về đạo hiếu, về tình yêu say đắm, về khát vọng tự do.
Đội Trò Kiều Tiên Điền ngày trước biểu diễn trong điều kiện thiếu thốn đủ bề: Sân khấu chỉ là vài ba cọc tre dựng lên với một số tấm phản gỗ. Họ diễn dưới ánh đèn dầu, đèn đất, đèn măng xông cắm hai bên cánh gà, nhưng đêm nào khán giả đến xem đội trò biểu diễn cũng chật kín cả sân. Trò Kiều như giúp họ quên đi những vất vả trong cuộc sống. Đối với các nghệ nhân, việc tập luyện và biểu diễn trở thành niềm vui của từng người, mà không tơ màng đến chế độ thù lao. Trò Kiều khi mới ra đời đã được các nghệ nhân mang đi biểu diễn cho nhân dân trong làng và ngoài xã, đến đâu cũng được đông đảo các tầng lớp nhân dân nồng nhiệt đón nhận. Khoảng từ năm 1918 -1944 là thời kỳ Trò Kiều Tiên Điền phát triển mạnh nhất. Từ năm 1972 trở đi: Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bùng nổ, phong trào diễn xướng Trò Kiều trên địa bàn toàn tỉnh lắng xuống trong nhiều năm. Năm 1998, dưới ánh sáng Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành TW Đảng (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Trò Kiều tiếp tục được hồi sinh. Đầu năm 2000, Câu lạc bộ Trò Kiều ở Tiên Điền được thành lập, gồm 16 thành viên, do ông Nguyễn Mậu làm chủ nhiệm. Các nghệ nhân Nguyễn Mậu, Nguyễn Ban (cũng là hậu duệ của dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền) cất công đi khắp các huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc…rồi ra tận Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An…để sưu tầm kịch bản Trò Kiều. Cùng một niềm đam mê bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo này, người dân Tiên Điền giờ đây không phân biệt đẳng cấp sang - hèn, không phân biệt trai - gái, đều chan hòa với nhau khi tham gia thực hành diễn xướng Trò Kiều. Và đến nay, nam giới cũng không còn phải thủ vai Thúy Kiều, Thúy Vân, mà đích thân những cô gái xinh đẹp, hát hay trong làng trực tiếp đóng vai.
Thanh Hợi - vai Thúy Kiều trong trích đoạn “Gia biến” - Ảnh: Linh Châu
Thời gian qua, với sự ra đời của Hội Kiều học Việt Nam (2011), tình yêu với Truyện Kiều, các hoạt động của Hội Kiều học ở 10 tỉnh, thành phố đã góp phần đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị, tinh hoa về văn học nghệ thuật, về văn hóa, xã hội kết tinh hội tụ trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Trong đó, Hội Kiều học Việt Nam tại Hà Tĩnh, từ ngày thành lập đến nay, đã tổ chức được nhiều hội thảo khoa học về Nguyễn Du và Truyện Kiều; tổ chức 3 cuộc thi đọc thuộc Truyện Kiều tại Hà Nội, Hà Tĩnh và thành phố Hồ Chí Minh. Chi hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại Hà Tĩnh đã sản xuất 03 bộ đĩa CD, DVD Hát thơ Kiều bằng dân ca ba miền, có tựa đề: “Hát thơ Kiều”,“Chung tiếng tơ đồng” và “So dần dây vũ, dây văn”, được khán giả đón nhận nhiệt tình. Năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-HĐND về Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ, giai đoạn 2018-2025 và những năm tiếp theo. Gần đây, Trò Kiều đã có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn và được đưa vào Liên hoan Dân ca học đường ở huyện Nghi Xuân, cứ hai năm huyện lại tổ chức một lần.
Tiết mục Trò Kiều của Trường Tiểu học Tiên Điền - Ảnh: Đậu Hà
Tuy nhiên, để khôi phục và phát triển Trò Kiều nói riêng và các loại hình diễn xướng dân gian nói riêng vào đời sống trong điều kiện hiện nay, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Trò Kiều là vở diễn dài với nhiều nhân vật, lại đòi hỏi các diễn viên phải vừa có cả thanh lẫn sắc, cộng với niềm đam mê và lòng nhiệt tình. Hiện tại ở Hà Tĩnh chỉ còn 2 câu lạc bộ Trò Kiều 2 xã Tiên Điền và Xuân Liên của huyện Nghi Xuân còn duy trì được hoạt động và có thêm câu lạc bộ Trò Kiều xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà vừa mới khôi phục năm 2018, nhưng các địa phương cũng chỉ đủ điều kiện để diễn các trích đoạn mà thôi. Nguyên nhân chính là số nghệ nhân “gạo cội” đã lần lượt ra đi, hoặc tuổi cao không thể tiếp tục lên sân khấu biểu diễn, còn lớp trẻ chưa đủ khả năng để hát các làn điệu cổ và chưa đủ tầm để đảm nhiệm các vai chính như Thuý Kiều, Kim Trọng, Tú Bà, Hoạn Thư,…Hơn nữa, diễn viên trong đội Trò Kiều thường không ổn định, nhất là lớp trẻ. Nhu cầu của cuộc sống, người dân Tiên Điền cũng giống như những vùng nông thôn khác, đến tuổi trưởng thành đều có xu hướng thoát li khỏi lũy tre làng, nên để có dàn diễn viên tươi trẻ, thanh sắc vẹn toàn như ngày xưa là rất khó. Các nghệ nhân đi trước đã mất công truyền dạy cho các bạn trẻ đóng các vai diễn, nhưng chưa được bao lâu thì họ đi ngành, đi nghề hoặc xuất khẩu lao động. Còn vấn đề Kịch bản thì giờ đây hầu như đã “tam sao thất bản”. Bên cạnh đó, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân ngày càng cao; các kênh truyền hình được mở rộng và công nghệ thông tin phát triển, muốn Trò Kiều thực sự đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân, đòi hỏi phải được đầu tư một cách đồng bộ từ con người đến cơ sở vật chất.
Mặc dù Trò Kiều trên quê hương Đại thi hào Nguyễn Du đã trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, nhưng hiện nay các nghệ nhân ở Tiên Điền vẫn một niềm đam mê mãnh liệt, với khát khao cháy bỏng và họ sẵn sàng đưa hết sức mình để bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn dân tộc. Điều đáng quý là, có một số nghệ nhân đang ngày đêm âm thầm gìn giữ và trao truyền cho lớp trẻ những tài sản vô giá của cha ông để lại. Tiêu biểu là 2 Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Phượng, Nguyễn Huýnh và các nghệ nhân dân gian: Nguyễn Mậu, Lê Mã Lương, Trần Thị Sâm, Lê Thị Hương, Trần Thị Dòng… Đối với họ, loại hình diễn xướng dân gian này luôn sống trong lòng họ không phải vì thiếu cái để diễn, để hát, cũng không phải biểu diễn để kiếm tiền, mà vì lòng đam mê nghệ thuật, vì yêu đứa con tinh thần của Đại thi hào dân tộc. Tham gia sinh hoạt và diễn xướng Trò Kiều là một cách để người dân Nghi Xuân thể hiện lòng tôn kính đối với Đại thi hào Nguyễn Du, cũng là biểu hiện sự đồng cảm tiếng nói tri âm của nhà thơ: "Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"!
Phan Thư Hiền
_______________
(1) Đội Trò Kiều Tiên Điền một thời gian dài chỉ diễn đến đây là kết tấu, về sau người ta lại chia thành nhiều trích đoạn để diễn theo nhu cầu của người xem.