08-04-2020 - 14:21

Tác giả NGUYỄN THỊ HƯƠNG LIÊN

 

 

Ngày tháng năm sinh: 17- 12 - 1959

Quê quán: Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà tĩnh

Nơi công tác hoặc thường trú hiện nay: Giáo viên ( đã nghỉ hưu)

Hội liên hiệp VHNT Hà tĩnh,  chuyên ngành:   Văn xuôi     Năm kết nạp: 2014

Địa chỉ liên lạc: Tiểu khu 2 tổ dân phố 3 phường Hưng Trí, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh

 Điện thoại:  0387786667      Email: dongvanbinh@gmail.com

Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản:  Đã có các truyện ngắn đăng ở các báo, tạp chí trung ương và địa phương

Giải thưởng:

 

Tác phẩm tự chọn:

 

                                                     XE LU

                                                                 Truyện ngắn

     Hoàn lưu sau bão còn kinh khủng hơn cả bão.

     Mưa cứ như trời là đại dương treo trên cao, nước chảy tự do, không thể kiểm soát. Hai cơn bão chồng tiếp lên nhau, thành ra mưa cả tháng trời thối đất thối đai. Thỉnh thoảng cái đuôi bão còn sót lại kéo lê thê thổi quẩn làm cây cối lắc lư nghiêng ngả trong chốc lát. Bầu trời vẫn đen rầm không biết lúc nào mới hửng. Vậy mà cố Chắt lại ra đi trong cơn tối tăm mù mịt không có lấy một phút giây tạnh ráo để còn chia tay với ruộng nương, nhà cửa, để cảnh và người còn được tiễn biệt cố cho trong lòng khỏi bùi ngùi cám cảnh.

    Trên sườn đồi, bên cạnh cái huyệt mộ được xây sẵn, gian rạp khung sắt kiên cố thỉnh thoảng lại rung lên bởi gió thồng thộc thổi thốc qua. Gió làm tắt dãy nến đặt trên quan tài. Người ta lật đật thắp lên. Lát sau lại tắt vì cơn gió khác kéo đến. Có tiếng thở dài: cả một đời lam lũ, đến lúc về với đất, trời cũng còn hành. Người đâu mà còn một nỗi chết vẫn khổ.

     Đối diện với cái rạp quàn quan tài, phía bên kia đồi cách không xa là ngôi nhà gỗ năm gian của cố, lừng lững, ấm áp, núp dưới tán cây vườn, điện đóm sáng choang nhưng cổng đóng im ỉm.

     Đã đến giờ hành lễ phúng viếng nhưng mưa vẫn không hề có dấu hiệu ngưng nghỉ. Ông Tổng, người con trai cả của cố Chắt, tỏ ý sốt ruột. Nhìn ông thật thiểu não. Ông mặc bộ đồ nâu cũ của chính cố Chắt, khoác bên ngoài tấm áo sô. Tay cầm chiếc gậy tre. Đầu đội chiếc nón cời mốc meo thâm xỉn mà người nhà phải lùng khắp làng mới xin được của người ta đang đậy vại cà muối. Ông không chịu đội nón lành vì nó dễ gây hiểu lầm lòng hiếu thảo thành kính của ông đối với cha mình.Thì đến ngay như cỗ quan tài, ông cũng sắm thứ gỗ tính bằng cân, mỗi cân vài chục triệu. Thật là đứa con có hiếu.

     Dân làng đội mưa đến thắp hương tiễn đưa cố Chắt đông chật cả vạt đồi. Họ đứng quây lấy gian rạp như để che bớt sự lạnh lẽo của mưa gió cho cố trong cỗ quan tài bằng gỗ quí, trong ngập đèn nến và hương hoa. Họ dầm mưa suốt cả buổi sáng, chân trần ngâm trong bùn đất nhão choẹt, như vẫn đang cùng cố Chắt cày bừa, cấy hái, gieo trỉa vụ mùa. Tình người chân mộc như đất đai là cái nghĩa của người nhà quê dành cho nhau.

     Có một đám người khác đông đúc không kém dân làng. Họ là lãnh đạo, nhân viên của các công ty con trong tập đoàn của ông Tổng. Đám người ăn vận lịch sự, ngồi cố thủ trong xe hơi, nhìn trời rồi lại cúi xuống nhìn đôi giày bóng loáng của mình, lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng dù không muốn, cuối cùng họ vẫn cứ phải ra khỏi xe. Việc quan trọng nhất không phải để thắp hương tiễn biệt người quá cố mà là để trình mặt với thủ trưởng.

     Ông Tổng ngồi trên một chiếc ghế cao bên cạnh quan tài, hai tay đặt trên đầu gậy, khòm người tì cằm lên đó. Cái nón cời úp chụp che lấy khuôn mặt thêm phần thê lương. Người ta tưởng ông sắp kiệt sức. Kì thực, qua cái lỗ hổng của chiếc nón rách, không một cử động nào của đám người đến thắp hương lọt khỏi mắt ông. Giám đốc, phó giám đốc các công ty con, người cần sự cầu cạnh để giữ ghế, kẻ cần cơ hội để thăng tiến nên chúng có mặt từ khi cố Chắt nhập viện. Đến những chiếc phong bì thắp hương của bọn này cũng đặc biệt. Bọn hắn dâng lễ, khom lưng cúi sát, tỏ vẻ buồn thương nhưng kì thực bụng chúng lại nghĩ đến thái độ của ông sau này. Tiếp theo là nhân viên của các phòng ban. Bọn này vô bổ. Hầu hết chúng đi vì trách nhiệm của người cùng công ty với nhau. Hốt nhiên, ông thấy mặt mũi nóng bừng. Ả thư ký bồ ruột tay thì dâng hương nhưng cặp mắt lại liếc xéo về phía ông lộ liễu,  cứ như chỉ có mình ông với ả trong phòng kín. May mà mụ vợ đang mãi bấm điện thoại. Bỗng ông giật mình, dụi dụi mắt. Một người đàn ông ăn mặc xoàng xĩnh. Đó chẳng phải là hắn sao? Hắn đang kính cẩn đặt bó hoa lên bàn thờ và cúi đầu hành lễ, thái độ vô cùng trân trọng. Ông Tổng tức giận nghiến răng sùi bọt mép, tưởng chừng phải vác gậy lên phang cho gã kia một trận và đuổi thẳng cổ mới hả. Nhưng đang giữa đại tang, lại giữa thanh thiên bạch nhật, giữa ngàn con mắt, mà ông là người đứng đầu một tập đoàn lớn, không thể hành xử như thế. Cơn giận dữ khiến ông run lên bần bật, phải tì hẳn lên chiếc gậy, người oằn lên  chừng đau đớn lắm. Người ta vội vã đỡ lấy, xốc ông lên, nói những lời an ủi rồi mang sâm ra đổ vào mồm. Chỉ khi hắn lễ xong, đứng khuất sau đám dân làng, ông mới hạ hỏa. Người như hắn, ông không cần.

                                                            *

     Hắn nguyên là phó giám đốc kỹ thuật công trình đường bộ mà ông làm giám đốc. Công trình đang mùa thi công cao điểm. Suốt cung đường dài hàng chục cây số căng đỏ biểu ngữ. Chỗ nào cũng nhắc đến tiến độ, vượt mức, vượt thời gian, về đích sớm. Khí thế lao động cũng hừng hực như giữa mùa hè.

     Cuộc họp ban giám đốc mở rộng hôm ấy.

     Ông Tổng mồ hôi mồ kê nhễ nhại đập bàn quát tháo om sòm:

     - Bây giờ là tháng mấy rồi hả? Còn vài tháng nữa là phải hoàn thành theo kế hoạch. Nếu cứ tốc độ này thì chúng ta khó lòng cán đích sớm. Các anh nên nhớ đây là công trình chào mừng. Muốn vậy phải hoàn thành trước thời hạn thì việc chào mừng mới có ý nghĩa. Đợi đến lúc người ta xong xuôi rồi thì còn gì để nói nữa.

      Cả phòng họp im phăng phắc.    

      Ông Tổng càng cáu:

      - Bây giờ tôi muốn nghe ý kiến của những người trực tiếp chỉ huy thi công trên mặt đường xem vướng mắc ở đâu!   

      Một người đứng lên:

      - Đội chúng tôi chịu trách nhiệm phần nền. Cần nạo vét hết lớp bùn đến tận đáy rồi mới đổ đất cát để đầm. Nền móng yếu nên phải gia cố đúng kỹ thuật và cần thời gian để ổn định kết cấu.

      Ông Tổng ngắt lời:

      - Không cần nạo vét, cứ để nguyên hiện trạng, đổ đất lên rồi đầm thật kỹ là được.

    Ông “nền móng” nói tiếp: 

  • Tôi sợ như vậy sẽ dẫn đến việc trôi nền.

      Ông Tổng khẳng định:

      - Không trôi được. Dù dưới là bùn nhão nhưng là đất liền, không phải đất chắp. Ta đổ thêm đất vào rồi đầm bằng máy hạng nặng, tôi tin nó sẽ ngậm chặt lại càng thêm dẻo.

      Một người khác đứng lên:

      - Đội chúng tôi phụ trách phần rải nhựa. Đề nghị anh cho sàng lại đá dăm và cấp thêm nhựa. Nếu cứ thế này, đá to hơn chỉ tiêu kỹ thuật mà nhựa lại ít nên không đảm bảo chất lượng.

      Ông Tổng phản pháo:

     - Cả toàn tuyến đều lấy đá xay từ cái mỏ ấy, sao họ không kêu mà các anh lại kêu ca?

Anh “rải nhựa” nín thít.

Một người nữa đứng lên:

      - Tôi phụ trách xe máy. Đề nghị cho thêm một chiếc xe lu. Công trường có hai xe thì hỏng mất một mà khối lượng công việc quá lớn nên không kham nổi.

      Ông Tổng thản nhiên:

     - Gọi thợ sửa xe hỏng mà làm. Các anh phải biết khắc phục khó khăn chứ.     Đòi hỏi nhiều quá cũng không được đâu.

      Đội trưởng xe máy cự nự:

      - Nhưng cái xe lu ấy đã sửa nhiều lần rồi, nay nó không chịu nghe lời nữa thì biết làm sao? 

      Phòng họp im phắc, không có câu trả lời.  

      Hắn ngồi nghe, thừa biết ông Tổng làm liều chứ không phải không biết các tiêu chí kỹ thuật chuyên môn. Hắn giơ tay phát biểu:

      - Thưa đồng chí giám đốc. Với tư cách là người phụ trách kỹ thuật, tôi đồng ý với ý kiến của các đồng chí đã trình bày.

      Giám đốc Tổng trợn tròn mắt:

     - Nếu vậy thì còn thời gian đâu? Lấy gì để chào mừng? Anh trả lời tôi đi!

     Hắn không ngần ngại:

      - Không thể vì lí do chào mừng mà bất chấp để làm ẩu. Như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tuổi thọ của công trình. Làm vậy là gian dối.

     Vị giám đốc như phải bỏng:

- Ở đây tôi là người lãnh đạo cao nhất. Có gì tôi chịu trách nhiệm.

       Cuộc họp chấm dứt.

       Những ngày sau đó công việc là cực hình đối với hắn. Ông Tổng phụ trách cả phần kỹ thuật, hắn chỉ còn là cái bóng, hàng ngày lên công trường để nhận lương.

       Hắn không chỉ giỏi khi còn học hành mà thực tế cũng siêu giỏi. Các chỉ tiêu kỹ thuật, các thông số cần và đủ để đảm bảo chất lượng công trình hắn thuộc lòng và tuân thủ nghiêm ngặt. Các bước thi công dù lỗi nhỏ nhất cũng không qua được mắt hắn. Anh em công nhân yêu mến nhưng ông Tổng lại coi hắn như là cái gai trong mắt. Ông đã thỏa hiệp mà không được và giờ ông dùng quyền lãnh đạo để chỉ huy.

      Công trường bước vào đợt thi công thần tốc. Người và xe cộ máy móc chạy đua với thời gian.

       Đêm, công trường vẫn sáng đèn. Chiếc xe lu duy nhất làm việc cật lực, nó hì hục, rì rà lăn bánh, chậm rãi đầm qua đầm lại. Nhưng khốn nỗi, đất đá cũng đủ chủng loại. Có khi bánh trục bị quấn cỏ ghét bùng nhùng bởi đất phong hóa. Có khi nó phải rướn hết cỡ mới đè bẹp được đá hộc lổn nhổn. Nhiều lúc máy nóng sực không tải nên bánh không lăn, xe lu đứng ì ra đấy, kiệt sức. Người ta tưới nước cho máy nguội bớt rồi tiếp tục. Lu thở hộc lên một tiếng và lại ì ạch chạy. Tiếng máy nghe phì phì, xọc xạch, xọc xạch, khó nhọc. Đáng lẽ ra phải cho lu chạy chậm, vừa đầm vừa rung để nền đất được nén kỹ. Nhưng ông Tổng ra lệnh chỉ đầm mà không cần rung nén, đến khi mặt đường cảm thấy chắc là được.

       Đến mức này thì hắn không thể im lặng. Hắn viết thư kiến nghị lên cấp trên, nói rõ hiện trạng, đề nghị cho kiểm tra và đình chỉ thi công để đảm bảo chất lượng. Nhưng thư gửi đi rồi chờ dài cổ mà không thấy hồi đáp. Công trường vẫn làm thâu đêm. Duy chỉ có mặt ông Tổng là nặng như đeo cái cối đá.

       Cuối cùng thì con đường cũng hoàn thành, vượt chỉ tiêu đề ra. Mặt đường  nhựa phẳng lì, bóng lộn soi gương được. Người và xe máy rút khỏi công trường, ai nấy tươi hơn hớn, lướt đi trên con đường mới do mình làm nên.  Duy chỉ có xe lu là buồn. Xe lu không được tự lăn trên con đường mà bản thân đã trằn mình để đầm nén phẳng phiu đẹp đẽ ấy. Ai cũng thừa biết với tốc độ chậm rì và sức nặng của xe lu, cho dù không ở chế độ đầm và rung nén thì nó vẫn có thể phá vỡ kết cấu lỏng lẻo của nền đường. Bởi vậy, lu ta được cẩu lên một chiếc xe tải, ngất nghểu rút khỏi hiện trường.

       Ngày khánh thành, xe cộ chở các quan chức mặt mày rạng rỡ, lướt bon bon thông đường, mừng công. Những lời khen ngợi, tụng ca hể hả. Cờ hoa rợp trời.

       Các tổ đội vui vẻ nhận giải thi đua , nhận thưởng.

        Riêng hắn không được thưởng.

        Nhưng khi biểu ngữ mừng công chưa kịp nhạt màu thì đường bắt đầu có sự cố. Khối hỗn hợp bùn đất đá phong hóa với sự đầm nén sơ sài bắt đầu xệ ra, rung rinh, lún xuống. Có những chỗ cây cỏ đội lớp nhựa đường mỏng dính nhô lên, chồi non xanh biếc.

       Đương nhiên phó giám đốc phụ trách kỹ thuật phải chịu trách nhiệm. Hắn vào tù.

       Đoạn đường được cấp thêm vốn để khắc phục sự cố, sửa chữa cả năm trời mới xong. Sau khi hoàn thành, giám đốc Tổng được khen thưởng, thăng chức lên Tổng giám đốc phụ trách tập đoàn.

       Hắn ở tù ra, lang thang khắp nơi xin việc mà không được. Người ta không dám nhận một người như hắn. Chán nản, hắn về quê mở quán bán nước nuôi con. Đó là một mái tranh lợp nghiêng với vài thức quà quê đơn sơ và ấm nước chè xanh nóng hổi. Người ta thấy ông chủ quán vẫn còn khá trẻ, mặt mũi linh lợi của người có học nhưng lúc nào cũng trầm ngâm. Ngồi bán hàng mà suốt ngày hắn chúi mũi vào mấy quyển sách tiếng nước ngoài dày cộp và mấy tờ báo, có khi khách vào hỏi mua vẫn không biết. Hắn đọc miệt mài say sưa, đôi lúc lại vẽ vẽ, nháp nháp thứ gì đó lên giấy rồi cẩn thận gấp cất vào túi áo. Một hôm, hắn trợn tròn mắt khi đọc được thông tin in trang trọng trên một tờ báo chuyên ngành: “Công trình khoa học xuất sắc của vị tiến sĩ xuất sắc”. Thì ra đó là công trình khoa học của hắn đã giành được giải thưởng ở nước ngoài và tên vị tiến sĩ lại chính là ông Tổng. Sau phút ngạc nhiên, hắn bình tĩnh trở lại, bụng bảo dạ: ở đời cái gì cũng có thể xảy ra.

       Hắn chuẩn bị mấy thứ giấy tờ rồi lên đường đến gặp bộ chủ quản.

       Ở đó, người ta thừa nhận hắn là tác giả của công trình khoa học ấy và đã đạt giải thưởng ở nước ngoài. Thậm chí trên tường còn treo bức ảnh hắn nhận giải đóng khung to đùng với dòng chữ bên dưới: Niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam.

       Hắn vui vẻ ra về. Thế là đủ. Chỉ cần người ta khẳng định đó là của mình, không cần gì hơn.

        Ông Tổng vẫn là tiến sĩ xuất sắc của ngành, chỉ có điều ông không được cất nhắc lên vị trí cao hơn, thơm hơn như ông toan tính.

       Riêng hắn, niềm vui khi được nhìn lại bức hình nhận giải thưởng ở nước ngoài năm xưa hâm nóng lên niềm đam mê công việc. Hắn lại miệt mài vẽ vẽ, xóa xóa, quên cả việc bán nước mưu sinh.

       Những bản vẽ của hắn lại được nước ngoài đặt hàng. Cuộc sống đỡ dần lên nhờ bán những thứ ấy. Thế nhưng thi thoảng hắn thở dài, trong lòng vẫn dội lên nỗi thèm nhớ, nhiều lúc muốn được lăn ra công trường để hít hà mùi khói bụi, xăng dầu, mùi công việc.

                                                              *

       Gà gáy lần ba, ông Chắt đã trở dậy. Đầu tiên là nhóm lửa. Một bếp nấu bữa sáng cho con. Một bếp nấu cám cho lợn. Ông làm mò mẫm trong ánh  bập bùng của căn bếp, cố gắng gượng nhẹ khỏi ồn để mấy đứa con ngủ nướng thêm chút nữa. Khi phía đông đã rạng, ông tranh thủ ăn sáng trước. Lấy đũa cả gạt lớp khoai trên mặt, xúc một bát cho con chó mực, bát thứ hai cho mình, để phần dưới nhiều cơm hơn cho con. Ăn xong, ông khoét giữa nồi, gạt hết khoai, vắt cho thằng Tổng một nắm cơm trưa, thêm vào quả trứng rán, ưu tiên vì nó học ôn thi tốt nghiệp cả ngày. Xong xuôi, ông gọi cả năm đứa dậy, giục chúng ăn uống để đi học. Lúc này, ông ra phía sau nhà mở chuồng gà, cho chúng nắm khoai lang băm nhỏ rồi lùa mấy con bò qua khe nước để bọn nó tự lên đồi kiếm ăn. Xong xuôi, trở vào quét quáy mảnh sân, nhân thể hái ít rau cho bữa trưa. Thằng Tổng học cấp ba trường huyện, còn mấy đứa sau đang học trường làng, cả nhà chỉ có chiếc xe đạp duy nhất dành cho nó. Khi các con đã dắt díu nhau tới trường, bấy giờ ông mới khoác chiếc áo tơi, vác cày, dắt trâu đực lên đồi. Đang mùa cày vỡ. Cả vạt đồi mênh mông hoang hóa chỉ mình ông khai phá. Khoai sắn phủ xanh lấm tấm từng vạt. Toàn loại cây chống đói. Cả làng sống được là nhờ khoai sắn. Bữa ăn gọi là cơm nhưng chỉ thấy vài hạt gạo. Thương lũ nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, ông gắng nuôi con gà con vịt để thêm vào cho lũ trẻ có trứng ăn.

       Mặt trời lên cao, nắng đã táp bỏng rát mặt, ông cởi ách tháo cày cho trâu ăn rồi lùa xuống khe. Con trâu vùng vẫy ngâm mình trong làn nước mát. Ông trở về nhà nấu bữa trưa cho lũ trẻ sắp đi học về.

       Buổi chiều, ông lại lên đồi, cuốc cỏ bón phân. Vạt chè mướt xanh đang chờ thu hoạch. Rốn khoảng tháng nữa mới bán để lấy tiền cho thằng Tổng đi thi đại học. Thường chủ nhật ông mới có xe đạp để xuống chợ huyện, vài con gà, mấy bó rau hoặc bao tải khoai sắn là có tiền để mua dầu đèn, mắm  muối, bút mực cho bọn nhỏ. Con bé út bao giờ cũng chạy theo ra đầu ngõ dặn thầm: nếu còn thừa tiền, cha mua cho con cái cặp tóc với nhé. Bà Chắt mất sớm. Một mình ông gánh vác gia đình, nuôi năm đứa con ăn học. Thằng Tổng vào đại học, các em nó đứa lên cấp ba, đứa học cuối cấp. Đồng tiền càng ngặt nghèo hơn. Ông bận rộn suốt ngày. Cả một vùng đất rộng lớn được lật lên, xanh ngắt cây trái, mùa nào thức ấy. Mấy sào lạc là tiền để các con nghỉ hè xong mang đi. Bán được bao nhiêu chia phần cho từng đứa, đứa đi xa phần nhiều, đứa học ở nhà phần ít.  Nếu chưa đủ thì thêm mấy yến chè xanh, hoa trái. Đậu đỗ thu hoạch xong, phơi khô, cho vào chum cất kín để bán dần lấy tiền hàng tháng gửi cho con. Tết đến, thể nào cũng bán con bò, vừa là tiền ăn tết, vừa là để ra tết các con mang đi. Trở lại trường, đứa nào cũng tay đùm tay gói, nào đậu, lạc, nào trứng, nào hoa quả, những thứ quà đậm hương vị nhà quê. Ông gắng cho bọn chúng  có đủ mọi thứ như bạn bè. Các con ông đứa nào cũng vào đại học, ra trường lập nghiệp ở thành phố, ăn nên làm ra. Đặc biệt là thằng Tổng, nắm trong tay tập đoàn lớn gồm hàng chục công ty con. Thường ngày,khi nghe mọi người trêu đùa ông hy sinh đời bố củng cố đời con, ông chỉ cười xòa nhưng thực ra trong lòng vô cùng hể hả.

       Rồi các con dựng vợ gả chồng. Bốn đứa lấy người ở xa. Riêng thằng Tổng lấy vợ người làng. Ông mừng lắm. Tuổi già thường nghĩ về điều hơn thiệt. Hơn là các con không phải chân lấm tay bùn, quần quật quanh năm mà vẫn thiếu đói, cuộc sống thành phố rõ ràng văn minh hơn nhà quê như ông. Thiệt là nếu chúng ở xa, mồ mả tổ tiên lấy ai hương khói? Ông thì không thể sống mãi được. Ông vẫn lo thằng Tổng lấy người thành phố. Nay nó lấy vợ người làng, tuy sống xa nhưng quê nó ở đây, bố mẹ nó cũng là nông dân, dễ bề thông cảm? Ông ấm bụng hẳn.

     Một lần, vợ chồng thằng Tổng đem con về chơi. Cả ngày hôm trước mưa tầm tã khiến đoạn ngõ nhà ông nhão nhoét, xe ô tô không qua được. Mấy bố con thằng Tổng xắn quần xách dép lội vào nhà. Con vợ vẫn ngồi nguyên trên xe, bịt mũi nhắm mắt khạc nhổ, không dám thò chân xuống vì sợ bùn làm thâm mất đôi chân vừa tắm trắng của nó. Ông định cõng thì nó tru tréo lên. Cực chẳng đã, ông kéo chiếc xe bò ra, lau quét sạch sẽ, trải chiếc chiếu hoa, và cái ruột gối để ngồi. Ông ghé chiếc xe bò sát cửa ô tô, hai tay cố gắng giữ chặt càng xe cho nó khỏi nảy lên để con dâu bước sang. Ông Chắt mang cái ách vào vai, gắng sức kéo chiếc xe qua đoạn đường lầy. Cô con dâu ngồi trên xe, với bộ mặt vẫn nhăn nhó.

     Bữa cơm trưa hôm ấy có món thịt gà quê ông đãi con cháu. Con dâu lôi trong túi ra mấy thứ đồ hộp cho con nó ăn vì sợ gà nhà quê ăn phân bẩn.

     Sau cái đận ấy, ông Chắt suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm thay đổi. Hàng ngày, ông đánh xe bò vào núi cách xa cả chục cây số, đục chẻ loại đá xanh thành từng viên vuông vắn, mang về ghép ngõ. Cả mấy tháng trời hì hục, con ngõ nhà ông đã làm xong, ngời lên màu đá xanh bóng loáng. Có ngõ sạch đẹp rồi, ông nhìn sang căn nhà, thấy nó cũng đã xập xệ và chật chội lắm. Con cháu về đông vui là không đủ chỗ. Ông âm thầm tính chuyện làm nhà.

     Bao xung quanh vườn là hàng trăm cây mít đủ mọi lứa. Có những cây khi ông ra đời thì nó đã có mặt tự lúc nào. Tuổi nhỏ nhấm những dái mít phủ phấn ươm vàng chấm muối bùi bùi, chan chát. Lớn lên, mít non độn cơm ngày đói. Mít chín ngọt lừ thơm phức ngày hè. Sau này, khi nuôi con ăn học, những quả mít non già cũng là một nguồn thu đáng kể. Giờ những cây mít cũng đã thành cụ mít, già khụ khị. Cố Chắt ngã những cụ mít lấy gỗ làm nhà.

      Ngôi nhà gỗ mít năm gian lừng lững mọc lên, nội thất bên trong thiết kế phù hợp thời đại, ẩn dưới tán cây vườn sum suê. Nhà gỗ mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp là thú chơi thời thượng của các đại gia.

     Cố chờ con cháu về sum họp. 

      Rồi cố ốm.

      Bác sĩ bảo cố không có bệnh gì, chỉ là bị kiệt sức.

      Cố Chắt ở lại bệnh viện. Ba thằng con trai luân phiên, mỗi đứa một tháng, thuê người chăm nom cha. Hai đứa con gái rảnh lúc nào thì về lúc ấy. Nằm trong căn phòng VIP đầy đủ tiện nghi ở bệnh viện, cố thấy lạ lẫm, cô đơn. Cố đòi về. Cố bảo muốn được hít thở không khí của khu vườn, khoảng đồi mà cố đã sống cả đời. Và nếu có về với tổ tiên thì cũng được nằm trong căn nhà của mình, khỏi mang tiếng chết li quê. Thằng Tổng nghe thế liền gạt phắt:

     - Cha vẽ chuyện. Cứ yên tâm ở đây an dưỡng. Tiến bạc khỏi lo. Nếu cần gì là có ngay bác sĩ. Về nhà, lấy ai phục vụ cha?

      Cố Chắt đuối lí.

      Kì thực, vợ chồng thằng Tổng đã bàn với nhau kỹ lưỡng. Con vợ bảo:      

      - Cứ để ông ở lại bệnh viện. Đưa ông về rồi ông chết trong nhà, sợ bị xui xẻo. Nhà ấy đương nhiên là của chúng ta. Anh phải nghĩ cho công việc, cho sự thăng tiến và tương lai các con nữa chứ.

      Tất nhiên là Tổng nghe lời vợ.     

        Người ta bảo, khi ra đi, cố Chắt cứ trở mình mãi. Hai con mắt cố mở to, nhìn đau đáu về phía quê nhà. Và cuối cùng như không thể chờ được, cố đưa hơi ra nghe như một tiếng thở dài, hốc mắt rịn ra hai giọt nước.

                                                              *  

       Trời vẫn mưa sập sạ. Những cơn gió rớt từ đuôi bão thỉnh thoảng lại quét qua giần giật làm gian rạp rung lắc. Đám người làng lại hò nhau níu giữ mấy tấm bạt bay phần phật làm nước mưa hắt vào tận quan tài cố Chắt. Gió qua, họ lại đứng kề vai sát cánh, lớp trong lớp ngoài vây lại như muốn che chắn cho cố đỡ lạnh.

       Đoàn người phúng viếng vẫn không dứt. Xếp Tổng chừng như đau buồn quá, ngồi không vững, phải đu hẳn người vào chiếc gậy.

       Cách một quãng không xa, mé bên kia đồi, phía đối diện, ngôi nhà gỗ năm gian lừng lững, ấm áp, điện đóm sáng trưng nhưng cổng đóng im ỉm.

        Xa xa, trong màn mưa trắng xóa, chiếc xe lu gỉ sét, vẹo vọ, đứng im lìm.                                                                                   

                                                            

                                                                            Trại viết Tam Đảo

                                                                                            Tháng 4/2019

                                                                                      Nguyễn Thị Hương Liên.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...