
Tác giả
Nguyễn Thị Nguyệt
- Sinh ngày: 15- 7- 1975
- Quê quán: Cẩm Huy - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh
- Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn - ĐHSP Vinh
- Hiện công tác tại Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, UV BCH, Phó tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh
- Năm vào Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh: 2004. Chuyên ngành: Lý luận phê bình
- Địa chỉ liên lạc hiện nay: Tổ 3, Phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh
- Điện thoại: 0917979998. Email: nguyenthinguyet1975@gmail.com
- Tác phẩm đã công bố: Đã có bài viết in trên báo, tạp chí trung ương và địa phương.
- Tác phẩm tự chọn:
“SỨC TẢI” TRONG TRUYỆN NGẮN ĐỨC BAN
Tiếp tục hướng sự quan tâm vào những vấn đề của hiện thực xã hội và đời sống con người đang diễn ra, Đức Ban vẫn lựa chọn truyện ngắn, vừa như là sở trường, vừa như là một thể loại có yếu tố năng động và khả năng nhạy bén trước những thay đổi của cuộc sống. 9 truyện ngắn: Trong mưa, Chốn xưa, Giọt nước mắt màu đất, Nước chảy, Bến sông Duềnh, Bên đường phố, Thăm thẳm rừng xanh, Người đàn bà bên Cầu Giằng, Lối trong rừng trong tập truyện "Giọt nước mắt màu đất" (NXB Hội nhà văn, 2014) được viết trong khoảng vài ba năm trở lại đây là nỗ lực tìm kiếm một cách viết mới hơn, kết cấu có độ nén cao hơn, một cách kể chuyện ấn tượng hơn để tiếp cận sâu sắc và trực diện các vấn đề hiện thực.
Kể từ những truyện ngắn đầu tiên, mạch văn của Đức Ban khá thống nhất trong một cái nhìn, cách khai thác, tiếp cận những vấn đề có tính xã hội đã, đang và có nguy cơ nảy sinh, trực tiếp liên quan đến số phận con người, dẫn đến những hệ lụy trong các mối quan hệ người. Dưới hình thức và dung lượng cho phép của thể loại truyện ngắn, hiện thực không được nhìn bao quát như những bức tranh xã hội rộng lớn nhưng rõ nét, sắc cạnh thông qua những sự kiện, tình huống, số phận, tính cách, những "lát cắt" của cuộc sống… Mỗi thời có những vấn đề khác nhau, những hệ lụy mà nó tạo ra cho con người cũng khác nhau, và vì thế số phận, tính cách, kiểu nhân vật khác nhau nhưng chung quy không đi ra ngoài những trăn trở về một hiện thực chưa được như mong đợi, cuộc sống còn quá nhiều những bất ổn mà nhà văn muốn chỉ ra, muốn "chất vấn".
Cuộc sống hiện tại cùng với guồng quay của nó đang tạo ra những lỗ hổng, những vòng xoáy và kéo theo nó rất nhiều mất mát. Toàn bộ những truyện ngắn trong tập "Giọt nước mắt màu đất" đều mang một tâm trạng nặng nề về những mất mát ấy, mất quá khứ, văn hóa, đất đai, làng mạc, những giá trị làm người như đạo đức, nhân phẩm, khả năng được sống một cuộc sống bình thường, được sống với những giá trị thực của mình (Chốn xưa, Trong mưa, Bên đường phố, Thăm thẳm rừng xanh…). Chúng ta dường như đang phải đánh đổi và trả giá quá nhiều trong vòng quay của đời sống hiện tại. Tất cả những nhân vật, số phận, tính cách mà Đức Ban đã đề cập trong tập truyện ngắn, đều là “mảnh văng” khác nhau từ vòng quay đó và gieo vào lòng người đọc cảm giác bất an, lo lắng… Tiếng nói phản biện một cách có trách nhiệm trước cuộc sống xã hội, con người tiếp tục thôi thúc ngòi bút của tác giả viết tiếp những câu chuyện của cuộc sống đang xảy ra.
Truyện của Đức Ban thường khai thác các vấn đề lớn của hiện thực xã hội thông qua các mối liên hệ, tác động cụ thể, trực tiếp của nó đến số phận cá nhân. Ý tưởng hình thành kết cấu của mỗi truyện ngắn đều dựa trên mối liên hệ này. 9 truyện ngắn trong tập "Giọt nước mắt màu đất" thực sự là những câu chuyện do cuộc sống viết ra, không xa lạ với những "hiểu biết về thời sự xã hội" của người đọc. Có thể khái quát thành những vấn đề cơ bản: chuyện đất đai, dự án, chuyện thay cũ đổi mới, sự cám dỗ và quyền lực của đồng tiền, chức tước, cơ hội v.v. Việc lẫy ra những vấn đề lớn, lại không phải mới mẻ ấy cho mỗi truyện ngắn thực sự đòi hỏi người viết phải công phu trong việc lựa chọn kiểu nhân vật, tình huống, kết cấu truyện và ngôn ngữ trần thuật. Sức mạnh của hiện thực nằm sau những cuộc đời, cảnh ngộ, tính cách nhân vật và tâm trạng của người viết - mặc dù đã được ẩn kín để bình thản, khách quan thuật chuyện nhưng vẫn len lõi trong từng câu chữ.
Hướng đến hiện thực với một ý thức phản tỉnh quyết liệt và khá thẳng thắn, trực diện, các truyện ngắn của Đức Ban hướng được người đọc tập trung vào trung tâm của tình huống, cốt chuyện mà tác giả dẫn giắt, buộc người đọc phải cảm xúc, tư duy cùng nhân vật và vô tình cùng bị "lây nhiễm" tư tưởng và thái độ của tác giả. Có sự can thiệp vô hình nhưng rất mạnh mẽ của ý thức người kể chuyện trong truyện ngắn Đức Ban. Cùng với đó là sự lược bỏ tối đa chi tiết, câu chữ, lời thoại tránh cho câu chuyện không bị loãng đi và người đọc chỉ có thể chăm chú vào diễn biến của sự việc, hành động, lời nói của nhân vật. Thành công của truyện ngắn Đức Ban chính là ở điểm này - lôi kéo được người đọc vào câu chuyện mà tác giả kể, buộc họ phải "ở đó" để chứng kiến, suy nghĩ, bộc lộ chính kiến cùng tác giả. Câu chuyện trong truyện ngắn "Trong mưa" có vẻ không có gì đáng nghe, đáng xem. Một ông họa sĩ với vẻ mặt cáu kỉnh, đầu tóc âm u và lặng lẽ, hàng buổi chiều vẫn ngồi đúng một chỗ trong quán cà phê quen thuộc, và những đối thoại nhát gừng, vu vơ với người khách mới quen… Nhưng người đọc vẫn theo dõi hết được cái sự vu vơ đầy ẩn ý trong mỗi lời nói, cử chỉ của người đàn ông trong buổi chiều mưa và rồi hình dung, cảm nhận ra một bi kịch mơ hồ nào đó về sự lạc lõng, về sự bị bỏ rơi, bỏ quên của con người giữa thời cuộc này. Truyện ngắn "Chốn xưa" kể câu chuyện về một bà lão năm nào cũng ngược sông vào dịp rằm tháng 7 để về lại ngôi làng Hòa Nghĩa của bà, ngôi làng đã từng rất trù phú, dân cư quần tụ bao đời "Rừng ở sau lưng, sông chảy trước mặt, thế làng vượng lắm, đẹp lắm. Đền, chùa, miếu mạo đủ cả. Lễ hội tháng nào cũng có. Đất lành chim đậu…". Nhưng làng Hòa Nghĩa đã biến mất chỉ còn là bãi đất hoang vì một dự án trời ơi nào đó người ta vẽ ra để trục lợi. Về lại chốn xưa, thắp hương khấn vái để gặp lại trong tâm linh, tưởng tượng, trong hoài vọng và đau xót cảnh cũ, người xưa đã biến mất vĩnh viễn trong những ô, thửa quy hoạch chỉ có cỏ dại trùm lên… Truyện mang tính luận đề. Tình huống truyện đơn giản, lộ sự sắp đặt và giả định rất rõ nhưng người đọc vẫn mặc nhiên bỏ qua yếu tố đó để quan tâm thực sự đến bản chất của vấn đề được đề cập, để hiểu rằng câu chuyện mất mát những gía trị lớn lao, (thậm chí sinh mệnh của cả một ngôi làng), một cách trớ trêu chỉ vì lợi ích cá nhân, cụ thể, trước mắt của một vài, hoặc nhóm người nào đó có quyền lực trong xã hội là câu chuyện rất thật và thực sự cần phải nói ra như thế, rõ ràng và cả quyết. Ở truyện ngắn "Chốn xưa" , ngoài khả năng kể chuyện còn có sự hỗ trợ tối đa của hệ thống lời thoại nhân vật được lược bỏ quan hệ từ, phụ từ, đại từ nhân xưng, khiến cho người đọc gần như tập trung một cách hoàn toàn vào tình tiết chính, lĩnh hội được ý đồ nghệ thuật mà tác giả đã triển khai một cách rõ ràng trong toàn bộ tình huống truyện. Khai thác cùng chủ đề này, truyện ngắn "Giọt nước mắt màu đất" gây ám ảnh hơn khi sử dụng cả yếu tố thần linh tham gia vào cốt truyện. Câu chuyện của hai cha con người làng Yên Linh (tên làng có nghĩa là yên bình và linh thiêng?), nơi có đền thờ Thánh Mẫu, vốn sống trong bình yên và cam phận rồi biến cố xẩy ra khi "khu công nghiệp" xuất hiện nuốt chửng dải đất đai ven biển, nuốt chửng thành lũy rừng phi lao chắn sóng được dân làng tạo dựng bao nhiêu năm, nuốt chửng vùng biển ra khơi vào lộng của những dân chài. Đứa con gái xinh đẹp bỏ đi làm công nhân và ra nước ngoài với ông chủ người Tàu. Người cha chết trong đợt bão lớn sóng biển cuốn trôi cả làng Yên Linh. Với việc lồng ghép nội dung câu chuyện thực đó với câu chuyện thần linh kỳ bí về Nàng Len - Đức Thánh Mẫu, tác giả đã tạo nên màn sương huyền hoặc, khiến người đọc bị ám ảnh bởi câu chuyện, tin vào những điều mà tác giả đã kể và bị thuyết phục bởi ngụ ý của nhà văn, rằng con người cần có những giới hạn cho những hành vi của mình, nhất là trong việc đối xử với quá khứ, với lịch sử, đất đai, tổ tiên và môi trường sống của mình; rằng những giá trị trường tồn không thể bị đem ra đánh đổi với lợi ích trước mắt. Ở hai truyện ngắn "Chốn xưa" và "Giọt nước mắt màu đất", Đức Ban đã thành công trong việc xử lý cốt truyện, tạo dựng tình huống khiến cho câu chuyện vượt qua được tính thời sự của nó đạt đến chiều sâu của sự tác động nghệ thuật.
Những truyện khác trong tập, ngoài việc lựa chọn được những tình huống “đắc địa” thuận lợi cho việc triển khai tư tưởng, nghệ thuật dẫn chuyện - trong đó tập trung tối đa vào diễn biến chính của cốt truyện - góp phần đắc lực cho câu chuyện khắc chạm được vào tâm trí của người đọc. Thông qua hai nhân vật phụ nữ và một tình huống gặp gỡ trớ trêu, truyện ngắn “Nước chảy” nói được đến tận cùng nghịch cảnh trớ trêu và sự băng hoại của nhân tính trong thời buổi hôm nay, khi mà mối quan hệ, phép tắc ứng xử giữa con người cũng trở nên lạnh lùng, đơn giản như sự mua bán. “Người đàn bà bên cầu Giằng” đúng như tên gọi của truyện, kể về cuộc đời hèn mọn của người đàn bà bên chân cầu và những câu chuyện về nó chỉ có những người như bà có thể “biết” và chứng kiến. Cuộc đời người đàn bà đó bị lãng quên, và cây cầu cũng được thay thế... Thay cũ đổi mới là câu chuyện thường tình, nhưng sự phủ nhận quá khứ lại là vấn đề trách nhiệm, đạo đức của con người. Câu chuyện kể về một số phận khá dị biệt nhưng vấn đề mà nó đặt ra là của nhiều người... Có ý kiến đã nhận xét về “phép nén bút” của Đức Ban trong các truyện ngắn gần đây của ông. Phép nén bút ấy chính là sự tiết chế trong ngôn ngữ trần thuật và biến hoá trong giọng điệu trần thuật. Tác giả đã tiết chế đến mức tối đa các chi tiết hành động, ngoại cảnh, ngôn ngữ tâm trạng. Đặc biệt, toàn bộ lời thoại của nhân vật trong các truyện không đơn thuần chỉ là đối thoại của các nhân vật trong những tình huống giao tiếp cụ thể mà còn là những "mảnh tâm trạng", "nỗi niềm" nào đấy rứt ra từ cảnh ngộ và chiêm nghiệm thế thái nhân tình. Lời thoại được nhà văn vận dụng triệt để như một hình thức "phát ngôn" tư tưởng cho tác phẩm, như một sự phân hóa của giọng điệu và điểm nhìn trần thuật. Đây cũng là đặc điểm khá đặc trưng trong văn xuôi Đức Ban, nó tạo ra "độ nén", "độ văng" cho các truyện ngắn của ông, nhưng cũng không khỏi tạo ra sự nặng nề, ngột ngạt, hơi khô cứng trong cảm giác của người đọc.
Sự sáng tạo, đổi mới trên mọi hình thức và phương tiện biểu đạt là cách để phát huy hết "sức tải" của truyện ngắn. Các truyện ngắn trong tập "Giọt nước mắt màu đất" của Đức Ban đã được viết rất kỹ lưỡng, tác giả đã rất dụng công, kỹ lưỡng trong việc xây dựng kết cấu, lựa chọn tình huống, chi tiết, chắt lọc ngôn từ, (kể cả đặt tên cho nhân vật)… để cùng hỗ trợ nhau dẫn dắt câu chuyện đến đích cần phải đến, giúp người đọc nhận thức rõ ràng và thấm thía hơn về những vấn đề cuộc sống.
Nguyễn Thị Nguyệt