Ngày tháng năm sinh: 01- 01 - 1960
Quê quán : Làng Uy Viễn, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân- Hà Tĩnh
Nơi công tác hoặc thường trú hiện nay: Giáo viên ngữ văn trường THPT Kỳ Anh- Hà Tĩnh
Hội viên Hội liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh, Chuyên ngành: Văn xuôi, Năm kết nap 1995
Địa chỉ liên lạc: Số nhà 38- Nguyễn Trọng Bình, tiểu khu 3, tổ dân phố II - phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh- Hà Tĩnh
Điện thoại : 0988174176. Gmail: trungtuyenka1960@gmail.com
Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản:
- Tiết bụt sinh (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2018)
Giải thưởng:
- Giải thưởng Liên hiệp các HVHNTVN năm 2018 cho tập truyện ngắn “ Tiết bụt sinh”
Tác phẩm tự chọn:
SÓNG MŨI ĐAO
Truyện ngắn
Không như mùa đông ảm đạm, tuy vẫn còn mang nhiều dáng nét hoang sơ nhưng bãi tắm Mũi Đao những chiều mùa hè vẫn trở nên sôi động. Lần này đến với Mũi Đao, không chỉ là tắm biển, tôi và Thùy Linh có cả những kỷ niệm mà chúng tôi sẽ phải còn nhớ mãi.
Chúng tôi hòa cùng với bao người, hồn nhiên nắm tay nhau nhảy ùm xuống làn nước mát lạnh
Tôi đắm say nhìn sóng biển trắng xóa và làn da em dưới nắng chiều rực lên màu ngà… Thủy nheo mắt tinh nghịch nhìn tôi. Dập dờn giữa làn nước trong biếc, em hiện ngời lên vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng, trong trẻo! Tôi lấy ánh mắt để nói với em những lời nồng nàn của tình yêu. Em nhận ra điều đó và kiêu hãnh với những đường nét thân thể như kiệt tác mà đấng Tạo hóa đã ban tặng cho em.
Có lẽ trong những người tắm biển Mũi Đao chiều hôm ấy, không ai hạnh phúc hơn tôi. Tôi và em và làn nước trong xanh loang loáng ánh Mặt trời chiều.Từ mùa hè này, em sẽ là của tôi mãi mãi. Thủy xinh đẹp và yêu tôi cũng như tôi yêu em vậy.
Biển có ghen với tôi không nhỉ? Không, biển vẫn hào phóng, vô tư và độ lượng, mặc chúng tôi quấn quýt vào nhau, muốn làm gì thì làm.
Đang mải mê đùa vui với sóng, khuôn mặt Thùy Linh bỗng tái nhợt. Em kêu lên đau đớn:
- Anh! Có con gì…dấu mặt trong nước biển! Nó cắn em!
Tôi vội dìu em vào bờ.
Trên đùi em hiện lên một vết bỏng phồng rộp , kéo dài từ đầu gối đến sát bẹn. Tôi vụng về, bối rối dùng từng món tóc ướt mềm của em xoa nhẹ lên vết bỏng. Tôi biết, đó là nọc độc của một loài sứa quệt vào. Nọc độc của nó mang đến cho em cảm giác nóng rát và nhức buốt, khó chịu vô cùng.
Em nằm xoãi trên bãi cát trắng mịn. Người em nổi gai ốc, hai tay nắm chặt, mắt nhắm nghiền vì đau đớn.
Em đau làm tôi cũng đau. Nhìn em đau rồi nhìn biển, tôi bất lực và hậm hực nói với em như lời cầu xin:
- Anh biết rồi! Em đau! Gắng chịu đựng! Rồi em sẽ khỏi thôi mà!
Mặt Trời khuất sau dãy Hoành Sơn lúc nào không hay. Sau một ngày bị Mặt trời thiêu đốt, hoàng hôn chính là lúc khí núi tuôn ra, nóng hầm hập. Bãi cát bốc hơi, thoảng lên mùi đại dương phả ra từ rong rêu do sóng biển dạt lên nhàu nhĩ bởi chúng phơi dưới hơi nóng. Biết nơi vết bỏng, nọc độc của sứa ngấm vào khiến em đang có cảm giác tê dại , tôi cố loay hoay tìm phương cách làm sao cho em chóng khỏi. Chợt nhớ ra- phải tìm lá cây rau muống biển. Ý nghĩ chưa kịp hình thành trong đầu thì tôi đã hái về một nắm lá rau muống biển đầy tay. Rau muống biển mọc rất nhiều quanh bãi tắm. Vò nát lá loài cây này, chườm lên vết bỏng thì sẽ khỏi.
Cơn đau choáng váng dường như đã qua, lúc này nhìn em có vẻ đỡ hơn. Em ngồi dậy và dựa lưng vào ngực tôi.
Trên bãi biển, người đi tắm thưa dần. Chẳng còn chút hào hứng nào nữa, chúng tôi cùng lặng lẽ nhìn sóng biển như nhìn một kẻ xa lạ và thầm tiếc- nếu như không bị con vật quái quỷ nào đó dấu mình trong biển đã làm em đau thì chiều nay sẽ là buổi chiều đẹp biết bao. Đời là thế- khi ta tưởng như hạnh phúc nhất, ấy lại là thời điểm người ta thường hay gặp rủi ro.
Vừa khi Mặt trời đã tắt hẳn thì hằng hà sa số các vì sao đã góp từng chút sáng nho nhỏ lại với nhau làm cho bầu trời giống như tấm thảm màu tím, rộng mênh mông được đính muôn vàn hạt kim cương lấp lánh hắt ánh sáng xuống bãi cát. Không gian chung quanh chỗ chúng tôi ngồi dát lên thứ ánh sáng nhờ mờ như ánh đèn huỳnh quang. Các vì sao ấy biết Thùy Linh đau nên chúng đã lặng lẽ tỏa sáng để xoa dịu- tôi thầm nghĩ như thế.
Ngoài kia, biển thẫm lại màu thép.
Đấy là lần đầu tiên tôi được ngắm rất kỹ những con sóng biển đêm vỗ vào vách đá Mũi Đao. Mỗi con sóng chứa rất nhiều chất lân tinh của những con vật thủy sinh nhỏ bé phát sáng. Và cứ thế, sóng vỗ vào lại đập tung lên mặt đá muôn vàn hạt sáng kỳ ảo. Con sóng nào khi đến gần cũng uốn lại thành hình dấu hỏi - vách đá trắng xóa bởi trùng trùng lớp lớp những câu hỏi ấy . Sóng vừa hỏi Mũi Đao xong thì ngay lập tức nó tung mình đập vào vách đá. Vách đá trả lời sóng bằng thứ ngôn ngữ quen thuộc: “À…à…à…”. Tôi không sao giải mã được thứ ngôn ngữ vừa quen vừa lạ này- Có thể là lời chào hỏi nhau mà cũng có thể là lời thách thức, mà cũng có thể là tiếng cười, hay tiếng khóc, hay lời giận dữ, hay tiếng mài gươm vào vách đá của người xưa … Thời gian in dấu khắc khổ lên đá bằng giai điệu “À…à…à…” muôn thuở này, thế mà bây giờ tôi mới nhận ra- tiếng sóng không hề đơn điệu.
“ Có con gì…dấu mặt trong nước biển! Nó cắn em!”- Chợt tiếng kêu ấy của Thủy cất lên văng vẳng. Ôm em sát vào lòng, tôi tự trách mình là thằng đàn ông vô tích sự, bên em mà không bảo vệ được em và thầm khắc ghi - đây là kỷ niệm không thể nào quên của tôi và em, kỷ niệm nhắc nhớ rằng: kẻ ác dấu mặt có thể xuất hiện ngay cả trong thời khắc mà người ta đang đáng được sống yên lành và đáng sống nhất.
Càng về đêm, biển càng cất lên nhiều tiếng “À… à…à…” rền rĩ.
Em không còn đau như lúc ban chiều. Và biển, với sức quyến rũ kỳ lạ của nó đã khiến em quên mau cảm giác rát bỏng ban chiều. Tuy thế, bên tôi, em vẫn thì thầm, hờn dỗi:
- Cứ tưởng biển hiền, không ngờ biển cũng ác. Cắn em đau quá. Khiếp!
Tôi an ủi:
- Thật ra thì biển rất hiền. Sự sống bắt đầu sinh ra từ biển. Biển nuôi sống con người. Biển dấu trong lòng nó biết bao điều bí ẩn…Em có biết con gì đã cắn trộm vào đùi em đấy không?
- Em không biết! Chỉ biết, khi đó người như bị điện giật, toàn thân bị tê cứng và bỏng rát… Anh biết con vật gì đó đã cắn không?
Vuốt nhẹ lên bờ vai em, tôi giải thích:
- Đó là nọc độc của loài sứa quệt vào đấy! - và đùa thêm để em vui:- Người đi biển vẫn thường gặp phải sứa độc, nên ở đây gọi chúng là những con vật mang hồn của những tay cướp biển đấy!
Thủy nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh và lấp lánh, khiến tôi bàng hoàng ngỡ như đó là hai ngôi sao của trời đêm ấy sà xuống đậu vào khuôn mặt dịu hiền thánh thiện, phảng phất chút lo lắng băn khoăn của em .
Mắt đăm đăm nhìn biển đêm thâm trầm màu thép lạnh, Thùy Linh thì thầm:
- Ừ! Cũng có thể là hồn của những tay cướp biển- Có thể là như thế! Khi bị nó cắn, có cảm giác rất lạ… em cảm nhận thấy sự tàn nhẫn và man rợ, rất giống với hành động của kẻ có bản tính độc ác hiện hình trong đó- Anh làm em tò mò quá rồi đây! Anh nói đi! Sao người dân ở đây lại xem đó là hồn ma của những tên cướp biển anh nhỉ!
*
Ở Mũi Đao có hai chiều không gian khá rõ, nếu một bên là không gian mang vẻ đẹp thiên nhiên ban sơ bình dị dấu đi rất khéo những nỗi nhọc nhằn vất vả cuộc sống bộn bề với hiện thực đa chiều của những ngư dân quăng quật cùng biển giả, thì không gian thứ hai lại mang đậm sắc thái liêu trai, bí ẩn. Dường như có một sắp đặt nhiệm màu nào đó khiến ai cũng có thể cảm nhận được hai thế giới hữu hình và vô hình ở đây gắn bó với nhau mà tạo nên hồn cốt, tạo nên sự sống cho mảnh đất này.
Cách bãi đá chỗ chúng tôi ngồi chỉ vài mươi bước chân là miếu thờ Đô đốc hải quân Nguyễn Khắc. Miếu thờ nằm dưới tán lá biếc xanh của rừng cây phong ba. Đêm xuống, rừng cây trở nên âm sầm u tịch . Trên đỉnh núi, phía sau miếu thờ vẫn còn một chồng đá sơ sài, rêu phong cũ kỹ được che phủ bởi tán lá rừng, đó là phần mộ của ông- ngôi mộ như cố tình đi vào thế giới của bí mật.
Người dân nơi đây kể lại rằng: cách đây khoảng vài trăm năm, vào một buổi sáng, sau những ngày biển động, dân vạn chài thấy sóng biển đưa vào bãi đá một thi thể mang nhiều vết đâm, chém. Giấy tờ tùy thân chỉ còn tấm thẻ ghi tên: “Đô đốc Nguyễn Khắc”. Tấm thẻ mách bảo cho biết thi thể người dạt vào đây là đô đốc thủy quân, cái chết của ông là cái chết vì nước.
Nhân dân trong vùng khâm lượm thi hài vị đô đốc tử nạn rồi khoét đá trên đỉnh Mũi Đao chôn cất và quyên góp công của xây dựng miếu thờ ngay chỗ thi hài ông dạt vào.
Em trầm ngâm suy tư, hỏi:
- Biển trời mênh mông thế, không biết ngẫu nhiên hay cố ý mà Đô đốc dạt vào bãi đá Mũi Đao anh nhỉ?
Mũi Đao tạo bởi dãy núi Hoành Sơn choài ra sát biển. Bên chân núi sừng sững mọc lên muôn ngàn mũi đá nhấp nhô trên sóng, trông giống như bãi giáo gươm lởm chởm. Các mũi đá được tạo hóa khắc tạc hình thù không giống nhau, nhưng mũi đá nào cũng nhọn sắc và tất cả đều hướng ra biển trông dáng vẻ như đội thần binh hùng vĩ . Giai điệu “ à…à…” muôn thuở của sóng ngỡ như ấy là tiếng thần binh vang dậy đêm đêm trong bãi đá vọng ra. Vì đá ở đây giống như gươm đao nên đặt tên Mũi Đao là vậy. Và cũng có thể cha ông đặt tên như vậy bởi nơi đây khi xưa từng là miền đất ác địa, là tiền đồn, là đất phên dậu của bao triều đại phong kiến rồi nối tiếp đến thời thời Lê- Mạc xưng hùng, Trịnh - Nguyễn phân tranh, mảnh đất đầy những biến động, tang thương, loạn lạc nhưng cũng chất ngất ngút trời hùng khí của cha ông.
Nhìn biển sóng dựng và đá Mũi Đao bất khuất, lời băn khoăn của em khiến tôi nhớ đến câu văn tế của Đồ Chiểu:
- Đồ Chiểu từng ca ngợi tấm lòng địch khái của các nghĩa sĩ: “ Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc; linh hồn theo giúp cơ binh” mà! Em hãy nhìn kia! Bãi đá Mũi Đao gợi cho em liên tưởng gì không - Đô đốc chọn nơi này chắc là có dụng ý của ông. Sống thì đánh giặc, chết rồi hồn thiêng lại nhập vào đá núi, Đô đốc sẽ lấy đá Mũi Đao làm vũ khí, mãi mãi ôm hoài bảo chiến đấu bảo vệ biển với tư thế của một vị đô đốc hải quân. Ông thực hiện nhiệm vụ của người lính biển ngay cả khi đã chết.
Em lặng nghe, tin tưởng và tôi thì thầm:
- Có nhiều huyền thoại về cái chết của Đô đốc, trong đó có chuyện kể lại rằng:
Sau khi tiếp tế cho hải quân đồn trú ở Hoàng Sa trở về thì tàu của Đô đốc gặp nạn- Tàu của ông bất ngờ bị hải đội quân cướp biển bao vây cướp phá. Ông đã cùng đồng đội cố sức chống lại. Nhưng vì tương quan lực lượng quá chênh lệch. Đồng đội của ông lần lượt ngã xuống. Cuộc tắm máu kéo dài suốt đêm trên con tàu mà ông là linh hồn của nó. Cuối cùng chỉ còn lại một mình Đô đốc. Với sức khỏe phi thường, quân cướp biển không dễ gì giết được ông. Tuy thế ông vẫn nhận ra bi kịch là điều không thể nào tránh khỏi. Trong thời điểm cái chết cận kề, Đô đốc không đối mặt với lũ cướp khát máu nữa mà ông chạy xuống hầm tàu. Lũ cướp tin chắc rằng chúng sắp làm chủ được con tàu. Tên cướp nào cũng muốn được hưởng lợi đầu tiên nên chúng xâu xé, giành giật trên tay nhau từng món đồ chúng cướp được. Tất cả bọn cướp từ các tàu xung quanh xô nhau lao lên chật cứng boong tàu. Đúng vào thời điểm đó, dưới đáy khoang, Đô đốc đang chọc thủng thân tàu. Bọn cướp hốt hoảng khi thấy Đô đốc đang lấy hết bình sinh dùng búa đập vỡ toác đáy thân tàu. Chúng kinh hoàng khi thấy nước biển réo sôi lên từ bụng tàu. Bọn cướp điên dại lao vào đâm chém và dùng thân ông để cố sức bịt lỗ hổng nước đang ồng ộc tràn vào. Nhưng chúng càng cố bịt thì lỗ hổng càng toác ra, bởi cánh tay và cả hàm răng khỏe như kìm sắt, Đô đốc xé nát bụng tàu. Khi một lưỡi gươm từ sau lưng đâm xuyên vào ngực làm vỡ trái tim thì cũng là lúc toàn thân Đô đốc chuồi khỏi thân tàu. Con tàu chìm khi trời chưa sáng, nhấn chìm luôn cả lũ cướp biển.
Em biết không, người dân biển ở đây nói rằng: Sau khi bị giết, bọn cướp biển đã nhập hồn vào các loài thủy tộc đi tìm Đô đốc để báo thù.- Tôi nói vui:- Và chiều nay, chúng đã cắn em. Chúng không cho tình yêu chúng mình được bình yên, phải không? Biển thì hào phóng thế mà chúng thì nham hiểm thế! Mai này khi chúng mình có con, ta sẽ kể cho con nghe chuyện gặp hồn cướp biển, em nhé!
Nhìn sóng lóa lân tinh trên mặt đá, em bấu chặt bàn tay nhỏ xinh vào vai tôi, khẽ rùng mình:
Tôi tìm lời an ủi:
- Đừng sợ! Đó chỉ là một trong muôn ngàn câu chuyện của nhân gian thôi! Mà quả thật nếu có hồn cướp biển thì cũng có sao đâu- Chúng chỉ cắn trộm thôi chứ làm được gì hơn thế? Cắn trộm xong chúng trốn vào biển để lại sự căm ghét, khinh miệt của người đời mà thôi. Chỉ có biển với cuộc sống này và tình yêu của anh và em thì mãi mãi.
Biển đêm vẫn không ngớt giai điệu sóng “ à…à…à…”, đồng hiện với muôn trùng sóng như hình dấu hỏi. Chợt gió lồng lên trong rừng cây phong ba. Những tán cây lắc lư như bóng người khổng lồ từ núi Hoành Sơn lừng lững bước xuống, cúi đầu nhìn mặt biển.
Tôi lại thì thầm:
- Ngư dân ở đây còn kể cho nhau nghe những câu chuyện kỳ lạ: Trong nhiều chuyến đi biển, trên thuyền của họ thường thấy một bóng người to lớn, khỏe mạnh, đôi mắt sáng quắc, đầy nghị lực, thường ngày vẫn cùng dân chài lưới ra khơi. Mỗi chuyến đi như vậy bao giờ thuyền về cũng đầy ắp cá. Cũng có những chuyến đi gặp sóng gió bất thường, tính mạng chỉ còn biết phó mặc cho phong ba bão tố, lại thấy Đô đốc quẫy vùng trong sóng to gió dữ, ghé lưng nâng bổng con thuyền trên đọt sóng, giúp dân thoát tai ương . Bởi thế, cứ mỗi lần trước lúc ra khơi, ngư dân lại ra miếu thắp hương, mang theo tâm niệm cầu mong linh hồn Đô đốc cùng đi với họ. Nhiều đêm biển động, còn nghe được cả tiếng hú, tiếng tù và hòa trong tiếng biển gầm gào. Người ta nói: đó là tiếng hú, tiếng tù và của hồn quân cướp biển. Chúng tiến đến Mũi Đao, và bị Đô đốc đánh tan tác nên mới cất lên những âm thanh kinh dị như vậy. Hiện tượng này anh có thể giải thích được- đó là tiếng của đàn cá heo gọi nhau vào gần bờ tránh bão. Thế đấy, ở nơi này dường như có hai thế giới cùng tồn tại, thế giới của đời sống thật quyện hòa cùng thế giới huyền thoại như tấm gương soi bóng vào nhau.
Thủy hồn nhiên:
- Ừ nhỉ! Em sẽ nhớ mãi những huyền thoại anh kể về biển nơi này. Em không sợ nữa mà càng yêu biển hơn. Không chỉ đơn giản là loài sứa vô tình quệt độc vào em mà trên mình em cũng in dấu huyền thoại của biển rồi.
Tôi và em thầm thĩ đến đêm khuya. Ngoài xa, đèn sáng dăng dăng trên những con thuyền câu mực, lấp lánh như dạ hội hoa đăng vậy. Ở đây nhìn thấy biểnVũng Chùa- đảo Yến thật gần. Ở đó, những ngọn đèn cao áp như muôn ngàn vì sao sa xuống, hắt lên trời vầng hào quang kỳ ảo. Chắc ở đó tập trung nhiều thuyền câu nên mới sáng lên như thế. Ai dám chắc rằng, hồn Đô đốc Nguyễn Khắc không ẩn hiện trong nhịp sống gian khó mà thơ mộng của biển về đêm như thế này? Gió vẫn thổi bình yên. Sóng Mũi Đao thao thức với giai điệu vĩnh hằng. Bóng núi và rừng cây phong ba thẫm lại. Một con còng gió lướt qua chỗ chúng tôi ngồi, nó giương đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên nhìn, ngỡ như Thùy Linh và tôi đã hóa đá, con còng gió biến ngay vào bãi cát.