15-04-2020 - 16:02

Tác giả PHAN TẤN LINH

 

 

Ngày tháng năm sinh: 26.7. 1970

Quê quán:  phường Bắc Hà - Tp Hà Tĩnh

Nơi công tác hoặc thường trú hiện nay: Bí thư Huyện ủy Huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Hội liên hiệp VHNT Hà tĩnh,  chuyên ngành:   Văn xuôi     Năm kết nạp: 1997

Địa chỉ liên lạc hiện nay: Số 07 - Lý Tự Trọng - Thành phố Hà Tĩnh

Điện thoại: 0981584888

Tác phẩm đã công bố:

- Có rất nhiều tác phẩm in trên các báo trung ương và địa phương

 

Tác phẩm tự chọn

 

  1. BIỂN

 

Mặt trời thẳng đứng. Biển chói nắng. Không xuống biển để tắm, ở một góc riêng, Miên đắm trong ký ức.

Ngày ấy, sau những bướm ong, Tuấn lẳng lặng bỏ đi. Khi Miên đang khổ đau một mình thì bạn bè báo tin, rằng Tuấn đang vui vẻ với người tình mới ở biển. Lúc ấy, đau khổ, Miên đã thầm rủa “Cầu mong biển hãy cuốn phăng nó đi”.

Biển làm thật, người ta không tìm thấy xác Tuấn, chỉ thấy xác người tình mới. Miên như người phát điên.

Mỗi mùa hạ, người ta lại thấy người đàn bà tóc xõa dắt theo đứa con lặng lẽ về với biển, lặng lẽ bỏ vài bông cúc trắng xuống biển, rồi đi.

Người ta đồn rằng người đàn bà tóc xõa là Miên, còn đứa con chính là con trai của Tuấn.

 

                                                  2. LẤY CHỒNG

Lụa xinh đẹp, siêng năng nên lọt vào mắt xanh con trai chắt Đại, giàu có nhất làng Đông.

Cha mẹ già thương con muốn gả bán nơi giàu có. Thương cha mẹ, Lụa gật đầu. Ngày vu quy, cha cho Lụa con bê làm hồi môn.

Lụa về nhà chồng, sinh con, làm lụng trong sự bạc bẽo, coi khinh. Được mấy năm, vất vả, Lụa héo sắc. Chồng Lụa trai gái trên phố, dẫn về một con tóc vàng, dễ trẻ hơn Lụa cả chục tuổi.

Sáng nay, Tòa tuyên cho vợ chồng Lụa ly hôn. Tài sản không được chia vì bố mẹ chồng không sang tên. Lụa chỉ được chút hồi môn dạo trước. Chạng vạng, Lụa tay bế con, tay dắt theo con bò, thơ thới đi qua cánh đồng lúa đang thì con gái.

Vẳng trong chiều muộn một lời ru “Thân em như hạt mưa sa...”.

 

                                             3. SIÊU THỰC

Gã vẽ. Người đàn bà mộng mị hiện dần lên toan, hết bức này đến bức khác. Ấn tượng mù mờ và siêu thực rõ nét. Có cả những chi tiết thực đến khó tin. Đó là những bức chân dung người yêu mộng mị của gã.

Tranh của gã chỉ vẽ độc chân dung con đàn bà của gã, đủ góc nhìn, đủ cách hiểu và đủ chất liệu. Tranh của gã, do vậy, chỉ bán rất khiêm tốn. Nghĩa là tranh không nuôi nổi gã!

Vợ gã vẫn ngược xuôi vất vả chạy gạo hàng ngày để nuôi gã. Chị ngày xưa cũng từng là nhân vật trong tranh của gã.

 

4. CON GÁI RƯỢU

Hồi bé, ba cô con gái đều quấn quýt, tranh giành để được bên cạnh cha. Cha cưng con gái, trìu mến gọi là gái rượu. Không như kiểu trọng nam khinh nữ ở quê bấy giờ.

Trẻ sợ cha, già sợ con. Vậy mà lúc nhỏ con gái không sợ cha. Giờ cha già, cha lại sợ con. Cha tâm sự với hàng xóm: Sợ nhất mấy cô con gái, về lúc nào là chúng nó hoạnh họe, bắt ép ăn uống, mà tuổi già có ăn được bao nhiêu nữa đâu...

- Cha già rồi, gầy gầy cho khỏe! Lúc nào cha cũng bảo vậy.

Hồi bé, thỉnh thoảng ba gái rượu giành nhau kỳ lưng cho cha. Cha con cười nắc nẻ. Giờ trái gió trở trời, cha nằm liệt một chỗ, con gái tắm cho cha, nước mắt vòng quanh vì cha gầy quá.

Vết sẹo từ mảnh bom hồi cha ở chiến trường lại trồi lên, tấy đỏ.

 

5. HOÀN CẢNH XÔ ĐẨY

 

Đêm...

Em bảo, em lên thành phố kiếm việc, ở quê mất mùa đói kém. Nhà đông người, em là chị cả, không nỡ ngồi nhìn lũ em đói ăn... Em bảo, đây là nghề nhơ nhớp, bất đắc dĩ. Rằng em sẽ kiếm thêm chút đỉnh rồi về quê mở tiệm tóc hoặc tiệm may... Em nước mắt vòng quanh, nức nở, bảo “Hoàn cảnh xô đẩy anh ạ, em không muốn...”.

Nhà báo trong vai đại gia vô cùng cảm thương, rút ví cho em năm trăm ngàn, chỉ hỏi thêm vài chi tiết làm tư liệu cho bài phóng sự đẫm nước mắt, rồi về.

Sáng...

Em hớn hở cùng mấy em nữa, chạy ùa ra quán hủ tiếu bên cạnh. Em hồn nhiên khoe với bạn: “Úi, hôm nay tớ giả tiền, hôm qua có gà cho không năm trăm ka nhé”.

Nhà báo trong vai khách ăn ngồi sau lưng em, nghẹn ngào trước tô hủ tiếu bốc khói.

 

6. MÙI RƠM RẠ

 

Anh chị lớn lên ở quê. Nơi có sông Cọi chảy qua cánh đồng phì nhiêu cò bay thẳng cánh.

Yêu nhau từ đình làng đêm trăng, từ gặt lúa đổi công... đến mãi sau này cả hai vào đại học rồi anh vẫn nhắc cái mùi rơm rạ của chị. Anh bảo anh thích thế, rồi anh hít hà trên mái tóc dày của chị...

Ra trường, anh về quê dạy học. Chị ở lại làm việc trong một cơ quan ngoại giao. Chị đơn phương dứt bỏ anh để lấy chồng ngoại quốc. Anh đau buồn một dạo, lần lữa rồi cũng lấy vợ.

Mười năm, hôm qua chị về thăm quê, anh rủ chị đi dạo trên những cánh đồng lúa vừa gặt. Anh nhắc về những kỷ niệm và mùi rơm rạ từ tóc, từ da thịt chị. Chị cười phá lên giữa cánh đồng bàng bạc trăng non.

- Rõ lẩn thẩn. Bây giờ chỉ có hương Chanel thôi ông cụ ạ.

Anh lắc đầu, hít hà mùi rơm rạ thoảng trên cánh đồng vừa gặt. Và, nghĩ: Chị chỉ là của anh thời rơm rạ đồng làng.

 

7. GIÓ SÔNG QUÊ

Gió thổi từ bờ sông, mát rượi. Hôm nay, em gái thoát ly, ngoài bắc vừa về, Hiền lúc lắc ra sông xách nước cho nó tắm. Nắng nôi, dễ đến gần hai tháng không có giọt mưa, giếng làng trơ đáy.

Nhà có năm chị em, Hiền là chị cả, bị dị tật ở chân. Mẹ mất sớm, Hiền bỏ học, trở thành mẹ của lũ em. Rồi cơ cực lớn lên, đàn em thoát ly làm cán bộ, công nhân trong nam, ngoài bắc. Cứ như vậy, Hiền lam lũ nuôi em quên cả đời mình. Mỗi lần con cái về đông đủ, cha già lại nhìn chị, khóc không thành tiếng.

Hiền vẫn thập thễnh xách nước cho em tắm, như là cái việc tự nhiên lâu nay chị vẫn làm.

Gió vẫn thổi từ bờ sông, mát rượi.

 

8. CHA

Cha ở quê ra tận Thủ đô thăm con gái. Mệt mỏi nên con toàn cáu với cha: Hỏi gì rõ lắm, sao lại đi chậm thế, ở trong nhà việc gì phải mặc lắm áo thế... Sáng nay, đưa cha ra bến xe về quê. Trên đường về, nước mắt con gái chảy dài. Cha cưng con nhất nhà, đi đâu cũng dắt theo. Nhớ ngày cha chở con đi thi bằng xe đạp, dễ đến 20 km, con béo cha gầy, cha gò lưng, mồ hôi nhễ nhại. Trưa ra ăn phở, cha nhặt hết thịt bò qua bát cho con.

Ra trường đi làm, có lần con bị móc túi, cha vay mượn lặn lội đưa ra cho con. Con vô tư nhận đâu biết phải mấy tháng sau cha mẹ mới trả hết nợ. Quá nửa cuộc đời, con vẫn vô tư đón nhận tình thương của cha.

Chạy xe mà mắt con nhòe nước. Thấy mình mãi kém cỏi, cha ơi!

 

. . . . .
Loading the player...