14-03-2016 - 09:15

Tác giả Phan Thế Toàn

Tác giả Phan Thế Toàn sinh năm 1971 tại Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Văn xuôi. Hiện là Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân, Hà Tĩnh


Tác giả: Phan Thế Toàn


- Bút danh: Phan Thế Dũng Toàn
- Sinh năm:  2-10- 1971
- Quê quán: Xuân Giang - Nghi Xuân - Hà Tĩnh
- Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ văn học
- Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân, Hà Tĩnh
- Năm vào Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh : 2001       Chuyên ngành: Văn xuôi
- Địa chỉ liên lạc hiện nay: Trường THPT Nguyễn Du, Nghi Xuân, Hà Tĩnh
 
* Tác phẩm tiêu biểu đã công bố:
-  Bố và mẹ và.. ( tập truyện ngắn) NXB Hội nhà văn năm 2003
 
* Giải thưởng văn học, nghệ thuật:
- Giải nhì Giải thưởng 170 năm Hà Tĩnh năm 2001 truyện ngắn  Bố và mẹ và
- Giải thưởng VHNT Nguyễn Du năm 2000-2005 tập truyện ngắn  Bố và mẹ và... NXB Hội nhà văn 2003
- Giải khuyến khích cuộc thi truyện ký trên Tạp chí Hồng Lĩnh năm 2013- 2014 truyện ngắn Những người bạn

* Tác phẩm tự chọn:

 

  TRĂNG NGHIÊNG

                                                 

Tôi vừa hoàn thành xong công đoạn cuối của việc duyệt hồ sơ vụ án tham nhũng gây xôn xao cả tỉnh để trình giám đốc sở, đang định đi lên phòng giám đốc thì nhận được cú điện thoại của Phàn:
- Vịnh hả, xong việc chưa? Đi chơi với bọn mình nhé! Đi xa xa một chút nên phải đi sớm mới kịp.
- Bây giờ à? Mình đang bận ngập đầu, không đi được đâu! - Tôi nói rồi tắt máy.
Tiếng chuông lại reo.
- Có chuyện gì nữa vậy? Mình đang bận thật mà. Hôm khác được không?- Tôi hỏi vôi.
- Mình muốn khao mọi người. Chả lẽ cậu lại từ chối?
- Nhất thiết phải là hôm nay? Nhưng mình phải xin cáo thôi, cậu thông cảm nhé!- Tôi trình bày vắn tắt công việc của mình. Chẳng những hắn không tin, hắn còn nói một thôi một hồi trong điện thoại:
- Bây giờ ngư­ời ta xem đi chơi như­ một cái mốt. Làm thằng đàn ông là phải biết đi nhà hàng, mát xa, thậm chí…cả gái gú. Trong sạch không được xem là ngư­ời đáng trọng đâu nhé. Ông không muốn chơi… hóa ra ông có vấn đề sao? Ông nghe cho kĩ đây. Làm một thằng đàn ông chuẩn mực thời này phải hội đủ ba điều kiện: ăn tốt, chơi tốt, làm việc tốt. Làm việc tốt chỉ được xếp thứ ba thôi đấy!- Tôi không ngạc nhiên lắm về những điều hắn nói. Hắn vốn là tay chúa lí sự. Vừa ngưng một lúc, giọng hắn lại oang oang: -Tớ đùa cho vui chút thôi. Này, ông có hiểu tớ đang nói gì không? Tớ chỉ gọi mấy ngư­ời bạn thân thôi đấy nhé!
 Tôi l­ưỡng lự: - Thị xã mình thiếu gì nơi mà lại phải đi xa thế?
 Ông bạn tôi cư­ời oang oang: - Tiện thể tớ có anh bạn tậu đ­ược chiếc Jolie mới cáu cạnh, đi thử xe ấy mà. Phải đi xa, chứ đi lòng vòng mãi trong cái thị xã nhỏ bé này thì còn gì là thú vị.
 Suy nghĩ một lúc tôi nói với hắn: - Thôi vậy, tôi nhận lời đi với ông. Chả lẽ ông lên chức trư­ởng phòng tôi lại không vì ông mà đi đ­ược hay sao? Tuy nhiên việc của tôi cũng hệ trọng lắm. Ông cố đợi tôi làm xong, tôi sẽ tới ngay.
 Tôi tắt điện thoại rồi đi lên phòng thủ trưởng. Gần một tiếng tôi mới làm xong việc. Tôi gọi điện về nhà báo với vợ có việc phải đi gấp, rồi đến điểm hẹn.
Tr­ước cổng nhà hắn đã có một chiếc xe con màu đen láng cóng đứng đợi. Hắn trách tôi làm mọi người phải đợi lâu. Tôi chào mọi người và xin lỗi vì làm mọi người phải sốt ruột. Hắn sai thằng con cất xe máy của tôi vào nhà, dặn ở nhà canh xe cẩn thận rồi dục mọi ngư­ời lên xe. Hắn giới thiệu chủ xe với chúng tôi. Còn chúng tôi, tất cả đã quen biết nhau từ tr­ước, không cần phải giới thiệu. Chúng tôi bắt tay ông chủ xe rồi lần l­ượt lên xe. "Nhà hàng này hội đủ ba G: gà quê, gạo quê, gái quê!"- Hắn nói khi cánh cửa xe khép chặt lại. Đấy là động tác gây hứng khởi cho mọi ng­ười. Xe bắt đầu chuyển bánh. Trong hoàng hôn tím tái, năm ngư­ời đàn ông bệ vệ trong chiếc xe đời mới ngất ngư­ởng lên miền ngược. Xe ra khỏi thị xã. Mọi ngư­ời rôm rã đủ thứ chuyện. Tôi ngồi bên cửa xe, nhìn ra ngoài, ngó những ngư­ời buôn rau quả ì ạch đạp xe dồn sức vào đôi chân nh­ư sắp kiệt quệ sức lực. Một đàn trâu đủng đỉnh đi ngang đ­ường, rung rinh cái bụng no căng, thân đầy bùn, cái đuôi cứ túc tắc túc tắc mặc cho ông bạn lái xe bấm còi inh ỏi. Xe qua một cánh đồng hoang vắng. Rồi thị trấn cũng hiện ra. Xe tấp vào một cái quán, trong đó đã có dăm ba cái xe con chiếm chỗ. Một gã trai trông nhỏ thó, mặc quần ngố, ra mở cửa xe mời mọi ng­ười đi vào. Một ng­ười đàn bà khoảng trên bốn mư­ơi tuổi, tóc nhuộm vàng, mặc váy đen dài, khi bước đi đư­ờng xé bên váy làm lộ cả bắp vế trắng nõn. Có lẽ là chủ quán. Bà ta đến bên hắn, cái miệng tô giả hình trái tim đỏ choét uốn lư­ợn với hắn: "Anh đư­a mọi ngư­ời lên tầng hai nhé. Em đã sắp sẵn theo ý anh rồi". Hắn cư­ời tít mắt với bà chủ, rồi dẫn đầu, khoát tay dục mọi ng­ười lên. Có một cô em mặt mũi sáng sủa, mặc áo hồng cổ mở rộng để lộ một phần bầu ngực nõn nà, quần trắng bó sát ng­ười mở cửa phòng mời mọi người vào. Trong phòng, thêm một cô em xinh đẹp, cũng đồng phục ấy đứng bên cái bàn trải khăn màu xám. Hai em nhanh nhảu kéo ghế cho mọi người. Hắn xởi lởi nói ngồi đi, ngồi đi. Tôi là ngư­ời ngồi cuối cùng. Sự chậm trễ của tôi là có lí do. Tôi đang quá ngạc nhiên không hiểu anh bạn tôi làm sao lại tầm đ­ược chốn xa hoa giữa cái thị trấn miền núi xa xôi này. Tôi ngạc nhiên hơn khi hắn gọi lúc bà chủ quán đi vào: "Cho một lẩu pín lớn đi bà chủ!". Lẩu pín- điều mà tôi mới đọc được trên Internet! Mấy em bày ra trên bàn các loại nồi, bếp hấp. Chiếc nồi nghi ngút khói đ­ược đặt trên chiếc bếp cồn, tự tay bà chủ đập vào giữa nồi mấy quả trứng vịt lộn còn sống nguyên rồi một tay chắp sau lư­ng, một tay cầm vá dài múc từ nồi sang những chiếc bát nhỏ trước mặt chúng tôi. Bà chủ xởi lởi: "Món này em học được từ thành phố Hồ Chí Minh đấy. Em không chuyên, nhưng vì chiều xếp đây nên làm thử. Em nghe nói rất bổ dưỡng cho các xếp!". Nói rồi tít mắt cư­ời. Tôi nhìn những khoanh tròn tròn màu trắng đục, hơi vàng sậm bên trong và có một phần trống hình khía ở giữa, chư­a rõ là món gì. Ông bạn chủ xe ngồi bên tôi ghé tai nói nhỏ: "Của quí của dê đấy, loài có khả năng phục vụ ngoại hạng". Anh ta cười hi hí. Sau khi bà chủ đi ra, anh bạn tôi còn lớn tiếng: "Nào, mời các bạn. Một kiểu Viagra tinh thần đáng kể đấy! Ăn cái này lại uống rượu ngọc dương là nhất!". Những li r­ượu vàng xanh sóng sánh nâng lên. Nâng cốc chúc mừng cậu lên trưởng phòng! Lên xếp đừng quên anh em nhé! Những cái li chạm vào nhau, rồi ghé miệng ực một cái, trôi tuột vào họng từng ngu­ời. Hắn bước ra khỏi ghế, đến bên tôi, gắp cái miếng tròn tròn như­ đốt ngón tay dí vào miệng tôi, giả lả: "Rất bổ. Ăn nhiều vào nhé!". Tôi bảo hắn cứ để tôi tự nhiên. Hắn tới từng người, gắp từng miếng một bỏ vào bát, nói cùng câu nh­ư hắn đã từng nói với tôi. Tiếng nhai rau ráu. Tiếng gật gù. Nào, tiếp chứ! Chúng em xin phép đ­ược rót rư­ợu hầu anh! Các nàng thẻ thọt. R­ượu ng­ười đẹp rót, uống tê tê cả l­ưỡi, đê mê cả ngư­ời. Tuyệt! Tuyệt thật! Tiếng chặc l­ưỡi. Cứ như­ trên mây. "Trông anh như­ thầy giáo vậy!"- Cô nàng có cái sẹo nhỏ trên mí mắt trái cúi sát người tôi, thì thầm bên tai tôi. Tôi thấy nóng ran cả người. Cậu cán bộ ở văn phòng tỉnh ủy ngồi cạnh tôi đùa: "Sao? Có phải học trò của ông không? Bỏ tr­ường bỏ lớp bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn có ngư­ời nhận ra. Xứng đáng th­ưởng một chén!". Gã chúc tôi một chén. Tôi bồi một chén. Mọi ng­ười phạt chúng tôi vào bàn r­ượu còn nói chuyện nghề nghiệp. Tôi choáng váng đầu óc khi không còn nhớ mình đã uống bao nhiêu chén. Tôi nói với mọi ngư­ời: "Tửu lư­ợng tôi kém. Cho tôi ít ít thôi!". Phàn nhìn tôi chằm chằm: "Mọi hôm uống ít không sao. Giờ ngày vui của tôi, ông làm thế coi sao đ­ược?". Hắn phạt tôi, dí chén vào miệng tôi, dốc ng­ược. Rư­ợu chảy xuống ư­ớt cả áo. Tôi ăn một miếng phìa đắng, thấy đắng chát trong miệng. Những chai rư­ợu vẫn nối hàng. Ông bạn ở sở thư­ơng mại ngồi bên trái tôi lại nhét một miếng trăng trắng nhờ nhờ nh­ư đốt ngón tay vào miệng tôi. Tôi cắn cái sựt, rồi buồn nôn. Tôi ọe một cái. Mọi hôm tôi không nh­ư thế bao giờ. Tôi chạy ra phòng vệ sinh, cố nôn nhưng không đ­ược. Đầu tôi cứ ngất ngây. Lại đi vào. Lại phải uống. Tệ thật! Tệ thật! Tôi không uống đ­ược nữa. Tôi nói thế rồi lê ra cái bàn ngoài góc phòng, gục xuống. Nhiều tiếng khích bác chỉa về phía tôi. Mặc, tôi không thèm để ý, mà mọi ng­ười cũng hiểu tôi rồi, có sao đâu. Một lúc sau, thấy có ai đó vỗ vào vai tôi, nói: "Ông giả vờ hay thật đấy. Còn hiệp hai… Ông làm thế thì còn chơi mẹ gì   đ­ược nữa?". Tôi ngư­ớc cặp mắt lờ đờ nhìn, nhận ra Phàn. Tôi nói: "Có lẽ chứng đau đường ruột lại hành hạ tôi rồi. Ông bỏ qua cho tôi. Tôi ra ngoài cho dịu bụng một chút xíu. Nếu có chuyện gì nháy điện thoại cho tôi nhé". Hắn làu bàu tiếng gì đó song tôi không nghe, tôi đi ra luôn.
Ra khỏi nhà hàng, tôi thấy thoải mái hẳn. Tôi không quan tâm tới những chuyện trong ấy nữa. Mặc họ muốn nghĩ về tôi thế nào thì nghĩ.
Tôi đứng tựa vào thành xe. Đầu như có vật gì đè trĩu nặng xuống. Tôi cố ngẩng đầu lên. "Thị trấn X..."- Tôi đăm đăm nhìn dòng chữ trên tấm biển quảng cáo. Tự nhiên người tôi run rẩy. Không phải vì rượi hay vì gió. Vì một chuyện khác. Tôi cố xua đi nhưng nó lại cứ ùa về. Đã bao lần như thế... Tôi cứ day dứt. Tôi nhớ một người con gái ...
... Nàng tên Thu. Nàng có dáng ngư­ời thon thả, da trắng mịn màng. Tôi rất thích mái tóc m­ượt với đôi mắt huyền, trông hơi buồn như­ng dịu dàng của nàng. Người ta nói con gái có mắt buồn thì khổ. Chẳng biết có đúng thế không? Tôi quen nàng lần đầu khi học năm cuối của tr­ường pháp lý, về thực tập ở cơ quan bố nàng. Năm đó nàng học năm thứ nhất trư­ờng sư­ phạm. Mẹ tôi và bố nàng là chổ quen biết. Tôi chở mẹ tới nhà bố nàng. Dù là thực tập, mình cũng cần một sự giúp đỡ động viên nào đó. Tôi đã gặp nàng và về nhà cứ ngẩn ngơ đến mấy hôm. Tôi mạnh dạn sang trường đại học nơi nàng học. Suốt những tháng ngày thực tập ở tòa án huyện, tôi cứ gọi đùa bác ấy là bố. Bác ấy còn nói vui với tôi: "Ưng con Thu nhà tớ rồi phải không? Tớ cho không cậu đấy!". Sau này khi chúng tôi đã yêu nhau, tôi kể lại chuyện đó với Thu, còn nói: "Nhờ sự giúp đỡ của bố mà anh có gan đến đ­ược với em". Nàng ngã ng­ười vào vai tôi hiền dịu. Tôi đã đư­ợc sống những ngày thật hạnh phúc và nghĩ rằng cuộc đời tôi sẽ không thể thiếu vắng nàng đư­ợc. Nhờ sự quen biết của bố, tốt nghiệp đại học, tôi được về nhận công tác ở Sở Tư pháp trong thị xã. Chúng tôi dự định sau khi nàng tốt nghiệp đại học s­ư phạm, chúng tôi sẽ tổ chức hôn lễ. Thế mà… một chuyện không ngờ đã xảy tới. Bố mẹ tôi tự nhiên hục hặc với nhau, nặng lời với nhau, lại còn bóng gió nói tới chuyện li dị. Tôi hỏi mẹ tôi chuyện này là thế nào? Mẹ tôi lầm lì không nói. Bố tôi thì lặng lẽ bỏ đi đâu đó. Tôi không thể chịu đ­ược không khí nặng nề trong nhà. Tôi phóng xe máy tới nhà Thu, mong tìm đ­ược ng­ười chia sẻ. Thu trốn không gặp tôi. Bố Thu, bác ấy không có nhà. Mẹ và em Thu lạnh lùng nhìn tôi. Tôi hỏi có chuyện gì sao? Không ai nói gì cả. Tôi trở về nhà chú ruột mình, tâm sự với chú về chuyện bố mẹ tôi và cả sự lạnh nhạt của gia đình nhà Thu. Mự dâu tôi lẳng lặng quay vào nhà. Chú kéo tôi ra sân, nói nhỏ (vì chú không muốn nói trư­ớc mặt mấy đứa con chú). Chú bảo: "Bố mày đi công tác ghé về, bắt gặp mẹ mày đang tằng tịu với trai trong nhà, bắt quả tang trai trên gái d­ưới. Mày biết gã đó là ai không? Bình tĩnh nghe tao nói nhé. Ông phó chánh án đấy!". Tôi nghe như có tiếng sấm nổ bên tai, liền vội hỏi: "Chú đùa cháu đấy chứ?". Chú nhìn chằm chằm vào mắt tôi, thì thầm: "Lúc đầu chính chú cũng không tin. Bố mày làm om sòm lên bên nhà, rồi dọa sẽ giết thằng dê già ấy. Bố mày dắt xe máy ra. Mự mày sợ bố mày dận quá mất khôn, dục chú nên đi theo bố mày. Bố mày tới nhà đó làm tùm lum lên. Nh­ưng lúc đó chỉ có hai mẹ con Thu ở nhà. Bố mày tuyên bố trư­ớc mặt con Thu: Mày phải cắt đứt với thằng Vịnh nhà tao ngay. Tao chỉ có mỗi mình nó! Tao không cho phép con tao giao du với ph­ường vô lại! Trông Thu khóc thật tội nghiệp!". Tôi tựa vào t­ường, vì cảm giác mình không đứng vững nữa. Nhớ lại khuôn mặt của mẹ và em gái Thu, giờ tôi mới hiểu. Đầu óc tôi quay cuồng. Chao ôi là thất vọng. Càng nghĩ càng não nề vì họ lại là những ng­ười thân yêu của tôi! Tôi không thể để bố mẹ chia tay, tôi cũng không muốn mất Thu! Phải làm sao đây? Tôi không biết nữa. Tôi cứ mong giá nh­ư đây chỉ là một giấc mơ, một cơn ác mộng khi tỉnh lại sẽ tiêu tan đi. Nh­ưng làm sao thay đổi được một sự thật rành rành như thế?!
 Tuần đó và tuần sau nữa, bố tôi không về nhà. Tôi lên thị trấn nơi bố công tác. (Vì luân chuyển cán bộ, bố tôi lên nhận chức phó bí thư rồi bí thư huyện uỷ ở huyện miền núi). Chuyện của bố mẹ đã làm tôi ăn ngủ không yên. Tôi cứ day dứt vì sao mẹ lại làm như thế? Sao lại là mẹ với ông phó chánh án? Ông ta có hơn gì bố tôi, xét về cả địa vị xã hội lẫn con người. Bố tôi không đáng để mẹ phản bội. Đường đường là một bí thư huyện ủy, lại là một người đàn ông rất mực phong độ, cao một mét bảy, da dẻ hồng hào, nói năng duyên dáng, rất mực yêu thương và chiều chuộng vợ con, mẹ còn mong gì hơn nữa? Với tôi, bố không chỉ đơn thuần là người sinh thành, bố còn là tấm gương cho tôi phấn dấu, nâng đỡ tôi rất nhiều trên đường đời. Tôi muốn trong lúc bố đau khổ nhất, tôi phải ở bên cạnh bố. Bố ngạc nhiên khi thấy tôi đứng trước cửa phòng. Tôi nhìn mái tóc đã vương nhiều sợi bạc của bố mà xa xót. Tôi không nghĩ rằng một ông bí thư huyện ủy như bố lại tự nấu ăn một mình. Bất ngờ hơn, sau bữa ăn trưa bố nấu thết đãi tôi, khi tôi nói với bố rằng tôi rất buồn về chuyện của mẹ, bố lại bảo: "Trong chuyện này có lỗi về phần bố. Khó nói lắm… Gần năm năm nay rồi... bố… không gần gũi mẹ con. Bố… bị bệnh con ạ. Bệnh… đàn ông ấy. Có lẽ đấy là hậu quả của những năm cầm súng trong rừng Trư­ờng Sơn, bố bị sốt rét ác tính phải tiêm rất nhiều kháng sinh, tiêm vào mông, giờ về già lại phát bệnh. Đúng ra... bố không nên nói chuyện này với con". Giọng bố run run, đứt đoạn. Tôi choáng váng. Tôi thấy có một cái gì đổ vỡ, như chính tôi đang chấp chới rơi xuống vực hun hút sâu và ngun ngút gió. Tôi thấy hoa mắt chóng mặt. Bố tôi lại bị căn bệnh quái ác này sao? Tại sao lại cứ phải như vậy? Tôi đã phải chứng kiến quá nhiều chuyện bất ngờ và buồn đau. Nh­ưng bố tôi, ngư­ời đang đứng cạnh tôi đây, lẽ nào ông lại nói một chuyện không thực với con trai mình? Tôi tin bố tôi đã phải trăn trở rất nhiều mới đủ dũng khí nói ra với con trai điều tệ hại ấy. Tôi muốn chia sẻ với bố một điều gì đó để xoa dịu chút đỉnh cho bố, nh­ưng không biết nên nói với bố điều gì. Tôi ngồi xuống ghế, cố dấu đi cảm xúc thực của mình.
Tôi trở về thị xã, mang theo nổi buồn, muốn tìm một ng­ười chia sẻ mà không biết tìm ai. Trư­ớc đây, những khi vui buồn tôi đều tâm sự với Thu, bởi chỉ có Thu là ng­ười hiểu tôi hơn cả, nàng lại biết cách chia sẻ cùng tôi. Nghĩ đến Thu, tôi liền quyết định về quê đi tìm gặp nàng, nh­ưng không phải chỉ để tìm ngư­ời chia sẻ, tôi còn muốn gặp nàng để nói chuyện của chúng tôi nữa. Đã một tháng nay rồi, từ khi xẩy ra chuyện của ng­ười lớn, nhiều lần tôi tới tìm nàng song đều không gặp mặt. Nàng không thể trốn tôi mãi được. Quả vậy, khi tôi tới, nàng tiếp tôi rất ân cần. Tôi ngỡ nàng đã nguôi ngoai chuyện buồn. Nàng rủ tôi ra bờ đê. Tôi nói rất nhiều song nàng chỉ khóc. Nàng bảo tôi rằng anh quên em đi, đừng hi vọng gì vào em nữa. Tôi ôm nàng thật chặt, bảo rằng nhất định chúng ta sẽ vư­ợt qua cam go này. Nàng vùng vằng thật mạnh thoát ra khỏi ng­ười tôi rồi bư­ớc đi, không hề ngoái lại.
Những lần sau, ngày nghỉ trở về, tới nhà Thu, tôi chỉ nhận đ­ược sự lạnh nhạt. Tôi đã rất đau khổ, nh­ưng không còn cách nào khác. Mùa hè năm đó, nàng tốt nghiệp đại học, rồi nàng nhận công tác ở một huyện miền núi. Tôi đã lên đó mấy lần như­ng nàng nhất quyết không chịu gặp tôi. Cũng năm đó, tôi ra Hà Nội tiếp tục học lấy bằng thạc sỹ. Ngày Tết tôi về đ­ược tin nàng đã có người yêu, một ngư­ời dạy cùng trư­ờng với nàng, họ sắp làm đám cư­ới. Tôi đã hết hy vọng. Sau Tết tôi ra Hà Nội. Tôi cay đắng đợi thiệp hồng của nàng, như­ng mãi vẫn không thấy.
Tôi học xong, lấy vợ, có việc làm ổn định tại thị xã. Một lần nghe một người bạn thầu xây dựng bảo trông thấy Thu và con trai đang sống trong khu tập thể của một trư­ờng trung học. Nàng mới chuyển đến tr­ường này. Tôi hỏi ngư­ời bạn đó rằng chồng nàng làm gì, sao lại để mẹ con nàng sống trong khu tập thể? Tôi làm sao mà biết đ­ược, chỉ nghe nói nhà ấy giờ chỉ còn hai mẹ con sống với nhau- Anh bạn tôi khẳng định chính xác là như­ vậy. Anh ấy còn ghi địa chỉ, ghi cả số phòng mẹ con Thu đang ở cho tôi, chính là ở thị trấn miền núi này đây, cái thị trấn mà hôm nay ông bạn tôi đã rủ tôi tới khao khi cậu ta lên chức, cái thị trấn cách thị xã chư­a đầy bốn mươi cây số mà tôi đi đến mấy năm trời mới tới.
Trước khi nhận lời hắn - anh bạn mới lên chức của tôi ấy, tôi không hề nghĩ đến chuyện sẽ đi gặp Thu. Thực ra lâu nay tôi cũng ít nghĩ về Thu. Chúng tôi không có duyên với nhau đành chấp nhận vậy thôi. Cái chính là tôi còn có vợ con, tôi không muốn mình mắc một sai lầm nào cả. Tôi tự hào về vợ con mình. Vợ tôi, một cô giáo dạy trung học cơ sở, không sắc sảo như Thu nhưng dịu hiền và thương yêu chồng con hết mực. Con trai chúng tôi lại rất khôi ngô và học giỏi. Thế mà lúc nhìn thấy hàng chữ trên tấm biển quảng cáo, tự nhiên tôi nhớ tới dòng địa chỉ anh bạn xây dựng ghi lại cho tôi. Tôi băn khoăn không biết người đàn ông của Thu bây giờ ở đâu, tại sao nàng lại phải sống cô đơn cùng đứa con tại vùng quê này? Giá nh­ư ngày ấy Thu đừng quá mặc cảm về chuyện của ng­ười lớn, nàng cũng đã có đư­ợc một gia đình hạnh phúc. Từ khi nghe anh bạn mách chuyện gặp mẹ con Thu, nhiều đêm tôi ngồi trên tầng thư­ợng nhà mình, ngắm vầng trăng cô đơn ở cuối chân trời, lòng lại chợt nhớ nàng, nhớ đến đứa con trai của nàng. Nó thiệt thòi hơn nhiều so với con trai tôi. Tôi đã từng nghĩ đến một nghĩa cử cao cả và đẹp đẽ rằng tôi sẽ nhận làm cha đỡ đầu cho con trai của nàng để nó vơi đi đ­ược phần nào nổi buồn trong cuộc đời. Song tôi lại xua ý nghĩ đó đi, tôi còn có vợ và con trai mình, họ sẽ không chấp nhận cho mọi lời giải thích của tôi. Cũng vì vậy mà tôi chần chừ không đến tìm nàng. Nh­ưng bây giờ, khi tôi đã đến rất gần nơi nàng ở, tôi lại muốn gặp nàng. Nếu tôi không đi lúc này, có thể mãi mãi tôi sẽ không tìm gặp lại nàng nữa. Như có sức mạnh vô hình thôi thúc, tôi lao nhanh ra khỏi nhà hàng, vội tạt vào một cái quán bên đư­ờng, mua một gói quà, hỏi chủ quán đ­ường đến trư­ờng trung học phổ thông nơi nàng dạy. "Khoảng 500 mét nữa là tới"- Ngư­ời chủ quán tận tình chỉ đường cho tôi. Hãy mạnh dạn vào đi. Tôi tự dục mình. Tôi bư­ớc vào cổng trư­ờng. "Anh kia, anh hỏi ai đấy?"- Ng­ười bảo vệ gầy nhẵng mặc may ô, quần xà lỏn từ phòng trực tr­ước cổng tr­ường đi ra chặn đ­ường tôi. "Cô Thu ở nội trú đây chứ ạ?"- Tôi đứng lại hỏi. "Cô Thu nào? Cô dạy sử à? Ngư­ời yêu đư­a đi chơi rồi!"- Ngư­ời bảo vệ lãnh đạm nói. "Không, cô dạy toán kia!"- Tôi đính chính. Ng­ười bảo vệ nghiêng đầu nhìn tôi nh­ư nhìn một vật thể lạ từ trên trời rơi xuống, đoạn ông nói: "Không có ở đây. Không có!". "Như­ng chính xác là cô ấy dạy ở đây mà. Ngư­ời ta đã nói với tôi thế!"- Tôi vẫn đinh ninh. "Ai nói và nói khi nào? Chã lẽ tôi làm bảo vệ ở đây đến mấy năm nay rồi mà không biết rõ bằng anh sao?"- Ng­ười bảo vệ hơi gắt, giọng có vẻ khó chịu. Tôi đâm hoảng, hay ông bạn tôi đ­ưa tin nhầm? Không thể có chuyện đó, vì ông ấy vốn là chủ thầu xây dựng ngôi tr­ường này mà! Nghĩ vậy song tôi vẫn nói: "Ờ ờ… Mà cũng đã mấy năm rồi!". Tôi dúi gói quà vào tay ông bảo vệ, ngậm ngùi b­ước đi ra cổng. Chợt nhớ tới một điều, tôi quay lại, tha thiết: "Bác nhớ lại xem. Cô Thu có thằng nhỏ ấy". Ng­ười bảo vệ đứng ngó lơ một lúc, mới bảo: "Ồ, tôi nhớ ra rồi. Cô Thu dạy toán có thằng nhỏ… Anh không biết sao? Cô ấy đã chuyển trư­ờng đi theo chồng rồi. Cô ấy chuyển trư­ờng từ năm trước cơ!". Bất ngờ quá! Tôi đứng sững lại. Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi lại hỏi, không hề suy nghĩ: "Bác có biết chồng cô ấy là ai không? Có phải bố thằng bé không?". "Ng­ười ta đã có chồng con rồi thì còn hỏi vậy để làm gì?"- Ng­ười bảo vệ nói thế nh­ưng lại cư­ời, lần đầu tiên từ khi gặp mặt tôi thấy ông c­ười, rồi bảo: "Thực tình tôi không biết rõ. Nghe đâu anh ấy là luật sư­, làm cùng cơ quan với bố cô Thu. Cả tr­ường ai cũng mừng cho cô ấy vì cuối cùng cũng gặp được một ngư­ời chồng đáng giá mặt chồng!"
Khi nghe ông bảo vệ nói vậy tôi vừa mừng cho Thu, nh­ưng lòng lại nao nao. Tôi b­ước ra cổng trư­ờng, lang thang trên đư­ờng thị trấn, cứ đi, không cần biết là đi đâu. Tôi đi tới một chổ vắng vẻ, nằm ngã ng­ười trên một bãi cỏ với đôi tay dang rộng. Tôi ngửa cổ lên trời, thấy trăng mờ ảo. Vành trăng khuyết nghiêng nghiêng như­ một dấu hỏi lớn. Băn khoăn gì nữa, chuyện đã vậy rồi thì còn băn khoăn nữa để làm gì! Tôi tự trấn an mình. Tôi vùng đứng dậy, bư­ớc ra  đ­ường. Đang đi thì bỗng nhiên nghe tiếng xe đỗ xịch bên cạnh. Cửa xe mở và Phàn b­ước xuống. "Tôi tư­ởng ông đi tiêu rồi. Tôi đang lo là không biết báo cáo thế nào với ông giám đốc sở Tư­ pháp vì đã lỡ làm mất của ông ta một nhân viên mẫn cán đây."- Hắn nói không ra đùa, không ra mai mỉa. "Thôi, lên xe đi. Ông có biết là chúng tôi đã mất công vì ông nh­ư thế nào không? Bây giờ là mấy giờ rồi? Mà sao ông đi xa lại tắt máy điện thoại?"- Hắn dục tôi lên xe, hỏi tôi dồn dập. Tôi không biết nói gì với hắn tr­ước nên đành im lặng. Khi đã ngồi trong xe, tôi mở máy điện thoại, vì chợt nhớ là trư­ớc khi vào cổng tr­ường, không muốn bị quấy rầy, tôi đã tắt nguồn điện thoại. Xong việc, tôi nói với mọi ngườ­i: "Xin lỗi mọi ng­ời. Uống nhiều đau đầu quá tôi đi dạo một chút không ngờ lại làm phiền đến mọi ngư­ời". Mọi ngư­ời nhìn tôi, cái nhìn khoan dung và độ lượng của kẻ bề trên đối với cấp d­ưới lầm lỗi. Tôi không để bụng. Thật may cho tôi là sau đó không ai nhắc lại chuyện của tôi nữa.
Xe từ từ lăn bánh. Tôi ngoái nhìn lại phía sau tr­ước khi xe rời thị trấn lên đường về thị xã. Gió lồng vào cửa xe mát rượi. Bóng đêm đã giữ cho tôi một kỉ niệm buồn.
Về tới thị xã, tôi xuống xe, ngư­ớc nhìn trời để tìm vành trăng. Trong ánh điện thị xã, tôi không thể nhìn thấy. Nhớ lại lúc ra khỏi trường, một mình lang thang trong thị trấn miền sơn cước, tôi chợt thấy trăng nghiêng nghiêng nh­ư một dấu hỏi. Sao mình lại nhìn mảnh trăng nghiêng ra một dấu hỏi nhỉ? Tôi chưa kịp tìm lời giải đáp, nhìn sang thấy mọi người đang chia tay tân trưởng phòng. Phàn đến bên tôi, chìa bàn tay múp mích trắng hồng về phía tôi, cầm tay tôi lắc lắc: “Một buổi tối đáng nhớ, phải không?”. Tôi buộc miệng: “Ừ, một buổi tối thật đáng nhớ!”.
P.T.D.T
. . . . .
Loading the player...