21-12-2015 - 09:11

Tác giả Vương Khả Sơn

Tác giả Vương Khả Sơn, quê quán Can Lộc - Hà Tĩnh. Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh chuyên ngành văn xuôi. Nguyên chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, nay đã nghỉ hưu.

Tác giả: Vương Khả Sơn


- Sinh ngày: 29/ 9 /1953
- Quê quán: Khánh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh
- Thường trú: Tổ 3, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh
- Chức vụ, đơn vị công tác: Chuyên viên sở GD ĐT Hà Tĩnh đã nghỉ hưu
- Năm vào Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh:  2007
- Chuyên ngành: Văn xuôi
- Điện thoại: 0912487840; Email: vuongkhason.ht@gmail.com

* Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác:
- Năm 1971: Bộ đội chống Mỹ.
- Năm 1978 – 1982: Sinh viên khoa Văn ĐHSP Vinh
- 1982- 2001: Giáo viên Ngữ Văn THPT
- 2001- 2013: Chuyên viên sở GD&ĐT Hà Tĩnh
 
* Tác phẩm chính đã được xuất bản:
- Tập hồi ký “Ký ức Chiến tranh” NXB Thanh Niên - H. 2006 ( tái bản lần thứ 5)
- Nhiều truyện ngắn, phóng sự, bút ký, tùy bút, ghi chép…được in trên các báo và tạp chí TW và địa phương

* Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí:
- Giải A, “Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Nguyễn Du” (2005- 2010)

* Tác phẩm tự chọn:

               THÊM MỘT THÁNH NHÂN ( Tùy bút )
 (Nhân ngày về viếng Đại tướng, nơi Người yên nghỉ)

                                                                                    

         Vậy là tôi đã thực hiện được lời hứa với Đại tướng!
Rằng… "Vào thời gian sớm nhất, con sẽ về Vũng Chùa - Đảo Yến để được viếng Người tại nơi yên nghỉ vĩnh hằng; để được kính dâng lên Người nén hương thơm tưởng nhớ, tri ân..."
Vâng! Đúng 8h, ngày 03/11/2013, vừa chẵn 20 ngày sau khi cả nước thương tiếc tiễn đưa Đại tướng về với lòng đất Mẹ, tôi cùng với đoàn cán bộ, công chức Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã có mặt tại Vũng Chùa - Đảo Yến, dưới chân Đèo Ngang - chỗ tận cùng trước khi dừng trước biển của dãy Hoành Sơn hùng vĩ - nơi yên nghỉ của Đại tướng kính yêu để viếng mộ Người. Chỗ này được gọi là “Mũi Rồng” cách, quốc lội 1A khoảng 4 cây số thực địa; là một vùng sơn thủy hữu tình, có rừng, có biển, có không gian lồng lộng dưới trời thu ngăn ngắt gió nồm nam cùng bãi cát trắng mịn màng và mặt nước biển xanh. Gối đầu lên sườn núi Thọ Sơn, một trong những ngọn núi tiếp giáp mặt biển nối với dãy Hoành Sơn hùng vĩ, đối diện Đảo Yến qua Vũng Chùa thơ mộng giữa trùng khơi, Người hướng ra biển Đông lộng gió như một Thánh nhân canh giữ cho bầu trời và biển đảo Tổ quốc mãi mãi thái hòa, bình yên trước những những cái đầu nóng phương Bắc đang khát dầu lửa và tài nguyên giàu có của biển Đông mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tổ quốc mình, nhưng vì nó mà đã có biết bao máu xương của các thế hệ tiền nhân trong suốt mấy ngàn năm lịch sử giữ nước đổ xuống để bảo vệ, giữ gìn. 
Ở thiên niên kỷ trước, vào thế kỷ XVI, "Bạch Vân cư sỹ", Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm đã từng tiên tri cho sự tồn vong của nhà Mạc cũng như các triều đại phong kiến Trịnh, Nguyễn sau này với lời sấm truyền “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Tạm hiểu: Một dải Hoành Sơn (núi ngang), muôn đời có thể náu mình, tồn tại", đây là yếu tố "địa lợi"- một trong ba yếu tố quyết định để tạo nên thời cơ. Ý rằng: Muốn tồn tại lâu dài thì phải có kế sách dựa vào điều kiện địa lý với địa chiến lược của dãy Hoành Sơn. Bậc tiên tri đã đoán trước đến thời kỳ hậu Mạc (Mạc Đăng Doanh – 1597), nhà Mạc sẽ suy, nếu Mạc muốn tồn tại, không bị diệt vong thì tất yếu phải dựa vào địa thế hểm trở của dãy Hoành Sơn (nhánh núi như một con Rồng lớn, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Bắc, theo hướng Tây - Đông. Đây vùng đất rộng lớn, địa hình hiểm trở có tầm chiến lược sống còn, kéo dài trên 50 cây số từ địa phận các huyện Vũ Quang, Hương Khê của Hà Tĩnh đến bắc Quảng Bình mà nơi tiếp giáp hai tỉnh chính là Đèo Ngang, đâm xuyên ra đến biển) để phòng ngự xây dựng lực lượng, tồn tại lâu dài. Thế nhưng, thực tế kể cả nhà Mạc cũng như nhà Trịnh - Nguyễn sau này, vì lý do nào đó cũng đã không thực hiện được lời sấm Trạng ấy mà dẫn đến diệt vong!
          Từ ý nghĩa nội dung câu sấm truyền, chúng ta có thể suy rộng ra: Hoành Sơn tượng trưng cho dải đất miền Trung đầy khắc nghiệt trước thiên tai, địch họa, nắng lửa, bão giông… Tuy vậy, nơi “địa linh” này, thời đại nào cũng đều sản sinh ra “nhân kiệt” nối tiếp nhau, góp phần to lớn làm nên truyền thống văn hiến và lịch sử vẻ vang cho dân tộc mà Đại tướng của chúng ta là một trong những bậc vĩ nhân  như thế! Mãi sau này đến thời kỳ nhà Nguyễn, lúc thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, xâm lược nước ta lần thứ nhất vào năm 1858, khi phe chủ hòa khiếp nhược vội vã đầu hàng thì phe chủ chiến - vua Hàm Nghi đã ra “Chiếu Cần vương” (giúp vua) rồi chọn vùng đất này để mộ binh, gây dựng lực lượng chống Pháp với sự mở đầu bằng khởi nghĩa của Lê Ninh. Tiếp đến là phong trào do nhà yêu nước vĩ đại Phan Đình Phùng lãnh đạo, đã trở thành tiêu biểu, khích lệ các thế hệ sau vùng lên đánh Tây, cứu nước… Từ đây, dải đất này đã trở thành nơi "dung thân" của các đạo quân hừng hực lòng yêu nước chống thực dân và bè lũ tay sai!
Ở thời đại sau, sinh thời, với nhãn quan nhạy bén, sắc sảo, nhìn xa trông rộng mang tầm chiến lược của một thiên tài quân sự, Đại tướng đã có cái nhìn trùng khớp, nhất quán với lời tiên tri của Trạng Trình cũng như các bậc tiền nhân về vị trí chiến lược hiểm yếu này. Tài thao lược và kiến thức uyên thâm đã giúp Người tổng kết lịch sử chiến trận của dân tộc qua các triều đại để cuối cùng trước khi trở thành Thánh nhân, Người đã chọn cho mình nơi hiểm yếu này để tại vị như muốn tiếp tục ngày đêm canh giữ cho cõi bờ Tổ quốc được yên và nhắc nhở các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau biết nơi đó là vùng “địa linh” của lịch sử ông cha để lại; đồng thời là sự cảnh báo răn đe đối với các thế lực bành trướng, rằng đất nước này, dân tộc này luôn tỉnh thức và cảnh giác để không bao giờ cho phép bất cứ kẻ cuồng tham nào xâm phạm dù chỉ một tấc đất thiêng liêng mà vì nó, mấy nghìn năm tổ tiên ta đã đổ máu xương đánh đuổi ngoại xâm để dựng nên cơ đồ, non sông hoa gấm hôm nay.
Từ ý nghĩa sâu xa đó, tôi liên tưởng tới một câu nói hàm nghĩa triết lý thật sâu sắc, gợi cảm và đầy tính nhân văn để chứng minh rằng, người như Đại tướng lúc bình sinh cũng như lúc hiển Thánh, vẫn luôn chọn một tư thế, một trách nhiệm với những gì có thể để tiếp tục góp sức mình cho Nước  cho Dân, với ý nghĩ: “Chết chưa phải là hết, chết còn là một sự cống hiến”.
Với hành động trên, Đại tướng của chúng ta đã hoàn toàn đúng! Và Người đã trở thành một Thánh nhân!
Không chỉ là Thánh nhân lúc cầm quân đánh bại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất thế giới trong thế kỷ XX, mà Người còn là Đức Thánh nhân khi được người đời “phân công” làm công việc "Kế hoạch hóa gia đình"(!?), cái công việc bình thường mà ai đó cũng có thể làm được. Vậy nhưng vị Đại tướng mà cả nhân loại tiến bộ ngưỡng mộ đã phải gánh vác công việc này (?!) Nhưng vị trí nào, làm gì và ở đâu với Người, có gì là quan trọng! Cái quan trọng là được cống hiến thật nhiều, cống hiến suốt đời, thậm chí lúc lâm chung rồi vẫn tiếp tục muốn được hiến dâng cho Dân cho Nước! Bởi bất cứ hoàn cảnh nào Người cũng luôn tự tại, tự tin!

Người dân kính cẩn nghiêng mình trước mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: vov.vn)
 
            Nhưng có một điều tôi tự hỏi, tại sao trước lúc lâm chung Người không muốn yên nghỉ ở Mai Dịch như thông lệ của bao người, cũng như không muốn về chốn cố hương mà lại chọn mảnh đất Vũng Chùa – Đảo Yến? Hẳn Người có những nỗi niềm sâu kín của  riêng mình? Tìm hiểu và suy nghẫm sâu hơn một chút, tôi đã có thể mạo muội  hiểu được phần nào lý do này! Tại sao Người không chọn nơi cắt rốn, chôn rau (Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), nơi tổ tiên và bậc sinh thành của Người đang an giấc ngàn thu để làm nơi vĩnh hằng yên nghỉ của mình? Lý do gì mà Người không chọn vùng đất An Mã - trung trung nhất huyệt long mạch ở Lệ Thủy, nơi có những bậc hào kiệt như Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà khai canh Hoàng Kế Viêm, quan đại thần triều Nguyễn Ngô Đình Khả (thân sinh Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm)? Hẳn Đại tướng có những dự tính thiên tài mà người bình thường không thể đoán định? Người đã chọn Mũi Rồng - Vũng Chùa (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) dưới chân Hoành Sơn làm nơi an nghỉ đời đời. Ngoài các yếu tố phong thủy hiếm có, quân sự tối quan trọng thì hẳn còn có các yếu tố tâm linh huyền bí? Mảnh đất Lệ Thủy (thượng An Mã, hạ Đùng Đùng được tương truyền có một cái huyệt lớn), long mạch vượng đã phát sinh nhiều nhân tài cái thế như Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Khả, Ngô Đình Diệm, v.v...
Mà theo quan niệm dân gian thì “trần sao, âm vậy”, “ma cũ bắt nạt ma mới”. Mảnh đất này đã có mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, mộ nhà khai canh Hoàng Kế Viêm, lại thêm mộ cụ Ngô Đình Khả (thân sinh Ngô Đình Diệm) có lẽ vì vậy mà Đại tướng không muốn về nơi đó nữa (?!). Bởi “nhất quốc bất khả nhị vương” (một nước không thể hai vua); một vùng đất nhỏ hẹp không thể chen chúc nhiều ngôi mộ của các bậc công thần, khai quốc? Phải chăng, Đại tướng  không muốn nằm chung với bất kỳ ai trong số họ? Đặc biệt là người của gia đình họ Ngô (?!) Người cũng không muốn tranh giành long mạch với họ mà chọn cho mình một mảnh đất riêng để làm nơi an nghỉ!?
           Chúng ta còn nhớ sử sách ghi lại. Tương truyền trong tấu thư về địa lý của Cao Biền gửi vua Trung Tôn nhà Đường nói về các huyệt đạo của Đại Việt, tuyệt nhiên không được nhắc đến huyệt đạo nào ở Lệ Thủy. Điều này được giải thích rõ rằng, thời Cao Biền làm tiết độ sứ cai quản Giao Châu (quận Giao Chỉ tức Đại Việt sau này), cương thổ của Đại Việt chưa bao gồm Châu Địa Lý (Lệ Thủy). Trên đỉnh núi An Sinh (Trốc Vực) xưa, dân Quy Hậu có lập đền thờ Cao Biền, nay mất dấu tích, song trong “Ô Châu cận lục” vẫn còn ghi đại ý Cao Biền được lệnh của những kẻ cầm đầu ở phương Bắc sang yểm trừ tất cả những nơi có huyệt đạo, long mạch có thể xuất hiện nhân tài từ châu Bố Chính (Bố Trạch, Quảng Trạch) trở ra. Nhưng Cao Biền đã không biết hay vô tình bỏ qua rất nhiều vùng đất "tụ khí thiêng" sinh ra nhân tài cho Giao Chỉ. Y chưa biết vùng đất Lệ Thủy có long mạch để đến yểm bùa. Vì thế, vùng đất này về sau đã sản sinh ra nhiều nhân tài xuất chúng như Võ  Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu... Châu Bố Chính bị yểm rồi nhưng lại để sót Vũng Chùa - Đảo Yến. Ngay cả trên Google, trước ngày Đại tướng mất cũng chưa tìm thấy địa danh này.
Trước khi Đại tướng lâm chung, ai dám cam đoan rằng, hậu duệ của Cao Biền không cho người bí mật sang Mai Dịch hay xuôi về Lệ Thủy để yểm bùa triệt long mạch, để chặn mạch nguồn sản sinh nhân tài đất Việt? Ai dám cam đoan, đâu đó ở Lệ Thủy không có một thứ bùa yểm như ở Đền Hùng - Phú Thọ mà mới đây báo chí đã loan tin?...
Từ quyết định chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” ở trận Điện Biên Phủ; từ quyết định giải phóng Trường Sa ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, khiến cho những kẻ cuồng tham phương Bắc trở tay không kịp, đến quyết định chọn Vũng Chùa - Đảo Yến làm nơi an nghỉ vĩnh hằng đã cho thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài có tư duy hoàn toàn độc lập, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, chính trung thấu hiểu lòng người”. Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, luôn được ở gần Bác nên Đại tướng rất am tường địa chính trị, địa kinh tế và địa phong thủy!?
        Với phong thái tự tin, thể hiện khí phách của một dân tộc có truyền thống chống ngoai xâm bất khả chiến bại khi trả lời phỏng vấn của báo chí phương Tây, Người khẳng định: "Từ "lo sợ" không có trong tư duy quân sự của quân đội chúng tôi!" Macdonald, Đại tướng, sử gia người Anh từng ca ngợi: "30 năm trước khi nổ ra Thế chiến I, ngày 25/8/1911 ở làng An Xá (tỉnh Quảng Bình) gần vĩ tuyến 17 đã sinh ra một con người sẽ là một trong những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử. Người ấy sẽ xuất hiện trước toàn thế giới như một vị tướng của một quân đội sơ khai nhưng đã chiến thắng hai cường quốc phương Tây. Đó là đại tướng Võ Nguyên Giáp...". Còn nhà báo kiêm sử gia người Mỹ thì nói: "Tài năng chiến lược của Tướng Giáp đã đặt ông vào ngôi đền của những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại. Sau Hồ Chí Minh, ông là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 20... Ông ấy giống như một vị thánh. Không có gì khiến ông phải chấp nhận thất bại."
Còn Đại tướng của chúng ta thì luôn khẳng định trước báo giới ngoại quốc: "Chiến thắng của chúng tôi là chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng..."
Và chính điều này góp phần cắt nghĩa để tôi hiểu rằng, giờ đây khi hiển Thánh, Đại tướng lại trở về với đất Mẹ yêu thương, nơi 103 năm trước, Người chào đời để rồi sau đó đi suốt dặm dài lịch sử, xuyên dọc thế kỷ XX, qua các cuộc trường chinh khói lửa; đánh bại những kẻ thù hung bạo và hùng mạnh nhất hành tinh để lấy lại đất nước cho con cháu hôm nay và làm rạng danh Tổ quốc; tiếp tục gìn giữ trọn vẹn non sông của tiền nhân trao lại.
          Đức khiêm nhường, tự tại đã làm cho Người càng vĩ đại hơn! Người nằm đây như cỏ cây, sông nước, như lẽ tự nhiên trong cõi vô thường. Nhưng Vũng Chùa - Đảo Yến, một vị trí địa chiến lược, trong một tương lai gần hứa hẹn sẽ là điểm du lịch tâm linh; sinh thái và lịch sử nổi tiếng; sẽ là nơi “về nguồn” của mọi tầng lớp nhân dân cả nước cũng như kiều bào đang sống xa Tổ quốc. Và cũng từ đây cái tên Vũng Chùa - Đảo Yến sẽ trở nên quen thuộc, gần gũi và thân thương hơn bao giờ hết đối với mỗi người dân đất Việt cũng như bạn bè năm châu mỗi khi đến với Quảng Bình, quê hương Người. Và đó cũng chính là điều đến bây giờ tôi mới vỡ lẽ và cắt nghĩa được, vì sao Người lại chọn cho mình mảnh đất này để yên nghỉ!
Rồi đây, các ngành lịch sử, bảo tàng di sản, tâm linh, nghiên cứu tiềm năng con người sẽ còn phải có nhiều pho sách lớn, nhiều công trình nghiên cứu quy mô dành cho Người và viết về Người - vị Đại tướng hòa bình - thiên tài quân sự lỗi lạc của nhân loại; về anh Văn - Đại tướng của nhân dân - một nhân cách lớn, mặc dù xưa nay có không biết bao nhiêu tài liệu, sách báo, phim ảnh cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác đã tôn vinh Người!
           Và đâu chỉ người dân trong nước kính trọng, ngợi ca, mà cả nhân loại tiến bộ đều ngã mũ trước Người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người anh hùng dân tộc. Hình ảnh hàng triệu người dân già, trẻ, lớn, bé đứng hai bên vệ đường để khóc vĩnh biệt, tiễn đưa Người khi đoàn xe tang đi qua đã minh chứng về tấm lòng triệu người như một, tôn kính, tiếc thương, bái vọng vị Đại tướng kính yêu của mình. Người chính là biểu tượng sinh động cho sức mạnh, cho tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc - một sức mạnh bất khả chiến bại trong mọi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như dựng xây đất nước! Việc Đại tướng đi xa đã làm cho 90 triệu con dân nước Việt cùng nắm tay, xích lại gần nhau hơn!
          Ở thế kỷ XIII của thiên niên kỷ trước, khi đạo quân Nguyên Mông xâm lược hùng mạnh nhất thế giới với gót ngựa chiến hung bạo, đã từng dẫm nát cả châu Âu và hầu hết phần đất châu Á, vậy mà 3 lần đặt lên đất nước ta, là 3 lần “hồn xiêu, phách lạc”, đại bại mang đầu máu chạy về biên kia biên giới, sau khi đã bỏ lại hàng chục vạn xác chết, cả tướng lẫn binh cùng ngựa chiến trên mảnh đất nhỏ bé này!
Đại thắng của quân và dân Đại Việt đã làm tiêu ma ý chí xâm lược bởi những cái đầu nóng của lũ giặc Nguyên Mông đầy tham vọng. Buộc chúng phải từ bỏ vĩnh viễn dã tâm ăn cướp nước ta trong tiếc nuối và khiếp sợ!
Và đĩnh đạc bước ra từ đại thắng vang dội ấy, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành vị Thánh đầu tiên của dân tộc - Đức thánh Trần. Sang thên niên kỷ này, tiếp theo Đức thánh Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta lại có “Thêm một Thánh nhân” - Đức Thánh Võ - Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn vàn kính yêu!
 Vị Thánh tiếp theo của đất nước là ai và hiển Thánh trong điều kiện và thời gian nào, chắc chắn câu trả lời sẽ phải đợi đến Thiên niên kỷ thứ 3 như một sự “mặc định” của lịch sử!
Còn giờ đây trước mắt, chúng ta hãy cứ biết đất nước này đã “Thêm một Thánh nhân (*)
_______
(*) Tên một bài thơ
. . . . .
Loading the player...