18-04-2020 - 23:38

Tác giả VƯƠNG KHẢ SƠN

 

 

Ngày tháng năm sinh: 29-9-1953

Quê quán:  Khánh Lộc- Can Lộc-  Hà Tĩnh

Nơi công tác hoặc thường trú hiện nay: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà tĩnh ( đã nghỉ hưu)

Hội liên hiệp VHNT Hà tĩnh,  chuyên ngành:   Văn xuôi     Năm kết nạp: 2006

Địa chỉ liên lạc hiện nay: 190 – Huy Cận  - Thành phố Hà Tĩnh

Điện thoại: 0912487840 Email: Vuongkhason-ht@gmail.com

Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản:

- Ký ức chiến tranh  ( Nhật kí chiến trường, NXB Thanh Niên, 2006)

 Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí:

- Giải A, “Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Nguyễn Du” (2005- 2010)

* Tác phẩm tự chọn:

               

"XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN..."

                         ( Trích Ký ức chiến tranh)

17 giờ, ngày 11-11-1971, chúng tôi được lệnh lên xe từ rừng cao su của nông trường 1-5 tại địa phận xã Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình). Vào đầu mùa khô nhưng trời vẫn lất phất mưa và se lạnh. Đoàn xe Gats 63, mấy chục chiếc nối đuôi nhau lầm lũi tiến sang phía Tây... Càng đi sâu vào Trường Sơn, tiết trời càng lạnh. Chúng tôi ngồi trên ô tô rất chật nhưng vẫn phải trùm lên mình tấm poncho (tăng nilon), vậy mà hai hàm răng vẫn va vào nhau lập cập. Thỉnh thoảng, bắt gặp một vài chiếc xe ngược chiều trở ra, chở trên mình nó là những thương binh về từ các chiến trường. Vào sâu hơn, qua ánh đèn dù của lũ máy bay đánh đêm ở các trọng điểm, chúng tôi thấy dưới chân dốc, bên cạnh những hố bom nham nhở là những chiếc Zil "ba cầu" hoặc "Giải Phóng" nằm chổng kềnh, cháy sém. Những chiếc xe quân sự đó chở nhu yếu phẩm hoặc khí tài vào từ miền Bắc đã gặp những trận oanh kích ác liệt của không quân Mỹ. Đang đi, xe chúng tôi như bị ai nhấc lên rồi đẩy xuống. Trên thùng xe, mọi người bị xô lệch về một phía, nháo nhác, đứng cả lên; có người định nhảy xuống. Thì ra, chiếc Gast đang đi, qua ánh đèn gầm, phát hiện ra một "ổ voi" lớn, liền tránh sang phải. Không may, xe bám mép sườn dốc trơn trượt nên bị tuột nghiêng xuống, thiếu tý chút nữa thì cả xe và người đổ nhào xuống vực. Thật hú vía! Đó là kỷ niệm hành quân đầu tiên trên đường giao liên Trường Sơn.

Sau cú trượt  kinh hoàng đó, đơn vị quyết định cho bộ đội xuống xe, hành quân bộ. Chừng 30 phút sau tất cả các xe chở quân đều quay trở ra. Một mặt, càng vào sâu trọng điểm, càng dốc và trơn trượt; mặt khác, rất  dễ bị máy bay C130 và F4 ("Con ma") bay đêm phát hiện. Từ đây, mở đầu cho cuộc hành quân bộ đầy gian nan thử thách hơn ba tháng trời trên "đường mòn Hồ Chí Minh".

Khoảng 3 giờ sáng, chúng tôi vượt qua một bãi lầy. Trên vai tôi là chiếc bàn đế cối 82 ly (15kg) cùng với ba lô quần áo, tăng, võng, thịt hộp, cá hộp, đường, mì chính, sữa bột, bao gạo 7kg và lỉnh kỉnh quanh thắt lưng là túi mặt nạ phòng hoá, bi đông, dao găm, lựu đạn, túi thuốc cá nhân... ngót nghét 40 kg. Không rõ đi được bao lâu và đã cố gắng hết sức nhưng tôi không thể lê nổi thêm một bước chân nào nữa trên bãi lầy đó... Ngồi bệt xuống vũng bùn sền sệt, tôi kéo vội trong ba lô ra tấm poncho trùm lên người, bởi trời càng về khuya, mưa càng nặng hạt và lạnh thấu xương...

Khoảng 7 giờ sáng, đang ngủ say trên vũng bùn, tôi
giật mình vì ai đó đang nắm lấy vai tôi lay và gọi lớn:
"Sơn! Sơn! Dậy đi! Đơn vị đi xa rồi!" Tôi choàng mở mắt, hoảng hốt... Thì ra đó là anh Đinh Bạt Chương (Thanh Yên, Thanh Chương, Nghệ An), khẩu đội phó đang quay lại tìm chúng tôi (sau này anh hy sinh trong trận tôi bị thương vào trưa ngày 18-5-1972). Đảo mắt nhìn quanh một lượt, tôi thấy trước và sau có rất nhiều người cùng tư thế giống mình. Chương giúp vác bàn đế cối 82 và kéo tôi đứng dậy. Bước đi, tôi kịp quay lại nhìn vào chỗ vừa ngồi, hơi nước bốc lên lãng đãng như sương. Nhiệt từ cơ thể tôi ngấm vào bùn, lúc ấy mới toả ra.

Khoảng 9 giờ sáng, chân trần, tay xách dép, mình đầy bùn đất, tôi thất thểu vào tới binh trạm 5 - binh trạm đầu tiên để từ đây, chúng tôi bắt đầu "xẻ dọc Trường Sơn". Ngày ấy, tôi vốn là một cậu học sinh mảnh mai, ốm yếu với cân nặng không đầy 47 kg, sức khoẻ "B1" và còn thiếu ba tháng nữa mới đầy tuổi 18. Ba tháng huấn luyện tân binh chưa đủ tiềm năng thử thách để vượt qua khó khăn, gian khổ ban đầu!

Hai ngày nghỉ ngơi, tắm giặt, phơi phong quần áo tại binh trạm, chúng tôi đã lại sức. Ở đây, hàng ngày các loại máy bay trinh sát L19, OV10, A3J vè vè trên đầu như ong suốt từ sáng đến tối, tạo nên một không khí chiến trường căng thẳng, sôi động. Nấu bếp "Hoàng Cầm" nếu không cẩn thận, chỉ cần một tia khói nhỏ bay lên để lũ trinh sát này phát hiện được thì hậu quả sẽ khôn lường. Trước hết sẽ là các vụ không kích bằng bom, rốckét và đạn 20 li của "Thần sấm", "Con ma" (các loại chiến đấu cơ tiêm kích F105, F4); không lâu sau đó, sẽ là hàng loạt phi vụ B52 rải thảm, huỷ diệt (chúng tôi đã được nghe kể và sau đó là nạn nhân trực tiếp của tình huống trên ở Binh trạm 36).

Ngày thứ tư, anh nuôi dậy từ 4 giờ sáng để lo cơm nước cho bộ đội (ở đường dây 559, không có anh nuôi cố định mà là cắt phiên nhau nấu ăn hàng ngày, mỗi ngày hai người). Bởi vậy, sau mấy tháng hành quân trên đường Trường Sơn, chúng tôi anh nào cũng biết nấu cơm ngon, dẻo sau những thất bại ban đầu như cháy, khê, nhão nhoét...

Đúng 7 giờ, bộ đội bắt đầu xuất phát. Ở rừng nên mặt trời đến muộn. Ai cũng hăm hở. Có vào các binh trạm Trường Sơn mới biết sức mạnh của chiến tranh nhân dân thật kỳ diệu. Cuộc chiến đã huy động được hàng triệu lượt người náo nức ra trận. Đó là cái khí thế của "Những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến. Như tình yêu nối lời vô tận" (Phạm Tiến Duật). Trung đoàn 271 chúng tôi khi hành quân trên đường Trường Sơn được mang biệt danh là "Đoàn 2005". Trước và sau chúng tôi còn biết bao đoàn, đã và đang đi...

271 khi vượt Trường Sơn, 271 là trung đoàn thực binh, với trên 2600 người. Ngoài lương thực, thực phẩm dự trữ và quân, tư trang cá nhân, còn phải mang vác vũ khí, khí tài nặng từ ĐKZ 75 ly, 12,7 ly, cối 82, cối 60, đại liên, B41, B40, máy thông tin 2W, 15 W... Bởi vậy nên thường bị các đoàn như "2006", "2007" vượt lên trước. Đó là các đoàn thuộc Quân khu 2, Quân khu 3, Quân khu Việt Bắc, quân khu Tả Ngạn... gồm hầu hết lính ở các tỉnh từ Thanh Hoá, Hà - Nam - Ninh trở ra. Họ mang vác nhẹ, chỉ có ba lô quần áo và bao gạo trên vai. Trẻ, sung sức, cùng một quyết tâm ra trận nên lúc nào cũng chen lấn để vượt đoàn chúng tôi. Bởi vậy, đôi lúc, đã có những xích mích nhỏ giữa chúng tôi với họ. Dù sao đó cũng là những kỷ niệm đáng nhớ và đáng... yêu trên chặng đường hành quân đầy thử thách, hy sinh của những năm tháng hào hùng đó.

Đến binh trạm 15, lác đác đã có người bị sốt rét. Có thể nói những anh chàng nào to mập, trông khoẻ mạnh, sung sức nhất xem ra lại bị quật đổ trước tiên. Thêm một nỗi lo và gánh nặng cho những đồng chí còn lại. Bởi vì, theo quy định và quyết tâm của Trung đoàn trước khi hành quân là 100% quân số phải đến đích tập kết an toàn. Đoàn chúng tôi theo kế hoạch, phải tập kết tại Bộ Tư lệnh 470 thuộc B3 ở Tây Nguyên. Như vậy, không còn cách nào khác là buộc phải khiêng cáng những anh em bị sốt, không được gửi lại ở các binh trạm. Phải công nhận một thực tế là ai đã từng bị sốt rét mới thấy hết được sức tàn phá khủng khiếp và mau lẹ của căn bệnh quái ác đó. Chỉ vài ba ngày sốt cấp tính, người bệnh gần như không thể bước được nữa. Những cơn sốt kinh người với nhiệt độ cơ thể có khi lên tới 40, 41 độ C. Chỉ một tuần sau khi lâm bệnh thì dù đó là thanh niên khoẻ mạnh, cường tráng cũng biến thành một hình hài tiều tuỵ, suy sụp, đứng không vững nữa. Có người chỉ cần sau vài cơn co giật là trút hơi thở cuối cùng. Đó là những trường hợp bị sốt ác tính. Tôi đã đau xót chứng kiến cái chết của người bạn thân cùng trung đội là Trần Văn Mão quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Mới buổi chiều còn cùng tôi ăn chuối (cậu ta tìm đâu được một buồng chuối rừng chín bói) ăn xong Mão còn tặng tôi 40 đồng (tiền miền Bắc lúc đó), nói để ngày nào được ra Bắc dành mua quà cho người thân. Đêm. Khoảng 12 giờ, cậu ta lên cơn sốt cao, co giật mấy cái rồi im bặt... Mão hy sinh lúc tròn 20 tuổi. Chúng tôi mai táng Mão bên cạnh gốc một cây lim lớn rồi đánh dấu vào đó, hy vọng sau này ai đó có thể tìm lại được. Nhưng... có lẽ chẳng bao giờ hài cốt của Mão có cơ hội trở về được nơi quê cha đất tổ nữa bởi hai lý do: Thứ nhất, chúng tôi phải cuốn theo cơn lốc của cuộc hành quân thần tốc, một đi không trở lại; thứ hai là giống mối rừng ở Trường Sơn thật kinh khủng. Thi thể cậu ta sẽ bị đàn mối xông ào ào trong vài ngày là hết sạch. Ngủ rừng ban đêm, nếu bất cẩn thì sáng ra ba lô của anh chỉ còn một đống đất và súng AK thì chỉ còn lại phần thép mà thôi... Mối đã xông hết tự lúc nào!?...

... Đêm nghỉ, ngày đi thấm thoắt  chúng tôi đã đến binh trạm 36. Trước đó, đơn vị đã vượt qua đường 9, đoạn nối từ Khe Sanh (Quảng Trị) lên. Chứng tích về thảm bại trong chiến dịch Lam Sơn 719 của Mỹ - nguỵ phơi bày ra trước mắt. Xác chiến xa M41, M48 cùng xe bọc thép M113 và các loại chiến cụ khác ngổn ngang cả một bãi chiến trường. Vì phải bảo đảm bí mật đội hình hành quân nên chúng tôi phải vượt thật nhanh qua đoạn đường này (đây là binh trạm có cung đường xa nhất trong suốt chặng đường hành quân trên Trường Sơn). Mấy ngày sau đó, chúng tôi vượt sông Xê Pôn. Nước sông ở đoạn này chảy rất xiết. Các chiến sỹ công binh Trường Sơn đã lợi dụng các tảng đá chìm giữa lòng sông để bắc cầu ngầm tránh sự phát hiện của lũ trinh sát OV10 và L19 suốt ngày o o trên đầu. Tại đây, chúng tôi có một kỷ niệm khó quên. Đó là việc anh Trần Văn Khánh (Hưng Nguyên, Nghệ An) trung đội phó, khi vượt sông, do  bất cẩn trượt chân, đã làm rơi khẩu AK xuống dòng nước xiết. Cả anh và chúng tôi thay nhau lặn mò nhưng không thể nào tìm thấy. Sau sự việc đó, Khánh bị lưu Đảng và bị giáng chức từ B phó (trung đội phó) xuống làm A phó (tiểu đội phó)... Sau này trong trận đánh ác liệt tại Ngã ba Lộc Giang (Đức Hoà, Long An) vào tháng 5-1972, Khánh đã anh dũng hy sinh...

... Trạm 36 là một binh trạm nằm giữa đại ngàn Trường Sơn với bạt ngàn cây cổ thụ thuộc các nhóm gỗ quý như lim, trắc, sến, săng lẻ... Có những rừng lim hoặc săng lẻ, đi cả ngày đường không hết. Ngày ấy tôi nghĩ, sau này khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nguồn lâm sản quý giá và phong phú chủng loại ấy sẽ góp phần làm giàu cho hai nước Việt - Lào...

Nếu ở binh trạm 5 là nơi địa đầu đối diện giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Kham Muộn của nước bạn Lào thì chỗ này thuộc địa phận của tỉnh Xavanakhet. Vào đến đây mới thấy hết được sự ác liệt của Trường Sơn dưới mưa bom B52. Buổi chiều hôm ấy, sau khi cả đội hình hành quân đã tập kết đầy đủ tại binh trạm, mọi người lo cơm nước và chuẩn bị nghỉ sớm để lấy lại sức cho chặng đường hành quân ngày mai.

Đúng 7 giờ sáng hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị xốc ba lô và vũ khí lên vai thì máy bay địch ập đến. Tiếng gào rít xé trời của phản lực F4 "Con ma" cộng hưởng bởi thung lũng và vách núi làm đinh tai, nhức óc. Sau mấy vòng lượn, chúng bổ nhào xuống cắt bom vào cạnh đội hình hành quân. Loạt bom thứ hai vừa nổ thì mấy chiếc "Zil" chở gạo phía bên kia bốc cháy. Phát hiện được mục tiêu, chúng gọi các tốp khác lao đến đánh bồi. Bom nổ ngay sát đội hình. Có những trái rơi gần chúng tôi. Tuy nhiên, nhờ các cây cổ thụ dày đặc nên bộ đội có chỗ ẩn nấp nên thương vong không nhiều. Mặt khác, từ phía đông, trận địa cao xạ 37 và 57 ly của các đơn vị phòng không bảo vệ binh trạm bắn mãnh liệt đã đẩy giạt lũ "F4" ra xa. Sau trận không kích dữ dội ấy, Trung đoàn ra lệnh nhanh chóng giải quyết hậu quả. Nhưng, một khó khăn đột xuất xảy ra, đó là việc bộ đội không còn gạo để ăn nữa. Bởi theo quy định thì đến binh trạm 36 sẽ nhận lương thực bổ sung vì đã hết. Thế nhưng, có được vài chiếc xe chở gạo, may mắn thoát khỏi các trọng điểm ác liệt do máy bay Mỹ đánh phá, vào tới đây thì đã bị cháy trong trận oanh kích sáng nay. Do đó, đành phải nằm chờ. Tôi có một kỷ niệm  không thể nào quên với Đính ở binh trạm này. Hôm ấy đã hai ngày, chúng tôi ai nấy tự mình kiếm được gì ăn nấy. Tôi cùng Đính đi sâu vào rừng để tìm đào củ mài hoặc môn thục. Đang đi, bất chợt tôi phát hiện ra một tổ ong muỗi trong một hốc cây khô, liền chỉ cho Đính rồi thò tay vào móc. Mật ong theo cánh tay tôi chảy ra. Đính lấy bát sắt hứng. Hai người thay nhau uống. Tôi uống gần một bát "B52" (bát sắt tráng men Trung Quốc trang bị cho bộ đội dùng để ăn cơm, có dung tích khoảng 400 ml, vì rất to nên được gọi cường điệu là bát "B52") mật ong giữa lúc bụng rỗng không. Cố gắng lần đường về đến chỗ đóng quân, tôi liền treo võng nằm. Bị say mật, mọi người phải giã củ mài sống, lọc nước cho uống, mãi sau tôi mới tỉnh. Đính khoẻ hơn nên không bị say. Tôi vốn hay đau bụng, vậy mà sau lần say mật ấy, tôi không còn thấy hiện tượng ấy nữa. Chắc... giun đã chết hết... (!?)

...Chúng ta có thể hình dung mức độ ác liệt của chiến trường: cứ 100 xe vận tải xuất phát từ Quảng Bình, vào tới đây hoặc sâu hơn chút nữa, may ra chỉ còn lại vài chiếc. Qua các trọng điểm ác liệt, hầu hết các xe đều bị bắn cháy. Gạo ăn của bộ đội hàng ngày tuỳ thuộc vào những chiếc xe  may mắn này.

Khác với trước đây, để chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho bộ đội hành quân trên Trường Sơn, các đơn vị hậu cần của Bộ Tư lệnh 559 lo làm kho, lán dự trữ. Bộ đội đi đến đâu, tự giác lấy theo nhu cầu của mình. Đến giai đoạn này, quân vào đông, nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ đã cạn. Tần suất các vụ oanh tạc của không quân Mỹ càng dày đặc và ác liệt. Mặt khác, một số kho lại bị bọn thám báo, biệt kích đốt cháy hoặc qua các mùa mưa đã bị mục nát. Do vậy, việc tiếp tế chủ yếu là dựa vào những chuyến xe đó. Những chuyến xe "mồ côi" như vậy khó có thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu hàng ngày cho bộ đội Trường Sơn...

Rời binh trạm 36, chúng tôi tiếp tục hành quân... Lại vượt dốc, trèo đèo, đêm nghỉ ngày đi... Tôi và Đính lại có một kỷ niệm đáng nhớ với nhau ở binh trạm 40. Vốn trước đó, do mang vác nặng, hành quân đường trường, lại đèo dốc, vực thẳm, tôi bị bong gân bàn chân phải, đau đớn vô cùng. Vậy mà trên vai vẫn bàn đế cối 82 ly, vẫn ba lô, bao gạo... Tôi cắn răng, cố lê từng bước để theo kịp đơn vị. Đang đi, bàn chân phải vốn bị bong gân của tôi bỗng vấp phải một cái rễ cây to nổi lên giữa lòng đường. Ôi! Đau! Một cái đau không có ngôn ngữ để diễn tả. Có lẽ những lần bị thương sau này cũng chưa lúc nào có cái cảm giác đau đớn hơn thế. Tôi ngã chúi người về phía trước. Nước mắt trào ra. Chiếc bàn đế rời vai tôi lao thẳng vào gót chân của Đính. Một mảng gân trắng hếu lòi ra. Tiếp theo là máu. Ôi, nhiều máu quá! Đính đau điếng, ngã theo. Cái nòng cối 82 đè lên cổ cậu ta. Còn chiếc bàn đế của tôi lăn xuống mép dốc, thiếu tý chút nữa thì rơi xuống vực. Tôi hoảng hồn, chợt nghĩ và hình dung ngay đến mức độ kỷ luật dành cho mình sẽ như thế nào nếu như chiếc bàn đế đó nằm dưới đáy vực? Cả đại đội được lệnh tạm dừng, chờ đợi để băng bó cho Đính. Xong mới tiếp tục hành quân. Phải mất hai tuần sau, Đính mới cà nhắc, vác được nòng pháo theo đơn vị. Còn cái chân phải của tôi đã thành mãn tính không lành được nữa. Tối tối, sau mỗi ngày hành quân trèo đèo, vượt dốc trong đau đớn, tôi phải ngâm chân bằng nước muối nóng cho đỡ đau để ngày hôm sau tiếp tục theo kịp đơn vị. Đau mấy cũng phải cố gắng theo, bước đi mà phải giấu dòng nước mắt chảy tràn trên má vì đau. Bởi nếu chỉ một biểu hiện nhỏ về sự nhụt chí sẽ bị xem là "có vấn đề về tư tưởng... (!?)"

... Chúng tôi vượt sông Xê Công khi trời đã về chiều. Mùa khô nên nước sông không sâu, cá ở con sông này nhiều vô kể. Binh trạm đóng gần sông. Tôi thấy ở gần chỗ trú quân là nơi uốn khúc của con sông, nước xoáy khoét sâu vào phía hữu ngạn tạo nên những cái vực sâu. Hôm ấy, một đồng chí trong đại đội (tôi không nhớ rõ tên) đã ném xuống một trái thủ pháo. Không biết cơ man nào là cá. Đại đội chúng tôi đã vớt được mấy bao tải (loại bao cát của Mỹ dùng để làm công sự dã chiến). Đồng chí này sau đó bị kỷ luật cảnh cáo vì vô kỷ luật, không đảm bảo bí mật hành quân Nhưng chúng tôi thì được ăn cá thoả thích, còn chia phần cho các đơn vị khác...

Mấy ngày sau, chúng tôi vượt dốc 2001 (2001 mét so với mặt biển). Dốc dựng đứng. Đầu người này chạm đáy ba lô người kia. Bộ đội công binh đã căng sẵn hai bên hai sợi dây song (mây) to gần bằng bắp tay. Không biết cây song mọc từ đời nào mà dài đến thế? Nếu không vì nặng mà để nguyên cả cây có lẽ nó phải dài đến cả cây số. Họ phải chặt ra nhiều khúc, căng ra cho bộ đội bám vào để leo lên. Dưới đất, công binh và giao liên binh trạm 559 phải làm cấp, lát gỗ, nẹp chặt lại để định vị. Có đến hàng chục nghìn bậc như vậy ở cả hai sườn dốc. Quả là kỳ diệu! Ở binh trạm này, bộ đội phải cõng nước từ dưới suối lên đỉnh dốc để nấu cơm tối ăn và nghỉ lại trên đó. Vì leo từ sáng đến 5 giờ chiều mới tới được đỉnh dốc. Đêm treo võng ngủ lại, sáng hôm sau mới từ đỉnh dốc leo tụt xuống.

Cứ thế... chúng tôi lại mải mốt đi... Lại vượt dốc, trèo đèo, vượt suối... Thấm thoắt đã gần 2 tháng trời hành quân, chúng tôi đã vượt không biết bao nhiêu ngọn núi chót vót của Trường Sơn, qua bao nhiêu sông rộng và chảy xiết nữa như Xê Bang Hiêng, Xê Rê Pốc... Gian khổ, ác liệt là thế nhưng tất cả vẫn lạc quan, yêu đời. Ở những thời điểm nghỉ giải lao 10 phút, giữa hai chặng hành quân, tiếng hát lại vang lên giữa núi rừng điệp trùng với đá tai mèo, dốc đứng:

Ta vượt trên đỉnh núi cao Trường Sơn. Đá mòn mà đôi gót không mòn. Ta đi nhằm phương Nam, gió ngàn đưa chân ta về quê hương. Quân về trong gió đang dâng triều lên. Máu thắm đường ta đi, lẫn mồ hôi rơi, tình quê tha thiết. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...

...Trên con đường ta đi lũ trào, thác xối, muỗi rừng, vắt núi. Ôi miền Nam đó giang tay gọi ta. Núi vút thành vách đứng, nắng hè khét đá, rừng khuya mất lối. Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...

Hay: "Miền Nam kêu gọi ta, vượt Trường Sơn bay vọng ra. Ôi! Tiếng quê hương như thúc giục chúng ta. Mười mấy năm đã qua, giặc tàn phá trên quê nhà; gieo tóc tang điêu tàn xóm làng. Miền Nam yêu dấu ta ơi! Xin hiến dâng cả trái tim chúng tôi đang sục sôi. Miền Nam ơi! Một tiếng của Người gọi, chúng tôi sẽ lên đường về ngay chống quân thù...".

Chúng tôi hít căng lồng ngực, hát say sưa, tha thiết quên cả mệt nhọc gian khổ và đau đớn! Cái thời tuổi trẻ của những năm đánh Mỹ ấy, nào ai có thể dễ quên? Thật xúc động và tự hào!

Hành quân Trường Sơn có những kỷ niệm rất vui, rất đáng nhớ nhưng cũng cười... ra nước mắt. Đó là việc nghỉ giải lao, ăn cơm trưa của bộ đội. Không rõ từ lúc nào, ai đã đặt ra cái từ "ca nhạc" (ăn cơm). Cứ khoảng hơn 9 giờ sáng đã bắt đầu có tiếng "ca nhạc đi thôi". Vậy là cả một khoảng chiều dài rừng Trường Sơn nối nhau râm ran cái tiếng hấp dẫn ấy. Bởi khi cái tiếng ấy cất lên là báo hiệu sắp được nghỉ ăn trưa. Điều quan trọng không phải được nghỉ mà là được ăn. Ở Trường Sơn rất đói. Mặc dù buổi sáng, vừa mới ăn xong nhưng chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ sau đã đói cồn cào. Bởi vào đến đây, thực phẩm dự trữ của từng người trong ba lô đã cạn. Ngoài suất cơm ít ỏi ra, thức ăn chỉ có một dúm ruốc bông nấu với môn thục (rất hiếm) hay một thứ lá rừng, nước lõng bõng, nêm một chút mỳ chính là xong. Chúng tôi thường gọi đùa là "canh toàn quốc". Buổi trưa mỗi người một nửa hăng-gô cơm, vậy mà ăn xong vẫn nghĩ, ước gì còn sẽ ăn hết một hăng-gô nữa... Tôi nhắc lại một kỷ niệm cười ra... nước mắt ấy ở binh trạm 49 bởi ăn canh lá rừng. Hôm ấy, tôi và Đính đến phiên nấu cơm. Chiều hôm trước khi hành quân đến binh trạm, vừa nấu cơm xong, nhìn lên tán cây, tôi chợt phát hiện thấy lá cây "mỳ chính" (tôi tưởng cây "mỳ chính" thật. Bộ đội Trường Sơn gọi là cây "mỳ chính" vì lá của nó ăn ngọt như nêm mỳ chính). Tôi gọi Đính và chỉ cho cậu ta, nhưng vì trời chiều muộn rồi nên chúng tôi không trèo hái nữa. Sớm hôm sau, Đính nhóm bếp thổi cơm, tôi trèo hái xuống rửa sạch cho vào nồi nấu canh cho bộ đội (hành quân Trường Sơn mỗi trung đội tổ chức một bếp). Cơm sáng xong, đơn vị được lệnh hành quân.Vừa đi được một quãng, tôi bỗng thấy bụng quặn đau, sau đó đau quằn quại rồi nôn mửa. Tôi báo cho trung đội trưởng Lê Văn Thuần, (quê Diễn Châu, anh hy sinh trong trận đánh ngày 16-6-1972 tại Long Khốt, Kiến Tường-Long An cùng 4 đồng chí khác). Liền sau đó, rất nhiều người trong đó có cả Thuần cùng kêu đau bụng và nôn thốc, nôn tháo... Người đi đầu đội hình mới leo được một đoạn dốc cũng ôm bụng kêu đau, rồi tất cả những ai ít nhiều ăn canh đều bị ngộ độc. Cả trung đội nằm la liệt trên triền dốc. Đại đội báo lên tiểu đoàn, Tiểu đoàn gọi lên Trung đoàn. Trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn phải khẩn trương tập trung các y tá, y sỹ của tiểu đoàn về đại đội chúng tôi tìm cách giải độc cho mọi người. Tôi ăn khá nhiều canh nên nôn mật xanh, mật vàng, mắt hoa lên, tai ù đặc. Tuy nhiên nhờ nôn sớm, nôn hết nên không ai bị làm sao cả, chỉ mệt lử thôi. Hú vía! Trung đội chúng tôi buộc phải dừng lại, ngày hôm sau mới lên đường đuổi theo đơn vị. Lần ấy tôi và Đính bị khiển trách. Tuy nhiên, nào ai muốn thế! Bởi chính chúng tôi cũng là nạn nhân đầu tiên của nồi canh ấy mà. Cái thứ lá mà tôi nhầm tưởng lá "mỳ chính" ấy có tên gọi là lá bét. Từ đó trở đi, đơn vị cấm hẳn, không cho bất cứ ai nấu canh lá rừng nữa, trừ môn thục và rau tàu bay. Nhưng loại này ở Trường Sơn là "hàng xa xỉ, quý hiếm", dễ gì tìm được!

Cái đói vẫn cứ đeo đẳng, bám theo chúng tôi trên mỗi chặng đường hành quân. Cũng vì thiếu gạo và muốn cải thiện thêm chút ít cho đỡ đói lòng nên suýt nữa thì tôi bỏ mạng trên sông Xê Rê Pốc - con sông duy nhất trong các con sông mà chúng tôi vượt qua trên Trường Sơn, chảy ngược sang đất bạn Lào. Hôm ấy, đơn vị chúng tôi dừng chân ở tả ngạn con sông này. Trước đó, đoàn thuyền chở gạo của hậu cần binh trạm đi trên sông, không may, một chiếc đâm phải đá ngầm chìm xuống, bị nước cuốn trôi. Nước sông chảy xiết, các bao gạo sau khi ngấm nước liền cuốn theo dòng rồi giắt kẹt vào các lèn đá giữa sông. Các đơn vị khác qua đây đã có người mò vớt rồi. Tôi đến sau, khi được tin liền chạy ra bờ sông cởi ngay quần áo nhảy xuống. Tôi men theo một ghềnh đá giữa dòng nước xiết. Dưới tảng đá là một lỗ hổng to. Hai tay tôi bám trên đỉnh tảng đá ấy, thả người xuống thăm dò. Thật bất ngờ, như một ma lực, tôi bị dòng nước hút ngay vào lỗ hổng đó. Chân tôi chạm phải một bao gạo nhưng đuối tầm quá không có cách gì vớt được.Tôi cố đu người để kéo mình ra khỏi hút nước ấy, nhưng không thể vì sức lực của hai cánh tay không sao thắng nổi dòng nước xiết. Tôi nghĩ ngay đến cái chết. Chỉ cần bất cẩn, trượt tay hoặc chùng cơ là dòng nước chết người ấy sẽ hút tôi giắt vào kẽ đá dưới lòng sông như những bao gạo kia. Và vĩnh viễn tôi gửi lại bộ xương của mình dưới đáy sâu của dòng sông Xê Rê Pốc dữ dằn đó. Nghĩ như vậy, tôi cố gắng lấy hết nghị lực và sức lực của mình trong nỗ lực lần cuối một cách tuyệt vọng... Thật bất ngờ, hai cánh tay như có phép lạ, chúng kéo tôi lên được một đoạn, nhờ đó mà bàn chân chạm phải một gờ đá. Chỉ chờ có thế, tôi vội bám chân vào đó và nghĩ nhanh: "Thế là sống rồi!". Lấy chỗ đó làm điểm tựa, tôi đạp mạnh, rút người lên. Mặc vội quần áo rồi chạy ngay về nơi đóng quân không ngoái đầu lại. Về tới chố trú quân, tôi kể lại cho mọi người nghe, ai cũng tròn mắt, lắc đầu. Tôi thoáng nghĩ: "Có lẽ tổ tiên đã phù hộ, độ trì cho mình trong lần ấy và kể cả sau này, khi lâm trận"...

... Bây giờ thì chúng tôi đã tới địa phận của B3. Theo kế hoạch thì E (Trung đoàn) 271 sẽ được bổ sung cho Bộ Tư lệnh 470 ở Tây Nguyên. Đêm đêm, tiếng bom B52 vẫn ầm ầm dội đến từ các binh trạm trước và sau chúng tôi. Nhiều hôm, đêm trước B52 vừa rải thảm ở cung đường trước mặt, sáng ra, chúng tôi liền vượt qua chỗ đó. Núi rừng Trường Sơn bị cày xới nham nhở bởi hố bom B52 rải thảm dày đặc. Chứng tích về tội ác  man rợ của giặc Mỹ bởi B52, chất độc dioxin (da cam) và bom napalm huỷ diệt còn nguyên trên những cánh rừng. Một hình ảnh đầy sức gợi tả và ám ảnh đã được nhà thơ Tố Hữu sau này ghi lại hết sức sinh động:

Cây khô chết chẳng nghiêng đầu.

Nghìn tay than cháy, rạch màu trời xanh.

Càng vào sâu, núi rừng càng trùng điệp. Tuy là mùa khô nhưng có những con suối rất sâu và vách thành dựng đứng. Công binh đã lựa những cây song (mây) lớn để bắc những chiếc cầu mây cho bộ đội qua suối. Phải thừa nhận công binh Trường Sơn có đôi bàn tay tài hoa và thật kỳ diệu trong việc nối đường giao liên bằng những chiếc cầu mây có một không hai trong lịch sử chiến tranh. Những chiếc cầu mây đó được néo buộc từ những gốc đại thụ của mỏm núi này sang các gốc đại thụ của mỏm núi khác trông chót vót, chênh vênh như trong tranh thuỷ mặc cổ điển của Trung Quốc. Nhưng kể cả người và vũ khí nặng đều có thể đi qua một cách an toàn, vững chãi trong sự chòng chành nhẹ lay như đưa võng. Một hình ảnh thật lãng mạn!Tôi thoáng nghĩ, nếu ở góc nhìn điện ảnh chếch từ phía dưới lên, nhà quay phim sẽ có một cảnh quay thật ngoạn mục với hình ảnh sinh động của các chiến sỹ Giải phóng quân đội mũ tai bèo với ba lô, súng đạn đang đi ngược với góc 90 độ, thân hình song song với mặt đất như các NinJa Nhật Bản vậy! Dọc đường Trường Sơn, chúng tôi đi qua rất nhiều những chiếc cầu mây như thế. Đó là những chiếc cầu của trí thông minh, lòng quả cảm; của ý chí độc lập tự do và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam  trong thời đại Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX...

... Thấm thoắt sau gần hai tháng vượt Trường Sơn, chúng tôi đã đến chân cao nguyên BôLôVen (Nam Lào). Hôm ấy đúng vào ngày 22 tháng 12 năm 1971, sau một ngày hành quân mệt nhọc, chúng tôi dừng chân trên sườn đỉnh cao nguyên BôLôVen. Vì trùng vào ngày ngày thành lập Quân đội Nhân dân nên Trung đoàn lệnh cho các đơn vị được nghỉ chân một ngày. Trưa hôm đó, trong cuộc nói chuyện với chúng tôi, đồng chí Trung tá, Chính uỷ Đoàn Sáu    (Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An) có nói một ý mà đến bây giờ, sau 35 năm, tôi vẫn nhớ như in"...Nếu nhiệm vụ của các đồng chí chỉ là vượt Trường Sơn không thôi thì đến đây đã đủ điều kiện để phong tặng danh hiệu Anh hùng cho tất cả mọi người. Nhưng đích của chúng ta là ở chiến trường, nơi đối mặt với kẻ thù, và buộc phải chiến thắng, nên nhiệm vụ trước mắt hãy còn hết sức nặng nề. Các đồng chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa...".

Quan sát và ghi chép vốn là một thói quen và sở thích của tôi. Bởi vậy, dọc đường Trường Sơn và kể cả sau này, khi chiến đấu, hễ có cơ hội là tôi ghi lại những gì đã diễn ra trong hai cuốn nhật ký "Dọc đường chiến tranh" của mình. Một hình ảnh đầy ấn tượng và ám ảnh đọng mãi trong tâm trí tôi. Đứng ở triền dốc cao nguyên BôLôVen nhìn xuống, thấy cả một núi gậy và áo thu-đông, trang bị cho bộ đội chống rét trên Trường Sơn. Mỗi người khi qua đây đều quẳng xuống chân dốc một cái gậy và một cái áo ấm, sau khi không dùng tới nó nữa (do nặng). Vì vào tới đây đã hết lạnh. Tôi chợt nghĩ, nếu bọn thám báo, biệt kích có thể đếm được núi gậy này thì đó sẽ là một số liệu tình báo sống, cực kỳ chính xác, vì nó sẽ giúp chúng biết được số quân của ta vào chiến trường là bao nhiêu... (?!). Một đống gậy có một không hai trong lịch sử chiến tranh. Chiếc gậy ấy đã đi vào cuộc sống của bộ đội, vào thơ ca, nhạc, hoạ trên đường ra trận và trở thành một biểu tượng hết sức đẹp đẽ. Nhạc sỹ Phạm Tuyên hoàn toàn có lý khi viết ca khúc "Chiếc gậy Trường Sơn", lời bài hát có đoạn: "Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi, luyện cho tinh thần (là) chỉ tiến không lui. Gậy trong tay mồ hôi đã bóng, màu gỗ quê hương mang cả mối tình dân"... "Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình. Cho gậy mòn dốc núi, vẫn luôn giữ tấm lòng son. Sức trẻ đi cứu nước vững vàng hơn dãy Trường Sơn"...

... Đã gần hai tháng chân đất hành quân, vậy mà chặng đường như cứ dài ra hơn trước mặt trong cảm giác của mọi người khi đứng trên cao nguyên này nhìn tít tắp vào phía Nam....

 Bây giờ, chúng tôi đã đến địa phận của tỉnh ATôPơ, Nam Lào...

Từ sườn đỉnh cao nguyên này, phóng tầm mắt ra xa, thấy những cánh rừng già lúp xúp như mâm xôi, hút tầm mắt chúng tôi đến tận chân trời phía Nam. Vào đến đây, tuy sức khoẻ của mọi người bị giảm sút nhưng cơ bắp thì rắn rỏi hơn. Số người bị sốt rét tăng lên từng ngày. Đôi vai chúng tôi ngày một nặng thêm...

Tính hai mặt luôn là sự tồn tại của quy luật cuộc sống. Nó cũng giống như tấm huân chương. Mặt trước thì rực rỡ, sáng ngời, nhưng phía sau thì xù xì, góc cạnh. Cuộc chiến vĩ đại này, bên cạnh cái hào hùng có cái bi thảm. Đối lập cái cao cả, tồn tại cái đớn hèn. Lương tri trong sáng song hành cùng sự phi nhân tính. Lòng quả cảm đối lập với sự hèn nhát... Nếu như trong cái không khí hào hùng của những binh đoàn rầm rập nối nhau ra trận như trẩy hội với những con người háo hức ngày đêm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước"; với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" thì vẫn có không ít những kẻ bạc nhược, sợ chết, tìm  cách quay lại trước khó khăn, gian khổ, ác liệt. Nếu chưa có cơ hội đào ngũ được thì thoái thác nhiệm vụ, giả vờ ốm đau để buộc đồng đội phải khiêng cáng, mang vác thay cho mình.

Hồi ấy, ở khẩu đội tôi, có một cậu tên là H. da ngăm đen cao to, quê Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Công bằng mà nói, anh ta cũng mệt, nhưng so với những đồng đội sốt rét  khác, thì chưa thấm vào đâu. Vậy mà do tư tưởng sợ chết, sợ gian khổ, không dám vào chiến trường nên lấy cớ, "đập bệnh" ra không chịu đi nữa. H. cố nhịn ăn để sức khoẻ nhanh chóng giảm sút, bắt chúng tôi phải khiêng cáng. Nếu không khiêng, nhất định H. không chịu đi. Theo mệnh lệnh, chúng tôi buộc phải chấp hành. Khẩu đội thay nhau, hai người một, cáng H. Đường dốc, quanh co, lèn đá dựng đứng. Chúng tôi vừa mang vác nặng lại vừa phải khiêng thêm người nên hết sức vất vả. Gối run, chân chồn, vai bỏng rát. Mồ hôi ướt đẫm quần áo. Hôm ấy, đến lượt tôi và Đính khiêng H. Ở những phút giải lao giữa hai chặng hành quân, chúng tôi bảo nhau phải cho thằng này biết "thế nào là lễ độ". Đợi khi cáng đi qua những chỗ dốc và cua gấp khúc, chúng tôi cùng nháy nhau va mạnh cậu ta vào lèn đá liên tục. Đau quá, và hình như cũng biết chúng tôi chơi khăm nên H. xin xuống tự đi một cách "ngon lành". Có mặt mọi người, H. giả vờ không ăn được, nhưng khi nào vắng chúng tôi hoặc khi nằm trên cáng trùm chăn, H. lại lén lấy đường, sữa ra ăn một mình. Chúng tôi, ai cũng căm hắn nhưng vì phải chấp hành mệnh lệnh nên mọi người đành chịu vậy. Sau đó mấy hôm, H. nằm ỳ, không chịu đi nữa. Chúng tôi cũng quá mệt mỏi, không còn đủ sức khiêng hắn. Hơn nữa, đơn vị có thêm những người mới bị sốt rất nặng; do vậy đã đề nghị đại đội cho gửi hắn lại binh trạm... Nghe nói, sau đó H. đào ngũ quay ra Bắc... Mãi sau ngày giải phóng miền Nam trở về, năm 1980 (bấy giờ tôi đang học năm thứ II, Đại học Vinh), tình cờ tôi gặp H. tại cầu phao Bến Thuỷ. H. trông hồng hào, khoẻ mạnh. Nói chuyện qua quýt, tôi được H. cho biết là đang trên đường đi công tác. Hiện là cán bộ thương nghiệp huyện Kỳ Anh. H. cười rất mãn nguyện. Tôi hiểu, trong cơ chế bao cấp thời ấy (thập niên 80 của thế kỷ trước), thương nghiệp được coi là một nghề "thời thượng". Bây giờ thì tôi càng rõ hơn về bản chất con người này! Từ bấy đến nay, tôi không có dịp nào gặp lại H. nữa...

... Tập kết tại địa bàn của Bộ Tư lệnh 470, chúng tôi bất ngờ nhận lệnh mới: "Gấp rút vào B2 để đánh thí điểm địch ở đồng bằng". Chúng tôi lại tiếp tục hành binh... Càng đi sâu hơn vào phía Nam, núi rừng tuy không dốc như ở Trung Lào nhưng những rừng khộp, rừng le bạt ngàn, cùng những rừng săng lẻ vỏ bạc phếch như da trăn và thẳng như đũa, đi mấy ngày đường không hết.

Bây giờ đã là cuối tháng 1 năm 1972.

Chiều mùa khô Trường Sơn, khi ánh chiều hắt xuống những giọt nắng cuối cùng như nhuộm vàng lên màu diệp lục của lá rừng chính là lúc lòng người tê tái, trống vắng bởi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ hậu phương miền Bắc da diết. Đã có một chiến hữu của chúng tôi (thuộc thế hệ đi trước), nghe nói là một sinh viên Ngữ Văn của một trường Đại học. Cũng như chúng tôi, anh đã "gác bút nghiên theo việc binh đao". Khi vào Trường Sơn, anh cảm tác viết bài thơ sau đây, nhưng rồi trong một trận chiến đấu, không may anh đã hy sinh. Bọn địch đã lượm (nhặt) được bài thơ  và ghép thêm một đoạn sặc mùi "chiêu hồi", phản động, đem in thành truyền đơn rồi nhanh chóng cho máy bay thả xuống núi rừng Trường Sơn. Mục đích tâm lý chiến của chúng là dùng một mũi tên bắn trúng hai đích. Thứ nhất là bôi nhọ hình ảnh người chiến sỹ Giải phóng quân. Thứ hai là hòng làm lung lay ý chí và tinh thần của cán bộ, chiến sỹ ta. Cũng phải thừa nhận một thực tế khách quan là bài thơ có những câu như xoáy vào gan ruột những chiến binh như chúng tôi ngày ấy. Nó lay thức tâm can, gợi lên nỗi nhớ nhà da diết, nhớ quê hương đến nao lòng (hồi ấy, chúng tôi nào ai dám đọc to lên đâu, vì có thể sẽ bị đánh giá về lập trường, tư tưởng ngay (?!). Tôi dẫn ra đây một đoạn:

Từ buổi con lên đường, xa mẹ

Theo anh em sang Lào, rồi dấn bước vào Trung

Non cao, núi biếc chập chùng

Sớm nắng biển, chiều mưa nguồn gian khổ...

Tuổi thanh xuân, cuộc đời như hoa nở

Vì hoà bình, đâu ngại bước gian nguy

Mấy tháng trời, đêm nghỉ, ngày đi

Giày vẹt gót, áo sờn vai, thấm lạnh

Chiều Trường Sơn, núi rừng cô quạnh

Mẹ hiền ơi, con chợt nhớ quê nhà.

 Khói lam chiều, giàn mướp lá lên xanh

 Cây đa cũ, mái đình xưa. Ôi nhớ quá!...

Quả thật, những vần thơ đó, tự thân nó có sức ám ảnh ghê gớm. Nếu không vững ý chí và niềm tin, có người sẽ "chùng chân, mỏi gối..."

... Chúng tôi lại mải mốt đi... Đường hành quân đến đây bất chợt xuyên qua những đồi cỏ lau bạt ngàn một màu vàng chói mắt. Nắng mùa khô gắt gao cộng với màu vàng cỏ lau càng làm tăng thêm cơn khát cháy họng của mọi người. Điều ước ao duy nhất lúc này là được uống nước. Cái nắng cháy da người cộng với những cơn khát dữ dội, khiến cơ thể như bị khô cong đi. Các đồng chí giao liên cho biết, phía trước mặt, sắp đến sẽ có một con sông. Chúng tôi ai cũng nóng lòng, háo hức và càng thêm dồn bước. Tôi liên tưởng đến tình tiết Tào Tháo dụ lính cố gắng đi tiếp vì sẽ có một rừng mận trước mặt. Mọi người thì mải nghĩ tới con sông. Rừng mận trong "Tam Quốc" là giả tưởng còn con sông phía trước chúng tôi thì có thật. Đang đi, bỗng thoảng một luồng gió mang hơi nước mát rượi phả vào mặt. Cơn gió ấy đưa tôi trở về thực tại. Chúng tôi biết là sắp đến chỗ có nước. Quả nhiên, đi chừng hơn một cây số nữa thì một dòng sông rộng hiện ra trước mặt. Giao liên cho biết đó là con sông Nậm Bạc. Chúng tôi sà xuống rồi để nguyên cả ba lô súng đạn trên vai gục xuống ừng ực uống như chưa bao giờ được uống. Làn nước ngọt lịm như thấm vào từng tế bào cơ thể chúng tôi. Tự nhiên cái mệt mỏi, cái nóng bức biến đi đâu mất, nhường lại là sự tươi tỉnh, sảng khoái đến lạ kỳ! Có lẽ, trong đời, ít khi có thể tìm lại được cái cảm giác sung sướng, sảng khoái khi được uống nước như lần ấy trên con sông Nậm Bạc ở Nam Lào...

Càng vào sâu, không khí chiến trường càng nóng lên và rộn rã. Chúng tôi qua các binh trạm 80, 81, 82... đến trạm 92 là hết đường dây 559 để vào trạm 01 "Giải Phóng". Chỉ mới gần ba tháng hành quân mà ai cũng tưởng chừng như đã lâu lắm. Đến đây không khí như trẩy hội. Băng rôn, khẩu hiệu chăng ngang đường hành quân. Nhìn từ phía Bắc là câu: "Chào những binh đoàn hùng mạnh của giai cấp vô sản, những người con ưu tú của miền Bắc XHCN vào giải phóng miền Nam" dành cho chúng tôi. Phía bên kia là câu: "Kính chào những người con ưu tú, dũng cảm vì Tổ quốc, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về hậu phương" để đưa tiễn những đồng chí thương binh không còn khả năng chiến đấu từ các chiến trường ra Bắc. Có thể nói trong đời, đây là lần đầu tiên chúng tôi mới được tận mắt mục kích chiếc xe gắn máy Honda (loại 67 và 50) mà trên lưng nó là các cô giao liên đội mũ tai bèo với hai bím tóc làm duyên, mình vận bà ba đen hay quân phục màu cỏ úa, chân đi dép lốp (dép râu), súng AK hay AR15 vắt chéo qua khuôn ngực thanh tân của tuổi mười tám, đôi mươi với gương mặt từng trải qua thử thách ác liệt của bom đạn Mỹ. Hình ảnh ấy đã gây một ấn tượng mạnh trong mỗi chúng tôi. Nó như một thứ nam châm cực mạnh hút đôi mắt chúng tôi dồn về phía họ. Bởi đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới được nghe tiếng cười và giọng nói của "phái đẹp". Suốt chặng đường hành quân từ dạo chia tay với các cô gái ở Quảng Bình đến giờ, hình ảnh những cô gái ấy chưa một lần tái hiện. Có thể đó là hình tượng những cô gái từng có mặt trong bài thơ "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi đã được nhạc sỹ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành bài hát cùng tên nổi tiếng: "Gặp em trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ. Em đứng (đứng) ở bên đường như quê hương vai áo bạc, quàng súng trường. Đoàn quân vẫn đi vội vã...". "Vội vã" thế mà ai cũng cũng ngoái đầu nhìn ngắm họ như nhìn những "người ngoài hành tinh" lạ lẫm. Mà lạ thật. Chưa có lúc nào chúng tôi được thấy những con người bằng xương bằng thịt với tư thế đó. Nói đúng ra thì dọc đường Trường Sơn, thi thoảng chúng tôi có gặp một vài phụ nữ. Nhưng họ im lặng, lầm lũi đi dưới phiên hiệu của các đoàn cán bộ dân chính Đảng để vào tiếp quản các vùng mới giải phóng hoặc chuẩn bị nguồn cán bộ cho ngày giải phóng miền Nam. Nhưng trông tiều tuỵ vì gian khổ và bởi sốt rét rừng Trường Sơn ngày đêm tàn phá cơ thể họ...

...Vào đến đây, chúng tôi được ăn no hơn, ngon hơn. Được xem phim của xưởng phim Giải Phóng. Có cả phim của Hãng phim truyện từ miền Bắc gửi vào; phim "Thượng Cam Lĩnh" của Trung Quốc... Gần như bao nỗi gian nan của chặng đường hành quân đầy vất vả ấy đã tiêu tan hết. Nhường lại là sự phấn chấn của những người lính sắp bước vào trận. Chúng tôi được nghỉ tại binh trạm ba ngày để lấy lại sức.

Tôi có một kỷ niệm vui với Đính khi đến binh trạm 3 "Giải Phóng". Hôm ấy, trước khi vào chỗ nghỉ, phải lội qua một con suối nhỏ, nước cạn. Ngay trên đầu chúng tôi có một tổ ong mật to như cái áo tơi, lủng lẳng treo trên một cành cây. Các đơn vị khác đi qua đều thấy, nhưng không ai dám đụng vào. Tôi nghĩ bụng: "Nhất định phải ném đứt tổ ong này để lấy mật" (tôi vốn hiếu động và hay nghịch ngợm từ bé). Mắc màn xong, tôi bàn với Đính, cả hai quyết định phá tổ ong! Tôi thủ mấy hòn đá bằng nắm tay, chọn vị trí thích hợp rồi thẳng tay, liên tục giáng hết những hòn đá ấy vào tổ ong. Một phần ba tổ ong trĩu mật đứt, rơi xuống. Đàn ong từ đó bay ra. Tôi hoảng quá, hét Đính chạy như bay về chỗ nằm chui ngay vào màn. Đàn ong đuổi theo nhưng không kịp, cứ bay rào rào xung quanh. Chúng bèn xông vào đốt túi bụi số anh em chưa kịp mắc xong màn. Cả đại đội chạy táo tác tìm chỗ núp tránh đàn ong quái ác ấy. Cũng may, lúc ấy trời đã nhá nhem, rồi tối rất nhanh (vì ở rừng). Đàn ong rút lui. Một số anh em bị ong đốt sưng vù mặt mày, có người yếu sức đã phát sốt lên. Lần ấy, tôi và Đính bị đại đội họp kiểm điểm và kỷ luật cảnh cáo. Lẽ ra sau đợt hành quân, tôi được chi bộ cho học đối tượng Đảng nhưng vì lý do ấy nên phải đình hoãn lại đợt sau...

Như vậy, từ các binh trạm của đường dây "Giải Phóng" (cũng vẫn là đường mòn Hồ Chí Minh) trở đi, đời sống vật chất của bộ đội được cải thiện đáng kể. Chúng tôi đã có thực phẩm tươi bổ sung khá đều đặn. Lần ấy, khi vào binh trạm của đường dây này, chúng tôi được phát mỗi người ba hộp sữa. Nhưng sữa hết hạn đã lâu ngày nên chuyển sang màu vàng đục. Nhưng không sao, có sữa là tốt lắm rồi. Đã lâu thiếu chất ngọt nên thèm quá. Tôi và nhiều anh em uống hết một lúc cả hai hộp. Chọc mũi dao găm vào nắp hộp, lách một đường rồi bật nắp, ngửa cổ một lúc là hết sạch. Lần ấy, sau khi uống xong, tôi bị khản đặc cả cổ và mất tiếng (chắc vì sữa hết hạn và uống nhiều quá). Phải mất mấy hôm mới dần trở lại bình thường. Tôi thì không sao nhưng rất nhiều anh em sau khi "thưởng thức" món sữa ấy bị "Tào Tháo" đuổi cho kiệt sức.

  Đi sâu vào Hạ Lào, giáp giới với Campuchia, rừng chỉ còn lúp xúp, thoai thoải. Ở đây những cánh rừng khộp được khai thác để lấy dầu. Cây khộp được đục một lỗ lớn ở gốc, sát mặt đất, có thể cho gáo vào múc được. Dầu ở trong thân cây chảy ra, đọng lại đó. Người ta chỉ việc cho gáo vào múc. Ngoài việc xuất khẩu và sử dụng trong công nghiệp, dầu khộp còn dùng để thắp sáng, đun nấu ít khói và rất đượm lửa...

Không nhớ rõ chúng tôi đã đi được bao ngày đường giữa bạt ngàn rừng khộp. Các đồng chí giao liên kể lại, vùng này sau trận càn Chen La II (tìm diệt) năm 1970 của Mỹ - nguỵ, bộ đội ta phải chạy dạt lên đây trú ẩn. Họ bị bao vây, phong toả nên không có lương thực, thực phẩm để sinh hoạt. Xe tăng của quân nguỵ Sài Gòn càn lên. Họ không nâng nổi B40, B41 để bắn, vì kiệt sức do đói lả. Rất nhiều đồng chí bị chiến xa địch cán nát dưới xích xe. Cú đánh bồi năm ấy đã làm chúng ta tổn thất nặng nề, để lại hậu quả trầm trọng về sức chiến đấu...

Trên đầu chúng tôi vẫn vè vè tiếng OV10 và L19. Ở phía Đông, tiếng đại bác vẫn ùng... oàng... dội lại rồi có tiếng gào rít của chiến đấu cơ và tiếng bom. Phía ấy, chắc bộ đội ta đang chống càn...

Vượt sông Xê San, chúng tôi tới binh trạm ở ngã ba biên giới. Đây là nơi tiếp giáp của ba nước Việt, Lào, Campuchia. Có một câu nói rất hay: "Một tiếng gà gáy, cả ba nước đều nghe". Nước con sông Tà Ngâu trong vắt. Hai năm sau, năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết không lâu, nhà thơ Tố Hữu trong một chuyến "kinh lí" đã qua đây. Khi trở ra Bắc, ông viết bài thơ Nước non ngàn dặm nổi tiếng. Thi phẩm có đoạn nói về nơi này:

Tà Ngâu trong vắt mắt gương

Xốn xang trong lửa chiến trường mà cay

Xê San tan nát đạn cày

Trống trơ rừng khộp, khô gầy rừng le

Bằng lăng bạc nắng trưa hè

Nghe như cưa xé, tiếng ve rít dài

Cỏ vàng lạc bước hươu nai

Sóc, buôn thấp thoáng bóng xoài đu đưa

Vườn ai cháy trụi ngọn dừa

Mái chùa cong, gẫy nét xưa diệu huyền...

Kế hoạch của đoàn chúng tôi là tập kết tại "cứ" (căn cứ) của một khu rừng phía Tây tỉnh Tây Ninh (Tân Biên). Nơi đây thường gọi là "cứ Chính phủ". Để đến được nơi này, phải hành quân qua đất Campuchia, thuộc địa phận tỉnh Côngpôngchàm. Tiếp xúc với dân Campuchia, ngôn ngữ bất đồng nên có nhiều kỷ niệm buồn cười lắm. Chúng tôi đi qua một số phum, sóc (làng, xóm, ấp) khi khát nước, chẳng biết nói thế nào để xin. Gặp mấy người lính hậu cần của R. (Bộ Tư lệnh Miền) thuộc Phân khu 23, sống ở đất bạn đã lâu, lẽ ra khi xin nước thì nói: "Oi khơ nhum xum tức phấc" (Cho tôi xin nước uống) hoặc "Ôn ơi, miên tức phấc, oi khờ nhum ..." (Em ơi, có nước uống cho tôi xin) thì họ lại bày cho "Ôn ơi! Ôn miên xờ lanh boòng tê?". Chẳng hiểu sao khi mình xin nước uống thì các cô gái đỏ mặt lên, cười rồi bỏ chạy vào nhà trốn biệt (!?) Thì ra, chúng tôi đã mắc lỡm cánh lính cũ. "Ôn, miên xơ lanh boòng tê" nghĩa là: "Em có yêu anh không?". Xin nước mà hỏi: "Em có yêu anh không" chắc chắn cô gái nào cũng phải đỏ mặt, bỏ chạy (!?) Một chuyện khác: Cũng xin nước uống, nhưng nói mãi mà họ không hiểu, bộ đội ta quay lại nói với nhau "thật tức chết đi được". Không ngờ, thấy ông già gật đầu "ờ. ờ..." rồi lặng lẽ vào trong nhà khệ nệ bưng ra một ấm nước cùng một nải chuối to cho chúng tôi. Chúng tôi nhìn nhau không hiểu!? Thì ra ông đoán chúng tôi xin nước và chuối nên bèn bưng ra mời. Sau này chúng tôi hiểu và nói sõi tiếng Miên, nhớ lại, cười chảy cả nước mắt. Trong câu nói ấy có hai từ: "tức" và "chết". Tiếng Campuchia "tức" là nước và "chêếch" là chuối. (bộ đội ta nói chệch là "chết". Do vậy, hôm đó, chúng tôi mới được ăn chuối và uống nước. Một câu cáu gắt do bực mình, xem ra lại có hiệu quả và được việc!

Tình cảm của nhân dân nước bạn đối với chúng tôi thật đáng trân trọng. Mặc dù ngôn ngữ bất đồng nhưng thực sự họ rất quý mến và kính phục chúng tôi. Bởi trong mắt họ, chúng tôi là những người lính cách mạng, có văn hoá; là "Bộ đội Cụ Hồ" được học tập, rèn luyện, thử thách và có bản lĩnh nên ý thức tự giác chấp hành nghiêm chỉnh chính sách quốc tế của Đảng và kỷ luật quân đội khi sang nước bạn. Chúng tôi đã hành quân qua nhiều thị trấn, thị tứ như Tà Xăng, Tà Nốt, Ô Răng Âu... Lần đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy cây thốt nốt. Đó là một loại cây đặc sản của nước bạn. Thoạt nhìn, nó giống cây cọ Phú Thọ nhưng lá nhỏ, dày, các cạnh sắc nhọn hơn. Vào mùa này, người dân bắt đầu khai thác mật. Đơn giản, họ bắc những cây tre dài, để nguyên các cành hai bên thân tre để làm bậc leo. Trên ngọn thốt nốt là những cuống trái như cuống dừa. Cách khai thác: cắt ngang cái cuống ấy rồi hứng vào đó một ống bương đã xông khói. Sáng mai, trèo lên dỡ xuống là có đầy một ống nước ngọt. Mỗi cây như vậy treo cả chục ống bương (tương đương 10-12 lít mỗi cây một đêm) Sau đó, họ chỉ cần gom lại, cho vào chảo gang, nấu cạn đi là sẽ thành đường. Đường thốt nốt ngọt, thơm, hàm lượng xaccaro cao. Có những vùng, cây thốt nốt nhiều như cọ ở Phú Thọ.

Chúng tôi dừng chân bên một cái bến của con sông Mê Kông hùng vỹ. Bốn giờ chiều, tất cả bộ đội xuống tàu. Từ đây phải xuôi dòng MêKông hơn 120 km đường sông nữa mới tới địa điểm tập kết để hành quân sang đất Tây Ninh. Chúng tôi đi qua địa phận của các tỉnh Côngpôngchàm, Prâyveng và Xvâyriêng (đông bắc Campuchia). Sông Mê Kông đoạn này trở đi rộng khoảng trên 2 km, nước chảy không xiết. Có thể nói chưa bao giờ và chưa ở đâu cá lại nhiều như ở sông Mê Kông! Loại cá gì không rõ, từng đàn lớn nổi đầu lên như đầu nghé con, hụp lặn trên sông. Tàu đang đi bỗng nghe "khục" một tiếng, quay lại nhìn, một con cá to bằng tàu lá chuối loại nhỏ, nổi lên phía sau. Thì ra con cá kia bị chân vịt của tàu quay, va vỡ đầu, nổi lên. Chẳng ai vớt cả. Bến sông mà chúng tôi dừng lại hồi chiều để xuống tàu thuộc thị trấn Crachiê (bộ đội ta thường gọi là Cần Ché), cá rẻ ơi là rẻ! Chỉ cần 3 rieal (ria - tên gọi đồng tiền Campuchia) là ngư dân không ngần ngại cho rổ vào khoang xúc đầy, trao cho bộ đội, chừng 12 đến 15 kg cá (3 rieal tương đương với 3 đồng tiền miền Bắc lúc ấy).

Khoảng 2 giờ sáng, đơn vị đổ bộ lên tả ngạn sông MêKông. Chúng tôi nhanh chóng ổn định đội hình hành quân, kịp tập kết vào trạm "Rừng Tre" (gọi là "Rừng Tre" vì trạm này toàn tre, không một loại cây nào xen lẫn). Ở đây, vừa trải qua một trận B52 rải thảm. Hố bom dày đặc nham nhở, mùi thuốc bom còn phảng phất đâu đây. Xen lẫn trong gió thoang thoảng mùi tanh của xác chết. Chúng tôi cứ nghĩ có lẽ là mùi của chim chóc hay chồn cáo bị chết (trời tối, nào có thấy gì?). Lúc này, đã gần 4 giờ sáng, nuôi quân tranh thủ đào bếp Hoàng Cầm chuẩn bị cơm sáng và cơm nắm buổi trưa cho bộ đội. Nơi đây, ban ngày không thể nấu cơm và hành quân được mà phải ém lại trong rừng tre. Tối đến mới có thể lên đường, vì lũ trinh sát L19, OV10 và trực thăng UTiTi (UTT) quần thảo suốt ngày. Biệt kích, thám báo rất nhiều. Chúng cũng mang súng AK, áo quần Tô Châu, "dép râu" (cách gọi của người Nam Bộ, chỉ dép cao su bốn quai do Trung Quốc trang bị cho bộ đội) và đội mũ tai bèo như chúng tôi. Hễ phát hiện ra chỗ trú quân của ta, là chỉ ít phút sau, pháo từ các căn cứ ở Tây Ninh như Gò Dầu, Trảng Bàng, Bến Cầu, Củ Chi, Sa Mát, Thiện Ngôn hay tiểu khu Tây Ninh rót tới. Sau đó là trực thăng vũ trang cùng chiến đấu cơ từng đàn bay đến xả rốc két dội bom và xả đạn 20 li như vãi trấu xuống chỗ trú quân. Không lâu sau là B52 rải thảm. Đó là cái công thức mà Mỹ - nguỵ áp dụng cho vùng chiến thuật này. Còn nếu phát hiện thấy quân ta ít thì chúng cho trực thăng đổ chụp, càn quét, tiêu diệt rồi bắt sống những người còn lại.

5 giờ 30 sáng, tất cả phải ăn xong, thu dọn, nguỵ trang kín đáo và chuẩn bị xong công sự trú ẩn dã chiến. Bên cạnh bụi tre nơi chúng tôi trú quân, một hố bom lớn, nước đục nhờ. Tôi và Đính chuẩn bị múc nước đánh răng, bỗng Đính giật mình, níu lấy vai tôi chỉ ra giữa hố bom. Xác một người mang quân phục màu cỏ úa nổi lên. Người này tóc rất dài. Chúng tôi nghĩ đó có thể là một cô gái giao liên hay du kích địa phương, bởi bộ đội không ai để tóc dài như vậy cả. Tôi chợt thấy gai gai và rùng mình. Đêm qua, chúng tôi đã múc nước ở hố bom nấu cơm ăn và nước uống!

Đơn vị cho bộ đội vớt cái xác lên. Một cô gái. Một bên chân cô ta đã bị bom cắt cụt đến gần bẹn. Thịt bắt đầu rữa ra. Chúng tôi liệm cô trong tấm tăng nilon rồi mai táng trên gò đất cao, bên cạnh một bụi tre lớn. Có lẽ cô là giao liên. Đồng đội chắc đã tìm kiếm rất kỹ nhưng do bom hất chìm xuống hố nên đành ngậm ngùi để cô nằm lại nơi đây. Chẳng có nhang thắp, chúng tôi cố tìm vài bông hoa dại cắm lên phần mộ cô gái như lời an ủi cuối cùng của những đồng đội với người liệt sỹ chưa biết tên ấy...

... Đêm hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Địa điểm tập kết là khu rừng mạn tây thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh. Nơi đây, là thượng nguồn con sông Vàm Cỏ Đông. Hai đồng đội, một người quê Tiến Lộc, Can Lộc, tôi không còn nhớ tên, khi vượt qua quãng sông này không may bị chuột rút, chết chìm. Đến đây, bất ngờ tôi bị sốt rét quật đổ khi đang đào công sự cho người và pháo. Cơn sốt ập đến xồng xộc. Hình như bao nhiêu vất vả, gian khổ, cơ cực dồn nén bấy lâu nay trào lên nhận chìm tôi trong những cơn sốt kinh hoàng. Nhiệt độ cơ thể lên tới 41 độ C, người như hơ trên lửa, mê man không còn biết gì nữa. Có thể nói tôi là một trong số rất ít ỏi những người sót lại đến lúc này mới sốt. Bây giờ thì tôi mới cảm nhận được thế nào là sốt rét. Không có ngôn từ nào để tả hết cái cảm giác mệt kinh người của căn bệnh quái ác đó. Cứ thấy cơm, hoặc ngửi thấy mùi thịt, cá, mùi canh nêm mì chính (bột ngọt) bay lên thì ôi thôi, không thể nào chịu nổi nữa. Nó nôn mửa đến giọt nước cuối cùng trong dạ dày. Tôi mệt đến bã cả người. Chẳng thể ăn uống được bất cứ một thứ gì ngoài ước muốn duy nhất là thèm chua, thèm được ăn quả cam, chanh hay quả khế gì đó thật chua (nhưng đào đâu ra loại này ở đây (!?). Đêm hôm sau, tôi có một giấc mơ thật kỳ lạ. Trong mơ, tôi thấy cha tôi đến thăm, ông gánh một gánh cam chín vàng. Tôi nhào tới, không kịp chào cha, vội cầm ngay một quả rồi cho vào mồm cắn nghiến ngấu. Ngon ơi là ngon! Có lẽ trong đời tôi từ đó về trước cũng như sau này chưa có lúc nào được ăn thứ gì ngon lạ lùng đến thế! Ăn xong, tôi mới hỏi: "Cha đi đường nào mà vào được nơi này?" Ông bảo: "Cha đi theo tàu hải quân vào Cà Mau rồi bí mật đổ bộ lên bờ, sau đó, theo đường giao liên lên đây". Tôi thấy cha tôi gầy yếu lắm. Ông ôm lấy tôi (ông chỉ còn một cánh tay trái, vì năm 1951, trong trận chống càn ở Thanh Lam Bồ, Quảng Bình, ông bị thương vào đầu, ngực và cụt mất 2/3 cánh tay phải). Cả hai cha con cùng khóc. Giấc mơ ấy đã khắc sâu vào ký ức tôi. Mỗi lần nhớ về những năm tháng trận mạc, giấc mơ đó cứ hiện hữu trong tôi. Sau này, khi biết có một con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông, tôi mới ngạc nhiên về giấc mơ ấy. Hình như lúc ấy, linh cảm mách bảo tôi rằng đã có một con đường bí mật trên biển như vậy. Thật khó giải thích!

Trạng thái sốt rét như sau (trường hợp sốt cấp tính): Đau đầu dữ dội, sốt cao, cơ thể nóng hầm hập, nhiệt độ lên tới 40, 41 độ, nhưng trong người rét như cắt. Đắp 3-4 cái chăn, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau mà vẫn run cầm cập. Phải có 2 đến 3 người đè lên hoặc ôm chặt lại, nếu không, run đến sập cả giường. Dứt cơn, mồ hôi vã ra như tắm; cơ thể như vừa bị cho vào cối giã. Thấy cơm hoặc thức ăn là khiếp sợ. Tôi sốt liên tục đến 2 tuần, nhiệt độ không giảm; cảm giác cơ thể như bị hơ trên lửa. Mặc dù vậy, nhưng khi đơn vị hành quân cũng phải lẽo đẽo theo (lúc này trên mình chỉ còn lại độc chiếc ba lô). Rừng Tây Ninh ở vùng này, cây chỉ cao độ 5-6 mét. Mùa khô, cát bụi bay mù mịt. Hành quân trên những con đường mòn ấy đều phải xoá dấu vết. Chúng tôi đi dép râu. Dấu dép sẽ là mục tiêu cho thám báo hoặc loại trực thăng cán gáo UTiTi bay sát ngọn cây. Không xoá dấu dép, chúng sẽ biết "Việt Cộng" đang ở đâu. Nếu bất cẩn, bị lộ thì cái công thức pháo bầy, B52 của Mỹ sẽ "tiếp đãi" chúng tôi hết sức "hậu hĩ". Bởi vậy, nhiệm vụ của người đi sau cùng đội hình là dùng một cành cây lớn kéo lê trên mặt đất để xoá hết dấu dép của bộ đội...

Đóng quân trong rừng về mùa khô, nước ăn uống và sinh hoạt vô cùng khan hiếm. Giếng ở đây sâu từ 15 đến 18 mét. Tuy vậy, nước rất ít. Đặc biệt dưới đáy giếng có một lớp lá mục dày chừng nửa mét. Đó là lá cây rụng xuống hàng năm do chất độc hoá học của Mỹ rải xuống để khai quang. Về mùa khô, thả gàu xuống thật lâu mới chắt được chừng một phần ba gàu nước đen như hắc ín để nấu cơm và nước uống. Nấu cơm, cơm nhuộm một màu đen. Có lẽ do chúng tôi ăn uống phải thứ nước ấy nhiều nên giờ đây, thế hệ con cái của nhiều người trong chúng tôi đã bị nhiễm thứ chất độc quái ác ấy (dioxin - chất độc da cam).

địa bàn này, hành quân di chuyển, nấu nướng, phơi phóng đều phải hết sức bí mật và cẩn trọng. Bởi vì chỉ một sơ suất nhỏ là có thể bị ăn bom B52 một cách dễ dàng.

Tuy vậy, cuối cùng, chúng tôi vẫn không thoát khỏi "toạ độ lửa" của B52.

Bấy giờ là vào cuối tháng 2-1972.

Hôm ấy, một đêm hạ tuần. Trước đó khoảng hơn một giờ, đơn vị nhận được điện khẩn của Trung đoàn: "Đài kỹ thuật và tin tình báo của ta cho hay, B52 sẽ đánh vào chỗ trú quân của Trung đoàn. Các đơn vị lập tức cho bộ đội rời ngay vị trí đóng quân!". Nhận được lệnh, chúng tôi nhanh chóng thu xếp ba lô, súng đạn. Những gì không cần thiết thì bỏ lại, miễn sao rút thật nhanh ra khỏi "toạ độ lửa". Hôm ấy theo lệnh, dẫn đầu là các đơn vị trực thuộc, tiếp theo là tiểu đoàn 8 rồi đến tiểu đoàn 9, sau cùng là tiểu đoàn 7. Chúng tôi rồng rắn, khẩn trương rút nhanh khỏi vị trí. Các đơn vị trực thuộc và các tiểu đoàn 8, 9 đã ra khỏi toạ độ B52. Chỉ còn Tiểu đoàn 7 vừa quàng ba lô lên vai, chưa kịp bước thì mưa bom đã trút xuống. Biển lửa trùm lên toàn bộ đội hình tiểu đoàn với những dây chớp nhì nhằng, loá mắt và tiếng nổ chói tai, lộng óc liên tục trong gần 10 phút đồng hồ. Kẻ địch tàn bạo đã dùng cả phi vụ ấy chỉ với hai loại vũ khí giết người hàng loạt là bom bi và bom khai quang (sát thương). Chúng tôi, không ai nói một lời nhưng đều hiểu. Thế là hết! Nỗi đớn đau và căm thù trào lên, tắc nghẹn! Cả đội hình hành quân và không gian sau phi vụ B52 kinh hoàng ấy lặng im đến nghẹt thở. Trăng hạ tuần vàng vọt nhô lên trên rặng cây xơ xác phía đồng đội tôi vừa bị trận mưa bom dữ dội ấy. Đó là đêm 20-02-1972.

Chỉ huy trung đoàn lệnh cho các tiểu đoàn 8,9 cử ở các đại đội những đồng chí khoẻ mạnh quay trở lại vị trí của tiểu đoàn 7 để làm công tác thương binh, tử sỹ; tìm kiếm trong bãi hoang tàn ấy may ra còn có ai sống sót, bị thương. Hỡi ôi! Cả một vùng rải thảm ấy còn gì nữa đâu! Đất đá, cây cối, lẫn với xác người ngổn ngang, vung vãi! Làm sao còn ai có thể sống sót nổi dưới trận mưa bom bi và bom sát thương hàng trăm tấn ấy, khi đang phơi mình trên mặt đất!? Ước tính có hàng vạn quả bom bi và hàng trăm quả bom khai quang trùm lên trên một diện tích chưa đầy1kilômét vuông! Lệnh của trung đoàn phải nhanh chóng thu dọn chiến trường và rút thật nhanh vì B52 có thể tái oanh kích bất kỳ lúc nào sau đó…

Công tác giải quyết thương binh, tử sỹ được tiến hành hết sức khẩn trương nhưng chu đáo. Tuy nhiên, do cây cối và đất đá ngổn ngang nên không thể nào thu nhặt hết được. Cảm động và thương tâm là cảnh những anh em cấp phó (từ tiểu đội phó đến tiểu đoàn phó) cùng quản lý các đại đội đến tiểu đoàn. Đây là những người may mắn thoát chết vì đang ở trên đất bạn Campuchia làm nhiệm vụ lấy lương thực, thực phẩm cho đơn vị. Họ khiêng thịt heo lẽo đẽo theo chúng tôi. Thịt khô đi lúc nào không biết. Tất cả vật vờ đi như người mất hồn vì không còn đơn vị để trở về nữa! Ai cũng khóc thương đồng đội sưng vù cả mắt. Tổn thất quá lớn cho Trung đoàn chúng tôi khi mới chân ướt, chân ráo vào đến chiến trường, chưa kịp tham gia bất cứ một trận đánh nào đã phải chấp nhận sự tổn thất, hy sinh ngoài sức tưởng tượng!

Một tổn thất thứ hai nữa cũng góp phần tác động đến tinh thần của tất cả cán bộ, chiến sỹ toàn Trung đoàn, đó là việc đồng chí Thiếu tá Trung đoàn trưởng Lê Ổn (quê Quảng Bình) trong một chuyến điều nghiên (trinh sát nghiên cứu thực địa, sự bố phòng của địch) tại Sa Mát; đêm đang đi, bị "pháo đĩ" (loại đạn pháo rơi lạc toạ độ, do lũ gái điếm, sau khi hành lạc cùng bọn lính, đú đởn xin nạp đạn vào súng bắn thử cho vui. Đạn đi không có tầm, có hướng, nên rớt lung tung. Bộ đội ta, đêm hành quân hoặc điều nghiên, bị thương vong do loại pháo này rất nhiều là vì vậy) bắn bị thương, cụt một cánh tay, không khả năng chỉ huy chiến đấu được nữa. Người chỉ huy Trung đoàn đầy năng lực, dạn dày  kinh nghiệm trận mạc và uy tín ấy đành phải đau xót giã từ chiến sỹ thân yêu của mình, rời đơn vị đi viện, rồi sau đó trở ra hậu phương miền Bắc khi bao nhiêu dự định về các trận đánh lớn đang thôi thúc ông!.

Quả là, trong chiến tranh, mọi điều đều có thể xảy ra!

Sau những tốn thất to lớn ấy, Trung đoàn phát động phong trào biến đau thương thành hành động, quyết tâm trả thù cho tiểu đoàn 7 và Trung đoàn trưởng Lê Ổn, các đơn vị đã lập công xuất sắc trên các mặt trận. Đặc biệt, chính tiểu đoàn 7 đã nhiều lần làm cho kẻ địch kinh hồn, bạt vía. Đến nỗi, khi giao chiến hễ nghe tiếng tiểu đoàn 7 của 271 là chúng đã tháo chạy. Tuy nhiên, những tổn thất, hy sinh to lớn trong trận B52 rải thảm vừa qua  là một khoảng trống không có gì có thể lấp đầy!

Tiểu đoàn 7, sau đó được tái lập trên cơ sở một số đồng chí còn lại và điều từ các tiểu đoàn khác về, thành lập khung cán bộ (từ tiểu đội đến tiểu đoàn), đồng thời, xin quân bổ sung kịp tham gia chiến dịch "Nguyễn Huệ" 1972 mà mở màn là chiến dịch giải phóng căn cứ Thiện Ngôn – Sa Mát ở Tây Ninh mà Mỹ - ngụy rêu rao là “vành đai thép bảo vệ  cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn”!

Dù sao, đây cũng là một cú "sốc" tinh thần quá lớn. Một tổn thất quá nặng nề đối với cán bộ, chiến sỹ chúng tôi trước khi bước vào chiến dịch "Nguyễn Huệ"- "Mùa hè đỏ lửa" 1972...

… Mặc dù đó cố gắng tối đa nhưng đến thời điểm này, tôi không còn đủ sức để theo kịp đơn vị nữa. Thể lực lúc này đã suy kiệt hoàn toàn. Thân thể gần như chỉ còn lại một bộ xương không hơn không kém. Đầu óc mơ màng như đang đi trên mây và mất thăng bằng như ở trạng thái không trọng lượng. Tôi gục ngã sau khi đã dồn hết tất cả sức lực còn lại để cố gắng bám theo đơn vị. Tôi sốt mê man, cơ thể nóng hầm hập. Quynin Trung Quốc (thuốc sốt rét dạng viên nén) mỗi ngày 2 viên rồi tăng lên 4 viên. Quynin tiêm ngày 1 gam rồi lên 2 gam (2 - 4 ống) Trong khi đó thì thuốc trợ lực như B1, C... thì đã cạn kiệt và thật khan hiếm bởi số người bị sốt trước đó quá nhiều, phải dành tiêm cho họ. Đến lượt chúng tôi, chẳng còn nữa. Thuốc bổ sung thì không có. Tôi vốn đã yếu về thể trạng, nay càng suy kiệt hơn; hồng cầu còn chưa đầy 2 triệu rồi xuống 1,7 triệu. Thuốc vào nhiều quá nên tai ù đặc, mắt hoa lên, bước không được nữa. Thân thể tiều tuỵ và suy sụp. Đơn vị đành phải gửi tôi về "cứ" (hậu cứ) của Trung đoàn nơi có bệnh xá để điều trị. Phải mất gần ba tuần, tôi mới cắt cơn. Căn bệnh quái ác này kỳ lạ lắm. Hễ cắt sốt là ăn khoẻ ngay. Ngược lại, đang ăn uống bình thường, tự nhiên thấy thèm ăn và ăn nhiều và ngon là y như rằng chỉ vài ngày sau lên cơn sốt ngay. Có người đang khỏe mạnh tươi tỉnh, nói như đùa: "Tớ ngày mai sẽ sốt". Vậy là đúng ngày mai cậu ta sốt li bì, bỏ cơm, trùm 3-4 cái chăn vẫn không chịu nổi... Tôi và một số anh em khác dần được chuyển sang chế độ an dưỡng để chuẩn bị trở về đơn vị chiến đấu.

Vào tháng Tư này là Tết cổ truyền Chon Thơ Năm Thơ Mây của Campuchia. Chúng tôi gặp dịp được ăn Tết với họ và nhân dịp may duy nhất này để có cơ hội hiểu thêm về  đặc trưng những phong tục ăn Tết của người dân Campuchia. Họ có nhiều trò chơi dân gian như chơi đu, đua thuyền... Đặc biệt là tục buộc chỉ cổ tay và té nước. Bộ đội chúng tôi là những người được các cô gái buộc chỉ cổ tay và té nước nhiều nhất. Họ tìm mọi cách để té thật nhiều nước vào chúng tôi. Người Campuchia quan niệm ngày Tết ai được té nước nhiều là người đó may mắn cả năm. Chúng tôi hiểu ngoài quan niệm ấy, các cô còn muốn dành tình cảm đặc biệt cho bộ đội. Bởi theo họ, bộ đội Việt Nam có văn hoá, rất lịch sự trong giao tiếp, lại trắng trẻo và nhiều người rất điển trai. Đó là lý do để họ dành nhiều tình cảm, gần gũi và yêu mến chúng tôi. Chúng tôi nhanh chóng hoà mình vào không khí Tết cổ truyền và chiếm được cảm tình của họ. Họ rất mến khách. Thết đãi chúng tôi hết sức hậu hĩ và chân tình. Trong mắt họ, chúng tôi như những vị khách quý. Những ngày này, nam nữ được phép gần gũi nhau để tâm tình, trò chuyện thoải mái, ít bị ràng buộc bởi những phong tục khắt khe thường nhật. Chúng tôi là những ngườì được các cô gái quây quần trò chuyện, tìm hiểu và... gần gũi nhiều nhất. Chúng tôi cầm tay nhau cùng hát bài "Việt Nam - Campuchia xam ma khi" (Việt Nam -Campuchia đoàn kết).

Thời gian này tôi học được khá nhiều tiếng Miên (Khơme) nên sau này, khi đơn vị có dịp trở lại Campuchia, tôi giao tiếp bằng tiếng Miên với dân khá sõi. Sau Tết cổ truyền Chôn Thơ Năm Thơ Mây, chúng tôi được chuyển về đoàn thu dung của Trung đoàn, chờ ngày bàn giao lại cho các đơn vị chiến đấu.

Chiều ngày18-4-1972, chúng tôi được lệnh rời đoàn thu dung để trở lại đơn vị cũ chuẩn bị bước vào chiến dịch "Nguyễn Huệ". Hôm ấy, hai xe GMC chở chúng tôi rời hậu cứ. Sau mấy tiếng đồng hồ chạy trong rừng rồi đi qua một số phum, sóc của người Campuchia, cuối cùng đổ ra quốc lộ Một. Đây là đoạn đường nối Gò Dầu (Tây Ninh) qua Xvâyriêng (Xoài Riêng) lên Công Pông Tra Bec đến bến phà Niêc Lương để vào Phnompênh. Ban đầu xe chúng tôi đi trước, nhưng gần sáng, sau khi nghỉ giải lao, chiếc xe đi sau lại vượt lên trước. Qua thị trấn Chi Phu, một thị trấn vừa được giải phóng, cảnh người, đèn và xe tấp nập. Xe chúng tôi tiếp tục chạy về hướng đơn vị, đóng gần thị trấn Sóc Nốc. Lúc này khoảng 6 giờ sáng nhưng trời mù sương nên xe sau cách xe trước khoảng 100 mét mà không thấy rõ. Đang đi... Bỗng một ánh chớp xanh loé lên trước mặt chúng tôi, liền đó là một tiếng nổ lộng óc. Khói, lửa trùm lên chiếc xe xấu số. Trái mìn chống tăng do bọn Lon Nol (lính nguỵ Campuchia), trước khi tháo chạy đã gài lại trên lòng đường. Bánh sau phía trái đè lên, đã gây nổ. Một phần xe phía sau bay đi. 18 trên tổng số hơn 40 người trên xe hy sinh tại chỗ. Số còn lại bị thương, bị sức ép và mất hết tinh thần. Chúng tôi đi sau nên thoát nạn. Tất cả được lệnh xuống xe, cấp cứu những người bị thương. Trung đoàn được tin báo, liền cử ngay các đơn vị đóng gần đó ra giải quyết hậu quả, băng bó người bị thương và mai táng những đồng chí hy sinh. Đại đội 4 chúng tôi đóng cách đó gần 4 km và nơi chiếc xe trúng mìn cách thị trấn Sóc Nốc (Xvâyriêng) khoảng hơn 1km. Tất cả những người còn lại thất thểu hành quân bộ về đơn vị mình. Lúc này đại đội 4 hỏa lực của tôi đang đóng quân ở Chùa Keo, gần Sóc Nốc, giáp địa phận Tà Cao, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

Tôi về tới đại đội lúc gần 10 giờ sáng. Nắng nóng và oi bức vô cùng. Người đầu tiên ra đón là Đính. Cậu ta ôm chầm lấy tôi rồi kể chuyện chiến đấu trong thời gian tôi nằm viện. Suốt thời gian ấy, đơn vị đã đánh nhiều trận. Đặc biệt, đã phối hợp với các Công trường 5, 7 (Sư đoàn 5, 7) giải phóng căn cứ Thiện Ngôn, Sa Mát, "Vành đai thép cửa ngõ Tây bắc Sài Gòn" của Mỹ - ngụy. Thừa thắng, trung đoàn tiến công giải phóng các cứ điểm quan trọng như Trung Liên I, Trung Liên II, Bến Cầu... Nhìn quanh, tôi thấy thiếu vắng một số gương mặt thân quen trong đại đội. Hỏi ra mới biết những đồng chí ấy đã hy sinh hoặc bị thương trong các trận chiến đấu vừa qua! Có thắng lợi nào lại không phải đổi bằng máu (?!). Tôi cúi đầu bùi ngùi tưởng nhớ, nuối tiếc và xót thương những đồng đội đã hy sinh…

Nhưng rồi tôi cũng không có thời gian để mà buồn nữa. Đại đội nhận lệnh gấp rút bổ sung quân số,vũ khí, đạn dược để chuẩn bị xuống chiến trường. Không khí thật hối hả, khẩn trương. Hai ngày sau, chúng tôi chuyển quân đến sóc Chêếch (Chuối). Đây là nơi tập kết cuối cùng trên đất Campuchia để chuẩn bị xuống Ba Thu (căn cứ lớn của B2) Từ đó vượt bưng Đức Huệ qua Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Quý Tây để vượt sông Vàm Cỏ Đông.

Hôm ấy, hậu cần của tiểu đoàn chia cho đại đội 4 chúng tôi mấy con heo để làm thực phẩm (một số để ăn, một số làm ruốc bông, dự trữ cho chiến đấu). Mấy người, trong đó có Đính, tham gia chọc tiết. Chẳng ai ngờ trong số những con heo bị giết thịt kia, có một con đang chửa. Khi mổ ra mới biết. Dạ con của nó chứa 12 con. Ai cũng giật mình. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều áy náy, vì trước khi lâm trận lại vô tình làm một việc ngoài ý muốn như vậy. Nhưng rồi cũng chẳng ai để ý nữa. Đính cho vào nồi 20 (loại xoong của Trung Quốc, trang bị cho bếp ăn đại đội) tất cả 12 cái bào thai ấy, đổ gạo vào nấu cháo. Có lẽ chưa có loại cháo nào béo ngậy, thơm và ngọt lừ đến như vậy! Tôi ăn không hết một bát nhỏ, đầu lắc lư vì ngậy. Người nào giỏi lắm cũng chỉ ăn được miệng "bát B52" mà thôi. Nhiều người không ăn. Vì vậy mà cả đại đội chỉ một nồi 20 cháo mà ăn không hết. Đành phải nhờ gia đình người Miên ở đấy giúp đỡ.

Sóc Chêếch là một toạ độ rải thảm của B52. Trước hôm chúng tôi đến mấy ngày, một đơn vị của Công trường 5 (Sư đoàn 5) đóng ở đấy đêm đang ngủ, bất ngờ, B52 oanh kích. May thay, toàn bộ mấy trăm tấn bom rơi chệch ra bên ngoài chừng 200 mét. Một số ít quả lạc vào sóc, gây thương vong cho bộ đội, nhưng không nhiều.

Ba Thu là một căn cứ lớn, nơi tập kết hậu cần và lực lượng các đơn vị của mặt trận B2. Đặc biệt là các tỉnh như Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Kiến Tường, Kiến Phong, Mỹ Tho... Đây là vùng đệm và là căn cứ xuất phát để quân Giải phóng tiến công các căn cứ địch ở bên kia sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, kênh xáng Trà Cú, kênh Nguyễn Văn Tiếp... Nơi này, năm 1968, là căn cứ xuất phát của bộ đội ta trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Bởi thế, Ba Thu cũng là toạ độ lửa của B52, pháo bầy, trực thăng và mục tiêu càn quét của Mỹ - nguỵ. Năm 1972 do chiến trường bị căng ra, nhất là ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị nên chỗ này đỡ ác liệt hơn. Nơi đây có cánh đồng "chó ngáp" nổi tiếng. ("chó ngáp" là cách nói ví von, hình ảnh nhằm minh hoạ cho độ rộng lớn của cánh đồng bưng này. Chó vốn khoẻ, dai sức và chạy nhanh, nhưng khi qua cánh đồng này cũng phải ngáp dài vì kiệt sức). Về mùa khô, nếu hành quân bộ phải mất khoảng 10 tiếng đồng hồ. Về mùa mưa phải đi xuồng, có lúc phải nhảy xuống đẩy cũng mất thời gian tương tự hoặc hơn. Những lúc không có xuồng, chúng tôi phải lội bộ từ 4 giờ chiều đến 5 giờ sáng mới tới được bờ sông Vàm Cỏ. Hành quân như vậy, lúc nghỉ giải lao, ăn cơm nắm thì đứng tại chỗ, ngâm mình trong nước, lấy gậy trụ dưới đáy "bồng" (một kiểu ba lô đơn giản, lấy tấm poncho của Mỹ, may lại theo kiểu bao tải, phía trên có dây thắt lại. Bên trong có túi nilon chống thấm, có quai đeo như ba lô), ăn xong lại tiếp tục lội tới sáng. Hành quân mùa mưa cực kỳ gian khổ. Nước phèn cộng với cỏ bàng (năn, lác) mục thối tạo một thứ nước đen sì như hắc ín, sền sệt và chua cứng họng. Chỉ cần ngậm một ngụm nhỏ là lưỡi cứng lại như ăn trái đắng. Khổ nhất là cảnh bìu tinh hoàn của anh em mình, cứ sau một đợt lội bưng với thứ nước ấy, lớp da ngoài bìu bị lột ra từng mảng như bánh đa nem. Gỡ ra, nó rát đến tận gan ruột! Không chỉ có thế, chúng tôi còn có thêm kẻ thù khác đó là ghẻ và hắc lào. Vì suốt ngày đêm cơ thể luôn ẩm ướt, đã tạo môi trường thuận lợi cho chúng phát triển. Đêm, khi mọi người mới bắt đầu ấm chỗ nằm, chính là thời điểm chúng "tra tấn". Suốt đêm, ai cũng gãi sồn sột đến bật cả máu mà vẫn không đã. Ngoài ra phải kể đến muỗi và đỉa. Nơi đây từng tồn tại câu ca “Muỗi như sáo thổi, đỉa tựa bánh canh”. Ban ngày nhưng muỗi vẫn o o và bu bám đen đặc những chỗ nào da thịt hở ra. Ban đêm thò tay ra ngoài màn có thể vơ được cả nắm muỗi. Tất cả chúng đã góp phần không nhỏ trong việc làm suy giảm sức khoẻ của chúng tôi. Ở bưng, không có nước ngọt, buộc phải uống nước phèn. Để có thể uống được, phải lọc đến 7- 8 tầng than tràm. Một thứ nước nhạt thếch. Những khi không có thực phẩm, chúng tôi phải ăn bông súng chấm muối thay cơm. Nơi đây, bông súng rất nhiều. Đến mùa nở hoa, một màu tím ngan ngát, thật lãng mạn!

Chưa hết, hành quân ban đêm, nhiều lúc bất chợt bị thương vong do "pháo đĩ ". Nguy hiểm hơn là bị trực thăng soi. Nếu phát hiện ra xuồng hoặc bộ đội hành quân là chúng phóng rốckét, bắn 20 li và gọi pháo chụp (đại bác nổ trên không, mảnh của nó chụp xuống như hình cái nơm) giập tới. Ngọn đèn pha cực mạnh, hàng nghìn oát dưới bụng trực thăng bay ở độ cao 150 mét đến 200 mét thì sáng hơn cả ban ngày và không có gì là không thấy. Mặc dù  nhiều phen đã giáp mặt tụi này nhưng do chúng tôi đó có kinh nghiệm nguỵ trang nên chúng không dễ gì phát hiện được.

 Điểm tập kết của chúng tôi lần này là phía Tây sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa phận Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An. Nơi đây có rạch Bà Mùi nổi tiếng về mật độ các trận phục kích của địch. Trước đó, nhiều đơn vị khi qua đây bị địch phục bắn chết hết, không còn một người. Đến đây, xuồng ba lá của du kích Đức Hoà, Đức Huệ đã chờ sẵn. Hàng mấy chục chiếc thay nhau đưa bộ đội qua sông. Vàm Cỏ Đông ở đoạn này rộng chừng 150 đến 200 mét, nước rất sâu. Chúng tôi là đơn vị hoả lực nên vũ khí mang theo rất nặng, nếu một chút bất cẩn, xuồng sẽ bị lật ngay tắp lự. Bởi lúc bơi, nước mấp mé mạn (xuồng khẳm), chỉ cần chòng chành một chút là chìm ngay. Khúc sông chúng tôi vượt rất gần bốt địch, nên nhất cử nhất động đều phải hết sức bí mật, im lặng. Chỉ cần vô ý nói to hoặc quẹt lửa hút thuốc, để lộ ánh sáng thì lập tức cối và pháo dập đến tức khắc. Có những khi, xuồng đang bơi, bất thần bo bo (ca nô chiến đấu) xuất hiện. Chúng quét đèn pha cực mạnh rồi xả đạn 12,8 li vào những chiếc xuồng mỏng mảnh đó, nhận chìm tất cả xuống đáy sông!

Chúng tôi đổ bộ lên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông sau đó tiến vào vị trí tập kết. Nơi đơn vị đứng chân là Gò Nổi (Giồng Nổi) thuộc xã An Ninh, huyện Đức Hoà, tỉnh Hậu Nghĩa (Long An). Gò Nổi là nơi chúng tôi làm căn cứ để từ đó xuất phát đánh các mục tiêu địch. Và sau này, năm 1974, khi Trung đoàn đã chuyển quân ra mặt trận Quảng Đức, Bù Bông, nơi đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt giữa tiểu đoàn 7 chúng tôi với quân nguỵ thuộc các tiểu đoàn bảo an của tiểu khu Hậu Nghĩa cùng đại đội thám sát 773 ác ôn và thiện chiến. Tôi sẽ kể lại trận đánh này ở phần sau...

 

                                                                                                                     V.K.S

 

 

 

. . . . .
Loading the player...