09-09-2017 - 08:25

Tác giả- nhà giáo Dương Thế Vinh

Nhân những ngày đầu khai giảng năm học mới, xin trân trọng giới thiệu bài viết về thầy giáo Dương Thế Vinh, hội viên chuyên ngành Thơ của tác giả Lê Văn Vỵ.

“TA QUANH QUẨN QUANH GÓC NHÀ, BỤC GIẢNG”

(Bài viết của Lê Văn Vỵ về thầy giáo Dương Thế Vinh)

          Tôi với Vinh chung nghiệp dạy học lại dính dáng đến thơ phú, nên mới gặp đã “bập” vào nhau ngay.vDáng dấp Vinh rất đồ Nghệ, ở vẻ ngoài khắc khổ, gân guốc, nhưng tâm hồn lại phong phú như nước La giang.Tôi đã đến rất nhiều trường trong và ngoài tỉnh, gặp gỡ rất nhiều đồng nghiệp làm thơ, lòng vẫn day dứt câu hỏi:”Tại sao thơ viết về thầy giáo ít bài hay?”.
Tôi mang điều ấy trao đổi với Vinh. Vinh nhiu trán tư lự nhìn ra xa không nói gì.
Cho đến khi tôi đọc thơ Vinh. Bốn câu thơ Vinh viết về nghề dạy học ám vào tôi. Nghe một lần thuộc ngay. Vì những câu thơ đó, không chỉ tâm trạng của Vinh mà còn là tâm trạng của những người đứng trên bục giảng trong đó có tôi:
Cuộc sống ào ào xoay chóng mặt
Bàng chưa kịp xanh, phượng đỏ rực sân trường
Ta quanh quẩn, quanh góc nhà, bục giảng
Mấy chục năm rồi vẫn thế thôi!

          Chao ôi! “ Vẫn thế thôi” nghe sao mà thân phận, mòn mỏi về một thế giới tĩnh, không biến đổi, xơ cứng đối lập với cuộc sống biến động” xoay chóng mặt”. Quả là làm nghề GV khó có cơ hội để tiến thân trên chính trường. Thì Vinh vẫn làm quản lý ở một trường chuyên THCS ở đất học nổi tiếng. Nhưng ở thời buổi giáo dục tung hô cải cách, lạm phát đổi mới, hăm hở với Dự án khiến cho các cơ sở giáo dục rơi vào tình trạng bị động chóng mặt với “hai không”, “ba không”, “hai chung”, “ba chung”, mãn tính với “bệnh thành tích”, di căn bằng “dởm” thì tiếng nói phản biện về giáo dục chìm vào quên lãng.

          Một thời, mỗi huyện thành lập một trường chuyên nhằm bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài. Hiển nhiên là muốn có nhân tài phải đầu tư tiền bạc, cơ sở vật chất và giáo viên giỏi cho trường. Nhưng sau đó, Bộ chủ trương xóa trường chuyên. Các trường chuyên đổi tên trường mang tên những danh nhân như Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện ở Hương Sơn, Lê Văn Thiêm ở Hà Tĩnh, Xuân Diệu ở Can Lộc... và Hoàng Xuân Hãn , Đức Thọ- Nơi Vinh lần lượt làm Hiệu phó rồi Hiệu trưởng. Xóa trường chuyên, nhưng trường vẫn phải “ma ra tông” tìm cho ra đội “gà chọi”, luyện ngày, tập đêm, đầu tư, chăm sóc, thích ứng nhanh chóng thay đổi kiểu thi của Sở chen cho được vị trí tốp đầu, chao ôi, quá mệt mỏi. Cứ mỗi lần ghé qua trường Vinh, tôi lại thương ông bạn làm trưởng một trường úp, mở này. Tôi đùa: “ Trường bồi dưỡng nhân tài gì mà úp úp mở mở như “mèo dấu cứt”. Dạy học sinh giỏi thì cứ tuyên bố dạy chứ thì thầm thì thụt, lấm la lấm lét như ngoại tình, rõ khổ. Hiển nhiên là không phải một trường Vinh. Mà đất học Hà Tĩnh, các trường chuyên tuyến huyện đều như vậy. Nghe tôi nói, Vinh xua tay: “ Ấy chết! Ông đừng nói dại thế. Ông hưu, hạ cánh an toàn rồi không sao; còn tôi sợ vạ mồm, vạ miệng lắm!”. Nói rồi, Vinh lại nhiu trán, nhìn lơ đãng ra ngoài.

          Không để bạn quan ngại, tôi lại bắt sang chuyện thơ phú. “Tôi nói: “ Lại day dứt chứ gì!?”. Vinh bảo: “ Vâng!” và lẩm nhẩm đọc như đủ cho mình nghe:
Day dứt quá như lòng mình lỗi hẹn
Với những gì chung thủy yêu thương
Đây là hai câu trong bài thơ Vinh viết khi nhớ về An Phú, nơi một thời Vinh gắn bó máu thịt.
Có thể nói, quãng thời gian 10 năm công tác ở Thuận Hải, Bình Thuận với Vinh ăm ắp đầy kỷ niệm. Từ những kỷ niệm đầu đời: “ Em 18 đốt ta một thuở” đến kỷ niệm ngày chia xa đã là tháp Chàm bí ẩn trong tâm hồn và hiện diện trong thơ Vinh. Tôi nghĩ 10 năm Bình Thuận, Thuận Hải là quãng thời gian đẹp nhất trong đời làm nhà giáo của Vinh. Đây là quãng thời gian tuổi trẻ, nhưng với Vinh vẫn day dứt, trăn trở không bình yên. Ở Thuận Hải, Bình Thuận lòng đau đáu về quê hương. Nhưng rời xa mảnh đất thân yêu ấy lòng lại dùng dằng ngập tràn thương nhớ.
Lòng Vinh giăng mắc những sợi dây tình cảm đa chiều. Vừa hiện hữu đấy, nhưng thoáng chốc bỗng vô hình. Vừa câm lặng đấy, nhưng bỗng chốc lại náo động. Tạng Vinh là vậy, dùng dằng, nửa
Bắc, nửa Nam, nửa mê, nửa tỉnh. Chính trạng thái dùng dằng này đã vào thơ Vinh. Những câu thơ dễ thương, thật lòng như đếm. Và tôi thích những câu thơ dễ thương này. Dễ thương vì chân thật, chứ không làm đỏm, làm dáng một tí tẹo nào:
Bạn nói trường chuyên
Giờ thiếu người dạy
Giá như ngày ấy
Vinh đừng về quê
*
Bạn nói bây giờ
Cái gì cũng lắm
Chỉ có bạn bè
Ngày một thiếu vắng
Giá như ngày ấy
Vinh đừng về quê

Thơ hay thường đơn giản. Bạn hay: thành thật. Vinh là người của bè bạn. Người Bắc, kẻ Nam, giáo sư, tiến sĩ, nhà thơ, nhà văn, công an, thuế vụ gì về Đức Thọ đều ghé qua phòng Vinh. Thường là buổi chiều có cơ hội, chạm chén là đỏ mặt như Quan Công. Vinh nói líu lo, gân trán nổi lên chằng chịt. Chuyện trên trời dưới đất gì cũng biết. Có nhà thơ từ Sài Gòn ra chạm li nhắc khéo Vinh trường lắm người đẹp, giỏi giang, hay thơ phú, sao Hiệu trưởng giữ như quan huyện giữ ấn, Vinh nhiu trán một cách hệ trọng. Cô này mẹ già, con nhỏ phải chăm, cô này chồng hay ghen. Nên cứ lấy yên ổn làm đầu. Chỉ cần một cô ốm, ai dạy thay, ai làm đội tuyển. “ Trật ray, phi chuẩn là trúc nhào như tàu hỏa”. Nói rồi, Vinh lại nhiu trán, giục hai chú "đực rựa" : Truyền (Nguyễn Thanh Truyền, GV Ngữ văn), Hùng (Nguyễn Văn Hùng, GV Tóan) nâng ly với bè bạn. Lúc say Vinh nói, lúc vui Vinh nghẹn ngào rơm rớm nước mắt. Tôi đã chứng kiến Vinh lã chã khi được tin đồng đội và học sinh giành giải cao trong kỳ thi GV và HS giỏi tỉnh.

          Vinh có niềm tin rất ngây thơ. Ấy là những lúc chỉ có gã với tôi ngồi với nhau trong phòng. Vinh cứ tiếc cho cô này, cậu kia giỏi mà chưa được đề bạt, chưa có được vị trí xứng đáng để cống hiến, khiến cho tôi cũng phát bẳn lên: “ Những thằng có tài thì lắm tật không xu nịnh được. Nếu ông ở vị trí “cốp”, chắc gì ông đã chọn nó”. Ấy là tôi chọc Vinh thế, nhưng trong thâm tâm từ thời thầy Cung làm trưởng phòng tôi vẫn có niềm tin Đức Thọ “chọn mặt gửi vàng” được! Cho nên vừa chân ướt chân ráo từ nam ra bắc, Vinh đã lọt vào “mắt xanh” của thầy Cung cho vị trí Phó Hiệu trưởng trường chuyên đảm trách cho các môn khoa học xã hội. Vinh xứng đáng với niềm tin cậy đó.

          Trong những năm cán bộ quản lý, Vinh đã góp phần thổi lên ngọn lửa đam mê học tập nghiên cứu của GV và học sinh nơi đây.Tôi đã bị chinh phục bởi cái cách truyền niềm thích thú văn chương cho học sinh. Những buổi chào cờ, những giờ ngoại khóa, những sinh hoạt câu lạc bộ, những tờ báo tường, những cuộc thi viết vẽ tuổi học trò đã góp phần khơi lên nguồn cảm hứng về cái Đẹp nghệ thuật cho tuổi trẻ. Cùng với tập thể giáo viên, Vinh là người biết tạo nên một không khí sáng tạo. Bắt đầu là xây dựng thư viện, phòng đọc, bắt đầu là những tờ báo bảng giới thiệu sáng tác GV và HS và sau đó là những tác phẩm giới thiệu trên Wetshite của trường, trên Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, những tác phẩm đạt giải trong cuộc thi viết vẽ học trò, Vinh đã mở rộng cánh cửa trường để CB, GV, HS tiếp xúc với đời sống, chắp cánh mơ ước bay đến bầu trời văn học.Và những sáng tác của Vinh, của đồng nghiệp, tự nhiên tham gia vào đời sống gíao dục. Vinh có được niềm tự hào là những vần thơ của mình được bạn bè và học sinh thuộc lòng, yêu thích. Những vần thơ ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Được như vậy, hỏi có mấy người?

          Vinh cũng là người trách nhiệm với gia đình. Cái cách Vinh yêu vợ, thương con cũng có khác. Chiều chuộng. Ít lời. Có gì không vừa lòng cũng chỉ nhiu trán. Lấy sự yên lành làm trọng...Tôi gặp và quen Vinh lần đầu tiên khi Vinh từ Đức Thọ Lên Hương Sơn tìm thuốc chữa bệnh cho con. Nỗi lòng thương yêu của người cha với con của Vinh bộc lộ ra ngoài. Suốt cả buổi Vinh băn khoăn báy khoáy, không yên ổn. Chưa tìm được thuốc, Vinh như đứng trên lửa. Hiểu được ruột gan của người bạn, tôi quyết tìm bằng được và mang xuống nhà cho Vinh. Vinh phấn khởi. Phấn khởi nhưng cười không thành tiếng. Chưa bao giờ tôi thấy Vinh cười một cách thoải mái. Chỉ nheo mắt, và một âm sắc khàn khàn từ khóe miệng phát ra rất ngắn. Rồi lại nhiu trán.

          Lúc Vinh tức giận, cũng chẳng nạt nộ ai, mà chỉ “rẳn” thôi, “cằn rẳn”, nhưng cũng chỉ thoáng chốc. Tôi thỉnh thoảng lại đùa: “ Ông về nhà như thầy, lên trường như bố mẹ”. Ấy là tôi nói thế, chứ lên trường, Vinh chẳng thể ngồi yên một chỗ. Xem cho hết mớ công văn, vẽ cho xong báo cáo, gửi cho kịp thống kê, phê cho xong học bạ, tá hỏa với các cuộc thi, nguồn thu không đủ chi; lại nghe tuần ni trên về thanh tra toàn diện, đã " lấy bất biến, ứng vạn biến" vẫn tiến thoái lưỡng nan.... Nhìn dáng gầy của Vinh đi giữa sân trường, những ngày mưa gió liêu xiêu như đi khắt kheo mà thương cảm! Thơ Vinh viết: “Ta quanh quẩn quanh góc nhà bục giảng”, nhưng thi thoảng Vinh cũng ra tỉnh. Làm Hiệu trưởng, nhưng đi tỉnh họp hành, chẳng dám thuê một chuyến taxi mà không buýt thì cũng a lô cho bạn bè đi ké. “ Đi họp làm 1 chuyến xe thanh toán những 500k, trong lúc giáo viên dạy ôn thi đội tuyển học sinh giỏi chưa có nguồn thanh toán thì áy náy quá!”. Vinh nói vậy.

          Rồi có lúc Vinh cũng được Sở GD&ĐT tổ chức cho chuyến du lịch (hiển nhiên là nạp tiền túi) sang tận Singapo, Malaixya. Nghe Vinh thông báo tôi mừng thầm cho bạn. Nhưng vừa đến Lualampơ đã lên Blog treo bài thơ: “ Viết ở Lualam pơ” với bao nỗi niềm nào là vui mừng khi nghe tin học sinh giỏi đậu nhiều hơn năm trước, rồi nào là nhớ trường, nhớ lớp, nhớ đồng nghiệp, nhớ nhà và lại băn khoăn báy khoáy: “ Một tuần thăm quê người, có ai nhớ tôi không”. Thì Vinh đa đoan, đa cảm hay đa sầu chẳng biết nữa. Cứ hành xác mình, cứ day dứt, chẳng thể yên ổn. Khi về trường, đến thăm Vinh tôi lại đùa: “ Ông giống như con khướu, ở trong lồng, mới bay sang xứ người đã nhớ cám cò, vội bay về chui tọt vào lồng”.
Vinh nghe xong, chẳng cười. Chỉ nhiu trán.

 

Hương Sơn, tháng 3 năm 2017
LÊ VĂN VỴ

 

 

. . . . .
Loading the player...