26-11-2021 - 14:00

Chùm tác phẩm dự thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIII của học sinh Trường THCS Lê Văn Thiêm viết về thầy cô và mái trường

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chùm tác phẩm của các em học sinh trường THCS Lê Văn Thiêm (Tp Hà Tĩnh) viết về thầy cô và mái trường - Tác phẩm tham dự Cuộc thi Viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIII.

Cô giáo của em

 

Có phải cô là gió?

Đưa em đi muôn nơi

Tâm hồn em rộng mở

Cập bến bờ bình yên

 

Có phải cô là nắng?

Rót ánh vàng chan hòa

Và cô là ánh trăng?

Dịu dàng và chan chứa.

 

Có phải cô là đất?

Ngọt ngào vị phù sa

Để em làm mầm biếc

Hẹn một ngày nở hoa.

 

Cô ơi cô là mẹ?

Dìu dắt em bước đi

Chẳng bao giờ quên cả

Dù mai này cách xa.

(Nguyễn Phương Thúy, Lớp 7/2, Trường THCS Lê Văn Thiêm, Tp Hà Tĩnh)

 

Bàn tay lấm mực

 

Ngày tôi không tìm thấy con đường

Cô giáo là ánh đèn ấm áp

Ngày tôi không nhìn thấy mặt trời

Cô đã tặng tôi một đóa hướng dương

 

Ngày tôi khóc vì không với tới thành công

Cô khen bài toán tôi làm

Cô khen lời văn tôi viết

Cô cầm bàn tay tôi lấm lem màu mực

Cô gọi đó là thành công

 

Tôi sẽ bước đi giữa cuộc đời mênh mông

Có thể tôi vẫn sẽ khóc và cũng sẽ cười

Nhưng tôi biết nơi trường xưa

vẫn luôn có một ánh mắt thật hiền

nhìn thấy bao điều kỳ diệu từ bàn tay lấm mực của tôi…

(Phan Tuấn Bảo, Trường THCS Lê Văn Thiêm, Tp Hà Tĩnh)

 

nơi tình yêu còn mãi

 

Trên bước đường trưởng thành của mỗi con người nơi in dấu nhiều kỷ niệm nhất có lẽ là ngôi trường cấp 2. Bởi ở đó mỗi chúng ta đều bước qua ngưỡng của từ một em bé thành thiếu niên, trở thành người lớn từ trong suy nghĩ đến hành động. Nơi đó in dấu những cảm xúc ngây ngô của tuổi mới lớn, in dấu những bước chân từ rụt rè nhút nhát đến tự tin bước vào cánh cửa cấp 3, in dấu những năm tháng đẹp đẽ nhất của tuổi học trò, bởi nơi đó chúng ta vừa được học làm người vừa được học thành tài vừa được giáo dục rèn dũa tri thức vừa được nuôi dưỡng nhân cách đạo đức và hơn hết được sống trong tình yêu thương của thầy cô bạn bè, nơi đó chính là “ngôi nhà thân yêu thứ hai” của mỗi chúng ta. Tôi cũng thế, cũng có một ngôi nhà thứ hai ấm áp, tràn ngập tình yêu thương  mang tên Trường THCS Lê Văn Thiêm.

 Chính tại ngôi trường này, tôi được gặp gỡ cô giáo tuyệt vời của tôi, cô Hà Thị Tuyết Thanh. Đó là vào một buổi chiều mùa hạ, trời mưa tầm tã, bầu trời xám xịt, những hạt mưa nặng trĩu rơi lộp độp xuống mái hiên. Các lớp học đã tan, mọi người vội vã ra về, người thì có áo mưa, người thì được cha mẹ đưa đón, nhiều cô cậu lại chạy ù dưới trời mưa. Riêng tôi thì đứng nép ở cửa hàng của một bà cụ. Mưa mãi không ngớt, tôi bắt đầu thấy lo lắng. Tôi băn khoăn, chẳng lẽ lại đội mưa mà về? Tôi nghĩ vậy rồi đánh liều chạy một mạch ra ngoài giữa lúc trời đang mưa to. Bỗng có tiếng gọi: Cẩm Tú ơi! Nghe rất giống tiếng cô Cườm. Tôi ngoảnh mặt lại, đúng là cô thật. Thấy tôi cô nói:

- Trời mưa to lắm, lại không có áo mưa, lên xe cô chở về.

Tôi chần chừ giây lát, vừa muốn đi vừa không vì sợ làm phiền cô, như đoán được ý nghĩ ấy của tôi, cô giục:

- Nhanh lên kẻo cảm lạnh bây giờ.

Tôi vội vã lên xe. Trong chiếc áo mưa ấm áp, tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của cô dành cho tôi, tình cảm ấy như ngọn lửa đang rực cháy trong lòng. Nhưng cũng tại cái sự vô tâm mà tôi đã không hề để ý đến cô, cô đã nhường áo mưa cho tôi đang lạnh cóng rét buốt. Cái áo mưa của cô nhỏ chỉ đủ cho một người, có tôi đi cùng, cô gần như bị ướt đẫm. Khi về đến nhà, sắc mặt của cô tái xanh, thế mà tôi còn hỏi một câu ngớ ngẩn:

- Cô bị làm sao thế ạ?

Cô nói là không sao và bảo tôi về nhà nhớ soạn bài đầy đủ. Cô mệt mỏi như vậy mà vẫn quan tâm đến tôi ư? Tôi vừa muốn khóc vừa ân hận về cái tính lơ đễnh của mình. Giá như lúc đó mình cứ chạy một mạch thì cô đâu có bị ngấm nước mưa rồi bị cảm. Suốt buổi tối hôm đó, tôi không thể ngồi yên, cứ thấp thỏm, không biết cô đã đỡ chưa. Sáng hôm sau đi học tôi không thấy cô ở lớp, cô không đi dạy, có lẽ cô đã bị ốm. Cả buổi học hôm đó, tôi không thể tập trung. Tôi vừa lo lắng, vừa sợ, lòng rối bời. Sau buổi tan học tôi quết định đến nhà cô để hỏi thăm cô. Ngõ vào nhà cô sâu hun hút, tôi phải vất vả lắm mới tìm ra. Tôi vào nhà, thấy tôi, cô gượng dậy:

- Cẩm Tú đấy à? Vào đây em!

Tôi vội chạy đến đỡ cô, cô nói:

- Xin lỗi em nhé, chắc em lo lắng lắm?

Tôi run rẩy lắp bắp:

- Không, không người xin lỗi phải là em mới đúng, vì em mà cô bị cảm.

Khi đó, tôi thật sự xúc động, tôi ôm chầm lấy cô, mắt tôi cay cay, tôi cảm nhận được tình cảm của cô dành cho tôi. Chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh phúc như lúc này.

Mai sau, khi đã trưởng thành phải chia xa bạn bè, xa mái trường cấp 2, tôi sẽ không bao giờ quên được những kỉ niệm, những bài học đáng quý là hành trang để tôi thành công trong cuộc sống ở chính ngôi trường này. Từ đáy sâu trái tim mình vẫn luôn dành chỗ trang trọng nhất để cất giữ những kỷ niệm đẹp về mái trường và từ đáy sâu tâm hồn vẫn luôn trân trọng và cảm ơn mái trường Lê Văn Thiêm - ngôi nhà thứ hai mến yêu của tôi.

 (Nguyễn Cẩm Tú - Lớp 8/5- Trường THCS Lê Văn Thiêm)

 

chào tháng 11 

                     

“Nụ cười hiền cùng cái lắc đầu cho qua

Là bài học vị tha cô dạy em lớn lên cùng năm tháng.”

Mỗi chúng ta giống như một người lữ khách, còn thầy cô là người lái đò, chèo lái ta đến bến bờ tri thức. Con đò ấy đã từng đưa lớp học trò sang sông suốt bao năm tháng cuộc đời. Đến khi mái tóc đã ngả màu vẫn luôn nhìn theo bóng dáng lũ học trò trưởng thành. Một đời người đứng trên bục giảng, giọng nói trong trẻo năm nào đã không còn nữa, đôi mắt biết cười ấy đã hằn in sâu nếp nhăn của tuổi tác. Đôi bàn tay nứt nẻ, chai sần đi… Mẹ tôi cũng là giáo viên, ngày ngày mẹ luôn phải đi sớm về hôm, nhiều đêm còn thức khuya chấm bài, chuẩn bị bài giảng cho hôm sau. Dần dà, những vết thâm quầng, nếp nhăn trên mặt mẹ ngày một rõ hơn. Tôi từng hỏi mẹ làm giáo viên vất vả như thế, mẹ đã bao giờ cảm thấy hối hận không? Mẹ chỉ cười xòa, bảo: “Mẹ biết, nhưng mẹ chưa từng hối hận khi đã chọn con đường này. Chúng ta ai cũng có một trách nhiệm riêng, không phải ai cũng giống nhau, và trách nhiệm của mẹ là dạy dỗ các con trưởng thành. Từng lứa học trò đến mang theo một sức sống, một cảm xúc khó quên in sâu trong trái tim mỗi người thầy, người cô”. Dưới mái trường ấy, dưới gốc phượng vỹ năm nào, lớp lớp học trò cứ đến rồi lại đi, mang theo cả thanh xuân của họ. Nhưng thầy cô thì vẫn luôn ở đó, vẫn là giọng nói ngày xưa, chỉ có mái tóc dần ngả bạc.  Mẹ tôi bảo, thứ mà thầy cô nhận lại được trong  nghề của mình rất nhiều, đó là những nụ cười rực rỡ của học trò, những lần đạt được thành quả mà họ đạt được, là tình cảm yêu thương của bao thế hệ đi qua dưới mái trường... 

Cầm bó hoa cẩm tú cầu trên tay, loài hoa tượng trưng cho lòng biết ơn sâu sắc nhất, gửi đến thầy cô, người đã từng bước nâng đỡ bước chân trên con đường đi tìm khát vọng của cuộc sống.

(Trần Thương Huyền - Lớp: 8.2, Trường THCS Lê Văn Thiêm, Tp Hà Tĩnh)

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...