06-10-2022 - 06:34

Tác phẩm dự thi Viết- vẽ tuổi học trò lần thứ XIII

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Xoài còn xanh lắm" của em Nguyễn Hạnh Chi (học sinh lớp 7A, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh).

xoài còn xanh lắm

                                                                         

                     

                                                                         

Năm thứ 4 tôi học ở trường tiểu học, tôi là học sinh bán trú. Với tôi lúc đó mà nói, khoảng thời gian lớp 1, lớp 2, cho đến lúc bấy giờ là khoảng thời gian nhàm chán nhất cuộc đời - vì hàng ngày phải đi xuống canteen ăn trưa rồi lại đi lên ngủ đúng giờ. Sự nhàm chán đó chỉ dừng lại khi một ngày, tôi cùng hai đứa bạn phát hiện ra một bí mật có thể làm chao đảo bầu trời, rằng là: Cổng phụ phía sau trường tôi thật ra chưa bao giờ khóa mà chỉ bị cài then chốt rồi ngoắc hờ cái ổ khóa lên trên. Vậy mà chúng tôi trước đây lại chẳng biết gì, để bản thân bị nhốt trong cái nơi tù túng này. Rất nhanh, tôi đã cùng Long và Huy - hai đứa bạn của tôi vạch ra một kế hoạch để “khoét tường” cái “nhà ngục” này và thoát ra an toàn.

Trưa hôm đó, nhân lúc cô giáo trực trưa đang ngủ, ba đứa chúng tôi nháy nhau, từng đứa từng đứa một, từ từ rón rén nhón chân đi ra khỏi cửa và vù ra cổng sau. Trên con đường gian nan để đến với cánh cổng giải thoát, chúng tôi còn phải đi vòng ra sau cái WC gần đống rác để tránh “con mắt sharingan” kinh người của ông bảo vệ. Chúng tôi lấy cái khăn lau bảng thó được của cô giáo rồi chèn vào các khe hở để tránh gây ra tiếng động không đúng lúc, nhẹ nhàng rút then chốt cổng đi ra.

Phải nói, chúng tôi trốn được từ trong trường ra là cả một kì tích trăm năm có chục. Sau khi đứng lại khoan thai nhìn đất nhìn trời, hít vào một hơi không khí tự do, tôi chợt cảm thấy trời hôm nay đẹp đến kì lạ. Nắng trưa cuối tháng tư gay gắt là thế nhưng bây giờ, trong mắt tôi, nó như một luồng ánh sáng thần kì, mang đến sự tự do, tựa như mặt trời rọi thẳng vào tim. Rồi khi đã quen dần với không khí xung quanh, tôi bắt đầu thấy chói chang và nóng bức. Tôi quay lại nhìn hai đứa bạn:

- Ê! Bây giờ thì làm gì đây?

- Ơ, hỏi buồn cười! Đòi ra đây thì ra được rồi còn gì!

Nói nhau với Long một lúc rồi tôi lại nhìn quanh.

Bất chợt, đập vào mắt tôi là một ngôi nhà cũ kĩ nhưng “nhỏ nhắn xinh xắn và ngay ngắn”. Đương nhiên tôi chẳng mơ mộng tới mức đứng ở đó mà tưởng tượng ra một thiên đường Đà Lạt với cánh đồng hoa dã quỳ rồi! Thứ khiến tôi nhìn vào ngôi nhà đó là một cây xoài không cao lắm nhưng lúc lỉu quả. Tôi cười, một nụ cười mà hiện tại, năm tôi 12 tuổi, sẽ miêu tả là “quỷ dị”. Tôi kéo tay hai thằng bạn:

- Thấy cái nhà cổng xanh, hàng rào thấp kia không?

- Ừ thấy, thì sao?

- Thấy cây xoài không?

- Thấy! Muốn ăn à? Xoài ấy còn xanh, chưa ăn được đâu!

- Xanh thì sao? Không ăn được thì lấy xuống ném con chó trong nhà. Hắn sủa, đòi đuổi tao suốt.

Long gật. Vậy là, tôi đứng canh chừng, Long trèo lên cây hái xoài. Chắc nhiều người để ý sẽ thắc mắc rằng: Huy nó làm gì? Nó chẳng làm gì hết. Tay chống ngang hông ngửa mặt nhìn. Dáng Huy đứng lúc đó nhìn ghét lắm. Nếu không sợ chó dậy và gâu gâu gâu đánh thức chủ nhà thì tôi đã đập nó rồi. Thằng bạn tên Long của tôi cuối cùng cũng đã ôm trên tay hai quả xoài to. Nhưng đời mà, cuộc sống vốn dĩ chẳng hề dễ dàng. Long đụng trúng tổ ong, vội vàng ôm hai quả xoài phốc từ trên cây qua bờ rào chạy thục mạng nên thoát. Tôi nhờ phản ứng nhanh nên cũng thoát luôn. Còn thằng Huy, bởi vì chân ngắn chạy không kịp nên vẫn bị ong chích, liền hét toáng lên như đồng hồ báo thức đánh thức con chó to khủng bố của nhà đó dậy.

Cũng thật may là, cánh cổng tôi nghĩ rằng đã khóa chặt rồi ấy, thực ra nó không khóa mà chỉ khép. Và cũng thật may biết bao nhiêu, con chó đó lại cực kì thông minh. Nó đĩnh đạc bước lại gần, dùng chân trước khều nhẹ cánh cổng ra và… rượt chúng tôi chạy bán sống bán chết. Nhưng trời nào cho ai tất cả, thấy mục tiêu mới, bầy ong vây lại đốt con chó đó túi bụi. Sau khi đốt chán chê thì bầy ong rút lui, để lại con chó nộ khí xung thiên đứng thở hồng hộc. Và rồi hình như nó chợt nhớ ra còn mục tiêu chưa tính sổ, chính là ba đứa chúng tôi đang tròn mắt đứng nhìn. Chúng tôi lại bị chó đuổi một đường ngoạn mục, nín thở mà chạy, dồn hết sức bình sinh mà chạy, cắm đầu cắm cổ mà chạy. Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ đến chạy. Chạy đi, chạy nhanh đi, nhanh nữa, nhanh nhanh nữa, cố lên, dừng là chết, chạy ngay đi!

Nửa đường chúng tôi quay lại nhìn vẫn còn thấy con chó đó đuổi theo, tôi liền giật hai quả xoài trên tay thằng Long và đứng lại. Phải nói thêm rằng, tôi những năm tiểu học được tụi yêu quái lớp tôi gọi là đệ tử của thầy chủ nhiệm vì kĩ năng ném phấn bách phát bách trúng. Tôi cầm hai quả xoài, nhìn thật rõ và ném con chó, một trúng sườn, một trúng đầu. Rồi tôi lại chạy tiếp, vì biết chắc chắn rằng đằng nào hai quả xoài tôi đứt ruột ném đi kia sẽ chỉ cầm chân con chó được nhiều nhất một phút rồi nộ khí của nó lại nâng lên một tầng cao mới.

Quả thật, chúng tôi lại bị rượt tiếp. Có thể vì bản năng sinh tồn mà chúng tôi đã né được hết tất cả các chướng ngại vật trên đường đi và phi thẳng lên Tùng Ảnh, trong trò chơi “Được ăn cả, ngã về âm”. Thoáng chốc, tôi chợt cảm thấy bản thân giống như nữ thần chiến binh khi mà mỗi bước chạy của tôi lại mang đến sự náo nhiệt cho con đường, cụ thể hơn là tiếng còi ô tô, xe máy. Khi đã chạy đến đứt hơi, chúng tôi quay lại nhìn về phía sau, và bất ngờ thay, chẳng có con chó nào phía sau cả. À không, có chó thật đấy, nhưng mà là những con chó đang nằm phơi mình dưới “luồng ánh sáng thần kì, mang đến sự tự do, tựa như mặt trời rọi thẳng vào tim”, dùng ánh mắt lười biếng và khinh bỉ nhìn tôi và hai đứa bạn.

Nhưng vui mừng chưa được mấy giây thì vì chẳng chú ý đường đi nên chúng tôi cùng nhau ngã đập mặt xuống đường. Mấy thằng nhóc bên đường cũng như mấy ông già miệng phì phèo điếu thuốc nhìn thấy cảnh đó đồng loạt cười bò, cười nghiêng ngả, cười như ở đây có điều gì đáng cười lắm vậy. Mà… thật sự rất buồn cười sao? Khi mà nhìn thấy hai thằng nhóc lùn lùn cùng với một con nhóc cao cao chạy bán sống bán chết rồi cùng nhau ngã? Chắc buồn cười thật, nên lúc đó dù vừa tức, vừa đau, vừa xấu hổ, chúng tôi vẫn phải đứng dậy cười cười.

Hoàn thành trò chơi đầy mạo hiểm và kịch tính này, đương nhiên là ba đứa bọn tôi thất thểu lê bước quay về trường. Vấn đề là sự xui xẻo của chúng tôi đâu đã dừng lại ở đó mà còn tiến xa hơn cả chục mét nữa. Chúng tôi quên mất tiêu đường về. Lần mò một lúc lâu thì cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm về lại được mái trường mến yêu. Nhưng mà, đợi chúng tôi chẳng phải cái cổng trường thân thuộc chẳng hề khóa. Khi chúng tôi thò tay vào định mở then thì tôi chợt nhìn thấy một hình bóng quen thuộc đến thót tim - ông bảo vệ. Cái kết đau lòng của tôi, Long và Huy thì chắc ai cũng biết. Long và Huy phải dùng đến tuyệt chiêu năn nỉ dai như đỉa động lòng người của hai đứa tụi nó còn tôi thì trong đầu liền hiện ra một loạt cảnh tự tưởng tượng càng ghê rợn và thương tâm càng tốt, để khóc. Cuối cùng thì chúng tôi cũng được cho vào. Qua ải thứ nhất thì gặp phải ải thứ hai. Thầy chủ nhiệm của tôi chiều đó đứng ngay trước cửa. Thầy hỏi:

- Các sếp đi đầu về, hả? Tôi lúc chiều đã nghe cô Hiền nói chuyện các anh chị trốn ngủ đi chơi rồi đấy nhé! Để đó tôi nói chuyện với phụ huynh các anh chị.

Chúng tôi ngồi cả chiều để nghe thầy giảng giải rằng việc làm của chúng tôi thật sai, sai nặng. Sau đó thì khi về nhà, chúng tôi, không, mặc xác Long với Huy, là tôi lại gặp ải thứ ba. Bố mẹ tôi nghe thầy chủ nhiệm và mấy yêu quái lớp tôi mách lại rằng con gái yêu quý của nhị vị phụ huynh trốn “ngủ” đi chơi thì đã cho tôi một trận nên thân.

Bố tôi cầm cái roi mây dứ dứ vào trán tôi, bảo:

- Đến trường thì chơi cho ngoan, học cho tốt! Xoài còn xanh lắm nha con!

Tôi hôm đó tuy khẩu phục, “dạ” suốt buổi đến sái quai hàm, nhưng tâm tôi chẳng hề phục. Vì rằng tuổi thơ dữ dội mới là tuổi thơ đáng sống. Không kịch tính, không mạo hiểm, không náo nhiệt và chẳng hề đáng nhớ thì có phải tuổi thơ đâu? Vậy càng không phải một tuổi thơ tôi đã sống!

(Nguyễn Hạnh Chi - Lớp 7A, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ, Hà Tĩnh- Tác phẩm tham dự Cuộc thi Viết - Vẽ tuổi học trò lần thứ XIII)

. . . . .
Loading the player...