14-04-2020 - 15:23

Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIII

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Người bạn của tôi" của em Trần Đình Sơn, học sinh lớp 6/1 Trường THCS Lê Văn Thiêm - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIII

TÁC PHẨM DỰ THI VIẾT - VẼ TUỔI HỌC TRÒ LẦN THỨ XIII

 

NGƯỜI BẠN CỦA TÔI

 

       Ngày đầu tiên ấy đã từ rất lâu rồi, ngày mà chúng tôi đã gặp nhau, lúc Đình Đức chuyển đến lớp tôi, cái cảm giác của tôi lúc gặp Đức không phải là sự vui mừng, sự bỡ ngỡ mà là một sự khinh thường. Đó là vào một buổi sáng mùa đông giá rét, các thầy cô, những người bạn, ai ai cùng mang trong mình những chiếc áo ấm dày hai ba lớp, với những chiếc khăn quàng cổ và mũ vải là những thứ giữ ấm không thể thiếu đối với mỗi người. Dù vậy, nhưng trông ai cũng thấy run run, nắm chặt lấy tay xoa xoa cho ấm. Răng ai cũng nghiến chặt lại vì lạnh. Nhớ lại những ngày mùa thu, bầu trời thật trong xanh, thời tiết mát mẻ, cái nắng oi bức của mùa hè cũng đã dịu lại. Những bông hoa nở rộ, đua nhau khoe sắc thắm. Chúng mở một cuộc thi sắc đẹp để thay nhau trổ tài, tỏa hương thơm ngào ngạt. Những hàng cây cổ thụ như khoác lên mình một tấm áo màu vàng. Thân cây to, ba bốn người ôm không xuể. Tán lá xum xuê vươn dài ra trước như một cái ô khổng lồ che nắng che mưa. Lá cây giờ đây đã hóa vàng, dần rụng đi theo thời gian. Những chú chim ngày nào cũng bay dập dờn trên bầu trời thu, đùa nghịch với những đám mây xanh. Chúng cất tiếng hát líu lo vang vọng khắp muôn nơi, nghe thật dễ chịu làm sao. Nhưng giờ đây, những ngày mát mẻ đó đâu còn nữa, trời đã trở rét. Những bông hoa như rụt rè, thu mình lại. Những cây cổ thụ thân hình xơ xác, trơ trụi, cành lá khẳng khiu. Sau những tiếng trống “tùng tùng tùng...” của bác bảo vệ, giờ học đã bắt đầu. Cô giáo bước vào lớp thật duyên dáng.

Cả lớp đứng lên, đồng thanh:

    - Chúng em chào cô ạ!

    - Các em hãy ngồi xuống đi! - Cô nhẹ nhàng nói

     Cô nói tiếp - Cả lớp, cô có một tin vui cho các em. Đó là có một bạn học sinh mới chuyển đến trường ta và cô hiệu trưởng đã chuyển bạn ấy đến với lớp 5A này. Các em hãy hân hoan chào đón bạn ấy nào!

Cô nói nhỏ nhẹ - Em vào đi.

     Cả lớp vui mừng khi có bạn mới chuyển đến, xôn xao, bàn tán với nhau về cậu bạn mới này. Tôi thì lại rất ngạc nhiên vì trường chúng tôi - Một ngôi trường nổi tiếng nên đã có rất nhiều học sinh nhập học, do đó trường đã rất đông học sinh, đến cả cô hiệu trưởng đầu năm cũng đã nói rằng sẽ không nhận thêm học sinh nào chuyển về học nữa. Vậy mà bây giờ cô lại nhận thêm bạn mới chuyển đến trường. Thật kì lạ!

     Lúc này là chính là khoảnh khắc Đức chuyển đến lớp tôi. Đức bước vào lớp với một thân hình nhỏ thó, gầy guộc, khắp người thì bám đầy những vết bẩn. Làn da ngăm đen. Hai bên má lấm lem những vết đen xi giày. Mái tóc lồm xồm, dài quăn tít như đã ba, bốn tháng chưa cắt tóc, gội đầu. Đôi mắt tròn xoe, sáng long lanh trông có vẻ rất thông minh, lanh lợi. Bàn tay nứt nẻ, thô ráp, đầy những vết chai sạn. Nó vẫn mang trong mình một bộ đồ ấm nhưng chúng đã rách nát, bẩn thỉu. Cả lớp khi nhìn nó thì ai nấy đều cười nắc nẻ, thể hiện một sự khinh thường, đến cả tôi, tôi cũng không khác gì các bạn. Thấy vậy, Đức đỏ bừng mặt lên, rụt rè, lui về phía mép bảng. Cô giáo quát:

  • Các em im lặng!

Chúng tôi lúc đó giật mình cả lên. Cô nhẹ nhàng nói với Đức - Em bĩnh tĩnh đi, không sao đâu.

Nói xong, cô đề nghị cả lớp im lặng để xếp chỗ ngồi. Đây là giây phút chúng tôi hồi hộp, căng thẳng nhất. Mỗi khi cô dẫn Đức đi qua, chúng tôi có cảm giác như đang có một “thế lực đen tối” nào đó thoát ra từ người nó đang đẩy chúng tôi vào sát tường, thật kinh khủng! Đức Phúc - cái thằng khỏe nhất lớp tôi, nó đã cố gắng hết sức để có thể chống lại “thế lực” ấy để rướn lên thừa nhận với cô:

  • Cô ơi,...em xin cô...đừng xếp nó...ngồi bên em...em xin cô!

Lúc này, trong lòng tôi lo sợ vô cùng, vì bên cạnh tôi có một chỗ trống, người có cảm giác lo sợ ấy không chỉ riêng tôi mà còn có cả Phong ghẻ và Hùng lácnữa, chúng tôi có chung số phận. Cô dẫn Đức lại gần bàn của tôi, các bạn ở trước đã thở phào nhẹ nhõm, còn tôi thì hoàn toàn khác, lo sợ tột cùng. Nhưng may thay, cô chỉ liếc qua chỗ ngồi trống trải bên cạnh tôi rồi đi tiếp. Các bạn thì thà thì thầm, bàn tán với nhau một cách nhỏ nhẹ. Đi được một vòng quanh lớp, cô giáo đi lên bục giảng nói:

  • Cô đã chọn được chỗ ngồi cho Đức. Đức, em hãy xuống ngồi bên cạnh bạn...

Nghe đến đó cả lớp bất ngờ vì ai cũng tưởng rằng cô sẽ xếp chỗ ngồi khi cô đi đến bàn ai đó và chọn ngay chỗ ngồi chứ đâu ngờ rằng cô đi một vòng rồi mới chọn. Những tiếng thở phào đâu còn nữa, ai cũng siết chặt tay lại nghe cô nói trong sự hồi hộp. Việc chọn chỗ ngồi cho thằng Đức mà tôi có cảm giác như đang chơi xổ số vậy. Khi các cô gái đi ra xổ những chiếc bóng như bóng bida, tiếng lăn của bóng nghe rất giòn giã, rồi khi nó dừng lại, có những quả bóng ghi những con số bất kì rơi ra ngoài. Lúc này mới là lúc hồi hộp, MC cầm những quả bóng may mắn trên tay. Họ đọc to lên kết quả, những người chiến thắng thì nhận được số tiền thưởng, vui mừng, rạng rỡ. Còn những người thua cuộc, có những người thì thấy bình thường, có những người thì thất vọng, buồn rầu không tả xiết. Nhưng ở đây thì  ngược lại, người được đọc tên thì là người thua cuộc, còn không đọc tên thì chiến thắng. Nhưng không hiểu sao, ngày hôm đó số tôi lại đen đủi như thế. Cô giáo nói to lên:

-…của bạn Sơn!

Nghe thấy thế, các bạn tung hô, hân hoan vui mừng cảm ơn cô:

  • U hu, vui quá đi, cảm ơn cô nhiều!

Còn tôi thì buồn bã, úp mặt xuống bàn chán nản, Hùng lác ngồi gần tôi vỗ vỗ vai an ủi tôi như muốn nói :

  • Thôi đừng buồn làm gì nữa, vui vẻ lên đi, còn phải học nữa chứ. Tao chia buồn với mày!

      Cô đưa Đức lại ngồi bên tôi rồi bắt đầu bài học. Tôi vô cùng ghét nó, không thể chịu nổi cái tên bẩn thỉu, hôi hám này, tôi rất khó chịu. Vì vậy, tôi đã dùng phấn để phân chia chỗ ngồi với nó, nếu ai vượt qua cái vạch tôi mới vẽ thì sẽ bị phạt. Nhìn nó như thế, tôi cứ ngỡ nó khờ, còn mình thì khôn nên đã phân chỗ một cách gian lận. Tôi có chỗ rộng hơn của thằng Đức nhiều nên vô cùng thoải mái.

     Tôi là học sinh giỏi toàn diện ở trường đã nhiều năm liên tiếp, đã đạt rất nhiều danh hiệu khác nhau trong bốn năm học vừa qua, năm nay tôi quyết đậu vào ngôi trường cấp 2 danh tiếng nhất thành phố, Trường Trung học Cơ sở Lê Văn Thiêm. Các thầy cô ai nấy cũng tấm tắc khen ngợi tôi thông minh, lanh lợi. Ai cũng yêu quý tôi, kể cả những người bạn trong lớp. Không ai mà không yêu mến tôi, nếu có, thì hẳn sẽ bị coi là một đứa lập dị. Điều đó khiến tôi thấy rất hãnh diện về mình. Ở nhà, bố mẹ đều rất yêu quý tôi, họ rất tự hào vì họ đã sinh ra tôi, sinh ra một đứa con thông minh, nhanh nhẹn như thế. Vì thế, bố mẹ cũng chiều chuộng tôi hết mực. Được thầy yêu, bạn mến, được bố mẹ yêu thương, tôi rất vui. Đặc biệt, trong tất cả các môn học ở trường, môn tôi yêu thích nhất là Toán. Mỗi ngày, được cô giáo giảng dạy tận tình, dễ hiểu môn Toán ở lớp, tôi coi đó là kiến thức gốc, khi về nhà, tôi tìm tòi những bài tập nâng cao, luyện tập để có thể nắm chắc và phát triển thêm kiến thức của mình. Vì vậy, mỗi ngày, tôi càng cảm thấy mình giỏi hơn rất nhiều, cuối cùng, cuối năm lớp 4, tôi đã vươn lên nhất trường và đạt dược danh hiệu tôi hằng mơ ước, đó là “cây toán” tài năng. Nhờ những danh hiệu đó nên tôi càng khinh thường thằng Đức.

      Hôm đó là buổi học có bốn tiết. Hai tiết đầu là môn Tiếng Anh và Ngữ Văn, còn hai tiết cuối cùng là tiết học tôi yêu thích nhất - tiết Toán. Ngày hôm đó, tiết Toán quyền năng của tôi chiếm trọn hai tiết, tôi rất vui. Sau hai tiết học liên tiếp vất vả, những tiếng trống “tùng, tùng, tùng,...” của bác bảo vệ, có nghĩa rằng, giờ ra chơi đã đến. Các bạn nhân cơ hội ngàn vàng này để hỏi bài tôi, chúng nó xúm lại bàn tôi, hỏi han đủ thứ:

   - Ê Sơn, mày làm xong bài tập toán chưa, sao bài hôm ấy khó thế không biết?

   - Đương nhiên là tao đã hoàn thành một cách chu đáo rồi, tao thấy dễ mà!- Tôi nói với đầy vẻ hãnh diện

   -Bài khó thế mà mày nói là dễ à, ghê thế?- Các bạn bỡ ngỡ thán phục

     Bỗng thằng Đức ló cái mặt bẩn thỉu của nó vào. Các bạn thấy thế, tức điên lên, mắng cho nó một trận té khói, khỏi dám cãi lại, bọn nó đứng ra bảo vệ tôi nhằm lợi dụng điều đó để nhờ tôi bày bài giúp, cái chiêu này chúng nó đã xài rất nhiều nên tôi biết tỏng. Đối với tôi, nếu bọn bạn muốn được tôi bày bài thì phải cho hay làm gì đó cho tôi, nếu không thì đừng hòng mơ tôi bày bài cho nó. Thời gian trôi qua thật nhanh, mới được một lúc mà đã qua 15 phút. Bác bảo vệ đánh trống vào học. Tôi háo hức chờ đến tiết học này. Cô giáo vào lớp với sập giấy kiểm tra trên tay. Chúng bạn thấy thế mà lo lắng, bàn tán, xôn xao, nghĩ chắc chắn rằng sắp có bài thi toán. Phong ghẻ dũng cảm đứng lên:

    - Cô ơi, chúng ta sắp có bài kiểm tra toán hả cô?

    - Ừ, đúng rồi Phong, nhưng còn đến tiết sau, các em yên tâm, cô sẽ cho các em thời gian ôn bài vì đây là bài kiểm tra 1 tiết mà.- Cô an ủi

    -Rồi, chúng ta kiểm tra bài cũ nhé!- Cô nói tiếp

     Dù các bạn ai nấy cũng không được giỏi toán cho lắm nhưng cứ đến giờ kiểm tra bài cũ thì chúng nó vẫn ào ào xung phong trả lời. Đó là lúc sôi nổi nhất mỗi khi tiết toán đến. Có rất nhiều cánh tay giơ lên rất cao. Có thằng còn đứng lên ghế giơ tay để cô có thể nhìn rõ hơn. Những câu trả lời vừa hay vừa chính xác được các bạn đưa ra. Riêng thằng Đức, nó không giơ tay một lần nào cả, chắc nó kém không biết gì. Sau một hồi sôi nổi, cô giáo rất vui, khen ngợi các bạn. Cô nói:

    -Các em giỏi lắm, cô rất mừng. Bây giờ, thời gian còn lại cô sẽ cho các em tự ôn lại tất cả các bài học để chuẩn bị kiểm tra nhé.

     Nói xong, tôi nhìn quanh, trông ai nấy cũng vội vã lấy sách vở ra để ôn bài. Mặt ai cũng lo lắng, hì hục giở trang này sang trang khác để ôn. Tuy vậy, nhưng đặc biệt nhất là tôi thấy thằng Đức chả ôn gì cả, nó ngồi ngơ ngác như không biết chuyện gì đang xảy ra. Phong ghẻ nói:

  • May quá, tao chưa ôn gì cả luôn!

Một lúc sau, Cô giáo nói:

  • Kiểm tra nha các em! Phong ơi, em lên đây lấy đề về phát cho các bạn giúp cô với.

     Các bạn giật mình, còn tôi thì bình thường vì đối với tôi, kiểm tra 1 tiết rất dễ dàng. Phong ghẻ rụt rè đi lên lấy sập kiểm tra phát cho các bạn. Cô bấm giờ, chúng tôi bắt đầu làm bài. Trông bạn nào bạn nấy đều lo lắng, nheo mày lại, tỏ vẻ khó hiểu. Chỉ có thằng Đức là tập trung nhất. Tôi làm bài mà không chút ngần ngại, tôi làm nhanh chóng và tôi đã là đén bài cuối cùng. Tôi bất ngờ khi nhìn vào đề bài, đó là một bài toán trông rất khó, dạng toán tôi chưa gặp bao giờ. Tôi lấy giấy nháp ra nháp cho nát vẫn không ra cách làm. Đã qua 30 phút rồi, tôi vẫn chưa làm xong. Những bài hôm trước, tôi chỉ cần đúng 20 phút là xong nhưng bài này qúa khó nên tôi làm mãi. Cô giáo nói:

  • Có bạn nào đã làm xong chưa? Bài hôm nay rất dễ mà. Thế nào rồi Sơn, mấy bài này không th làm khó em đâu nhỉ?

    Tôi ngập ngùng:

  • Dạ...ạ...ạ!

Bỗng có tiếng nói vang lên:

  • Dạ thưa cô, em làm xong rồi ạ!

Cả lớp bất ngờ khi biết rằng, giọng nói đó là của thằng Đức. Tôi không thể tin vào mắt mình, tôi nghĩ thầm rằng chắc nó làm bừa, đến cả cây toán như tôi cũng không làm được, huống hồ gì nó. Thời gian từ từ trôi qua, giờ làm bài đã hết, tôi nộp bài với đầy nỗi thất vọng rồi xách cặp ra về. Trên đường về, tôi gặp Phong Ghẻ và Hùng Lé, tôi cố tránh khỏi tầm nhìn của chúng để chúng đỡ hỏi han. Nhưng cuối cùng, tôi không thể thoát được cặp mắt chim ưng của thằng Hùng lé. Chúng đạp xe lại gần tôi, hỏi:

- Mày làm được bài không vậy, Sơn? Bài cuối khó thật, bọn tao chả thể hiểu được luôn. À mà, thằng Đức làm được phải không?

- Ờ, ghê nhở! Vậy mày làm được không, Sơn?- Thằng Hùng bồi thêm

- Ừ...thì tao cũng bình thường thôi- Tôi rụt rè

Tôi không muốn chúng biết vì sợ chúng chế nhạo. Khi về nhà, bố mẹ hỏi tôi buổi học hôm ấy thế nào, tôi lừa dối bố mẹ và nói rằng buổi hôm ấy vẫn tốt nhưng thật sự hôm đó là ngày tồi tệ nhất đời tôi.

 Sáng hôm sau, đến tiết Toán , cô giáo trả bài kiểm tra, trước khi trả, cô nói:

  • Các em giỏi lắm, cô rất mừng, các bạn ai cũng đạt điểm cao, nhưng khi chấm, cô có hơi bất ngờ về bạn đạt được 10 điểm toán, người đó không phải là “cây toán” Sơn, bạn ấy chỉ được 9 điểm, mà người đạt điểm 10 là một bạn khác.

     Cả lớp bất ngờ trầm trồ, mọi ánh mắt đều hướng về tôi, tôi cúi rụp mặt xuống bàn buồn bã vì các bạn đã biết hết tất cả. Cô nói tiếp:

  • Đó là học sinh mới chuyển đến lớp ta và chắc chắn rằng khi cô đọc to tên bạn ấy thì các em sẽ phải thay đổi cách nhìn về bạn ấy. Đó chính là bạn Đức.

     Cả lớp ngạc nhiên ồ lên rồi vỗ tay nồng nhiệt, khen ngợi nó, còn tôi khi nghe câu đó, tôi như bị sốc nặng, cái thằng bẩn thỉu ấy đáng ghét lại đạt số điểm cao hơn tôi. Tôi thất thần và càng ghét thằng Đức hơn. Sau lần đó, năng lực của thằng Đức càng lộ rõ. Hàng ngày, nó luôn giơ tay phát biểu và đưa ra những đáp án rất chí lí, mỗi khi có bài kiểm tra thì nó luôn được 10 điểm. Danh hiệu “cây toán” tài năng dần tuột mất khỏi tầm tay tôi, và ngày càng thuộc về thằng Đức. Khi có bài khó gì, bọn bạn không hỏi tôi nữa mà xúm lại thằng Đức để hỏi. Đặc biệt, nó làm không công, bọn bạn không cần làm gì vẫn được nó chỉ bài, tôi dần bị chúng bạn lãng quên. Tôi càng chăm học hơn để cố vượt được thằng Đức nhưng mọi thứ đều trở thành công cốc.

    Một hôm, bạn Lan trong lớp tôi đến lớp với một chiếc đồng hồ mới trên tay rất đẹp. Lan nói đó là chiếc đồng hồ mà bố bạn mua cho. Bố bạn làm hải quan ở xa, không hay về thăm mẹ con Lan được nên chú ấy đã gửi quà về tặng mẹ con Lan. Lan mừng lắm:

     -Tớ rất thích chiếc đồng hồ này đây là chiếc đồng hồ quý giá nhất đối với tớ. Đây là món quà của bố tớ. Bố đi làm ở xa, ít khi về nhà thăm mẹ con mình, tớ rất nhớ bố mình.

     Bạn mừng rỡ ôm nó vào lòng mà nước mắt chảy trên đôi má ửng đỏ của bạn. Bỗng như có một tia ánh sáng lóe lên trong đầu tôi, tôi nghĩ thầm “Hay mình lấy cắp chiếc đồng hồ của Lan, bỏ vào cặp thằng Đức rồi vu oan cho nó, nếu bị phát hiện, chắc chắn các bạn sẽ ghét nó và lại yêu quý mình.” Giờ ra chơi đã đến, Lan cởi chiếc đồng hồ và đặt vào trong cái hộp nhựa để chơi không bị trầy xước. Đây là lúc phù hợp để lấy trộm. Lúc Lan đi chơi nhảy dây với mấy bạn gái, tôi lén lút thò tay vào cặp Lan rồi lấy chiếc hộp. Tôi  đi qua, nhẹ nhàng thả vào cái cặp mở toang của Đức. Vào học, Lan phát hiện mình đã mất chiếc đồng hồ. Cậu hét lên báo với cô giáo. Cô bắt đầu đi tìm chiếc đồng hồ giúp bạn ấy. Cô kiểm tra lần lượt từng cặp của các bạn. Cô đến gần bàn tôi, tôi cố ngồi thản nhiên không toát lên vẻ lừa dối của kẻ trộm. Cuối cùng, cô phát hiện chiếc đồng hồ trong cặp Đức. Nó cố giải thích với cô, cô không nói gì mà lấy chiếc đồng hồ trả cho Lan. Cô không hề phạt thằng Đức. Tôi bất ngờ vì cô hành động như thế, đứng dậy:

     - Cô ơi, Đức làm thế sao cô không phạt ạ?

    Cô vẫn không nói gì, chỉ bắt đầu tiết học. Đức rưng rưng nước mắt. Tôi vui mừng, hả hê. Các bạn cũng không nói gì. Tôi không hiểu vì sao.

     Khi về nhà, tôi đạp xe ngay sau chiếc xe đạp cũ kĩ của thằng Đức, nhằm tìm hiểu xem nó có bí quyết gì không mà lại giỏi thế. Dần dần tôi đi lại gần một khu chuột, tôi bất ngờ. Vào sâu hơn, tôi đi đến nhà Đức. Cả nhà Đức chỉ có đúng hai căn phòng: phòng khách và phòng bếp nhỏ. Ở trong phòng khách bé chỉ có một cái bàn, hai cái ghế nhỏ mà thứ đầu tiên tôi thấy là một cái bàn thờ, trên đó có bức ảnh một người đàn ông nhìn rất giống thằng Đức. Tôi nghĩ rằng đó là bố Đức. Tôi xúc động khi biết bố Đức đã mất. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy có một cậu bé đang ngồi trên ghế nhỏ, chân cậu giơ ra, chắc cậu bé bị liệt cả hai chân, không đi lại được. Bỗng cậu bé cất tiếng gọi:

    - Anh Đức ơi, anh về chưa?

Đức đậu xe sát bên tường rồi chạy vào, thả cặp giữa sàn nhà rồi nói:

    -  Em có sao không? Em cần đi đâu à, để anh giúp em đi?

    -  Dạ, em cảm ơn anh, em nhờ anh đưa em lại nằm gần bên mẹ, em muốn ôm mẹ để ngủ.

Hóa ra, đó là cậu em trai của Đức. Rồi tôi thấy có cái giường ngay trong phòng khách. Căn nhà nhỏ đến mức cả giường cũng đem đặt ngoài phòng khách. Nằm trên đó hẳn là mẹ của Đức. Chắc cô ấy đã ngoài 40 tuổi, cô ấy như bị tật nguyền, liệt hai chân, hai tay, không thể làm việc. Đức lại gần bên mẹ, mẹ cậu hỏi:

     Hôm nay con học thế nào?

  - Dạ, con học rất tốt mẹ ạ, mẹ đừng lo quá mà mệt- Đức trả lời

   - Thế hôm nay có chuyện gì đặc biệt không con?

   - Dạ...hôm nay cũng...không có gì cả mẹ ạ.- Đức ngập ngùng

Nhìn họ nói chuyện với nhau, tôi đứng ngoài cửa sổ mà bật khóc. Đức nói:

    - Mẹ ơi, lúc sáng con rửa bát cho quán ăn đầu ngõ được ngần này tiền (Cậu lấy từ trong túi áo ra), để con chạy ra đầu ngõ mua thuốc cho mẹ và em nhé.

Chuẩn bị đi, bỗng mẹ Đức ngăn cản:

    - Thôi con ạ, mẹ và em cũng đỡ rồi, không cần mua thuốc nữa đâu. Đức à, mẹ thấy con vừa đi học, vừa phải làm thêm khắp nơi để kiếm tiền nuôi tấm thân bại liệt này của mẹ và em, con có thấy mệt không?

Đức lễ phép đáp lại:

    - Dạ con không sao đâu mẹ ạ, mẹ đừng lo.Con sẽ tiếp tục đi học vì đó là niềm đam mê của con để sau này thành tài và có tiền chăm sóc mẹ và em. Còn bây giờ, con chỉ biết đi làm thêm để có miếng cơm manh áo cho gia đình mình.

Người em cảm động:

  - Em cảm ơn anh, bấy lâu nay anh phải vất vả chăm sóc mẹ và em. Ước gì, đôi chân này không bị liệt, thì em có thể đi học như các bạn đồng trang lứa, cùng đến trường với anh, cùng anh chăm sóc mẹ, em chỉ có mong thế thôi.

Nghe thế, tôi xúc động, ôm mặt khóc nức nở. Về nhà, bố mẹ chưa kịp hỏi gì về việc học ngày hôm đó của tôi thì tôi đã phóng vọt lên phòng ngủ. Tôi nằm lên giường ôm mặt khóc, hối hận về những gì tôi đã làm với Đức. Bữa tối, tôi cảm động kể lại tất cả mọi chuyện cho bố mẹ nghe. Bố mẹ rưng rưng nước mắt, không nói nên lời.

     Sáng hôm sau, khi đến lớp, Đức lên đứng trên bục giảng xin lỗi cô và cả lớp vì chuyện hôm qua và xin cô nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn. Tôi bất ngờ vì hôm qua cậu ấy còn nói việc học là đam mê của mình nhưng sau một đêm, cậu đã đổi ý. Tôi đứng phắt dậy rồi nói hết toàn bộ câu chuyện cho cô giáo và các bạn rồi nói tiếp:

     - Tớ xin lỗi cậu, Đức. Từ khi cậu chuyển đến lớp, tớ đã hành xử không tốt với cậu tất cả tại vì sự ghen tị của tớ đối với cậu rất lớn, tớ không muốn bạn bè bỏ mình mà chơi với cậu. Cậu là một học sinh thông minh, một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó để tiến lên trong học tập. Em xin lỗi cô, tớ xin lỗi các bạn và xin lỗi Đức về mọi việc tớ đã làm.

     Cô giáo và các bạn ai cũng khóc và tha thứ cho lỗi lầm của tôi, tôi động viên:

     - Cậu đừng nghỉ học mà Đức, bọn tớ rất quý cậu và sẽ giúp đỡ cậu mà, đúng không?

Cả lớp đồng thanh trong xúc động: “Đúng vậy.”

 Từ hôm đó, các bạn về kể lại cho bố mẹ, rồi thông báo cho nhà trường biết để có thể giúp đỡ bạn. Nhưng đâu ai ngờ rằng, chuyện đó đến cả UBND Tỉnh cũng biết và hỗ trợ gia đình bạn. Họ cho tiền xây một ngôi nhà mới cao, cho tiền để Đức đi học và hỗ trợ viện phí để chữa bệnh cho mẹ và em của Đức ở bệnh viện Tỉnh. Đức vui mừng cảm ơn cả lớp.

     Từ đó, tôi và Đình Đức trở thành bạn thân của nhau, được gọi là đôi bạn cùng tiến và chúng tôi đã thi đạt một số điểm rất cao và đỗ vào Trường Trung học Cơ sở Lê Văn Thiêm - Ngôi trường cấp 2 danh giá nhất thành phố. Dù lên cấp 3 chúng tôi không học chung với nhau nữa nhưng tình bạn đẹp đẽ này sẽ không bao giờ nhạt phai.

 

                                                                              Trần Đình Sơn

                                             ( Lớp: 6/1, Trường Trung học Cơ sở Lê Văn Thiêm)

 

. . . . .
Loading the player...