01-04-2022 - 07:30

TẤM LÒNG QUA MỘT BÀI THƠ của Nhà văn Phan Trung Hiếu

Tạp chí Hồng Lĩnh xin giới thiệu bài viết " Tấm lòng qua một bài thơ" của Nhà văn Phan Trung Hiếu về Đồng chí Nguyễn Tiến Chương - nguyên Chủ tịch UBHC, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Đồng chí: Nguyễn Tiến Chương

(1920-2022)

PHAN TRUNG HIẾU

 

TẤM LÒNG QUA MỘT BÀI THƠ

Bác Nguyễn Tiến Chương - nguyên Chủ tịch UBHC, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và sau đó là Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã qua đời. Là người lãnh đạo cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự phát triển của Hà Tĩnh, bác đã được trao tặng: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; Huân chương Chiến thắng hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước. Vậy nhưng ít ai biết được chính bác đã góp phần quan trọng đặt viên đá đầu tiên xây nền móng phong trào văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Trong chiến tranh chống Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Chương đặt bút kí quyết định khai sinh ra Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh. Khi bố tôi về nhận công tác tại Ty Văn hóa Hà Tĩnh những năm đầu thập kỷ 60 thì bác Chương đã là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Thua cả gần chục tuổi nên mỗi khi nhắc đến, bố tôi thường gọi bác Chương một cách thân mật, gần gũi và kính trọng. Thời còn sống, bố tôi rất quý mấy bức ảnh đen trắng cũ kỹ chụp chung với các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong đó có bác Nguyễn Tiến Chương lúc đó đã là Phó Bí thư trực Đảng, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch UBHC tỉnh (1967-1971) và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh (1972-1976).

Cuộc đời của bác Chương gắn liền với thời gian dài lịch sử của đất nước và quê hương Hà Tĩnh. Trong những năm tháng chiến tranh cũng như khi hòa bình lập lại, dẫu bao nhiêu bận rộn nhưng ông vẫn luôn dành cho các văn nghệ sĩ những tình cảm nồng ấm, chan hòa, gần gũi. Đầu xuân năm 1983, sau lúc nghỉ hưu, bác Nguyễn Tiến Chương mới có điều kiện ghé thăm nhà riêng bác Thái Kim Đỉnh lúc này cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu. Bác Chương sinh năm 1920, bác Đỉnh sinh năm 1926. Cách nhau 6 tuổi, cũng có thể xem là anh em, là bạn vong niên. Chỉ có điều, khi bác Đỉnh dấn thân vào sự nghiệp thơ ca, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ thì bác Chương đã là chính khách, người lãnh đạo chủ chốt quan trọng của cả một tỉnh. Thi hành quyết định số 2963/QĐ ngày 6/12/1968, tại Đại hội thành lập Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh đầu năm 1969, bác Đỉnh đã được bầu làm Phó Thư kí (tương đương Phó Chủ tịch Hội bây giờ) và giữ cái chức “Phó” ấy cho đến Đại hội lần thứ hai và kể cả sau này khi hợp nhất thành Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Anh Thái Minh Hiền, con trai bác Đỉnh kể câu chuyện vui cái lần bác Chương giải cứu cho bác Đỉnh. Số là một hôm có trận bóng đông nghịt người diễn ra ở sân vận động thị xã, anh T.C.L làm bên Bảo tàng tỉnh vì tếu táo chọc nghịch công khai chị em nên bị công an bắt về đồn. Bác Đỉnh thương tình sang trình bày xin xỏ thì cũng bị giữ lại luôn vì tội bao che hành vi phạm tội bậy bạ của người khác. Chỉ đến khi bác Chương biết chuyện gọi điện sang can thiệp, hai người mới được thả ra.

Sau chuyến ghé thăm hơn một tiếng đồng hồ trò chuyện thân tình tại nhà riêng bác Đỉnh, bác Chương về viết bài thơ “Đến chơi nhà anh Đỉnh”:

Hẹn mãi, xuân này mới đến anh

Ngôi nhà trống trải mấy buồng gianh

Vườn thưa, hoa chiếc chừng lưu luyến

Áo cũ ngự hàn cũng mong manh

Mặc ngoài trời lạnh, phòng văn ấm

Sách xếp, giá treo tựa lũy thành

Bản thảo mấy pho, ai biết đến

Hẩm hiu chưa hết kiếp nhà văn

 

Biết nhau, ta biết tự lâu rồi

Hiểu được tình nhau đã cuối đời

Đượm chút hương trà xuân muốn nói

Còn lòng im lặng những đầy vơi!

Bài thơ chỉ gồm 3 khổ, sáng sủa, gọn gàng, tròn trĩnh về câu chữ nhưng ôm chứa trong đó nhiều điều khiến ta phải giật mình. Có thể thấy rõ sự bất ngờ và lòng thương cảm trào dâng khi tận mắt chứng kiến cảnh sống của một văn nghệ sĩ có tiếng tăm cho đến lúc gần hạ cánh về hưu vẫn còn đối mặt với cảnh nghèo. Giữa những “trống trải”, “mong manh”, “vườn thưa”, “hoa chiếc”, tác giả chạnh lòng ái ngại cho thân phận một người đã bạc tóc cống hiến cho sự nghiệp văn hóa văn nghệ của tỉnh nhà nhưng cuối đời vẫn gặp khó khăn: “Bản thảo mấy pho, ai biết đến/ Hẩm hiu chưa hết kiếp nhà văn”. Từ cái sự cảm thông chia sẻ ấy, hé lộ nỗi tiếc nuối muộn mằn chỉ vì “Hiểu được tình nhau đã cuối đời”, khi mà giờ đây mình không còn có được cái thế để có thể quan tâm giúp đỡ thêm cho người khác. Bên chén trà xuân thay bao điều muốn nói, vẫn có một tâm sự không thể nói nên lời “Còn lòng im lặng những đầy vơi”.

Bác Chương sinh ngày 10/3, thọ 103 tuổi và lễ đưa bác trở về lòng đất mẹ Kỳ Phong, Kỳ Anh cũng đúng vào chiều ngày 10/3. Không rõ bây giờ ở thế giới bên kia thế nào nhưng với những người còn sống, một quyết định lịch sử, một bài thơ và những tấm ảnh còn lưu giữ được với giới văn nghệ sĩ có thể xem là những tín vật quý giá về một mối quan hệ đồng chí, đồng hành, đồng cảm trên con đường cống hiến sức mình vì quê hương, đất nước.

              Tháng Ba, năm 2022

                                                                                               P.T.H

. . . . .
Loading the player...