08-03-2023 - 07:23

TẢN MẠN VỀ CÁC NỮ TÁC GIẢ TIỀN BỐI ĐẤT HỒNG LAM

Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 3 năm 2023 trân trọng giới thiệu bài viết "Tản mạn về các nữ tác giả tiền bối đất Hồng Lam" của nhà LLPB Hà Quảng

 

tản mạn về các nữ tác giả tiền bối

đất hồng lam

                                                                                                

       Trong tiến trình phát triển của Văn học Việt Nam, Văn học Hà Tĩnh có những đóng góp đáng kể trên nhiều lĩnh vực: tác giả, tác phẩm, thể loại, trào lưu, văn phái ... Chỉ riêng về mặt tác giả, thời kỳ nào Văn học Hà Tĩnh cũng có những tuổi tên lừng lẫy: Nguyễn Y Sơn, Sử Hy Nhan, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Đặng Minh Khiêm (thế kỷ 14,15,16), Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Phan Huy Ich, Lê Hữu Trác, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Công Trứ...(thế kỷ18,19), Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, Xuân Diệu, Hoàng Ngọc Phách (thế kỷ 20)...Trong dãy dài các tên tuổi văn nhân thi sĩ đó, có một điều mà ta không thể quên là Hà Tĩnh có rất nhiều bậc nữ lưu hào kiệt. Xin kể một vài tên tuổi: Bùi Thị Trang, Nguyễn Thị Quyên, Võ Thị Ngọ, Võ Thị Nhẫn... Họ đã xa khuất chúng ta nhưng tác phẩm còn nguyên xúc động trong lòng độc giả...

Trước hết phải nhắc đến bà Tú Ý (1830-1897). Tên thật Nguyễn Thị Quyên, con út Nguyễn Công Trứ, người thôn Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chồng là Trần Văn Ý, người làng Đan Phổ, đậu Tú tài nên người ta thường gọi bà Tú Ý. Ông Tú Ý người Nghi Lộc, có tham gia nghĩa quân Cần Vương, dưới sự lãnh đạo của Hoàng giáp Lê Chánh. Trải nhiều cuộc đụng độ, nghĩa quân chiến đấu kiên cường nhưng sau thất bại. Pháp ra sức khủng bố, ông bỏ trốn về quê sau bị bệnh mất. Bà là người hay chữ, tính tình cương trực. Bà thường đi đây đi đó giao du kết bạn văn thơ. Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, ảnh hưởng nền nếp gia phong, bà không chịu cúi mình quen với đời sống an phận, trong tâm tưởng chứa chất lòng u hoài cảnh nước mất nhà tan. Tâm sự đã thể hiện trong nhiều thơ văn xướng họa của bà, khi là một sự tự hào về quá khứ cha ông:...Sơn hà muôn dặm không hầu dễ/Văn hiến ngàn năm há phải chơi (Hỏi cố đạo); khi là những lo âu, nhức nhối về vận nước, về trách nhiệm kẻ sĩ:...Nom lên Hồng Lĩnh mây bay ngược/Ngó xuống Lam Giang nước chảy xuôi/ Ai về nhắn với phường tri kỷ/Phải tính sao đây há lẽ ngồi? (Nhìn thế sự).                                                                           

Bà cũng để lại nhiều bài thơ trào lộng có giá trị nêu cao tài trí nhân cách người phụ nữ. Chuyện kể, một hôm đi thuyền dọc sông Lam, cùng đi có một ông cử. Nghe đồn bà hay chữ, ông cử xin bà xướng một bài để hoạ cho vui. Bà ứng khẩu đọc một bài thơ xuớng. Ông cử buồn bã mắc nợ vì "bí vận”. Bà ứng khẩu đọc bài thơ này: Mấy lâu gằn gọc một bài thơ/Văn đó như chơi chiếu đó xơ/ Đầu gối lắc hoài câu chẳng vẹn/Hàm râu nhổ hết bút cũng trơ/…Nhắn với tao nhân nào đó hở/Đây là cửa sấm biết hay chưa? (Tặng người hoạ thơ mãi không được)

Thứ hai là Bùi Thị Trang (1833 -  ?), cũng gọi tắt là Cô Trang, năm mất và quê quán chưa rõ.  Bà là con gái Phó bảng Bùi Thế ở xã Phất Não nay là xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà (?) Chồng là Nguyễn Cẩn. Hai vợ chồng hưởng ứng chiếu Cần Vuơng của Hàm Nghi, tham gia nghĩa quân Phan Đình Phùng chống Pháp. Nguyễn Cẩn hy sinh trong một trận phục binh ở Trại Lê, nay thuộc xã Quang Lộc, huyện Can Lộc. Tương truyền cô giỏi văn thơ, thường xướng họa cùng chồng. Sau khi chồng mất, cô viết bức thư bằng văn vần sau đây gửi Lê Ninh (Ấm Ninh) - lãnh tụ nghĩa quân Trung Lễ, Đức Thọ lúc bấy giờ, bày tỏ lòng căm giận giặc Lang sa (Pháp), sự cảm phục nghĩa khí quân khởi nghĩa và uớc vọng của mình báo thù chồng, trả nợ  nuớc. Bức thư có những đoạn được truyền tụng rộng rãi lúc bấy giờ: ...Chữ quân tử bốn phương hồ thỉ/ Lòng nữ nhi đâu chịu ngả nghiêng/ Xưa nay một gánh cuơng thuờng/ Nào ai lại cứ nhẹ nhàng đuợc chớ!/...Kìa Lang sa là loài dương khuyển/Cứ phỉnh lừa qua đến nuớc mình/ Lấy của nả bạc vàng đó lắm/Lại cũng thêm hiếp hãm đàn bà/ Thật là đồ quỉ loài ma/Đâu là đạo lý đâu là thi thư?/ Gây bao tội bất nhân đã quá/ Dẫu đàn bà cũng ngá (ngứa) gan thay! (Thư gửi Ấm Ninh). Bà mất sớm, những bài thơ văn khác hầu hết bị thất lạc.

 Người thứ  ba là Võ Thị Ngọ ( ? - ? ), người làng Phú Minh, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, cháu cụ Võ Liêm Sơn. Năm 1930 hoạt động Cách mạng bị bắt, bao phen bị tra tấn chị không khai. Tên công sứ dụ dỗ, chị kiên quyết chống lại, bị tăng án tù từ ba năm lên chung thân, sau nhờ sự đấu tranh của các chiến sĩ, các tù nhân nên chị mới được giảm án. Tấm lòng kiên trung của chị trước roi đòn, tù tội đó được gửi gắm trong nhiều bài thơ: Tra tấn làm chi luống uổng công/Con này đâu sợ cảnh lao lung/ Một lời cương quyết sau như trước/Trăm kế dỗ dành có cũng không/ Ngọc nát cũng liều càng sáng giá/Thân tàn nên gửi lại non sông/ Đem gan thi với xiềng roi kẹp/Cho bọn sài lang khiếp má hồng (Nhắn bọn sài lang). Đặc biệt ý thức về sứ mệnh người dân trong cảnh nước mất nhà tan là nỗi niềm luôn đau đáu trong tâm can người nữ chiến sĩ, các vị túc nho vẫn không ngớt lời khen ngợi những vần thơ tràn đầy tâm sự và khí phách của chị: Nước mất nhà tan cái nợ chung,/Có ta ta cũng ghé vai cùng./ Liễu bồ cũng đứng trong trời đất/Vàng đá xin thề với núi sông….Hay: Thân yếu tay mềm đành phận gái/Gan bền chí vững cũng đàn ông./Nợ đời chưa trả duyên chi nữa/ Gươm ấy là con súng ấy chồng (Nỗi niềm).

Người thứ tư là Võ Thị Nhẫn, tức O Nhẫn (1892-1953). O Nhẫn là danh xưng thân mật quen thuộc người làng đặt cho. Bà sinh ra trong một gia đình nông dân thuộc làng Đan Du (nay là xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh). Cha mất sớm, việc học hành không đến nơi đến chốn nhưng bản chất thông minh, lại sinh trưởng trên mảnh đất có truyền thống văn học, O Nhẫn bước vào làng ví giặm một cách ngẫu nhiên nhưng sắc sảo, để lại nhiều giai thoại hấp dẫn. Quê O Nhẫn, vùng  Đan Du là cái nôi ví giặm của huyện Kỳ Anh: Đất Văn Tràng chạy cá,/ Đất Trung Hạ đốt vôi,/ Đất Đan Du bầy tui,/ Đứa nằm ngã (ngữa) trong nôi,/ Cũng biết đàng hát giặm!.Sinh thời, trong những đêm hát, O đối đáp dí dỏm, sử dụng thành thạo các làn điệu giặm ví, nhiều câu hát đậm đà chất văn học khiến các bậc tao nhân mặc khách cũng khâm phục. Nhưng cái nổi bật là tấm lòng giàu nhân nghĩa và sự khinh ghét các thói xấu mà O Nhẫn thể hiện trong các bài đối đáp làm cho các lời hát ăn sâu trong lòng quần chúng và được truyền tụng qua tháng năm. O đã khái quát được thân phận của một kiếp người phụ nữ trong xã hội cũ qua những lời tự bạch:…Thầy mẹ sinh ra em như chùm hoa thiên lí /Đêm em nằm em nghĩ hết nguồn cơn.. Nhưng cao hơn các bạn đồng trang , O thấy rõ phẩm cách và giá trị thực của mình. Những vẫn thơ rất chân chất nhưng không hề tự ty hoặc cam phận theo thói thường tình:...Mình em như tấm lụa/ Đem bán giữa đình trung/ Khách mua bán cũng đông/Nỏ có ai đáng giá/ Nên em lại tìm đi/Chốn rừng thâm bể thẳm/Chốn rừng dày bể thẳm/Để tìm bạn tương tri…

Người nghe ngợi khen ở O Nhẫn có những sáng tác, tuy đa phần là ứng khẩu, nhưng chữ nghĩa  sắc sảo, sử dụng lối "chơi chữ”  trào lộng, khiến nhiều anh “nho sĩ” phải lúng túng. Cậu phó bảng Nguyễn Tiến Kỹ khi cất lời ví von hòng “đánh” vào sự muộn màng của O bằng hình thức chơi chữ “Nhẫn”:  Nước lên nhân nhẫn bờ rào/Thuyền người ta sang cả, riêng em cắm sào đợi ai? Câu đó bị đáp trả một cách ý nhị khi O chơi chữ “Kỷ”: Nước lên nhân nhẫn bờ rào/Em cũng đợi người tri Kỷ cầm sào cho em sang. O cũng thể hiện sự khinh bỉ những kẻ tham danh hám lợi: Nay anh khoe bao lắm bạc/Mai anh vỗ túi nhiều xu/ Nơi thị thành anh gần gũi/Chốn tang du anh hững hờ./Anh không mến mẹ thương cha/Anh tham danh hám lợi thì anh là con ai?.Trên hết, qua lời hát của mình, O đề cao tài trí, nâng tầm người phụ nữ lên cao. Lời thơ của O khi rất dân dã, nhưng cũng có khi thật thông tuệ, biết sử dụng thành thục các điển cố: Thiếp thương thân thiếp dãi dầu/ Lưng thắt đai Tử Lộ, vai  quẩy bầu Nhan Uyên… Sự tự tin ở đây xui ta nhớ đến những vần thơ của Hồ Xuân Hương cách vài thế kỷ.

Bốn tác giả nữ tiêu biểu sống cách ta không lâu, trong những hoàn cảnh đặc biệt, nhưng tất cả đều nồng nàn lòng yêu nước, có lòng tự trọng về địa vị người phụ nữ và ý chí cao cả về tự do, nhân phẩm. Chúng ta yêu thơ họ, nhưng trước hết là yêu cuộc đời họ đã sống./.

                 Hà Quảng

 

. . . . .
Loading the player...