13-05-2021 - 21:36

Tản văn CÒN TRONG NỖI NHỚ của Nguyễn Thạch Đồng

Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tản văn CÒN TRONG NỖI NHỚ của tác giả Nguyễn Thạch Đồng

 

CÒN TRONG NỖI NHỚ 

                                                                                    Tản văn

Sáng. Mặt trời lên. Bên chén trà sớm, ngắm hoàng mai mãn khai, bồi hồi nhớ lại những ngày đã xa ở quê…

…Rét ngọt. Trời mưa dầm mấy ngày nay. Tinh mơ, anh đội trưởng “tuần sương” đến báo với mẹ là mấy vạt ruộng đầu trọt Khe Nậy bị bầy lợn ri hồi đêm về ăn phá, bao nhiêu là nếp thơm bị lũ lợn vầy nát trong bùn. Mẹ tất tả ra đi, vì mẹ là đội trưởng đội sản xuất của hợp tác xã.

Xứ Khe Nậy là ruộng nhất đẳng điền. Khỏi phải nói. Bùn ngấu phù sa có chỗ ngập đến bụng người. Không cần bón bất kì thứ phân nào mà lúa vẫn xanh tốt quanh năm. Ngoài độ phì nhiêu có từ bao đời trên chân ruộng thì hàng năm chất mùn lá mục của cây cối từ các triền núi đá được nước mưa đưa xuống cùng với toóc rạ tự hoai mục làm tăng độ màu mỡ cho đất. Vì thế lúa tốt rất nhanh, bông sây hạt mẩy. Chỉ khổ nỗi là bụi bờ rậm rạp đường sá khó đi. Là xứ ruộng lầy thụt nằm giữa các dãy núi đá có sườn dốc hơn mái nhà. Từ làng đến ruộng chỉ có một con đường độc đạo nhỏ hẹp quanh co. Có chỗ chỉ đủ cho một người lách qua. Đi lại đã khó, việc mang vác gồng gánh lại càng khó hơn…

Ruộng Khe Nậy hợp với giống nếp thơm. Là giống lúa nếp thơm ngon đặc sản bản địa từ lâu đời. Đây là giống lúa dài ngày, cây cao, chịu sình lầy, dẻo dai, lại ưa màu mỡ, mà ưu điểm là sự chống chọi với sâu bệnh. Ngoài giống nếp trên, nếu đem các giống lúa khác trồng cấy trên đồng đất màu mỡ nhẫy bùn đen nhánh như than chì thì rất dễ lốp đổ, vì lúa quá tốt, đến thì làm đòng gặp gió lốc là đổ rạp, ngập trong bùn non, không ngoi lên được, vậy là mất mùa.

 Giống nếp thơm hạt tròn bầu, vỏ trấu màu vàng sẫm, thân hạt có những đường hoa văn sọc nâu chạy dọc từ hom lúa đến cuống, màu sắc óng ánh trông giống một tác phẩm nghệ thuật cân đối hài hòa. Hạt nếp to hơn các giống nếp khác ở quê tôi. Hao hao giống nếp cái hoa vàng nhưng nếp thơm màu vàng hơn. Gié lúa mảnh và ngắn, hạt nếp sít đều trên bông nên khi nếp chín trông giống cành nguyệt quế. Các hạt nếp xếp đều đặn, kết liền nhau mây mẩy, óng nuột. Bông nếp cong trĩu xuống như cái miệng gàu trên chiếc cần xúc khổng lồ. Nhìn từ xa, những bông nếp thơm thật giống những bông kiều mạch xứ thảo nguyên. Mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua, bông nếp chạm vào nhau rồi lại giãn ra, nhún nhảy uyển chuyển như vũ công tập múa.

Nét đặc trưng của nếp thơm là mùi thơm. Đây là sự khác biệt trời ban để nếp thơm tự hào khoác lên vương miện mĩ miều cao sang của nó. Mùi thơm quyến rũ, có sức hấp dẫn lạ kì, không chỉ với con người mà còn mê dụ cả chim muông, cầy nhím, côn trùng và nhất là lũ lợn lòi. Chúng ưa lúa nếp đang thì lên đòng non, vừa thơm nhưng nhức lại vừa dòn ngọt. Đêm xuống hoặc lúc chạng vạng tối là mẹ con nhà lợn trên núi mò xuống, ăn phá, quẫy đạp, ăn no rồi vầy nát cả vạt ruộng. Vì thế dân làng đã lập đội bảo vệ gọi là “Đội tuần sương” để xua đuổi lũ lợn rừng hay phá hại hoa màu. Hạt nếp thơm được chưng cất từ vị thơm của bùn đất, của khí trời bát tiết, có nắng mưa sấm chớp bão giông. Từ cuối xuân đến đầu đông, gần một năm tròn mưa nắng, đêm ngày mà làm nên như thế. Cái thơm từ gié lúa cọng rơm thơm ra. Chiếc lá mỏng mảnh, cuộng toóc thon dài, gốc rạ xù xì thô xáp cũng góp phần lan tỏa mùi thơm cả một vùng ruộng lầy, lũng sâu heo hút. Những chân ruộng trồng cấy nếp thơm đến thì con gái xanh mướt mượt, đua nhau tỏa hương trong sương sớm nắng mai dịu ngọt mê hồn. Ngắm nhìn ruộng lúa, hít hương thơm căng lồng ngực mà ngỡ được chiêm ngắm những tú nữ xuân thì. Ruộng thơm lựng về đêm, tan đi cái yên tĩnh thâm u của núi đá thung sâu, thấm vào từng hạt sương ngàn, rạo rực sức sống trong cái tĩnh lặng của đêm, đợi ánh ngày để bừng dậy. Ban mai, những làn gió biển thổi vào, sượt qua vai núi, xào xạc cây rừng, tràn xuống những trảng ruộng nếp thơm, hòa vị mặn của biển vào hương lúa, hào phóng mang mùi thơm bay xa, cách chừng mấy dặm đã sực nức mùi hương đậm đà mời gọi …

Là giống lúa nếp dài ngày, thường gieo mạ vào cuối tháng hai, cấy vào tháng ba âm lịch. Lúa xanh tốt giữa mùa hè, chẳng lo thiếu nước vì trong các lũng núi nước không bao giờ cạn. Cuối tháng chín, đầu tháng mười là lúa chín.

Nếp thơm chín vàng sậm khắp lũng sâu là lúc bà con dân làng đi lảy nếp. Lúa nếp khi chín thường đổ rạp xuống ruộng do thân lúa cao, nghiêng theo chiều gió và dòng chảy tự nhiên của nước trên ngàn đổ xuống. Thu hoạch nếp thơm thường phải dùng liềm, lưỡi hái, có khi chỉ con dao nhỏ cầm tay. Dùng liềm, hái  kéo bông lúa lên, vuốt ngược đến đầu bông lúa, gộp từ một đến vài ba bông để cắt. Chẳng mấy khi cắt được nhiều bông như gặt lúa thường.

Từng lọn nếp trong tay được gom thành lượm nhỏ đều đặn. Nhiều lượm được bó thành một gồi bằng lạt tre mềm dẻo. Độ bốn gồi bó thành một bó lúa to trông thật đáng yêu. Vì đường núi gập ghềnh khó đi lại nên phải dùng đòn xóc nhẵn bóng để gánh lúa về nhà. Vất vả là vậy mà phấn khởi vô cùng. Mừng vui đến chảy nước mắt khi ôm những lượm lúa chắc mẫy vàng ươm nặng trĩu trên tay, thơm hương dịu dàng mà quên đi cái vất vả nhọc nhằn của tháng ngày trồng cấy.

Gié lúa nếp thơm thường rất dai, việc tuốt nếp hầu như bằng thủ công toàn bộ. Vò lúa bằng chân, kéo lúa bằng trục lăn, riêng để nếp giống phải tuốt bằng tay. Ít khi đập nếp cả gùi vì sợ bong vỏ trấu mỏng mảnh của nếp, giập nứt cả hạt gạo bên trong. Tuy nhiều công phu như vậy nhưng chỉ độ một tuần là thu hoạch xong xuôi. Nếp chắc mẩy được dành để gói bánh chưng, đồ xôi, làm cơm nếp. Phần nếp non được dùng làm cốm, làm bánh kẹo. Cốm nếp thơm giòn lại còn ngọt béo đậm đà hấp dẫn tuổi thơ đến tận bây giờ.

Kỳ Xuân quê tôi ngày trước nổi tiếng là vùng có nhiều nếp thơm cùng với  Xứ Voi văn vật trù phú. Bánh tày Voi được gói từ hạt gạo nếp thơm nức tiếng gần xa, trở thành nỗi nhớ của bao người, thưởng thức một lần là nhớ mãi. Miền quê tôi, tận bây giờ còn âm vang câu hát:

Nhớ bánh tày Voi mẹ hiền gói gắm

Thắm tình con đi khắp nẻo đường dài…

Ấy vậy mà giống lúa nếp thơm, hạt gạo trắng ngần thơm tho ấy giờ chỉ là trong kí ức, trong nỗi nhớ vời vợi nao nao.

Dịp đầu xuân, trong lần trò chuyện với chú em họ từng là Giám đốc sở Khoa học Công nghệ có nhắc lại lúa nếp thơm ở quê nay đã mất hẳn giống. Ước chi còn lại cái nguồn gen quý hiếm đã đồng hành chịu thương chịu khó, đồng cam cộng khổ với dân quê từ bao đời nay. Chỉ còn một hạt thôi cũng đủ nhân giống thành chân ruộng đại trà trong thời gian không xa với trình độ khoa học như ngày nay. Thật tiếc! Khi mà đời sống đang lên, quê nhà đổi mới, cùng với những sản vật đã trở thành thương hiệu lên ngôi thì nếp thơm lại đi vào quá khứ của các chân ruộng lầy. Không chỉ có nếp thơm, lúa hai câu, lúa hai hom mà còn nhiều sản vật quý hiếm như Cu Kì, Tôm hùm, Cửu khổng, Bào ngư, rau câu, rau đòng vv dần dần sẽ biến mất nếu không có kế sách để bảo tồn nòi giống cho chúng. Khi mà con người ra sức tàn phá, tận diệt để tận hưởng thú vui tiệc tùng sơn hào hải vị của mình. Khi mà môi trường sống của sinh vật bị thu hẹp lại bởi lòng tham của con người. Chắc rằng cùng với xứ ruộng màu mỡ Khe Nậy, Khe Còi, Khe Viến quê tôi, các chân ruộng Xứ Voi bình dị đã từng ấp yêu những gốc rạ lúa nếp thơm nồng ngày xưa cũng buồn lắm. Dẫu biết thiên nhiên là đám mây hay thay đổi, luôn luôn và không bao giờ giống như cũ nhưng vẫn nhớ lắm thương nhiều. Thương nhớ những ngày tháng Ba thơm hương lúa nếp đẫy thì và tháng Mười dậy mùi cốm mới. Giờ đây nếp thơm đã đi xa ngàn dặm với dằng dặc thời gian đã không trở lại quê hương.

Mặt trời lên cao.

Nắng đầu xuân ấm nồng hương mật.

Năm Tân Sửu ước vọng bao điều tốt đẹp an lành đến với đất nước quê hương. Và hình ảnh anh chàng đực mộng dẫn đầu đàn trâu hợp tác đang hăm hở như xung trận ào xuống đạp nẩy khuấy bùn các chân ruộng lầy vào vụ cấy lúa nếp thơm lại hiện về.  

N.T.Đ

. . . . .
Loading the player...