16-08-2023 - 04:31

Tản văn MÙA LẠC của Tác giả Lê Thị Xuân

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu Tản văn MÙA LẠC của Tác giả Lê Thị Xuân

lê thị xuân

mùa lạc

                                                                                                                          Tản văn

Vào mỗi độ tháng tư, tháng năm âm lịch là quê tôi bước vào mùa lạc. Dù công việc bận bịu đến đâu, tôi đều thu xếp thời gian về quê nhổ và hái lạc cùng với mẹ. Vì đó không đơn thuần là một công việc mà là cả tấm lòng tôi dành cho loài cây làm nên hạnh phúc của quê tôi.

Lạc được trồng vào cuối tháng chạp đến đầu tháng giêng khi mùa xuân bắt đầu chạm ngõ, tiết trời còn chút se se lạnh. Đất được làm kĩ sau khi cày bừa, phơi ải khá lâu, phân chuồng được chuẩn bị nhiều và kĩ lưỡng như ủ cho hoai mục với vôi và phân xanh. Khi gieo hạt, đất phải đảm bảo độ tơi xốp, thoáng khí và băm thật nhỏ. Mật độ gieo trồng phù hợp với khả năng đẻ nhánh của từng loại giống. Vì vậy, việc thúc lỗ phải do người có kinh nghiệm và cẩn thận trong mỗi gia đình đảm nhận. Hạt lạc được tra vào các lỗ xong thì lấp đất. Sau khoảng một tuần, chúng đội đất chui lên, từ từ xoè hai chiếc lá mầm bụ bẫm chứa đầy chất dinh dưỡng nuôi cây giai đoạn rễ còn non yếu. Quá trình chăm sóc cũng khá vất vả cho người trồng khi phải xới, nhổ cỏ, bón thêm phân và vun gốc cho đến khi cây tốt xanh che kín mặt đất. Sự đòi hỏi khắt khe của cây không làm cho người dân quê tôi nản chí mà trái lại nó ngày càng được trồng nhiều hơn, nhân rộng thành loài cây cho thu nhập chính trên mảnh đất này. Bởi nó không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, là nguồn thực phẩm bổ dưỡng mà là những bài học nhân sinh cây mang lại, cũng như sự tận hiến để trả ơn cho đất, cho người đã ươm trồng, chăm sóc nó

Tôi nhớ lần đầu tiên, khi tôi biết phụ giúp mẹ làm cỏ cho cây lạc, chẳng may lỡ tay nhổ nhầm một cây lên cùng cỏ. Tôi đã tò mò hỏi mẹ vì sao rễ của nó lại có từng hạt li ti nổi lên như hạch. Mẹ bảo rằng đó là những nốt sần của cây, được sinh ra để làm nơi trú ẩn cho loài vi khuẩn cố định nitơ của khí trời thành nguồn đạm bổ sung cho đất. Rồi khi thu hoạch, củ lạc được thu hái về phơi khô, phần thì mẹ bán lấy tiền sinh hoạt phí, phần mẹ để dành làm thức ăn cho cả nhà vào những ngày mưa hay bận bịu không đi chợ được. Những món ăn từ lạc đều thơm ngon, béo ngậy khiến lũ trẻ chúng tôi thi nhau ăn no căng bụng mà miệng vẫn thòm thèm. Thân cây lạc thì được phơi khô, nghiền nhỏ để dành heo bò ăn quanh năm suốt tháng. Phần lá rụng dù ở bất cứ đâu, mọi người đều quét cho bằng hết để ủ cùng phân rồi bón ruộng. Trong suy nghĩ ngây thơ của một đứa trẻ, tôi đã thầm biết ơn cây lạc, vì nó không chỉ trồng để lấy củ cho người, lấy cây cho vật nuôi ăn mà còn góp phần cải tạo mảnh đất bạc màu, cằn cỗi ở quê tôi. Nhiều loại cây trồng như khoai tây, khoai lang, vừng, ớt cay, lúa...được trồng sau mỗi mùa thu hoạch lạc đều cho năng suất rất cao, chất lượng rất tốt . Đất cát quê tôi cứ thế mà ngày càng trở nên phì nhiêu, màu mỡ, cuộc sống con người ngày một ấm no, quê hương không ngừng khang trang, giàu đẹp mặc cho ông trời đổ nắng, chan mưa quanh năm nghiệt ngã. 

Từng ngày lớn lên, tôi hiểu được cây cũng như người, để có được thành quả là hoa thơm, trái ngọt, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao như cây lạc, rễ nó phải siêng năng kiếm tìm trong lòng đất, chắt chiu từng chút đạm của khí trời để vun bồi cho đất, lá nó phải cần cù chắt chiu nguồn nhựa sống, phải kiên cường chịu đựng khi nắng mưa chẳng được thuận hoà, phải chống chọi với đủ các loại mầm bệnh và côn trùng phá hoại rình rập tấn công. Sống giữa thiên nhiên, bốn bề khắc nghiệt, cây lạc đã lựa chọn cho mình khi nở hoa tạo quả lại  âm thầm chui vào lòng đất để được đất ấp ôm, chở che…

Tôi may mắn lớn lên nơi miền quê có đồng xanh cò bay, thẳng cánh, có những sản vật thơm ngon như lạc vừng, khoai lúa. Mỗi thứ đều ươm lên trong tôi một tình yêu cháy bỏng, thiết tha. Nhưng với cây lạc thì không chỉ là yêu mà là sự biết ơn, trân quý, tự hào. Món ăn đặc sản cu đơ làm nên thương hiệu nổi tiếng của quê tôi khắp mọi miền tổ quốc và cả trên thế giới là món quà ngọt ngào mà cây lạc diệu kì  bao đời ban tặng đã góp phần không nhỏ cho nền kinh tế của địa phương. Chúng tôi, những chú chim non sinh ra từ mảnh đất này, được chắp từng đôi cánh khoẻ để tự tin bay vào vũ trụ bao la luôn nhớ về sự hy sinh, gian khổ, nhọc nhằn của ông bà, cha mẹ, luôn nhớ về những loài cây nhỏ bé, quen thuộc, thân thương gắn bó bao đời với tổ ấm quê hương, với ký ức mỗi người…

                                                                                                         L.T.X

 

 Ra đồng (ảnh Mạnh Thắng) 

. . . . .
Loading the player...