Tạp chí Hồng Lĩnh số 225 phát hành tháng 5/2025 trân trọng giới thiệu Tản văn Nhớ mùa cá cạn của Tác giả Đặng Viết Tường
Nhớ mùa cá cạn
Tản văn
ĐẶNG VIẾT TƯỜNG
Làng tôi ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Đất đai cồn bãi, cát bạc. Địa hình nhấp nhô gồ ghề lượn sóng. Hệ thống khe ngòi, rào lạch chằng chịt. Nguồn nước chảy rồng rắn qua đất làng tôi uốn khúc ngoằn nghèo không rõ bao nhiêu khúc Dòng chảy tự nhiên mang theo phù sa bồi đắp cho cánh đồng bờ xôi ruộng mật. Từ thời tiền sử, người tứ xứ về tụ hội, khai khẩn đất đai thành đồng ruộng, ổn định cư dân canh tác mở đất lập làng. Từ khai thiên lập địa đến nay, người dân chủ yếu làm nghề nông nghiệp. Trong làng còn có một bộ phận làm nghề thủ công tơi nón, rèn đúc, mộc nề, đan lát…phục vụ nhu cầu sinh hoạt cuộc sống nơi thôn dã.
Làng ở nơi khe ngò bủa vây, chảy về vùng trũng, nhiều ao chuôm tụ nước, thuận lợi cho loài tôm cá, ếnh nhái sinh sôi. Về mùa thu mưa lụt tràn ngập, đồng làng nước ngập trắng xoá, băng ngàn băng bể. Người các làng ví von làng Tiền là cái túi đựng nước, chưa mưa đã ngập. Về mùa mưa, nước từ khe suối, ao đầm và cánh đồng mang theo các loài tôm cá, thuỷ tộc cùng phù sa về các cánh đồng mênh mông như biển cả bao la. Đất tốt ngưng tụ cánh đồng, xưa trồng lúa giống cũ cao hơn 1 thước Tây. Ruộng đồng cua cá tôm ốc nhiều vô kể. Mùa gặt lúa tháng 5, cũng là mùa cá cạn, đánh bắt cá đồng đem về cúng tổ tiên, thần nông.
Mùa cá cạn, trùng với mùa thu hoạch của nhà nông, mùa nắng lửa gió Lào, nóng như lò lửa thiêu đốt. Với nhà nông, nắng có lợi cho thu hái, phơi phong sản phẩm nhưng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ra đồng bà con đều chuẩn bị dụng cụ chống nắng nóng, giảm sức nóng của thời tiết khắc nghiệt. Từng cơn gió thổi, đưa cái nóng hầm hập, người đi đường đổ mồ hôi như tắm. Trưa hè gió Tây Nam thổi mạnh như bão. Những bụi tre bên đường làng ngả nghiêng, quằn quại, kêu ra tiếng kẽo cà, kẽo kẹt như tiếng võng đưa nôi. Đường làng nóng bỏng như nồi rang. Người đi đường hối hả, đi như chạy nhanh về phía trước. Đảo mắt tìm bóng cây hi vọng ghé vào nghỉ chân tạm nghỉ ngơi. Nắng nóng làm nước ao, hồ, đầm bãi, ruộng sâu cạn dần. Đồng ruộng hiện ra mảng đất bùn, gốc cây lúa, ngọn cỏ hoang dại. Lũ cá bị dồn vào chỗ gốc lúa ruộng sâu trũng, nằm chờ tóm gọn, cho vào giỏ.
Tôi còn nhớ rất rõ hồi còn bé. Nhà tôi ở bên cánh đồng chiêm trũng. Cá tôm nhiều không đếm xuể. Vào mùa nước lớn, đứng trên bờ ruộng nghe rõ cá chép, cá trắm quẫy đạp phành phạch. Trời yên ả lặng gió, nước trong suốt nhìn rõ tận đáy, từng đàn cá rô, cá mương lượn lờ quanh gốc lúa uốn câu. Cá mạ đem cả đàn con chi chít đi tìm miếng ăn. Bói cá lao nhanh xuống nước. Thấy động, cá mạ há mồm rộng, gọi đàn lũ cá con chui vào mồm tránh hoạ. Mùa lúa chín, cũng là mùa đám trẻ câu cá đồng cải thiện giúp cha mẹ. Câu cá cũng được coi là một nghề kiếm kế sinh nhai ở nhà nông. Người dân làm nông cùng quẫn, không có nghề nghiệp làm ăn, đành phải đi tát nước đánh bắt cá, đi câu cá đồng làm kế nuôi bản thân. Họ là những hộ thuộc diện cùng đinh, nghèo khó. Khác với bây giờ, mùa cá cạn trở thành lễ hội trải nghiệm đánh bắt cá bằng dụng cụ thủ công mơm, vó, lưới, câu cá, bắt cá bằng tay là thú vui tao nhã, di sản văn hoá phi vật thể truyền thống cần bảo lưu.
Nhớ xưa, những buổi trưa mùa hạ, nắng nóng, lúa chiêm đã uốn câu, trải thảm vàng óng ánh trên cánh đồng làng Tiền thẳng cánh cò bay. Tranh thủ buổi trưa, tôi rủ mấy đứa bạn ra đồng Rò bắt cá cạn trơ đáy. Nắng nóng, nước bốc hơi, lũ cá rô, diếc, tràu bị dồn xuống chỗ sâu, dưới gốc rạ. Chui vào đám lúa, vạch gốc lúa dùng tay không cá cá. Rất đơn giản, dễ dàng, bỏ cá vào giỏ tre đan. Tranh thủ khoảng một giờ đồng hồ, trưa ra ruộng bắt cá cạn cải thiện cuộc sống. Ngày xưa cá đồng bơi đặc nước, cắt cỏ, gặt lúa cũng dẫm lên cá, bắt được cá đồng cải thiện bữa cơm.
Gặt hái xong, đồng Nấy, đồng Quan sâu trũng, nước cạn đến dưới đầu gối. Hội xã viên, dân làng tôi đắp bờ, khoét trộ hì hục tát nước bắt cá sống ở gốc rạ. Họ đắp những con chạch làm trộ để tát nước. Tát hết buổi. Nước cạn kiệt, trên bùn đất cá bày la liệt, giãy đành đạch. Chú cá tràu ngoe ngẩy đuôi trườn xuống dấu chân trốn chạy. Hàng chục người, nam nữ, già trẻ xuống ruộng mò bắt cá. Hội nhóm bắt sạch cá, không sót con cá nào. Cá lớn, cá nhỏ, tôm tép, cua rạm vét sạch. Một bữa tát ruộng, bắt cá như vậy hội xã viên bắt được vài tạ cá đồng. Hội đem chia đều cho mọi người. Cũng vào mùa cá cạn, tôi và chúng bạn ra khe suối, đầm phá nơm cá. Có khi làm trộ nhảy bắt cá. Ban đêm thì đi soi bắt cá bằng đèn soi. Khi làng xá vực mở hội bắt cá lại đi bắt cá bằng dụng cụ thủ công truyền thống. Ngày ấy, vào mùa cá cạn làng trên, xóm dưới sôi động, đến hẹn lại hò hét, gọi nhau ra đồng bắt cá.
Bao nhiêu năm xa quê, đi khắp bốn phương trời, nay có dịp trở về làng Tiền quê tôi đổi thay. Đường làng vắng bóng rặng tre đung đưa gió Lào, không còn nghe tiếng kẽo cà kẽo kẹt. Đồng ruộng đã cải tạo, không còn cây lúa cũ cao hơn 1 thước Tây. Thay vào đó là giống mới, ngắn ngày năng suất cao. Làng tôi không còn ruộng sâu, nguồn cá đồng cũng cạn kiệt do việc đánh bắt quá mức, tuỳ tiện, mang tính chất cá thể, không có kế hoạch đánh bắt và bảo tồn nguồn lợi cá đồng. Trước chỉ đánh bắt bằng tay, dụng cụ thủ công như mơm, vó, nhủi,… mỗi khi xã tổ chức lễ hội bắt cá đồng. Nay đánh bắt bằng các phương tiện như thuốc nổ, kính điện, bắt cá lớn cá giống, huỷ diệt môi trường sống của cá tôm và các loài thuỷ sinh khác. Nhà nông canh tác bằng các loại phân hoá học làm đất mất độ phì nhiêu, thói quen sử dụng thuốc trừ sâu và các loại chất thải gây ô nhiễm nguồn nước ngọt, ảnh hưởng đến sinh sản, sự sống của tôm cá. Rồi nạn khai thác, đào đắp đồng ruộng chắn ngang, nắn dòng, đổ đất đá lấp khe suối, ao, sông lạch, phá huỷ rừng ngập nước, đầm lầy, vùng bãi cỏ cây đã làm mất nơi cá trú ngụ và sinh đẻ nòi giống.
Khi hàng phượng ven đường quan lộ bung hoa, gặp một toán thanh niên nam nữ chở nhau mang nơm đi bắt cá đồng, tôi lại nhớ mùa cá cạn da diết, nhớ cái thưở ngày xưa chân lấm tay bùn theo bầu bạn đi nơm cá đầm vực, nơm đồng Nấy, đồng Quan, nơm bắt cá cạn. Nay về thăm quê cha đất tổ, mà buồn bã không nguôi khi thấy nguồn cá đồng đang ít dần một cách đáng sợ. Hãy làm gì đây để bảo vệ môi trường sinh sống của cá đồng và bảo tồn hội đánh bắt cá thủ công của quê hương tôi. /.
Đ.V.T