10-03-2023 - 08:52

Tản văn THỜI GIAN GỘI TÓC MẸ TRẮNG HOA LAU của ĐINH TIẾN HẢI

Tạp chí Hồng Lĩnh số 199 phát hành tháng 3/2023 trân trọng giới thiệu Tản văn THỜI GIAN GỘI TÓC MẸ TRẮNG HOA LAU của ĐINH TIẾN HẢI

ĐINH TIẾN HẢI

 

THỜI GIAN GỘI TÓC MẸ TRẮNG HOA LAU

                                                                                                 Tản văn

 

Mỗi lần đi xa trở về làng cũ, lòng luôn tự hỏi lòng, giờ này mẹ đang làm gì? Đã bao lần đi xa rồi trở về vẫn vậy, lần nào cảm xúc cũng chật đầy thương nhớ. Nhớ lối vào con ngõ nhỏ liu xiu hoa tóc tiên dịu dàng trong nắng, nhớ ô cửa sổ sơn màu xanh nhìn ra khu vườn gió lay vàng hoa cải, nhớ cái bể nước mưa đã lên màu rêu phong cũ kỹ. Mẹ tôi đấy! mẹ đang ngồi chải tóc trong chiều chạng vạng, bóng mẹ chập chờn in lên vách thời gian. Đôi bàn tay nhăn nheo, đồi mồi theo năm tháng, đôi bàn tay đón các con về, đôi bàn tay tiễn các con đi. Lần nào về, tôi cũng đứng lặng nhìn dáng mẹ, lúc thì mẹ đang quét dọn bên thềm nhà, lúc thì lui cui bên bếp lửa, chỉ đến khi phát hiện ra tôi về, mẹ mới giật mình mắng vốn: “Cha bố nhà anh, về mà không báo trước cho mẹ một câu…”. Tôi cười, ôm đôi vai gầy guộc của mẹ, nhận ra tóc mẹ đã bạc trắng hoa lau, mỗi sợi tóc đều được đắp đổi bằng những năm tháng nhọc nhằn đời mẹ, mỗi sợi tóc đều mang dấu ấn thời gian mà mãi sau này tôi chẳng thể nào quên được.

Ký ức luôn là điều đã cũ, nhưng với tôi ký ức về mẹ, về những năm tháng tuổi thơ vất vả, lam lũ, về tình yêu thương, nỗi buồn, sự tiếc nuối, luôn hiện hữu trong tâm trí. Nó như một thước phim, một cuốn nhật ký mà tôi luôn mang theo bên mình mỗi khi nghĩ về mẹ. Ngày ấy, thập niên 70 của thế kỷ trước, mẹ tôi là cô công nhân trồng dâu, nuôi tằm xinh đẹp bên ven bờ sông Đáy. Bố tôi là người lính thông tin ở mặt trận phía nam. Tôi sinh ra vào đúng năm miền nam hoàn toàn giải phóng. Mẹ kể, tháng ba năm ấy vào đúng cữ rét nàng Bân, ngoài trời mưa phùn, gió bấc, hoa gạo rụng đỏ trời, mẹ hạ sinh tôi trong trạm y tế nằm giữa cánh đồng bạt ngàn dâu, lúa lao xao. Tôi khóc dạ đề đúng ba ngày, ba đêm. Sau sinh, mẹ bị suy nhược cơ thể và kiệt sức do thiếu chất dinh dưỡng. Mái tóc thời con gái của mẹ từ lúc dày mượt và đen bóng đã bắt đầu rụng dần và lốm đốm sợi bạc. Bố trở về sau chiến tranh, tài sản duy nhất của bố là chiếc hòm đạn mang về từ chiến trường. Mẹ vui mừng khi thấy bố trở về nguyên vẹn và được chuyển ngành sang ban nông nghiệp của huyện. Mẹ không quản ngại nhọc nhằn thức khuya, dậy sớm với nghề trồng dâu, chăn tằm. Ngày ấy, thời bao cấp ai cũng vất vả, khổ cực, nhưng có lẽ nghề ươm tơ, quay sợi, trồng dâu, chăn tằm còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Cơ quan mẹ ai cũng thuộc lòng câu: “Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Trại dâu tằm ngày ấy, bây giờ chỉ còn trong ký ức và hoài niệm, nhớ lại, tôi vẫn hình dung ra dáng mẹ áo mỏng thân gầy giữa trưa hè lụi cụi hái dâu giữa cánh đồng nắng như đổ lửa. Mẹ không bao giờ kêu ca, than vãn, không cầu mong ao ước điều gì cho riêng bản thân mình, mẹ chỉ mong tháng ba giáp hạt nhà có đủ gạo để ăn và các con lớn lên khỏe mạnh, trưởng thành.

Sau này đi xa, mỗi lần trở về tôi lại nhớ cái trại dâu tằm, nhớ những người đồng nghiệp của mẹ, nhớ những đứa trẻ được sinh ra sau chiến tranh ở cái trại ấy đến quắt quay. Nhiều lần tôi trở lại con dốc dẫn vào cơ quan cũ của mẹ, khu tập thể được xây bằng những căn nhà cấp bốn lợp ngói, trường học, trạm y tế và những bãi dâu xanh chạy dài tít tắp đã không còn nữa, thay vào đó là một khu công nghiệp vừa và nhỏ mọc lên của các hộ dân sau khi cơ quan cũ giải thể. Vài năm về trước vẫn còn sót lại mấy cái lò vôi, lò gạch cũ bị bỏ hoang bên hai cây gạo già cổ thụ, mỗi độ tháng ba về hoa rụng đỏ những con đường mòn, nơi làm nền cho các cô cậu choai choai làng bên sang đó chụp ảnh mùa hoa gạo. Tôi nhớ những lò vôi, lò gạch ấy bởi mẹ thường sang xí nghiệp đốt vôi gánh đá thuê vào những ngày cuối tuần. Nhà đông con, mẹ tuy chân yếu tay mềm nhưng vẫn một mình làm thêm những công việc nặng nhọc để kiếm sống nuôi gia đình. Hầu như suốt năm, suốt tháng chẳng bao giờ thấy mẹ nghỉ ngơi, cứ đầu tắt, mặt tối lo cái ăn, cái mặc cho năm đứa con. Bố thì bận công tác trên huyện cuối tuần mới được nghỉ một buổi về nhà nên chẳng mấy khi giúp được mẹ. Cuộc đời mẹ quá nhiều gian truân, vất vả, không quản ngại nắng mưa, khuya sớm, không quản ngại khó khăn nguy hiểm. Mẹ nhanh nhẹn, đảm đang tháo vát, luôn nhận về mình những vất vả, thiệt thòi. Có lẽ, guồng quay cuộc sống với bốn lần chuyển nhà, ba lần chuyển cơ quan đùm túm gánh theo lũ con nhỏ dại cũng đủ làm cho tóc mẹ bạc nhiều hơn.

Bây giờ thì mẹ đã về nghỉ chế độ bên ngôi làng cũ. Ngôi nhà có mảnh vườn yên bình của ông, bà tôi để lại. Suốt cuộc đời công nhân từ khi mái tóc còn xanh đến khi tóc bạc, gia tài của bố mẹ tôi mang về chỉ có một chiếc hòm tôn đựng lúa, lạc, đậu đỗ cùng chiếc tủ gỗ có hai mặt bằng kính đựng thuốc y tế có dấu cộng màu đỏ to tướng in đằng trước. Chiếc tủ này là cơ quan thanh lý hồi mẹ làm nhân viên y tế. Bố chở theo chiếc tủ đạn cá nhân mang về từ chiến trường. Trong đó chứa toàn bằng khen, huân huy chương, giấy chứng nhận thương bệnh binh, chiếc đài VEF 206 của Liên Xô và những bức thư tình viết cho mẹ từ ngày còn trong quân đội. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh bố, mẹ tôi tóc muối tiêu đi về trên cánh đồng làng bình yên trong chiều gió thổi. Mẹ bảo, tài sản quý nhất của bố, mẹ chính là nhìn thấy các con đã trưởng thành. Bố không nói gì, nhưng đằng sau sự nghiêm khắc của bố là cả một tấm lòng hi sinh suốt cuộc đời vì con cái.

Chiều nay trở về thấy mẹ đang ngồi nhóm lửa, mùi của khói, mùi của vỏ trấu, mùi của rơm rạ quấn quyện thơm lừng căn bếp khiến lòng tôi trùng xuống. Tôi đứng lặng bên hàng hiên nhìn dáng mẹ hao gầy, mái tóc mẹ đã bạc trắng hoa lau theo thời gian, từng nếp nhăn đã hằn sâu trên khuôn mặt theo năm tháng. Chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Lai: “Ngẩng hỏi giời vậy / sao mẹ ta già / không một lời đáp / mây bay về xa”. Không ai trả lời tôi cả, chỉ có tiếng củi lửa nổ tí tách và mùi thơm của lá hương nhu, bồ kết mới gội trên tóc mẹ làm căn nhà ấm cả một mùa xuân.

                                                                                              Đ.T.H

                                Chải tóc cho mẹ, ảnh Lê Hồng Quang 

. . . . .
Loading the player...